Áng mây cuối trời

09:57 12/11/2009
NGUYỄN HÙNG SƠN          Một buổi chiều cuối tháng ba trong lúc ngồi bón cháo cho chồng, bà Loan nhận thấy hôm nay Hào, chồng bà có những biểu hiện khác thường. Ông có vẻ suy nghĩ, ăn uống uể oải.

(Ảnh: Internet)

Bà trộm nghĩ hay là ông sắp đi rồi? Bà lo quá. Tuy vậy bà vẫn giục:

- Sao ông cứ nhai mãi thế? Cháo tôi hầm nhuyễn lắm. Ông cứ húp cái soạt là xong mà.

- Hay bà cứ để đó tôi tự xúc lấy, trời mát rồi, bà tưới mấy chậu hoa, kẻo...

Chẳng chờ ông nói hết câu bà cắt ngang:

- Hoa hóet gì. Để đó tối tôi tưới, ông hãy lo cái thân ông đã.

Thế là ông Hào lại lẳng lặng đón từng thìa cháo. Vừa ăn ông vừa kín đáo nhìn bà. Đấy là một phụ nữ một thời xuân sắc mà ông rất tự hào. Công bằng mà nói lúc con gái bà cũng bình thường. Mặt trái xoan nhưng gầy, cằm bót, má hóp trông đanh đanh thế nào. Ây vậy mà cưới chồng được mấy tháng bà như thay hình đổi dạng. Người ta không còn thấy một cô Loan bót cằm, hóp má, không còn thấy cô Loan còm nhom như trước. Mà dạo đó con gái đâu có biết dùng mỹ phẩm như bây giờ? Đúng là “ gái có hơi trai”. Ông Hào chợt mỉm cười.

- Ông cười gì vậy?

- Thời con gái nếu xinh xẻo như sau khi cưới chắc gì bà đã lấy tôi, bà nhỉ?

- Cái ông này - bà nguýt ông, nhưng bà thầm nghĩ “ông nói không sai. Sau khi cưới chồng mình mới được thiên hạ khen đẹp”. Bà thấy lòng phấn chấn, những lo âu phiền muộn như đã được giải tỏa.

- Thôi ông không muốn ăn nữa thì để tối tôi làm chao tim cật cho ông nhé.

- Bà thì cứ bày vẽ cho tốn kém. Tôi không muốn ăn đâu. Lấy cho tôi quyển sổ bìa ni lông đỏ và mấy tờ giấy.

- Buồn thì mở ti vi mà xem, viết với lách cho nhọc óc.

Nói vậy nhưng bà vẫn lấy sổ và giấy bút cho ông. Khi bà đi vào nhà, ông thẫn thờ nhìn theo, phút chốc ký ức đưa ông đi ngược chặng đường gần bốn mươi năm chung sống. Lúc mới cưới bà như mật ong ngọt mà say khiến ông cứ ngây ngất. Được nửa năm bà có mang con Hoa. Ông thấy bà là ân nhân đã ban cho ông niềm hạnh phúc nhất đời. Ông thấy bà thân thiết quá, gắn bó quá. Bà đang nâng niu một phiên bản của ông, một Hào con hay một cái gì đó thiêng liêng quý giá vô ngần.

Thời ông làm giám đốc xí nghiệp rồi lên giám đốc công ty không thiếu các cơ hội gần gũi các cô gái đẹp. Không ít cô say mê ông, nhưng ông phớt lờ tất. Ông tự nhủ sẽ không bao giờ phụ bạc bà. Vậy mà ông đã vụng trộm. Ông giấu bà đến tận bây giờ.

Ông Hào lần giở cuốn sổ bìa đỏ. Đây rồi ngày 24- 10- 1988. Ông lẩm bẩm “ mới đó mà đã mười năm. Thảo ơi em ở phương nào?”. Ngày 24- 10- 1988, cái ngày đáng nhớ ấy, ông chỉ ghi văn tắt: Cô Nguyễn Thị Thảo nhân viên ban đời sống nghỉ chế độ 176.

