Aleksandr Solzhenitsyn, một nhà văn lớn của văn học Nga thế kỷ XX

16:29 02/12/2008
HÀ VĂN LƯỠNGTrong văn học Nga thế kỷ XX, Aleksandr Solzhenitsyn là một trong những nhà văn lớn, nổi tiếng có nhiều đóng góp cho nền văn học Nga trên nhiều phương diện, một người suốt đời tận tụy và kiên trì đấu tranh cho sự chiến thắng của nghệ thuật, của sự thật đối với những cái xấu, cái ác. Nhưng ông cũng là một nhà văn có cuộc đời đầy thăng trầm, bất hạnh và phức tạp.

Đã từng sinh ra và sống ở nước Nga, rồi bị buộc phải rời bỏ Tổ quốc, bị tù đày trên hai chục năm, nhưng những năm cuối đời, A.Solzhenitsyn lại trở về đất mẹ Nga và sống những năm tháng đầy ý nghĩa. Nhưng dù làm gì, hay ở đâu, sống trong nước hay nước ngoài, A.Solzhenitsyn vẫn trọn đời tâm huyết với văn chương, gắn bó với Tổ quốc Nga, con người Nga và luôn giữ một niềm tin sắt đá về một nước Nga hùng cường có một vị thế xứng đáng trên trường quốc tế.

1.
Một cuộc đời đầy thăng trầm
Trong lịch sử xã hội Nga và lịch sử văn học Nga, Aleksandr Solzhenitsyn là một nhân vật lớn, một con người vĩ đại, đồng thời cũng chứa đầy những tính cách phức tạp. Những thăng trầm trong toàn bộ cuộc đời nhà văn khi đi trên “con đường đau khổ” vừa mang những yếu tố có tính chất cá biệt, vừa có những nét khá điển hình cho cả một thời đại ở một đất nước bao la, rộng lớn hùng hậu về nhiều mặt, nhưng luôn diễn ra những biến cố lịch sử trọng đại. Chính những tác động của lịch sử, xã hội đã để lại dấu ấn rất đậm nét trong cuộc đời và sáng tác của A.Solzhenitsyn. Cả cuộc đời của nhà văn là những chuỗi bi kịch nối tiếp, cả những cay đắng đến tận cùng và vinh quang đến tột đỉnh. Những bi kịch và thăng trầm của cuộc đời và sáng tác của nhà văn vừa mang những yếu tố của cá nhân nhưng cũng chứa đựng những tác động của lịch sử xã hội. Và với một nhãn quan của người trí thức, trong bối cảnh lịch sử cụ thể, A.Solzhenitsyn không thể hiểu và giải thích hết được mọi sự kiện, vì thế ông luôn là người trở nên “lạc thời mọi lúc”, luôn bị “hiểu nhầm”, bị “quy chụp” thậm chí bị “lợi dụng”.

Aleksandr Solzhenitsyn sinh ngày 11 tháng 12 năm 1918 tại Kislovodski, một tỉnh nhỏ thuộc vùng Bắc Kavkaz, miền Nam nước Nga trong một gia đình bố là một điền chủ kiêm nhà giáo và mẹ làm nghề đánh máy chữ. Tuổi thơ của A.Solzhenitsyn trôi qua trong khổ đau và bất hạnh: mồ côi cha khi còn nằm trong bụng mẹ, sự nghiệt ngã của cuộc chiến tranh nội chiến. Sự mất mát về tinh thần và sự thiếu thốn về vật chất trong những năm tháng tuổi thơ đã hằn một vết sâu trong ký ức của nhà văn tương lai.

Từ năm 1925 gia đình chuyển lên sống ở thành phố Roxtor - trên sông Đông và A.Solzhenitsyn tốt nghiệp trung học tại đây. Từ nhỏ A.Solzhenitsyn muốn trở thành nhà văn nhưng ông lại có năng khiếu về toán học nên năm 1936, ông vào học ngành toán - lý của Trường Đại học Tổng hợp Roxtov. Đồng thời, để thực hiện mộng văn chương của mình, ông còn theo học chương trình hàm thụ đại học ngành Triết - Văn - Sử của một trường đại học danh tiếng ở Moskva. Sau khi tốt nghiệp đại học, A.Solzhenitsyn làm giáo viên dạy toán tại một trường trung học ở Roxtov và cưới người vợ đầu tiên, một bạn cùng học đại học tên là Natalia Resetorscaia (1940).

Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Xô Viết chống chủ nghĩa phát xít Đức bùng nổ (22.6.1941), A.Solzhenitsyn nhập ngũ chiến đấu trong đơn vị kỵ binh, pháo binh cho đến cuối cuộc chiến tranh (1941 -1945). Ông có mặt từ mặt trận Lêningrat đến Ba Lan, Đông Phổ, Đức và chiến đấu dũng cảm được tặng thưởng hai huân chương và phong quân hàm đại uý.
Tháng 2 năm 1945, khi đang chiến đấu tại mặt trận miền Tây, A.Solzhenitsyn bị bắt đưa về nước kết án tù 8 năm (1945 -1953) vì tội “bôi nhọ, phê phán Stalin” và “làm lộ bí mật quân sự”. Thời gian tù đày, ông bị đưa đi lao động cải tạo tai nhiều nơi ở vùng Trung Á, làm đủ việc như thợ đúc, thợ nề, thợ đào đất… Sau đó, A.Solzhenitsyn được đưa về trại giam gần Moskva, nơi dành cho tù nhân trí thức. Chính tại nơi đây, Mavorino (tên địa danh trại giam) là bối cảnh để cho tác phẩm Từng địa ngục thứ nhất của ông sau này ra đời.

Được ra tù vào ngày 5.3.1953 nhưng A.Solzhenitsyn còn phải bị lưu đày thêm mấy năm nữa đến vùng . Tại đây ông dạy toán lý và thiên văn trong một trường cấp II. Năm 1957, ông hoàn toàn được trả lại quyền công dân, trở về dạy học ở thành phố Riazan, cách Moskva 200 km về phía . Đây là thời gian thuận lợi để A.Solzhenitsyn sáng tạo văn chương. Vào những năm cuối của thập niên 50 và những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, A.Solzhenitsyn say sưa hoạt động văn học và nhiều tác phẩm lớn ra đời trong thời kỳ này, đặc biệt là truyện Một ngày của Ivan Desinovich (1962), Ngôi nhà của Matriôna (1963)… Tháng 12/1969, A.Solzhenitsyn bị khai trừ ra khỏi Hội nhà văn Xô Viết và cấm không được in tác phẩm trong nước. Nhưng bằng nhiều con đường khác nhau, một số tác phẩm của ông được xuất bản ở nước ngoài. Với những tài năng văn chương của ông, năm 1970 Viện Hàn Lâm Thụy Điển đã trao giải Nobel văn chương cho A.Solzhenitsyn vì những tác phẩm của ông “mang sức mạnh đạo đức theo truyền thống của nền văn học Nga vĩ đại”. Năm 1974, A.Solzhenitsyn bị trục xuất khỏi nước Nga Xô Viết sang Tây Đức, rồi sống ở Thụy Sĩ, Pháp và từ năm 1976 cùng vợ và ba con đến định cư tại một thành phố nhỏ thuộc bang Vermont (Mỹ). Năm 1990, ông được khôi phục quốc tịch Nga và năm 1991, sau thời kỳ cải tổ, chính quyền Liên Xô chính thức xoá án cho A.Solzhenitsyn. Tháng 5 năm 1994, sau 20 năm lưu lạc ở nước ngoài, A.Solzhenitsyn trở về Tổ quốc Nga trong niềm vui vô bờ của ông và trong sự đón tiếp nồng nhiệt của nhân dân và đất nước Nga. Sự trở về của nhà văn A.Solzhenitsyn là một sự kiện lịch sử xã hội và văn học của nước Nga. Ông tiếp tục sự nghiệp văn chương, đi nhiều nơi nói chuyện với nhiều tầng lớp nhân dân về tương lai của nền văn học Nga và của nước Nga mới, thành lập quỹ văn học mang tên ông để tặng cho những nhà văn trẻ Nga có nhiều đóng góp cho văn học.

A.Solzhenitsyn là một tài năng văn chương lớn của nước Nga và thế giới nhưng cũng rất phức tạp. Xung quanh tên tuổi và tác phẩm của ông gây ra nhiều cuộc tranh luận khá sôi nổi và kịch liệt ở trong nước và Phương Tây. Tuy nhiên, điều khiến ông nổi tiếng và được tôn trọng, kính phục nhất là sự dũng cảm, quyết tâm đấu tranh đến cùng vì sự thật, vì những giá trị đạo đức cao cả, vì một thế giới luôn coi trọng phẩm giá của con người và vì một nước Nga vĩ đại và tâm hồn Nga thuần khiết.
A.Solzhenitsyn mất vào ngày mồng 3 tháng 8 năm 2008 tại nhà riêng ở Moskva vào tuổi 90.

