Với Thạch Lam

09:08 06/08/2014

HỒ DZẾNH
         Hồi ký

Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này

                             NGUYỄN DU

Nhà văn Thạch Lam - Ảnh: internet

Mỗi độ giao mùa, gió heo may trở lạnh, tôi lại xao xuyến nhớ tới Thạch Lam. Tôi nhớ anh những hôm đi qua phố Hàng Đào, Hàng Ngang, tưởng chừng như phong vị một "Hà Nội băm sáu phố phường" vẫn còn phảng phất đâu đây. Trước Thạch Lam, chưa mấy ai phát hiện được đầy đủ cái thi vị, tinh hoa của những món quà thổ ngơi Hà Nội, khoan nói đến nghệ thuật thưởng thức như anh, với tấm lòng nâng niu, trân trọng. Và cũng ít có cây bút nào như anh, mất rồi mà cũng còn lưu lại trong lòng độc giả những cảm xúc bâng khuâng, những cái "rùng mình đột khởi theo ngọn gió mùa", trước số phận hẩm hiu của lớp người nghèo khổ.

"Lòng tôi se lại khi nghĩ rằng chỉ một chút âu yếm, một chút tình thương, cũng đủ nâng đỡ, an ủi những con người cùng khổ ấy".

Ai viết câu đó?

Thạch Lam.

Tôi quen Thạch Lam, hay đúng hơn, đến với Thạch Lam trước sau năm lần. Ba lần đầu, tôi "đến" bằng hai bài viết đăng báo và một tập truyện còn trong bản thảo. Hai lần sau, tôi đến thăm anh tại nhà riêng, một ngôi nhà nhỏ xây trên Hồ Tây, nối con đường làng lát gạch bằng một lối nhỏ chạy vào sân, phía trước trồng một cây dương liễu. Tôi còn đến thêm một lần, lần thứ sáu, nhưng lần này, Thạch Lam không còn ngồi nói chuyện với tôi nữa. Anh đã ra đi...
 

Thạch Lam qua nét vẽ Đinh Cường - Ảnh: internet

Hồi đó, vào khoảng năm 1940, tôi cho đăng thiên truyện hồi ký của tôi trên tập san "Mùa gặt mới" của Nhà xuất bản Tân Việt ở phố Hàng Cót, Hà Nội, truyện nhan đề là "Người chị dâu tôi" Thạch Lam để ý đến bài đó và nhắn Như Phong bảo tôi đến tòa soạn báo Ngày Nay nhận bức thư khen do anh viết. Khi ấy, tôi còn trẻ, nhiều tự ái, nên không đến. Sau này tôi cứ ân hận mãi về cái thái độ thiếu nhã nhặn của mình.

Lần thứ hai, tôi "đến" với anh qua bài thơ "Mầu cây trong khói" (sau này đổi tên thành bài "Chiều"), đăng trên tờ báo "Người Mới", một tờ báo nhỏ chuyên sống bằng quảng cáo, ở phố Hàng Chiếu. Tuy nhỏ, nhưng "Người Mới" vẫn được trao đổi với đủ các tờ báo đương thời, kể cả báo Ngày Nay. Chính vì thế mà Thạch Lam đã đọc bài thơ tôi viết. Sau này, khi đã quen nhau rồi, anh hỏi tôi khá tỉ mỉ về xuất xứ bài thơ, thời gian làm ra nó. Tôi kể với anh là tôi làm bài thơ đó ở Bằng Tường, hồi tôi theo người anh ruột sang đặt đường sắt nối liền Quế Lâm với Lạng Sơn để quân đồng minh vận chuyển vũ khí phòng thủ Đông Dương. Tôi đứng ở biên giới Việt - Hoa, ngay cạnh "ải Nam Quan", trước một khung cảnh rừng núi âm u. Hai bên tôi là hai đất nước - hai đất nước của tôi - mà sao lòng tôi lúc bấy giờ cảm thấy ngậm ngùi, đơn độc, tưởng đâu mình chỉ là một lữ khách tha hương! "Tôi là người lữ khách, mầu chiều khó làm khuây...". Chiều núi rừng yên ắng quá, cơ hồ chỉ cần một tiếng động vừa, cũng đủ vang vọng về xa. Cảm hứng chợt đến, tôi xé vội bao thuốc lá, lấy bút chì ghi những ý nghĩ trong đầu, rồi gấp lại cho vào túi. Mấy hôm sau, đem áo ra giặt, thấy bài thơ, tiếc rẻ, tôi chép lại. Tôi còn nhớ, nghe tôi kể xong, Thạch Lam mỉm cười, giọng thủ thỉ:

- Có thể thế lắm. Trong văn chương vẫn có những phút bất ngờ. Tôi thích bài đó vì cái hơi thơ tự nhiên của nó, và vì nhạc điệu nữa.

