Ba buổi sáng với Trần Dần

09:12 03/06/2008
Có những con người mà ta chỉ gặp một đôi lần trong đời để rồi mãi nhớ, mãi ám ảnh về họ. Với tôi, nhà văn Trần Dần là người như vậy.

Tôi đã đọc tiểu thuyết “Người người lớp lớp” của ông từ lúc học trường làng ở Quảng Bình trong tủ sách ba tôi để lại. Trong tưởng tượng của tôi ông là một chiến binh cao lớn, oai vệ lắm. Nhưng khi gặp ông lần đầu ở Huế cách đây gần mười năm tôi chợt ngớ ra trước một ông già nhỏ bé, bạc trắng tóc râu, một chân bị liệt phải chống chiếc gậy trúc, đi đứng nhọc nhằn, lên bậc tam cấp phải có người dìu đỡ. Tiếng ông nói vang, ấm nhưng thường bị hụt hơi vào cuối câu, nên rất khó nghe. Chỉ đôi mắt ông là rực sáng, long lanh như hai hột ngọc. Đôi mắt ấy phát sáng cho ta đọc được một tính cách mạnh mẽ. Đôi mắt lấp lánh của một tư chất thông minh, nhạy cảm và đầy tin cậy. Và khi tiếp xúc nhiều lần với ông, nghe ông đọc thơ, nghe ông kể chuyện và đọc thơ văn ông, tôi nhận ra một điều lý thú: Ngôn ngữ của ông cũng long lanh ánh sáng rất ấn tượng như mắt ông!
Chuyến ông được Phùng Quán “tháp tùng” vào Huế đầu tháng 5/1988 theo ông kể là chuyến vô Huế lần thứ hai. Hồi còn trẻ, năm 1946, ông theo một “bóng hồng” vô Huế như một lữ khách giang hồ. Sau ba mươi năm “ngồi một chỗ” ở Hà Nội, vào Huế ông được mời tiếp xúc, đối thoại với công chúng hai buổi tối ở Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên (cũ), và ở Nhà Văn hóa Thanh Niên Thành Đoàn Huế. Buổi tối ngày 14-4-1988, vợ chồng tôi vinh hạnh được mời cơm ông, anh Phùng Quán, cùng các anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quang Lập, Vĩnh Nguyên. v..v. tại căn hộ tập thể của tôi ở chân dốc Bến Ngự, gần nhà Cụ Phan Bội Châu. Khi ông tới nhà, vợ tôi cứ bấm vào lưng tôi hỏi: “Xưng hô bằng gì? Xưng hô bằng gì?”. Vợ tôi hỏi thế bởi lúc đó ông đã sáu mươi hai tuổi, lớn hơn tôi tới hai giáp, hơn cả tuổi bố vợ tôi! Anh Hoàng Phủ Ngọc Tường nhìn vợ tôi cười rồi nói lớn: “Tất cả các nhà thơ, nghệ sĩ đều phải gọi bằng “Anh” tất!”. Trong bữa, anh em thì uống rượu với đồ nhắm. Riêng Trần Dần không ăn được các thứ thức nhậu, chỉ uống tí rượu và ăn bánh nậm, bánh lọc, bánh bèo Huế cùng với hai cháu nhỏ Hải Bình, Hải Tân. Tối hôm đó mất điện, phải thắp đèn dầu, nhưng câu chuyện văn chương hội ngộ vẫn rôm rả đến tận khuya. Tan cuộc, chống gậy đứng dậy, Trần Dần thốt lên: “Ở Huế ăn ngon, hợp khẩu vị, không cay như món ăn Ấn Độ. Bánh của nhân loại Huế, nhân loại tím là chúa sơn lâm! Các nơi khác cũng có nguyên liệu ấy, mà không làm được”. Rồi ông nói sang chuyện văn chương. “Cái ngon, cái mới cũng có sẵn đâu đó như là bánh Huế. Chỉ có người thích làm, dám làm, biết làm mới làm được...”. Sau các buổi “ra mắt” ấy, ông lại “ngồi” tại khách sạn 2 - Lê Lợi, chỗ ông được bao trọ. Tại đây tôi có ba buổi sáng trò chuyện với ông. Nói đúng hơn là tôi đặt câu hỏi rồi ngồi nghe ông nói. Và ghi chép như một nhà báo. Ông nói rất hay, rất cuốn hút.
