“Văn chương đích thực là một cõi vô biên giới...”

10:12 24/07/2017

Nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng, tác giả cuốn tiểu thuyết kỳ lạ Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian, chia sẻ những suy nghĩ về cuốn tiểu thuyết mới nhất của mình, quan niệm của riêng anh về văn chương và thế giới.

Bìa tiểu thuyết "Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian"

Nguyễn Hoàng Anh Thư (NHAT): Anh là người dịch một số tác phẩm rất quen thuộc với bạn đọc, vậy khi viết anh có chịu ảnh hưởng của văn phong một tác phẩm dịch nào đó không? Anh từng nói: “Tiểu thuyết của tôi không thuộc về số đông”, nhưng cái nhan đề anh đặt cho tiểu thuyết “Người tình của cả thế gian” lại có vẻ rất “câu khách”, anh thử lý giải cho người đọc về điều này được không?

Trần Tiễn Cao Đăng (TTCĐ): Tôi dịch khá nhiều tác phẩm văn chương nước ngoài, và đọc văn chương nước ngoài nhiều hơn văn chương trong nước, cho nên văn tôi viết nghe có vẻ “Tây” là điều dễ hiểu. Điều này diễn ra tự nhiên - không phải tôi chủ ý viết như vậy. Trong cách tư duy, trong tâm trí, tôi luôn cảm thấy mình phần lớn không bị ràng buộc trong khuôn khổ dân tộc Việt, không “thuộc về” người Việt. Đồng thời với ý thức mình là người Việt, tôi luôn có cảm giác rõ rệt mình thuộc về một nơi khác. Ngôn ngữ của tôi phản ánh điều đó. Nhan đề Người tình của cả thế gian, cũng như bản thân câu chuyện, đến với tôi một cách tự nhiên. Sự thật là, trong khi viết cuốn sách và trong khi nghĩ đến nhan đề ấy, tôi không nghĩ đến chuyện người đọc là ai. Cuốn sách được viết ra do nhu cầu tự thân nó. Một khi nó đã tượng hình đầy đủ và có đó giữa thế gian rồi, người đọc “lý tưởng” của nó sẽ xuất hiện.

NHAT: Tiểu thuyết này anh viết chủ yếu dựa vào hư cấu, ít trải nghiệm thật, nhưng thế giới trong đó tràn đầy cảm xúc thật, mỗi nhân vật, mỗi tình huống đều được anh hình dung và thể hiện bằng ngôn ngữ rất chi tiết. Tuy nhiên đôi khi người đọc không khỏi băn khoăn vì đó là một thế giới quá xa lạ với đa số người Việt hiện tại. Anh lý giải ra sao về điều này?

TTCĐ: Tại sao bạn thích đọc văn chương nước ngoài? Phải chăng một nhà văn Việt thì nhất thiết phải viết thứ văn gần gũi với người Việt? Văn chương đích thực là một cõi vô biên giới, như tôi đã nói ở một chỗ khác. Tôi thích phản ứng của một số người đọc trẻ. Họ hoàn toàn không thấy những sự “khác lạ” trong tiểu thuyết Life Navigator… là điều gì đặc biệt. Họ tiếp nhận những thế giới trong tương lai, những đảo vũ trụ kia như là chuyện bình thường, đương nhiên. Họ mang tính “quốc tế” cao hơn hầu hết người đọc lớn tuổi. Theo nghĩa nào đó, cuốn tiểu thuyết của tôi dành trước hết cho những người đọc trẻ.

NHAT: Nếu chắp nối những giấc mơ của cô gái, người đọc sẽ nhận ra tình yêu của cô lớn dần lên, đang biến đổi theo chiều không gian lẫn thời gian, có cả những điều không tưởng vẫn có thể xảy ra trong những giấc mơ đó. Những hình ảnh đẹp và buồn, những “chữ nghĩa quý phái”... Theo anh, để viết được như vậy thì đòi hỏi nhà văn phải có tư chất lãng mạn, thông minh và chất tài tử, điều này có chịu ảnh hưởng từ nền tảng văn hóa của gia đình không?

TTCĐ: Chắc hẳn có. Cả cha lẫn mẹ tôi hồi còn trẻ đều là những nhà thơ không chuyên. Đặc biệt, tôi chịu ảnh hưởng có tính quyết định từ mẹ tôi. Bà là người dịu dàng, tinh tế, hơi lạc lõng giữa đời thường. Tôi thừa hưởng từ bà tình yêu tự nhiên đối với văn chương và nghệ thuật nói chung.

