"Phê bình chập mạch"

09:46 26/05/2010
NGUYỄN TRỌNG TẠO(Nhân đọc một bài viết của Lê Quý Kỳ)
Nghe nói Lê Quý Kỳ vừa in một quyển sách có bài "đánh" tập "Văn chương Cảm & Luận" của tôi, tôi chợt nhớ là cách đây hơn một năm mấy người quản lý ở mấy tờ báo và tạp chí trung ương và địa phương có cho tôi biết là họ nhận được bài viết của Lê Quý Kỳ, nhưng không in được vì văn hóa phê bình của họ không hợp với lối viết đánh đấm quy kết như vậy. Tôi có đề nghị họ cứ in, rồi tôi sẽ đọc, nếu thấy cần nói lại thì tôi sẽ viết bài nói lại. Nhưng rốt cuộc, không thấy báo nào, tạp chí nào in cả. Bây giờ nghe nói Lê Quý Kỳ đã in bài đó vào sách, tôi cũng muốn xem ý kiến của Lê Quý Kỳ về cuốn sách của mình như thế nào, cũng như tôi đã lắng nghe và đọc nhiều bài viết của những người khác về tập "Văn chương Cảm & Luận". Và cuối cùng tôi đã có trong tay quyển "Đường biên văn học" của Lê Quý Kỳ do NXB Văn Học ấn hành, "in xong và nộp lưu chiểu năm 2000", có in bài phê bình tập "Văn chương Cảm & Luận".

Nếu cứ như người ta dùng chữ "đánh" đối với tôi, thì trong tập sách này, Lê Quý Kỳ (gọi tắt là LQK cho tiện) không chỉ "đánh" tôi mà còn "đánh" hàng loạt các nhà văn đồng nghiệp nổi tiếng như Phong Lê, Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Hữu Sơn, Vương Trí Nhàn, Huỳnh Như Phương, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Hà, Vĩnh Quang Lê, Thạch Quỳ, Đông La, Hoàng Như Mai, Ngô Thảo, Nguyễn Hoàng Sơn, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thụy Kha... Rồi LQK "đánh" cả những người mà LQK gọi là thầy khi họ phê bình bài viết "Văn học thời đổi mới" của mình là "phủ định hoàn toàn bản lĩnh nền văn học cách mạng trong tiến trình đổi mới chung của đất nước" (Bùi Nguyễn). Đến nổi tiếng như học giả - nhà văn hóa Nguyễn Văn Huyên - cố bộ trưởng Bộ Giáo dục mấy chục năm liền mà LQK cũng không biết: "Nguyễn Văn Huyên là ai, thực lòng, chúng tôi chưa được hân hạnh diện kiến, cho dù chỉ là trên giấy" (tr.164).Táo tợn hơn, LQK còn "đánh" cả Immanuel Kant, là "một trong những nhà tư tưởng lớn nhất của thế kỷ XVIII" tận bên Đức.

Tôi thì không nghĩ là LQK "đánh đấm" gì, mà nếu có "đánh" thì LQK cũng chỉ đánh hơi, đánh mót mà thôi,chứ làm gì có đủ nội công nội lực mà đánh ai. Vả lại, làm phê bình văn học (đúng nghĩa) mà "đánh đấm" thì đâu còn là phê bình văn học. Hơn nữa, nếu bị "đánh", bị "đấm" mà chết cả văn lẫn người thì chả ai dám làm nhà văn. Tôi nghĩ LQK có "năng khiếu phê phán", nhưng có lẽ LQK ảo tưởng về "năng khiếu" của mình nên đã quá đà, vì thế mà khi LQK phê bình, người ta lại thấy LQK "đánh". Có thể IC của LQK chập mạch, hoặc như người ta thường nói là "IC có vấn đề".

Tôi không muốn làm nhà phê bình để phán xét hay "sổ toẹt" toàn bộ quyển "Đường biên văn học" như kiểu LQK đã làm với nhiều quyển sách của đồng nghiệp. Tôi chỉ muốn chỉ ra cách nhìn đầy sai trái, hằn học và vu khống của LQK đối với tập "Văn chương Cảm & Luận" của tôi, ngõ hầu để bạn đọc có thể thấy rõ một kiểu "phê bình chập mạch" là điều có thật. (Tất nhiên là không chỉ "chập mạch" riêng với tôi, như đã nói ở trên).

