Ánh lửa của địa đàng

15:18 03/11/2011
NGUYỄN THÀNH LONG - Kính lạy Cha. Cha cho gọi con. Cha thấy trong người thế nào ạ? - Cha cảm ơn con đã tới. Có lẽ con là người cuối cùng Cha trò chuyện ở trên đời. Sắp sửa ra đi. Cha thấy Cha cô độc lắm.

Ảnh: internet

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 <![endif][if gte mso 9]> <![endif][if gte mso 10]> <![endif]

- Người đời ai cũng ca tụng Cha là người nhân hậu. Ơn trên ban phúc lành cho Cha. Con thấy sắc mặt Cha hồng hào hơn lần con vào lạy Cha trước.

- Chuyện đó thế nào cũng tới. Có thể một tháng nữa, có thể một tuần nữa như bác sĩ nói. Mà cũng rất có thể là hôm nay. Bổn phận cuối cùng của ta là phải sửa mình cho kịp.

- Con chiên ai cũng ngợi ca công đức cha...

- Công đức gì ta... Tài năng duy nhất của ta là mặc áo thụng đen, đọc kinh Lạy Cha, kinh Kinh Mầng và lắc lư cái lư trầm của nhà thờ. Cảm ơn lòng tốt của con, con chớ ngắt lời Cha. Có thể là ngày mai hay chốc nữa, cha sẽ được giải thoát, lên thiên đường hay xuống hỏa ngục. Nhưng vẫn phải làm một cái gì tốt, chi ít là nói với ai một sự thật. Ta không thể chờ đến giờ rửa tội được. Sự thật, ta đã được đào tạo để trở nên một kẻ thánh không ra thánh, người không ra người, không có một niềm say mê nào, không yêu một người đàn bà, không ghét một người đàn ông, không thương một đứa bé, lúc nào cũng sống cách biệt, và đối với loài người, ta là khách lạ, không xin ai cái gì, không cho ai cái gì, không hề biết cái giá được chia xẻ sự thiếu thốn, làm ơn được san bớt một đau khổ. Bây giờ ta mới biết đây mới là cái đau đích thực của ta.

- Cha nói thế. Cả giáo xứ này, không ai có một lời chê trách Cha.

- Chính vì vậy mà lương tâm ta không yên. Sự thật ta đáng chê trách. Con người ngày càng hung dữ, nhân tâm ngày càng sa đọa...

- Thì ở đâu mà chẳng vậy, thưa Cha?

- Nhưng ở đây, kẻ chăn chiên là ta, trách nhiệm là ta. Con người được khuyến khích hung dữ, nhân tâm tàn mạt, ấy là lỗi tại ta. Cha cho gọi con cũng là vì vậy. Con có lần xưng với Cha lảng vảng có ý muốn bẻ gãy hạnh phúc của mình vì thấy quá cực phải nằm cạnh một người có hôi mùi thuốc súng, và trong món quà mà y đem về cho có thoảng mùi cướp bóc và án mạng nữa. Con còn nhớ là ta chỉ im lặng nghe con nói, không hề khuyên con bề nào. Vì ta nhận ra liền. Thủ phạm chính làm chồng con hư hỏng, trở thành kẻ sát nhân là ta. Cha có cảm giác như con kết tội Cha. Không phải ta khuyến khích bọn họ bằng một lễ Tạ ơn hay sao? Hôm ấy, không phải là con tới xưng tội mà tới bắt đền Cha và Cha lúng túng. Ta biết con từ bé, con như hoa huệ buổi sớm, không ngờ lại ra như vậy. Câu chuyện con kể làm ta rùng mình. Càng kề cận ngày phải từ bỏ cuộc trần thế, ta mới càng ngẫm tội ta là trọng.

- Con cảm kích đập đầu van nài Cha, không bao giờ chúng con có ý nghĩ gì phụ bạc thiếu tôn kính đối với Cha cả.

