Tham luận phát biểu của một số tác giả quen biết trong tỉnh tiến tới "Hội nghị thơ miền Trung" do Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên tổ chức năm 1986.
Nhà thơ Xuân Hoàng - Ảnh: TL
XUÂN HOÀNG:
Chiều nay, tôi đang ngồi rầu rĩ vì chưa biết xử lý ra sao về việc viết bài cho Tạp chí Sông Hương thì hai người bạn thơ đến chơi. Một anh gợi ý:
- Hay anh lấy bài thơ viết cho những người yêu thơ thay vào bài phát biểu của anh?
Tôi liền đọc lại bài đó cho cả hai anh bạn cùng nghe.
Nghe xong, cả hai gật gù:
- Đúng đấy, đây cũng là một lối phát biểu độc đáo!
Tôi yên tâm vào bàn chép ngay bài thơ kèm mấy lời "thanh minh thân tình" này, cũng là lời trao gởi tâm đắc của tôi đến với bạn đọc Tạp chí Sông Hương cùng những người yêu thơ vô cùng thân thiết của tôi.
BÀI THƠ GỞI NHỮNG NGƯỜI YÊU THƠ, NHỮNG NGƯỜI LÀM THƠ VÀ CÁC NHÀ XUẤT BẢN
1
Buổi nói chuyện thơ xong.
Người hiệu trưởng đứng lên cảm động tỏ bày:
"Không chỉ hiểu về thơ. Hôm nay, chúng tôi còn được hưởng vẻ đẹp một đêm thơ, đủ đầy.
"Xin cám ơn thơ, xin cám ơn anh đã đem về cho chúng tôi dòng suối mát.
2
Xin thú thực: ngán bao điều tiêu cực,
Nhiều anh em chúng tôi quên thơ từ lâu rồi!"
Tôi cảm động trước những lời chân chất.
Người thay mặt những người nghe thơ đã nói cùng tôi.
Xin cám ơn, cám ơn những lời trung trực đã giúp tôi thêm sức để yêu đời!
Đây không phải là những lời xã giao, tôi biết!
Vẻ đẹp trong thơ thường ngủ yên lành,
Chỉ thức dậy giữa lòng người da diết,
Khi lòng người được trả lại màu xanh.
3
Xin phản đối những Nhà xuất bản
thường kêu ca thơ ế ẩm trên quầy!
Và xin trách các nhà thơ có hạng
Tự bằng lòng với những cuốn đầu tay!
Thơ không ế đâu! Người đọc rất tinh
Hãy đọc cho họ nghe những vần thơ tâm huyết,
Hãy viết cho họ xem những bài thơ chân thật,
Là những người biết chăm nom cái đẹp, họ sẽ vô cùng nồng nhiệt biết ơn anh!
11-85
X.H.
![]() |
LÂM THỊ MỸ DẠ:
Có người nói thơ chỉ có ca ngợi - làm thơ để ca ngợi thì thật dễ, nhưng viết về những cái xấu thì thật khó. Vì vậy trong thời đoạn này, khi đời sống đang có nhiều chuyện tiêu cực, thơ hầu như bất lực. Thơ chưa khơi dậy được một không khí sôi động, cuốn hút như những năm chiến tranh, những cây bút mới cũng xuất hiện rất từ từ, chưa có sự rầm rộ, chưa có sự ngời sáng rực rỡ như thời kỳ chống Mỹ. Đã đến lúc thơ phải như một tiếng báo trước, một tiếng nói dẫn đường. Nhưng liệu những người cầm bút có làm được điều đó hay không? Có người nói: phải mở cửa thật rộng dành cho thơ. Chúng tôi chỉ thấy một cánh cửa mở hé. Các biên tập viên cũng như ban lãnh đạo của các tờ báo còn e ngại, rụt rè không mạnh dạn khi duyệt in những bài thơ thật "gan ruột" thật tâm huyết. Điều đó có đúng hay không?
Tại sao những năm gần đây những bài thơ hay không nhiều, có phải vì những người cầm bút không yêu cuộc sống mãnh liệt, không sống hết mình cho một lý tưởng? Nếu suy từ cá nhân tôi thì điều đó không phải. Những người sáng tác phải yêu cuộc sống đến tận gan ruột. Có những chuyến đi thực tế của chúng tôi không bình yên chút nào, cái chết luôn luôn rình rập bên cạnh. Tôi đã đi đến những vùng đất Tây Nguyên, ở những bản làng của các dân tộc ít người. Có những đêm chúng tôi đã đi trong khu rừng, cách không xa những toán fulro và thú dữ, chúng tôi đã lên biên giới, đi đến những điểm chốt, mà ở đó bọn Pôn Pốt có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Sự khát đi, lòng yêu vô hạn những miền đất luôn là tiếng kêu gọi. Vậy mà tại sao tôi chưa có thơ hay? không làm nhiều thơ? Có phải vì những cảm xúc trong tôi đã bị chai lỳ? hoặc là tôi bị bất lực vì đời sống luôn có hai mặt mà thơ chỉ nói có một? Và đã bốn năm rồi tôi vẫn chưa trả được nợ cho mảnh đất Tây Nguyên kỳ lạ đó, và tôi đành phải mang nợ mãi.
