Ánh trăng

15:13 26/12/2008
NGUYÊN QUÂNTôi đứng lại giữa vườn. Đêm mênh mông oà vỡ ánh trăng. Trăng trên thềm nhà, trăng trên ngọn lá, trên những tàng cây um tùm. “Điêu tàn, hoang vắng quá”- tôi than thầm. Hình như lâu rồi chẳng ai vun xới chăm sóc và hình như cũng lâu lắm rồi tôi mới về lại trong khu vườn đầy kỷ niệm này.

Tôi bước thật khẽ, từng bước chậm trên con đường rải đầy những viên cuội trắng phai qua nhiều mùa mưa nắng, không có giọng nói hồn nhiên dịu ngọt, không có nụ cười trong vắt, không có tiếng đàn Violon réo rắt du dương. Tất cả chỉ còn rơi sót lại tiếng lao xao của bàn chân hoài niệm trên lớp cuội óng ả màu trăng.
Dưới gốc cây bạch mai già cỗi sần sùi, vẫn chênh vênh trống vắng một chiếc ghế đá, tôi cúi xuống phủi nhẹ lên lớp bụi bám dày và những chiếc lá khô quắt trên mặt ghế, chẳng biết
những chiếc lá này đã nằm lặng lẽ ở đây từ năm tháng nào. Một thoáng động làm tôi giật mình... không... không phải tiếng gọi vọng lên từ ký ức sâu thẳm mà chỉ là cái đập cánh của con chim đêm bị đánh thức bất chợt bay vút qua che khuất một khoảnh trăng. Khoảng vườn, ngôi nhà bỗng dưng chìm xuống, mù mờ như trí nhớ tôi về Thuỷ Chung, tên của cô bé hồn nhiên thánh thiện, không vướng bận, không khúc mắc như con chim khuyên bé nhỏ. Hồi ấy, tôi lớn hơn cô bé chẳng bao nhiêu tuổi, vậy mà đã lạc lõng giữa muôn điều hỗn độn, cái trong sáng tuổi thanh niên tôi đem đánh đổi lấy từng ngụm khói thuốc mông muội, đổi lấy sự buông thả xuẩn ngốc. Và cô bé đã đến, đã nói với tôi bằng ngôn ngữ của thiên thần, của ánh sáng dịu mềm từ vầng trăng rằm rạng rỡ.
 

Gia đình từ chối hắn như cái ung nhọt cần phải cắt bỏ. Chưa qua hết tuổi hai mươi hắn đã trở thành nỗi nhức nhối của mọi người. Sự nghiện ngập ma tuý nhanh chóng lôi hắn ra khỏi vòng tay trường lớp, gia đình. Từ một học sinh cuối bậc trung học tương đối ngoan giỏi, bỗng chốc hắn biến dạng thành kẻ bỏ đi. Nguyên nhân sự thay đổi quái quỷ đó chỉ một mình hắn biết tại sao.
Bắt đầu từ chút tự ái vặt giữa đám bạn bè, một lời nói khích, vậy là hắn hiên ngang chơi hết cả một điếu thuốc không bình thường bởi mùi khen khét, nồng đậm. Cái cảm giác lâng lâng, choáng váng lẫn tiếng nhạc kích động loạn cuồng trong một góc quán mờ ảo, nhanh chóng thấm vào trong trí não, huyết mạch hắn... Chỉ chút tự ái và cứ ngỡ chơi cho biết, nào ngờ... hắn không cưỡng lại được cái cảm giác, cái hấp lực ma quái đó. Gia đình và nhà trường sau nhiều lần khuyến dụ cảnh tỉnh hắn, nhưng không được nên bỏ mặc. Không còn ai quan tâm, hắn càng lạc lẫm, càng lún sâu vào nghiện ngập. Từ những điếu cần sa để nghe nhạc cho bốc, dần dần hắn khoái đi tìm cảm giác mạnh hơn từ bạch phiến. Thiếu tiền mua thuốc hắn trở thành thằng ăn cắp liều lĩnh, thoạt đầu chỉ dám chơm chĩa, cắp vặt đồ đạc trong nhà và rồi là hàng xóm láng giềng, bất cứ ai sơ hở là hắn thò tay đến, chẳng chừa thứ gì. Cũng từ đó, ở con phố trầm lặng bé nhỏ này, hầu như ai cũng đề phòng, xua đuổi mỗi khi thấy mặt hắn.

