Vườn Thiệu Phương qua thơ ngự chế

15:26 26/06/2009
VĨNH CAO - PHAN THANH HẢIVườn Thiệu Phương là một trong những Ngự uyển tiêu biểu của thời Nguyễn, từng được vua Thiệu Trị xếp là thắng cảnh thứ 2 trong 20 cảnh của đất Thần Kinh. Nhưng do những nguyên nhân lịch sử, khu vườn này đã bị triệt giải từ đầu thời vua Ðồng Khánh (1886-1889) và để trong tình trạng hoang phế mãi đến ngày nay. Trong những nỗ lực nhằm khắc phục các "không gian trắng" tại Tử Cấm Thành và phục hồi các khu vườn ngự của thời Nguyễn, từ giữa năm 2002, Trung tâm BTDTCÐ Huế đã phối hợp với Hội Nghệ thuật mới (Pháp) tổ chức một Hội thảo khoa học để bàn luận và tìm ra phương hướng cho việc xây dựng dự án phục hồi khu vườn này.

Qua nghiên cứu các nguồn tư liệu của triều Nguyễn, chúng tôi đã phát hiện hàng chục bài thơ Ngự chế của các vua Nguyễn về vườn Thiệu Phương. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số bài thơ tiêu biểu và xem đây như như một nguồn tư liệu nhằm bổ sung thêm các hiểu biết về khu vườn Ngự độc đáo này.

I. Vài nét về vườn Thiệu Phương

Thiệu Phương viên là một trong 4 Ngự uyển trong Hoàng thành, gồm Thiệu Phương Viên, Ngự Viên, Cơ Hạ Viên, Doanh Châu. Vườn được xây dựng từ năm 1828, thời Minh Mạng, ở phía đông, bên trong cửa Hưng Khánh, thuộc Tử Cấm Thành. Phía nam vườn là khu Duyệt Thị Ðường; phía bắc-qua hồ Ngọc Dịch là Ngự Viên; phía tây là Thanh Hạ Thư Lâu (sau là Thái Bình Lâu) và phía đông là bờ tường phía đông của Tử Cấm thành. Quanh vườn có tường gạch bao bọc, cửa chính mở về phía nam. Vườn nổi tiếng với kiểu cấu trúc “vạn tự hồi lang, tức có hồi lang hình chữ VẠN nằm ở trung tâm chạy ra 4 phía. Tại 4 góc của hồi lang này có 4 công trình kiến trúc nhỏ, gồm 2 đường và 2 hiên. Nhà ở góc tây nam gọi là Di Nhiên Ðường, quay mặt về hướng nam, bên phải của nhà này là cửa Di Nhiên, xây mặt hướng đông. Hiên ở góc đông nam gọi là Vĩnh Phương Hiên, mặt quay về hướng đông, bên tây của hiên này có chiếc hồ nhỏ, gọi là Tiểu Hữu Thiên bên phải hiên là cửa vườn Thiệu Phương, hướng nam. Nhà ở góc đông bắc mang tên Cẩm Xuân Ðường, quay mặt về hướng bắc, trước nhà có cửa phường Cẩm Xuân bên phải nhà là cửa Cẩm Xuân, đều xây về hướng bắc, phía đông Cẩm Xuân Ðường, thuộc về trường lang men theo tường Cung thành có cửa Cấm Uyển, Hiên ở góc tây bắc có tên là Hàm Xuân Hiên, mặt quay về hướng tây.

Trong vườn, ở phía tây của Vạn Tự Hồi Lang (cũng là phía trước điện Hoàng Phúc) có hai lạch nước đều mang tên là Ngự Câu, thông với hồ Ngọc Dịch ở phía bắc bằng đường cống. Trên bờ phía đông của lạch có đắp một hòn núi nhỏ, tên gọi là Trích Thúy Sơn.

Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), vườn Thiệu Phương được sửa sang và xây dựng thêm. Ở phía tây Ngự Câu xây điện Hoàng Phúc, 5 gian, 2 chái, mái kiểu trùng thiềm, lợp ngói hoàng lưu li (1). Phía nam điện có ngôi đình bát giác, biển đề Nhân Thanh Bát Biểu phía nam đình lại có ao sen (Liên Trì. Phía bắc điện Hoàng Phúc có ngôi đình vuông (phương đình), có biển đề Minh Ðạt Tứ Thông. Phía bắc của phương đình, gần hồ Ngọc Dịch có một nhà thủy tạ với 3 lớp mái tiếp nhau (có lẽ giống như Dũ Khiêm Tạ tại lăng Tự Ðức) để vua câu cá và hóng mát, có biển đề Lương Ðình Ðiếu Ngư. Ðến năm 1843, ngôi nhà này được làm lại (2) và đổi tên thành Trừng Quang Tạ phía tây của tạ này là cửa phường của Thanh Hạ Thư Lâu.