Bài viết của LQK về tập sách của tôi, có tên là: "Văn chương Cảm & Luận, một bước thụt lùi trong phê bình văn học" (tr.73 - 83). Với LQK, nói cuốn sách của tôi là "một bước thụt lùi" e còn hơi nhẹ, chưa đã, cho nên cuối bài viết LQK đã đẩy nó "thụt lùi" xa hơn nữa với kết luận danh thép: "nếu xem "Văn chương Cảm & Luận" là sự kiện văn học năm 98 thì đó là sự kiện thụt lùi, kéo phê bình văn học trở về thời kỳ trước cả Cách Mạng Tháng Tám" (tr.83). Ô hay, tôi đọc câu kết luận ấy mà cười mỉm với một chút lo ngại, là LQK đã "quá giận mất khôn". Cái sự "chập mạch" này đã làm cho LQK quên mất rằng, phê bình văn học trước Cách Mạng Tháng Tám có những thời kỳ vàng son với những cuộc bút chiến nảy lửa, dựng lên mốc son thế kỷ trong phê bình văn học ta với những tên tuổi lẫy lừng như Hải Triều, Hoài Thanh và nhiều thức giả khác. LQK vô tình hoặc không hiểu phê bình thời ấy nên đã hạ thấp cái mốc son đó xuống để đẩy tôi được sánh vai cùng họ? Như vậy là LQK định vất tôi xuống hố, hóa ra lại vất tôi lên cao quá những gì tôi có. Tôi "hổng dám đâu!"

Suốt cả 10 trang bài viết của LQK có cả loạt những qui sai quái gở. Tôi rất ngại trích dẫn nhiều LQK lẫn trích dẫn của chính mình trong bài viết này, nhưng nếu không trích dẫn thì bạn đọc sẽ không biết được những "qui sai quái gở" ấy như thế nào. Thôi thì đành lòng vậy, LQK viết: "Hồ Phi Phục mới có một tập thơ vỏn vẹn 24 bài, mặc dù ông đã ngấp nghé tuổi về hưu. Vậy mà Nguyễn Trọng Tạo không bỏ sót một từ cao sang, sáng giá nào tâng bốc tác giả này. (...) Và cuối cùng Nguyễn Trọng Tạo đóng vai Đức Giáo Hoàng phong Thánh cho người mình mến mộ: Hồ - Phi - Phục - Thơ" (tr.75). Nói như vậy chẳng hóa ra LQK cấm khen thơ người cao tuổi mà họ chỉ "mới có một tập thơ" hay sao? Tôi nói để LQK rõ là, có khi chỉ cần 1 bài hoặc 1 câu thơ thôi, cũng đáng để cho người đời luận bàn dài dài rồi. Ở ta, tập thơ "Đầu súng trăng treo" của Chính Hữu cũng chỉ có "vỏn vẹn" 20 bài, nhưng nó đã làm cho nhà thơ và những người phẩm bình trở nên nổi tiếng đó thôi. Tập thơ "Sóng bãi ngang" của Hồ Phi Phục là một tập thơ có học, có văn hóa, có trí tuệ và cảm xúc, và có giọng điệu riêng. Tôi tin là LQK không hiểu được loại thơ sâu kín này. Nhưng không hiểu, không biết thì học hỏi để hiểu biết - (Không biết thì hỏi tự ti làm gì!), chứ sao lại nổi đóa bảo tôi "tâng bốc"? Là một người làm thơ, tôi trân trọng các giá trị thơ ca của mọi người. Thích thì khen (hoặc không khen), không thích thì chê (hoặc không chê) cũng chả sao. Đâu cứ phải chê thơ người này người khác thì mình mới có giá, mới là nhà phê bình có bản lĩnh? Và không phải ai cũng dễ dàng thành "Đức Giáo Hoàng" và ai cũng dễ dàng được "phong Thánh" như LQK tưởng tượng ra. Nếu LQK chịu khó đọc lại vài dăm lần nữa đoạn văn của tôi viết về Hồ Phi Phục, chắc có thể hiểu được ý tôi nói: "Anh (Hồ Phi Phục) đã mở cho mình một lối riêng, giống như mỗi người thơ mở lối cho riêng mình. Chính vì điều đó mà tôi rất thú vị khi viết về Hồ - Phi - Phục - Thơ". Ví như, nếu tôi viết về LQK - Phê - Bình thì cũng chỉ là LQK - Phê - Bình mà thôi. Chẳng lẽ viết như thế mà lại gọi là "phong Thánh" sao?

