Ánh lửa của địa đàng

15:18 03/11/2011
NGUYỄN THÀNH LONG - Kính lạy Cha. Cha cho gọi con. Cha thấy trong người thế nào ạ? - Cha cảm ơn con đã tới. Có lẽ con là người cuối cùng Cha trò chuyện ở trên đời. Sắp sửa ra đi. Cha thấy Cha cô độc lắm.

Ảnh: internet

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 <![endif][if gte mso 9]> <![endif][if gte mso 10]> <![endif]

- Người đời ai cũng ca tụng Cha là người nhân hậu. Ơn trên ban phúc lành cho Cha. Con thấy sắc mặt Cha hồng hào hơn lần con vào lạy Cha trước.

- Chuyện đó thế nào cũng tới. Có thể một tháng nữa, có thể một tuần nữa như bác sĩ nói. Mà cũng rất có thể là hôm nay. Bổn phận cuối cùng của ta là phải sửa mình cho kịp.

- Con chiên ai cũng ngợi ca công đức cha...

- Công đức gì ta... Tài năng duy nhất của ta là mặc áo thụng đen, đọc kinh Lạy Cha, kinh Kinh Mầng và lắc lư cái lư trầm của nhà thờ. Cảm ơn lòng tốt của con, con chớ ngắt lời Cha. Có thể là ngày mai hay chốc nữa, cha sẽ được giải thoát, lên thiên đường hay xuống hỏa ngục. Nhưng vẫn phải làm một cái gì tốt, chi ít là nói với ai một sự thật. Ta không thể chờ đến giờ rửa tội được. Sự thật, ta đã được đào tạo để trở nên một kẻ thánh không ra thánh, người không ra người, không có một niềm say mê nào, không yêu một người đàn bà, không ghét một người đàn ông, không thương một đứa bé, lúc nào cũng sống cách biệt, và đối với loài người, ta là khách lạ, không xin ai cái gì, không cho ai cái gì, không hề biết cái giá được chia xẻ sự thiếu thốn, làm ơn được san bớt một đau khổ. Bây giờ ta mới biết đây mới là cái đau đích thực của ta.

- Cha nói thế. Cả giáo xứ này, không ai có một lời chê trách Cha.

- Chính vì vậy mà lương tâm ta không yên. Sự thật ta đáng chê trách. Con người ngày càng hung dữ, nhân tâm ngày càng sa đọa...

- Thì ở đâu mà chẳng vậy, thưa Cha?

- Nhưng ở đây, kẻ chăn chiên là ta, trách nhiệm là ta. Con người được khuyến khích hung dữ, nhân tâm tàn mạt, ấy là lỗi tại ta. Cha cho gọi con cũng là vì vậy. Con có lần xưng với Cha lảng vảng có ý muốn bẻ gãy hạnh phúc của mình vì thấy quá cực phải nằm cạnh một người có hôi mùi thuốc súng, và trong món quà mà y đem về cho có thoảng mùi cướp bóc và án mạng nữa. Con còn nhớ là ta chỉ im lặng nghe con nói, không hề khuyên con bề nào. Vì ta nhận ra liền. Thủ phạm chính làm chồng con hư hỏng, trở thành kẻ sát nhân là ta. Cha có cảm giác như con kết tội Cha. Không phải ta khuyến khích bọn họ bằng một lễ Tạ ơn hay sao? Hôm ấy, không phải là con tới xưng tội mà tới bắt đền Cha và Cha lúng túng. Ta biết con từ bé, con như hoa huệ buổi sớm, không ngờ lại ra như vậy. Câu chuyện con kể làm ta rùng mình. Càng kề cận ngày phải từ bỏ cuộc trần thế, ta mới càng ngẫm tội ta là trọng.

- Con cảm kích đập đầu van nài Cha, không bao giờ chúng con có ý nghĩ gì phụ bạc thiếu tôn kính đối với Cha cả.

- Lương tâm con không cắn rứt nữa sao? Ờ mà đã lâu, con không chăm xưng tội như trước...

- Kính Lạy Cha, con đến thỉnh cầu Cha khi nào con cảm thấy con có tội...

- Việc chồng của con, con giải quyết ra sao? Hắn không tham dự trong vụ tàn sát hàng nghìn Việt cộng lẫn người vô tội ở núi Song Mây sao! Chính việc đó làm ta không yên. Chính ta chứ không phải ai khác làm lễ nguyện cho bọn họ trước khi họ lên đường đi vây hãm và càn quét du kích.