2. Quan niệm về văn chương và sự nghiệp sáng tác của A.Solzhenitsyn

Là một trong những nhà văn lớn của nước Nga thế kỷ XX, A.Solzhenitsyn hoạt động không chỉ trong lĩnh vực văn học mà còn ở cả một số lĩnh vực xã hội khác. Những quan niệm về văn chương và khối lượng tác phẩm của ông để lại đã khẳng định tài năng nghệ thuật của nhà văn, đóng góp vào kho tàng văn học Nga phong phú và đa dạng ở thế kỷ XX.

2.1.
Trong thực tiễn sáng tác và qua nhiều phát biểu, A.Solzhenitsyn đã thể hiện rõ thiên chức nhà văn của mình và có quan niệm rất rõ ràng về văn chương. Theo ông, nhà văn Nga phải hướng về nhân dân Nga để thể hiện tiếng nói và khát vọng chân chính của họ. Nhân dân Nga là cội nguồn cảm hứng và đối tượng phản ánh của văn học Nga. Chính vì thế, trong suốt cuộc đời sống và sáng tạo văn học, mặc dù ở nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng A.Solzhenitsyn luôn hướng về nước Nga, về nhân dân Nga với một tình cảm chân thật, nồng hậu. Nhà văn thường tâm sự và trăn trở rằng, trong tôi dân tộc Nga, con người Nga luôn hiện hữu và thúc dục tôi trở về. Vì vậy, dù bị buộc phải rời Tổ quốc và sống lưu lạc hai mươi năm trời ở nước ngoài nhưng ông vẫn luôn tâm niệm và hướng về Tổ quốc. Trong một lần trò chuyện với nhà văn Mỹ Bemard Pivot, A.Solzhenitsyn nói rằng: “Trong tôi, có cảm tưởng, có điều xác tính rằng, tôi sẽ trở lại quê hương mình trong lúc còn sống”, và “tôi nhìn thấy ngày tôi trở về nước Nga”. Và cuộc trở về của nhà văn vào giữa năm 1994 là một điều minh chứng cho khát vọng về với quê hương, với nhân dân Nga của nhà văn.

Theo ông, sáng tác văn học không chỉ hướng về nhân dân, Tổ quốc mình mà điều quan trọng hơn của văn chương là góp phần nói lên sự thật trong con người, trong cuộc sống và đấu tranh bảo vệ đến cùng cho sự thật. Và điều đó có nghĩa là văn học phải chống lại mọi sự dối trá. A.Solzhenitsyn cho rằng: “…Nhà văn và nghệ sỹ còn có thể làm nhiều hơn thế: chiến thắng dối trá! Chính trong cuộc chiến với dối trá, nghệ thuật bao giờ cũng đã và đang chiến thắng - một cách hiển nhiên, không thể chối cãi được đối với tất cả! Dối trá có thể chống được rất nhiều thứ trên thế gian này, nhưng không thể chống được nghệ thuật” [1 – tr.382]. Và nhà văn cũng nhấn mạnh rằng, sáng tác văn học mà không đánh thức được ở độc giả sự rung động thực sự thì đó chỉ là  những sáng tác vô ích, không thực tế, “cái gì không thể xâm nhập được vào trái tim thì chỉ là lời nói suông”. Trong phần cuối kết thúc bài Diễn từ văn chương của ông lúc nhận giải Nobel văn học vào năm 1970, nhà văn đã nói rằng: “Một từ của sự thật còn nặng hơn cả thế giới”. Chính vì nói lên sự thật mà nhà văn phải suốt đời lận đận, thăng trầm, tù tội, phải rời xa Tổ quốc. Nhưng chính sự trở về của ông đã khẳng định những điều nhà văn tiên đoán và thể hiện trong tác phẩm là hoàn toàn vì sự thật.