Thạch Lam chú ý đến nhạc điệu bài "Chiều", thì hơn ba mươi năm sau, Dương Thiệu Tước cũng đem ra phổ nhạc. Từ đây, tôi thường bâng khuâng man mác khi nghe giọng ai đó ngân lên từ một nơi nào tưởng chừng như không thật! Và tôi lại liên tưởng đến lần gặp gỡ với Thạch Lam.

Rồi tới một hôm, đáp chuyến xe lửa từ Hải Phòng về Hà Nội. Tôi thấy một hành khách lên nửa đường, từ ga Cẩm Giàng, tới ngồi cạnh tôi. Lúc đó tôi vừa đọc lại xong tập bản thảo của mình còn lấy nhan đề chung là "Người chị dâu tôi", thì người khách hỏi mượn xem, vì hôm ấy toa tàu chúng tôi ngồi rất vắng. Đến khi tàu từ từ dừng lại ở ga đầu cầu Long Biên, chuẩn bị xuống, anh ta ướm hỏi tôi xem có thể mượn về nhà đọc được không, và hứa một tuần sau sẽ đem trả tận nhà. Vì còn giữ lại được bản thảo viết lần thứ nhất nên tôi đưa ngay, sau khi trao địa chỉ của tôi cho anh, nhưng lại quên khuấy không hỏi địa chỉ người mượn. Đúng một tuần sau, anh đến trả lại cho tôi thật, niềm nở bắt tay tôi và ngỏ ý, nếu tôi muốn, anh sẽ viết cho bài tựa. Và anh tự xưng tên anh: Thạch Lam. Tôi vừa ngạc nhiên, vừa xúc động mạnh. Tại sao một nhà văn lúc bấy giờ đã có tên tuổi, có uy tín như anh, lại có thể đến với tôi một cách giản dị, tự nhiên và cởi mở đến thế? Điều băn khoăn của tôi về sau này đã được giải đáp, qua câu chuyện tâm sự nhẹ nhàng của anh, khi chúng tôi chính thức gặp nhau lần thứ nhất.

Quê Thạch Lam ở Quảng Nam. Trong họ hàng anh, có người từ mấy đời trước, đã sống trong làng "Minh hương", giữa lớp người đầu tiên di cư sang Việt Nam từ Trung Quốc, sau khi triều đình nhà Minh bị lật đổ. Thì ra, trong tình yêu một nước Việt Nam thân thương gần gũi, vẫn bàng bạc mối quan hoài về một nơi chốn xa xôi... Tôi nghĩ rằng, trước đây, nếu tôi viết "dở" hơn là viết "được", thì Thạch Lam vẫn cứ có thể là người anh tìm đến với tôi, khuyến khích tôi trong bước đầu sáng tác.

***

Thoạt đặt chân lần đầu đến nhà Thạch Lam, tôi không ngờ anh lại sống giản dị và thanh bạch đến thế: bộ bàn ghế thô sơ bằng mây, mấy cái bát da lươn đựng nước chè xanh mời khách, và đây đó trên tường vài bức tranh tĩnh vật. Sóng hồ Tây vỗ đều đều vào ba phía móng nhà, làn gió vuốt ve mái tóc rũ dài của cây dương liễu. Đây là một nơi nằm giữa vùng Yên Phụ, mà sao tôi cảm thấy như xa cách hẳn với Hà Nội phồn hoa.