Thơ không phải chấm hết sau ngôn ngữ mà thơ là tiếng ngân vọng, là sự suy tưởng đến đa dạng. Tôi nhớ có một bài thơ của một nhà thơ nước ngoài, từ rất hay - Thế giới cái gì rồi cũng cũ đi cả, chỉ có nỗi đau khổ do chiến tranh gây ra cho con người thì còn mãi chẳng thể nào cũ đi được. Bài thơ có hai câu kết thật bất ngờ:
...Nhưng biết làm sao cũ đi được nhỉ
Vết đạn nằm trong ngực của cha ta!
Hoặc một bài thơ chỉ có hai câu mà người ta nghĩ ra biết bao chuyện, bao điều:
Cỏ xanh dễ thấy chim cò trắng
Bụi hồng rậm khôn giấu được ánh mặt trời.
Thơ là như vậy - giống như người ta ném một hòn đá xuống nước sẽ gây sự lan tỏa đến vô cùng trên mặt sóng, và nó sẽ không dừng lại ở một điểm cố định. Chúng ta cần có một quan niệm về thơ thật rộng rãi, thơ là tiếng nói riêng nhưng rất đời thường, rất hàng ngày, và mỗi người làm thơ là một thế giới riêng, một giọng điệu riêng. Đã đến lúc những nhà thơ phải nhìn lại mình, sự yếu kém và sức mạnh tiềm ẩn của mình, và phải tắm mình vào đời sống của người lao động. Để mở đường cho thơ chúng ta cần chấp nhận nhiều phong cách, những tiếng nói lấm láp đất bụi đầy mồ hôi và hơi thở của cuộc sống. Phải thấy rằng thơ không phải đứng ngoài lề mà thơ thật sự cần thiết cho cuộc sống và con người.
Các Nhà xuất bản luôn luôn kêu thơ bị lỗ, bị ế ẩm, vậy mà có người cho rằng hiện nay quần chúng vẫn rất yêu thơ, điều đó có mâu thuẫn hay không? Chúng tôi rất tủi hổ khi phải xếp hàng để in thơ ở các Nhà xuất bản. Cái hàng thơ nối đuôi nhau dài dằng dặc mà mỗi năm chỉ tải có vài cuốn. Liệu bao giờ mới đến lượt mình? Liệu những nhà thơ phải phấp phỏng e ngại, tủi hổ đến bao giờ cho số phận những đứa con mình sinh ra? Liệu đến bao giờ mới có giá? Điều này đổ lỗi cho ai? lỗi ở người làm thơ không hay, hay là lỗi tại độc giả không yêu thơ? lỗi ở đời sống quá khó khăn đến nỗi người ta không còn thì giờ đâu mà nghĩ đến thơ, mà đọc thơ nữa, hay là tại bởi các Nhà xuất bản luôn đưa chuyện "bù lỗ" ra để từ chối thơ?
Chúng tôi cần sự trả lời và tiếng nói của những ai có trách nhiệm với nền văn học nước nhà trong đó có thơ ca. Tất nhiên trách nhiệm đầu tiên là ở chúng tôi - những người cầm bút cần phải đạt tới những bài thơ đích thực.
Huế, 22-11-1986
L.T.M.D.
![]() |
HOÀNG VŨ THUẬT:
Sợi dây nối giữa nhà thơ và độc giả không là sợi dây đơn thuần, mà đó là mạch giao cảm được xây dựng trên mối quan hệ biện chứng, bổ sung, tác động, làm đẹp cho nhau. Thơ kết tinh từ cuộc sống rồi trở về với cuộc sống. Những bài thơ, câu thơ rơi tuột trước thời gian bởi vì nó không níu vào đâu cả. Dưới phong cách nào, ngôn ngữ nào, cổ điển hay hiện đại, thơ phải vịn cuộc sống mà đi. Cuộc sống - người mẹ của thơ!
Tôi không đồng ý với một số ý kiến chia cảm hứng thơ ra làm nhiều loại: trữ tình công dân, trữ tình thế sự…, ắt sẽ có trữ tình cá nhân! Tôi nghĩ thơ trước hết mang dấu ấn cá nhân, mang dấu ấn của một con người cụ thể. Từ dấu ấn cá nhân "cái tôi" của mình để đến với mọi người. Với tôi, tôi không đi từ "cái chung" đến với "cái tôi". Lẽ tất nhiên nếu không có dấu ấn xã hội sẽ không có cái riêng đó. Dấu ấn cá nhân - chính là bản ngã của nhà thơ, và đó chính là trách nhiệm là tính thời đại của nhà thơ, tôi không muốn vì trách nhiệm, vì sự có mặt của mình trong thực tại, vì phải lý giải, trả lời cho những câu hỏi của cuộc sống, vì tính xung kích... nhà thơ phải viết những câu thơ "thông tấn", đầy ắp chi tiết đời sống vô bổ.
