Hơn 10 năm qua, duyên nợ giữa anh với mảnh đất thần kinh là có thật. Và em, một hoài niệm anh chưa kịp đặt tên cũng góp thêm chút dư âm để rồi anh day dứt khôn nguôi mỗi khi nhớ về.
Đó là tựa của một bài thơ anh đã viết tặng em vào lần gặp mặt thứ hai tại mảnh đất cố đô nhiều duyên nợ. Đó cũng là lần đầu tiên anh chép tay một bài thơ tình tặng một người con gái. Phút chia tay sau lần tái ngộ ngắn ngủi, anh nhét vội vào túi xách của em rồi quay đi cùng lời nhắn nhủ: “Về nhà hãy đọc em nhé”. Cũng từ giây phút đó, anh biết trái tim mình khóa gần 5 năm ròng sau khi giã biệt mối tình đầu khờ khạo, lại thổn thức rung lên những nhịp đập bồi hồi, tươi mới như buổi đầu chạm ngõ yêu thương.
Mình đã gặp nhau tình cờ như thế để rồi anh bắt đầu những cung bậc cảm xúc của mình, đến nỗi anh lạ lẫm với cả bản thân, không hiểu nổi mình. Chỉ có thể là tình yêu, khi ai cũng có quyền bào chữa cho mình, không nề hà xa xôi, không so đo suy nghĩ, không do dự tính toán và thậm chí không cần cả những dự định tương lai dẫu biết tình cảm vừa mới nhen lên trong buổi ban sơ ấy rất đỗi mơ hồ. Anh chẳng quan tâm tất thảy những điều cho là tầm thường và thực dụng đó, chỉ biết rằng từ đây anh hạnh phúc vì bên cuộc đời mình, mỗi sáng, mỗi chiều, mỗi tối luôn hiển hiện hình ảnh của một người con gái.
Anh ôm ấp, vỗ về cái cảm xúc bâng quơ, mang theo nó vào từng giấc ngủ muộn. Cứ thế, anh thèm được trò chuyện với em từng phút giây. Thông thường, anh ít sử dụng điện thoại và mang nó thường trực bên mình, vậy mà từ ngày có em, cái cầu nối ấy nghiễm nhiên mê hoặc anh, là vật bất ly thân với anh ngay cả những buổi đi công tác xa với núi công việc bộn bề, ngay cả khi anh say sưa giảng bài trên lớp. Tiếng chuông rung lên bất cứ thời điểm nào anh đều xốn xang, hồi hộp và mơ hồ nghĩ rằng cuộc gọi đến từ em.
4 tháng lẻ 3 ngày, với anh đó là quãng thời gian đẹp nhất đời mình, anh sẽ trả lời như vậy nếu có ai hỏi anh yêu khoảng trời nào nhất. Không yêu sao được khi tất cả mệt mỏi, áp lực của cuộc sống cơm áo xô bồ bỗng dưng tan biến, trả anh về ấm áp và bình yên sau mỗi lần được nghe em cười nói, em tinh nghịch và hồn nhiên kể chuyện trên trời dưới biển bằng cái chất giọng miền Trung rất đỗi hồn hậu, đáng yêu.
Tình yêu anh được ủ thầm, lên men rồi lớn dậy mỗi ngày, khi anh thấy cuộc sống của mình sẽ thật vô nghĩa nếu thiếu em, đến nỗi anh từng hơn một lần nói sẽ đánh đổi tất cả để có em, để được gần bên em. Giá như… anh chỉ biết kêu lên như thế! Giá như em cứ mãi vô tư, trong trẻo, đẹp và lãng mạn như những vần thơ anh chong đèn mỗi đêm, gửi gắm biết bao yêu thương, nhung nhớ. Giá như em chỉ kiêu hãnh như từng câu thơ anh viết, để anh tôn thờ em mãi mãi. Và giá như anh ước mình là kẻ nhu nhược, lòng tự trọng không thắng nổi những hoài nghi tầm thường. Giá như anh là người vĩ đại, chỉ biết bao dung, tha thứ, không biết giận hờn, ích kỷ, biết nuông chiều cái đỏng đảnh, trẻ con đến lơ đễnh, hời hợt của em - cô gái 24 tuổi. Giá như…
Huế muôn đời vẫn vậy. Hơn 10 năm gắn bó với mảnh đất ẩm ương, thất thường này, bấm đốt ngón tay anh cũng biết được bây giờ mưa hay nắng. Để rồi lạ lạ, quen quen, nỗi nhớ cứ giục anh tìm về mỗi lần có dịp, dù chỉ là vài ngày nghỉ cuối tuần ngắn ngủi. Hẳn em còn nhớ, có lần anh đã chia sẻ cùng em, không hiểu sao từ ngày rời đất cố đô vào Nam lập nghiệp, mỗi dịp đi về, khi chiếc xe lăn ngang qua chốn này, trời lại đổ mưa. Trong một bài thơ anh viết vội vào bao thuốc lá ở một lần về ngang trên chuyến xe, anh đã kịp gói ghém điều này: “Anh biết sẽ gặp một cơn mưa. Bởi bao lần Huế từng đón anh như thế…”. Cắc cớ là thế, nợ duyên là thế, nên chỉ biết tạm gọi rằng: Với anh, Huế là định mệnh!
