Ý nghĩa của biểu tượng hiến sinh và phục sinh trong truyện cổ Bru - Vân Kiều

08:35 25/09/2017

ĐÀM NGHĨA HIẾU

Nghiên cứu về căn tính tộc người có nhiều lối vào khác nhau: các thói quen của cuộc sống thường ngày, sinh hoạt tín ngưỡng và lễ hội, các truyện kể dân gian, v.v. trong đó, những dấu chỉ từ truyện cổ, từ thế giới biểu tượng luôn luôn có tiếng nói quan trọng.

Người Bru - Vân Kiều - Ảnh: Wiki

Khảo sát từ thực tế văn bản truyện cổ Bru - Vân Kiều cho thấy biểu tượng hiến sinh và biểu tượng phục sinh mang nhiều ý nghĩa lớn trong nỗi ám ảnh tâm thức của tộc người này. Người ta sẵn sàng dâng hiến sự sống trong khát vọng da diết đến bất lực, và đền bù bằng một ý nghĩa thiêng liêng hay ảo ảnh về sự phục sinh. Đó là sự thỏa thuận/ dằng co của tộc người với tự nhiên về sự sống của mình.

Trong truyện cổ của người Bru - Vân Kiều, hiến sinh được thực hiện với cả động vật và người. Sự hiến tế của họ gắn với ý tưởng về sự trao đổi. Vì mục đích tỏ ý xin một sự chứng giám, tức một trao đổi về tinh thần, để nâng cao tín nhiệm và hiệu lực của hành động mà họ sắp thực hiện, người Bru dâng một hiến vật bé. Trong truyện Anh mù và anh gù lưng có đoạn: “Không có gà làm vật cúng ăn thề, họ dìu nhau ra giữa dòng khe, cúi xuống uống một ngụm nước trong, cùng đọc một lời thề”(*). Truyện Ở hiền gặp lành kể: “Hai người đặt gà lên chỗ cao ở gác hang làm lễ và cùng ăn. Họ thành vợ chồng và rất yêu thương nhau”. Ở đây không nhắc đến việc phân chia hiến vật. Không rõ họ có dành một phần nhất định nào đó thật sự cho “người chứng giám” không. Chắc chắn họ ăn phần vật hiến để minh chứng cho sự đồng ý của đối phương trong cuộc trao đổi (tức thần); hay minh chứng cho một sự cầu đồng đã bị che giấu rất kỹ, hàm ý họ có thể ăn uống cùng nhau chứng tỏ họ cùng thuộc về một thế giới. So với ý nghĩa của biểu tượng hiến sinh thì đây có thể là một vị thần (phân biệt với thế giới ma). Ở đây lại tiếp tục sự mơ mộng cầu đồng với sức mạnh, quyền năng của thế lực nhận lễ. Có thể liên tưởng đến biểu tượng âm phủ một chút, ở chỗ họ không thừa nhận hành động ăn uống của người sống ở thế giới của người chết. Mặc dù có thể đi lại tương đối dễ dàng, cởi mở nhưng có vẻ như họ đã mặc định sự tách biệt giữa hai cuộc sống trước và sau khi chết.

Để thỉnh cầu sự trợ giúp trong một sự việc thiên về tinh thần, họ cúng một gà như truyện Niềng Càm hay Niềng Độc Khằm: “Nỗi ghen tuông, hậm hực của những người vợ trước đối với Niềng Càm, kéo xích họ thân nhau. Nhân lúc Ai Koong đi buôn chưa về, cả bốn người vợ bàn mưu lập đàn, đem thịt gà ri và thịt mang ra cúng ma, nhờ ma đuổi Niềng Càm ra khỏi bản”. Khác với những sự việc hướng tới điều tích cực, con người cúng/ dâng lễ cho các vị thần hay Dàng, tức các thế lực minh bạch; những sự việc mang tính mờ ám, thuộc vùng tối của tâm linh, họ tìm đến và thương lượng trao đổi với ma, là thế lực u tối. Cũng không thể khẳng định các thế lực minh bạch hay u tối theo hướng tốt hay xấu. Chỉ có thể khẳng định họ đều có những quyền năng nằm ngoài phạm vi thế giới người; và mỗi thế lực ngự trị một lãnh địa riêng, có lẽ, họ tôn trọng nhau. Sự phân tách thành hai thế lực siêu hình chính là biểu hiện của sự phân tách tâm thức con người. Những điều cấm kỵ (trước bản thân hay trước cộng đồng) thường giấu mình trong vùng u tối. Và nó biết rằng nó chỉ đạt được mục đích/ sự tương ứng nếu nó thực hiện trao đổi với thế lực cùng chiều, để gia tăng sức mạnh, và chắc chắn không chịu bất kỳ đối lực nào cản trở/ triệt tiêu năng lượng.