Ngôi nhà hoang ở cuối con xóm nhà hắn, kiến trúc theo lối cổ, nằm bề thế giữa khu vườn rộng mênh mông, rậm rịt cây lá, cỏ dại mọc tràn che khuất cả lối đi, càng điểm xuyết thêm vẻ ghê rợn cho ngôi nhà vốn đã được truyền tụng nhiều câu chuyện ma quỷ ly kỳ qua những người già trong xóm, nên chẳng mấy ai dám leo qua cánh cổng sắt rỉ sét được khoá cứng từ lâu. Nhưng chính vì thế lại trở thành nơi trú ẩn, là
thiên đường đối với loại người bị xã hội đào thải như hắn. Hắn chẳng hề tin chuyện ma quỷ, “...mà nếu như có thật thì bây giờ ma cũng phải sợ cái hình hài rách rưới của mình...”- hắn thích thú với ý tưởng so sánh ấy và luôn miệng tạ ơn những câu chuyện được ai đó thêu dệt về hồn ma bóng quỷ trong ngôi nhà cổ, đã tạo cho hắn một nơi dung thân lý tưởng. Nhưng chừng như lời tạ ơn của hắn chẳng lọt được tai các vị ấy.

Một buổi sáng lúc hắn vừa rời khỏi khu vườn, lang thang xuống chợ đi săn mấy bà nội trợ sơ hở để kiếm chác, thì căn nhà hoang ấy chợt xôn xao hẳn lên. Hai ba chiếc xe tải chở đầy vật liệu cùng những con người lạ hoắc đẩy tung cánh cổng sắt nặng nề, họ tất bật phát dọn cỏ dại, lá khô nhiều năm dồn tu, thoáng chốc biến thành ngọn lửa thiêu rụi chốn thiên đường rã mục của hắn. Khoảng vườn, ngôi nhà nhanh chóng được hồi sinh bởi tiếng cười nói.
Đêm đó, trở về sau khi no nê cơn nghiện, hắn bất giác đứng sững như trời trồng. Hắn hoài nghi luôn chính đôi mắt của mình. “Hay mình quá phê”- hắn nhủ thầm rồi đưa cả hai bàn tay đầy cáu bẩn lên dụi lấy dụi để đôi mắt. Không thể nào tin được, tất cả đều thay đổi như có phép mầu trong cổ tích.

Hắn cứ đứng tần ngần trước chiếc cổng mở toang còn thơm mùi sơn mới. Con đường ẩm thấp đầy lá mục, cỏ dại biến đâu mất dưới lớp sỏi trắng tinh. Những khung cửa âm u, những bậc thềm lát gạch tàu, cả những góc vườn xa nhất cũng ngập ngụa ánh sáng tràn ra từ trong căn nhà. Thế giới tăm tối từng chứa chấp dung túng hắn đã bị phá vỡ bởi ánh sáng đèn điện, bởi tiếng nói cười vui vẻ. Tuyệt vọng, hụt hẫng, hắn ngồi bệt xuống đất, lưng tựa vào dãy hàng rào chè tàu rậm rạp.
Tiếng đàn lúc trầm lắng lúc vút cao, len qua hàng cây, len qua không gian tĩnh lặng của đêm đánh thức hắn dậy. Từng thanh âm vỗ về dịu êm cứ kéo hắn đi trong ảo giác lơ mơ của kẻ mắc bệnh mộng du. Hắn chẳng hiểu mình đã đi vào giữa khu vườn bằng lối nào, khi chợt nhìn thấy trên chiếc ghế đá, dưới tàng cây bạch mai, một cô bé đang say sưa thả từng chuỗi âm thanh từ chiếc đàn Violon. Cáí dáng người nghiêng nghiêng đong đưa theo nhạc điệu khiến hắn thích thú, bật cười thành tiếng.