NHAT: Có vẻ như anh là một nhà văn có tính cách lập dị qua những quan niệm thơ văn mà anh bày tỏ trên Facebook. Ví dụ: “Trong thời văn hóa nghệ thuật đạo đức xuống cấp như Việt Nam hiện tại, khi mà mọi thứ xấu xí tràn lan và giành quyền thống trị, thì nghệ sĩ, hơn bao giờ hết, cần phải kiên trì, bướng bỉnh, lì lợm tiếp tục làm ra cái đẹp. Trong hoàn cảnh đó, làm ra cái đẹp là hành động chính trị của nghệ sĩ. Vũ khí của cô/anh ấy là cái đẹp, với quyền năng và sự bất diệt của nó”. Tôi muốn hỏi thêm, người phụ nữ đẹp theo anh là người như thế nào?

TTCĐ: “Lập dị”, bản thân điều đó không có gì xấu. Vấn đề là anh khác đám đông ở vấn đề nào, và khác như thế nào. Còn về phụ nữ đẹp, tôi có trả lời phỏng vấn như sau cho tạp chí Esquire: “Phụ nữ thế nào là lý tưởng với tôi ư? Nàng đẹp, thông minh, tinh tế, mạnh mẽ, “đầy nhục cảm”, dịu dàng, vị tha. Xác suất rất cao là cả đời bạn không gặp nàng. Nhưng nàng có thật. Một điều kỳ diệu, có thể nói vậy. Điều quan trọng hơn thế là ta cầu chúc hạnh phúc và bình an cho cả những người phụ nữ chỉ gần với chỗ lý tưởng, những người chiếm số đông nữ giới. Và yêu họ chẳng khác gì họ là những phụ nữ lý tưởng, bởi vì chính họ, những phụ nữ “bất toàn” đó, mới là phần cơ bản của thực tại. Con người cần như vậy: luôn mong nhớ cái toàn hảo và luôn biết hòa hợp với cái bất toàn”.

NHAT: Đến thời điểm này, cuốn tiểu thuyết đã xuất bản được gần tròn một năm. Anh cảm nhận được điều gì về phía độc giả? Có sự ghi nhận nào thật khác biệt, anh có thể chia sẻ được không?

TTCĐ: Không có nhiều người đã đọc và đọc hết được cuốn tiểu thuyết, đó là điều có thể đoán trước được. Tuy nhiên, trong số ít những người đã đọc trọn cuốn tiểu thuyết, có những người hiểu và thấu cảm với nó một cách sâu sắc. Và đó không phải là một nhà phê bình, một nhà văn “đàn anh”, một nhân vật “có thẩm quyền” nào trong giới văn chương, mà là một người đọc bình thường, trẻ tuổi, “vô danh” (cho dù thật ra không hoàn toàn vô danh). Những người đọc “vô danh” này có cái mà nhiều người khác không có được: họ có khả năng thấu cảm, sự khiêm nhường và tâm trí cởi mở, không bị trói buộc bởi định kiến, những phẩm chất cần có của một người đọc “cừ khôi”. Một nền văn chương mạnh thì cần có không chỉ những người viết cừ khôi mà cả những người đọc cừ khôi. Tôi tin ở những người đọc như thế.

NHAT: Anh viết về thế giới loài vật bởi anh nói “đã quá chán thế giới của con người”. Thế giới loài vật chạm tới cảm xúc sâu sắc nhất của anh. Anh có thể chia sẻ những cảm nhận ấy của anh không, đặc biệt là tình cảm yêu thương của thế giới đại đồng mà anh bắt gặp được ở đó?

TTCĐ: Tôi tin chắc rằng nấc tiến hóa cao hơn mà loài người, hay ít nhất là một bộ phận loài người cần phải vươn tới là thấu hiểu được, thực sự đối thoại được với mọi loài sinh vật khác và đối xử với mọi loài khác giống như cư xử với đồng loại của mình. Loài người cho đến bây giờ về cơ bản vẫn là một chủng loài ích kỷ, chỉ quan tâm đến bản thân mình và chỉ tôn trọng bản thân mình mà thôi (khi nói điều này, chúng ta tạm thời bỏ qua những khác biệt và xung đột trầm kha giữa những bộ phận khác nhau của bản thân loài người, vốn tự nó là một vấn nạn lớn, mà chỉ nói về loài người như một tổng thể).

Loài người cần học được cách làm sao có thể tiếp tục tồn tại và phát triển nền văn minh của mình mà không phải trả cái giá đắt là sự hủy diệt Mẹ Trái đất đã sinh ra mình cùng với các loài sinh vật khác vốn là anh em của mình.