Để cầu xin an lành, tẩy uế, xua trừ dịch bệnh, người Bru - Vân Kiều thực hiện nhiều lần hiến sinh. Ban đầu họ dâng một gà trong lễ cúng. Nếu không được như ý, họ sẽ dâng lợn. Nếu vẫn không được, họ dâng trâu/ bò. Và tiếp tục dâng thêm về số lượng nếu việc vẫn chưa thành. Truyện Anh Ra-Xứt có đoạn: “Hai vợ chồng đã cúng Ma, Dàng hết cả trâu trong chuồng, gà trên ổ, mà không vẫn hoàn không”. Đó là trường hợp cầu con của vợ chồng Ra - xứt. Họ vẫn duy trì niềm tin rằng cuộc trao đổi nhất định sẽ thành. Khi nó chưa được thì chứng tỏ là hiến vật chưa tương xứng với điều mà họ cầu xin. “A-nha đã mời hết thầy Mo mười bản quanh đây, đã cúng lễ hết trâu đàn, lợn bầy mà con nó cứ chết. Hết cách rồi”. Truyện Nhắc cô-phan kể: “Đứa con trai đẹp vậy, lại ốm yếu quá. Ba ngày đau một trận bảy ngày nóng đầu, ỉa chảy một lần… Trong nhà luôn luôn nghe tiếng cúng bái của thầy Mo. Lợn gà giết để làm lễ xương chất thành đống”.

Thấy rằng, qua việc dâng lễ của người Bru - Vân Kiều trong truyện, hành động hiến sinh rất mờ. Họ không mô tả trực tiếp hành động hủy diệt. Hiến sinh ở đây có thể hiểu là hiến sinh gián tiếp. Vì nghi lễ không được thực hành trong thời điểm hành quyết con vật. Nghi lễ chỉ được thực hiện dựa trên kết quả thu được của hoạt động hành quyết mà thôi. Vì không thấy xuất hiện máu như là vật cúng trong lễ cúng, nên không thể xác định được độ lùi thời gian của các nghi lễ hiến sinh trong cộng đồng Bru. Cũng có thể nghĩ đến trường hợp, người sưu tầm, biên soạn, vì những khác biệt về tập tục đã cho là không thật thuận tiện để trình bày những chi tiết/ hay những truyện có chi tiết cụ thể, trực tiếp về hành động hiến sinh. Trong hoàn cảnh này, cần hoài nghi một chút về cả người cung cấp thông tin trong các cuộc điền dã sưu tầm ngữ văn dân gian. Họ là những người nội tộc, trong vai trò đại diện giao tiếp với những người ngoại tộc. Trong tâm thế đó, không tránh khỏi sự dè chừng. Và đặc biệt, những cấm kỵ của tộc người, hẳn nhiên không thể tiết lộ.

Có thể xem xét thêm ở một vài trường hợp hiến sinh người. Truyện Anh mù và anh gù lưng có đoạn kể: “Nhắc pơ-lơ-pụt cai quản cả vùng. Nó ăn thịt người. Chúng em là mồi của nó. Đến mùa lúa nó bắt các A-nha quanh vùng nộp con gái. Nuôi cho đến mùa mưa, khi nó không đi kiếm ăn xa được, thì ăn thịt con gái. Lũ con gái trong vùng đã bị Nhắc ăn hết. Chúng em là con gái A-nha hai bản chịu đem nộp mồi cho Nhắc” (lời hai cô con gái A- nha). Truyện Pí Trỏ, Pí Cula: “Cô gái nén không cho tiếng khóc bật ra, nói: - Chúng tôi sắp chết đây. Các anh không biết đây là nơi thờ ma-lai sao? - Chao! Các anh đi đi. Chúng em là của lễ dân bản nộp cho ma-lai. Người con giá kia tiếp lời: - Lũ ma-lai này quen ăn thịt con gái. Mỗi năm các bản quanh đây phải nộp cho nó hai con gái, nó mới để cho bản làng sống yên. - Dàng bảo chị em chúng tôi phải chết cho dân bản sống, nên phải chịu thôi”.