Cô ấy xin nghỉ “một cục” vì cô không về quê mà sẽ vào Nam. Ngày đó ông đưa cho Thảo một triệu đồng, nhưng cô không chịu cầm.

Sau một lúc thần người suy nghĩ ông viết dứt khoát: NHẮN TIN.

Từ ý định ban đầu đến cái tít đã khó, từ cái tít đến nội dung lại càng khó hơn. Nhắn thế nào đây? Anh trai nhắn tìm em ư? Không được. Hay lấy tư cách cơ quan mời Thảo ra họp mặt kỷ niệm ngày truyền thống. Nhưng ông Hào lắc đầu. Ngày thành lập công ty là tháng 12 cơ. Còn chín tháng nữa mới tới. Với lại mình đã nghỉ hưu ba năm rồi, có làm giám đốc nữa đâu mà nhắn với nhe?

Ông Hào chán chường lẳng bút xuống bàn rồi lại giường nằm. Bà Loan bưng cốc nước sâm giải nhiệt ra thấy ông nằm im lặng, bà rón rén đặt cốc nước ở bàn để lúc thức dậy ông uống.

“Không biết đã viết được gì chưa? Chắc là ông ấy mệt lắm” bà lẩm bẩm vậy rồi thu xếp sổ sách, giấy bút vương vãi khắp bàn. Thấy hai chữ Nhắn tin choán hết một dòng bà tròn mắt nhìn rồi lục tìm những tờ còn lại nhưng không có chữ nào khác.

- Bà thắc mắc lắm phải không?

Bà Loan giật mình nhưng bà đứng lặng không trả lời.

- Bà lại đây, tôi có câu chuyện muốn nói với bà.

Khi đã ngồi xuống bên chồng bà mới hỏi khẽ:

- Ông định nhắn cho ai?

- Cô Thảo

Bà há mồm nhìn ông, chờ ông nhắc lại bởi vì bà không tin ở tai mình. Nhưng ông không nói gì thêm. Bà gặng hỏi:

- Ông nói lại đi. Nhắn tin cho ai?

- Cô Thảo. Cô Thảo ở ban đời sống của công ty bà quên rồi sao?

- Quên thế nào được. Cô Thảo “ lập trường trước sau như một”, cô Thảo thần kinh, lạ quái gì. “Không phải trước sau như một đâu, cũng eo co như ai” ông Hào thầm phản đối thế. Nhưng ông nói:

- Sao lại bảo người ta thần kinh?

- Không thần kinh thì hà cớ gì đang làm ăn thuận lợi lại đi xin nghỉ một cục?

- Ừ... Ưm.

Thấy chồng hưởng ứng bà Loan nói một thôi, một hồi liệt kê những cái chập, cái dở hơi của Thảo. Tuy khó chịu nhưng ông Hào lẳng lặng không nói. Chuyện của cô ấy thì nhiều, bởi người ta tiếc gì mà không thêu dệt. Thật tội. Tại vì cô ngay thẳng quá, thật thà quá. Ai đời đã ba bảy, ba tám tuổi mà cứ ngỡ như mới ngoài hai mươi.

Có lần ông nghe mọi người kể: Có anh chàng nào đó đặt vấn đề cầu hôn cô, thấy cô ưng thuận anh ta nắm lấy tay chưa kịp tỏ một cử chỉ âu yếm đã bị cô la ầm lên. Tưởng nhà có kẻ trộm mọi người vác gậy đến. Cô Thảo phân trần “Tìm hiểu gì mà chưa chi đã đòi hôn...” anh chàng ngượng chín mặt chuồn thẳng.

- Này ông? Sao lại nhắn tin cho cô Thảo? Ông đã nghỉ hưu, ông quên à?

- Nhớ chứ. Tôi nói là...