Mỗi bài thơ có một số phận của nó. Nó có thể là thứ ánh sáng ngay, nhưng nhiều khi là thứ ánh sáng chậm. Theo tôi, nếu không sáng ngay được, thì sáng chầm chậm còn hơn. Không nên bắt cảm hứng sáng tác theo đơn đặt hàng, bắt cảm xúc phải theo ý muốn của một cá nhân, một bộ phận, một quan niệm xưa cũ, hẹp hòi. Nhà thơ sinh ra tự bản thân, họ không thể thở ngoài hơi thở thế kỷ, họ mang một mảnh linh hồn từ thời học sinh ra, lớn lên và chết. Chạy trốn thực tại thể hiện sự yếu đuối của cây bút. Nhưng tôi tin, tất cả chúng ta ai cũng đang viết về thực tại, chứ không thể viết cái gì ngoài ra. Niềm vui - thực tại, nỗi buồn - thực tại, cái đẹp - thực tại, cái xấu - thực tại... Viết cho thực tại không chỉ viết một cái gì đó trong sáng, cao thượng trên tinh thần xây dựng. Còn như viết về một niềm hy vọng, một nỗi đau, một sự mong mỏi lại không thực tại!
Éptusenkô viết:
Cuộc đời nếu dở, khuyên nhau càng buồn, dạy nhau nên tốt, càng tức cười hơn!
Như thế không chỉ hàm nghĩa là ông phê phán những gì đó trong thực tại xã hội ở quê hương ông vào những năm 72. Đôi khi nước mắt của nhiều thế kỷ mới đúc thành một chân lý. Nhưng phải chờ tới ngày nay cái chân lý đó mới có điều kiện để ra đời.
Phải chăng vì lẽ đó mà trên báo chí ta lâu nay đăng quá nhiều thứ "thơ giả" bên cạnh "thơ thiệt". Ngọc đá, vàng thau lẫn lộn thì độc giả công đâu phải nhặt đi hàng trăm viên đá để tìm một hạt ngọc, trong khi bao việc cần làm, bao sách báo khác cần xem? Và tất nhiên độc giả sẽ nhàm chán thứ thẩm mỹ vô tích sự ấy để rồi ngày một lãng xa.
Thử đưa ra một ý kiến, một quan niệm và bảo vệ nó cũng không phải dễ, liệu các biên tập viên, các nhà duyệt sách, báo có chịu nổi không? Hay là cứ bài bản "quần chúng hóa" thơ ca, cứ "cây nhà lá vườn" thẩm mỹ để hát lại bài hát cũ? Tôi tin quần chúng, độc giả tích cực sẽ luôn luôn đòi hỏi và bảo vệ những ý niệm tốt đẹp. Tôi tin sợi dây giao cảm nối giữa độc giả và nhà thơ sẽ không bị cắt đứt mà ngày một bền hơn, gần hơn.
20-11-1986
H.V.T.
![]() |
THÁI NGỌC SAN:
Trước hết tôi nghĩ rằng tình hình thơ hiện nay nói chung thật là đáng buồn. Cũng giống như hàng hóa trên thị trường có đầy rẫy những mặt hàng cũ đáng lẽ phải được thay thế từ lâu vẫn được trưng bày nhan nhản theo thứ tự ưu tiên trong các cửa hàng "quốc doanh", thơ cũng cũ quá rồi trên báo, trên sách. Thói quen và sự vô tình dễ biến thành tính bảo thủ và óc trì trệ đáng sợ, dễ bắt người tiêu dùng tự nguyện mang hoài những đôi dép cũ ngứa ngáy đôi chân mà không biết. Cũng như vậy - không thiếu những mặt hàng giả. Có lẽ, cũng cần phải như cuộc tập trung vận động thúc đẩy phát triển sản xuất những mặt hàng mới phục vụ đúng nhu cầu người tiêu dùng, các cánh cửa của thơ cũng cần phải được mở rộng để những trái tim đập đúng chiều với thời đại của nó.
Tất nhiên tôi không muốn nói rằng cánh cửa từ lâu khép chặt, đóng kín. Thực tế là có mở, nhưng chỉ mở he hé thôi, mở vừa đủ cho những tia chớp hiếm hoi xuyên qua và một vài tia nắng mỏng manh lọt vào không đủ thức dậy cả khu rừng đang ngủ say. Tôi e rằng những người- gác- cửa đang ở những ngã ba đường phân vân, cho nên người ta dễ chọn con đường quen thuộc với mình. Những tờ báo văn nghệ đã hiếm, những bài thơ hay càng hiếm, còn các Nhà xuất bản (cũng thông cảm với họ thôi), phần lớn in thơ ví như chuyện làm thủ tục. Bởi thế con đường thử thách cho những tiếng nói mới trong thơ thật là khắc nghiệt. Cũng vì vậy người ta thường nói bài thơ này, tập thơ này hay nhưng không in được(!) rồi hình thành ra những thứ gọi là thơ riêng (có nghĩa là thơ không in báo được), thơ chung hoàn toàn không bình thường một chút nào. Cũng có một thời, thật lạ lùng, hình như rộ lên phong trào làm thơ tình như thể vừa mở được cổng một tu viện kín vậy! Tình hình đó dễ nẩy sinh tình trạng bị ức chế - mà đã bị ức chế thì hoàn toàn không tốt đẹp một chút nào. Tôi rất sợ rằng những tiếng ca mới khi được đưa lên sân khấu thì nó đã cũ rồi, đôi khi còn cũ hơn cái đã cũ nữa.