Đến đây cũng nên lật lại vấn đề người sưu tầm, biên soạn và người cung cấp thông tin. Nếu họ thực sự chưa vượt qua những khác biệt để trình bày các nghi thức hiến sinh trực tiếp thì tại sao lại có thể chia sẻ những sự kiện hiến sinh người. Thật ra sự kiện hiến sinh người đã xuất hiện trong rất nhiều truyện cổ từ Đông sang Tây. Trong truyện cổ người Việt cũng có thể kể đến Thạch Sanh. Trong sự hiến sinh này con người không tham gia trực tiếp vào sự hành quyết nên không tồn tại mặc cảm giết đồng loại. Song nếu xét đến giá trị của hiến lễ thì người được/ bị đem hiến cho các thế lực u tối (bằng chứng là cộng đồng đã mất hẳn con người/ hiến vật đó) đã trở nên thiêng liêng khi bảo vệ được sự yên lành của cuộc sống chung trong một quãng thời gian (cũng là một phương diện ưu việt của cuộc sống, dù thời hạn rất ngắn).

Trong số 40 truyện chúng tôi khảo sát cho bài báo này thì 9 truyện xuất hiện hoàn cảnh hiến sinh. Mật độ này không dày, không ám ảnh, nhưng cũng được ghi lại như một dấu văn hóa khá rõ. Trong ý niệm của người Bru - Vân Kiều, chắc chắn có sự di truyền kinh nghiệm cầu xin và trao đổi với thế giới siêu nhiên. Tuy nhiên, việc trao đổi diễn ra khá dè dặt. Điều này có thể minh chứng cho tính cách không thực dụng của tộc người. Họ không vồn vã, không mãnh liệt mà từ tốn và kiên trì. Không phải bao giờ họ cũng cầu xin, nhưng khi đã cầu xin, họ sẽ theo đuổi lâu dài.

Hiến sinh “là hành động làm cho một vật hoặc một người nào đó trở thành thiêng liêng, nghĩa là làm cho cái đem dâng hiến, cho dù đó là của cải riêng hoặc cuộc sống của bản thân, cách biệt với người dâng hiến; đồng thời cũng tách biệt cả với nhân quần trần tục, cách biệt với chính mình để được dâng cho Thần Linh, nhằm chứng tỏ sự lệ thuộc, phục tùng, sự ăn năn hối lỗi hay tình yêu… Hiến tế là một biểu tượng của sự chối bỏ những mối liên hệ trần thế vì tình yêu tinh thần hay vì tình yêu thần thánh… Sự hiến tế gắn với ý tưởng về một sự trao đổi, ở cấp độ năng lượng sáng tạo hoặc năng lượng tinh thần”(1).

Như vậy, hiến sinh là một kiểu tư duy trao đổi. Hiến sinh với mục đích nhận về cho sự sống trần gian một giới hạn mới về hạnh phúc và yên lành trong sự tôn trọng sự toàn vẹn của một sự sống khác (thế giới thần linh) là một thông điệp hồi đáp đồng thuận với thế giới tự nhiên. Nó góp phần bảo vệ trạng thái cân bằng của tạo hóa. Mặc dù có những khoảnh khắc xót xa, hay hoảng loạn, nhưng người Bru - Vân Kiều vẫn thực hành nguyên tắc ấy trong chuỗi mắt xích đời sống của mình.

Phục sinh chúng tôi muốn nói đến ở đây là hiện tượng sống lại của con vật, người, và thần nhờ vào những bí thuật. Truyện cổ Bru - Vân Kiều thực sự còn để lại một nỗi ám ảnh, băn khoăn không dứt về những lần phục sinh bằng thần thái điềm tĩnh. Dường như ở họ không có bất kì vướng mắc nào về sự trở lại của những vật, người đã chết. Hẳn là họ đã nhìn thấy cuộc sống này trong những sắc màu huyền nhiệm.

Truyện cổ Bru - Vân Kiều có những tình huống hồi sinh theo cùng một phương cách. Truyện Anh Ra-Xứt: “Con khỉ đực chạy vội xuống, kéo con khỉ cái đặt vào một hốc cây, rồi vội vã đi đến một cây xanh bên bờ khe hái về một nắm lá. Khỉ đực nhai ngấu nghiến và phun vào khắp người khỉ cái. Chẳng mấy chốc khỉ cái động đậy, tỉnh dậy và cùng khỉ đực nhảy lên cành cao chạy vụt vào rừng… Chị đến chỗ con khỉ nằm, nhặt những lá còn lại và chạy vào rừng hái về một ôm lá ấy. Chị ngồi nhai mãi và phun đều khắp thân thể chồng. Xác chồng chị mềm dần. Anh Ra-Xứt sống lại, ngồi dậy, hỏi chị... Vợ Ra-Xứt và dở mặt lật áo người chết ra. Chị nhai kỹ nắm lá hồi sinh phun đều lên thân thể con trai A-nha. Người chết dần dần tỉnh lại và bật ngồi dậy, xin nước uống”. Bí mật của sự sống thuộc về loài khỉ. Vì may mắn mà con người biết được và làm theo. Nó trở thành bài thuốc quý và có thể mang đến cả sự sống, cả sự giàu sang.