- Trình lạy Cha. Con nói để Cha yên tâm. Hình như người ta đã phao truyền cho Cha tin thất thiệt. Không có du kích nào bị giết ở núi Song Mây. Quân chính phủ vây hãm nhưng không ai bắn vào du kích. Đó là chuyện lạ. Và sau một tháng bị vây hãm, du kích vẫn không chết đói chết khát như mục đích cuộc hành quân.

- Họ làm thế nào được như vậy? Họ tài thế à?

- Còn đàn bà con gái con không biết. Có lẽ họ tài thật. Nhưng hình như họ được sự che chở của mọi người, kể cả bà con giáo hữu xứ họ ta.

- Xứ họ ta?

- Vâng, con có cảm giác như thế. Không ai còn ghét sợ họ như lúc đầu. Họ cũng như ta thôi. Chỉ khác một điều, họ đánh Mỹ, còn ta thì đi với Mỹ. Tại sao Cha lại không biết điều đó? Con nghĩ không phải Cha không biết điều đó mà Cha chỉ làm ngơ thôi. Không phải Cha không biết bà con giáo xứ ta ai cũng có tìm vào Song Mây trước là tò mò tìm xem Việt cộng, dần dần rồi lãnh ruộng, lãnh đất trồng nhận te ở trong đó. Họ không làm gì khác ngoài việc đánh Mỹ và tổ chức đời sống cho đồng bào bất kể giáo dân hay không. Nếu không, lời răn của Chúa là không được giết người, mà chúng con hằng ngày lại sinh nhai bằng các thứ của nã chồng con cướp bóc về, sặc sụa mùi máu, lương tâm không yên được "Quân dữ" hình như không phải là họ, bà con bảo thế.

- Lòng người đã chuyển biến như vậy rồi ư? Chết nỗi, chỉ một người không biết là ta. Chồng con đã đi với du kích?

- Chồng con đã mất tích. Con dập đầu tạ ơn Chúa đã giúp anh ấy không phạm mười điều răn. Con biết là con có thể chết khi tiết lộ với Cha những điều vừa rồi. Nhưng con không thể không lấy lòng thành đền đáp cùng Cha. Cha là cha bề trên nuôi dưỡng con, chắc Cha không muối biến con thành một đứa Giu-già chỉ điểm tầm thường. Con rất khổ tâm mỗi khi nghĩ đàn chiên quay đầu chen nhau vô núi mà bỏ người chăn chiên ở bơ vơ. Nếu phải xưng tội, con phạm tội đó.

- Con biết ta thương yêu con, ta không đáng những lời nói nặng nề của con, mặc dù suốt đời ta lầm lỗi. Không phải ta không biết. Ta linh cảm, nên ta gọi con. Ta sắp chết rồi, ta muốn dù có còn một phút thì phút đó cũng giúp ta làm tròn thật sự thiên chức của ta, cảm thấy sự nhọc nhằn cuả kẻ khác và chia sẻ với họ niềm vui. Ta tin ở con, bông hoa huệ của ta. Con khuyên ta làm điều gì?

- Trả lời bức thư của mặt trận giải phóng mà con đã thấy Cha cầm đọc. Cha không biết chứ cả giáo xứ nín thở đợi Cha. Cơ may cuộc đời của cha con ta có một ý nghĩa như Cha nói là ở câu trả lời của Cha đó.

- Chết, con có nhìn thấy thật sao?

- Trình Cha, con vô tình nhưng có nhìn thấy.

II

Vài giờ sau, trong bóng đêm, lựa lúc đường phố vắng vẻ, một chiếc hon-đa đèo Cha chánh xứ đưa cha sang qua đường rồi vào trong một lối mòn đi về phía núi. Một chiếc cáng đỡ tiếp cha xứ biến vào trong bóng tối của rừng rậm, nơi mà ngay ban ngày cũng đã có vẻ kỳ bí rồi.