Dưới thời Nguyễn, vườn Thiệu Phương được xem là một trong những Ngự uyển tiêu biểu nhất trong Hoàng cung, vườn được vua Thiệu Trị xếp làm thắng cảnh thứ 2 của đất Thần kinh, gắn liền với bài thơ Vĩnh Thiệu Phương Văn nổi tiếng.
Tuy nhiên, từ thời Tự Ðức trở về sau thì ít có tư liệu đề cập đến tình trạng khu vườn này. Ðến thờì Ðồng Khánh thì vườn Thiệu Phương bị triệt giải hoàn toàn.

II. Thơ Ngự chế về vườn Thiệu Phương
Cho đến nay chúng tôi đã phát hiện và sưu tầm được hơn 30 bài thơ Ngự chế của các vua nhà Nguyễn về vườn Thiệu Phương, chủ yếu tại các bộ Minh Mạng ngự chế thi, Thiệu Trị Ngự đề đồ hội thi tập (trong Cung viên thập cảnh, Thần kinh nhị thập cảnh)... Ðáng chú ý nhất có lẽ là bài thơ Vĩnh Thiệu Phương Văn, bởi đây là bài thơ đã được vua Thiệu Trị cho thếp vàng vào một một bức tranh kính (tranh gương) vẽ minh họa cảnh vườn. Bức tranh này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế.

Do giới hạn trong một bài viết, dưới đây chúng tôi chỉ xin giới thiệu một số bài thơ ngự chế tiêu biểu trong số hơn 30 bài thơ về Thiệu Phương Viên.

*Thơ vua Minh Mạng: (Bài thơ trích từ Minh Mạng ngự chế thi)
Phiên âm:
Thừa hạ tuyên chúng tử quần thần nhập Thiệu Phương Viên
trích lệ chi chước Trà dĩ tứ kỷ sự:

Thủ hạ thanh hòa khí sắc tân,
Phương viên du thưởng tập gia tân.
Quả lưu ngọc dịch thân sơ cộng,
Trà dật kim tươngđại tiểu quân.
Ân hiệp gia đình tôn phụ tử,
Tình liên thượng hạ trọng quân thần.
Nhất trương nhất thỉ tuân văn võ,
Cơ hạ thì nghi giả tiếu tần.

Dịch:
Ghi lại việc nhân rảnh rỗi gọi các con và quần thần vào vườn
Thiệu Phương hái vải rót trà để ban thưởng:

Ðầu hạ khí mát cảnh sắc nồng,
Tụ hội Thiệu Phương lắm khách cùng.
Quả ngon đọng mật thân sơ hưởng,
Trà ngát tràn li lớn nhỏ cùng.
Gia đình phụ tử tình hòa hợp,
Trên dưới vua tôi nghĩa liên đồng.
Tuân theo Văn Vũ lúc căng thả,
Tạm bỏ buồn vui rảnh rỗi chung.

*Thơ vua Thiệu Trị:

1. Bài PHƯƠNG VIÊN XUÂN SẮC

Phiên âm:
PHƯƠNG VIÊN XUÂN SẮC

Vũ trụ huyên hòa ái diễm dương
Thượng lâm vô hạn hảo phong quang.
Doanh đình đào lí thiên chân thú,
Mãn giá thi thư cổ trật hương.
Hoa chức ngô lăng khi cẩm tú,
Liễu thư nhân tự mộ văn chương.
Khả tri vật thái giai sinh ý,
Tiên trạch triêm nhu vĩnh thiệu phương.

Dịch:
SẮC XUÂN VƯỜN THIỆU PHƯƠNG
                       
Vũ trụ giao hòa dưới ánh dương
Ngự viên cảnh sắc đẹp vô nhường
Mãn sân đào lý càng thêm hứng
Ðầy giá thi thư thấm đậm hương
Hoa tựa lụa Ngô hơn cẩm tú
Liễu như nhân dạng mến văn chương.
Mới hay sức sống tràn muôn vật
Ân trạch tiền nhân mãi Thiệu Phương

2. Bài VĨNH THIỆU PHƯƠNG VĂN

Phiên âm:
VĨNH THIỆU PHƯƠNG VĂN

Khải đồ đãi đãng tử hồng tiên
Tiếp tục phân phương niên phục niên
Lan tháo hà quy lương hữu dĩ,
Cúc trinh mai giác đản kỳ nhiên.
Thảo hoa vật ngoại xuân quang trụ
Ðồ sử đường trung đạo thống truyền.
           