Chuyện hai anh em mồ côi: “Thỏ nhảy đại vào rừng, bỗng vấp phải một hòn đá, ngã lăn, gãy mất chân sau. Nhân lúc đau quá, thỏ vơ quàng một nắm lá gặm nhấm rồi phun lên chân mình. Tự nhiên thỏ thấy chân mình hết đau và đi lại bình thường. Thỏ ta mừng quá, ngắt luông một nắm to tha chạy trở về gốc đa. Bầy thú thấy thỏ về đều chạy lại vây quanh. Được thỏ cho biết mình đã kiếm được lá thuốc cả bọn đều mừng rỡ, xúm lại nhai lá phun vào cổ anh con trai và lắp chiếc đầu vào. Đầu anh con trai lên với cổ. Cả bầy thú thấy thuốc hiệu nghiệm thì bảo thỏ dẫn đường cùng chạy phi lên rừng hái lá. Bầy thú phun lá thuốc lần thứ hai anh con trai thở được, phun đến lần thứ ba thì anh con trai ngồi dậy, nói năng bình thường”. Ở đây, bí mật sự sống thuộc về tự nhiên. Con thỏ vì vô tình mà biết, và đã dùng lá thuốc cứu con người sống lại. Như vậy, sự sống lại không nằm trong tay con người.

Truyện Piềng Riềng cũng vậy: “Con cù-xoong (do Dàng phái xuống) đi sau thấy thế (thấy con cù-xoong chết), đến ôm con cù-xoong chết đặt thẳng lên một phiến đá rồi chạy biến vào rừng. Chỉ một lát sau nó lấy về một nắm lá lạ, ngồi nhai, thổi vào chỗ bị thương và khắp xác con vật chết. Trong nháy mắt con vật chết đã cựa quậy, sống trở lại… Nhìn rõ hết cảnh tượng ấy, Piêng-riềng gạt nước mắt, đến phiến đá nhặt những chiếc lá lạ xem xét, rồi ù chạy vào rừng. Piềng-riềng cũng đã ôm về được một ôm những cành lá lạ ấy. Theo cách của cù-xoong, Piêng-riềng nhai lá phun đều lên thân thể chồng. Người em út sống lại… Chị xua mọi người ra khỏi sàn nhà và đỡ xác đứa trẻ ra. Sau khi đã nắn vuốt cho đứa trẻ nằm ngay ngắn trên sạp sàn, chị nhai lá lạ phun lên chỗ đầu vỡ, phun khắp thân thể nó. Một lúc sau đứa bé cựa người, khóc thét lên gọi mẹ, gọi cha”. Lần này, con cù - xoong, sứ giả của Dàng là nhân vật nắm giữ bí quyết của sự sống. Con người lại tự nhận sự may mắn ngẫu nhiên. Có lẽ, với người Bru, sự có mặt và sự sống của con người là một điều kỳ diệu, là sự may mắn của số mệnh. Nó nằm ngoài khả năng của người. Con người chỉ có thể nhận lãnh sự sống từ tay Dàng/ hay các sứ giả của Dàng (tự nhiên). Người Bru khi đó trong tâm thức đã tách mình ra khỏi thế giới tự nhiên với nỗi mong nhớ khôn nguôi và luôn tìm cách trở về, soi mình vào thế giới mênh mông đó.

Người Bru - Vân Kiều đã từng nổi tiếng với bí mật chữa trị bệnh tật bằng cây lá trong rừng. Phương thức này xuất hiện ở hầu hết các tộc người như là những bí mật về sức khỏe và sự sống. Song ở người Bru, có điều đặc biệt là những bài thuốc được chia sẻ rộng rãi với mọi thành viên trong cộng đồng. Họ biết nhận diện, sử dụng nhiều loại cây lá rừng để tự chữa bệnh và giúp đỡ người khác. Thầy mo của họ chỉ có năng lực đặc biệt hơn mọi người ở chỗ sử dụng được nhiều loại thảo dược hơn vì thực hành phương pháp thổi. Việc xuất hiện lá thuốc hồi sinh trong văn bản truyện cổ khả dĩ là sự lỡ lời của tộc người về sự thừa truyền kinh nghiệm của thế giới tự nhiên.

