Anh hùng di hận

14:23 09/12/2008
NGUYỄN XUÂN HOÀNGĐêm dường như đã xuống từ lâu lắm. Chỉ nghe lao xao tiếng nước suối chảy như một khúc đàn cầm. Nguyễn ngồi một mình trong thư phòng. Đôi cánh tay dài quá gối để hờ hững lên thành ghế tựa được làm từ mây rừng Côn Sơn. Ông hướng đôi mắt sâu thẳm nhìn xoáy vào bóng rừng chập chùng một màu đen nhức mắt. Xa lắc trên cao vầng trăng thượng huyền nhỏ và mỏng như một nét mày duyên nợ.

Chỉ đến ngày lui về đây ẩn cư, xa lánh hẳn chốn phù hoa, không còn nữa gánh nặng công hầu khanh tướng, Nguyễn mới thấy mình được sống thỏa thích với hạc nội mây ngàn. Mùa thu, Nguyễn đi hái măng trúc. Trúc rừng Côn Sơn nhiều vô kể. Một chiếc giỏ mây và chú tiểu đồng, hai thầy trò lên đường vào núi từ sáng sớm. Rừng Côn Sơn mùa thu bàng bạc lá vàng, rơi dày như thảm nệm chốn nội cung. Hài cỏ đi trên thảm lá, lòng Nguyễn ngây ngất như ngày nhỏ được cùng ông ngoại đi xem lễ hội Đền Bà. Tiết lập đông, Nguyễn xắn tay cùng người nhà ủ giá. Những cọng giá trắng ngần trong bữa ăn đạm bạc làm Nguyễn nhớ quá chừng cái đận mười năm ở góc thành Đông Quan. Hồi ấy, Nguyễn rất nghèo nhưng chí lớn, đã trải qua nhiều ba đào, song vẫn còn một sức trẻ mạnh mẽ, cương liệt. Chính những năm tháng ấy đã hoài nuôi giấc mộng kinh bang tế thế, ấp ủ trong lòng Nguyễn một kế sách lớn long trời lở đất sau này. Đạt đến đỉnh cao của quyền lực, được vua ân sủng và bao kẻ ghen ghét tị hiềm, nhưng Nguyễn biết lòng mình không ưa phù hoa, chí hướng của Nguyễn không nhằm vào cái đích vinh thân phì gia như cách nghĩ của phường giá áo túi cơm. Ừ mà làm sao con chim sâu chim sẻ thấy được đường bay của chim hồng chim hộc. Vì trước sau, Nguyễn chỉ muốn là một kẻ sĩ bần hàn. Sinh ra có tài là để giúp đời và quyết không để cái mũ nhà nho đánh lừa mình. Mùa xuân, Nguyễn thường đi tắm hồ sen. Vùng vẫy như trẻ thơ giữa lòng hồ rộng thênh thang, sen trắng sen hồng tỏa hương ngan ngát, Nguyễn thấy lòng mình thơ thới.

Chỉ thỉnh thoảng lòng Nguyễn lại oặn lên một cơn đau. Nguyễn cố quên đi tất lòng ưu ái cũ, cố quên đi là con đỏ đang còn cần Nguyễn, là lẽ ra Nguyễn phải ở giữa dòng chính sự, không được từ bỏ con thuyền vận mệnh của dân tộc. Về Côn Sơn hưởng nhàn có phải là Nguyễn đã làm một cuộc chạy trốn mà không bao giờ Nguyễn tha thứ cho mình. Nhưng làm sao Nguyễn có thể sống giữa một đám quần thần gian xảo, lấy xu nịnh làm hoạn lộ, lấy tham tàn mưu xảo làm lẽ sống ở đời. Nguyễn khác họ nhiều quá, cái đám kênh kênh mũ mão cân đai ấy làm Nguyễn tởm lợm đến tận cổ. Thôi thì Nguyễn về đây tắm ao sen, âu cũng là để giữ mình tránh xa vòng gươm đao oan nghiệt. Sự thông tuệ đưa Nguyễn về Côn Sơn để sống nốt những ngày còn lại, nhưng tấc lòng son vẫn không thôi lên án, dày xéo, mỉa mai Nguyễn. Thảo bút hùng văn một thời, Nguyễn chưa bao giờ là kẻ hèn, nhưng người quân tử phải sống theo thời và vận, nếu muốn còn giữ mệnh để phụng sự. Như là thế giặc lớn thì phải tạm lui, muốn lấy ít mà địch nhiều thì phải rèn sâu thâm kế, bền lâu gốc rễ.