Thạch Lam có vẻ gầy hơn hôm đến trả sách cho tôi. Đôi mắt anh thường ngày sáng, lúc này đã đượm buồn, giọng nói đã yếu - anh đang bị bệnh phổi, một căn bệnh lúc bấy giờ chưa có thuốc điều trị. Tuy vậy, anh vẫn vui vẻ tiếp tôi, cho tôi biết những điều tôi muốn biết về anh, về tác phẩm của anh. Giữa lúc chúng tôi đang ngồi nói chuyện, thì có một người khách đến chơi. Thạch Lam nhẹ nhàng lấy ngay tờ báo bên cạnh, kín đáo che lại tập bản thảo tôi mang tới nhờ anh đề tựa, như anh đã hứa. Cử chỉ đó thật nhã nhặn và lịch sự.

Trái hẳn lại với cái mạch văn trôi chảy và cốt truyện giản dị của mình, Thạch Lam là người viết rất khó khăn vì rất thận trọng. Có những truyện anh phải viết đi, sửa lại tới bốn lần như truyện "Sợi tóc", "Một cơn giận", "Nhà mẹ Lê". Anh ưa dùng lối kể chuyện để mào đầu, dần dần đi sâu vào những tình tiết và cuối cùng kết thúc bằng một hình tượng tổng quát, nó là cái nền cho truyện anh thêm phần bền chặt và đặc sắc. Bút pháp này thường thấy ở Ăngdrê Môroa. Càng nghe anh kể, người đọc càng bị cái duyên thầm, cái đẹp lôi cuốn cho đến khi cây bút của anh dừng lại.
 

Nhà văn nhà thơ Hồ Dzếnh - Ảnh: internet

Tôi nhớ mãi những điều anh nói với tôi về cái truyện "Sợi tóc", chuyện tả một anh chàng này ra ý định lấy cắp hai tờ giấy một trăm trong chiếc ví tiền của bạn, chỉ vì vô tình cầm nhầm áo của nhau. Sự nhầm lẫn không đâu ấy đã dẫn tới một cuộc giao tranh thầm lặng mà day dứt, trước cái ví tiền lấp ló thò ra ngoài miệng túi, - giữa cái xấu và cái tốt luôn luôn tiềm ẩn trong con người: lấy hay không lấy? Thạch Lam thích thú với những tình tiết, tâm trạng éo le, phức tạp đó, nó có thể xảy ra cho mọi người, cho chính tác giả nữa, vì nó rất "người", rất hiện thực. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở tình tiết không thôi, truyện ngắn chưa đủ sức tồn tại. Thạch Lam thao thức, suy nghĩ, và cuối cùng anh đã tìm ra "Sợi tóc", cái sợi tơ mỏng mảnh đi xuyên suốt câu chuyện, và trở thành một dạng triết lý đầy mầu sắc lãng mạn tự nhiên. Sợi tóc đó, theo tôi nghĩ, "đắt" hơn là hình tượng chiếc lá phân định ranh giới giữa địa ngục và thiên đường, như trong một truyện ngắn của Xômớcxét Môôm.

Thạch Lam là một nghệ sĩ say mê ngôn ngữ. Anh chắt chiu, chọn lọc, mài giũa từ ngữ, âm thanh, cho kỳ chúng diễn đạt được thanh thoát những điều anh suy ngẫm mới thôi. Có những đoạn văn anh viết, đến bây giờ, gần nửa thế kỷ đã qua, đọc lên ta vẫn còn thấy như mới: "Chợ họp giữa phố vãn từ lâu rồi... Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và bã mía. Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát, bụi quen thuộc quá, khiến chị em liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này"...

Đọc đoạn văn đó, tôi chợt nghĩ đến mấy câu trong lá thư của một người từ bên Úc gửi về cho bạn: "Mình nhớ quá, nhớ đến xót xa, thấm thía, cái mùi phân trâu lẫn với mùi rơm rạ nồng nàn trên những nẻo đường thôn xóm. Ôi, đất nước, quê hương sao mà xa vời vợi!"

***

Tôi quen biết Thạch Lam hơi muộn và quá ít, tổng cộng những lần chúng tôi gặp nhau, nói chuyện với nhau, chỉ có mấy tiếng đồng hồ. Nhưng đó là mấy tiếng đồng hồ quý báu trong đời một người cầm bút như tôi. Và lần thứ sáu tôi đến, mang theo bản in bài tựa anh viết cho tập truyện "chân trời cũ" của tôi để anh xem lại, thì tôi chỉ còn thấy một quang cảnh vắng ngắt, một chiếc giường nhỏ trống trơn. Đợi một lát sau, tôi mới thấy bóng chị Thạch Lam lặng lẽ bước ra, đầu vấn khăn tang, nghẹn ngào cho tôi hay là anh đã mất được hơn một tháng!