Bạn bè anh, những người một thuở chung sách vở, chung ghế giảng đường mỗi khi có dịp gặp lại nhau, bao giờ cũng lấy Huế làm quà cho câu chuyện hội ngộ. Phần anh đã nói quá nhiều, chiêm nghiệm đủ nên chỉ góp vào mấy bài thơ như mấy dòng kỷ niệm với xứ sở mộng mơ, ở thì buồn, xa thì thương, đi lâu quay quắt nhớ… Cũng vì lẽ đó, lũ bạn thời đại học thường đùa vui và phong anh là “Nhà hoài niệm học”, người đa mang, nặng lòng với Huế.
Anh cũng không có lý do gì để phủ nhận điều này, bởi hơn 10 năm qua, duyên nợ giữa anh với mảnh đất thần kinh là có thật. Với Huế, anh là kẻ lãng du, rong chơi không biết mỏi, bởi chưa một lần đi về, anh không ghé thăm, dù bộn bề công việc.
Vậy nên, anh có sai không em nhỉ khi bài thơ viết vội trong một buổi chiều nắng mưa đỏng đảnh ngày gặp em, anh đã đề thêm mấy dòng với tâm tư cháy bỏng, như muốn nuôi nấng mãi mãi cuộc tình này với Huế, với em: “Em có tin, trên đời này tồn tại cái gọi là duyên nợ? Riêng anh, gặp em chính là định mệnh của cuộc đời”.
Huế vậy đó. Em vậy đó. Và anh, kẻ đa cảm, tham lam, muốn giữ Huế, giữ em cho riêng mình, một ngày cũng rút ruột viết nên những dòng như vậy. Bài thơ kỷ niệm, bài thơ tinh khôi ngày nào, biết em còn lưu giữ?
4 tháng trời có lẻ, hẳn là quá ngắn ngủi cho một cuộc tình như người ta vẫn nói. Vậy mà với anh thế cũng là quá đủ để định nghĩa yêu thương, trọn vẹn cho những chân thành cần gửi gắm. 30 tuổi đời, anh không phải là kẻ nông nổi để không thể phân biệt một cách rạch ròi cái gọi là cảm xúc bâng quơ và tình yêu. Ngày thứ 123, sau những đắng cay, bẽ bàng em trả về cho anh trong một buổi tối đầy bàng hoàng và mộng mị, anh nguyện viết bài thơ cuối cùng - bài thơ thứ 21 cho em, để từ giây phút đó, anh xếp em vào ngăn tủ cuộc tình mình vĩnh viễn. Ấy vậy mà, anh không đủ mạnh mẽ, không đủ sĩ diện để làm điều đó.
Em càng hờ hững với những lý do không đầu, không cuối, anh càng tổn thương, càng đau đớn, lại nhớ em quay quắt. Mỗi ngày, anh lại chắp bút cho những vần thơ bay lên. Chỉ khác một điều, từ bài thơ thứ 22, anh sẽ không viết lời đề tặng và gửi cho em nữa, vì dự cảm được một thực tế nghiệt ngã: Em đã thực sự rời gót khỏi cuộc đời anh. Những câu thơ, cảm xúc nồng nàn từ một nơi xa ngái không còn đủ dịu dàng để vỗ về, nâng niu em, không đủ sang trọng để cảm hóa sự yếu mềm của một người con gái.
Tạm biệt em - mối tình thơ mộng, à không, chút tình chứ vì anh và em đã viết nên câu chuyện lứa đôi bao giờ đâu. Bây giờ Huế mùa đông, lòng anh đông cũng đang về, run run giá buốt. Anh không lạnh vì những đợt heo may cuối mùa lả lướt trên từng nẻo đường lại qua, đang quay quắt nhớ, quặn lòng đau bởi tình yêu thêm một lần dang dở, bởi câu thơ không nối được nhịp cầu đón bước em qua. Anh lại sẽ tự sưởi ấm lòng mình bằng những vần thơ. Có lẽ đó là niềm an ủi lớn nhất để anh dỗ dành mình lúc này.
Anh sẽ vẫn viết về Huế, viết cho em, dù Huế và em bây giờ xa xôi lắm. Và dẫu em có gieo vào tim anh ngàn lần đớn đau hơn thế, nếu được lựa chọn lại thêm một lần nữa, anh vẫn chọn em, đơn giản thôi vì đó là tình yêu - bài học em chưa từng thuộc. Bài thơ trao vội hôm nào biết em còn nhớ lời anh nhắn nhủ: “Vu vơ với Huế nửa đời. Vẫn mơ lần nữa một lời yêu em…”.
Thế Lâm
Trong chuỗi hoạt động của Tuần lễ Áo dài Cộng đồng Huế 2024, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Câu lạc bộ Đình làng Việt tổ chức Tọa đàm và Giới thiệu sách “Áo dài truyền thống – Hành trình trở lại” vào chiều ngày 25/06/2024.
