HOÀI MỤC
Vừa giải phóng xong ba tôi đưa cả gia đình từ thành phố về quê. Cuộc sống vất vả nhưng quá nhiều cái mới lạ nên đầu óc con nít của tôi khi mô cũng thấy háo hức.
Xem chiếu phim bãi ngày xưa. Ảnh: TL
Những ngày đầu giải phóng, phong trào cổ động rộn ràng. Đêm mô con nít, thanh niên cũng đốt đuốc lên xếp hàng đôi kéo nhau đi khắp làng hô khẩu hiệu. Rồi cả làng bắt đầu làm quen với phim bãi. Ở phố kêu là đi coi xi-nê, chừ ở quê lại kêu là đi coi phim, rồi sau cũng bắt chước mấy anh chiếu phim gọi là “đi xem phim”. Quê tôi thuộc trung tâm xã và cụm xã, lại sát nách Huế, nên đoàn chiếu phim lưu động hay về, gần như tháng mô cũng có. Những tháng đầu sau giải phóng, cả làng được xem phim miễn phí. Bãi chiếu đầu tiên là ở sân trường tiểu học. Ban đầu có phim hoạt hình phục vụ bọn con nít, sau đó toàn chiếu phim tài liệu. Bọn con nít coi không hiểu chi mấy, buồn ngủ thì kéo nhau vô kê bàn học lại trèo lên ngủ, có đứa ngủ vạ vật hành lang, cho đến khi hết phim có người kêu mới choàng mắt lật đật chạy về. Về sau chiếu phim trong sân trường làm hư hại trường nên chuyển qua mảnh ruộng vừa gặt xong làm bãi. Cũng có khi màn hình dựng ở ngã ba múi cầu, đêm trăng sáng vằng vặc, các ngả đường đông đặc người từ các xã lân cận đổ về xem, toàn đi bộ, có đến hàng ngàn người.
Đến những năm đầu thập niên 80, khi xã lấy một vườn phủ công chúa nhà Nguyễn làm sân vận động, bãi chiếu phim mới cố định, và cũng từ đó, việc bán vé bắt đầu được để ý thực hiện, chỉ đến khi gần hết phim mới xả cửa “ân huệ” cho những ai không có tiền mua vé vô xem cho đỡ ghiền. Thời đó mấy ai có ti vi, đời sống văn hóa tinh thần còn nghèo, chỉ chờ đoàn chiếu phim lưu động, đôi khi vài lần trong một năm đoàn văn nghệ xung kích hay cải lương, hát bội về diễn.
Ban đầu vé xem phim chỉ vài xu, sau vài hào, vài đồng, rồi theo năm tháng tăng dần lên đến lúc bọn con nít không chịu nổi “kinh phí” thì bắt đầu chúng đi chui, gọi là “đi chuồn”.
![]() |
Máy chiếu phim nhựa ngày trước. Ảnh: TL |
Đi “chuồn”, là tìm cách vào sân bãi không mất tiền mua vé. Sân vận động có hai lũy tre chắn hai đầu, một phía là ruộng trống, một phía nữa là nhà dân, khoảng giữa hai xóm nhà dân là cổng vào sân được rào chắn để soát vé. Bốn bề đều có dân quân và kiểm soát vé cầm đùi đứng canh, đứa nào thò đầu vô nếu nhanh chân chạy thoát thì tốt, nếu không may bị bắt thì ôi thôi rồi, trước hết là một roi quắn đít, sau nhẹ thì bị xách tai dắt từ trong sân ra đến cổng đẩy ra ngoài thiếu đường rách cả tai, nặng thì bị gõ vào đầu gối mấy đùi thiếu đường nứt xương đến mấy ngày sau còn phải lết chân mà đi… Đau thì đau, nhưng nhà nghèo làm chi có tiền mua vé, phim thì quảng cáo hấp dẫn như rứa, xin xỏ đàng hoàng thì không chỉ bị lắc đầu mà có khi còn bị vài roi của dân quân vì tội “quấy rối cán bộ”, chờ xả cửa thì còn chi là phim, thôi đành phải cứ liều. Thế cho nên để “đi chuồn” thành công, bọn con nít cũng phải tính toán đủ thứ, cũng có họp “ban tham mưu” như một cuộc chiến. “Cuộc chiến” có khi thành công, lắm khi thất bại, nhưng cuối cùng cả bốn bề sân vận động đều có dấu chân của những kẻ chuồn vé.