Từ ngày về Côn Sơn, Nguyễn bắt đầu hay rượu. Sở thích của Nguyễn là ẩm thứ rượu gạo ngâm với hoa cúc cuối mùa. Màu rượu khi rót ra cốc nhỏ sóng sánh vàng như màu mật ong rừng. Chiêu từng ngụm nhỏ, Nguyễn chơi cờ một mình, một mình đi cả hai phe, mồ hôi mướt vai áo Nguyễn. Mới ngày nào Nguyễn một mình tự thảo hùng thư, đánh giặc bằng ngòi bút, hùng tâm tráng khí ngất trời, khi dụ hàng Vương Thông, khi răn đe Phương Chính, trọng nhân nghĩa mà khinh quyền mưu. Thư viết gửi giặc ở thế yếu mà không bỉ, ở thế thắng mà không kiêu, khi mềm như nước, khi cứng như đá, trọng ý, trọng lời, bóc trần giã tâm của giặc, khiến giặc hoảng sợ thất bại từ trong tư tưởng. Ôi! những ngày tháng ấy, Nguyễn đã dốc hết tài trí giúp đời, thỏa chí tang bồng hồ thỉ. Nguyễn không hề tiếc nuối một chút nào cái chốn phồn hoa mà Nguyễn đã quay lưng. Tài trí Nguyễn quá đủ để phiếm lượng cái hư vô bèo bọt của áo mão cân đai, lưng không uốn lộc nên từ. Nguyễn dứt áo từ quan sẽ rất nhẹ nhàng nếu như không có tấc lòng ưu ái cũ, và nếu như không có cuộc gặp gỡ định mệnh với người đẹp Thị Lộ.

Năm ấy. Nguyễn đã ngoài năm mươi, được vua ban cho quốc tính, ở đỉnh cao của danh vọng. Chiều ấy, làm việc ở tòa Tam tri quán sự, Nguyễn thấy ruột nóng như lửa đốt. Vốn giỏi Thái ất thần kinh, Nguyễn bấm độn thấy sao đào hoa chiếu mệnh mình đã lạc vào Cung Hằng. Nguyễn rùng mình sợ hãi lẽ nào có một nhân duyên đang được tiền định. Lòng rối bời, Nguyễn cởi chiếc áo tam phẩm nặng nề vắt lên ghế ngồi, đánh chiếc áo lụa trắng, ông đi về phía phố Dâm Đàm, nằm ven hồ. Và ở đây, ông đã gặp nàng.

Mười sáu tuổi, Thị Lộ đẹp rực rỡ, nàng như một bông hoa trắng muốt được ném xuống hạ giới này. Cố giữ vẻ mặt bình thản, nhưng Nguyễn biết trái tim mình đang đập mạnh, hơi thở gấp gáp, mạch máu ở thái dương ông dồn lên giần giật buốt nhức. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, Nguyễn biết nàng đã là của ông, ông không thể thiếu nàng và nàng sẽ đi cùng ông trong cuộc tử sinh này. Nguyễn chưa từng biết ái tình, cả cuộc đời mình ông đã vắt kiệt cho vận mệnh dân tộc. Cái điều mà ông gọi rất giản dị rằng ăn lộc thì phải đền ơn kẻ cấy cày. Lần đầu tiên trái tim băng giá của Nguyễn tháo bỏ những hạt cườm lóng lánh đạo đức nho giáo. Ông đã qui hàng trước đôi mắt ngây thơ với ánh nhìn trong vắt của nàng, trước làn da trắng ngần và đôi môi đỏ như một nụ hồng mỏng manh. Rồi mái tóc đen như màu gỗ mun uy nghiêm. Chỉ có đôi bàn chân của nàng hơi to, nhưng với Nguyễn điều đó không hề gì. Ông thấy mình bị kích thích dữ dội bởi đôi bàn chân ấy. Nó vững chãi kỳ lạ như là không phải nàng đã đứng bằng đôi bàn chân thô kệch, đã đon đả chào mời ông mua một đôi chiếu gon với chút đùa cợt phạm thượng, và mùi mồ hôi con gái như tính hương làm lay động lòng ông.

