“Miễn là dám bước qua giới hạn của mình”

16:12 31/07/2008
THANH THẢOThơ Nguyễn Khoa Điềm say mê trong điềm tĩnh, khi nói những điều cao lớn, thơ ấy vẫn biết cúi nhìn những vật thấp nhỏ, những điều bình thường.

Đó là thơ của người tự tin, nhưng chỉ thích giữ nó trong im lặng, không nống lên mức “tuy bạn chưa cao, nhưng ai cũng phải ngước nhìn”. Nghĩa là thơ anh vẫn chấp nhận những giới hạn. Nhưng có một lần, có lẽ là duy nhất trong tập thơ Nguyễn Khoa Điềm chợt nói: “Miễn là dám bước qua giới hạn của mình”. Câu thơ ấy viết về Đà Nẵng, nhưng tôi biết, phàm là thơ dù viết về ai về cái gì cuối cùng cũng chỉ nhằm bộc lộ mình. Khác với nhà tiểu thuyết, nhà thơ không biết tránh đâu khi người ta đọc thơ mà nhận diện mình, và cũng không cần phải trốn đi đâu cả. Tôi đọc bài thơ BÂY GIỜ:
            “Bây giờ mùa mưa đã qua
            Giọt nước đầu hiên đặc quánh
            Bây giờ bạn đã quay lưng
            Chén trà một chân đóng cặn
 
            Mặt em như vầng trăng lặn
            In trong bài thơ cuối mùa
            Ta còn chút vốn rau dưa
            Đặt cọc lên tờ giấy trắng
 
            Tháng năm dông dài im lặng
            Dễ ai đồng hành đón đưa
            Ngước mắt, mắt hoa với nắng
            Thì vuốt mặt mình trong mưa”.
 Tôi đọc và giật mình: ai cũng có những lúc như thế trong đời, với đúng những cảm giác như thế, nhưng rất ít người dám nói ra điều đó, nhất là thú nhận bằng thơ. Nguyễn Khoa Điềm đã “dám bước qua giới hạn của mình” để có được một bài thơ thật lòng, một bài thơ nhỏ bé nhưng ấm áp như một ngọn lửa nhỏ, khiến ta có thể tin anh như một người bạn, và như một nhà thơ. Sông có khúc người có lúc, thơ cũng có thì, nhưng người làm thơ trong mọi khúc và mọi lúc đều phải tuyệt đối chân thành với chính mình, để từ đó, chân thành với cuộc đời:
            “Anh là kẻ phải đánh trận sau cùng
            Người đi chuyến tàu vét
            Kẻ được xé vé cuối cùng trong rạp hát
            Sự may mắn của anh dính dáng ít nhiều với những rễ cây”
            ( TẶNG MỘT NGƯỜI SÁNG TẠO)
 Những câu thơ xa xót ấy dành cho một người bạn thơ lận đận trong đời, nhưng cũng là dành cho chính mình. Đọc những dòng này, có người vặn tôi: “Nhưng Nguyễn Khoa Điềm có chi lận đận? Chẳng phải ông ấy đang là Uỷ viên Bộ Chính trị, là… sao?” Nhưng là nhà thơ, thì “đi mô rồi cũng nhớ về…”… Thơ thôi. Mọi điều rồi sẽ qua, nhưng thơ có thể còn lại. Tôi nói “Có thể” bởi thơ của từng nhà thơ có thể còn, có thể mất, nhưng mãi mãi, nhà thơ không thoát khỏi “vùng phủ sóng” của thơ, cả thơ mình và thơ nói chung. Như trong một bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Khoa Điềm có câu: “Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ”, thơ của một người chỉ là tấm lưng nhỏ bé ấy, địu những bài thơ như địu những đứa con mình, nhưng “lưng mẹ” cùng dáng hình với “lưng núi”, và:
            “ Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
            Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng”
            ( KHÚC HÁT RU NHỮNG EM BÉ LỚN TRÊN LƯNG MẸ)
 Nhiều nhà phê bình đánh giá cao trường ca Nguyễn Khoa Điềm, nhưng theo tôi, anh mạnh ở những bài thơ trữ tình có độ dài trung bình. Ngay MẶT ĐƯỜNG KHÁT VỌNG cũng có thể coi như một liên khúc, được kết nối bởi những bài thơ tự do có độ dài trung bình. Với những bài thơ ấy, bắt đầu từ một điểm nhìn cụ thể, Nguyễn Khoa Điềm được thả sức phát triển theo dòng suy tưởng và liên tưởng, những hình ảnh gắn kết trong mạch xúc cảm như một dòng chảy liên tục. Những bài như ĐẤT NGOẠI Ô, CON CHIM THỜI GIAN, CON GÀ ĐẤT CÂY KÈN VÀ KHẨU SÚNG là những bài khá tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm, khi tứ thơ chỉ là “gợi ý”, chỉ là “điểm nhìn” để từ đó bài thơ phát triển tự do theo cảm xúc, nhiều khi vượt ngoài những “bộ khung” của tứ thơ. Là người đã có ý thức trang bị cho mình một vốn liếng kiến thức trước khi đi chiến trường, nhưng những kiến thức mà Nguyễn Khoa Điềm có được đã lặn sâu vào cảm xúc của anh, và chính đời sống chiến trường đầy hiểm nguy nhưng cũng đầy xúc cảm (kể cả phản cảm) đã làm chấn động tâm hồn một người vốn điềm tĩnh như Nguyễn Khoa Điềm, và những bài thơ trào tuôn như không thể khác. Đó cũng là cách để có được thơ của nhiều nhà thơ thế hệ chống Mỹ, những người biết hoà trộn giữa bản năng và nhận thức, giữa những gì có được từ đời sống sách vở với những gì có được từ đời sống chiến trường.
            “Côộc. Tiếng chim vang vọng
            Thành phố sau màu mây
            Ôi thương nhớ vẫn hôn lên cùng nắng hồng mỗi sáng
            Một thành phố cuối con suối này
            Uống nước đục ngầu mỗi chiều đầy bom đạn”
            ( CON CHIM THỜI GIAN)
 