Cũng với cách "hiểu" lạ lùng đó, LQK cho rằng cái công thức "Câu thơ hay = cái hữu hình + động từ + cái vô hình" do tôi phát hiện ra (vì trước tôi chưa ai lập ra công thức này) là phủ nhận công thức ấy trước thời chống Mỹ với câu hỏi "Công thức nêu trên có phải đến các nhà thơ trẻ chống Mỹ mới có?". Quả thật là LQK quá lo xa, khi mình chưa có gì lót bụng lại lo cho tận bên Đức người ta đã ăn chưa. Vâng, ca dao xưa cũng đã có những câu nằm trong công thức ấy (Chim vàng mổ nắng bờ ao), nhưng ở đây tôi chỉ muốn nói, trong thơ Hữu Thỉnh thì mật độ khá dày. LQK thường hay bắt bẻ những cái người ta không nói. Lối "phê bình chập mạch" này quả là kỳ quặc thật.

Tôi vẫn phải trích dẫn của tôi và của LQK để thấy rõ thêm "cách đọc mắt lác"trong khi tiếp xúc với văn bản, nếu không gọi là vu khống, xuyên tạc. Tôi viết: "Sau ngày giải phóng, được đọc những tác giả đồ sộ mà "phía bên kia" dịch, tôi có cảm giác nước ta lúc ấy mới được tiếp xúc với "nửa kia" của thế giới. Ta biết rõ cả hai phe, hơn hẳn những nước bưng bít khác". Đó là một sự thật lịch sử đối với văn học. Nhưng LQK lại vu khống, xuyên tạc là: "Anh thay mặt cả nước cảm ơn phía bên kia". Tôi viết: "Thơ "Việt Cộng" giàu hào khí hùng tráng, hừng hực một ngọn lửa chiến đấu mới, nhưng đơn điệu về phương pháp biểu hiện.Thơ "Sài Gòn" có vẻ "phức tạp" hơn, nhưng nhìn chung sự kiếm tìm vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn trong cái cũ ẩm mốc sướt mướt. Điều ấy thật dễ nhận thấy sau khi cuộc chiến tranh tàn khốc đã chấm dứt, chúng ta đọc lại nhau dưới con mắt chân tâm của người trong một nước nhằm gom nhặt lại những giá trị thơ ca còn óng ánh dưới tro than của cuộc chiến đã lụi tàn". LQK mỉa mai: "Anh đòi phải có sự công bằng giữa thơ Việt Cộng và thơ Sài Gòn". Nếu không có sự công bằng về giá trị thơ ca trong một dân tộc thì làm sao chúng ta in lại thơ "Sài Gòn" của Bùi Giáng như đã làm ở NXB Văn Học? Với "sự cố" bài thơ "Tản mạn thời tôi sống", tôi viết: "Còn tôi thì phải ngồi viết Thư Gửi Bộ Chính Trị dài 10 trang nhằm bảo vệ bài thơ của mình". LQK xuyên tạc: "Phải ngồi viết thư gửi Bộ chính trị vì đã trót dại dám Tản mạn thời tôi sống". Nếu không có "cách đọc mắt lác" thì làm sao LQK lại nhìn hai chữ "bảo vệ" thành ra "trót dại" được? Hay là LQK định đem hai chữ "trót dại" để làm quà tặng tôi? Xin cảm ơn, nhưng cũng xin chủ của "trót dại" mang về mà dùng làm của riêng mình.

