(SHO) Mã đáo thành công

09:02 30/01/2014

PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO

Một mùa xuân mới và năm Con Ngựa 2014 đang dần đến bên thềm.

Minh họa: Nhím

Trong cái lạnh giá se sắt của Hà Nội thì những cánh hoa đào báo xuân đang hé nở và rạng ngời như cặp má hồng của người thiếu nữ. Biết bao nhiêu sắc hoa đang rạo rực đua nở đón xuân. Quất vàng, cam đỏ và muôn vàn lộc biếc với nõn nà lá xanh đang rung rinh theo từng bước chân trên phố. Nghe đâu đây hương xuân đang về và dưới những mái nhà, có cả mùi hương của thứ nước lá mùi nóng đang lan tỏa trong ký ức... Xuân đang về trên từng góc phố. Mùi xôi thơm phức của gạo nếp, đỗ xanh hay vị ngào ngạt thơm nồng của bánh chưng quện với hương lá dong rất đặc trưng hồn Việt luôn gợi nhớ một thời của Tết xưa.

Hầu như năm nào tôi cũng dành chút thời gian giáp Tết để tự thưởng cho mình những phút được một mình dạo trên phố cổ Hà Nội và hòa vào dòng người cùng những âm thanh của ngày giáp Tết. Ra phố để được nhìn ngắm, lắng nghe và thưởng thức không khí Tết cùng hơi thở của mùa xuân đang tràn ngập. Đi chợ hoa cũng là một thú thưởng ngoạn tao nhã của dân Hà Nội. Năm Giáp Ngọ đang dần đến với thời gian đi rất nhanh và cũng tốc độ hối hả như ngựa vậy, hic hic…Tôi bỗng nảy ra ý muốn được tìm hiểu và tận mắt ngắm nghía và thưởng thức các bức tranh về loài ngựa với lời chúc “Mã đáo thành công” và suy ngẫm đôi chút về lời chúc tuyệt vời của năm Giáp Ngọ 2014 này.

Có lẽ từ xa xưa hình ảnh con ngựa trong dân gian luôn đẹp đẽ bởi nó gắn liền với truyền thuyết người anh hùng Thánh Gióng của dân tộc Việt Nam đã cưỡi ngựa bay về trời sau khi đánh đuổi giặc Ân để giữ yên bờ cõi nước Việt. Hình ảnh Phù Đổng Thiên Vương cưỡi trên lưng ngựa sắt đang phun lửa để bay về trời mãi mãi còn đẹp trong tâm hồn người Việt Nam. Do đó, ngựa theo quan niệm truyền thống trong dân gian Việt Nam luôn là hình ảnh gắn liền với sự quả cảm, lòng yêu nước và ý chí độc lập và tự cường của dân tộc. Ngựa cũng là biểu tượng cho sự phóng khoáng, bền bỉ, tốc độ, sự mạnh mẽ, nhanh nhẹn và đầy nhiệt huyết.

 Chẳng thế mà từ xa xưa, hình tượng con ngựa vẫn thường được nhiều tầng lớp trong xã hội bất kể giàu nghèo ưa thích. Về mặt phong thủy, hình tượng con ngựa luôn được nhiều người lựa chọn rất trang trọng để trang trí trong nhà, tại phòng khách hay tại nơi công sở. Bởi họ quan niệm ngựa là con vật hay đi nên biết nhiều, hiểu rộng, luôn thông minh, trung thành, nhanh nhẹn sẽ mang lại may mắn và phát tài, phát lộc cho chủ nhân của chúng trên con đường kinh doanh và thăng tiến.

Ngựa còn là biểu tượng cho cả sự thông minh và trung thành trong đời sống. Các cụ của chúng ta từ xa xưa vẫn có câu “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” để nói về tình cảm gia đình và bạn bè với đầy đặn cả sự yêu thương và đùm bọc của con người. Hay khi ta nói về sự trung thành của loài ngựa thì cũng rất đặc biệt bởi dẫu có đi xa quê hương đến đâu chúng vẫn biết đường quay về nhà giống như lề thói “Ngựa quen đường cũ”… Còn những con người có bản tính trung thực và quá thẳng thắn thường là bị thiệt thòi thì vẫn được ví với câu: “Thẳng như ruột ngựa”. Những kẻ lừa lọc, độc ác vô nhân tính nhất cũng được dân gian căm ghét gán cho cái tên là “Lũ đầu trâu mặt ngựa”… Ngựa đã đi vào đời sống và văn hóa người Việt từ rất lâu.