Dịch:
HƯƠNG THƠM VƯỜN THIỆU PHƯƠNG

Vườn rộng mênh mông thắm sắc hoa,
Bao năm hương ngát gió đưa xa.
Lan vươn dáng khỏe, sen tròn trịa,
Cúc nép thân thon, mai mặn mà.
Ngoài cảnh cỏ cây xuân nắng gội,
Trong nhà sách vở đạo hòa ca.
Xét suy thời thế nên chăm học,
Thuật tác, thi thư phải trải qua.

3. Bài ÐỀ VĨNH PHƯƠNG HIÊN:
                                 
Phiên âm:
TẬP KHÁNH THIÊN HỒNG TỤY NHẤT ĐƯỜNG,
           
Ngưng hy thủ tộ hữu hoa vương.
La hàm thạnh đức truyền xuân phức,
Khang lạc nhàn tình ái hạ hương.
Thu tất tả hoài Ðào Lệnh doãn,
Ðông phân nhã hứng Mạnh Tương Dương
Trường lưu tạo hóa quỳnh lâm cảnh,
Tiếp tục niên niên tín Vĩnh Phương.

Dịch:
ÐỀ THƠ TẠI HIÊN VĨNH PHƯƠNG

Hợp khánh ngàn hồng tại một phương,
Khí lành khởi phúc bởi hoa vương(1).
La hàm(2) tràn đức truyền xuân khí,
Khang lạc(3) an nhàn tỏa hạ hương.
Thu ngát tưởng hoài Ðào Lệnh doãn(4),
Ðông sang thêm hứng Mạnh Tương Dương(5)
Vườn quỳnh truyền mãi thiên nhiên sắc,
Tiếp tục ngàn năm giữ Vĩnh Phương.
                       
4. Bốn bài thơ về vườn Thiệu Phương
- Bài 1:
Phiên âm:
Thiệu Phương Viên tản bộ ngẫu thành tứ tiệt
Cơ hạ hài xuyên vạn tự lang,
Hoa minh hương nhạ ái thiều quang
Ðông quân hữu ý cung thanh thưởng,
Vạn tử thiên hồng tiếp tục phương
Dịch nghĩa:
Tản bộ trong vườn Thiệu Phương chợt làm bốn bài thơ ngắn.
Rảnh rang đi xuyên qua hành lang chữ Vạn
Dưới ánh nắng xuân hoa rực rỡ tràn ngập hương thơm.
Ðông quân có ý cho ta thưởng ngoạn
Muôn hồng ngàn tía mãi mãi truyền hương thơm.
Dịch thơ:
Nhàn du qua Vạn Tự lang,
Ánh xuân rực rỡ ngập tràn sắc hương.
Ðông Quân như tỏ ý thương,
Cho hoa muôn sắc ngàn hương thơm hoài.

- Bài 2:
Phiên âm:
Kỷ hưởng miên man lục thụ đầu,
Khởi phi đắc sở thoại xuân lưu
Thiên kiều xuất cốc an thê chỉ,
Tu tác hư mi đạo mạch mưu.
Dịch nghĩa:
Mấy tiếng véo von trên cây xanh,
Há chẳng phải vì còn xuân mà được cất tiếng hót,
Rời khỏi hang sâu bay lên đậu trên cây lớn
Xấu hổ đã dùng thóc lúa để dụ dỗ.
Dịch thơ:
Véo von chim hót trên cây,
Hương xuân còn đọng nên mày hót chăng?
Rời hang lên tận ngọn xanh,
Ðể ta xấu hổ đã đành dụ ngươi.