Những nhà văn, người viết lịch sử, nhất là những nhà viết sử chiến đấu của nhân dân tỉnh Sông Bé hay Đồng Nai gì đó sẽ miêu tả tỉ mỉ những tình tiết lý luận khác nhau của cuộc họp thành lập mặt trận này: Ngay cuộc họp đầu tiên đã có bằng xương bằng thịt sự có mặt của một linh mục chánh xứ bị ung thư ngay trước khi biết là mình tắt thở không bao lâu, vượt vòng vây của địch, của đạo giáo và thành kiến mà ra, để cùng mọi đại biểu các tầng lớp nhân dân bàn việc nước. Tôi chính là người chở hon-đa cho cha đi, tôi đã không được phép trả lời khi cha ngờ ngợ hỏi qua cổ tôi: - "Cha Vinh phải không?", tôi không được phép trả lời hay tiết lộ điều gì hết, tôi chỉ kể với bạn đọc rằng cuộc họp đó có thể là cuộc họp độc nhất vô nhị, có một cha chánh xứ nằm nguyên trên cáng mà họp. Cha có vẻ thật bằng lòng, đúng hơn toại nguyện, cứ ngoảnh về phía ánh lửa mà cười, mặt lại như hồng hào khỏe mạnh rồi nữa kia. Các nhà văn sẽ phân tích giùm tôi cái điều mà đạo giáo chúng tôi gọi là "kỳ tích", nó đang chói lòa trong tâm hồn của vị chăn chiên, ông cũng như chúng tôi tìm kiếm suốt một đời nay mới gặp - Ông nói cái đó ra lời và cái đó cũng có ghi trong biên bản của cuộc họp: " - Đối với tôi - Cha chánh xứ nói - Giê-su không phải là "vật thờ cúng" mà là "mẫu hình". Quan điểm của Giê-su là: tôi vào trong xã hội và xã hội làm ra tôi. Đêm nay, ngày... năm... lúc ba giờ sáng đúng, tôi đã tìm thấy Chúa tại đây, rừng Song Mây. Tôi đã gặp Chúa nơi anh em, và tôi khuyên mọi Kitô hữu hãy làm như tôi."

Bình thường, ông vẫn nói mình thích Tân ước hơn Cựu ước, và trong Tân ước câu xúc động ông nhất là: Que la lumière soit et la lumière fut. Phải có ánh sáng và tức thì ánh sáng có (- ông hay nói câu đó bằng tiếng Pháp). Cho nên tôi tưởng tượng được cái là một luồng sáng nó lay động toàn thân ông, cái đó tưởng chừng thấy được, làm cho ông run rẩy khi ông được đề cử vào ban chấp hành mặt trận giải phóng tỉnh và khi ông đưa tay đỡ lấy cây bút ký vào bản kêu gọi cứu nước chung, dưới một cái bí danh - Vì ông phải trở về nhà thờ- là "linh mục chánh xứ Gioan Baptixtơ Nguyễn Thế Phương".

Tôi mục kích ông cười và mục kích ông khóc. Khi vẫn che mặt, tôi lại chở ông trở về nhà thờ, mặt của ông cũng ướt đẫm như làn áo ướt sương đêm của ông. Không hỏi nữa, dường như đã khẳng định tôi là cha Vinh, ông tì mặt lên lưng tôi mà nói hoài: "- Thật may cho tôi mà còn kịp!"

Tôi thay quần áo cho ông và đặt ông lại giường. Biết đã đến lúc sau chót, tôi gọi thêm người. Trong lúc xung quanh giường tiếng cầu kinh râm ran thì giám mục ở Xuân Lộc tới, thân hành rửa tội sau cùng cho cha chánh xứ. Người chết đã từ từ nhắm mắt, nhưng miệng vẫn còn giữ một nụ cười và mặt tưởng vẫn còn ánh hồng của lửa rừng vừa qua. Một lúc, bỗng thấy ông mở mắt ra, nói rành rọt với giám mục:

- Từ lâu, tôi rất sợ lúc này. Bây giờ tôi không sợ nữa.

Ông khựng lại đột ngột. Cha chánh xứ đã qua đời.