Cô bé vụt quay đầu nhìn, nhưng không hề tỏ vẻ sợ hãi trước sự xuất hiện đột ngột lẫn bộ tướng lôi thôi lếch thếch của hắn, ngoài một tiếng Ơ... kéo dài thay thế điệu đàn bị chững lại nửa vời.
-Tôi... tôi xin lỗi đã làm em sợ.
-Bé sợ à, có chi đáng phải sợ đâu.
Cô bé chơi đàn mở to đôi mắt nhìn hắn từ đầu tới chân rồi trả lời tỉnh bơ làm hắn ngớ người, tự nhủ- “Từ lâu nay ai thấy hắn cũng phải tránh hắn như tránh hủi, tại sao cô bé này lại không kinh sợ khi nhìn thấy hắn nhỉ?”
-Em mới... dọn nhà đến đây à?
-Dạ! chắc anh ở bên kia qua chơi...
Cô bé đưa cánh tay trắng muốt chỉ về phía những ngôi nhà đối diện. Hắn lắc đầu:
-Không, tôi ở đây, trong khu vườn này.
-Xạo hoài, trước đây ngôi nhà này bỏ hoang mà.
-Tôi nói thật đó, bé không tin sao? nhờ bị bỏ hoang tôi mới được ở.
Cô bé nhún vai tỏ vẻ không hiểu, hắn phải giải thích rõ hơn bằng một câu chuyện dài, mãi kể, hắn quên bẵng mình đã ngồi xuống trên chiếc ghế, cạnh cô bé tự lúc nào:
-Bây giờ thì em có sợ hãi, xa lánh tôi như mọi người không?
Cô bé nhìn hắn bằng ánh mắt chất đầy cảm thông:
-Bé chỉ sợ từ đây về sau anh không còn chỗ trú chân nữa.

Nghe cô bé nói thế hắn cảm động muốn bật khóc. Từ lâu lắm rồi có ai quan tâm đến nơi ăn chốn ở, hay nói với hắn những lời dịu dàng vậy đâu. Thật ra trong thâm tâm hắn cũng chẳng hề oán trách vì thái độ ghẻ lạnh của họ, bởi hắn biết chính hắn đã tự huỷ hoại bản thân và những mối tương quan với mọi người chung quanh.
-Bé nghĩ anh nên trở về nhà là hay nhất và nên bỏ chơi cái thuốc quái quỷ đó đi.
-Quá muộn rồi nhóc ơi, tôi bị ngập sâu rồi rất khó bỏ được.
-Anh chưa bỏ làm sao biết là khó, nói nghe yếu xìu. Bé tin anh sẽ làm được và lấy lại được sự tin yêu cho mình, cho mọi người chung quanh.

Trước đây khi mới bắt đầu nghiện ngập cũng rất nhiều người thân răn đe, cảnh tỉnh nhưng chẳng hề lọt tai hắn, không hiểu sao bây giờ chỉ với vài lời
hồn nhiên của cô bé lại làm hắn động tâm. Buông thả, chán chường là hành trang hắn mang nặng suốt thời gian bị mọi người ghét bỏ, xa lánh, nên hắn chỉ còn biết tâm sự, giao du với loại người bê tha nghiện ngập. Rất nhiều lúc trong tận cùng tâm trí hắn thoáng bùng lên chút tủi nhục, chút thèm muốn quay về với gia đình, trường lớp, nhưng rồi cái chút hướng thiện ấy lại đụng phải những khuôn mặt lạnh lùng, tránh né khiến hắn càng đánh mất niềm tin ngay với chính bản thân mình.

Những gì cô bé nói như đốt lên một nhúm lửa ấm áp, xua tan đi tất cả tự ti mặc cảm luôn ẩn chứa trong lòng hắn. Tự nhiên hắn thấy thích được làm bạn với cô bé, khó khăn lắm hắn mới nói lên được ý tưởng vừa thoáng qua trong đầu của mình... Bé không sợ... Bé chỉ cần... Bé nghĩ rằng... Cuối cùng cô bé chấp nhận cái tình bạn của hắn sau hàng loạt yêu cầu và bắt hắn phải đưa tay lên trời thề thốt nhiều lần.

Để kiếm một chỗ ngồi trên chiếc ghế đá, bên cạnh cô bé và được lắng nghe những câu nói, tiếng cười hồn nhiên, hắn phải cố nhẫn nhịn trước bao tia mắt xoi mói, hoài nghi lẫn những lời bóng lời gió của người thân và xóm giềng lúc hắn quyết định quay về nhà. Hắn tự giam mình trong căn phòng kín bưng chứa đồ phế thải với sợi xích sắt và ổ khoá to tướng mà chiếc chìa đã nhờ cho cô bé cất giữ. Cái tên của cô bé là câu thần chú linh ứng nhất để chống lại những cơn vật vã đến bật máu, ngất người.
 