 Lê Anh Xuân cũng từng kêu lên như vậy khi nhớ về thành phố Sài Gòn:
            “ Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ đó
            Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về”
 Những người lính - trí thức ấy đã đến với chiến trường và từ chiến trường đến với thơ tuyệt đối trong trẻo, dù họ biết cái “tuyệt đối” ấy nhiều khi là kinh thành Corboda trong thơ Lorca “xa thẳm, đơn độc” mà không biết “bao giờ tới được”. Nhà thơ là con người, không phải thiên thần. Trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, họ cũng biết yêu đất nước như những người khác. Có điều, họ lại biết đồng hoá, hoà nhập, cộng trường tình yêu đất nước, yêu nhân dân ở những người khác thành tình yêu của riêng mình, với những cảm nhận và lý giải của riêng mình:
            “Những người Tà Ôi da màu than rẫy cũ
            Truốt vào lòng bàn tay sần sùi da gỗ bứa
            Từng hạt vàng ẩm ướt mồ hôi”
 ( CON CHIM THỜI GIAN)
 Phải yêu nhân dân thật cụ thể mới viết được những câu thơ ấy.
            “Ta vuốt ve ngàn mái ngói mênh mang
            Tay ta đau với trường thành vỡ rạn
            Và con cầu như tiếng nấc nằm ngang”
            ( CON CHIM THỜI GIAN)
 Phải yêu thành phố tuổi thơ mình bằng một cảm giác da thịt như con yêu mẹ mới viết được những câu thơ ấy.
            “Ôi Tổ quốc ta yêu Người vời vợi
            Khi Người khổ đau không làm ta sợ hãi
            Trong căm hờn ta biết hướng ta lên”
            ( CON CHIM THỜI GIAN)
 Đó là những “nấc thang tình yêu”, những cung bậc tình yêu mà khi tác giả kêu lên “Ôi Tổ quốc ta yêu Người vời vợi” người đọc biết đó không phải là câu thơ khuôn sáo, bởi nó được xây dựng bằng một tình cảm chắc thiệt, bền vững đúng như cấu trúc bài thơ. CON CHIM THỜI GIAN được viết trong thời điểm khó khăn nhất của cuộc chiến đấu, vào mùa hè 1969, là một trong những bài thơ tiêu biểu của thơ chống Mỹ. Đáng ra, các tuyển thơ nên chọn bài thơ này, thay vì cứ trích đi, trích lại chương ĐẤT NƯỚC trong trường ca MẶT ĐƯỜNG KHÁT VỌNG như một thói quen. Có hai giai đoạn tạm coi là “bùng nổ” trong thơ Nguyễn Khoa Điềm, đó là giai đoạn từ 1969 tới 1971, và sau hoà bình là giai đoạn từ 1982 đến 1984, mỗi giai đoạn chỉ gói tròn trong 3 năm, nhưng đó là ba năm Nguyễn Khoa Điềm “giải phóng” được năng lượng thơ của mình. Có lẽ đó cũng là hai giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời của anh. Thực ra, thơ lại hay được “đẻ” ra trong những thời điểm khó khăn như vậy, bởi nó vừa là ngôn chí vừa là cánh cửa giải thoát. Nhưng khi đó, người bạn thân thiết nhất của nhà thơ chính là… thơ của mình. Tôi đọc trong giọng thơ trầm tĩnh của Nguyễn Khoa Điềm có cả phần nén chịu của một người từng trải, có nghị lực:
            “Bốn mươi tuổi rồi, lắm khi
            Cha cũng ngã, đứng dậy, khóc, cười một mình
            Cuộc đời cha dễ đâu toàn vẹn”
            ( BUỔI ĐẦU)