Đề cập đến chức năng và nhiệm vụ của văn học nghệ thuật A.Solzhenitsyn khẳng định: “Văn học và nghệ thuật có thể làm nên điều kỳ diệu: chế ngự được cái đặc tính riêng biệt tai hại của con người là chỉ học trên kinh nghiệm của chính bản thân mình, khiến cho vốn kinh nghiệm của người khác đến với anh ta là vô ích… Nghệ thuật và văn học được ban cho một khả năng thần diệu: mang truyền những kinh nghiệm sống của cả một dân tộc này đến cho cả một dân tộc khác, vượt qua mọi sự khác biệt của ngôn ngữ, phong tục, lối sống xã hội… Và văn học còn mang truyền những kinh nghiệm chắt lọc không thể chối bỏ theo một hướng khác nữa: từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Như vậy, văn học trở thành ký ức sống của dân tộc… Văn học giữ ấm trong mình và lưu lại lịch sử đã bị đánh mất của dân tộc. Đó là cách văn học cùng với ngôn ngữ gìn giữ tâm hồn dân tộc” (Diễn từ văn chương của A.Solzhenitsyn, năm 1970).

A.Solzhenitsyn quan niệm rằng, trong tác phẩm văn học, không nhất thiết bắt buộc phải có nhân vật chính, nhưng phải thể hiện rõ vai trò của tác giả, người kể chuyện một cách rõ ràng. Vì thế, những sáng tác của ông, phần lớn không có nhân vật chính và ông được xem như là một người viết tản văn lớn nhất của thế kỷ XX. Từ nhận thức về văn chương, A.Solzhenitsyn nói đến trách nhiệm và thiên chức của người cầm bút: “Nhiệm vụ của nhà văn nói chung không chỉ là bênh vực hay chỉ trích một phương pháp phân phối sản phẩm xã hội này hay một phương pháp khác, cũng không phải là bênh vực hay chỉ trích một hình thức tổ chức chính trị này hay một hình thức khác. Nhiệm vụ của nhà văn là chọn những đề tài phổ quát và trường cửu hơn, những uẩn khúc của lòng người, những bí ẩn của con tim, những xung đột giữa sự sống và cái chết, những biện pháp chế ngự nỗi thống khổ của tâm hồn, những định luật chi phối lịch sử nhân loại, những định luật phát sinh từ nghìn xưa xa thẳm và chỉ mất đi một khi mặt trời tắt đi”.
Như vậy, với tư cách là một nhà văn, A.Solzhenitsyn đã có những quan niệm rất đặc sắc và cụ thể về vai trò và sứ mệnh của văn chương và người nghệ sĩ. Chính những điều đó sẽ định hướng và chi phối toàn bộ sáng tác của ông.

2.2.
Aleksandr Solzhenitsyn không chỉ là một nhà văn lớn, ông còn là một nhà thơ, nhà viết kịch xuất sắc và hoạt động xã hội tích cực. Với những nỗ lực phi thường trong những hoàn cảnh khác nhau, ông đã để lại một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ, đặc biệt ở thể loại văn xuôi và kịch. Có thể nói rằng, những di sản văn học mà A.Solzhenitsyn để lại rất phong phú về thể loại và đa dạng về nội dung phản ánh. Ngoài thơ, những bài báo viết từ cuối những thập niên 80 của thế kỷ XX trở đi, sáng tác của ông để lại chủ yếu ở thể loại văn xuôi (truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết), kịch, một số tiểu luận văn học và tự truyện, trong đó văn xuôi chiếm số lượng nhiều hơn cả.

- Về truyện ngắn và truyện vừa: Từ giữa những năm 40 của thế kỷ XX trở đi, A.Solzhenitsyn đã có những truyện ngắn hay đăng trên các báo và được xuất bản trong nước với số lượng gần 20 truyện lớn nhỏ khác nhau. Có thể kể một số truyện tiêu biểu như: Viên trung uý (1945), Bức thư số 254 (1946), Một ngày của Ivan Denisovich (1962), Ngôi nhà của Matriona (1963), Zakhar – Kalitta(1966); Bàn tay người kỵ sĩ… Sự xuất hiện của tác phẩm Một ngày của Ivan Denisovich là một sự kiện lớn của văn học Nga đương thời. Người góp công  cho việc xuất bản tác phẩm này là A. Tvardovski - Tổng biên tập Tạp chí Thế giới mới, và người đứng đầu nhà nước Liên Xô lúc đó là N.Khorutsov.