Hiểu, tôn trọng và yêu thương các loài khác, những sinh vật hiển nhiên yếu hơn con người, đó là một phẩm chất mà hầu hết chúng ta không có hoặc có rất ít, và cần phải có nếu chúng ta thực sự tin rằng loài của mình là loài ưu việt nhất. Loài ưu việt nhất không phải là loài thẳng tay hủy diệt các loài khác một cách không cần thiết và không suy nghĩ, mà là loài thực sự hành động để giữ gìn các loài khác trong khi vẫn tiến tới trên con đường tiến hóa của mình, một loài thực sự trưởng thành và có ý thức trách nhiệm.

NHAT: Cá nhân anh có tin vào sự tồn tại của những thực thể giống như Life Navigator không?

TTCĐ: Tôi hoàn toàn tin rằng có những dạng tồn tại mà khoa học chưa biết tới. Nếu khoa học chưa biết tới chúng, thì nghĩa vụ của nhà khoa học không phải là phủ nhận chúng, mà là nhẫn nại và khiêm nhường theo dõi chúng, quan sát chúng, cố tìm hiểu chúng được chừng nào hay chừng đó.

NHAT: Chương Phụ lục với các nhân vật di dân cho thấy một viễn cảnh đầy bi quan về tương lai của loài người: Trái đất bị hủy hoại đến mức không còn có thể ở được, loài người phải di cư lên các đảo vũ trụ quay quanh trái đất, mà cũng chỉ là một bộ phận rất nhỏ của loài người mới có được may mắn đó mà thôi. Anh không tin rằng có thể có triển vọng tốt hơn cho loài người sao?

TTCĐ: Cũng như nhiều người khác, tôi chân thành mong muốn có triển vọng tốt cho tương lai của loài người. Mặt khác, khi nhìn vấn đề bằng lý tính, tôi biết không có nhiều cơ sở thực tế để tin rằng tương lai con người sẽ tốt đẹp. Nói gọn, tôi không tin vào chuyện loài người như một tổng thể có khả năng tự cứu mình, tự vượt qua bản tính vị kỷ và sự ngu dốt của mình. Nhưng tôi tin rằng một số ít cá nhân thì có khả năng ấy. Và số ít cá nhân này có cứu được toàn bộ giống loài mình hay không, điều ấy không quan trọng. Họ cứu được bản thân mình, nâng được bản thân mình lên cao hơn giống loài, vậy là đủ.

NHAT: Có những cú nhảy đầu đời rất khó khăn cho người cầm bút. Theo anh, người cầm bút phải có phẩm chất gì trước tiên?

TTCĐ: Tôi nghĩ, phẩm chất đầu tiên mà nhà văn phải có là nhu cầu nhìn và nghĩ về mọi thứ theo một cách khác, và bên cạnh đó là nhu cầu nói với mọi người về điều này theo cách của mình: bằng cách kể chuyện. Nhà văn bẩm sinh có thể ngại nói trước đám đông nhưng không ngại viết ra những gì sâu thẳm nhất bên trong mình. Một ca sĩ bẩm sinh có thể hát hết mình nơi bãi biển vắng tanh, như thể có hàng ngàn người đang lắng nghe họ và thấu cảm với họ. Một nhà văn bẩm sinh cũng vậy, viết hết mình trong đơn độc hoàn toàn, như thể có hàng ngàn người đang đọc họ, sẽ đọc họ và thấu cảm với họ.

Cám ơn anh về cuộc chuyện trò thú vị.

Nguyễn Hoàng Anh Thư thực hiện
(SHSDB25/06-2017)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • PHAN ĐÌNH DŨNG

    1. Có thể tìm hiểu những đặc trưng nghệ thuật của thơ Thiền Việt Nam thế kỉ XI - thế kỉ XIV qua một số phương diện tiêu biểu như ngôn ngữ, thế giới nghệ thuật hay hình tượng (con người, thiên nhiên, không/thời gian nghệ thuật), thể thơ, kết cấu, cách miêu tả thể hiện, giọng điệu… Đây là cách nghiên cứu “diện”.

  • ĐOÀN ÁNH DƯƠNG

    Tự Lực văn đoàn đã khởi sự hoạt động báo chí và văn chương của mình trong một thời điểm chứa đầy cơ hội và thách thức.

  • NGUYỄN MẠNH TIẾN    

    Sự tương hợp của những môtip truyện họ Hồng Bàng hay con rồng cháu tiên [viết tắt: rồng tiên] được chuẩn hóa như huyền thoại quốc gia bắt đầu từ trong truyền thống Ngoại kỷ của Toàn thư người Việt với vũ trụ luận Mường, Thái là một chủ đề thú vị.