- Bài 3:
Phiên âm:
Ðiện liễu thanh âm phúc Ngự Câu
Kim lân thúy ảnh dũng xuân lưu.
Dã hân đắc thủ phù du thích
Chiếp chiếp ninh năng thị phủ phầu?
Dịch nghĩa:
Bóng mát cây liễu bên điện đã bao phủ Ngự Câu,
Dưới bóng cây xanh,cá vàng tung tăng lội theo dòng nước xuân.
Thật vui được trôi nổi theo nước tùy thích
Làm sao có thể mấp máy miệng phải không?
Dịch thơ:
Liễu vươn bóng phủ Ngự Câu,
Che ngang dòng nước muôn màu cá bơi.
Nhấp nhô theo sóng nổi trôi,
Hân hoan chép miệng dụ người mê say

- Bài 4:
Phiên âm:
Vũ lộ kim niên giác bội đa
Hàm thanh tẩy lục thụ sa bà
Tình di bất tại viên trung cảnh
Thời nhược kham hân dã ngoại hòa.
Dịch nghĩa:
Năm nay mưa móc cảm thấy quá nhiều
Các lùm cây được gội rửa khiến xanh um
Lòng vui đâu chỉ tại cảnh trong vườn,
Mà mừng vui vì thời tiết thuận hòa cho lúa ở ngoài đồng.
Dịch thơ:
Trời thương mưa móc ban nhiều,
Cây xanh gội rửa để màu thêm xanh.
Lòng vui đâu tại vườn xinh,
Mừng vui mưa thuận khí lành nhân gian.

5. Bài thơ NGẮM TRĂNG Ở NHÀ TẠ TRỪNG QUANG

Phiên âm:
Dạ nguyệt Trừng Quang Tạ đắc cú
                    dụng Tiến Thoái cách

Khúc hạm hoành lâm Ngọc Dịch trì,
Ba liêm thiên kính đấu minh huy.
Xuyên vân ảnh thủy ngư châu xạ,
Khóa lãm hàm không thố ảnh di
Trúc thủ chiêu phong thanh sảng chí
Hà tâm tẩm lộ bí hương phi
Thái lăng hà xứ thiên chu quá,
Ðình bạn nhân thanh nguyệt đậu thì

Dịch nghĩa:
Làm được mấy câu thơ ở nhà Tạ Trừng Quang dưới trăng đêm
                                                dùng Tiến Thoái cách

Theo hành lang quanh co thẳng đến giữa ao Ngọc Dịch,
Mặt hồ và trăng trên trời tranh nhau tỏa sáng
Xuyên qua mây chiếu trên nước bắn ra những bọt như mắt cá,
Lướt trên sóng rót vào không trung khi bóng nguyệt dời.
Tre vẫy gió làm khí mát sảng khoái đến
Lòng sen thấm sương thoảng hương ngầm.
Thuyền con đến hái ấu ở nơi nào,
Khi trăng ngừng lại bên đình có tiếng người trò chuyện

Dịch thơ:
Khúc hạm quanh co vào Ngọc dịch
Hằng nga, trì diện sáng vô cùng
Xuyên mây soi chiếu, long lanh nước,
Lướt sóng bao trùm, thấp thoáng không
Tre đưa làn gio,á lòng thanh thản,
Sen thấm hơi sương, khí đượm nồng.
Thuyền con còn ở nơi nào nhỉ
Rộn rã đình bên bóng nguyệt dừng.

III. Một số thông tin quý rút ra qua thơ Ngự chế
* Qua các bài thơ Ngự chế, kết hợp với các tư liệu lịch sử, chúng ta có thể dựng lại được diện mạo của vườn Thiệu Phương từ thời Minh Mạng đến thời Thiệu Trị. Chỉ cần qua thơ ta đã thấy, các loại hình kiến trúc ở khu vườn này khá đa dạng và đều theo phong cách truyền thống. Cụ thể là:

- Ðiện: điện Hoàng Phúc
- Ðường: Di Nhiên Ðường, Cẩm Xuân Ðường.
- Hiên: Vĩnh Phương Hiên, Hàm Xuân Hiên.
- Ðình: đình bát giác Nhân Thanh Bát Biểu, đình vuông Minh Ðạt Tứ Thông.
- Tạ: tạ Trừng Quang
- Lang: hồi lang chữ Vạn, hồi lang chữ khẩu quanh điện Hoàng Phúc, trường lang quanh khu vực vườn.
- Môn (cửa): Thiệu Phương Viên Môn, Cẩm Xuân Môn, Cẩm Xuân Phường Môn, Cấm Uyển Môn, Di Nhiên Môn.
- Chiểu (ao): ao Tiểu Hữu Thiên
- Trì: Liên Trì, (bên ngoài, phía bắc có Ngọc Dịch Trì)
- Câu (khe nước nhỏ): Ngự câu
- Giả sơn: Trích Thúy Sơn
- Tường ngăn