Từ xa xưa hình ảnh của ngựa luôn gắn liền với sự dũng cảm và tinh thần dũng mãnh của những hiệp sỹ trong chiến trận cùng những câu chuyện thú vị đầy màu sắc bí hiểm của Thần thoại Hy Lạp. Đó là những câu chuyện về hình ảnh “Con ngựa thành Tơ Roa” khi xưa. Đó cũng là hình ảnh Nhân mã Centaurus hay là hình ảnh của một quái vật mà chân và thân là loài ngựa còn tay và đầu lại là loài người. Đặc biệt hơn cả là câu chuyện cảm động về sự trung thành và sự gắn bó sinh tử của Alexandre Đại Đế với Thần Mã Buchepphalus. Nghĩa của nó là bạn của những con ngựa, với cuộc chiến gian khổ khi đó cũng là ngày tận số của cả hai để đến được tuyệt đỉnh của vinh quang và cay đắng, v.v...

Câu chúc “Mã đáo thành công” đã trở thành một câu ngạn ngữ nổi tiếng trong dân gian và cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Xuất phát từ hình ảnh những con ngựa từ xa xưa và mãi cho đến nay vẫn oai hùng và dũng mãnh, đẹp đẽ và phóng khoáng. Chúng vẫn còn in đậm dấu thời gian trong những bức tranh phong thủy nổi tiếng với dòng chữ “Mã đáo thành công”. Chúng cũng có thể được bắt nguồn từ nền văn hóa Trung Hoa cổ còn ghi dấu trong sử sách “Tam Quốc diễn nghĩa” từ thời xa xưa. Đó là hình ảnh của loài ngựa Ô Truy, Đích Lư hay Xích Thố còn lưu dấu trong nền văn học và điện ảnh Trung Hoa. Chúng cũng được vinh danh như những “anh hùng mã thượng” bên cạnh hào khí của con người.

Tranh của Từ Bi Hồng


Ngắm những bức tranh Tết với lời chúc “Mã đáo thành công” thật là thú vị. Bạn có thể thấy hình ảnh tám con ngựa đang phi nước đại vô cùng bay bổng và phóng khoáng, chúng luôn tượng trưng cho sức mạnh và lòng quả cảm với ước mơ chinh phục cùng những khát vọng về tự do của con người. Chúng cũng là biểu tượng cho sự thành công, cho sự phát đạt trên con đường kinh doanh và thăng tiến của người đời.

Mã đáo thành công từ xa xưa đã thể hiện cho sự nhanh nhạy và tốc độ qua những hình ảnh rất đẹp về loài ngựa, với khát vọng của con người muốn chinh phục cả thiên nhiên và vũ trụ. Bởi từ xa xưa khi loài người vẫn từng coi ngựa là phương tiện chuyên chở có tốc độ cao nhất. Chẳng thế mà dân gian có câu: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” tức là “một lời nói ra, cỗ xe bốn ngựa cũng không đuổi kịp” để răn dạy về sự thận trọng của lời ăn tiếng nói và sự lan tỏa rất nhanh của chúng, bởi mỗi lời nói ra của con người chỉ thua với tốc độ của ngựa hoặc xe ngựa mà thôi.

Ngựa cũng là hình ảnh rất lãng mạn đã đi vào văn chương và thi ca với hình ảnh Hà Nội cổ xưa với “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”. Còn đối với Cố Đô Huế từ bao đời thì hình ảnh của những con ngựa đá luôn rất quan trọng, mang ý nghĩa tâm linh và hầu như không bao giờ thiếu vắng chúng trong vô số các lăng tẩm, đền đài.