Trong mấy năm nay, tôi thường lui tới một câu lạc bộ văn học của những người mà chúng ta thường gọi là thuộc thế hệ thứ tư, nghĩa là thế hệ tiếp sau thế hệ của chúng tôi. Trong những người làm thơ trẻ của câu lạc bộ ấy, sau khi tôi được đọc mấy tập thơ chép tay của một tác giả nữ, tôi đã phát biểu trong một cuộc họp với một số đồng chí có trách nhiệm về phong trào văn nghệ ở đây rằng, nếu tôi làm nhà xuất bản tôi sẽ in thơ của tác giả nầy ngay. Tất nhiên tôi biết tiếng nói của tôi chẳng có tác dụng gì (mà có khi còn phản tác dụng nữa) bởi vì việc xuất bản chắc chắn là không thể nào có được, mà ngay cả việc in thơ của tác giả ấy trên Sông Hương, tờ báo mà tôi đang công tác, cũng không phải dễ dàng gì. Đó là một thực tế khác nữa. Những thực tế ấy đòi hỏi cấp bách có những cuộc bình cải to tiếng trên các diễn đàn để định bực thang giá trị, đòi hỏi những nhà phê bình bước ra khỏi những vết xe cũ - những vết xe đã góp thêm vào việc làm cũ thêm cái đã cũ rồi!
Và bởi vậy, tôi rất cảm phục Maia bằng chính tài năng và sự lớn tiếng của ông trong nền văn học Xô viết. Sự lớn tiếng của Maia không chỉ để bảo vệ những bậc thang của thơ ông mà chính là để bảo vệ những giá trị mới cần thay thế cái cũ. Tôi hy vọng rằng những sự lớn tiếng như vậy sẽ có trong Hội nghị Thơ Miền Trung sắp tới.
21-11-1986
T.N.S.
![]() |
NGÔ MINH:
Tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng hiện nay số người yêu thơ càng ngày càng ít đi. Nhiều lần tham gia các cuộc nói chuyện thơ, đọc thơ ở các trường học, cơ quan, tôi thấy người nghe rất đông và rất hào hứng. Anh bạn văn chương Vũ có cung cấp cho tôi một chi tiết là ở quầy sách nhỏ của anh ở trước cửa Bệnh viện Huế, trong vòng một tháng, đã bán đến hàng trăm tập thơ của một tác giả trẻ. Khi hết rồi vẫn có người đến nhờ mua hộ. Có nghĩa là vẫn còn đất cho thơ, không phải đất bạc màu mà đất phù sa hẳn hoi.
Nhưng thực tế đáng buồn là thế này: không ít Nhà xuất bản sợ in thơ, vì in thơ bị lỗ. Thơ hay ở các báo hàng ngày (kể cả các tờ báo văn học) cũng còn hiếm. Dường như có hai lối đi riêng thật trớ trêu của thơ hiện nay: Một loại "thơ đi xe" được các tòa báo khuyến khích, trả tiền, nhưng vừa mới in ra đã chết ngay trên mặt giấy, không gõ được tiếng nào vào cánh cửa trái tim độc giả. Một loại "thơ đi bộ", lặng lẽ đội mưa "đến với những căn phòng bé nhỏ nơi ánh đèn chưa đủ sáng để nhận ra nét gầy guộc bạn bè" - loại thơ ấy có khi lại được chép, được truyền, được thuộc. Ở đây đúng là có chuyện. Vậy có nên đặt ra vấn đề chống tệ "quan liêu, bao cấp" trong thi ca không?
Quần chúng yêu thơ. Quần chúng Huế lại càng yêu thơ. Thế tại sao người ta đang quay lưng lại với thơ? Làm thế nào để độc giả thực sự tìm đến với thơ ca? Những câu hỏi đó thật rộng, câu trả lời không dễ dàng gì! Trong phạm vi bài viết ngắn này tôi muốn mạnh dạn góp vài ý kiến nhỏ với các nhà thơ và những cơ quan báo chí xuất bản thơ.
Tôi thấy trước hết, trách nhiệm thuộc về các nhà thơ. Thơ mà thật lòng, thật hay thì dù không được in ấn ở sách báo nào người ta cũng lăn vào mà thuộc.
Tôi không nhất trí lối chia thơ ra thơ loại này, loại nọ, hoặc thơ viết về đề tài này, đề tài khác. Tôi nghĩ thơ nào cũng chỉ nói đến con người với đầy đủ các cung bậc tình cảm của nó. Thơ phải chia sẻ, phải cầm tay con người. Cách mạng xã hội chủ nghĩa là cuộc biến đổi sâu sắc, toàn diện và quyết liệt số phận của từng người, số phận từng dân tộc và cả nhân loại. Không có lý do gì lại không có bóng dáng con người trong thơ. Hình như thơ ta hiện nay chưa thật là của số phận con người (Con - Người, chữ viết hoa của Gorky).
