NGUYỄN KHẮC PHÊ
Đợt rét đậm cuối năm không ngăn được cây lá quanh vườn nhú mầm non và hai cây mít bên cổng lại nẩy những “dái” mít được bao bọc bởi lớp nhụy vàng mềm mại, trông dễ thương và ngon lành, đến mức muốn… cắn một miếng như hồi nhỏ ở quê. Bên đường Lê Lợi dọc sông Hương, những tờ lịch năm 2014 khoe màu rực rỡ, tươi rói đã lại giăng giăng khắp các cửa hàng…
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê thời chiến đấu ở Trường Sơn
Vậy là Xuân Giáp Ngọ đã gõ cửa. Quả tim bỗng rộn nhịp như… tiếng vó ngựa đang tới gần. Năm 2014 này, tôi tròn… 75 tuổi xuân, độ tuổi thường “hồi cố”, nghĩ về những chặng đường đã qua trong cuộc đời mình.
*
…Không mấy ai biết trước được con đường mình sẽ đi trong cuộc đời. Bây giờ, khi đã qua tuổi “cổ lai hy”, mỗi lúc nhìn lại cuộc đời ba phần tư thế kỷ của mình, tôi vẫn cứ ngỡ ngàng, không hiểu do số phận định trước hay nhờ “biến cố 1954” mà một chàng trai cục mịch và ít học nhất so với các anh trai trong gia đình như tôi lại có thể trở thành nhà văn.
Nói đến “nơi bắt đầu”, tôi chợt nhớ đến cuốn tiểu thuyết của nhà văn Đào Vũ: “Nơi bắt đầu con đường mòn ấy…”. Và năm 2014 này vừa đúng dịp kỷ niệm 55 năm mở đường Trường Sơn; với tôi, đây cũng là dịp “kỷ niệm” 55 năm bài ký đầu tiên được đăng trên báo “Văn Học” (tiền thân báo “Văn Nghệ” hiện nay) với nhan đề “Những người đi tiên phong”, viết về những người bạn bỏ dở khóa học, vào Vĩnh Linh cùng những người lính đầu tiên của “Đoàn 559” khai mở tuyến đường qua Làng Ho… Hơn nữa, 15 năm tuổi trẻ trong cuộc đời tôi gắn bó với những con đường, những nhịp cầu và đặc biệt cuốn sách đầu tay của tôi - tập ký “Vì sự sống con đường” (Nxb. Thanh niên, 1968) chính là viết về cuộc chiến đấu “nơi bắt đầu con đường mòn ấy”, nên đã có nhà phê bình khi viết về những tác phẩm của tôi đã đặt nhan đề bài là “Từ con đường đến những trang viết.”
Đó là cách nhìn nhà văn theo “đề tài” - một cách nhìn có thể gọi là phiến diện, nhưng một thời lại khá phổ biến - chứ số phận cũng như “duyên nghiệp” của một con người thì nơi bắt đầu đáng kể trước hết phải là bào thai của mẹ. Gần đây, tôi mới biết trong kinh Phật đã nêu vấn đề “thai giáo” - tức là sự giáo dưỡng đứa con phải được chú trọng từ lúc nó còn ở trong bào thai. Đã đành, mảnh đất với hồn thiêng sông núi nuôi nấng, chở che mình những năm ấu thơ cũng là “nơi bắt đầu” hệ trọng của đời người.