 Và cả biết đau đớn, sống với đau đớn, và vượt qua đau đớn:
            “Tưởng như anh không còn dễ khóc cười
            Anh cố thủ giữa đời anh chật chội
            Biết im lặng phút giây bối rối
            Biết mỉm cười đưa đẩy cái bắt tay
            Anh xài quen mớ ngôn ngữ hàng ngày
            Bay tản mạn xanh xao như khói thuốc
            Ôi trái tim anh, trái tim đau buốt
            Đã đập qua đêm, đã đập qua ngày”
            ( HẰNG NGÀY)
 Nhưng chính trong những thời điểm căng thẳng và mệt mỏi đó, bất chợt thơ Nguyễn Khoa Điềm mở ra được những ô vuông xanh hồn hậu, những ô vuông mở sâu vào sự bình yên thiêng liêng của đời sống và của tâm hồn:
            “Nhưng chiều nay con bò gặm cỏ
            Bên dòng sông như chưa biết chiều tan
            Tôi với nó lặng im bè bạn
            Mắt nó nhìn dìu dịu nước Hương Giang”
            ( CHIỀU HƯƠNG GIANG)
Những bài thơ như CHIỀU HƯƠNG GIANG hay MIỀN QUÊ là những vuông cỏ xanh ít ỏi trong thơ Nguyễn Khoa Điềm mà người đọc có thể tin cậy ngả lưng, hồn nhiên sống trong vài giây phút mà không phải nghĩ ngợi gì:
            “Lại về mảnh trăng đầu tháng
            Mông lung mặt đồng bóng chiều
            Tiếng ếch vùi trong cỏ ấm
            Lúa mềm như vai thân yêu”
            ( MIỀN QUÊ)
 Giá như Nguyễn Khoa Điềm có nhiều hơn những bài thơ như thế, có lẽ anh sẽ cảm thấy thoải mái hơn, và người đọc cũng thoải mái hơn. Người viết bài này, thú thực, nhiều lúc cảm thấy mệt vì những đoạn thơ giải thích, lý giải, tranh luận của Nguyễn Khoa Điềm. Có lẽ, thơ không cần lý giải, mà cần được cảm, được xúc động, được đánh thức một cách như tình cờ. Người viết bài này cũng đã từng tâm niệm: “Những câu thơ cần cho cuộc chiến đấu, phút bình yên, cần cho những khoảng nửa đêm khắc khoải của con người”. Không ai phủ nhận tính chiến đấu của thơ, nhưng cũng không thể phủ nhận những rung cảm đặc biệt, những nỗi xao xuyến kỳ lạ mà thơ mang đến cho con người, kéo con người khỏi trạng thái thoả mãn hay quá tự tin. Thơ phải vừa là mũi tên vừa là giọt sữa là chiếc lá “là cái tổ kết bằng rơm rác cho một cánh chim, là tiếng gọi từ trời xanh cho một tâm hồn đã mỏi mệt, là đường viền mỏng mảnh của giấc mơ” Liệu Nguyễn Khoa Điềm có giai đoạn “bùng nổ thứ ba” của thơ mình hay không? Chắc chắn sẽ rất khó, nhưng người đọc vẫn hy vọng. Vì với những gì có được của thơ mình, Nguyễn Khoa Điềm đã trao cho người đọc bàn tay trầm tĩnh nhưng tin cậy. Bàn tay có những vết chai chứng thực.
 Cuối thu 2001
T.T
(nguồn: TCSH số 156 - 02 - 2002)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Nếu còn sống, ngày 28 tháng 2 năm nay, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ tròn 75 tuổi. Nhưng ông đã nằm xuống 13 năm rồi, vào một ngày đầu hạ, cái ngày mà cả thế giới có quyền được nói dối và chắc hẳn nhiều người yêu thương ông cũng từng mong đó chỉ là một lời nói đùa…