Một trong những nguyên tắc đầu tiên là không được chuồn vô sân quá sớm, khi đó còn ít khán giả, có vào sân được thì cũng không trà trộn vào đám đông được. Cái này thằng Khuynh Lác bị rồi, phải chịu xách tai đuổi ra ngoài.
Phía ruộng trống coi như không thể chuồn nên không được bàn đến trong những đợt đầu tiên. Phải đến sau này, khi các ngả đều “bị lộ”, bất đắc dĩ phải chuồn qua ngả ruộng, muốn chuồn phải nép men bờ ruộng, rồi bất ngờ cả bọn chạy ào vào khiến kiểm soát viên trở tay không kịp. Nhưng cách đó cũng chỉ được một lần, những hôm sau đã thấy nè tre rào chắn.
Cách nhẹ nhàng nhất là đi qua vườn nhà ông Dợt, rồi núp ở hàng rào bụi bông cẩn sát sân vận động, chờ du kích gác đi xa một chút là nhảy vô một cách nhẹ hều. Nhưng có hôm không biết đứa mô đi chuồn thấy mấy trái ổi trong vườn ngon quá vạt luôn. Ông Dợt ban đầu còn thương tụi con nít, lơ cho qua, nay thấy bị phá quá bèn kéo tre rào lại luôn, rứa là hết đường.
Rồi lại tìm được cách dễ lọt nhất là đi qua cái hố xí hai ngăn nhà ông Thiền. Hố xí sát lũy tre vào sân vận động, ở đó lại có đoạn không có tre, chỉ có um tùm dương xỉ. Chịu khó bịt mũi một tí, chun qua hố xí đến núp ở bụi dương xỉ, nhìn rõ thấy du kích đi khỏi là a lê hấp, ào vô. Cái lối chuồn này có lần tôi chứng kiến một chuyện nhớ đời. Thằng Kiểu đi đứng thế nào, chân xỉa vào trong lỗ hố xí dính đầy phân, cứ rứa hắn vô sân. Thấy hắn hôi thúi, người ta chửi quá hắn phải ra mảnh ruộng tìm nước mà rửa xì xoạp… Hôm đó chiếu phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, có nhân vật Trần Sùng nổi tiếng với câu: “Ngày này không có chuyện gì xảy ra”. Thằng Kiểu ngay ngày sau bị chọc xách mé: Ngày ni có chi xảy ra rứa tụi bây? - Ngày này không có chuyện gì xảy ra, chỉ có thằng Kiểu đạp c. thôi bay ơi…
Gian nan đến rứa, nên cũng có nhiều đứa cho đi chuồn trót lọt là chiến công hiển hách. Hồi nớ bộ phim “Những kẻ báo thù không bao giờ bị bắt” của Liên Xô rất “hót”. Coi xong phim đó hễ đứa mô đi chuồn vào được trong, tìm được nhau trong sân bãi lại vỗ ngực “Những kẻ đi chuồn không bao giờ bị bắt”…
Nhiều đứa có tiền cũng không chịu mua vé, cứ thích “đi chuồn” bởi nó có thể giúp mỗi đứa hóa thân thành một lính đặc công tưởng tượng.
Nắng cũng như mưa, hễ có tin đoàn chiếu bóng lưu động kéo xe bò đem phim về là cả bọn tìm nhau. Túi ni đi đường mô bây? Đi ngả ông Dợt hay ngã ông Thiền? Có đêm mưa, thằng Siêng đi răng đó dẫm phải con rắn độc bị cắn cho một phát, hắn kêu oang oang trong bụi, người ta kéo hắn ra rách cả tấm ni lông đi mưa. Người nhà cõng Siêng lên thấu bệnh viện cấp cứu thì người hắn đã tím tái tự bao giờ…
Đến khi tôi lên Huế học, tuổi thiếu niên vẫn còn giăng mắc. Bấy giờ bọn đi chuồn lại kháo nhau: “Túi ni đi Thành mời hay đi Xã mời bây?” Hỏi cho oai rứa thôi, chứ Thành mô Xã mô mà mời. Thành ở đây là trèo thành, Xã ở đây là xả cửa. Rứa là nhao nhao, tau đi Thành mời. Mấy đứa nhát gan: thôi tau đi Xã mời. Ui chao, thời khốn khó, thành phố với nhà quê, tụi con nít thì có khác chi nhau.