Tôi sinh ngày 26 tháng 4 năm 1939, tuổi con mèo (Kỷ Mão) tại Huế, tuy quê quán là làng Gôi Vỵ, xã Sơn Hòa, Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Tôi là đứa con thứ 6 của mẹ, là con trai út; sau tôi còn 3 đứa em gái. Mẹ sinh tôi lúc mới 36 tuổi, độ tuổi viên mãn của một người đàn bà. Thời kỳ đó, mẹ tôi đã xây dựng lại khu nhà - vườn ở quê, sau trận hỏa thiêu kinh hoàng thời “Xô Viết”, nhưng khó mà biết được mẹ tôi đã “đậu thai”, cho tôi hình hài đầu tiên của một thai nhi từ đâu. Thời kỳ đó, bố tôi đương chức Phủ Doãn Thừa Thiên (Phủ Doãn là tên gọi chức tỉnh trưởng một tỉnh được chọn là kinh đô một nước), tuy có ảnh chụp gia đình trước dinh Phủ Doãn, nhưng hình như thời gian mẹ tôi ở quê nhiều hơn là đến ở với bố tôi những nơi cụ làm quan. Ví như hồi “Xô Viết” thì rõ ràng là chỉ mẹ tôi “chịu trận” ở quê, sau đó, bố tôi mới từ Huế về thăm nhà…
Như vậy, tuy không biết được “các cụ” gặp nhau ở Huế hay Hương Sơn lúc tạo nên hình tướng đầu tiên thằng con trai mà “9 tháng 10 ngày” sau mang cái tên Phê không lấy gì làm đẹp, nhưng có điều chắc là hơn 9 tháng trong bụng mẹ, tôi đã được lên tàu hỏa “du lịch” vô Huế - những chuyến tàu hồi ấy còn chia hạng 1,2,3 và được kéo bởi đầu máy chạy bằng than, vì thế nên mới gọi là “tàu hỏa” hay “xe lửa” - và những ngày ở Huế chắc cũng được du ngoạn trên sông Hương hay những cảnh đẹp như Đồi Vọng Cảnh, Điện Hòn Chén, vịnh Lăng Cô hay Bạch Mã…, dù gia đình tôi nổi tiếng cần kiệm (nhà quan Phủ Doãn mà “sáng dậy ăn cháo với mấy quả cà, có khi có chút cá kho… kêu cá kho mặn quá thì mẹ bảo “Mặn thì ăn ít cá, ăn nhiều cơm cháo vào!” - chính là anh tôi, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã viết như thế trong cuốn sách nổi tiếng “Bàn về đạo Nho”.) Bây giờ, sống ở Huế, mỗi khi vào ra cửa Thượng Tứ hay đi qua hồ Tịnh Tâm, chợt tưởng lại hồi mình còn bé bằng… củ khoai lang nằm trong tử cung của mẹ, đã được thăm thú núi Ngự sông Hương thơ mộng, không biết đó có phải là “cơ duyên” may mắn của mình? Phải, đó hẳn là một may mắn và hạnh phúc. Cứ giả như hồi đó, bố tôi bị cử vào làm quan ở Quảng Ngãi hay Bình Thuận, hoặc ra Quảng Trị… chẳng hạn, thì dù đất quê nào cũng có anh hùng và thi nhân, nhưng hẳn là trong thời kỳ “thai giáo”, thiếu những tháng ngày được “ăn” cá tôm nước lợ phá Tam Giang, được “hít thở” trong bầu không gian văn hóa đặc sắc của Huế thì có lẽ khi tôi ra đời sẽ có ít nhiều đổi khác…
Sau những ngày ở Huế như thế, mẹ lại mang tôi lên tàu hỏa đi ra Vinh, rồi ngược sông Ngàn Phố trên các chuyến đò dọc về quê nhà Hương Sơn. Thời đó, chưa có hoặc rất ít xe chở khách từ Vinh theo quốc lộ số 8 lên Hương Sơn, nên những chuyến đò dọc là phương tiện tối ưu, vừa tốn ít tiền, vừa là dịp ngao du sơn thủy rất thú vị. Trong lòng chiếc đò rộng khoảng vài mét, những chiếc chiếu trải ngang trên sạp bằng gỗ láng bóng, già trẻ, giàu nghèo, cô buôn chuyến, bác nông phu, trai thanh, gái lịch… “sát cánh” bên nhau như một gia đình lớn. Mo cơm mở ra cùng ăn, hộp trầu, quả cau chia sẻ; râm ran đủ thứ chuyện trên đời. Thời đó, đò chưa gắn máy, không có tiếng máy nổ ình ình nhói tai, chuyện vui buồn cũng chia sẻ với bạn đồng hành như mo cơm, điếu thuốc. Những chuyến đò dọc dù lịch trình dài hàng chục cây số, đều di chuyển bằng chèo khi xuôi dòng, may thuận gió thì có thêm cánh buồm nâu giúp sức; lúc ngược