Phút giây tiền định ấy đã gắn liền hai con người, hai thân mệnh mà về sau lịch sử không bao giờ phải hối tiếc.
Thị Lộ thông minh kỳ lạ, nàng hiểu ông như thể chính là ông vậy. Không bao giờ Nguyễn phải diễn đạt một điều gì đó bằng lời nói. Anh mắt của ông đã được nàng đón nhận và hiểu còn nhanh hơn. Ông hiểu không phải là cái đẹp đoan trinh của nàng đã quyến rũ ông mà điều gì đó rất u uẩn trong đôi mắt của nàng đã cuốn hút ông. Nó như một ma lực kéo ông run rẩy đi về phía nàng, buột môi ông phải nói với nàng những lời vô nghĩa, những lời nói mà khối óc uyên bác của ông chưa từng biết đến, chỉ có trái tim là hiểu vì sao như vậy. Nguyễn như trẻ ra từ khi ông gặp nàng. Ông bình tĩnh đón nhận hạnh phúc như là ông sẽ đón nhận sau đó một định mệnh oan nghiệt. Và chính trên chiếc chiếu gon của nàng, Nguyễn đã nếm trải một niềm hạnh phúc kỳ dị, những khoái cảm dâng trào xen lẫn một nỗi hiu quạnh, nó khiến ông ứa nước mắt, giọt nước mắt của khách anh hùng biết ơn nàng. Đó là giọt nước mắt dự cảm cho một biệt ly. Đắm đuối ngắm khuôn ngực trần của nàng trễ nãi lụa là giữa đám chăn gối bề bộn, Nguyễn mơ hồ nghe có tiếng trống trận ầm vang, người ông nóng rực như một khối than đỏ khao khát đốt cháy hình hài tuyệt diễm của nàng...

Đêm đã khuya.
Nguyễn mệt mỏi gạt bàn cờ sang một bên.
Ông uống thêm một chung lớn rượu cúc nữa. Tiếng vượn hú từ suối Côn Sơn vọng lại làm đau nhói lòng ông. Nguyễn nhớ nàng ray rứt. Có phải là đêm cuối cùng trước khi lai kinh vâng mệnh vua, nàng đã ngồi đây trên chiếc ghế mây nhỏ này, đối diện cùng ông. Nhỏ nhắn trong chiếc áo lụa mỏng để lồ lộ khuôn ngực trần, Thị Lộ vẫn đẹp như ngày họ gặp nhau ở phố Dâm Đàm. Duy có đôi mắt của nàng u uẩn hơn và trên mái tóc đen dày đã lớm chớm vài sợi bạc. Nguyễn im lặng. Nỗi buồn của ông đã đanh cứng, vón cục lại từ khi nàng vào cung. Ông mừng rỡ như con trẻ khi nàng trở về thăm ông, rồi ra đi nàng để lại cho ông một khối tương tư. Nguyễn buồn cười khi nhận ra tình yêu mà ông dành cho nàng quá ư sâu nặng. Mỗi bận nàng ra đi, ông quay quắt và trống rỗng nhiều tháng trời. Gió lay những tàu lá chuối xanh mướt dưới ánh trắng đêm Côn Sơn làm lòng ông chết điếng. Đêm nào, Nguyễn cũng ngồi đó uống rượu một mình, ngắm chiếc bóng gầy trên vách mà nhớ nàng khôn nguôi “Tình thư một bức phong còn kín. Gió đâu đây gượng mở xem”. Nguyễn làm bài thơ thất tình duy nhất trong cuộc đời mình rồi ông nhếch mép cười ngày sau hậu thế nếu còn đọc nó sẽ thấy rằng ông quá đa cảm nhưng sẽ hiểu ông nhiều hơn.