- Về tiểu thuyết, tiểu luận văn chương và tự truyện: Trong cuộc đời viết văn của mình, A.Solzhenitsyn để lại khoảng 6 cuốn tiểu thuyết lớn viết trong những thời gian khác nhau từ 1955 đến năm 2000. Trong số đó có một số tác phẩm đã xuất bản ở Nga, Phương Tây và được dịch ở Việt . Vòng đầu địa ngục (1955- 1964) gồm 87 chương là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của A.Solzhenitsyn được xuất bản ở phương Tây năm 1968 và NXB Ngàn Khơi (Việt Nam) xuất bản năm 1971 do Vũ Minh Thiều dịch. Tiếp đến là Khu trại ung thư (1963 - 1967), Tháng 8 năm 14 (1969), Quần đảo Gulag (xuất bản ở Pháp 1973, ở Nga 1990, ở Việt 1974), Bánh xe đỏ (1971 - 1991) và Hai trăm năm cộng sinh (2000). Cuốn tiểu thuyết lịch sử Bánh xe đỏ (còn có phụ đề là Nhật ký một cuốn tiểu thuyết) được nhà văn viết kéo dài 20 năm gồm 10 tập tái hiện lại nước Nga trước Cách mạng tháng Mười 1917 cho đến những thập niên đầu của thế kỷ XX.

Ở thể loại tiểu luận và tự sự, A. Solzhenisyn có hai tác phẩm lớn đều được xuất bản vào những năm 70. Sống không dối trá (1975) là tập tiểu luận thể hiện những quan điểm văn chương và quan niệm sống của nhà văn. Cuốn tự truyện Bê con húc cây sồi (in năm 1975 ở Pháp và 1991 ở Nga) là một tác phẩm lớn của nhà văn ở thể loại này. Với cách nhìn của một nhà văn kết hợp giữa văn chương hiện đại với những biểu tượng mang tính ngụ ngôn Nga trong tác phẩm này, nhà văn đã tạo nên sự hấp dẫn đối với người đọc.
- Về thể loại kịch: Mặc dù không phải là thể loại được nhà văn viết thành công nhất nhưng A. Solzhenisyn cũng đã để lại khoảng 5 vở kịch (chủ yếu là bi kịch). Hầu hết những tác phẩm kịch được tác giả viết từ năm 1963 trở đi. Đó là các vở kịch: Xe tăng biết sự thật (1963-1967), Ngọn nến trước gió(1963-1967), Ánh sáng ở trong người (1963-1967), Bữa tiệc của những người chiến thắng (bi kịch thơ), Con hươu và nàng kỷ nữ của nhà tù.
Như vậy, nếu tính từ những sáng tác đầu tiên xuất hiện vào giữa thập niên 40 của thế kỷ XX cho đến những năm đầu của thế kỷ XXI, A. Solzhenisyn đã trải qua con đường sáng tác hơn nửa thế kỷ. Bằng tài năng văn chương,bằng nghị lực sống phi thường, bằng lòng dũng cảm, A. Solzhenisyn đã để lại một tài sản văn học lớn quý báu đối với nước Nga và nhân loại.

3. Những đánh giá về A. Solzhenisyn

Trong giới phê bình văn học và trong tầng lớp văn nghệ sĩ cũng như các nhà nhà lãnh đạo văn nghệ và đất nước ở nước Nga và thế giới tuy có một vài vấn đề không thống nhất, nhưng nhìn chung, tất cả họ đều cho rằng, A. Solzhenisyn là một nhà văn lớn của thế kỷ XX, một nghệ sĩ kiên cường, dũng cảm dám nói lên sự thật và chiến đấu vì sự thật. Ở ông, văn chương và con người như hoà làm một.

Nhà văn Đức được giải Nobel văn học 1972 Heinrich Boll viết: “Alexsardz Solzhenisyn đã tạo ra bước ngoặt trong nhận thức, bước ngoặt có tầm vóc quốc tế, một bước ngoặt đã tìm thấy sự hưởng ứng ở khắp nơi trên thế giới… Ông sẽ mãi mãi tồn tại trong kí ức hướng thiện của thời gian mà không chỉ trong lịch sử phát triển của nhân loại, trong lịch sử văn hoá, ông tồn tại bằng những tác phẩm của mình, những thứ không thể tách rời với nhân cách của nhà văn [1-tr 565]. Nhà phê bình văn học Nga, dịch giả và là giáo sư Đại học Sorbonne (Pháp) Nikita Struve cho rằng: “A.Solzhenisyn là nhà văn, nhà chiến lược, nhà tiên tri”. Là người phần lớn sống gần A. Solzhenisyn trong những năm sống ở nước ngoài và phụ trách xuất bản phần lớn tác phẩm của nhà văn, Nikita Struve trong một lần trả lời phỏng vấn của báo chí đã nói rằng: “Alexsardr Solzhenisyn tin tưởng vào nước Nga muôn đời với nền văn hoá vĩ đại của nó. Tôi nghĩ rằng, ảnh hưởng của ông đối với nước Nga sẽ còn tiếp tục. Ông vẫn chưa được đánh giá đầy đủ trên bình diện tinh thần. Trong một ý nghĩa nào đó, con đường của ông mới chỉ bắt đầu” (Báo Văn nghệ trẻ, số 32 ngày 1.8.2008).