Ông Hào bỏ dở câu nói, cảm thấy như ai bóp ở cổ, ông bê cốc nước uống cho đỡ tức ngực.

- Bà ạ. Tôi có lỗi với bà. Tôi, tôi... Có lẽ cô ấy có một đứa con.

- Và ông là bố của đứa con đó chứ gì?

Thấy ông lặng lẽ gật đầu, bà Loan ớn lạnh sống lưng, mắt bà hoa lên nhưng bà cố trấn tĩnh, cố dằn lòng. Bà không thể ngờ cô Thảo “lập trường trước sau như một”, hâm hâm, chập chập lại đi quyến rũ chồng bà. Không thể ngờ, mực thước, lạnh lùng như ông Hào lại ngoại tình. Mặc dù biết chồng đang mệt, cuộc sống của ông chỉ còn tính tháng, tính ngày không nên nặng lời, nhưng ruột gan bà như lộn tung. Bà rít lên:

- Ông là kẻ đểu cáng, ông là kẻ lừa dối.

Nói rồi bà ôm mặt khóc. Câu nói nặng nề và những tiếng nấc của vợ, ông Hào  đã lường trước. Không phải vì thế mà ông lần lữa, chưa nói với bà. Ông sợ nhất là bà mất niềm tin. Nhưng bây giờ thì ông không thể trì hoãn. Vợ con ông và các bác sĩ giấu không cho ông biết là ông bị ung thư. Nhưng qua sự lo lắng của mọi người ông cũng đoán được là ông bị bệnh nghiêm trọng khó mà qua khỏi. Mọi người giấu ông thì ông cũng giấu không để họ biết là ông cũng đã đoán ra.

- Tôi có tội với bà, có tội với các con. Nhưng quả thật tôi...

- Thôi ông đừng nói nữa - Bà nóng nảy cắt lời ông - Cái con Thảo hễ đàn ông chạm vào là như đỉa phải vôi thế mà ông tán tỉnh được, ông giỏi thật đấy.

- Bà nói thế, giỏi giang gì đâu.

Bà cười khẩy, rồi chua chát:

- Có đám nào nữa kể ra tôi nhắn tin luôn thể.

- Hờ... hờ. Làm gì có nữa, có mỗi một đám ấy mà tôi cứ day dứt bao năm bà ạ.

Buổi chiều hôm ấy cách đây mười năm, tuy đã hết giờ làm việc nhưng giám đốc công ty Lê Khắc Hào vẫn cắm cúi đọc tài liệu. Ông có thói quen là đọc công văn, tài liệu vào cuối giờ để tổng hợp tình hình và dự kiến công việc ngày hôm sau. Có tiếng gõ cửa khẽ khàng và cô Thảo hiện ra ở cửa. Tuy ngạc nhiên nhưng ông vẫn niềm nở:

- Cô đến vào giờ này chắc là có việc cần?

- Dạ. Em muốn anh giúp đỡ.

- Có việc gì cô cứ nói.

- Em muốn mời anh đến nhà em...

- Đến nhà cô? Chà ở công ty bảy tám năm nay mới được cô mời đây. Có sự kiện gì thế cô Thảo?

- Dạ không ạ.

- Chắc là có người nhà ở Hải Dương lên thăm không có bạn uống rượu chứ gì?

- Không có ai đâu ạ. Em chỉ mời mỗi mình anh thôi.

Nghe tiếng nói như reo và ánh mắt lấp lánh của cô, chợt nhớ đến những lời đàm tiếu của mọi người, ông nói:

- Không có sự kiện gì thì để lúc khác cô Thảo nhé.

Thảo hốt hoảng:

- Ây. Để em nói đã. Em muốn anh giúp, anh đừng cười

Ông Hào gật đầu.

- Em muốn, muốn có con.

- Cái gì?