Hóa ra bài tựa anh viết cho tôi mới hôm nào, lại là những nét chữ cuối cùng của anh - "Sợi tóc" đã bay đi, nhưng duyên tơ còn vương lại: Sóng hồ Tây vẫn vỗ đều vào ba phía móng nhà, và làn gió mơn man rung rinh cành cây dương liễu.

Tôi nhớ mãi hôm đưa tiễn tôi ra về - đưa tiễn lần sau chót - Thạch Lam dừng lại bên cây liễu, nói với tôi bằng một giọng thân mật:

- Nghề văn khó nhọc lắm đấy anh ạ. Hãy luôn luôn khiêm tốn và chân thực. Cần nhất là đừng hào nhoáng - anh dùng chữ "briller" - vì khi ta hào nhoáng cũng chính là khi ta bắt đầu...hết!

Anh Thạch Lam! Xin cảm ơn anh lần nữa, và mãi mãi cảm ơn anh!

Hà Nội, mùa thu 1996
H.D
(SH31/06-88)








 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Sau ba năm đi giang hồ Trung Quốc. Nguyễn Du trở về, ở tại Thăng Long từ cuối năm 1790 cho đến năm 1794. Đó là ba năm «Chữ tình chốc đã ba năm vẹn», lưu lại trong Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương.

  • Báo Tin Tức Chúa Nhựt, 3.11.1940 mở đầu bằng mấy hàng như sau: “Hai mươi chín tháng Chín Annam (20 Octobre 1940). Thêm một ngày đáng ghi nhớ. Một người đã mất: cụ Sào Nam Phan Bội Châu

  • Với giọng văn sinh động, pha chút hài hước, hình minh họa ngộ nghĩnh, phù hợp với lứa tuổi học trò: “Chuyện kể về thầy trò thời xưa”, “Những tấm lòng cao cả” hay bộ văn học teen “Cười lên đi cô ơi”… sẽ đem đến cho độc giả nhiều cung bậc cảm xúc và hoài niệm.

  • Trong tất cả các Ni sư Phật giáo mà tôi được biết và chịu ơn hoằng pháp vô ngôn, có lẽ người gần gũi với tôi nhất trong đời là Cố Đại Trưởng lão Ni chúng – Sư Bà Cát Tường - nguyên trụ trì chùa sư nữ Hoàng Mai ở Thủy Xuân – Huế.

  • LTS: Nhà thơ, nhà văn Thanh Tịnh năm 78 tuổi sức khỏe không còn như buổi thanh niên, nhưng ngòi bút của ông vẫn còn cái sung sức của một người đã từng yêu du lịch và làm nghề hướng dẫn khách du lịch toàn Đông Dương. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc những trang hồi ký đầy lý thú của Thanh Tịnh.

  • NGUYỄN XUÂN HOA

    Tôi không có dịp được học với thầy Phạm Kiêm Âu, người thầy nổi tiếng ở Huế, nhưng lại có cơ duyên cùng dạy ở trường nữ trung học Đồng Khánh với thầy trong các năm 1974 - 1975.

  • Vậy là nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đã về cõi thiên thu giữa một sáng mùa thu Hà Nội lay phay gió mù u!...Trước khi chưa kịp được vuốt mắt, dường như đôi đồng tử của ông vẫn còn lưu giữ lại hình ảnh đau đáu về con sông Cụt quê nhà.

  • Với một tướng lãnh võ biền, thì mục tiêu cuộc dẹp loạn là đánh tan loạn quân, rồi ca khúc khải hoàn, ăn mừng chiến thắng.