nước thì nhờ những cây sào chống - thường dùng cây mạy, còn gọi là “cán giáo”, một loại tre thân đặc, nhỏ, rất dẻo dai, khi đò nặng, nước rặc, đầu sào tì nặng, lún sâu vào những chiếc vai trần bóng nhãy mồ hôi khiến cây sào uốn cong như cánh cung khổng lồ mà không gãy. Gặp chỗ sông cạn thì có khi cả hành khách cũng cởi áo, vận quần cộc, nhảy xuống nước hò dô góp sức đẩy đò lên. Vất vả và có phần nhếch nhác nữa, nhưng mà vui. Thỏa sức vốc nước sông trong mát rửa ráy, mặc dù cũng có anh chàng liều tranh thủ “tè” lúc quần cộc ướt át sẽ không bị lộ tẩy; nếu có chị em nào hăng hái cùng nhảy xuống thì càng vui, mắt tròn mắt dẹt ngó liếc, rồi rì rầm bình phẩm “to-nhỏ” với “trắng-đen”… Qua chỗ cạn là hô nhau bám thành đò trèo lên. Vào lúc chiều nhạt nắng thì trai trẻ lên mui thuyền - một mái vòm êm ái được đan bằng cật tre và ép lên lớp lá kè (còn gọi là lá cọ) - vừa ngắm cảnh đôi bờ như một cuốn phim quay chậm, vừa hong khô quần áo. Đêm đến, hết ngắm trăng thì xuống lòng đò, nam nữ phân chia hai phía, nằm trên sạp kiểu như cá xếp trong thúng. Khi chiếc đèn “Hoa Kỳ” hết dầu, hành khách hết chuyện để bàn luận là có thể nghe rõ tiếng sóng vỗ mạn đò lóc bóc cùng tiếng mái chèo kẽo kẹt và tiếng những cây sào rần rật cọ vào sườn đò hai bên. Cái “vòm” không gian bình yên và ấm cúng ấy thỉnh thoảng cũng bị “quấy rối” bởi một ai đó nói “mớ” trong mơ hay con trẻ thức giấc khóc nhè đòi vú mẹ; thậm chí có kẻ còn cố ý… gác chân, lật tay lấn sang phía khác giới khiến đối phương giật thột kêu lên như bị kẻ trộm móc túi. Cho dù vậy thì kết cục vẫn là những tràng cười xoe xóe, rinh rích, hì hì đủ kiểu đến là vui!....
Tất nhiên, cảnh tượng ở trên mãi về sau tôi mới thấy tận mắt, nhưng chắc là nằm trong bào thai của mẹ, nhiều lần xuôi ngược dọc sông Phố và có thể cả trên sông Giăng quê hương mẹ ở thượng nguồn sông Lam nữa, tôi cũng “cảm” được sự bồng bềnh nổi trôi thích thú trên những chiếc đò dọc một thời đã xa cũng như hương vị thơm ngon của bát chè đậu ván, chè sen Tịnh Tâm khi được cùng bố mẹ đi nghe ca Huế trên đò sông Hương ngày xưa…
Có phải đó là cái “duyên tiền định”, là đợt tập dượt đầu tiên, chuẩn bị cho 20 năm sau, chàng kỹ thuật trẻ Nguyễn Khắc Phê sống cuộc đời di động suốt 15 năm, qua những công trường cầu đường từ Hà Đông quê lụa đến biên giới Lạng Sơn, từ miền Tây Nghệ An heo hút đến đất lửa Quảng Bình và cuối đời được “đóng đô” ở Huế, cũng phải chuyển nhà đến 4 lượt, được giữ chức vụ rất… sang trọng là Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương, nhưng chỉ “đứng” được trong 9 tháng! Ngay cả những tháng ngày mẹ tôi “đóng đô” tại quê nhà bình yên thì tôi cũng năng động “ngược xuôi” khác hẳn bạn bè cùng lứa, ngay từ trong bụng mẹ. Có điều đặc biệt ấy vì tôi biết, một người siêng năng, tháo vát hết mực như mẹ tôi, thì dù bụng mang dạ chửa, ngày ngày bà vẫn trèo thang lên dàn hái trầu - nhà tôi ở quê có khu vườn trồng cây trầu không đẹp nổi tiếng, với dàn nứa kết hàng hàng ngang dọc làm choái cho trầu leo. Có phải vì thế mà tôi trở thành một đứa bé nghịch ngợm, thường bị người lớn mắng là “lớp tớp”; những cây nhãn, cây mít trong vườn đều bị tôi “chinh phục”, khi mẹ tôi nuôi hươu, tôi không ngại những cây duối cao, trèo lên chặt cành lá về cho hươu ăn, hai lần bị rơi, may mà không chết, cũng không bị thương! (Có người bảo tôi được “bà mụ” đỡ!)