Hiện nay, nhiều anh chị em viết trẻ có trình độ văn hóa cao nhưng đọc thơ họ thường trúc trắc khó hiểu, thậm chí rối rắm. Bệnh chữ nghĩa nói trên góp thêm viên gạch xây cao thêm bức tường ngăn cách giữa thơ và độc giả, nhưng không nguy hiểm bằng loại thơ giả hiện đang được sản xuất tới tới, được in và phổ biến công khai.
Do nắm được kỹ thuật ngôn từ, vần nhịp những người "chế tạo thơ" có thể chế ra một ngày dăm ba bài thơ tính chủ đề định sẵn, gửi đi đăng báo để sống. Có người một cái Tết "cảm xúc" đến 49 bài thơ xuân. Loại thơ này làm vừa lòng các tòa báo vì nó "nhạy bén", kịp thời, dễ được cấp trên khen. Nhưng khốn khổ, đó là hàng "dổm" chính ngạch. Thơ là tiếng nói của tâm linh. Người đọc thơ cũng đọc bằng tâm linh, nên họ dễ dàng phát hiện ra món "dổm" này:
Thơ chỉ còn như xác mực rơi
Lên giấy trắng lạnh lùng tuyết trắng
Câu chữ công đâu thành mưa nắng
Khi lòng ta ghẻ lạnh với con người
Tôi đề nghị với các nhà thơ, các độc giả hãy đấu tranh đuổi hết loại thơ này ra khỏi các trang thơ xã hội chủ nghĩa của chúng ta!
N.M.
(SH23/01-87)
1. Trung tâm văn hóa tôi muốn đề cập ở đây là thành phố Huế của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đã là một Trung tâm văn hóa thì bao giờ cũng quy tụ nhiều nhân tài lớn, trên nhiều lĩnh vực, từ mọi miền đất nước, thậm chí từ cả ngoài nước, trải qua nhiều thế hệ, nhiều thử thách khó khăn mới vun đắp lên nổi một truyền thống, mà có được truyền thống văn hóa lại càng khó khăn hơn. Trong bài viết này tôi chưa đề cập tới những nhà khoa học, những nhà văn hóa và văn nghệ sĩ xuất sắc đang sống và hoạt động tại Thừa Thiên Huế, mà tôi chỉ muốn nói tới chủ yếu các vị đã qua đời nhưng đã để lại dấu ấn sâu đậm, lâu dài cho mảnh đất này, góp phần quan trọng hình thành nên truyền thống văn hóa Huế.
Trên thế giới có nhiều nền văn hóa khác nhau. Trong mỗi nước, ngoài mẫu số chung về nền văn hóa của cả dân tộc, còn có văn hóa vùng miền được phân định căn cứ vào đặc điểm nhân văn riêng của từng nơi. Nơi nào có được tính cách nhân văn đặc thù thì nơi ấy có văn hóa địa phương hay văn hóa bản địa. Một từ mà các nhà văn hóa học năng sử dụng khi đề cập đến lĩnh vực này là “bản sắc”. Nếu dùng từ bản sắc làm tiêu chí để nhận diện văn hóa thì Việt Nam có nền văn hóa riêng của mình, trong đó có văn hóa Huế.
Tôi quê Hà Tĩnh, nhưng lại sinh ra ở Huế, khi ông cụ tôi ngồi ghế Phủ Doãn, tức là “sếp” cái cơ quan đóng bên bờ sông Hương ở giữa Bệnh viện Trung ương Huế và Trường Hai Bà Trưng - Đồng Khánh xưa, nay đang được xây dựng to đẹp đàng hoàng gấp nhiều lần ngày trước. (Thời Nguyễn phong kiến lạc hậu, nhưng lại có quy chế chỉ những người đậu đạt cao và thường là người ngoại tỉnh mới được ngồi ghế Phủ Doãn để vừa có uy tín, học thức đối thoại được với quan chức trong Triều, vừa tránh tệ bênh che hay cho người bà con họ hàng chiếm giữ những chức vụ béo bở. Nói dài dòng một chút như thế vì nhiều bạn trẻ thời nay không biết “Phủ Doãn” là chức gì; gọi là “Tỉnh trưởng” cũng không thật đúng vì chức Phủ Doãn “oai” hơn, do Huế là kinh đô, tuy quyền hành thực sự người Pháp nắm hầu hết).
*Từ tâm thức kính sợ trời đất đến lễ tế Giao: Từ buổi bình minh của nhân loại, thiên nhiên hoang sơ rộng lớn và đầy bất trắc, với những hiện tượng lạ kỳ mưa gió, lũ lụt, sấm chớp, bão tố... đã gieo vào lòng người nhiều ấn tượng hãi hùng, lo sợ. Bắt nguồn từ đó, dần dần trong lịch sử đã hình thành tập tục thờ trời, thờ đất, thờ thần linh ma quỷ. Đó là nơi trú ẩn tạo cảm giác an toàn cho con người thuở sơ khai. Ở phương Đông, tập tục thờ cúng trời đất, thần linh gắn liền với việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, phổ biến từ trong gia đình đến thôn xóm, làng xã. Khi chế độ quân chủ hình thành, một số triều đình đã xây dựng những “điển lệ” quy định việc thờ cúng trời đất, thần linh, với những nghi thức trang trọng, vừa biểu thị quyền uy tối thượng của nhà vua, vừa thể hiện khát vọng mong cầu quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, phong hoà vũ thuận của muôn dân.