Và lúc này, Thị Lộ đang ở bên ông. Tính hương từ người nàng tỏa ra khêu gợi và ấm áp. Trực giác báo cho Nguyễn biết có thể đây là lần cuối cùng họ gặp nhau. Dường như Thị Lộ cũng linh cảm được điều ấy. Nàng im lặng như Nguyễn, chỉ có đôi mắt sâu vời vợi dấu kín một nỗi sầu thảm. Chưa bao giờ Nguyễn thấy Thị Lộ cuồng nhiệt đến như vậy. Nàng ập lên người ông, bất ngờ như một đợt triều dâng, cuốn ông xoáy vào mê lộ. Nguyễn nghe tiếng vải lụa sột soạt. Ông chậm rãi và cốt cách đi sâu vào người nàng. Nỗi cô độc đá núi gặp phút bừng dậy của đam mê đã làm sống lại trong Nguyễn cơn khát chiếm hữu mụ mị. Ông áp sát hơn nữa vào người nàng, đưa đôi bàn tay với những chiếc ngón tay dài kỳ dị ôm lấy gương mặt trái xoan ngại ngần. Nàng cười như khuyến khích ông, khuôn ngực trần với đôi nhũ hoa thơm màu mật ong lóe sáng trong đêm tối...

Họ còn gặp nhau một lần nữa.
Đó là ngày mười chín tháng chín năm một ngàn bốn trăm bốn mươi hai. Ngày kết thúc vụ án Lệ Chi Viên oan nghiệt. Nguyễn lúc này đã bước sang tuổi sáu hai. Mấy tháng cầm cố và tra khảo đã làm Nguyễn gầy đi rất nhiều. Duy vầng trán vẫn cứ rộng và vuông vức một cách ngạo nghễ. Phía dưới vầng trán đồ sộ xa thư ấy là một đôi mắt sáng quắc. Đám quan lại xu nịnh mà ngày thường Nguyễn vẫn xem là những con kênh kênh thối tha không bẻ gãy được ý chí của Nguyễn. Không ai có thể kết tội được Nguyễn. Vì đơn giản là Nguyễn vô tội. Và hơn nữa Nguyễn là một bậc kỳ tài mà mấy trăm năm mới có được một người.
Người ta kể rằng trước giờ chết, Nguyễn vẫn còn cười với nàng. Đôi mắt sáng nheo lại với ánh nhìn tràn ngập yêu thương. Đó là lần gặp nhau cuối cùng trước khi Nguyễn và nàng, cả hai cùng trở về cát bụi. Năm ấy, Nguyễn vừa bước sang tuổi sáu hai, còn nàng vừa tròn hai mươi tám...
 N.X.H

(nguồn: TCSH số 208 - 06 - 2006)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • LÂM HẠ   

    Tôi có một mối giao tình kỳ lạ với Karen.

  • TRIỀU LA VỸ  

    Giừng có chửa!
    Bà giáo trề môi. Cả làng Vệ nhốn nháo.
    Tôi hớt hải chạy ra trại Nòn tìm Giừng.

  • TRƯƠNG THỊ THANH HIỀN

    Gã tự xưng là Quốc vương, phong ta làm Hoàng hậu, phong nàng ấy làm Hoàng phi. Gã từ sông La Vỹ đến đây, nàng ấy từ sông Thương nước chảy đôi dòng.

  • TRẦN BẢO ĐỊNH

    1.
    Hai Lượng tỉ mỉ chỉ cho Bảy Đặng cách bầu đất trộn tro trấu, bột xơ dừa để ươm hột măng cụt.

  • NHỤY NGUYÊN

    Đúng ra tôi chưa có ý định đi thăm thằng Xuân. Lần vừa rồi gọi điện vào cơ quan, nó réo: “Khổ quá. Đã bảo mày chỉ việc vào đây. Vào chơi chán rồi tao thuê riêng cho chiếc taxi chở về thấu cái am của mày”.

  • LÊ VI THỦY   

    Hiên lấy chồng. Ai cũng ngơ ngác ngạc nhiên. Con bé mới mười sáu tuổi. Cái tuổi vô tư hồn nhiên, cái tuổi cũng chưa đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật. Vậy mà lấy chồng! 

  • PHẠM NGỌC TÚY  

    1.
    Tôi sẽ không kể lại câu chuyện này nếu tôi không gặp lại Hồng. Câu chuyện ám tôi suốt mấy đêm trường, những nhân vật sống động tuồng như cùng một lúc trở về trong giấc mơ tôi.