- Lương tâm con không cắn rứt nữa sao? Ờ mà đã lâu, con không chăm xưng tội như trước...

- Kính Lạy Cha, con đến thỉnh cầu Cha khi nào con cảm thấy con có tội...

- Việc chồng của con, con giải quyết ra sao? Hắn không tham dự trong vụ tàn sát hàng nghìn Việt cộng lẫn người vô tội ở núi Song Mây sao! Chính việc đó làm ta không yên. Chính ta chứ không phải ai khác làm lễ nguyện cho bọn họ trước khi họ lên đường đi vây hãm và càn quét du kích.

- Trình lạy Cha. Con nói để Cha yên tâm. Hình như người ta đã phao truyền cho Cha tin thất thiệt. Không có du kích nào bị giết ở núi Song Mây. Quân chính phủ vây hãm nhưng không ai bắn vào du kích. Đó là chuyện lạ. Và sau một tháng bị vây hãm, du kích vẫn không chết đói chết khát như mục đích cuộc hành quân.

- Họ làm thế nào được như vậy? Họ tài thế à?

- Còn đàn bà con gái con không biết. Có lẽ họ tài thật. Nhưng hình như họ được sự che chở của mọi người, kể cả bà con giáo hữu xứ họ ta.

- Xứ họ ta?

- Vâng, con có cảm giác như thế. Không ai còn ghét sợ họ như lúc đầu. Họ cũng như ta thôi. Chỉ khác một điều, họ đánh Mỹ, còn ta thì đi với Mỹ. Tại sao Cha lại không biết điều đó? Con nghĩ không phải Cha không biết điều đó mà Cha chỉ làm ngơ thôi. Không phải Cha không biết bà con giáo xứ ta ai cũng có tìm vào Song Mây trước là tò mò tìm xem Việt cộng, dần dần rồi lãnh ruộng, lãnh đất trồng nhận te ở trong đó. Họ không làm gì khác ngoài việc đánh Mỹ và tổ chức đời sống cho đồng bào bất kể giáo dân hay không. Nếu không, lời răn của Chúa là không được giết người, mà chúng con hằng ngày lại sinh nhai bằng các thứ của nã chồng con cướp bóc về, sặc sụa mùi máu, lương tâm không yên được "Quân dữ" hình như không phải là họ, bà con bảo thế.

- Lòng người đã chuyển biến như vậy rồi ư? Chết nỗi, chỉ một người không biết là ta. Chồng con đã đi với du kích?

- Chồng con đã mất tích. Con dập đầu tạ ơn Chúa đã giúp anh ấy không phạm mười điều răn. Con biết là con có thể chết khi tiết lộ với Cha những điều vừa rồi. Nhưng con không thể không lấy lòng thành đền đáp cùng Cha. Cha là cha bề trên nuôi dưỡng con, chắc Cha không muối biến con thành một đứa Giu-già chỉ điểm tầm thường. Con rất khổ tâm mỗi khi nghĩ đàn chiên quay đầu chen nhau vô núi mà bỏ người chăn chiên ở bơ vơ. Nếu phải xưng tội, con phạm tội đó.

- Con biết ta thương yêu con, ta không đáng những lời nói nặng nề của con, mặc dù suốt đời ta lầm lỗi. Không phải ta không biết. Ta linh cảm, nên ta gọi con. Ta sắp chết rồi, ta muốn dù có còn một phút thì phút đó cũng giúp ta làm tròn thật sự thiên chức của ta, cảm thấy sự nhọc nhằn cuả kẻ khác và chia sẻ với họ niềm vui. Ta tin ở con, bông hoa huệ của ta. Con khuyên ta làm điều gì?

- Trả lời bức thư của mặt trận giải phóng mà con đã thấy Cha cầm đọc. Cha không biết chứ cả giáo xứ nín thở đợi Cha. Cơ may cuộc đời của cha con ta có một ý nghĩa như Cha nói là ở câu trả lời của Cha đó.

- Chết, con có nhìn thấy thật sao?