Sáng hôm sau, tôi đến khách sạn phòng 4 Khu A, Khách sạn 2 - Lê Lợi Huế hầu chuyện ông. Thấy ông ngồi một mình trên giường, tôi hỏi sao không đi chơi đâu đó với anh Quán. Ông nói: Phùng Quán ngồi không yên, chỉ thích đi. Mình ngồi ba chục năm quen rồi. Ngồi mà vẫn đi, vẫn ngao du. Mình có cuốn sổ “bụi”, sổ “ngao du”. Mình đi chơi lang thang trong cuốn sổ này. Đây là sổ để ghi tất cả những gì mới nghĩ ra, có khi ngoài cả ý thức. Đó là cách đi của mình. Đang nói rồi ông chợt dừng lại, chớp mắt, hỏi tôi: “Ngô Minh có quen Dương Tường không?”. Tôi bảo có đến nhà uống rượu với anh ấy mấy lần. Ông bảo: “Dương Tường hợp với tính mình, nó ngồi được. Nghĩ nhiều hơn đi!” Tôi hỏi ông có thích uống rượu không, Huế có rượu Chuồn, rượu Hiếu ngon chẳng khác gì rượu làng Vân ngoài Bắc. Ông bảo: Mình không uống được nhiều rượu. Vui thì làm một ly. Nhưng nói chung thì không uống. Mình chỉ “nghiện” thuốc Lào. Thuốc Lào phải hút bằng đóm, châm vào đèn dầu hỏa như các cụ ở quê, mùi muội đèn làm cho thuốc “bắt” hơn.
Tôi lái sang chuyện thơ. Ông phấn chấn hẳn lên. “Thơ là cái thăm thẳm. Thơ là cái không lường được như Arixtốt nói. Không thể lường được với các nhà thơ!. Có người khuyên cụ Phan (Bội Châu): “Lập thân tối hạ thị văn chương”. Cụ Phan không nói gì mà chỉ cười. Rồi cụ Phan vẫn lấy văn chương mà lập thân. Văn chương có hai loại: Văn chương quân tử và văn chương tiểu nhân. Văn chương tiểu nhân thì không lập thân được. Văn chương Cụ Phan hướng tới mục đích là văn hiến, văn hóa là khai sáng.
Vào Huế mình thấy Huế đúng là xứ thơ. Thơ là trời, là đất, là vũ trụ. Phải có các yếu tố ấy mới có thơ hay, thơ lớn! Ở đây vừa có trời, vừa có trăng sao, lại vừa có đất. Ở các thành phố hiện đại trẻ con không biết có ông trăng, không biết có trời, lại không biết có đất vì chỗ nào cũng gạch lát với đường nhựa. Ở phố Cổng Tỉnh ( Định) quê mình cũng có trời, có đất. Trời đất Cổng Tỉnh cho mình tiểu thuyết thơ “Cổng Tỉnh”! Tôi rất kinh ngạc khi ông đọc cho tôi nghe một danh sách dài hơn 30 cuốn mà ông viết trong 30 năm qua, kể từ vụ “nhân văn”, từ sau Người người lớp lớp, Nhất định thắng, Cách mạng Tháng 8 (1955 - 1956). Đó là các tác phẩm “Đây Việt Bắc (thơ 1957); 17 tình ca(1958 - 1959); Cổng Tỉnh (1960 tập thơ); Đêm núm Sen (1961 - tiểu thuyết); Những ngã tư và những cột đèn (tiểu thuyết - 1964); Mùa sạch (tập thơ); Chòe một ngày Cẩm Phả (1965 - tiểu thuyết); Con trắng (1967 - tập thơ hồi ký); Đọng đất tâm thần (tập thơ - 1974); Thơ không lời - mây không lời (tập thơ - 1978); Thiên Thanh - 77 - ngày ngày (1979); 36 - thở dài - Tư Mã dâng sao (thơ - 1980); Thơ Mi ni (1987)..v.v.. và rất nhiều tác phẩm văn học dịch. Quả là một sức sáng tạo cực kỳ. Đa số các tác phẩm trên chưa được in. Gần đây ông được Nhà xuất bản Hội Nhà văn in Bài thơ Việt Bắc (trường ca - 1990) và tập thơ Cổng Tỉnh (1995). Tập thơ Cổng Tỉnh được tặng thưởng Hội Nhà văn Việt 1995. Âu đó cũng là niềm an ủi đối với ông sau mấy mươi năm vắng bóng trên văn đàn. Nhưng còn rất nhiều bản thảo của ông chưa được xuất bản, mong sao các tác phẩm ấy sớm đến được với độc giả.