Cũng thừa nhận sự bất lực của con người trước sự sống, nhưng thay vì bị động và chờ đợi điềm may thì truyện Niềng T-ré kể về sự chủ động bày tỏ và cầu xin sự sống: “- Dàng ơi! Có rắn độc vấn chân con. Con xin Dàng lấy lại của cải Dàng đã ban phát cho vợ chồng con. Con xin Dàng cứu cho chồng con sống lại. Lời Niềng T-ré vừa dứt, sấm chớp nổi lên ầm ầm, trời đất lại đen kịt như dính vào nhau. Lúc trời quang, chồng Niềng T-ré đã hiện ra bên vợ con”. Sự phục sinh/ tái sinh này là do Dàng ban phát. Một cách trực tiếp, nó thể hiện quyền năng tối cao của Dàng; và thể hiện lòng tin của người Bru vào sự hiện hữu của Dàng.

Cũng có những cuộc hồi sinh/ phục sinh dựa vào nỗ lực của con người. Truyện Niềng Càm hay Niềng Độc Khằm kể: “Hoảng quá, Ai Ân vớ mấy ống nước cạnh cửa dội vào bếp lửa. Bếp lửa phụt tắt. Trong đám khói và tro bùng cuộn lên dày đặc, vợ anh bỗng hiện ra xinh đẹp hơn xưa”. Sự nỗ lực này không phải vì nhận thức chủ động mà có. Con người cũng chỉ đạt đến sự phục sinh nhờ vào ngẫu nhiên may mắn, theo ý Dàng. Nhưng ít ra con người đã nỗ lực tự hành động, độc lập, và không bắt chước tự nhiên. Rõ ràng đây là tình thế đường cùng, không có hình mẫu để bắt chước. Con người đã không đầu hàng và đã hành động. Kết quả đạt được là sự chiến thắng tự thân đáng khích lệ. Tuy có khi chính vì sa vào “chiến thắng” này mà con người lại quên dần đi bản chất tự nhiên của mình. Họ tự mãn với thân thế tự tạo và bắt đầu khổ đau từ đó. Lại có trường hợp phục sinh hoàn toàn chỉ nhờ vào may mắn. Đó là sự trở về của Xađie trong truyện Rú roọc - Xađie.

Một truyện có lẽ cổ xưa hơn là Vì sao người sống không còn thăm người đã chết được nữa đã kể rằng, người em đuổi theo con lợn xuống được địa phủ, cứu được vợ sống lại bằng cách vượt qua dòng sông xanh. Trường hợp này con người cũng phải đi theo sự dẫn đường của con lợn để tìm lại đường sống cho người thân. Tuy nhiên, trong tâm thế đó, con người nhận thức rằng, việc trở lại cuộc sống trần gian của người chết là bình thường, là hiển nhiên, chưa phải là những cấm kỵ ma thuật. Mặc dù sự sống không nằm trong tay của con người, nhưng con người nhận thức có thể dựa vào tự nhiên để có được.

Hiện tượng phục sinh xuất hiện ở 7 trong số 40 truyện chúng tôi đã khảo sát. Con số này tương đối khiêm tốn. Song không vì thế mà biểu tượng phục sinh mờ nhạt trong thế giới tinh thần của người Bru - Vân Kiều. Thứ nhất, qua văn bản truyện, cả 7 tình huống người chết vì bị ám hại, hay người chết lành đều được cứu sống bằng con đường bí mật của tự nhiên. Đây là ý niệm về trạng thái thăng bằng cuộc sống đồng hòa của con người trong thế giới tự nhiên. Thứ hai, những bí mật từ tự nhiên khi kết nối với thế giới con người cũng cần thực hành theo nguyên tắc bí mật. Sự có mặt hạn chế của hoàn cảnh phục sinh trong truyện là sự ngầm định của nguyên tắc này.