Sông Hương thuộc loại nhỏ của Việt Nam, nhưng với Thừa Thiên Huế có thể nói là “tất cả”. Hệ thống sông Hương cung cấp nước, tạo môi trường để phát triển gần như toàn bộ nền kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế, đặc biệt sông Hương còn là biểu tượng của Huế, hai bên bờ mang nặng di sản văn hoá nhân loại. Nhưng đồng thời nó cũng đưa lại những trận lụt lớn vào mùa mưa, nhiễm mặn vào mùa hè...
Huế được Chính phủ xác định là một trong 5 thành phố cấp quốc gia, nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm của miền Trung, cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ du lịch. Quá trình phát triển đô thị, Huế đồng thời cũng đứng trước những thử thách mới, còn nhiều bất cập nhưng Huế vẫn giữ được nét kiến trúc riêng. Hình ảnh một thành phố mà kiến trúc và thiên nhiên hoà quyện, phải chăng đó là bản sắc Huế, khó trộn lẫn với bất kỳ một đô thị nào khác trong cả nước.
I. Toàn cầu hóa và lý luận văn học: I.1. “Toàn cầu hóa” làm cho “thế giới trở nên phẳng” (Thomas F.Fredman). Lý luận văn học là một lĩnh vực khoa học nhằm cắt nghĩa, lý giải, khái quát văn chương, đặt trong khung cảnh đó, nó cũng được “thế giới hóa”, tính toàn cầu hóa này tạo nên một mặt bằng chung, hình thành một ngôn ngữ chung. Từ đó mới có sự đối thoại, tiếp biến học hỏi lẫn nhau giữa các nền lý luận của các châu lục, quốc gia tạo nên một thể thống nhất trong đa dạng.
Đêm Nguyên tiêu 15 tháng giêng Quý Mùi 2003, thực hiện chủ trương của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại TTH đã tổ chức trên sông Hương một đêm thơ rất tuyệt vời. Ban tổ chức cho biết Hội Nhà văn Việt Nam đã được phép quyết định kể từ năm nay lấy ngày 15 tháng giêng âm lịch hằng năm làm Ngày Thơ Việt Nam. Quyết định ấy lay động tâm trí tôi vốn đang ưu tư với Huế Thành phố Festival, thay vì đọc thơ, trong đêm Nguyên tiêu ấy tôi đã phác họa sơ lược về một Festival thơ. Không ngờ ý kiến của tôi được Đêm thơ Nguyên tiêu hưởng ứng và các nhà thơ đã đề nghị tôi nên thực hiện một Hồ sơ cho Festival Thơ.
Trí thức trong bất cứ thời đại nào và ở đâu cũng là một nguồn lực quan trọng, là sức mạnh tinh thần nối kết truyền thống của dân tộc với thành tựu trí tuệ của thời đại. Khi nguồn lực trí tuệ của đội ngũ trí thức gắn kết được với sức mạnh cộng đồng thì xã hội sẽ có những chuyển biến tích cực. Ngược lại, nguồn lực trí tuệ không được phát huy thì năng lực phát triển của xã hội sẽ bị suy thoái. Thừa Thiên Huế có một thời là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của Đàng Trong và trở thành kinh đô của cả nước. Vì thế Huế đã từng là nơi hội tụ nhiều thế hệ trí thức tinh hoa của đất nuớc. Lớp trí thức lớn lên tại Thừa Thiên Huế có điều kiện tiếp cận với những thiết chế và sinh hoạt văn hoá, học thuật có tầm cở quốc gia (Quốc Tử Giám, Quốc Sử Quán, Hàn Lâm Viện, Thái Y Viện. Khâm Thiên Giám.. ), năng lực trí tuệ của trí thức ở kinh kỳ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, cả trên lĩnh vực tư duy sáng tạo và quản lý, thực hành.
I. Sự hình thành và phát triển hệ thống đường phố ở Huế: Trước khi Huế được chọn để xây dựng kinh đô của nước Việt Nam thống nhất, đất Phú Xuân - Huế kể từ năm 1738 đã là nơi đóng đô thành văn vật của xứ Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Rồi Phú Xuân lại trở thành kinh đô Đại Việt của nhà Tây Sơn. Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh toàn thắng quân Tây Sơn; từ Thăng Long ông trở về Phú Xuân, chọn lại đất ấy, lấy ngày lành, lên ngôi vua, xưng hiệu là Gia Long. Tháng 5 năm 1803, nhà vua sai người ra ngoài bốn mặt thành Phú Xuân, xem xét thực địa, định giới hạn để xây dựng kinh thành mới. Trên cơ sở mặt bằng thành Phú Xuân cũ, lấy thêm phần đất của 8 làng cổ lân cận, mở rộng diện tích để xây dựng nên một kinh thành rộng lớn hơn trước. Cùng với việc xây dựng thành quách, cung điện, nha lại, sở ty... thì đường sá trong kinh thành cũng được thiết lập.