Có lần tôi đi “Thành mời” ở Nhà Thiếu nhi Huế, nhảy từ trên tường rào xuống, trẹo cả chân, hôm sau sốt hầm hập, đau suốt tháng. Từ đó, giã từ “Thành mời” lúc nào không hay…
Thời gian nan ấy, nhờ đam mê phim ảnh, chúng tôi được xem nhiều bộ phim hoạt hình Việt Nam: “Đáng đời con cáo”, “Cây đa chú Cuội”, “Con một nhà”, “Chú thỏ đi học”, “Chiếc vòng bạc”… và cả bộ phim màu đầu tiên “Bài ca trên vách núi”, “Con sáo biết nói”… Cũng từ các sân bãi ấy, chúng tôi được xem gần như hầu hết các phim truyện Việt Nam: “Chung một dòng sông”, “Con chim vành khuyên”, “Chị Tư Hậu”, “Vợ chồng A Phủ”, “Nổi gió”, “Rừng Xà nu”, “Cô giáo vùng cao”, “Đường về quê mẹ”, “Cánh đồng hoang”, v.v.
Phim truyện ngày xưa đa phần là phim đen trắng, nhưng vẫn đáng xem hơn khối phim trên truyền hình bây giờ.
Chao ôi, xưa chúng tôi vẫn hay nức nở nhắc “Bao giờ cho đến tháng mười” theo tên gọi một bộ phim, nay thì thi thoảng vẫn ước ao, làm sao để được một lần đi xem phim bãi.
Lần này nếu mà có cơ hội, chắc sẽ không còn “đi chuồn”, nhưng biết đâu đấy…
H.M
(SDB18/09-15)
Ngày 18 tháng 9 năm 2015, được sự nhất trí của lãnh đạo tỉnh, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thành lập. Đây là một hoạt động có ý nghĩa lịch sử và cũng vô cùng giàu chất nhân văn, nhằm ôn lại những trang sử vẻ vang của một vùng đất giàu văn hóa - về một trung tâm văn hóa - văn học nghệ thuật tiêu biểu của nước nhà.
TRẦN BẢO ĐỊNH
Thương nhớ chú Tư Sâm.
Phải nói ngay rằng, hồi trai trẻ, tôi không thích giới văn chương, chỉ thích giới văn nghệ. Chẳng hiểu vì sao?
BÙI KIM CHI
Thời thiếu nữ của tôi gắn liền với Thành nội. Nơi này tôi đã sinh ra và lớn lên. Tôi yêu Thành nội. Thành nội đã đi vào cuộc đời tôi với nhiều sắc màu.
THANH TÙNG
Kinh đô Huế cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, bầu trời u ám của xã hội phong kiến Việt Nam lúc mãn chiều xế bóng đã phát ra tín hiệu của một vì sao NGUYỄN TẤT THÀNH.
LÊ HUY MẬU
Anh Điềm, bấy giờ còn là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa TW, nhưng đã sắp nghỉ. Anh ra thăm Côn Đảo. Trong đoàn tháp tùng anh ra Côn Đảo của Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu có tôi.
PHẠM HỮU THU
1.
Cuối năm 1989, tôi cùng Trần Phá Nhạc ghé 47 C Duy Tân, Quận 3 - TP. HCM thăm anh Trịnh Công Sơn.
LGT: Hiện không nhiều tài liệu miêu tả miêu tả về đời sống, sinh hoạt văn hóa, xã hội của Huế vào thập niên 30 - 40 của thế kỷ trước. Bản dịch dưới đây là trích đoạn từ cuốn nhật kí Adieu Saigon, Au revoir Hanoi (Chào Hà Nội, tạm biệt Sài Gòn - Nhật ký kì nghỉ năm 1943) của Claudie Beaucarnot.