Trong khuôn khổ Festival Huế 2024, Tuần lễ Áo dài cộng đồng sẽ là chuỗi hoạt động cuối cùng của Lễ hội mùa Hạ.
Nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tại Tạp chí Sông Hương đã diễn ra những cuộc gặp gỡ thân mật của lãnh đạo ban ngành các cấp trong tỉnh.
Chiều 19/06, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức trao giải Báo chí Hải Triều năm 2024 và tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp báo chí cho các nhà báo lão thành, nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 (1925 – 2024), đồng chí Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy đã có buổi nói chuyện thân mật với đông đảo các văn nghệ sĩ của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hội đồng nhân dân tỉnh đã khai mạc kỳ họp chuyên đề lần thứ 18, khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào sáng 17/06, thảo luận nhiều vấn đề về kinh tế xã hội, phát huy trí tuệ, dân chủ để xem xét thông qua các nghị quyết.
Đó là một trong số các các kết luận được ban tổ chức Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 vui mừng chia sẻ, trong cuộc họp báo tổng kết chiều 13/06, do UBND tỉnh tổ chức. Ước tính, 6 ngày đêm lễ hội đã thu hút trên 100.000 lượt du khách trong nước và quốc tế.
Tối 12/06, chương trình nghệ thuật đặc sắc tại sân khấu điện Kiến Trung, Đại Nội đã khép lại Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế 2024. Đọng lại trong giây phút giã bạn là rất nhiều luyến lưu. Nỗ lực của lãnh đạo tỉnh, ban tổ chức và người dân Thừa Thiên Huế đã để lại rất nhiều ấn tượng với du khách bốn phương cùng một mùa Festival thành công.
Sáng ngày 10/6/2024, tại Tạp chí Sông Hương đã diễn ra buổi giới thiệu sách và trao tặng quà cho học sinh mồ côi của nhà thơ, chuyên gia ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh – Phó giám đốc Trung tâm UNESCO văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Trước khi sự kiện bắt đầu diễn ra, tại cổng Ngọ Môn, khán giả đã xếp hàng nối hàng khá dài ở cửa soát vé, cùng nhau tiến vào phía bên trong Đại Nội, đến gần điện Kiến Trung. Tâm trạng của hàng người ấy háo hức như đang hình dung sẽ được thưởng thức một bữa tiệc âm nhạc đặc sắc, thứ âm nhạc đã đi vào lòng người nhiều thế hệ của Trịnh Công Sơn.
Tối 9/6, 20 chiếc thuyền rồng thả hoa đăng trên sông Hương, như nối kết truyền thống và hiện đại trong niềm tin tâm linh. Lễ hội với ý nghĩa “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc” và “hộ quốc an dân” thể hiện sự gắn kết sâu sắc giữa Phật giáo và đời sống con người.
Theo dòng sự kiện Tuần lễ Festival Nghệ thuật Quốc tể Huế 2024, lễ hội đường phố với chủ đề “Sắc màu văn hóa” đã khai mạc và bắt đầu quảng diễn vào chiều 08/6; từ 16h00 - 18h00 tại các trục đường chính của Thành phố Huế.
“Dạo chơi vườn Huế” là cuộc triển lãm mỹ thuật tiếp theo trong chuỗi sự kiện chào mừng Tuần lễ Festival Nghệ thuật Quốc tế Huế 2024, diễn ra trong một khu vườn - không gian xanh mát đầy sắc màu.
Trong đêm khai mạc tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 tối 7/6. Điện Kiến Trung, Đại Nội trở thành một không gian ánh sáng với rất nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, mãn nhãn, hòa trộn giữa truyền thống và hiện đại. Mùa lễ hội đã chính thức bắt đầu.
Trong chuỗi sự kiện chào mừng Tuần lễ Festival Nghệ thuật Quốc tế Huế 2024, Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán cũng đã hoan hỉ khai mạc triển lãm Văn hóa Phật giáo vào sáng ngày 07/06/2024, tại 15A Lê Lợi, Huế.
Chiều ngày 06/06/2024 tại Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị - 17 Lê Lợi Huế đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm mỹ thuật “Nét đẹp Phú Lộc qua nghệ thuật Ký họa”. Triển lãm hưởng ứng Tuần lễ Festival Nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 với chủ đề “Di sản văn hóa với Hội nhập và Phát triển”.
Thừa Thiên Huế tiếp tục có những nỗ lực bền bỉ trong tiến trình xanh hóa đô thị, cải tạo cảnh quan môi trường, hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong dịp này, nhiều hoạt động sôi nổi đã được tổ chức, nhân dịp hưởng ứng ngày Môi trường thế giới 5/6, Tháng hành động vì môi trường và đồng hành cùng Festival sắp khai mạc.
Di sản văn hóa cung đình được xem là hạt nhân, có ý nghĩa kết nối văn hóa Huế, trong một hệ thống đa dạng, đặc sắc, có giá trị quốc gia và mang tầm quốc tế. Mỗi dịp Festival, hệ thống di sản trở thành trung tâm trong nỗ lực bảo tồn, phát huy và sáng tạo.