"Phê bình chập mạch" là loại phê bình "nhìn gà hóa cuốc" do từ cách đọc, do mặc cảm tội lỗi, mặc cảm dốt nát, hoặc do những cơn ác mộng vĩ cuồng trầm cảm mà thành. Khi đã không làm chủ được sự tỉnh táo cần có, nhà phê bình dễ mất bình tĩnh, dẫn tới sự thiếu khách quan, tạo ra cả những cuộc báo động giả và dựng lên cả những hiện trường giả để đánh lừa thiên hạ, nhưng lại luôn cho mình là đấng tối cao ban phát chân lý. Bệnh vĩ cuồng và bệnh trầm cảm là một đôi bạn chí cốt mà ngành tâm thần học đã chỉ ra. Nhưng người bệnh thường không tin mình có bệnh. Cũng như các nhà phê bình chập mạch làm sao có thể tin là mình chập mạch, IC có vấn đề? Có khi họ ngạo mạn lại tưởng người khác ngạo mạn. Tôi viết: "Một thời đằng đẵng, thơ ta được "tiêu chuẩn hóa" trên một phương pháp sáng tác duy nhất là phương pháp hiện thực XHCN, với mục đích duy nhất là phục vụ đám đông quần chúng công nông binh". Điều đó là có thật. Nhưng với kiểu "phê bình chập mạch", LQK dị ứng với từ "đám đông" mà tôi đã dùng đúng nghĩa một khái niệm về số nhiều, và có thể LQK cứ tưởng đấy là một thán từ ám chửi cả họ hàng gia tộc mình nên đã vội vàng lớn tiếng chửi trước: "Anh ngạo mạn gọi quần chúng công nông binh, những người từng làm nên lịch sử là đám đông. Không biết trong cái đám đông đó có hay không những người thân trong họ hàng, gia tộc anh" (tr.82). Nhưng nguy hại hơn là lối phê bình này thường tự cho mình cái quyền qui kết tội chính trị cho bất cứ người nào trái với "quan điểm chập mạch" của họ. Khi tôi viết về thời kỳ đổi mới: "Sự thức ngộ về chính trị, kinh tế và nghệ thuật hẳn đang tạo ra một nền tảng xã hội với những biến động từ thượng tầng đến hạ tầng, từ vĩ mô đến vỉ mô. Đấy là điều đáng mừng cho một thế giới phát triển mà các bộ phận tự điều chỉnh lẫn nhau chứ không phải cái này định ra tuyệt đối cho cái khác (như có thời đã từng nhầm lẫn)". Một nhận định thấm đẫm quan điểm duy vật khách quan, vậy mà LQK tự cho mình cái quyền cao giọng hạch sách tôi: "Các bộ phận nào tự điều chỉnh lẫn nhau, thưa anh? Chính trị, kinh tế và nghệ thuật chắc? Còn lâu mới có cái thứ tự điều chỉnh đó". Tôi biết chắc là không ai hiểu điều tôi nói ngớ ngẩn như LQK đã hiểu. Và LQK nhân danh cái gì mà dám lên giọng hạch sách như vậy? LQK cũng chỉ là LQK mà thôi. Nhưng cái sự "tôi đại diện cho tôi" của LQK đã quá đà, cả gan qui kết tôi đủ các loại tội: "Anh mơ hồ chính trị, hay anh tiếp tục theo chân kẻ khác,đòi cái thứ không bao giờ có, không ở nơi nào có, ấy là sự "bình đẳng" giữa văn nghệ và chính trị". LQK đã nhầm. Nếu tôi "mơ hồ chính trị" thì làm sao trong "Văn chương Cảm & Luận" tôi dám khẳng định rằng: "Tôi đánh giá cao những tác phẩm văn nghệ, bởi nó làm phong phú tâm hồn. Một tác phẩm hay có thể làm rung động toàn thế giới, tạo ra sự rung cảm vượt lên trên các thành kiến giai cấp, dân tộc hay chế độ chính trị khác nhau giữa con người đồng loại". Điều đó ở quá xa tầm hiểu biết của LQK. Nếu LQK hiểu được điều đó thì câu chuyện bất đắc dĩ hôm nay giữa tôi và LQK đã không xảy ra.

Để kết thúc bài viết chưa kết thúc này, tôi muốn nhắc lại "sự cố" bài phê bình sách tôi của LQK sau khi viết ra đã gửi tới nhiều tòa soạn báo nhưng không có báo nào in cả. Trong khi đó, không ít tờ báo đã đăng bài của những người khác viết về "Văn chương Cảm & Luận". Ngay trên tờ báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã đăng liền mấy bài viết khá dài với những ý kiến khá thống nhất về tập sách này: "Tập sách của Nguyễn Trọng Tạo là một tập sách nghiêm túc, ngay từ thái độ đầu tiên của tác giả đối với thơ" - (Có thể nào thơ bật gốc giữa hồn anh - Thanh Thảo - VN số 25-19.6.1999); Văn chương Cảm & Luận của Nguyễn Trọng Tạo là một cuốn sách mực thước, khoa học và thấm đẫm vị đắm say của một người thơ đã, đang và sẽ lấy thơ làm nghiệp chính của đời mình" (Văn chương Cảm & Luận - Trịnh Thanh Sơn - VN số 34 - 21.8.1999), v.v... Việc khen chê đối với một tác phẩm văn học là bình thường, nhưng sẽ không hề bình thường đối với người khen chê có sẵn bệnh nhiễu tâm loạn trí, mà điển hình là lối "phê bình chập mạch". Cái lối phê bình ấy làm nhiễu loạn, "xú uế" (chữ của LQK) môi trường văn học. Nói về lối phê bình gàn rở này, nhà thơ - nhà phê bình Viên Mai trong tập "Tùy Viên Thi Thoại" nổi tiếng đã kể một câu chuyện thú vị: "Nhiều người khen câu thơ: Xuân giang thủy noãn áp tiên tri (Sông xuân nước ấm vịt biết trước) của Tô Đông Pha là hay. Tây Hà gạt đi mà rằng: Sông xuân nước ấm chỉ có vịt biết, thế thì ngỗng không biết hay sao?". Rồi Viên Mai bàn: "Phê bình như thế thì thật là hồ đồ quá. Nếu theo cách ấy mà bàn thơ, thì 300 bài thơ ở Kinh Thi, câu nào cũng sai cả. Như câu "Tại hà chi châu" (ở trên bãi sông) thì các loại chim minh cưu, ban cưu cũng đều ở đó được, hà tất phải là chim thư cưu! Câu "Chỉ vu khâu ngu" (đậu ở góc đồi) thì các loại chim trắng, chim đen đều đậu được cả, hà tất phải nói chim vàng!".