Thấy cô Thảo dúm dó sau tiếng hét của mình ông Hào bỗng thấy thương hại. Giọng ông chùng xuống nửa như trách móc, nửa như thông cảm:

- Cô buồn cười thật. Không trách người ta bảo...

- Người ta bảo tôi hâm, tôi thần kinh chứ gì? - Thảo chặn họng ông như thế.

Trước mặt ông Hào lúc đó không còn là một cô Thảo rụt rè, một cô Thảo dúm dó nữa. Cô ngẩng cao đầu nhìn thẳng vào ông như một quan tòa - Người ta bảo thế vì người ta khinh tôi, coi thường tôi. Còn ông tôi tưởng là...

Cô Thảo bỏ dở câu nói rồi ôm mặt chạy ra khỏi phòng. Ông Hào sững sờ nhìn theo.

Những ngày sau đó ông luôn bận tâm vì câu nói của cô Thảo. Tuy cô tránh mặt nhưng tiếng cô luôn ong ong trong tai ông.

Thì ra trong khi biết mọi người chế nhạo, coi thường, cô ấy vẫn tin là còn có những người tôn trọng mình. Một trong những người đó là ông. Vậy mà ông nỡ hắt hủi?

Mấy hôm sau cô Thảo được giám đốc gọi lên để kết hợp theo xe ông về Hà Nội mua quà Trung thu cho các cháu ở công ty. Trong lần đi công tác ấy nguyện vọng có con của Thảo được ông đáp ứng.

Người ta chợt thấy một cô Thảo tươi tắn, hồn nhiên, một cô Thảo cởi mở, thân mật với mọi người chứ không thu mình, khó tính như trước.

Nhưng cũng chính vào lúc đó, lúc mà sự thay đổi làm mọi người bắt đầu có thái độ khác với cô thì Thảo lại đùng đùng xin nghỉ “một cục”. Ai cũng khuyên, cũng bàn Thảo ở lại cho đủ hưu hãy về. Chí ít thì cũng chạy lấy cái “hưu non” chứ nghỉ 176 thì thiệt thòi lắm. Nhưng Thảo bỏ ngoài tai tất cả. Thế là người ta lại bàn tán, chê bai cô chập mạch.

Riêng ông Lê Khắc Hào thì biết được lý do vì sao Thảo lại kiên quyết thế.

Cũng vào một buổi cuối ngày như hai tháng trước, Thảo đã vào gặp ông. Cô báo tin cho ông biết là cô đã có thai. Hơn nữa cô khẳng định mình sẽ sinh con trai. Ông tỏ ý không tin thì cô bảo rằng nhà cô có sáu anh chị em thì năm người sinh con trai một bề rồi. Nghe Thảo nói, ông chộn rộn trong lòng bởi vợ ông đã sinh hai con gái nhưng ông vẫn phải “xịt tốp” không dám cho ra đứa thứ ba, ông là lãnh đạo không thể vi phạm quy định, với lại biết đâu đứa thứ ba lại là vịt giời?

- Bây giờ em định thế nào?

- Em chả định thế nào cả. Em sẽ sinh con, sẽ làm mẹ.

- Biết rồi - ông Hào kêu lên rồi hạ giọng - anh muốn biết em sẽ...

- À, em hiểu - Thảo vui vẻ - Em sẽ khai sinh cho con theo họ anh. Anh bảo nên đặt tên gì?

Chẳng chờ ông trả lời Thảo nói luôn:

- Em sẽ khai tên anh là bố của con trai em đấy.

- Chết! Chết! Cô định giết tôi à?

Những ánh tươi vui trên khuôn mặt Thảo tắt lịm. Còn ông thì hoang mang lắm. Ông nhìn trước ngó sau nhỡ có ai vào. Không khéo cô ta sẽ làm to chuyện. Ông tự trách mình không tỉnh táo, dây vào cái cô thần kinh này thật rách việc.

- Cô nên nhớ chính là cô đề nghị, chứ tôi không... không bắt ép cô.