Các loại hình kiến trúc trên tuy phân bố trên khắp các khu vực của vườn, nhưng nhìn chung, trừ phần tường ngăn, chúng ta có thể quy các công trình đó vào hai nhóm chính:
+ Nhóm các công trình ở phía đông vườn với trục chính là hồi lang hình chữ VẠN. Hồi lang này gắn kết cụm 4 công trình: Di Nhiên Ðường, Cẩm Xuân Ðường, Vĩnh Phương Hiên, Hàm Xuân Hiên. Từ 4 phía do hồi lang này dẫn ra, cũng hướng đến 4 cổng của vườn: Thiệu Phương Viên Môn, Cẩm Xuân Môn, Cấm Uyển Môn, Di Nhiên Môn. Nhóm công trình này cũng là cụm công trình có niên đại sớm của vườn Thiệu Phương.

+ Nhóm các công trình ở phía tây vườn với công trình chính là điện Hoàng Phúc cùng các đình bát giác, đình vuông, thủy tạ Trừng Quang... Từ điện Hoàng Phúc có hồi lang bao quanh phía sau và hai bên, phía trước lại có hồi lang nối liền với hồi lang chữ VẠN, tạo nên hai hồi lang chữ khẩu ở trước và sau điện. Nhóm công trình này có niên đại muộn hơn nhóm công trình phía đông vườn.
Hai nhóm công trình trên được nối kết với nhau bằng hệ thống hồi lang, tạo nên một chỉnh thể thống nhất của cấu trúc vườn.

* Chúng ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh các loài cây cỏ, hoa lá ở vườn Thiệu Phương rất rõ nét qua các bài thơ Ngự chế:
- Về loài hoa: vườn có các loài hoa cúc, hoa lan, hoa mai, hoa sen...
Lan tháo hà quy lương hữu dĩ,
Cúc trinh mai giác đản kỳ nhiên.
(Sen tròn,Lan thẳng đâu gì lạ
Cúc thon, Mai uốn thế mà xinh)
                        Thiệu Trị, Vĩnh Thiệu Phương Văn

- Về loài cây thân mộc, cây ăn quả: trong vườn có vải, hồng, mưng, liễu...
Trong Ðại Nam thực lục, có ghi lại, năm Minh Mạng thứ 9 (1828), nhà vua đã từng mời quần thần vào vườn chơi và lệnh cho hái quả vải để ban cho mọi người và ông có làm thơ vịnh về việc này. Tư liệu đó được xác nhận bằng thơ Ngự chế. Tuy nhiên tỉ lệ cây vải cũng như các cây thân mộc lớn trong vườn lúc đó không nhiều lắm. Xem thêm các bức tranh mộc bản vẽ cảnh vườn Thiệu Phương của Nội Các triều Nguyễn, chúng ta có thể thấy, các loài cây lớn thường được trồng bên bờ ao, khe nước, gắn liền với các non bộ. Các loài hoa thì phần nhiều được trồng trong chậu, đặt trên các bàn, đôn đá...dọc các lối đi và tại sân trước các công trình. Ðây cũng là cách bài trí truyền thống trong các vườn cảnh Việt Nam.

- Về các loài động vật thì có các loài chim, cá... chúng sống thật tự nhiên và thật hòa hợp với cảnh vườn:
Dưới bóng cây xanh,cá vàng tung tăng lội theo dòng nước xuân.
Thật vui được trôi nổi theo nước tùy thích
                       (Thiệu Phương Viên tản bộ ngẫu thành tứ tiệt)

Trên đây chỉ là một số phân tích của chúng tôi về vườn Thiệu Phương qua thơ Ngự chế của các vua triều Nguyễn. Ðiều đáng mừng là, cho đến nay các kết quả thám sát khảo cổ học vườn Thiệu Phương (qua cả 2 giai đoạn) đều cơ bản phù hợp với những phân tích trên. Cũng cần nhấn mạnh rằng, vẫn còn không ít nguồn tư liệu về vườn Thiệu Phương mà chúng ta vẫn chưa khai thác hết, trong đó thơ Ngự chế của các vua triều Nguyễn từ Minh Mạng đến Tự Ðức vịnh về vườn Thiệu Phương là một thí dụ điển hình. Bởi vậy, chúng tôi vẫn cho rằng, những thông tin cùng sự phân tích trong bài này mới chỉ mang tính "dẫn liệu" để các nhà nghiên cứu tiếp tục bàn luận.