Thưa Viên Mai tiên sinh, đã mấy thế thế kỷ rồi mà bọn hồ đồ gàn rở Tây Hà vẫn còn, nhưng không chỉ hồ đồ gàn rở như Tây Hà xưa, mà lối phê bình của họ còn quái đản hơn nhiều - đấy là lối "phê bình chập mạch".

Hà Nội, 2-8-2000
N.T.T
(141/11-00)



Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ĐOÀN ÁNH DƯƠNG

    Trong Điều kiện hậu hiện đại, Jean-Francois Lyotard cho rằng: “Bởi vì người ta không thể biết điều gì xảy ra cho tri thức, tức là sự phát triển và truyền bá nó hiện nay đang gặp phải những vấn đề gì, nếu không biết gì về xã hội trong đó nó diễn ra.

  • ĐANIEN GRANIN

    Năm ngoái, một tai họa xảy ra với tôi. Tôi đi trên đường phố, bị trượt chân và ngã xuống... Ngã thật thảm hại: mặt áp xuống, mũi toạc ra, tay bị tréo lên vai. Lúc đó khoảng bảy giờ chiều, ở trung tâm thành phố, trên đại lộ Kirov, cách ngôi nhà ở không xa.

  • PHẠM QUANG TRUNG

    Bàn về hiệu quả của lý luận trong quan hệ với sáng tác, cần phân tách xu hướng lý luận dành cho tìm hiểu sáng tác của nhà văn (hướng nhiều hơn tới người nghiên cứu) với xu hướng lý luận dành cho sáng tác của nhà văn (hướng nhiều hơn tới người sáng tạo).

  • HÀ VĂN LƯỠNG  

    Trong thể loại tự sự, người trần thuật giữ một vai trò quan trọng, góp phần làm nên giá trị nghệ thuật tự sự của tác phẩm văn học.

  • NGUYỄN THỊ TỊNH THY

    Đời sống văn học không thể thiếu phê bình, nghiên cứu. Nếu xem “tác phẩm văn học như là quá trình”(1) thì phê bình và nghiên cứu là một khâu quan trọng trong chuỗi quá trình đó.

  • PHAN TUẤN ANH

    1. Nguyên tắc thẩm mỹ facebook và lối đọc status - entry
    Những tác phẩm của Đặng Thân như Ma net mà đặc biệt là 3339 [những mảnh hồn trần] từ khi ra đời đến nay đã trở thành những “cú sốc văn hóa” mini trong đời sống văn học Việt Nam.

  • BÙI BÍCH HẠNH

    Cất tiếng như một định mệnh của quyền năng nghệ thuật giữa phố thị thơ miền Nam những năm 50 - 60 thế kỉ XX, người thơ Thanh Tâm Tuyền, bằng tuyên ngôn nghệ thuật khởi từ ca dao sang tự do, đã tham dự vào thi đàn vốn nhiều biến động với tư cách một hữu thể mưu cầu phục sinh.

  • NGUYỄN QUANG HUY

    Phạm Thái (1777 - 1813) là một khuôn mặt khá đặc biệt trong thơ văn Việt Nam giai đoạn cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX. Đặc biệt trong thời đại ông sinh ra và ứng xử với nó; đặc biệt trong cách thể hiện thế giới nghệ thuật nhiều cá tính, nhiều gương mặt; đặc biệt trong vũ trụ mộng trước cuộc đời; đặc biệt trong cách thế tồn tại tài hoa mệnh bạc của ông; đặc biệt hơn là thơ văn của ông chưa được lưu ý phân tích ở chiều sâu tâm lí, chiều sâu thẩm mĩ.