- Trình Cha, con vô tình nhưng có nhìn thấy.

II

Vài giờ sau, trong bóng đêm, lựa lúc đường phố vắng vẻ, một chiếc hon-đa đèo Cha chánh xứ đưa cha sang qua đường rồi vào trong một lối mòn đi về phía núi. Một chiếc cáng đỡ tiếp cha xứ biến vào trong bóng tối của rừng rậm, nơi mà ngay ban ngày cũng đã có vẻ kỳ bí rồi.

Những nhà văn, người viết lịch sử, nhất là những nhà viết sử chiến đấu của nhân dân tỉnh Sông Bé hay Đồng Nai gì đó sẽ miêu tả tỉ mỉ những tình tiết lý luận khác nhau của cuộc họp thành lập mặt trận này: Ngay cuộc họp đầu tiên đã có bằng xương bằng thịt sự có mặt của một linh mục chánh xứ bị ung thư ngay trước khi biết là mình tắt thở không bao lâu, vượt vòng vây của địch, của đạo giáo và thành kiến mà ra, để cùng mọi đại biểu các tầng lớp nhân dân bàn việc nước. Tôi chính là người chở hon-đa cho cha đi, tôi đã không được phép trả lời khi cha ngờ ngợ hỏi qua cổ tôi: - "Cha Vinh phải không?", tôi không được phép trả lời hay tiết lộ điều gì hết, tôi chỉ kể với bạn đọc rằng cuộc họp đó có thể là cuộc họp độc nhất vô nhị, có một cha chánh xứ nằm nguyên trên cáng mà họp. Cha có vẻ thật bằng lòng, đúng hơn toại nguyện, cứ ngoảnh về phía ánh lửa mà cười, mặt lại như hồng hào khỏe mạnh rồi nữa kia. Các nhà văn sẽ phân tích giùm tôi cái điều mà đạo giáo chúng tôi gọi là "kỳ tích", nó đang chói lòa trong tâm hồn của vị chăn chiên, ông cũng như chúng tôi tìm kiếm suốt một đời nay mới gặp - Ông nói cái đó ra lời và cái đó cũng có ghi trong biên bản của cuộc họp: " - Đối với tôi - Cha chánh xứ nói - Giê-su không phải là "vật thờ cúng" mà là "mẫu hình". Quan điểm của Giê-su là: tôi vào trong xã hội và xã hội làm ra tôi. Đêm nay, ngày... năm... lúc ba giờ sáng đúng, tôi đã tìm thấy Chúa tại đây, rừng Song Mây. Tôi đã gặp Chúa nơi anh em, và tôi khuyên mọi Kitô hữu hãy làm như tôi."

Bình thường, ông vẫn nói mình thích Tân ước hơn Cựu ước, và trong Tân ước câu xúc động ông nhất là: Que la lumière soit et la lumière fut. Phải có ánh sáng và tức thì ánh sáng có (- ông hay nói câu đó bằng tiếng Pháp). Cho nên tôi tưởng tượng được cái là một luồng sáng nó lay động toàn thân ông, cái đó tưởng chừng thấy được, làm cho ông run rẩy khi ông được đề cử vào ban chấp hành mặt trận giải phóng tỉnh và khi ông đưa tay đỡ lấy cây bút ký vào bản kêu gọi cứu nước chung, dưới một cái bí danh - Vì ông phải trở về nhà thờ- là "linh mục chánh xứ Gioan Baptixtơ Nguyễn Thế Phương".

Tôi mục kích ông cười và mục kích ông khóc. Khi vẫn che mặt, tôi lại chở ông trở về nhà thờ, mặt của ông cũng ướt đẫm như làn áo ướt sương đêm của ông. Không hỏi nữa, dường như đã khẳng định tôi là cha Vinh, ông tì mặt lên lưng tôi mà nói hoài: "- Thật may cho tôi mà còn kịp!"