Tôi ngồi lại trên chiếc ghế đá, ngồi trên lớp bụi thời gian phủ dày. Không ngạc nhiên hay ngỡ ngàng trước cảnh hoang phế của khu vườn, trước khi quay lại nơi này tôi đã biết cô bé ngày ấy bây giờ đã ở một nơi xa lắm, và cũng biết ngôi nhà lại bị bỏ hoang từ đó. Bao nhiêu năm rồi nhỉ? Tôi lẩm nhẩm tính, từ đêm trăng huyễn hoặc và cô bé thiên thần xuất hiện trong khu vườn hoang... Vâng, tôi vẫn nghĩ rằng em là thiên sứ đến từ vầng trăng mười sáu, nơi tôi bắt đầu đi những bước chân lầm lạc, em đến để cứu vớt tôi ra khỏi vũng sâu tăm tối và dẫn tôi bước lại những bước chân của con người...
N.Q

(nguồn: TCSH số 211 - 09 - 2006)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN NGỌC LỢITối đó bản Phiệt có buổi liên hoan văn nghệ. Cơm chiều xong Tản đưa tôi vào đó chơi. Chúng tôi đang chuẩn bị đi thì một cô đang dẹp đám cuốc xẻng trong góc lán nói vọng ra. Anh Tản mà đưa anh ấy đi thì có mà... Anh ấy đẹp trai, gái bản theo hết, mất phần đấy... Tản cười, cho theo bớt chứ một mình tôi... mệt lắm.

  • LÊ NGUYÊN NGỮTrong bối cảnh rạt rào gió bấc và nắng trải vàng như mật bên ngoài báo hiệu Tết sắp vê, con ngựa cũng đứng dạng bốn chân như lắng nghe câu chuyện đầy hoài niệm mà Tư Gồng bắt đầu kể tôi nghe. Giản dị vì đây là câu chuyện về chính nó, Tư Gồng trước kia đã lần khân hẹn khất với tôi chờ đến Tết Con Ngựa. Mà lúc này thì đã là cuối tháng chạp rồi.

  • NGUYỄN QUANG LẬPChiều ba mươi tết, Quỳ đạp xích lô ra ga, tính đón khách chuyến tàu vét rồi gửi xích lô, bắt xe đò về quê. Vừa vào sân ga, tàu chưa về đã có khách gọi, may thế. Khách là một trung niên mặt rỗ, quần bò áo thun, kính đen gọng vàng.

  • ĐỖ KIM CUÔNG1... Cho đến lúc sực tỉnh, tôi mới nhận ra con đường ra cánh đồng tôm và những vườn dừa dưới chân núi Đồng Bò.

  • HỒNG NHU Xóm phố nằm trên một khu đất trước đây là một dẫy đồi nghe nói vốn là nơi mồ mả dày đặc, phần lớn là mồ vô chủ không biết từ bao đời nay; và cũng chẳng biết nơi nào có nơi nào không, bởi vì gần như tất cả mồ mả ở đó đều đã bị thời gian mưa gió bào mòn, chẳng còn nấm ngôi gì cả.

  • TRẦN HẠ THÁP1*Gã nằm xuống thoải mái. Cảm giác mát lạnh của ghế đá còn rịn hơi sương buổi sớm thu giúp gã chợp mắt ngay. Công viên thành phố không chỉ là bạn đời của những ai không nhà, các tên chích choác, kẻ sống ngoài vòng luật pháp... Đây cũng là nơi khá thân quen đối với người như gã. Ít ra đã hơn bốn tháng qua, từ khi gã rời một khách sạn năm sao trong thành phố.

  • THÁI KIM LAN"Làm sao biết từng nỗi đời riêngĐể yêu thương yêu cho nồng nàn”                              Trịnh Công Sơn

  • THÁI KIM LAN(tiếp theo)

  • NGUYỄN ĐẶNG MỪNGLGT: Cuộc sống cứ lao về phía trước, song những tâm hồn đa cảm thì lại hay ngoảnh nhìn về phía sau. Nước nhảy lên bờ là ánh nhìn về những ngày đã qua giữa một vùng quê bình yên của “đêm trước đổi mới”. Một bức tranh quê sống động, dung dị song ngổn ngang những cảnh đời, những cảnh tình mà chúng ta không được phép quên, bởi tư duy đổi mới của đất nước hãy còn tiếp diễn...