Phục sinh/ hồi sinh là một ẩn số trong các huyền thoại. Nó, nhiều khả năng nhất chính là biểu tượng của xung năng sống, là khát vọng sống mãnh liệt của con người. Việc lặp lại nguyên tắc: bí mật sự sống không nằm trong tay con người ở hầu khắp các tộc người trên thế giới đã nhấn mạnh nhận thức và sự cam chịu của họ trước tự nhiên. Kể lại một cách thiêng liêng những câu chuyện ấy như một sự lỡ lời của các tộc người, trong đó có tộc Bru. Phục sinh là “một biểu tượng hiển nhiên nhất về sự hiện hữu của Thượng Đế, vì theo các truyền thuyết, bí mật của sự sống chỉ có thể thuộc về Thượng Đế” (Có thể các con vật biết được bí mật sự sống, vì con vật là sứ giả của tự nhiên). Mọi nỗ lực của con người nhằm tiếp cận và thực hành bí quyết phục sinh luôn phải chịu sự trừng phạt của thượng đế. Tuy nhiên không vì thế mà con người đánh mất niềm hi vọng bền bỉ của mình vào sự phục sinh. Đó là bí nhiệm dựa trên nguyên tắc nằm ngoài khả năng của con người. “Dù là huyền thoại, ý tưởng hay sự thật đều là một biểu tượng về sự siêu phàm và về toàn bộ quyền năng đối với sự sống chỉ thuộc về Thượng đế”(2).

Qua văn bản truyện cổ Bru - Vân Kiều, thấy rằng, biểu tượng hiến sinh và phục sinh là những ám ảnh lớn trong tâm thức tộc người. Truy tìm và theo đuổi sự sống là động lực duy nhất, mãnh liệt và da diết, của định mệnh chung. Dâng hiến sự sống hay tái sinh đều là trải nghiệm dữ dội của họ, đều là con đường tìm về cội nguồn, nơi tận cùng đau đớn và hủy diệt đã làm nảy sinh một trạng thái đối nghịch - trạng thái sống.

Đ.N.H
(TCSH343/09-2017)

------------
(*) Những đoạn trích từ các truyện cổ, chúng tôi trích từ Truyện cổ Vân Kiều, Mai Văn Tấn  (1974), Nxb. Văn hóa, Hà Nội, và Truyện cổ Vân Kiều, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1978 (cùng  tác giả).
(1), (2) Chevalier, J. và Gheerbrant, A. (2015) (Nhiều người dịch), Từ điển biểu tượng văn hóa thế  giới, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng.





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN GIA NÙNGCả cuộc đời và sự nghiệp văn thơ của Cao Bá Quát là một chuỗi dài những bi kịch của cuộc tìm kiếm không ngừng, không nghỉ về lẽ sống ở đời, về vai trò của văn thơ nói riêng, về kẻ sĩ nói chung. "Mình là ai?" "Mình có thể làm được gì? Làm thế nào để có thể tự khẳng định mình và có thể giúp ích được cho đời?" Có thể nói những câu hỏi ấy luôn trăn trở, dằn vặt trong con người Cao Bá Quát từ khi tự ý thức được tài năng của mình cho đến lúc từ giã cõi đời mà vẫn chưa tìm được lời giải đáp trong một chế độ đầy rẫy bất công, phi lý mà mọi con đường để thoát ra, với ông, đều mờ mịt và chính ông, dù đã cố công tìm, bế tắc vẫn hoàn toàn bế tắc.

  • THẠCH QUỲBài thơ Đây thôn Vĩ Dạ được tuyển chọn để giảng dạy ở trường phổ thông vài chục năm nay. Đó cũng là bài thơ xuất sắc được bạn đọc cả nước yêu mến. Tuy vậy, cho đến hôm nay, cái hình ảnh “Mặt chữ điền” đầy sức quyến rũ và ám ảnh ấy vẫn chưa được nhận chân, nhận diện một cách chính xác.

  • HỒ THẾ HÀNhư một quy luật hiển nhiên, có sáng tác văn học thì sớm muộn gì cũng có phê bình văn học và lý luận văn học, càng về sau, có thêm các phương pháp nghiên cứu, phê bình văn học - với tư cách là trường phái, trào lưu nối tiếp nhau nhằm tiếp cận và giải mã tác phẩm ngày một đa dạng, tối ưu, hiện đại để không ngừng làm đầy những giá trị và ý nghĩa chỉnh thể của tác phẩm văn học.

  • PHONG LÊTrong văn học Việt Nam, trước trào lưu hiện thực, hình ảnh người trí thức đã có mặt trong khuynh hướng lãng mạn của Tự lực văn đoàn. Đó là các nhân vật trong vai điền chủ, luật sư, quan lại - có vốn tri thức và có chút băn khoăn, muốn nhìn xuống nỗi khổ của những người dân quê, và mong thực hiện một ít cải cách cho đời sống họ đỡ tối tăm và đỡ khổ.