Những lời nhắc nhở, răn đe của ông không hề làm Thảo dúm dó lại như ông nghĩ mà cô chỉ nhếch mép cười không nói. Sự điềm tĩnh của cô làm ông run sợ. Ông như rên rỉ:

- Em hiểu cho anh. Anh còn gia đình vợ con, còn sự nghiệp.

Thảo cười khẩy:

- Anh yên tâm, tôi không đụng đến gia đình và sự nghiệp của anh đâu.

Nghe Thảo nói vậy ông Hào tươi tỉnh hẳn, ông bật chai nước khoáng lấy cốc rót cho Thảo, rót cho mình, rồi nói với Thảo là ông sẽ có trách nhiệm đến cùng với mẹ con cô, chỉ xin cô đừng để lộ ra. Ông sẽ xây nhà cho mẹ con cô, sẽ không để cô thiếu thốn.

Nhưng Thảo bảo về vật chất cô không cần, chỉ cần con cô có bố, dù chỉ là một cái tên. Cô sẽ đi xa, sẽ nói với mọi người là bố thằng bé đã chết. Ông Hào điếng người...

Mấy năm sau, nhân chuyến đi Hải Phòng, ông đã ghé về quê Thảo. Người nhà cho biết sau khi rời công ty cô chỉ về thăm quê mấy ngày rồi đi Nam nhưng không biết ở đâu.

Những ngày đằng đẵng day dứt ông mới thấm thía rằng Thảo là người có cá tính mạnh mẽ. Cô không hâm, không chập mạch như người ta dị nghị. Tuy giận về sự hèn nhát của ông nhưng cô vẫn bảo vệ ông, giữ uy tín cho ông. Chính vì điều đó mà ông càng khắc khoải nhớ mong. Ngày ngày ông cứ ngồi nhìn qua cửa sổ hướng về phía trời Nam, nơi có những đám mây vàng, trắng như đoàn tàu, như những con ngựa khổng lồ trước giờ khởi hành. Nhưng đoàn tàu, đàn ngựa ấy cứ đứng lặng ngày nay qua ngày khác, tháng này qua tháng khác. Chúng trở nên gần gũi, quen thuộc với ông. Mẹ con cô ấy cũng như những áng mây cuối trời kia. Ngày ngày ông nhìn thấy đó mà xa lắc không thể nào với tới. Ông thầm so sánh thế.

Hai ngày sau khi nghe ông kể lại điều bí mật ấy, bà Loan đã làm thủ tục nhắn tin trên đài tiếng nói Việt Nam. Đó cũng là những ngày mà mẹ con Thảo bồn chồn, ruột gan như lửa đốt. Tin vào dự cảm của mình, Thảo quyết định thu xếp đưa con về quê. Khi chị về đến Hải Dương, người làng bảo có bà Loan nhắn tìm chị trên đài, đâu như chồng bà ấy chết. Thế là Thảo vội vàng đưa con ra ô tô. Nhưng khi mẹ con chị đến nơi thì ông Hào đã tắt thở. Thật may, thằng Lê Khắc Hảo con trai Thảo còn kịp thấy mặt bố. Dù thấy khi bố nó đã chết.

Mặc dù đã ngót ngét năm mươi tuổi, nhưng mọi người ở công ty quả quyết là trông chị Thảo còn trẻ, đẹp hơn thời chị còn ở công ty. Trong buồn vui của ngày gặp lại chị đã kể cho bà Loan và mọi người nghe chuyện chị lên gặp giám đốc công ty và bị ông quát. Nhưng rồi sau đó, ông nghĩ lại. Rằng chị muốn có con, muốn được làm mẹ, nhưng không phải bằng mọi giá. Lại càng không thể với người khác ngoài ông Hào.

Lời nói chân thực của chị khiến bà Loan xúc động. Bà ôm thằng Hảo vào lòng rồi hôn lên trán, lên má nó. Cử chỉ đó khiến Thảo rưng rưng. Chị len lén quay mặt lau nước mắt mà miệng mỉm cười.