  • Đồng chí Nguyễn Chí Thanh trong cương vị Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - nhà lãnh đạo xuất sắc trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng

    TH.S PHAN CÔNG TUYÊN ( * )

  • DƯƠNG PHƯỚC THU

    Đồng chí Nguyễn Vịnh sinh ngày 1 tháng 1 năm 1914, theo can chi là ngày mồng 6 tháng Chạp năm Quý Sửu, trong một gia đình trung nông ở làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

  • NGÔ THIÊN THU - NGUYỄN ÁI VƯỢNG

    Từ trước đến nay nhiều sách vở ghi chép về Trương Văn Đa cũng như bố ông là Trương Văn Hiến đều thiếu thông tin khi nói về quê quán gốc tích.

  • Ở góc phố đường Bà Triệu (TP.Huế), hình ảnh một ông già 80 tuổi ngày ngày ngồi bên chiếc xích lô quay quắt ngóng khách đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Ông như một nốt nhạc trầm giữa cuộc sống xô bồ. Nhưng ít ai biết rằng, ông là một cậu bé liên lạc cảm tử quân ngày nào. Sau hơn 30 năm cầm súng, ông đã góp công giữ lại hình hài của tổ quốc hôm nay.

  • Nói là nghề “kỳ dị” bởi lẽ đây là nghề “có một không hai” ở xứ Huế, đó là nghề làm mõ mà mọi người thường thấy ở các đình chùa. Việc làm ra một chiếc mõ đòi hỏi rất công phu và tỷ mỷ, ngoài việc tạo hình thì việc tạo ra âm thanh cho chiếc mõ cũng là một vấn đề nan giải. Cũng bởi vì tính chất phức tạp đó nên mọi người hay gọi đây là một nghề “kỳ dị”, vì không phải ai cũng có đủ kiên nhẫn và có cái tâm để theo đuổi nghề…

  • Chị đã làm xao xuyến bao khán giả ở thủ đô Bern, Zurich, Geneva...qua những làn điệu dân ca Việt Nam và Thụy Sỹ. giọng ca của người con gái dòng dõi hoàng tộc đang định cư tại Thụy Sỹ Camille Huyền cùng tiếng guitar bậc thầy của nghệ sĩ Walter Ginger luôn được đợi chờ trong mỗi kỳ Festival Huế. 