Tôi thay quần áo cho ông và đặt ông lại giường. Biết đã đến lúc sau chót, tôi gọi thêm người. Trong lúc xung quanh giường tiếng cầu kinh râm ran thì giám mục ở Xuân Lộc tới, thân hành rửa tội sau cùng cho cha chánh xứ. Người chết đã từ từ nhắm mắt, nhưng miệng vẫn còn giữ một nụ cười và mặt tưởng vẫn còn ánh hồng của lửa rừng vừa qua. Một lúc, bỗng thấy ông mở mắt ra, nói rành rọt với giám mục:

- Từ lâu, tôi rất sợ lúc này. Bây giờ tôi không sợ nữa.

Ông khựng lại đột ngột. Cha chánh xứ đã qua đời.

III

Rất lâu, trong mười năm, cho đến ngày hoàn toàn giải phóng, cho đến đại hội này, danh sách các ban chấp hành mặt trận cứu nước đều có tên "Gioan Baptixtơ Nguyễn Thế Phương". Chúng tôi tiếp tục hoạt động mà thấy không cần thay đổi bí danh vốn là bí danh của người. Và cho đến nay là hai mươi năm, những ngày lễ trọng của nước, vừa sáng sớm, người ta đã thấy trên mộ người, trong khuôn viên nhà thờ, một vòng hoa tươi mà đều đặn, có một người vô danh nào đã lén đặt trong đêm. Giám mục địa phận là một người thâm trầm lắm. Ông có lần hỏi tôi về điều ông vẫn nhận xét và ngẫm nghĩ trong nhiều chục năm:

"- Sự thật, Gioan Baptixtơ Nguyễn Thế Phương là ai?" Tôi mạnh dạn trả lời ông:

- Trình Cha, tôi nghĩ đó là vị trí vẫn dành cho Nhà Thờ, nó đã thành biểu tượng, nó là tất cả những người giáo yêu nước chúng ta, cha qui vào ai làm gì.

Huyện Thống Nhất tháng ba 1983-
Hà Nội tháng giêng 1986

N.T.L.
(18/4-86)





Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • CÁT LÂM

    1.Về thôi mẹ ơi, nơi đây đã chẳng còn gì ngoài đống đổ nát nữa rồi. Về với gió Hồ Tây để nghe lồng lộng trong buổi mùa đông như mẹ kể. Về với đàn sâm cầm nhởn nha mặt nước. Chẳng có gì cho mình cả, chỉ trừ có nỗi dằn vặt mỗi ngày một nhiều hơn. Về thôi mẹ ơi, về với bà ngoại, ông ngoại, để một lần con được biết mình vẫn còn có họ hàng, có quê hương.

  • NGUYỄN ANH NHẬT

    Trong Thế chiến thứ hai, một đội quân điện thính viên có nhiệm vụ nghe ngóng điện đài của đối phương luân phiên nhau hàng ngày trời.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    Những người già bảo chúng tôi ở Ái Tử có nhiều ma, ngày xưa chiến trận diễn ra liên miên, nhiều người bị chết mất thây. Những cuộn cát xoáy do gió cuốn lên mỗi lần mù mịt là ma đi kiếm ăn.

  • PHƯƠNG HÀ

    Thằng Mạnh lẹ làng cắt quả bí đao đang lủng lẳng trên giàn. Nó nheo mắt lại vì nắng, trán lấm tấm mồ hôi.

  • VIỆT HÙNG

    Chàng cho rằng mọi việc cũng chỉ tại những chiếc đồng hồ quay ngược.

  • VŨ NGỌC GIAO

    Năm Luyến lên sáu tuổi cả nhà phát hiện nàng bị bệnh mộng du.
    Cứ vào quãng gà gáy canh hai Luyến lại bật dậy vén màn, mở cửa lững thững đi ra vườn.

  • LÊ VI THỦY

    Đêm.
    Tiếng nhạc vũ trường khiến gã quay cuồng. Chai Armagnac vơi dần. Những cái ly được nâng lên hạ xuống cùng với tiếng cười rôm rả. 