Huế, tháng 10-2003
V.C-P.T.H
(178/12-03)

---------------------
(1). Ðiện Hoàng Phúc đến năm Tự Ðức thứ 6 (1853) được tu bổ thêm một lần. Trong lần tu bổ này, người ta làm thêm phần mái hiên (Phi diêm) rộng 4 thước 1 tấc (khoảng 1,73m), mái lợp ngói liệt. Nhưng đến năm Ðồng Khánh thứ 2 (1887), triều Nguyễn đã cho tháo dỡ phần mái của ngôi điện này (cùng phần mái hiên của điện Võ Hiển) để chế thành 2 bộ mái che di động (gọi là TỴ THỬ. Hàng năm, cứ vào tiết xuân lại đem 2 bộ mái này vào che tại điện Cao Minh Trung Chính và điện Càn Thành, đến tiết thu lại dỡ ra để cất vào kho. Việc này được triều Nguyễn quy định thành lệ (Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ tục biên, Bộ Công, quyển 44).
(2). Theo Ðại Nam thực lục, từ năm 1802, ngay sau khi lên ngôi vua, để đảm bảo nhu cầu về tiêu dùng và tài chính của triều đình và Hoàng gia, Gia Long đã cho xây dựng Nội Ðồ Gia, đặt ở phía trong cửa Hưng Khánh, thuộc Tử Cấm thành, làm nơi tàng trữ vàng bạc và các loại của cải khác của triều Nguyễn. Năm Minh Mạng nguyên niên (1820), Nội Ðồ Gia được đổi tên thành Nội Vụ Phủ. Kể từ đây, cùng với sự cường thịnh của vương triều, số lượng của cải ở phủ Nội Vụ ngày càng gia tăng.
Năm Minh Mạng 17 (1836), riêng ở kho chứa bạc nén đã có đến 200.000 lượng.
Năm Minh Mạng 19 (1838), vì cho rằng phủ Nội Vụ ở gần nơi cung cấm, các nhân viên của cơ quan này “đi lại ồn ào”, vua đã quyết định dời phủ Nội Vụ ra khỏi Tử Cấm thành đến đặt tại phía nam vườn Cơ Hạ, tức tại vị trí hiện thấy. Thống chế Mai Công Ngôn được giao điều khiển hơn 2000 chiến binh thực hiện công việc dời chuyển này. Vua còn chỉ định các quan đại thần cao cấp của triều đình như Phạm Hữu Tâm, Nguyễn Tăng Minh, Trương Ðăng Quế, Hà Duy Phiên... thay nhau giám sát hiện trường nhằm ngăn chặn những sự gian lận có thể làm thất thoát của cải nhà nước.
(Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Ðại Nam thực lục, bản dịch của Viện Sử học. Nxb KHXH, Hà Nội-1968, tập 20, trang 247)
(3). Thanh Hạ Thư Lâu được dựng vào năm Thiệu Trị thứ 4 (1844). Nguyên kiến trúc công trình này được lấy từ lầu Vĩnh Ninh (dựng năm Minh Mạng thứ 13-1832) đem dựng lại ở phía đông điện Dưỡng Tâm. Thời Thành Thái, công trình này bị triệt giải, đến năm 1919, trên nền cũ của công trình này vua Khải Ðịnh đã cho dựng lại một tòa nhà mới y theo quy thức của Thanh Hạ Thư Lâu, đặt tên là Thái Bình Lâu. Công trình này thi công đến năm 1921 mới hoàn thành và còn tồn tại đến ngày nay.

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ĐÔNG LAThế là sự ồn ào qua rồi. Diễn đàn đã đóng cửa. Nhưng lẽ nào việc thẩm định văn chương chỉ râm ran một hồi như thế, rồi cái nhùng nhằng còn nguyên nhùng nhằng, sự mâu thuẫn còn nguyên mâu thuẫn, và chuyện hay dở đến đâu cũng vẫn cứ mãi lửng lơ!