  • Kỷ niệm 88 năm báo Phong hóa (7/1932 - 7/2020) và Tự Lực văn đoàn

    PHẠM PHÚ PHONG

    Nhất Linh là một kiểu mẫu hoàn hảo của trí thức Việt Nam, có thêm một cái gì rắn rỏi và thẳng thắn, rất hiếm có.                                                                                   (Sainteny)

  • NGUYỄN ĐỨC TÙNG     

            (Gởi Hoàng Thị Hạnh)

  • MAURICE BLANCHOT    

    Có lẽ Kafka muốn tiêu hủy tác phẩm của mình, vì chúng dường như với nhà văn tất sẽ làm tăng lên sự hiểu nhầm chung.

  • HOÀNG NGỌC HIẾN

    Trong tình hình phát triển hiện nay của lý luận (thuộc mọi lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn) người làm công tác lý luận và phê bình văn học không thể không xem xét và xác định lại những khái niệm lý luận văn học, kể cả những khái niệm vẫn được xem là "cơ bản", "trung tâm", "cốt yếu"...

  • TRẦN NGỌC HIẾU    

    Vị trí tiên phong của Nguyễn Minh Châu trong tiến trình đổi mới văn học Việt Nam sau 1975 đã được thừa nhận ở nhiều khía cạnh như quan niệm về con người, nghệ thuật xây dựng nhân vật, tổ chức trần thuật...

  • THANH NGÂN  

    Kết cấu vừa là toàn bộ tổ chức nghệ thuật sinh động của tác phẩm, vừa là phương tiện khái quát nghệ thuật. Cho nên, nó đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc khái quát và thể hiện tư tưởng - cảm xúc của tác phẩm văn học nói chung. Khi đánh giá kết cấu tác phẩm không phải chỉ xét nó dưới sự hài hòa, cân đối của nội dung.

  • MAI VĂN HOAN  

    Số người biết về Nguyễn Hành hiện nay rất ít. Tôi có hỏi một vài người quan tâm đến văn chương, các vị ấy đều không hề biết Nguyễn Hành là ai.

  • PAUL DE MAN  

    Phát hiện khá muộn màng về tác phẩm của Georg Lukács ở phương Tây và gần đây nhất, ở đất nước này, đã có xu hướng cô đặc lại quan niệm về sự chia rẽ rất sâu sắc giữa Lukács thời kỳ đầu phi Mác-xít và Lukács thời kỳ sau theo Mác-xít.

  • ĐOÀN ÁNH DƯƠNG

    1. Không đơn thuần là “mô phỏng”/ “phản ánh”, một kiểu “chủ nghĩa đề tài” quen thuộc trong văn học về chiến tranh và cách mạng, văn học Việt Nam đương đại đã trực tiếp tham dự vào quá trình kiến tạo diễn ngôn dân tộc chủ nghĩa.

  • TRẦN ĐÌNH SỬ

    Từ khi có bài báo ngắn Dân là gốc hay lấy dân làm gốc của Văn Như Cương (Văn nghệ số 48-1988), một số bạn đã viết bài bàn lại, nói chung cho rằng nói "Lấy dân làm gốc" vẫn không mất ý nghĩa tốt đẹp của nó. Tôi cũng tán thành với các ý kiến đó, mặc dầu tôi vẫn cho rằng dịch "dân là gốc" như anh Cương bàn cũng đúng.

  • NGUYỄN VĂN HÙNG    

    Chuột là loài vật luôn hiện hữu trong cuộc sống con người, bao gồm cả đời sống vật chất lẫn đời sống văn hóa tinh thần.

  • YẾN THANH  

    Đối với mỗi người Việt Nam, chuột là một “người hàng xóm” tự nhiên quen thuộc. Thật ra, trong lịch sử của loài người, có lẽ không loài động vật nào gắn bó tự nhiên với chúng ta hơn loài chuột.

  • NGỌC TRAI

    Văn học ta trong những năm gần đây đang có dấu hiệu chuyển hướng và đổi mới một cách đa dạng, phong phú.

  • DƯƠNG BÍCH HÀ  

    Văn hóa dân gian, trong đó có âm nhạc, là một bộ phận nghệ thuật quan trọng trong nền văn hóa đa dân tộc của Việt Nam. Nó phản ánh sâu sắc những tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của con người. Nó gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của nhân dân và phục vụ nhân dân. Song song với cuộc sống của con người, nó đã tồn tại qua mấy nghìn năm lịch sử đến nay.