Ngựa ô cũng là hình ảnh gắn liền với tình yêu của người quân tử xưa và đặc biệt còn ám ảnh cả giai điệu trong nhiều bài dân ca. Hẳn trong mỗi chúng ta những người con của quê hương Việt Nam thì ai mà không biết bài dân ca nổi tiếng mang tên “Lý Ngựa ô” với giai điệu trữ tình và đầy hào sảng của người quân tử để “đưa nàng về dinh” từ thời xa xưa:

Ngựa ô anh thắng
Anh thắng kiệu vàng
Anh tra khớp bạc
Lục lạc đồng đen…”


 Còn nhiều ca khúc cũng được lấy cảm hứng từ hình ảnh phóng khoáng và lãng mạn của loài ngựa để nói về khát vọng tự do hay tâm trạng của con người trước vũ trụ như bài hát “Ngựa phi đường xa” của Lê Yên hay ca khúc rất hay từng nổi tiếng một thời đó là “Vết thù hằn trên lưng ngựa hoang” của Ngọc Chánh và Phạm Duy. Tôi vẫn nhớ ca khúc “Vết thù hằn trên lưng ngựa hoang” đã được nhiều sinh viên giống như chúng tôi rất hay hát từ những năm tám mươi bởi ca khúc này có ca từ và giai điệu đặc biệt của sự trầm hùng và đau xót trước thân phận con người:

“Ngựa hoang nào dẫm tan nát tơi bời
Đồng cỏ nào xanh bát ngát chân trời
Ngựa phi như điên cuồng dưới cánh đồng, dưới mưa dông
Mà trên lưng cong oằn những vết roi đã in hằn”


Hình ảnh ngựa hoang đầy bạo lực và sự hung hãn bỗng trở nên rất đẹp và dịu dàng trước tình yêu, thậm chí chúng quên cả hận thù :

“Một hôm ngựa bỗng thấy thanh bình
Thảm cỏ, tình yêu dưới chân mình
Ân tình mở lòng ra với mình
Ngựa hoang bỗng thấy mưa
Để quên những oán thù…
Ngựa hoang quên thù oán căm
Từ nơi tối tăm
Về miền tươi sáng…”


Hình ảnh đẹp đẽ về ngựa vẫn còn thấp thoáng đâu đây gợi nhớ cả tiếng lốc cốc của những cỗ xe ngựa nơi Đà Lạt mờ sương ngày nào. Hình ảnh lãng mạn ấy cũng là nguồn cảm hứng để Phương Thảo từng vẽ nên bức tranh của “Phiên chợ Bắc Hà” khi ca khúc và giai điệu thơ đã làm ta liên tưởng đến hình ảnh người phụ nữ Hmông tự tay dắt ngựa thay chồng trở về bản Mèo sau những phiên chợ náo nức:

“Vắt vẻo
 nằm ngang lưng ngựa
Ngất ngư
 say đắm nhìn trời
Chàng trai H Mông tiếc nhớ
Đường về
 lãng đãng sương rơi”..


Còn biết bao hình ảnh lãng mạn về ngựa vẫn được các nhà văn, nhà thơ cảm nhận sâu sắc và được thăng hoa trong những sáng tác của họ. Hình ảnh ấy còn đậm nét và như phiêu diêu trong nhiều ca khúc nhạc Trịnh nổi tiếng để mỗi khi ta cất lên tiếng hát lại thấy như được xoa dịu về nỗi đau buồn và những trăn trở cùng những suy ngẫm về thân phận của con người trước vũ trụ:

Đó là hình ảnh: “Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa”... trong ca khúc nổi tiếng của ông là “Một cõi đi về”, hay “Ngựa xa rồi, người vẫn ngồi, bụi về với mây…” trong ca khúc “Phúc âm buồn” cùng sự lãng đãng mơ hồ như “Vó ngựa trên đồi hay dấu chim bay..” trong “Xa dấu mặt trời” v.v...

Hình ảnh ngựa phi nước đại thường đã diễn tả sự mạnh mẽ, phóng khoáng và khao khát sải những bước chân trên con đường xa, nó cũng phản ánh khát vọng thăng tiến của con người trong đời sống xã hội với một ước mơ phi thường. Trong chúng ta, nhiều người đã từng yêu thích và đã từng chiêm ngưỡng bức tranh “Ngựa phi ra biển”. Tôi cũng thích bức tranh này bởi ở đó, ngựa đã tượng trưng cho hành hỏa trong ngũ hành, ta biết rằng biển là nước, mà nước tượng trưng cho hành thủy. Còn Hỏa - Thủy là tương khắc. Ý nghĩa của bức tranh này thể hiện những khát vọng của con người muốn có một ý chí vươn lên phi thường trong cuộc sống.