  • ĐÀO DUY HIỆP"Ngữ pháp, ngữ pháp khô khan chính nó, trở thành cái gì đó như một thuật phù thủy, gọi hồn; các từ sống lại, được cấp xương thịt, danh từ trong dáng vẻ tôn nghiêm bản thể của nó, tính từ, trang phục trong suốt khoác lên nó và nhuộm sắc cho nó một lớp tráng, còn động từ, thiên thần của vận động, mang lại cho câu sự động dao" (Baudelaire) (1)

  • MAI VĂN HOANMai Văn Hoan sinh 20-1-1949, quê Thanh Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Anh tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Sư phạm Vinh và từng dạy ở các trường: Cấp 3 Minh Hoá (1971-1973), Sư phạm 10+3 Quảng Bình (1973-1979), Hai Bà Trưng (1979-1985), Quốc Học (1985-2009). Anh từng tham gia bồi dưỡng hàng chục học sinh giỏi văn tỉnh Bình Trị Thiên (1979-1989), tỉnh Thừa Thiên Huế (1989-2009) đoạt giải Quốc gia. Một số học sinh của anh đã trở thành phó giáo sư, tiến sĩ, cán bộ quản lý, nhà văn, nhà báo... nhưng vẫn “mãi mãi không thể nào quên những giờ dạy văn của thầy Mai Văn Hoan” như lời chị Lương Thị Bích Ngọc tâm sự trên VietNamNet.

  • NGUYỄN HỮU NGÔ Cuốn sách đồ sộ "Côn Đảo" của Nhà xuất bản Trẻ (1996) là một nguồn tư liệu quý mà những người làm công việc nghiên cứu lịch sử cách mạng Việt Nam không thể không tìm đến. Vì vậy sự chính xác về thông tin đòi hỏi phải khẳng định. Và cũng vì vậy tôi có đôi điều xin thưa với ban biên tập Nhà xuất bản Trẻ về những thông tin về nhân vật Mai Tấn Hoàng được coi là người tử tù cách mạng.

  • VÕ THỊ QUỲNHĐặng Huy Trứ (1825 - 1874) đã để lại khá nhiều thơ văn cho đời. "Từ Thụ Yếu Quy"(*) tập sách bàn về nạn hối lộ và đức thanh liêm của người làm quan, là một trong những áng văn quý giá ấy.

  • Văn Cầm Hải tên thật Nguyễn Thanh Hải, sinh ngày 20 tháng 01 năm 1972, quê ở làng Trần Xá, Hàm Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình.

  • CAO HUY HÙNGBa mươi năm đã trôi qua, kể từ ngày Bác Hồ vĩnh biệt chúng ta! Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta di sản vô cùng quí báu: Đó là bản di chúc lịch sử của thời đại Hồ Chí Minh, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử vinh quang hàng ngàn năm của dân tộc. Đó là kỷ nguyên độc lập dân tộc, tự do của Tổ quốc, kỷ nguyên cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

  • LÊ THỊ MÂYĐề tặng một giấc mơ là tập thơ hay và buồn của Lâm Thị Mỹ Dạ. Tập thơ này được giải thưởng của UBTQLH các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1998. Sau khi xóa bao cấp trong in ấn thơ, rất nhiều người có cơ hội tự in thơ, có khi là mỗi năm một tập. Lâm Thị Mỹ Dạ không ở trong diện ấy.

  • ĐẶNG TIẾNPhê bình huyền thoại(1) của Đào Ngọc Chương là một cuốn sách mỏng, in giới hạn, có lẽ chỉ nhắm vào một nhóm sinh viên, nhưng là sách cần yếu, mới mẻ.

  • HỒNG NHUĐó là “Tình bậc thang” (NXB Hội Nhà văn 2006) và “Mặt cắt” (NXB Hội Nhà văn 2007) của một nữ thi sĩ mà cho đến nay không nhiều người biết đến, ít nhất là trong làng thơ. Vì một lẽ rất giản đơn: chị mới xuất hiện trên thi đàn Việt Nam vài ba năm nay thôi.

  • FAN ANHTrong cuộc sống của tất cả chúng ta, đôi khi nụ cười không đồng nghĩa với sự hạnh phúc, cũng như nước mắt không phải bao giờ cũng đồng điệu với nỗi đau. Chính vì thế, mặc dù tiểu thuyết Ba ơi, mình đi đâu? của Jean Louis Fournier là một tác phẩm có thể “gây ra” không ít những tiếng cười, nhưng cảm xúc thanh lọc (Catharsis) mà cuốn sách nhỏ này mang lại cũng lớn lao như bất kì một vở bi kịch nào.

  • Ngày 6 tháng 4 năm 2007 tại Hà Nội, chúng tôi đến thăm nhà thơ Dương Tường tại nhà riêng. Dương Tường ngồi sau một chiếc bàn nhỏ và thấp chất đầy sách vở và ly tách giữa một căn phòng rộng dùng làm phòng triển lãm tranh. Tranh treo kín các tường.