Sáng hôm sau ông lại say sưa nói với tôi về thơ. Trần Dần cho rằng: “Làm thơ là làm chữ. Con chữ nó đẻ ra nghĩa, sẽ được nhiều nghĩa. Cái biết rồi là cái nghĩa. Cái chưa biết là cái chữ. Nếu làm thơ mà làm nghĩa rồi mượn chữ để diễn đạt nghĩa thì nghĩa sẽ hẹp. Cái chưa biết mới là cái thăm thẳm. Cái chưa biết chính là cái mới. Nguyễn Du vừa là chữ vừa làm nghĩa. Ví dụ câu: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”, là làm nghĩa. Còn câu Mai sau dù có bao giờ là làm chữ. “Ngô Minh thấy không - ông nhấn mạnh - Câu thơ hoàn toàn hư tự mà lại đa nghĩa, đa cảm! Có anh bạn làm thơ ở Hà Nội, tôi và Phùng Quán thường gọi là “Thi sĩ Chúc Bờ sông” vì ông ấy ở bên bờ sông Hồng. Ông ta có nhiều bài thơ cực ngắn. Ví dụ có bài có cái tựa đề là Vợ chồng. Còn cả bài thơ chỉ có một chữ: Xong! Tôi có lời bình rất tâm đắc về bài thơ ông Chúc ấy, nhưng bị Phùng Quán chê là quá dài dòng! Lời bình của tôi là: Vợ chồng - cái mớ bòng bong ấy gọi là xong!. Chữ của thơ nó khiếp thế đấy Ngô Minh ạ. “Gần đây tôi làm nhiều thơ ngắn. Cực ngắn. Gọi là thơ mi ni. Mỗi bài thơ chỉ một hai câu. Cũng muốn đưa ra một “loại” thơ mới, trọng cái chữ hơn! Ví dụ bài một câu: “Mưa rơi không cần phiên dịch”. Hay bài có hai câu: “Có những chân trời không có người bay/  Lại có những người bay không có chân trời!”..v..v..
Tôi nhắc lại chuyện năm 1946, ông cùng với Đinh Hùng và một số bạn thơ lập nên mhóm “Dạ Đài” với tuyên ngôn thơ tượng trưng. Chủ trương làm cuộc “cách mạng” đổi mới thơ ca. Thực tế ông vừa là người chiến sĩ tham gia kháng chiến chống Pháp, đánh trận Điện Biên Phủ, viết tiểu thuyết ca ngợi người lính cách mạng một cách hết lòng; vừa là “chiến sĩ thơ” luôn trung thành và xông xáo với ước vọng “đổi mới thơ ca”. Ông nhìn ra xa, lặng lẽ châm đóm thuốc lào. Rồi ông nói, giọng trầm hơn: “Hôm qua tôi nói trước công chúng là “chôn tiền chiến”, chắc có người hiểu chưa hết ý tôi. Thơ văn tiền chiến là thành tựu rất lớn của văn học Việt . Không thể phủ nhận! Nhưng thế hệ mình, sau tiền chiến, phải có cái mới của mình chứ. Thơ phải luôn luôn tự đổi mới. Bắt chước tiền chiến là một loại bệnh! Tôi gọi đó là bệnh đèm đẹp. Giống như người trồng hoa mà mỗi buổi sáng lại đi rưới nước hoa vào mỗi luống hoa. Quen dần trong nếp cũ, sẽ không còn khả năng sáng tạo ra cái mới, cái có ích. Tức là mất khả năng khám phá. Là “chết dần” với những cái cũ lặp lại. Cho nên phải chôn văn học tiền chiến (Tự Lực văn đoàn, Thơ “mới”...) vào lịch sử!. Có như vậy mới mở ra được một thời đại văn học thực sự mới. Loài người phải luôn khám phá, sáng tạo cái mới. Tự do là tất yếu là một phát kiến lớn. Nhưng Hội nghị triết học bàn tròn thế giới tại Pháp lại cho rằng Tự do là phản tất yếu, cũng là một phát kiến cách mạng không kém! Con người không thể bay vì con người không có cánh như chim - đó là tất yếu. Nhưng con người muốn bay và bay được - đó là phản tất yếu! Những người lắp cánh bằng màng mỏng vào tay, bay từ tầng lầu cao xuống đã chết.  Đó là cái chết của ước muốn bay. Đó là sự hy sinh để mở đầu kỷ nguyên khoa học hàng không và vũ trụ. Đó là Tự Do! Đi vào cái mới, khám phá cái mới cũng có thể phải chết. Nhưng nếu không có sự khai phá, sự dấn thân của một cá nhân, một nhóm, một thế hệ, thì cả nhân loại chỉ có “tự do” sống trong cái cũ! Vì thế mà tôi luôn chủ trương đổi mới thơ. Đấy tôi nói “chôn tiền chiến” là “chôn” theo ý nghĩa cách mạng ấy, chứ không phủ nhận ai cả!
Ông tự gọi mình là Mã Tư Gãy. Ấy là sự buồn của đời ông. Nhưng trong tôi ông bao giờ cũng để lại ấn tượng mạnh, rất mạnh. Bây giờ ông đã trở thành người thiên cổ. Tôi viết mấy dòng về cuộc gặp gỡ với ông ở Huế như nén nhang tưởng niệm ông, một nhà văn suốt đời vì những con chữ Việt!
Huế, một ngày đông nhớ