  • NGUYỄN QUANG HÀ

    Ngay cả ở đất Cố Đô, không mấy ai biết ở chân núi Ngũ Tây có một vườn mai vàng. Chủ vườn mai ấy là hai cha con ông già mù.

  • VIỆT HÙNG

    Khi ấy, là khoảng thời gian mà trong tôi, cảm giác trống rỗng đến ghê sợ đang xâm chiếm. Với tôi lúc đó, chẳng còn gì để đáng coi là đẹp...

  • NGUYỄN NGỌC LỢI

    Đầm sen ấy có từ bao giờ, bà không thể biết. Nhưng bà biết đích xác ngày nó tàn, tận mắt chứng kiến cả một đầm nước loi thoi tàn úa những cọng, những tán lá mốc xỉn màu rỉ sắt đổ gục, mặt nước hồ bàng bạc những cuống lá buồn thảm. Và cái đầm sen ấy đã được kết thúc bằng những chuyến xe nối đuôi nhau ào ào trút đất.

  • PHẠM GIAI QUỲNH

    1.
    Đóng nắp hòm thư đã bong phần gỉ sét bên ngoài, cô nhét mấy lá thư vào trong nhà - qua khe cửa. Vì cô đã chốt khóa rồi nên không muốn phải mở cửa ra một lần nữa.

  • HƯƠNG VĂN

    Màn  đêm  đã  tràn  ra  mặt  biển. Màu nước đen như màu mực, lênh loáng, mênh mông. Bãi bờ vắng lặng, chỉ nghe thấy tiếng thở của biển.

  • ĐINH PHƯƠNG

    1.
    Tôi nói với Vân về việc từ nay sẽ không nói đến cái chết của Ẩn nữa, chấm dứt một cơn mộng dài đẵng ai cũng phải quên đi.

  • LÊ KIM SƠN

    Nàng biết không, ta đã nhìn thấu nàng từ rất lâu trước đó? Buổi tắm trăng ngơ ngác một mình, cái tinh khôi như đóa hoa mới hé, chỉ mình ta chế ngự được thời gian, cái khoảnh khắc lãng đãng muôn trùng, đã trói trái tim tội nghiệp của ta bên nàng mãi mãi.

  • HOÀI NAM

    Người ta vẫn xì xào tới tai tôi rằng, tôi là một con ngốc. Thì đã sao! Tôi không cảm thấy bị xúc phạm mà ngược lại nó đem đến cho tôi cảm giác được an toàn yên ổn. Ai lại đi ganh tị, đố kị với một con ngốc? Làm thế chẳng khác nào tự túm tóc nhấc mình khỏi mặt đất.

  • HOÀNG THU PHỐ

    1.
    “Khi ánh sáng một lần nữa soi chiếu, ta bỏ lại tàn lụi thế giới này”.(*)

  • QUÁCH THÁI DI

    Tôi đẩy nhẹ cửa bước vào một gian phòng khá lớn, cố gắng không gây ra tiếng động. Tôi ngồi xuống chiếc ghế bành đặt gần kệ sách rất cao, lắng nghe dòng suối âm thanh trong trẻo đang chảy ra từ cây đàn piano màu trắng.

  • VIỆT HÙNG

    Tosenli bước vào tiệm cho thuê đồ "Con Ngỗng Vàng". Người chủ tiệm thấy ông, theo thói quen, chẳng cần hỏi, đi thẳng đến nơi treo đồ.

  • VIỆT HÙNG

    Đêm tháng 6 của Hà Nội. Căn phòng 24 mét vuông như chật thêm. Giáo sư Sơn ngồi mơ màng nhả khói thuốc.

  • TẠ XUÂN HẢI

    Cầu Sòng là một nơi hoàn toàn vắng vẻ. Nếu có công chuyện thật sự cấp bách phải qua sông, người ta đi vòng xuống phía hạ nguồn khoảng hai cây số, ở đó có một chiếc cầu khác.