Việt Trì 4- 1998
N.H.S                 
(128/10-99)






 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN NGỌC LỢITối đó bản Phiệt có buổi liên hoan văn nghệ. Cơm chiều xong Tản đưa tôi vào đó chơi. Chúng tôi đang chuẩn bị đi thì một cô đang dẹp đám cuốc xẻng trong góc lán nói vọng ra. Anh Tản mà đưa anh ấy đi thì có mà... Anh ấy đẹp trai, gái bản theo hết, mất phần đấy... Tản cười, cho theo bớt chứ một mình tôi... mệt lắm.

  • LÊ NGUYÊN NGỮTrong bối cảnh rạt rào gió bấc và nắng trải vàng như mật bên ngoài báo hiệu Tết sắp vê, con ngựa cũng đứng dạng bốn chân như lắng nghe câu chuyện đầy hoài niệm mà Tư Gồng bắt đầu kể tôi nghe. Giản dị vì đây là câu chuyện về chính nó, Tư Gồng trước kia đã lần khân hẹn khất với tôi chờ đến Tết Con Ngựa. Mà lúc này thì đã là cuối tháng chạp rồi.

  • NGUYỄN QUANG LẬPChiều ba mươi tết, Quỳ đạp xích lô ra ga, tính đón khách chuyến tàu vét rồi gửi xích lô, bắt xe đò về quê. Vừa vào sân ga, tàu chưa về đã có khách gọi, may thế. Khách là một trung niên mặt rỗ, quần bò áo thun, kính đen gọng vàng.

  • ĐỖ KIM CUÔNG1... Cho đến lúc sực tỉnh, tôi mới nhận ra con đường ra cánh đồng tôm và những vườn dừa dưới chân núi Đồng Bò.

  • HỒNG NHU Xóm phố nằm trên một khu đất trước đây là một dẫy đồi nghe nói vốn là nơi mồ mả dày đặc, phần lớn là mồ vô chủ không biết từ bao đời nay; và cũng chẳng biết nơi nào có nơi nào không, bởi vì gần như tất cả mồ mả ở đó đều đã bị thời gian mưa gió bào mòn, chẳng còn nấm ngôi gì cả.

  • TRẦN HẠ THÁP1*Gã nằm xuống thoải mái. Cảm giác mát lạnh của ghế đá còn rịn hơi sương buổi sớm thu giúp gã chợp mắt ngay. Công viên thành phố không chỉ là bạn đời của những ai không nhà, các tên chích choác, kẻ sống ngoài vòng luật pháp... Đây cũng là nơi khá thân quen đối với người như gã. Ít ra đã hơn bốn tháng qua, từ khi gã rời một khách sạn năm sao trong thành phố.

  • THÁI KIM LAN"Làm sao biết từng nỗi đời riêngĐể yêu thương yêu cho nồng nàn”                              Trịnh Công Sơn

  • THÁI KIM LAN(tiếp theo)

  • NGUYỄN ĐẶNG MỪNGLGT: Cuộc sống cứ lao về phía trước, song những tâm hồn đa cảm thì lại hay ngoảnh nhìn về phía sau. Nước nhảy lên bờ là ánh nhìn về những ngày đã qua giữa một vùng quê bình yên của “đêm trước đổi mới”. Một bức tranh quê sống động, dung dị song ngổn ngang những cảnh đời, những cảnh tình mà chúng ta không được phép quên, bởi tư duy đổi mới của đất nước hãy còn tiếp diễn...

  • VĨNH NGUYÊNNgô - bạn tôi rủ tôi về làng Chẻ.Đến thành phố H.H., tôi mượn chiếc xe máy của một người quen. Tôi chở Ngô về làng An Hải Trung.