  • NGUYỄN HOÀNG ANH THƯ    

    Phố hôm nay ngập sâu sau một cơn mưa kéo dài từ tối hôm qua đến trưa nay, cô đang nhìn thấy điều ấy trên tivi. Cô hơi tiếc, giá như cô ra đó muộn hơn, dù sao thì đi trong mưa hay bơi trong mưa vẫn thích hơn là chạy trên chảo lửa nóng. Hà Nội tuần trước hơn 50 độ, hai chân cô sắp cháy.

  • DIỆU PHÚC   

    Tôi lại vào viện. Sốt không rõ nguyên nhân. Lần nào cũng thế, và tôi cũng đã quen dần với việc vài ba tháng lại phải nhập viện một lần.

  • TRẦN BĂNG KHUÊ   

    1.
    Những đợt mưa xối xả từ tháng âm hồn vẫn còn rảnh rỗi kéo dài từng hơi thở tận đến cuối mùa thu vàng trong rừng cây vô sinh cô độc.

  • NGUYỄN VĂN UÔNG  

    Ông Bửu nằm gác chân lên vành chiếc chõng tre kê trước hiên nhà, mắt lim dim ngái ngủ giấc trưa. Chiều đã xế bóng. Gió nồm lao xao hàng tre trước ngõ, phớt nhẹ lên vầng trán lấm tấm mồ hôi.

  • LTS: Phạm Thị Ngọc Liên xuất hiện cuối những năm tám mươi. Tác phẩm đã in. - Vầng trăng chỉ một mình (Tập thơ - NXB Trẻ - 1969); - Biển đã mất (Tập thơ NXB Hội Nhà Văn -1990) và hai năm 1989-1990 đã đạt giải thưởng Truyện ngắn và thơ của Tạp chí Văn nghệ quân đội.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    Nhiều năm sau này Vũ nhớ về Giao khi hai người ngồi bên nhau trên ban công lồng lộng gió trăng. Ban công nhìn ra sân với hàng cau già nhuốm tóc trăng sáng bạc, là những hình ảnh cuối cùng của một miền quê sắp bị đô thị hóa.

  • NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH

    Cho đến khi chiếc xe buýt chở Dần khuất hẳn cuối ngã tư, Thuyền mới lững thững quay về. Đi qua trước quán bar, cô thấy me Tím cũng xách túi chui vào ô tô cùng với tiếng máy xe khởi động êm ru. 

  • ĐINH NGỌC TÂM   

    Đó không phải là một phòng trọ quá chật chội nhưng cũ rỉ cũ ri. Nước đọng rất lâu trong nhà tắm trước khi thoát hết.

  • ĐỖ QUANG VINH    

    Mọi chuyện bắt đầu với gói bưu phẩm, nó tới vào một ngày thứ tư nắng đẹp khi tôi đang ở chỗ làm. Người giao hàng đã bỏ nó lại trước cửa nhà mà không gọi điện thoại cho tôi, cũng không yêu cầu ký nhận gì.

  • NGUYỄN MINH ĐỨC

    1.
    Tảng sáng, bảy phát đại bác vội vã nã trống không xuống dòng Giang. Mặt đất rung chuyển. Bảy tiếng nổ liên hoàn kết thành làn sóng âm trong sương sớm.

  • DƯƠNG THÀNH VŨ

    Tôi lại thất nghiệp.
    Thượng Đế vốn nhân từ và công bằng. Ngài ban cho kẻ thừa tiền lắm của những lạc thú trần gian thì cũng ban cho cậu thiếu niên mười sáu tuổi đầu, không nơi nương tựa, sức chịu đựng bền bỉ, trí khôn đối phó với hoàn cảnh và bươn chải với đời.

  • BẢO THƯƠNG

    Một dạo chúng tôi hay bàn luận về một cây viết bí ẩn, anh ta dùng bút danh Super, nhưng chẳng bao giờ lộ mặt; chúng tôi gõ đủ trên Google về cái tên nghe như nhân vật của một đế chế trò chơi nào đấy nhưng rặt không biết. 

  • NGUYỄN VĂN HỌC

    1.
    Dễ đến sáu năm rồi, Hân có thói quen vừa xõa tóc bên hoa vừa nghe nhạc. Cô thích nhạc buồn, da diết nỗi niềm và ầng ậc nước mắt. Chả riêng dòng gì. Cô đắm vào đó.