Ngày A. Solzhenitsyn ra đi, thủ tướng Nga V.Putin và tổng thống Nga Đ.Metveđev là những người đầu tiên đến chia buồn cùng gia quyến nhà văn và có những đánh giá rất cao về con người và sự nghiệp văn học của ông. Tổng thống Pháp Nicolai Sarkozy, trong lời chia buồn đã nhấn mạnh rằng: “Ông (A. Solzhenitsyn) là một trong những lương tâm của nước Nga thế kỷ XX, một ngòi bút kiệt xuất kế thừa Dostoievski” (Báo Tiền Phong số 32, ngày 4-10/8 -2008). Các nhà văn Nga cũng cho rằng: “Hãy nói lớn, nói rõ ràng ở đây, chúng tôi có một nhà văn, nhà văn lớn nhất, đó là Solzhenitsyn”(Nhà văn Victor Nekrassov)”. Phải, nhà văn lớn nhất của chúng tôi là Solzhenitsyn” (nhà thơ Nga Anđrei Vozonesenski). Những lời đánh giá trên về con người và vị trí của A.Solzhenitsyn đối với văn học Nga thật to lớn.
Về phương diện sáng tác, những tác phẩm nghệ thuật của A. Solzhenitsyn  được đánh giá rất cao, khẳng định tài năng văn chương của ông. Báo Sự Thật (Nga) nhận định: “Văn trần thuật của A.Solzhenitsyn  đôi khi làm ta nhớ tới sức mạnh nghệ thuật của Tolstoi. Nền văn chương nước ta đã có thêm một tác giả với tài năng phi thường”. Khi tuyên dương tài năng văn chương của nhà văn, Ban giám khảo Viện Hàn Lâm Thuỵ Điển khẳng định: “Ngay cả hình thức phê phán mà Solzhenitsyn tìm kiếm cho tác phẩm của mình cũng minh chứng cho thông điệp của ông. Hình thức này đã được mệnh danh là tiểu thuyết đa thanh (polyphone novel) hay tiểu thuyết chiều ngang (hirizontal novel)… Đó là toàn bộ nhân tính hàm chứa trong một hạt dẻ, bởi hạt nhân của nó là tình yêu nhân loại. Giải thưởng Nobel văn chương năm nay được trao cho người đã tuyên xứng chủ nghĩa nhân văn cao cả đó”.

Từ một góc nhìn khác về giá trị nghệ thuật của văn chương của A.Solzhenitsyn, Đỗ Lai Thuý viết: “Văn chương của ông là “lời nói về sự thật” hấp dẫn bởi sự thật. Tác phẩm của ông, từ những truyện ngắn đầu tay đến những tiểu thuyết sau này thống nhất cao độ bởi một văn phong được các nhà nghiên cứu gọi là “cái nhìn đặc tả” và “sự xé vụn thời gian”, rất xa với truyền thống văn xuôi Nga thế kỷ XIX và gắn với thủ pháp “đồng hiện” của văn chương Mỹ. Sự cách tân đó hoà quyện chặt chẻ với những biểu tượng truyền thống của ngụ ngôn Nga như con hươu, cây sồi con bê… tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt” (Từ điển văn học -Nhiều tác giả, NXB Thế giới, Hà Nội 2004, tr 2092).