NGÔ MINH
(nguồn: TCSH số 154 - 12 - 2001)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Những năm đầu sau ngày miền giải phóng, có mấy lần nhà thơ Xuân Diệu vào các tỉnh Nam Trung Bộ và dừng ở Nha Trang ít ngày. Đến đâu Xuân Diệu cũng nói chuyện thơ, được người nghe rất hâm mộ, đặc biệt là giới trẻ.

  • Có nhiều khi trong đời, “trôi theo cõi lòng cùng lang thang” như Thiền sư Saigyo (Nhật Bản), bất chợt thèm một ánh lửa, một vầng trăng. Soi qua hương đêm, soi qua dòng văn, soi qua từng địa chỉ... những ánh lửa nhỏ nhoi sẽ tổng hợp và trình diện hết thảy những vô biên của thế cuộc, lòng người. “Trong mắt tôi” của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã là ánh lửa ấy, địa chỉ ấy.

  • 1. Kawabata Yasunari (1899 -1972) là một trong những nhà văn làm nên diện mạo của văn học hiện đại Nhật Bản. Ông được trao tặng giải Nobel năm 1968 (ba tác phẩm của Kawabata được giới thiệu với Viện Hoàng gia Thụy Điển để xét tặng giải thưởng là Xứ Tuyết, Ngàn cách hạc và Cố đô).

  • (Thơ Đỗ Quý Bông - Nxb Văn học, 2000)Đỗ Quý Bông chinh phục bạn hữu bằng hai câu lục bát này:Đêm ngâu lành lạnh sang canhTrở mình nghe bưởi động cành gạt mưa.

  • Thạch Quỳ là nhà thơ rất nhạy bén trong việc nắm bắt thông tin và chóng vánh tìm ra ngay bản chất đối tượng. Anh làm thơ hoàn toàn bằng mẫn cảm thiên phú. Thơ Thạch Quỳ là thứ thơ có phần nhỉnh hơn mọi lý thuyết về thơ.

  • Kỷ niệm 50 năm ngày mất nhà văn Nam Cao (30.11.1951-30.11.2001)

  • Có một con người đang ở vào cái tuổi dường như muốn giũ sạch nợ nần vay trả, trả vay, dường như chẳng bận lòng chút nào bởi những lợi danh ồn ào phiền muộn. Đó là nói theo cái nghĩa nhận dạng thông thường, tưởng như thế, nơi một con người đã qua "bát thập". Nhưng với nhà thơ Trinh Đường, nhìn như thế e tiêu cực, e sẽ làm ông giận dỗi: "Ta có sá gì đi với ở".

  • Nhà thơ Trinh Đường đã từ trần hồi 15g10’ ngày 28.9.2001 tại Hà Nội, thọ 85 tuổi. Lễ an táng nhà thơ đã được tổ chức trọng thể tại quê nhà xã Đại Lộc huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng , theo nguyện vọng của nhà thơ trước khi nhắm mắt.