Nhưng Phương Thảo còn thích hơn nữa hình ảnh “Ngựa phi trên đồng cỏ”, bởi có lẽ tôi luôn yêu thiên nhiên và cây cỏ (mặc dù ngựa phi trên đồng cỏ cũng dễ làm nát một đời cỏ lắm đó, hic hic…). Tôi từng liên tưởng đến những đồng cỏ bát ngát tận nơi cao nguyên lộng gió hay những đồng cỏ xanh trải dài tít tắp trên đất nước Mông Cổ. Đây là bức tranh phong thủy thể hiện sự phóng khoáng trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Ngựa là mệnh hỏa, đồng cỏ gồm cả hai yếu tố cây cỏ và đất đai, tức là mộc và thổ. Bức tranh ngựa phi trên đồng cỏ cũng thể hiện một vòng tròn tương sinh là Mộc - Hỏa - Thổ. Tôi trộm nghĩ có lẽ mình rất hợp với bức tranh này và cần phải  đi tìm mua chúng ngay hôm nay, hic hic… Chắc chắn khi có bức tranh độc đáo này, Tết Giáp Ngọ năm nay sẽ vui hơn và mình có thể sẽ gặp nhiều may mắn hơn chăng.

Dân gian đã có câu “cưỡi ngựa xem hoa” để ám chỉ sự lười biếng, hời hợt và thiếu sâu sắc của con người. Hy vọng rằng những người cầm bút như chúng ta không bị mắc vào căn bệnh này bạn nhé. Còn lúc này tôi đang một mình “Đơn thương độc mã” tức là một mình một ngựa để tác chiến, suy ngẫm và phát huy tối đa trí sáng tạo của mình đó. Âu cũng là cái nghiệp và sự đam mê của người cầm bút phải gánh và cứ thích được gánh lấy sự nhọc nhằn trên đôi vai gầy. Suy ngẫm về sự nhanh nhạy, phóng khoáng của loài ngựa có vẻ rất phù hợp với thời buổi hội nhập và mở cửa với sự lan tỏa thông tin nhanh đến chóng mặt của ngày hôm nay. Đặc biệt hơn khi người ta suy ngẫm về sự trung thành và yêu thương hết mình của loài ngựa mà cũng thấy buồn thêm cho con người cùng sự tráo trở và mưu toan độc ác.

Năm Giáp Ngọ đang đến, Phương Thảo có một vài suy ngẫm về loài ngựa và hy vọng được mang thêm chút niềm vui nho nhỏ đến bà con và bạn bè. Hy vọng một năm mới nhiều may mắn và hạnh phúc sẽ đến với mọi người và mọi nhà. Nàng Xuân yêu kiều đang đến với đôi mắt ướt long lanh và đôi cánh mềm mại của nàng đang đậu xuống và gõ cửa từng nhà.

Chúc các bạn của tôi một năm mới “Mã Đáo Thành Công”.

                      (Hà Nội những ngày giáp Tết 2014)








 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NGUYÊN SỸ
           Bút ký  

    Sẽ không mấy người tin những ngọn đồi xanh thẳm, những triền đê dài với dòng kênh miên man hoa nắng mỗi chiều và những khoảnh ruộng đứt quãng nối cùng bãi cỏ thênh thang, mỗi chiều đàn trâu vẫn thong dong gặm cỏ dưới trong vắt mây trời, trước kia là một góc chiến trường ngút lửa và nay di chứng vẫn còn nằm dưới lòng đất sâu.

  • HOÀNG LONG
           Tùy bút

    Nhắc đến Nhật Bản là người ta nhớ ngay đến một đất nước vô cùng độc đáo về văn hóa và sáng tạo, dung hòa được những điều mâu thuẫn cùng cực và tư phản nhau.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
                    Bút ký  

    Trong những giấc mơ buổi giao mùa, tôi bồng bềnh trôi trên những đám mây trắng bay qua con đèo quanh co, khúc khuỷu. Một bên là núi rừng xanh thẫm, một bên đại dương mênh mông không bến bờ.

  • Kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27 - 7  

    DO YÊN

  • NGUYÊN HƯƠNG
                Tạp bút

    Bóng đêm như một ẩn dụ về tri kỷ. Chỉ cần im lặng thấu hiểu mà không đòi hỏi được nghe lời thề thốt thanh minh.

  • BỬU Ý

    Suốt trên ba mươi năm hiện diện, Tạp chí Sông Hương hiển nhiên xác lập được sự trưởng thành của mình bên cạnh những tập san, tạp chí uy tín nhất của cả nước.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ
                Tản văn  

    Hà Nội bây giờ, chẳng ai dám quả quyết là đã quan sát, tìm hiểu và có thể bình phẩm một cách đầy đủ. Đơn giản, chỉ vì Thủ đô hôm nay quá… mênh mông.

  • NGUYỄN VĂN TOAN
                            Bút ký

    Cái cảm giác một lần nghe tên mình vọng lại từ trập trùng núi rừng xanh thẳm chẳng dễ gì quên được, nhất là với người sinh ra từ nơi chốn ấy.

  • NGUYÊN HƯƠNG

    Có những ngày tháng đi qua đã để lại nỗi trống vắng hoang tàn cho con người và tạo vật. Và đôi khi ta thấy tiếc nhớ những ngày tháng ấy như tiếc một món vật cổ điển đã mất đi, dẫu biết rằng theo nhịp tuần hoàn mỗi năm, ngày tháng ấy còn quay trở lại.

  • THÁI KIM LAN

    "Từ đó trong vườn khuya
    Ôi áo xưa em là
    Một chút mây phù du“

  • VŨ DY    
         Tùy bút  

    Cuối năm, đó là khoảng thời gian người ta nhiều xúc cảm nhất. Buổi sáng, ngồi nhà không yên, lấy xe chạy lòng vòng thị trấn coi không khí chuẩn bị đón tết của bàn dân thiên hạ.

  • THÁI KIM LAN  
           Tùy bút  

    Cây hải đường ở vườn bà nội tôi thuở ấy đứng trước bình phong nhà Từ đường họ ở đồi Hà Khê. Không biết nó đã ở đó bao lâu, lớn khôn ra làm sao, trong rét mướt mùa đông và nắng nồng mùa hè có than vãn vật vả như con người?

  • NGUYÊN HƯƠNG
                Tùy bút

    Ta đã từng dựa vào những đêm mưa như một chút ân huệ cuối cùng của đời sống. Nơi đó có dấu chân của những kẻ đi hoang đốt cuộc đời mình trong bóng tối và cũng có thể là nơi những tên trộm lấy đi một vài thứ không thuộc về mình. Rồi một ngày kia dấu chân tan vào mưa, như suối tan ra giữa muôn trùng đá sỏi.

  • LINH THIỆN

    Đã gần 30 năm, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư Phạm Huế, tôi được phân công về dạy học ở tỉnh Minh Hải1 - mảnh đất tận cùng của Tổ quốc.

  • PHÙ SINH

    Trước khi viết về con hến, thiết nghĩ cũng nên tào lao mấy chuyện về mấy loài nhuyễn thể dưới đáy sông.

  • NGUYỄN VĂN UÔNG
                      Tùy bút

    Chuyện làng thì nói mãi vẫn có người thích nghe. Thơ nhạc cũng không ít lời ca ngợi.

  • PHI TÂN
       Tùy bút   

    Sông Ô Lâu chảy qua làng tôi là đoạn cuối trước khi đổ ra Cửa Lác để hòa vào phá “mẹ” Tam Giang.

  • TRẦN BẢO ĐỊNH

    1. Mấy ai sinh ra và lớn lên mà không có quê hương? Quê hương đó, có thể là phố phường, là nông thôn đồng bái! Mỗi nơi ở mỗi người, đều có một kỷ niệm đầu đời chẳng thể quên.

  • ĐỖ XUÂN CẨM

    Trong hàng trăm loài cây xanh đô thị, có lẽ cây Hoa sữa là cây gây nhiều ấn tượng cho nhiều người nhất.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

    Ông Giám đốc Viện Nghiên cứu Du lịch lấy từ trong cặp ra một cái kính đeo mắt hơi lạ, mắt kính đen kịt như mực, bấm nút nghe có tiếng rè rè như máy ảnh, bảo tôi mang thử.