Vào năm 1963 khi tác phẩm “Một ngày của Ivan Denisovich” của A.Solzhenitsyn được xuất bản, báo Sự thật thời đó viết: “Tại sao tim ta thắt lại tái tê như thế, khi ta đọc cuốn truyện khác thường mà đồng thời ta lại cảm thâý tinh thần ta bay vút lên cao? Câu cắt nghĩa nằm ở trong cái tính nhân loại sâu sắc của nó, ở trong cái phẩm chất của loài người ngay trong giờ phút băng hoại”. Đề cập đến cuốn tiểu thuyết Quần đảo Gulak, một nhà nghiên cứu phê bình Nga viết: “Trong dòng chảy của thế giới thế kỷ XX Quần đảo Gulak vẫn có một cuộc sống bền vững… Những giá trị và sức mạnh nghệ thuật chân chính của tác phẩm đã được khẳng định. Nhưng Quần  đảo Gulak lại mang một giá trị đặc biệt khác. Nó không chỉ là tiếng nói của một người đương thời thấu hiểu nỗi đau của dân tộc mà là tác phẩm của một nhà văn đã vượt qua những trở lực của xã hội, nhìn nhận tấm thảm kịch đó từ bên trong…”

A.Solzhenitsyn là một nhân cách quý hiếm đối với chúng ta. Cuộc đời hoạt động văn học và đấu tranh không mệt mỏi chống lại cái ác,bênh vực cái thiện của ông là những chiến công bất diệt. Bởi vì ông là người thiết tha xây dựng cuộc sống mới cho mọi người. Cái lớn lao của A.Solzhenitsyn với tư cách là một người nghệ sĩ,một công dân là đã nói lên sự thật,lên án cái xấu, cái ác đang tồn tại.Chính sức mạnh tinh thần và nghị lực phi thường của ông đã chiến thắng mọi trở lực. Con người và những tác phẩm của ông vẫn mãi là niềm tự hào của văn học Nga, dân tộc Nga.

H.V.L

(nguồn: TCSH số 237 - 11 - 2008)

 



------------------                      
1. Đoàn Tử Huyến và Nguyễn Thuý Hằng, Các nhà văn Nga giải thưởng Nobel, NXB Lao Động - Trung tâm văn hoá ngôn ngữ - Đông Tây, Hà Nội 2007.
2. Báo Văn nghệ số 33(16.8.2008),
Báo Văn nghệ trẻ, số 32 (10.8.2008), Báo An ninh thế giới số 8 (tháng 8.2008).

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Có nhiều khi trong đời, “trôi theo cõi lòng cùng lang thang” như Thiền sư Saigyo (Nhật Bản), bất chợt thèm một ánh lửa, một vầng trăng. Soi qua hương đêm, soi qua dòng văn, soi qua từng địa chỉ... những ánh lửa nhỏ nhoi sẽ tổng hợp và trình diện hết thảy những vô biên của thế cuộc, lòng người. “Trong mắt tôi” của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã là ánh lửa ấy, địa chỉ ấy.

  • 1. Kawabata Yasunari (1899 -1972) là một trong những nhà văn làm nên diện mạo của văn học hiện đại Nhật Bản. Ông được trao tặng giải Nobel năm 1968 (ba tác phẩm của Kawabata được giới thiệu với Viện Hoàng gia Thụy Điển để xét tặng giải thưởng là Xứ Tuyết, Ngàn cách hạc và Cố đô).

  • (Thơ Đỗ Quý Bông - Nxb Văn học, 2000)Đỗ Quý Bông chinh phục bạn hữu bằng hai câu lục bát này:Đêm ngâu lành lạnh sang canhTrở mình nghe bưởi động cành gạt mưa.

  • Thạch Quỳ là nhà thơ rất nhạy bén trong việc nắm bắt thông tin và chóng vánh tìm ra ngay bản chất đối tượng. Anh làm thơ hoàn toàn bằng mẫn cảm thiên phú. Thơ Thạch Quỳ là thứ thơ có phần nhỉnh hơn mọi lý thuyết về thơ.

  • Kỷ niệm 50 năm ngày mất nhà văn Nam Cao (30.11.1951-30.11.2001)

  • Có một con người đang ở vào cái tuổi dường như muốn giũ sạch nợ nần vay trả, trả vay, dường như chẳng bận lòng chút nào bởi những lợi danh ồn ào phiền muộn. Đó là nói theo cái nghĩa nhận dạng thông thường, tưởng như thế, nơi một con người đã qua "bát thập". Nhưng với nhà thơ Trinh Đường, nhìn như thế e tiêu cực, e sẽ làm ông giận dỗi: "Ta có sá gì đi với ở".

  • Nhà thơ Trinh Đường đã từ trần hồi 15g10’ ngày 28.9.2001 tại Hà Nội, thọ 85 tuổi. Lễ an táng nhà thơ đã được tổ chức trọng thể tại quê nhà xã Đại Lộc huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng , theo nguyện vọng của nhà thơ trước khi nhắm mắt.