  • MÃ GIANG LÂNCách nhân bản thơ, xuất bản thơ bằng "công nghệ sạch" của loài người có từ ngày xửa ngày xưa dưới hình thức ngâm thơ và đọc thơ. Người Việt chúng ta ngâm thơ là truyền thống. Tiếng Việt nhiều thanh, giàu tính nhạc, giọng ngâm có sức vang, sức truyền cảm.

  • TRIỀU NGUYÊN1. Chương trình Văn học lớp 11, chỉnh lí năm 2000, phần tác giả Cao Bá Quát, bài Đề sau khúc Yên Đài anh ngữ của ông đô sát họ Bùi, giảng một tiết, được thay bằng bài Dương phụ hành (Bài hành về người thiếu phụ phương Tây). Cả sách học sinh và sách giáo viên đều không có chú thích gì về "hành", ngoài cách chuyển y khi dịch sang tiếng Việt như vừa ghi.

  • ĐIỀN THANHAndy Warhol nổi tiếng là người đùa rỡn với chuyện danh tiếng, nhưng niềm say mê của ông với sinh hoạt hiện đại có hàm chứa một không gian tối xám hơn nhiều. Đó là việc ông bị ám ảnh bởi cái chết, điểm này cho mỗi chúng ta biết nhiều nhất về tinh thần của thời đại ngày nay…

  • ĐINH VŨ THUỲ TRANGThời Đường là thời đại cực thịnh của dân tộc Trung Hoa về mọi mặt, trong đó có thơ ca. Câu nói này có vẻ sáo mòn nhưng không thể không nhắc đến khi nhìn vào những trang sử vàng son ấy. Chúng ta biết đến ba nhà thơ lớn đời Đường là Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị... Nhưng phải nói rằng, chỉ đọc thơ của họ thì chưa thấy hết được cái hay của thơ Đường. Bởi lẽ, các nhà thơ tuy cùng khuôn luật, cùng chủ đề... nhưng mỗi người đều riêng khác nhau.

  • LÝ HOÀI THUSự vận động và phát triển của một giai đoạn văn học luôn diễn ra song hành cùng sự vận động và phát triển của các loại thể văn học. Nói một cách khác: sức sống của một giai đoạn văn học được biểu hiện rõ rệt nhất qua diện mạo thể loại. Chính vì vậy, thể loại vừa là sự "phản ánh những khuynh hướng lâu dài và hết sức bền vững của văn học" (1) vừa là sự hồi sinh và đổi mới liên tục qua mỗi chặng đường phát triển.

  • INRASARA (Tiếp theo Sông Hương số 245 tháng 7-2009)

  • HÀ VĂN THỊNH Những cái tên - có lẽ không giản đơn như cách nói của người Nga - " Người ta gọi tôi là...”  Ở đây, lớp vỏ của ngôn từ chỉ diễn tả một khái niệm mù mờ nhất của một lượng thông tin ít nhất.Trong khi đó, có bao giờ ta nghĩ rằng một cái tên, không ít khi hàm chứa thật nhiều điều - thậm chí nó cho phép người khác biết khá rõ về tính cách, khả năng và ngay cả một phần của số phận của kiếp người?

  • HÀ VĂN LƯỠNG1. Ivan Bunhin (1870-1953) là một nhà văn xuôi Nga nổi tiếng của thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông trải qua những bước thăng trầm gắn với nhiều biến động dữ dội mang tính chất thời đại của nước Nga vào những năm cuối thế kỷ XIX và mấy chục năm đầu thế kỷ XX.

  • LÊ THÀNH NGHỊCâu hỏi “ta là ai?”, “ta vì ai” nổi tiếng của Chế Lan Viên tưởng đã tìm ra câu trả lời có chứa hạt nhân hợp lý của thời đại trong thơ chống Mỹ đã không còn đủ sức ôm chứa trong thời kì mới, khi nhu cầu xã hội và cá nhân đã làm thức tỉnh cái tôi trữ tình của người làm thơ. Nhu cầu xã hội thường là những gì bức thiết nhất của thực tại, do thực tại yêu cầu. Chẳng hạn, thời chống Mỹ đó là độc lập tự do của dân tộc. Tất cả những hoạt động tinh thần, trong đó có sáng tác thơ văn, nếu nằm ngoài “sự bức thiết thường nhật” này không phù hợp, không được đón nhận... và vì thế không thể phát triển. Kể từ sau năm 1975, đặc biệt là sau 1986, với chủ trương đổi mới, trong xã hội ta, nhu cầu bức thiết nhất, theo chúng tôi là khát vọng dân chủ.