III

Rất lâu, trong mười năm, cho đến ngày hoàn toàn giải phóng, cho đến đại hội này, danh sách các ban chấp hành mặt trận cứu nước đều có tên "Gioan Baptixtơ Nguyễn Thế Phương". Chúng tôi tiếp tục hoạt động mà thấy không cần thay đổi bí danh vốn là bí danh của người. Và cho đến nay là hai mươi năm, những ngày lễ trọng của nước, vừa sáng sớm, người ta đã thấy trên mộ người, trong khuôn viên nhà thờ, một vòng hoa tươi mà đều đặn, có một người vô danh nào đã lén đặt trong đêm. Giám mục địa phận là một người thâm trầm lắm. Ông có lần hỏi tôi về điều ông vẫn nhận xét và ngẫm nghĩ trong nhiều chục năm:

"- Sự thật, Gioan Baptixtơ Nguyễn Thế Phương là ai?" Tôi mạnh dạn trả lời ông:

- Trình Cha, tôi nghĩ đó là vị trí vẫn dành cho Nhà Thờ, nó đã thành biểu tượng, nó là tất cả những người giáo yêu nước chúng ta, cha qui vào ai làm gì.

Huyện Thống Nhất tháng ba 1983-
Hà Nội tháng giêng 1986

N.T.L.
(18/4-86)





Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • LINH CHI         Quê Hoàng, một làng quê chiêm trũng miền Trung, đẹp và yên bình. Hoàng rất yêu quê nhà không chỉ bởi vì đó là nơi chôn nhau cắt rốn, mà bởi đó còn là nơi chắp cánh cho những ước mơ hoang tưởng non nớt thuở xa xôi của Hoàng.

  • NGUYÊN QUÂNNhững buổi chiều nắng ráo, gã thường ra ngồi ở đây, dọc theo hai triền sông, nở đầy những bông hoa dại - loài hoa vươn dài, xòe những chiếc lông màu tím như cái đuôi chồn. Trong bóng chiều dần dần ngả màu tối, gã vẫn ngồi ngắt từng cánh... từng cánh hoa ném xuống dòng sông.

  • VĂN ANMặt trời đã khuất sau rặng núi xa xa, bầu trời chỉ còn sót lại những vệt sáng yếu ớt như những chiếc nan quạt hắt lên từ phía chân trời.

  • NGUYỄN TRỌNG HUẤNBạn tôi là nhà thơ. Thơ anh hay, rất nổi tiếng, nhiều người ái mộ.Năm 1975, anh cùng đoàn quân chiến thắng tiến vào giải phóng Sài Gòn, trụ lại thành phố làm đại diện một tờ báo, chốt trực cơ quan. Ở rừng lâu, nằm lán, ngủ võng cũng quen, nay về phố thị, căn hộ hai ba phòng, tự nhiên thấy trống trải, trằn trọc. Hoà bình rồi, cần ổn định cuộc sống, việc đầu tiên là đón mẹ con nó vào.

  • ĐỖ KIM CUÔNGNấn ná mãi tôi mới quyết định đi thăm Hiền. Quãng đường hơn trăm cây số, vượt qua đèo Cả không có gì đáng ngại. Chỉ hơn ba giờ đồng hồ ngồi xe đò và hơn một giờ nữa trên chếc xe ngựa của ông Sáu cụt chân là tôi đã có thể tới làng Vĩnh Hiệp Nam, về ghềnh Đá Đỏ. Nhà cô giáo Hiền ở đó.

  • LÊ MAICơn mưa chiều sầm sập kéo tới, mưa đổ bì bộp xuống mái nhà; hạt mưa nặng đến nỗi Hoàng tưởng như những tấm tôn phải oằn rướn lên chống đỡ; nước từ các máng xối tuôn ra ào ạt kéo theo hàng đụn lá khô, cỏ rác tràn đầy cống ngoài đường. Mới có năm giờ chiều mà như tám giờ tối.

  • HƯỚNG DƯƠNGTruyện ngắnMùa đông năm ấy tôi phải đi công tác tại một thành phố nhỏ ven biển. Khách sạn tôi trú chân nằm trên một ngọn đồi, nó không sang trọng, bề thế như nhiều khách sạn khác. Nhưng bù lại, nó hướng mặt về phía đại dương. Địa điểm này thật sự lý tưởng cho khách du lịch vào mùa hè, còn mùa đông thì chỉ có những người đặc biệt hay những công việc đặc biệt người ta mới tìm đến đây nghỉ lại. Một người bạn thân đã cho tôi địa chỉ của nó. Tôi khá hài lòng nếu như bạn hàng của tôi không bắt tôi chờ bão tan rồi mới đáp máy bay đến ký hợp đồng.