Và có phải nhờ cái “vốn”… trời cho ấy - nói đúng hơn là ân huệ của hai vùng đất Hương Sơn - Huế cùng với khí huyết bố mẹ ban cho - mà một chàng trai cục mịch có thể nói là “vô học” như tôi, dám nghĩ đến chuyện văn chương vào năm vừa tròn hai mươi tuổi?
Viết những dòng này, tôi bỗng… “hoang mang” khi nghĩ tới hàng ngàn, hàng vạn đứa trẻ… 0 tuổi trong mùa Xuân này, ngày ngày phải theo mẹ trên những con đường chật cứng xe cộ, nồng nặc mùi xăng, bụi bặm; hơn thế, do người mẹ thường xuyên phải đối diện với màn hình vi tính không ngừng “bắn” ra những tia độc hại, thì không biết cái cơ thể non nớt chỉ mới bằng… củ khoai được tiếp xúc với thế giới hiện đại sớm hơn, rồi có trở nên nhạy bén, thông minh hơn, có tránh được sự biến dạng hoặc thương tổn, có thể tạo nên những đứa trẻ “khuyết tật”, dù trông vẫn béo tốt ngon lành? Và tôi bỗng muốn thốt lên: “Ôi, cái thế giới hiện đại, nếu ta không tìm được cách chế ngự thì không chỉ “hại… điện” mà thôi!”
Vậy là lâu nay mình viết lí lịch không trung thực, hoặc là cái mẫu khai lí lịch cực kỳ chi tiết và phải khai đi khai lại không biết bao nhiêu lần trong đời cán bộ, hóa ra chưa đủ, những cái gọi là “thành phần giai cấp”, rồi ngày vào Đoàn vào Đảng, rồi tên cha - mẹ - ông - bà nội ngoại cũng những chức vụ, mức tiền lương… chưa hẳn đã là những yếu tố quan yếu để đánh giá một con người.
Trường An-Huế - Trước thềm Xuân 2014
N.K.P
(SH300/02-14)
THU LOAN
Lúc nào bánh xe chạm ngưỡng cửa cũng là lúc công việc chen chúc hiện trong đầu. Nàng mau chóng sắp xếp sao cho thật hợp lý để hoàn thành chúng ít mất thời gian, công sức nhất.
ĐOÀN LÊ
Tôi đọc đi đọc lại, có cảm giác như mình bị sỉ nhục. Nhưng rành rành hình trái đất đã được minh họa ở góc trang báo đó. Kèm theo hình vẽ là mẩu tin tức khoa học của một viện nghiên cứu nước ngoài công bố. Rằng trái đất chúng ta giống trái táo bị cắn nham nhở.
XUÂN ĐÀI
Hẻm Đuôi Voi ngoằn ngoèo, gập ghềnh, sâu hun hút, mùa mưa lầy lội, mùa nắng hâm hấp như lò rèn. Cuối con hẻm, ở góc khuất, có ba con người cư ngụ. Thường tụ tập sau mười giờ đêm.
NGUYÊN QUÂN
Chuyến tàu bắt đầu chuyển bánh, hắn cúi xuống nhìn hai chiếc kim mạ vàng khảm dạ quang trên chiếc đồng hồ. Mặt kính bằng đá thạch anh cũ mòn trầy xước, khiến hắn nhíu mày.
HẠO NGUYÊN
1.
Năm thứ hai đại học, tôi chuyển từ ký túc xá ra thuê phòng trọ. Tôi và Y thuê một phòng nhỏ trong hẻm trên đường Nguyễn Sinh Cung. Từ phòng trọ có thể nhìn ra sông Hương đoạn qua Đập Đá. Mỗi tối thuyền chài về neo bến, neo cả những giấc mơ người buồn bã trên mặt sông lặng tờ.
TRẦN THÙY MAI
(Lời kể của một họa sĩ)
Vâng, đó là ba thứ thuốc với ba màu sắc khác nhau. Viên sinh tố hình bầu dục màu đỏ hung với rất nhiều chất an thần. Viên Côphitol màu nâu, viên dexametazone da cam dùng trị loét lở.