  • Phan Ngọc, như tôi biết, là người xuất thân trong gia đình Nho giáo, đã từng làm nghề dạy học, từ năm 1958 chuyển sang dịch sách, là người giỏi nhiều ngoại ngữ. Hiện nay, ông đang là chuyên viên cao cấp của Viện Đông Nam Á (Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia).

  • Có những con người mà ta chỉ gặp một đôi lần trong đời để rồi mãi nhớ, mãi ám ảnh về họ. Với tôi, nhà văn Trần Dần là người như vậy.

  • Trước tình hình số tập thơ được xuất bản với tốc độ chóng mặt, người ta bỗng nhiên cảm thấy e ngại mỗi khi cầm một tập thơ trên tay. E ngại, không phải vì người ta sợ nhọc sức; mà e ngại vì người ta nghĩ rằng sẽ phải đọc một tập thơ dở! Cảm giác ấy xem ra thật là bất công, nhưng thật tình nó quả là như vậy.

  • Những năm từ 1950 khi học ở trường trung học Khải Định (Quốc học Huế), tôi đã đọc một số bài thơ của Dao Ca đăng trên một số tờ báo như Đời mới, Nhân loại, Mới, Thẩm mỹ...

  • Tôi đến tìm ông vào một buổi sáng đầu đông, trong căn nhà ngập tràn bóng tre và bóng lá. Nếu không quen ắt hẳn tôi đã khá ngỡ ngàng bởi giữa phồn hoa đô hội lại có một khu vườn xanh tươi đến vậy!.

  • LTS: Rạng sáng ngày 11-7-2001, Toà soạn nhận được tin anh Đoàn Thương Hải - hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, sau một cơn đột quỵ, mặc dù đã được gia đình, bạn bè và các thầy thuốc Bệnh viên Trung ương Huế tận tình cứu chữa nhưng không qua khỏi, đã rời bỏ chúng ta an nhiên về bên kia thế giới!Tạp chí Sông Hương - Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế xin có lời chia buồn sâu sắc tới gia quyến nhà văn.Sông Hương số này xin giới thiệu hai bài thơ cuối cùng của anh được rút ra từ tập thơ chép tay lưu giữ tại gia đình.TCSH

  • Thơ Đặng Huy Giang xuất hiện trên thi đàn đã nhiều năm nay; song thật sự gây ấn tượng với bạn đọc phải kể đến một vài chùm thơ mà báo Văn nghệ đăng tải trên trang thơ dự thi 1998 - 2000; đặc biệt sau đó anh cho ra mắt bạn đọc hai tập thơ một lúc: Trên mặt đất và Qua cửa.

  • Có lẽ với phần lớn không gian thơ Phan Trung Thành, làm thơ là trò chuyện ân tình với những bóng dáng cũ, thuộc về quê nhà.

  • Trong bài viết điểm lại văn học năm 2000, sự kiện và bình luận, tôi có nêu hai tác giả trẻ, cùng là nữ, cùng có tác phẩm đáng chú ý trong năm, một người tập truyện, một người tập thơ. Người thơ là Vi Thùy Linh.

  • (Đọc “Gặp lại tuổi hai mươi”(*) của Kiều Anh Hương)Ngay bài thơ in đầu tập “Vùng trời thánh thiện” có hai câu đã làm tôi giật mình, làm tôi choáng ngợp:            “Những lo toan năm tháng đời thường            Như tấm áo chật choàng lên khát vọng”

  • đầu tháng 4 năm ngoái, sau khi tuần báo “Văn nghệ” của Hội Nhà văn Việt Nam đăng truyện ngắn dự thi “Quả đồng chùy tóc bện” của Trần Hạ Tháp - một bút danh “mới toanh” trên văn đàn, tôi ghé tòa soạn “Sông Hương” hỏi nhà văn Hà Khánh Linh:- Chị biết Trần Hạ Tháp là ai không? Tác giả chắc là người Huế...

  • Trương Văn Hiến có sở học phi thường và mang trong người một hoài bão lớn lao: an bang tế thế bình thiên hạ.

  • (Qua “Sau tách cà phê” của Nguyễn Trác, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000.)1- Sau năm năm từ “Chiếc thuyền đêm” (năm 1995), hình như  “đến hẹn lại lên”, nhà thơ Nguyễn Trác lại ra mắt bạn đọc tập “Sau tách cà phê”.