  • TRẦN HẠ THÁP(thân tặng Ng.X.Hoàng)

  • TRẦN HẠ THÁP    (tiếp theo)

  • VÕ THỊ ÁNH HỒNGTôi vừa chạy vừa gọi chị trong tiếng sóng rì rào và tiếng lao xao của dãy phi lao. Như không nghe thấy tiếng tôi, chị vẫn thẫn thờ nhìn về xa xăm, chờ đợi...

  • PHẠM NGỌC TÚYĐó là một cặp vợ chồng trông rất đẹp đôi và hạnh phúc. Chàng cao lớn, mặt vuông. Nàng mảnh khảnh, xinh xắn. Khi lấy nhau, họ ở nhà tập thể của cơ quan. Sau khi cơ quan dời đi chỗ khác, người được phân đất, kẻ được chia nhà, lần lượt dọn đi. Chỉ trừ chàng. Chàng vì cô mà ở lại.

  • PHẠM XUÂN PHỤNGXưa có một người nông dân chất phác cần cù, nhà ở gần bìa rừng, làm lụng đầu tắt mặt tối bao năm mới dựng được ngôi nhà tranh ba gian hai chái. Trước nhà có cái sân rộng dùng để phơi lạc, loại nông sản chuyên canh của dân trong vùng. Hai vợ chồng có mỗi mụn con trai nên thường chăm bẵm, những mong sau này có được dâu hiền, phúc nhà đến độ, may chăng cháu chắt đầy nhà là mãn nguyện.

  • NGUYỄN NGỌC LỢICây mai dáng trực đặt nơi khoảng sân lát gạch đỏ của toà nhà ấy đã làm xôn xao cả phố. Gốc cây mai to gộc, u bạnh của nó bám đầy địa y mốc xanh mốc trắng.

  • TRẦN THÙY MAIThấp thoáng trong văn Trần Thùy Mai là sự phô phang hình hài của linh tự. Những linh tự tủi buồn bởi hết thảy chúng đều được hoài thai từ “độ chênh” của những mối tình khó lần ra hồi kết. Điều đó khiến mỗi truyện ngắn của Mai như là một miếng hồng trần nhỏ nhắn - chị lặng lẽ vấy vá bằng sợi tầm ma trước mỗi rạng đông...

  • QUẾ HƯƠNGTôi băng qua đường để lên cầu Trường Tiền. Thằng Tí kéo tay tôi lại: “Cậu qua đường mần chi, xe cán chừ!”. Tôi cứ qua. Đám trẻ con đang chơi ở công viên trước mặt ném đá vào tôi. Tôi chạy lên cầu. Đám trẻ réo: “Ông điên! Ông điên!”. Tí chạy theo, vừa thở, vừa nắm tay tôi: “Ai bảo cậu qua bên ni, dắt cậu thiệt mệt!”.

  • NGUYỄN NGUYÊN PHƯỚC Vào một buổi tối mùa thu, Đinh Hoài Viễn, một nhà văn trẻ tuổi, một người hoàn toàn vô danh trong văn giới, trong khi bóc phong thư mới nhận được vào buổi sáng ngày hôm đó, đã phát hiện ra ở mặt sau cái phong bì rỗng ấy một văn bản kỳ lạ trong hình thức của một truyện ngắn không đề tên tác giả.

  • ĐỖ KIM CUÔNGQuán cà phê cây sứ của vợ chồng Tư Hiền nằm ngay mặt tiền con đường nhỏ dẫn ra biển. Quán không trang hoàng đèn xanh đèn đỏ, không quầy két, không người chạy bàn, chỉ dăm ba bộ bàn ghế nhựa rẻ tiền.

  • HƯƠNG LANNàng sống trong một ngôi nhà xưa, được xây cất từ đời ông cố của nàng, tính ngót nghét nó cũng hơn trăm tuổi. Ngôi nhà nằm giữa một khu vườn mênh mông.

  • LƯƠNG VĂN CHILGT: Nhà tù, nơi chưa mảy may cải hóa được người đàn ông từng trác táng trên nền đạo đức xã hội, nhưng... Truyện được thắt nút khi Thuần “lột trần” vẻ đẹp phồn sinh xuân thì để minh chứng cho những ham muốn nguyên khai của con người là có giới hạn. Không khiên cưỡng ở nhiều chi tiết nhạy cảm, không tục trần trên từng đường cong mỹ diệu... Kịch độc đã thật sự “tiêm” những rung cảm lạ lùng vào miền hoang mê của lương tri đồng loại.