  • PHÙNG TẤN ĐÔNG

    Đời của nó như thể bềnh bồng
    Cái chết của nó như thể an nghỉ

                               F.Jullien
    (Dẫn nhập cuốn “Nuôi dưỡng đời mình - tách rời hạnh phúc” - Bửu Ý dịch, 2005)

  • THANH TÙNG

    Hiệp định Genève ký kết, sông Bến Hải tưởng chỉ là giới tuyến tạm thời, không ngờ đã trở thành ranh giới chia cắt đất nước Việt Nam hơn 20 năm. Nỗi đau chia cắt và biết bao câu chuyện thương tâm, cảm động đã diễn ra ở đôi bờ Hiền Lương kể từ ngày ấy. Nhiều cuộc tình đẫm máu và nước mắt. Có những đôi vợ chồng chỉ ở với nhau đúng một đêm. Có người chồng Bắc vợ Nam, khi vợ được ra Bắc thì chồng lại đã vào Nam chiến đấu, đời vợ chồng như chuyện vợ chồng Ngâu.

  • Thưởng thức là ngưỡng cửa của phê bình. Chưa bước qua ngưỡng cửa ấy mà nhảy vào cầm bút phê bình thì nhất định mắc phải những sai lầm tai hại. Không còn gì ngượng bằng đọc một bài người ta đem dẫn toàn những câu thơ dở và những câu ca dao dở mà lại đi khen là hay”. (Vũ Ngọc Phan, trích từ Hồi ký văn nghệ, tạp chí Văn Học, Hà Nội, số 4 năm 1983, trang 168).

  • VƯƠNG TRÍ NHÀN

    I
    Hè phố Hà Nội vốn khá hẹp, chỉ có điều may là ở cái thành phố đang còn lấy xe đạp làm phương tiện giao thông chủ yếu này, người đi bộ có phần ít, phía các phố không phải phố buôn bán, vỉa hè thường vắng, bởi vậy, nếu không quá bận, đi bộ lại là cái thú, người ta có thể vừa đi vừa nghỉ, thoải mái.

  • Gặp người thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm xưa, tôi có dịp biết thêm những tình tiết mới quanh câu chuyện hơn 30 năm về trước khi tiểu thuyết “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng được tái bản lần đầu.

  • THẾ TƯỜNG
                   

    "Quê hương là chùm khế ngọt
    cho con trèo hái cả ngày"

  • Một nhà báo Pháp sắp đến Việt Nam để tìm lại một di sản chiến tranh, nhưng ở một khía cạnh nhân văn của nó - đó là những con người, địa điểm từng xuất hiện trong các bức ảnh mà nữ phóng viên chiến trường nổi tiếng Catherine Leroy ghi lại trong cuộc tấn công Mậu Thân vào thành phố Huế. 

  • Thanh Minh là bút danh chính của Nguyễn Hưu(1), người làng Yên Tập, tổng Phù Lưu, huyện Can Lộc, nay là xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

  • LTS: Nhà văn Lan Khai tên thật là Nguyễn Đình Khải, sinh năm Bính Ngọ 1906 ở Tuyên Quang, song lại có gốc gác dòng họ Nguyễn ở Huế. Ông nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam từ những năm 1930 - 1945, được mệnh danh là “nhà văn đường rừng”, để lại hàng trăm tác phẩm văn học, trong đó có gần 50 cuốn tiểu thuyết.

  • Thực tế lịch sử gần 70 năm qua đã khẳng định rằng Cách mạng Tháng 8 năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là kết quả của hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ và là kết quả tất yếu từ công lao to lớn của Bác chuẩn bị cho việc tiến hành cuộc cách mạng giải phóng kể từ ngày Bác về nước.

  • Tháng Bảy âm. Tháng cô hồn. Mồng một âm đã rả rích mưa báo hiệu cho một tháng âm u của Tiết Ngâu. Sắp rằm, tâm trí chợt như hửng ấm khi tiếp được cái giấy Hà Nội mời dự lễ khánh thành nhà bia và Khu tưởng niệm đồng bào ta bị chết đói năm 1945. Chợt nhớ, công việc này đã manh nha từ hơn mười năm trước…

  • LTS: Nguyễn Hưu, bút danh Thanh Minh, sinh năm 1914, quê huyện Can Lộc, hoạt động báo chí và văn học từ những năm 1934 - 1935. Ông là nhà báo, nhà thơ, dịch giả Hán - Nôm, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà quản lý văn hóa văn nghệ có nhiều thành tựu và cống hiến. Ông là Hội trưởng Hội văn nghệ Hà Tĩnh đầu tiên. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông [21.8], VHNA sẽ lần lượt đăng một số bài viết về ông.