  • ĐOÀN TUẤNTrong tâm tưởng của tôi, thi sĩ Nguyễn Bính là một người có dáng gầy, vóc nhỏ, gương mặt nhẹ nhõm với đôi mắt sáng, tinh anh, mũi dọc dừa và cái miệng cân đối. Tóc Nguyễn Bính không bao giờ để dài. Áo quần Nguyễn Bính thường có màu sáng. Ông đi lại nhanh nhẹn, nhiều khi vội vã. Gương mặt Nguyễn Bính là một gương mặt ưa nhìn bởi trong đó chứa đựng chiều sâu của nhiều ý nghĩ và sắc mặt thay đổi theo tâm trạng thất thường của ông.

  • PHẠM QUANG TRUNGTôi muốn nói đến bài “ Tạm biệt” (hay “ Tạm biệt Huế”) của nhà thơ Thu Bồn. Dẫu đã có nhiều bài thơ hay, rất hay lấy cảm hứng từ Huế, tôi dám quả quyết là nó sẽ vẫn được nhắc tới như là một trong những bài thơ hay nhất. Xin kể một kỷ niệm đẹp riêng với tôi.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊNâng hợp tuyển “Hải Bằng” (HTHB) sang trọng và trĩu nặng trên tay, thật nhiều cảm xúc tràn đến với tôi. Cuốn sách được gia đình nhà thơ Hải Bằng tặng cho tất cả những người đến dự ngày giỗ lần thứ 11 của nhà thơ được tổ chức tại một ngôi nhà mới xây ở cuối đường Thanh Hải - lại là tên nhà thơ quen thuộc của xứ Huế.

  • TÔN PHƯƠNG LANCũng như những nhà văn mặc áo lính thuộc thế hệ đầu và tờ tạp chí Văn nghệ quân đội của họ, Trần Dần là một tên tuổi quen thuộc mà gắn với tên tuổi ông là cuốn tiểu thuyết Người người lớp lớp. Là một học sinh thành phố, khi Cách mạng tháng Tám thành công, 19 tuổi, ông bắt đầu hoạt động cách mạng rồi đầu quân tham gia kháng chiến chống Pháp và hoạt động văn nghệ.

  • Hồ Thế Hà sinh năm 1955, quê ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Anh tham gia quân đội từ 1978 đến 1982, chiến đấu tại Campuchia. Hồ Thế Hà tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Huế năm 1985 và được giữ lại trường. Hiện anh là Phó Giáo sư, Tiến sĩ đang giảng dạy tại khoa Ngữ văn, trường Đại học Khoa học - Đại học Huế. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Anh đồng thời là Ủy viên Ban chấp hành Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Huế nhiệm kì: 2000 - 2005; 2005 - 2010. Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế, nhiệm kì 2000 - 2005; 2005 - 2010.

  • PHẠM PHÚ PHONGĐúng vào dịp Huế chuẩn bị cho Festival lần thứ III năm 2004, Vĩnh Quyền cho tái bản tập ký và truyện Huế mình, tập sách mới in trước đó chưa tròn một năm, năm 2003. Trước khi có Huế mình, Vĩnh Quyền đã có nhiều tác phẩm được bạn đọc chú ý như các tiểu thuyết lịch sử Vầng trăng ban ngày, Mạch nước trong, Trước rạng động, các tập truyện Người tử tù không chết, Người vẽ chân dung thế gian, Màu da thượng đế, tập bút ký Ngày và đêm Panduranga và tập tạp văn Vàng mai.

  • ...Không có sự lựa chọn nào cả, tôi đến với thơ như một nghiệp dĩ. Tôi nghĩ thơ là một thứ tôn giáo không có giáo chủ. Ở đây, các tín đồ của nó đều được mặc khải về sự bi hoan trần thế và năng lực sẻ chia những nỗi niềm thân phận. Cuộc đời vốn có cái cười và cái khóc. Người ta, ai cũng có thể cười theo kiểu cười của kẻ khác, còn khóc thì phải khóc bằng nước mắt của chính mình. Với tôi, thơ là âm bản của nước mắt...

  • …Có thể thấy gần đây có những xu hướng văn học gây “hot” trong độc giả, ví như xu hướng khai thác truyện đồng tính. Truyện của tôi xin khước từ những “cơn nóng lạnh” có tính nhất thời ấy của thị trường. Tôi bắt đầu bằng chính những câu chuyện giản đơn của cuộc sống hàng ngày, những điều giản đơn mà có thể vô tình bạn bước qua…