  • VĨNH NGUYÊNNgô - bạn tôi rủ tôi về làng Chẻ.Đến thành phố H.H., tôi mượn chiếc xe máy của một người quen. Tôi chở Ngô về làng An Hải Trung.

  • I. Nàng là nhân vật chính của vở kịch. Vở kịch đang diễn ra. Những chủ đề về tình yêu và hôn nhân, về ước mơ và sự thật, về hoài vọng và định mệnh, về sinh ly và tử biệt, v.v và v.v... đan chéo và quyện chặt vào nhau, tạo nên một trường nghĩa lơ mơ lan man đầy ảo dị mà qua đó, những nhân vật còn lại cứ tông tốc xoay xỏa quanh một nhân vật trung tâm đang chơi trò mê hoặc: nhân vật chính.

  • Đó là lần thứ mười Malio quay về góc phố ấy. Phố hẹp, những căn nhà mặt tiền nhấp nhô, khách sạn lấp lánh đèn chen cửa hàng tơ lụa, phòng tranh sơn mài phương Đông sát với những quán cà phê nho nhỏ bài trí kiểu Tây phương...

  • Năm 1966 thầy Phan Linh dạy Toán lớp 7A tại trường cấp II xã Phúc Giang. Đó là năm chiến tranh phá hoại rất ác liệt. Máy bay Mỹ cứ nhằm những tụ điểm đông người thả bom. Học sinh đến trường phải đội mũ rơm. Để tránh bom đạn trường Phúc Giang phải sơ tán về các làng, các xóm học tạm. Lớp 7A của Phan Linh sơ tán về làng Mai.

  • Gió từ đại dương lồng lộng thổi qua cửa sông, qua bãi cát trắng xoá rồi vỗ đập vào những tàu lá dài ngoằng của loài dừa nước, oà vỡ những thanh âm xạc xào.

  • Đúng sáu năm tôi không trở lại thành phố ấy dẫu rằng trong lòng tôi luôn luôn có một nỗi ham muốn trở lại, dù trong sáu năm tôi giấu kín trong lòng mình điều đó, chôn thật sâu trong suy nghĩ của mình, chẳng hề nói ra.

  • Chúng tôi tìm được địa điểm chốt quân khá lý tưởng. Đấy là chiếc hang đá ở lưng triền núi; hang cao rộng vừa lõm sâu vào vách núi. Cửa hang được chắn bởi tảng đá khổng lồ, rất kiên cố; dù máy bay Mỹ có phát hiện thấy cửa hang mà phóng rốc két, đánh bom tấn thì người ở trong hang vẫn chẳng hề gì! B52 có rải thảm bom thì lại càng không ăn thua.

  • Sau khi dọn bàn ghế xong, bà Lan chọn chiếc bàn kê sát ngoài cửa ngồi trang điểm. Từ ngày mở quán, bà đâm ra có thói quen ngồi trang điểm như thế, vừa tiện việc mời chào khách, vừa có đủ ánh sáng đầu ngày.

  • Chiếc váy của Tuyl Cleng va quệt không ngớt vào mấy vạt cỏ hai bên vệ đường. Những chỉ hoa văn ở riềm váy trông như hai cánh tay chạy như bay xuống đồi. Cuốn vở học trên tay cô nhịp nhàng lên xuống như chiếc quạt diễn viên múa. Mùa xuân sắp đến, trời đất như rộng rinh thêm. Những con chim trao trảo, chèo bẻo, ta li eo... cũng hót vang bên rặng rừng, vui lây theo nỗi vui của Tuyl Cleng.

  • Ven Hồ Gươm ở phía lề đường bên phải, cách chân tượng vua Lê Thái Tổ ước ngoài trăm mét, luôn có một bồ đoàn. Bồ đoàn là chừng dăm tấm thảm Tầu rải sàn nhập lậu từ các tỉnh phía Bắc được các gia đình Hà Nội trung lưu ưa dùng.

  • 1Sau lần đi gặt thuê cho đồng bào dân tộc ở Vĩnh Thạnh về, tôi bị trận sốt rét nặng. Dai dẳng trở đi trở lại gần ba tháng mới khỏi. Những ngày sau đó, trong người thấy cứ nôn nao, bứt rứt.