  • LÝ TOÀN THẮNG“Văn xuôi về một vùng thơ” là một thể nghiệm thành công của Chế Lan Viên trong “Ánh sáng và phù sa”, về lối thơ tự do, mở rộng từ thấp lên cao - từ đơn vị cấu thành nhỏ nhất là Bước thơ, đến Câu thơ, rồi Đoạn thơ, và cuối cùng là cả Bài thơ.

  • INRASARA1. Đó là thế hệ thơ có một định phận kì lạ. Người ta vội đặt cho nó cái tên: thế hệ gạch nối, thế hệ đệm. Và bao nhiêu hạn từ phái sinh nhợt nhạt khác.Đất nước mở cửa, đổi mới, khi văn nghệ được cởi trói, nhà thơ thế hệ mới làm gì để khởi sự cuộc viết? Cụ thể hơn, họ viết thế nào?

  • VÕ VĨNH KHUYẾN Tiểu luận nhằm tìm hiểu thành tựu thơ ca trong khoảng 16 tháng giữa 2 cột mốc lịch sử (19.8.1945 - 19.12.1946). Bởi khi phân chia giai đoạn văn học nói chung (thơ ca nói riêng) trong tiến trình lịch sử văn học, các công trình nghiên cứu, các giáo trình ở bậc Đại học - Cao đẳng và sách giáo khoa trung học phổ thông hiện hành, không đặt vấn đề nghiên cứu thơ ca (cũng như văn học) nói riêng trong thời gian này. Với một tiêu đề chung "Văn học kháng chiến chống Pháp 1946 - 1954". Đây là nguyên do nhiều sinh viên không biết đến một bộ phận văn học, trong những năm đầu sau cách mạng.

  • HỒ THẾ HÀ1. Diễn đàn thơ được tổ chức trên đất Huế lần này gắn với chương trình hoạt động của lễ hội Festival lần thứ 3, tự nó đã thông tin với chúng ta một nội dung, tính chất và ý nghĩa riêng. Đây thực sự là ngày hội của thơ ca. Đã là ngày hội thì có nhiều người tham gia và tham dự; có diễn giả và thính giả; có nhiều tiếng nói, nhiều tấm lòng, nhiều quan niệm trên tinh thần dân chủ, lấy việc coi trọng cái hay, cái đẹp, cái giá trị của nghệ thuật làm tiêu chí thưởng thức, trao đổi và tranh luận. Chính điều đó sẽ làm cho không khí ngày hội thơ - Festival thơ sẽ đông vui, phong phú, dân chủ và có nhiều hoà âm đồng vọng mang tính học thuật và mỹ học mới mẻ như P.Valéry đã từng nói: Thơ là ngày hội của lý trí (La poésie est une fête de l'intellect).

  • THẠCH QUỲThơ đi với loài người từ thủa hồng hoang đến nay, bỗng dưng ở thời chúng ta nứt nẩy ra một cây hỏi kỳ dị là thơ tồn tại hay không tồn tại? Không phải là sự sống đánh mất thơ mà là sự cùn mòn của 5 giác quan nhận thức, 6 giác quan cảm nhận sự sống đang dần dà đánh mất nó. Như rừng hết cây, như suối cạn nước, hồn người đối diện với sự cạn kiệt của chính nó do đó nó phải đối diện với thơ.

  • NGUYỄN VĨNH NGUYÊNNhững năm gần đây, người ta tranh luận, ồn ào, khua chiêng gõ mõ về việc làm mới văn chương. Nhất là trong thơ. Nhưng cái mới đâu chẳng thấy, chỉ thấy sau những cuộc tranh luận toé lửa rốt cục vẫn là: hãy đợi đấy, lúc nào đó, sẽ... cãi tiếp...

  • TRẦN VĂN LÝAi sản xuất lốp cứ sản xuất lốp. Ai làm vỏ cứ làm vỏ. Ai làm gầm cứ làm gầm. Nơi nào sản xuất máy cứ sản xuất máy. Xong tất cả được chở đến một nơi để lắp ráp thành chiếc ô tô. Sự chuyên môn hoá đó trong dây chuyền sản xuất ở châu Âu thế kỷ trước (thế kỷ 20) đã khiến cho nhiều người mơ tưởng rằng: Có thể "sản xuất" được thơ và sự "mơ tưởng" ấy vẫn mãi mãi chỉ là mơ tưởng mà thôi!