  • Phan Ngọc, như tôi biết, là người xuất thân trong gia đình Nho giáo, đã từng làm nghề dạy học, từ năm 1958 chuyển sang dịch sách, là người giỏi nhiều ngoại ngữ. Hiện nay, ông đang là chuyên viên cao cấp của Viện Đông Nam Á (Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia).

  • Trước tình hình số tập thơ được xuất bản với tốc độ chóng mặt, người ta bỗng nhiên cảm thấy e ngại mỗi khi cầm một tập thơ trên tay. E ngại, không phải vì người ta sợ nhọc sức; mà e ngại vì người ta nghĩ rằng sẽ phải đọc một tập thơ dở! Cảm giác ấy xem ra thật là bất công, nhưng thật tình nó quả là như vậy.

  • Những năm từ 1950 khi học ở trường trung học Khải Định (Quốc học Huế), tôi đã đọc một số bài thơ của Dao Ca đăng trên một số tờ báo như Đời mới, Nhân loại, Mới, Thẩm mỹ...

  • Tôi đến tìm ông vào một buổi sáng đầu đông, trong căn nhà ngập tràn bóng tre và bóng lá. Nếu không quen ắt hẳn tôi đã khá ngỡ ngàng bởi giữa phồn hoa đô hội lại có một khu vườn xanh tươi đến vậy!.

  • LTS: Rạng sáng ngày 11-7-2001, Toà soạn nhận được tin anh Đoàn Thương Hải - hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, sau một cơn đột quỵ, mặc dù đã được gia đình, bạn bè và các thầy thuốc Bệnh viên Trung ương Huế tận tình cứu chữa nhưng không qua khỏi, đã rời bỏ chúng ta an nhiên về bên kia thế giới!Tạp chí Sông Hương - Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế xin có lời chia buồn sâu sắc tới gia quyến nhà văn.Sông Hương số này xin giới thiệu hai bài thơ cuối cùng của anh được rút ra từ tập thơ chép tay lưu giữ tại gia đình.TCSH

  • Thơ Đặng Huy Giang xuất hiện trên thi đàn đã nhiều năm nay; song thật sự gây ấn tượng với bạn đọc phải kể đến một vài chùm thơ mà báo Văn nghệ đăng tải trên trang thơ dự thi 1998 - 2000; đặc biệt sau đó anh cho ra mắt bạn đọc hai tập thơ một lúc: Trên mặt đất và Qua cửa.

  • Có lẽ với phần lớn không gian thơ Phan Trung Thành, làm thơ là trò chuyện ân tình với những bóng dáng cũ, thuộc về quê nhà.

  • Trong bài viết điểm lại văn học năm 2000, sự kiện và bình luận, tôi có nêu hai tác giả trẻ, cùng là nữ, cùng có tác phẩm đáng chú ý trong năm, một người tập truyện, một người tập thơ. Người thơ là Vi Thùy Linh.

  • (Đọc “Gặp lại tuổi hai mươi”(*) của Kiều Anh Hương)Ngay bài thơ in đầu tập “Vùng trời thánh thiện” có hai câu đã làm tôi giật mình, làm tôi choáng ngợp:            “Những lo toan năm tháng đời thường            Như tấm áo chật choàng lên khát vọng”

  • đầu tháng 4 năm ngoái, sau khi tuần báo “Văn nghệ” của Hội Nhà văn Việt Nam đăng truyện ngắn dự thi “Quả đồng chùy tóc bện” của Trần Hạ Tháp - một bút danh “mới toanh” trên văn đàn, tôi ghé tòa soạn “Sông Hương” hỏi nhà văn Hà Khánh Linh:- Chị biết Trần Hạ Tháp là ai không? Tác giả chắc là người Huế...

  • Trương Văn Hiến có sở học phi thường và mang trong người một hoài bão lớn lao: an bang tế thế bình thiên hạ.

  • (Qua “Sau tách cà phê” của Nguyễn Trác, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000.)1- Sau năm năm từ “Chiếc thuyền đêm” (năm 1995), hình như  “đến hẹn lại lên”, nhà thơ Nguyễn Trác lại ra mắt bạn đọc tập “Sau tách cà phê”.