  • THÁI DOÃN HIỂU

    Thời kỳ còn sống lang thang Kazan, nhà văn trẻ tài năng M. Gorky luôn làm phiền cho trật tự của chính quyền, cảnh sát Nga Hoàng tống lao ông. Trong tù, ông vẫn viết truyện, tuồn ra ngoài in đều đều trên các mặt báo.

  • INRASARA 

    1.
    Ch. Fredriksson trả lời cuộc phỏng vấn, cho rằng: “Ý tưởng dường như có tính tiên quyết, xem người nghệ sĩ làm gì và làm như thế nào với tác phẩm của mình, để làm sao cho tác phẩm ấy có hiệu quả nhất khi đến với công chúng.

  • NGUYỄN BÀN 

    Hồi còn học trung học, khi đọc Truyện Kiều, chúng tôi đinh ninh rằng Thúy Kiều gặp Kim Trọng lúc tuổi “xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê”, nghĩa là khoảng 15, 16 tuổi. Nay đọc cuốn Tìm hiểu Truyện Kiều của tác giả Lê Quế (Nxb. Nghệ An, 2004) thì thấy Thúy Kiều gặp Kim Trọng lúc 22 tuổi.

  • PHẠM PHÚ PHONG 

    Nguyễn Hữu Sơn là nhà nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam, là phó giáo sư, Tiến sĩ, Phó Viện trưởng Viện Văn học và Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Văn học.

  • LUÂN NGUYỄN

    Trần Đức Thảo, với người Việt, hiển nhiên là một trí tuệ hiếm có. Trong tín niệm của tôi, ông còn là một trí thức chân chính. Một trí thức dân tộc.

  • MAI VĂN HOAN

    Trong những tháng ngày ở Châu Thai chờ đợi Từ Hải, sau khi diễn tả nỗi nhớ của Kiều đối với quê nhà, cha mẹ, Nguyễn Du viết: Tiếc thay chút nghĩa cũ càng/ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.

  • NGUYỄN HỒNG TRÂN

    Vua Minh Mạng (tên hoàng tử là Nguyễn Phúc Đảm) lên làm vua năm Canh Thìn (1820). Ông là một vị vua có tri thức uyên thâm, biết nhìn xa thấy rộng.

  • VĂN NHÂN

    Trong bài thơ viết về dòng sông Hương, Nguyễn Trọng Tạo có bốn câu khá hay: Con sông đám cưới Huyền Trân/ Bỏ quên giải lụa phù vân trên nguồn/ Hèn chi thơm thảo nỗi buồn/ Niềm riêng nhuộm tím hoàng hôn đến giờ (Con sông huyền thoại).

  • THÁI KIM LAN  
    (Đôi điều về Con Đường Mẹ Đi)

    Trước tiên, khi thử nhìn lại con đường của Mẹ - Đạo Mẫu, tôi lại muốn đánh dấu chéo gạch bỏ những khái niệm “Đạo Mẫu”, Tiên Thánh Liễu Hạnh, Thánh Cô và một loạt những nhân vật được tôn sùng cho sức mạnh, thế lực hàng đầu của nữ giới Việt, thường được hóa thánh, sùng thượng một thời.

  • THÁI DOÃN HIỂU

    Thân sinh của Cao Bá Quát là ông đồ Cao Hữu Chiếu - một danh nho tuy không đỗ đạt gì. Ông hướng con cái vào đường khoa cử với rất nhiều kỳ vọng.

  • ANNIE FINCH  

    Chúng tôi khát khao cái đẹp thi ca, và chúng tôi không e dè né tránh những nguồn mạch nuôi dưỡng chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng với chủ nghĩa Toàn thể hình thức (omniformalism), cho một thi pháp phong phú và mở rộng, giải phóng khỏi những doanh trại của những cuộc chiến thi ca đã chết rấp.

  • Chuyên luận THƠ NHƯ LÀ MỸ HỌC CỦA CÁI KHÁC (Nxb. Hội Nhà văn - Song Thuy bookstore, 2012, 458tr) gồm ba phần: Phần một: THƠ NHƯ LÀ MỸ HỌC CỦA CÁI KHÁC, Phần hai: CHÂN TRẦN ĐẾN CÁI KHÁC, Phần ba: NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA CÁI KHÁC.