Thừa Thiên Huế là thủ phủ Đàng Trong thời các chúa Nguyễn, là kinh đô của cả nước dưới thời Tây Sơn và triều Nguyễn, nay là cố đô, một trong những trung tâm văn hoá và du lịch quan trọng của Việt Nam , trải qua quá trình đô thị hoá, vừa mang dấu ấn của một đô thị cổ phương Đông, vừa có đặc trưng của một đô thị mới. Để góp phần định hướng phát triển và tổ chức quản lý vùng đất nầy, một trong những việc cần làm là nên soát xét lại kết quả của quá trình đô thị hóa để lựa chọn những giải pháp quản lý phù hợp.
Trong quá khứ, mảnh đất Phú Xuân - Huế đã được chọn để đóng đô thành của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, rồi đến kinh đô Đại Việt của nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ, sau nữa là kinh đô Việt Nam thống nhất dưới thời họ Nguyễn Phúc trị vì và cuối cùng trở thành cố đô từ sau Cách mạng Tháng 8.1945. Huế đã và đang là thành phố Festival - một thành phố lễ hội mang nhiều thành tố văn hóa đặc trưng của Việt Nam theo một quy chế đặc biệt. Để có cái nhìn khách quan về lịch sử, thiết nghĩ, chúng ta hãy điểm lại vài nét quá trình đi lên của thành phố Huế để trở thành đô thị loại I - đô thị đặc biệt hôm nay.
Hội nghị cán bộ Việt Minh mở rộng vào cuối tháng 4 đầu tháng 5/1945 diễn ra trên đầm Cầu Hai đề ra chủ trương lớn để phát triển phong trào cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế, chuẩn bị cùng cả nước khởi nghĩa cướp chính quyền khi có thời cơ. Sau hội nghị, phong trào cách mạng phát triển đều khắp trong toàn tỉnh. Đầu tháng 8, được tin quân đội Nhật bị quân đồng minh đánh bại ở nhiều nơi, nhất là ở Mãn Châu Trung Quốc, Thường vụ Việt Minh dự đoán ngày Nhật theo chân phát xít Đức bị đánh bại không còn xa, đã quyết định đẩy mạnh chuẩn bị khởi nghĩa. Giữa tháng 8 được tin Nhật Hoàng sẵn sàng đầu hàng, Thường vụ Việt Minh chỉ đạo các huyện khởi nghĩa. Sau khi tất cả các huyện phụ cận Huế khởi nghĩa thành công, ngày 20/8 Thường vụ Việt Minh triệu tập 6 huyện bàn quyết định chọn ngày 23.8.1945 là ngày khởi nghĩa giành chính quyền. Cũng ngay chiều ngày 20.8.1945 phái đoàn Trung ương có cụ Hồ Tùng Mậu, anh Nguyễn Duy Trinh và anh Tố Hữu đã đến Huế, vì Huế là thủ đô của chính quyền bù nhìn lúc bấy giờ. Khởi nghĩa ở Huế mang sắc thái đặc biệt có tính chất quốc gia. Ta giành lại chính quyền không phải từ tay một tỉnh trưởng mà là từ triều đình nhà Nguyễn - Bảo Đại ông vua cuối cùng, bên cạnh Bảo Đại lại có cả bộ máy chính quyền Trần Trọng Kim do Nhật lập ra. May mắn thay đoàn phái bộ Trung ương vào kịp thời nên vẫn giữ nguyên ngày khởi nghĩa (23.8.1945). Đêm 20.8.1945 cuộc họp của phái đoàn Trung ương và Thường vụ Tỉnh ủy thông qua kế hoạch khởi nghĩa của tỉnh và cử ra Ủy ban khởi nghĩa gồm có: anh Tố hữu là Chủ tịch đại diện cho Trung ương, tôi làm Phó Chủ tịch (PCT) đại diện cho Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh địa phương cùng một số ủy viên: Lê Tự Đồng, Lê Khánh Khang, Hoàng Phương Thảo, Nguyễn Sơn...