  • I. Nàng là nhân vật chính của vở kịch. Vở kịch đang diễn ra. Những chủ đề về tình yêu và hôn nhân, về ước mơ và sự thật, về hoài vọng và định mệnh, về sinh ly và tử biệt, v.v và v.v... đan chéo và quyện chặt vào nhau, tạo nên một trường nghĩa lơ mơ lan man đầy ảo dị mà qua đó, những nhân vật còn lại cứ tông tốc xoay xỏa quanh một nhân vật trung tâm đang chơi trò mê hoặc: nhân vật chính.

  • Đó là lần thứ mười Malio quay về góc phố ấy. Phố hẹp, những căn nhà mặt tiền nhấp nhô, khách sạn lấp lánh đèn chen cửa hàng tơ lụa, phòng tranh sơn mài phương Đông sát với những quán cà phê nho nhỏ bài trí kiểu Tây phương...

  • Năm 1966 thầy Phan Linh dạy Toán lớp 7A tại trường cấp II xã Phúc Giang. Đó là năm chiến tranh phá hoại rất ác liệt. Máy bay Mỹ cứ nhằm những tụ điểm đông người thả bom. Học sinh đến trường phải đội mũ rơm. Để tránh bom đạn trường Phúc Giang phải sơ tán về các làng, các xóm học tạm. Lớp 7A của Phan Linh sơ tán về làng Mai.

  • Gió từ đại dương lồng lộng thổi qua cửa sông, qua bãi cát trắng xoá rồi vỗ đập vào những tàu lá dài ngoằng của loài dừa nước, oà vỡ những thanh âm xạc xào.

  • Đúng sáu năm tôi không trở lại thành phố ấy dẫu rằng trong lòng tôi luôn luôn có một nỗi ham muốn trở lại, dù trong sáu năm tôi giấu kín trong lòng mình điều đó, chôn thật sâu trong suy nghĩ của mình, chẳng hề nói ra.

  • Chúng tôi tìm được địa điểm chốt quân khá lý tưởng. Đấy là chiếc hang đá ở lưng triền núi; hang cao rộng vừa lõm sâu vào vách núi. Cửa hang được chắn bởi tảng đá khổng lồ, rất kiên cố; dù máy bay Mỹ có phát hiện thấy cửa hang mà phóng rốc két, đánh bom tấn thì người ở trong hang vẫn chẳng hề gì! B52 có rải thảm bom thì lại càng không ăn thua.

  • Sau khi dọn bàn ghế xong, bà Lan chọn chiếc bàn kê sát ngoài cửa ngồi trang điểm. Từ ngày mở quán, bà đâm ra có thói quen ngồi trang điểm như thế, vừa tiện việc mời chào khách, vừa có đủ ánh sáng đầu ngày.

  • Chiếc váy của Tuyl Cleng va quệt không ngớt vào mấy vạt cỏ hai bên vệ đường. Những chỉ hoa văn ở riềm váy trông như hai cánh tay chạy như bay xuống đồi. Cuốn vở học trên tay cô nhịp nhàng lên xuống như chiếc quạt diễn viên múa. Mùa xuân sắp đến, trời đất như rộng rinh thêm. Những con chim trao trảo, chèo bẻo, ta li eo... cũng hót vang bên rặng rừng, vui lây theo nỗi vui của Tuyl Cleng.

  • Ven Hồ Gươm ở phía lề đường bên phải, cách chân tượng vua Lê Thái Tổ ước ngoài trăm mét, luôn có một bồ đoàn. Bồ đoàn là chừng dăm tấm thảm Tầu rải sàn nhập lậu từ các tỉnh phía Bắc được các gia đình Hà Nội trung lưu ưa dùng.

  • 1Sau lần đi gặt thuê cho đồng bào dân tộc ở Vĩnh Thạnh về, tôi bị trận sốt rét nặng. Dai dẳng trở đi trở lại gần ba tháng mới khỏi. Những ngày sau đó, trong người thấy cứ nôn nao, bứt rứt.