DÃ LAN NGUYỄN ĐỨC DỤ
Hồi Ký
Ba mươi tháng tư. Tôi đang dùng bữa tối cùng gia đình thì chợt nghe tivi thông báo ông Thanh Nghị chết.
PHƯỚC VĨNH
Hình ảnh Hồ Chủ tịch là nguồn cảm hứng sáng tạo đối với nhiều nghệ sĩ tạo hình Việt Nam.
BỬU Ý
Đinh Cường đã vĩnh biệt tất cả chúng ta! Một nghệ sĩ trong cái ý nghĩa toàn diện, cao đẹp nhất, một nghệ sĩ làm lan tỏa nghệ thuật ra chung quanh mình cho gia đình, cho bạn bè, cho cả đời sống, khiến anh trở thành tâm điểm cho những cuộc gặp mặt, những buổi hội hè.
PHAN NGỌC MINH
1. Năm 2004, tôi triển lãm tranh tại Foyer du Vietnam - Paris, do ông Võ Văn Thận, là nhà thơ kiêm phụ trách quán bảo trợ. Tại đây tôi đã gặp gỡ được nhiều bạn bè Việt Pháp, trong không khí thân thiện ấm áp…
PHAN NGỌC MINH
1. Năm 2004, tôi triển lãm tranh tại Foyer du Vietnam - Paris, do ông Võ Văn Thận, là nhà thơ kiêm phụ trách quán bảo trợ. Tại đây tôi đã gặp gỡ được nhiều bạn bè Việt Pháp, trong không khí thân thiện ấm áp…
VÕ SƠN TRUNG
Trong gần một thế kỷ qua, bạn đọc Việt Nam đã tiếp cận khá nhiều tác phẩm của đại thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore, trong đó có hàng chục tập thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch nói, tiểu luận, và thậm chí cả hồi ký của thi hào…
Lần đầu nói chuyện trực tiếp với họa sĩ Đinh Cường tại xe cà phê Tôn trước nhà thờ Tôn Nhân Phủ ở Thành Nội, tôi: “Thưa thầy!” Anh khoát tay: “Úi dà, bày đặt. Chỗ bạn bè anh em với nhau cả, thầy bà chi nghe đỗ mệt!”
TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG
Thật vui mừng và xúc động khi cầm trên tay tập sách Rừng hát của cố nhạc sĩ Trương Minh Phương do gia đình tặng. Tuyển tập dày 1.328 trang, chia làm 4 phần, tập hợp những sáng tác, nghiên cứu văn học nghệ thuật trong cuộc đời của nhạc sĩ.
VÕ TRIỀU SƠN
Ngay sau Lễ Quốc khánh 2/9/1945 ra mắt nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, công cuộc kiến thiết đất nước được bắt đầu, trong đó có văn hóa.
VÕ TRIỀU SƠN
Ngay sau Lễ Quốc khánh 2/9/1945 ra mắt nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, công cuộc kiến thiết đất nước được bắt đầu, trong đó có văn hóa. Những ngày tháng đầu tiên của các hoạt động văn hóa nghệ thuật dưới chính thể Việt Nam mới diễn ra thật sôi nổi. Sau đây là lược thuật một số hoạt động trong mùa đông 1945, cách đây tròn 70 năm.
LỮ QUỲNH
"Vì tôi là người Huế và đã một thời tuổi trẻ nặng nợ với sông Hương suốt những mùa hè nóng bức ngủ đò nên tôi nhìn sông Hương luôn luôn với đôi mắt của người bạn.
Sáng ngày 27-11-2015 tôi đến nghĩa trang Père Lachaise để tiễn anh đến nơi yên nghỉ cuối cùng, sau khi hỏa táng, anh sẽ nằm trong ngôi mộ gia đình, đây cũng là nơi nhạc sĩ Chopin yên giấc ngàn thu nhưng trái tim thì trở về quê hương Ba Lan. Nguyễn Thiên Đạo cũng thế anh nằm ở Paris nhưng trái tim và tâm hồn anh từ lúc sống đến lúc chết luôn luôn hướng về Việt Nam.
NGUYỄN KHẮC VIỆN
Trích hồi ký
- 75 rồi đấy, ông ơi! Viết hồi ký đi. Chuối chín cây rụng lúc nào không biết đấy!