Ba mươi năm trước, cùng với lực lượng cách mạng, những người làm Báo Cờ Giải Phóng của Đảng bộ Thừa Thiên Huế sôi nổi chuẩn bị số báo đặc biệt và có mặt trong đoàn quân tiến về giải phóng quê hương. Tháng 10/1974, chúng tôi được tham gia hội nghị Tỉnh ủy mở rộng bàn về đẩy mạnh nhiệm vụ đánh kế hoạch bình định, mở rộng vùng giải phóng nông thôn đồng bằng, phối hợp có hiệu quả với các chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, Thường vụ Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho Báo Cờ Giải Phóng ra số báo đặc biệt, nội dung phong phú, hình thức hấp dẫn để chuyển tải khí thế cách mạng miền Nam và trong tỉnh, đưa mệnh lệnh, lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Thừa Thiên Huế và các chính sách của Mặt trận đối với vùng giải phóng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, lực lượng an ninh huyện Phú Vang đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, với 95 thương binh, 135 liệt sĩ và không có một cán bộ, chiến sĩ nào đầu hàng phản bội, lực lượng an ninh huyện Phú Vang và 4 cán bộ an ninh huyện đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Trong mọi thời đại Hoàng đế và kẻ sĩ có mối quan hệ đặc biệt. Đó là mối quan hệ giữa người cầm quyền và người trí thức có nhân cách và tài năng. Khi Hoàng đế là minh quân thì thu phục được nhiều kẻ sĩ, khi Hoàng đế là hôn quân thì chỉ có bọn xu nịnh bất tài trục lợi bên mình còn kẻ sĩ bị gạt ra ngoài thậm chí có khi bị giết hại. Lịch sử bao triều đại đã chứng minh điều đó. Mối quan hệ giữa Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ và La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp của thế kỷ XVIII là cuộc hội ngộ lớn, mang đến nhiều lợi ích cho quốc gia và có ý nghĩa cho muôn đời. Nguyễn Huệ và Nguyễn Thiếp đều sống trong bối cảnh triều Lê suy tàn, chúa Trịnh lộng hành, chúa Nguyễn mới nổi dậy. Sau gần 300 năm hết nội chiến Lê Mạc đến Trịnh Nguyễn phân tranh đời sống nhân dân vô cùng khốn khổ. Trong bối cảnh đó Nguyễn Huệ cùng anh là Nguyễn Nhạc dựng cờ khởi nghĩa, Nguyễn Thiếp cáo quan về ở ẩn.
Năm 2008 là một năm khá kỳ lạ và đặc biệt của loài người. Nửa năm đầu, cả nhân loại thăng hoa với các chỉ số chi tiêu mà ngay cả các chiến lược gia kinh tế cũng phải bàng hoàng. Nửa năm cuối, quả bóng phát triển, ổn định bị lưỡi dao oan nghiệt của khủng hoảng đâm thủng nhanh đến nỗi hàng ngàn đại gia bị phá sản rồi, vẫn chưa lý giải nổi hai chữ “tại sao”. Bất ổn và đổi thay còn chóng mặt hơn cả sự thay đổi của những đám mây. Không phải ngẫu nhiên mà người Nhật lại chọn từ “thay đổi” (kanji) là từ của năm, vì B. Obama đã chiến thắng đối thủ bằng chính từ này (change)...
Bạn đọc thân mến! Hiệp hội Đo lường Thời gian quốc tế đã quyết định kéo dài thời gian của năm 2008 thêm 1 giây, và chúng ta đã chờ thêm 1 giây để đón chào năm mới. Sau thời khắc 23 giờ 59 phút 59 giây của ngày 31.12.2008, không phải là giây đầu tiên của năm mới mà phải sau thời khắc 23 giờ 59 phút 60 giây cùng ngày, năm 2009 - năm lẻ cuối cùng của thế kỷ 21, mới chính thức bắt đầu. Nhân loại đã có thêm một giây để nhìn lại năm cũ và bước sang năm mới. Và trong một giây thiêng liêng ấy, chắc chắn nhiều ý tưởng sáng tạo đã xuất hiện, nhiều tác phẩm nghệ thuật vừa hoàn tất, âm tiết cuối của câu thơ cuối một bài thơ vừa được nhà thơ viết xong và buông bút mãn nguyện. Cùng với ly rượu vang sóng sánh chúc mừng năm mới được nâng lên, cái đẹp, cái cao cả tiếp tục xuất hiện để phụng sự nhân loại và chắc chắn, những nụ hôn của tình yêu thương đã kéo dài thêm một giây đầy thiêng liêng để dư vị hạnh phúc còn vương mãi trên môi người.
Tham luận tại cuộc tọa đàm “Văn học trẻ Huế- nhìn lại và phát triển” của nhà thơ trẻ Lê Vĩnh Thái: "một lần ngồi uống cà phê tôi được một nhà thơ, người anh trong Hội thống kê về đội ngũ sáng tác trẻ nữ của cố đô Huế chỉ có vỏn vẹn chưa đầy 5 người mà tuổi đã ngoài 30, còn tuổi từ 20, 25 đến 30 thì không thấy!?... "
Từ cuối tháng 6. 2008, trên mạng Internet, cùng lúc có những bài viết về nhiều nhà văn, nhà thơ ở Huế như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Vàng Sao, Tô Nhuận Vỹ và ở Quảng Trị, Quảng Bình. Các bài viết được đăng tải trên các báo điện tử nước ngoài (hoặc sách in ra được các tờ báo đó đưa lên mạng), cả trên tờ báo của một tổ chức chống nhà nước Việt Nam cực đoan nhất, và trên blogs của một số nhà văn trong nước (được một số báo điện tử nước ngoài nối mạng sau đó). Mục đích khác nhau nhưng các bài đó, tạm xếp vào hai loại, có một điểm giống nhau: DỰNG ĐỨNG những sự kiện của cuộc đời và hoạt động của các nhà văn nhà thơ này.