  • HỮU THU - BẢO HÂN

    Tin buồn
    Năm Đinh Mùi - 1967. Huế vào kỳ giêng, hai khá lạnh. Sáng ấy, như lệ thường, tôi ngồi ở quán Lạc Sơn. Đang nhâm nhi ly café, bất ngờ có chiếc Dodge mui trần trờ tới.

  • (SHO).Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sẽ được tổ chức thật sự ý nghĩa, làm nổi bật cuộc đời hoạt động và những cống hiến xuất sắc của Đại tướng cho lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, cho quá trình xây dựng chiến đấu thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam.

  • SINH VIÊN PHẬT TỬ HUẾ TUYỆT THỰC

    Hồi ký của THÁI KIM LAN

  • LÊ HUỲNH LÂM

    Xứ Huế vốn trầm mặc, không gian Huế thường gắn với hoài niệm, là nơi để trở về. Cái thường phô diễn ra bên ngoài ở xứ sở này là nắng, mưa, là dòng Hương xanh mượt mà, hay Ngự Bình vi vu thông reo, hoặc là những chiều hiu quạnh ngắm hoàng hôn, hay những đêm dài của những bước chân phiêu lãng, và những buổi sáng tan vào hơi mù lân la khắp các ngã phố,...

  • TRẦN VIẾT ĐIỀN

    Ngài Mai Khắc Đôn (1853 - 1930) là một Nho sĩ, một vị quan có tinh thần yêu nước, thương dân và đặc biệt ngài là một trong những người thầy có ảnh hưởng khá sâu sắc đối với nhà vua yêu nước Duy Tân.

  • NGUYỄN ĐÌNH NIÊN
           100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử

    Theo những tài liệu hiện có và theo sự dò hỏi của chúng tôi, từ các thân hữu còn sống của thi sĩ, những người đàn bà thi sĩ đã kinh qua cuộc đời Hàn Mạc Tử, đó là: Hoàng Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình và Thương Thương.

  • LÊ VĂN LÂN

    Chi bộ Trí thức là một cụm từ vừa thân quen vừa lạ lẫm. Thân quen là đối với những người hoạt động trong phong trào đô thị Huế. Và lạ lẫm là trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là ở thời điểm 9 năm kháng chiến chống Pháp. Những năm 1948 - 1950 ở Huế có một Chi bộ như thế: Chi bộ Trí thức.

  • THANH HUẾ

    Sinh thời vua Minh Mệnh rất hay làm thơ, nhưng ông làm thơ để chăm lo chính sự, lo cho dân.

  • TRƯƠNG SỸ HÙNG

    Đề từ tập Bút hoa, thơ tập cổ của Phan Mạnh Danh năm 1942, do chính tác giả chuẩn bị bản thảo từ năm 1896 đến trước khi mất (1942); Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã viết:

  • Lê Quang Long - vị cố vấn quân sự đầu tiên của Hoàng thân Xuphanuvông


    PHẠM HỮU THU
     

  • ĐÀI LÂN
        Kỷ niệm 32 năm ngày mất của giáo sư Tôn Thất Chiêm Tế

    Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến hào hùng và thiêng liêng của chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946 đã thúc giục, lôi cuốn nhiều lớp người đặc biệt là thanh niên, trí thức trong toàn quốc, thoát ly tham gia cách mạng.

  • LTS: Huế là nơi có Thái Y viện tập trung nhiều danh y, ngự y nổi tiếng triều Nguyễn, đồng thời có Bệnh viện Tây y đầu tiên ở Việt Nam - Bệnh viện Trung ương Huế. Hạ tuần tháng 3 vừa qua, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ra Nghị quyết xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là Trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung và cả nước mà hạt nhân là Bệnh viện Trung ương Huế và Trường đại học Y Dược Huế, cả hai đều được nhà nước tuyên dương Anh hùng lao động thời kỳ Đổi mới.

  • BÙI MINH ĐỨC

    I. Dẫn nhập
    Trong số các ông vua triều Nguyễn, vua Tự Đức là người giữ vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử cận đại của đất nước Việt Nam chúng ta.