PHẠM THỊ HOÀI
Ngày mười lăm tháng hai năm một ngàn chín trăm tám mươi bảy, tòa án nhân dân thành phố H. mở phiên tòa xử một trường hợp đặc biệt.
NHẬT CHIÊU
Đúng là công viên rồi. Nhà của nhà thơ ở gần đây thôi. Chỉ cần xuống trạm xe buýt gần công viên, đi bộ năm phút là đến nhà tôi, đó là lời dặn dò của nhà thơ mà tôi còn nhớ như in.
NHỤY NGUYÊN
Tôi thấy mình như quả bóng bị hút vào khoảng không, dính lên trần nhà, thoáng nhìn xuống, chính lúc này tôi đã rú lên.
ĐỨC BAN
Giáo sư Lê Văn đến công tác tại tỉnh H. Ở đó ông được nghe một câu chuyện về vị vua Hàm Nghi thời nhà Nguyễn, trước khi bị giặc Pháp bắt đưa đi an trí bên châu Phi xa xôi, đã để lại cho dân làng Gia Ninh heo hút trong rừng sâu ba con voi vàng và một bộ long bào.
PHẠM DŨNG
Các đại biểu về dự hội nghị văn thơ đều biết chị. Vì chị là tác giả của nhiều tiểu thuyết nổi tiếng và cũng bởi chị có một cách sống, như nhiều người nhận xét, kiêu ngạo và trác táng.
LÊ MINH PHONG
Huế trở lạnh. Đó là một điều hết sức quý giá với tôi. Buổi chiều, tôi mông lung bước trên hè phố khi tiếng chuông nhà thờ đang bay như những cánh chim trên không trung. Tất nhiên đó là những cánh chim không rõ hình thù.
NGUYỄN HIỆP
Bước đi của ông nghiêng bên này, ngả bên kia, bóng nhảy qua nhảy lại thành hai chiếc bóng của một người.
NGUYỄN HUY THIỆP
1. Gây chuyện
Trong số người quen của tôi, tôi rất nể phục nhà nghiên cứu văn học K. Anh am hiểu các vấn đề lý luận văn học ở ta, lĩnh vực mà thú thực tôi không hiểu gì mấy. Những bài viết của K. có thời được nhiều người ví như "ngọn roi" quất vào "con ngựa sáng tác văn học" giúp nó phi nhanh hơn và không trật đường.
TRẦN BĂNG KHUÊ
1. Gã có thói quen mỗi buổi sáng thức dậy, gã thường tợp một ngụm Tequila và nhìn chăm chăm vào bức tường. Sau đó mới rời khỏi nhà, đến công sở. Nơi nào gã đến cũng có một bức tường tương tự như thế. Chỉ thiếu mỗi Tequila. Những bức tường xuất hiện ở khắp mọi nơi. Chỉ Tequila là không thể. Gã phải đến quán rượu. Ghé quầy bar của lão họa sĩ già.
LGT: Trần Bảo Định là một “tác giả mới”, từng là cựu sinh viên Văn khoa Đại học Đà Lạt, năm 2014, tròn 70 tuổi, mới công bố tập truyện ngắn đầu tay Kiếp Ba Khía (Nxb. Văn hóa văn nghệ) với giọng điệu Nam Bộ khá độc đáo, nên sách vừa in ra đã bán hết.
NGUYỄN THANH ĐẠM
Ba ngày nữa kết thúc chương trình hợp tác một năm dạy tiếng Pháp tại trường Đại học Đà Lạt, Lavande bần thần trước thời gian vụt trôi nhanh quá.
TỐNG NGỌC HÂN
Đường vào Sài Cang là một con dốc không có tên vì xem ra chưa có cái tên nào xứng với nó. Vừa cao, vừa dài, vừa hẹp, lại vừa quanh co gấp khúc.
PHẠM NGỌC CẢNH NAM
Thay vì cúi xuống đặt mũi dao đúng vào nơi quy định, giữa lỗ tròn của tấm khăn mổ trắng lóa thì anh lại bất giác nhìn lên mặt bệnh nhân.
PHẠM THANH THÚY
“Em mang thuốc đau đầu này. Anh uống đi.”
Nàng đưa cho anh viên thuốc, cùng chai nước lọc.