Về một cách tiếp cận mới Truyện Kiều (1)

10:17 08/03/2015

ĐỖ LAI THÚY

Trong một vài năm gần đây, nhiều nhà phê bình và nghiên cứu văn học đã có những cố gắng đáng kể để thoát ra khỏi tình trạng tiếp cận văn học một cách xã hội học có phần dung tục, hướng đến cách tiếp cận mới xuất phát từ đặc trưng của chính bản thân văn học. Một trong nhiều đường hướng nghiên cứu có triển vọng đó là phong cách học.

Ảnh: internet

Cuốn Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều của Phan Ngọc là công trình chuyên khảo đầu tiên ở ta vận dụng phong cách học một cách có hệ thống để nghiên cứu phong cách của một tác giả qua một tác phẩm tất nhiên không phải đến Phan Ngọc thì phong cách tác giả mới được nghiên cứu, nhưng những công trình trước ông thường chỉ dựa vào cái định đề nổi tiếng của G.Buy-phông(2): phong cách là con người (Le style, c‘est l‘homme), tuy hết sức đúng đắn nhưng vì quá khái quát, nên khi vận dụng vào giải quyết những trường hợp cụ thể thì thường dẫn đến tình trạng chung chung hoặc tùy tiện. Vốn là một nhà ngôn ngữ học, Phan Ngọc đã nhạy bén tiếp thu được những thành tựu mới mẻ nhất của bộ môn phong cách học hiện đại của ngôn ngữ học thế giới để nghiên cứu phong cách Nguyễn Du. Quan niệm về phong cách của ông nhờ thế có lý luận, có cơ sở khách quan của ngôn ngữ, lại được cụ thể hóa bằng hệ thống các thao tác và sự vận hành chúng, phong cách theo ông, là một cấu trúc hữu cơ của tất cả các kiểu lựa chọn tiêu biểu hình thành một cách lịch sử, và chứa đựng một giá trị lịch sử có thể cho phép ta nhận diện một thời đại một thể loại, một tác phẩm hay một tác giả. (tr.22), và phong cách học là khoa học khảo sát các kiểu lựa chọn và giá trị biểu cảm của các kiểu lựa chọn ấy. (tr.15)

Quan niệm phong cách là kiểu lựa chọn cho phép tác giả đối lập một cách triệt để cái đã được Nguyễn Du lựa chọn trong Truyện Kiều với những cái ông không lựa chọn (cái chuẩn của thời đại, cái mà những người sống trước ông, cùng ông đã chọn để tìm ra giá trị nghệ thuật của nó.

Đối lập lớn nhất mà Phan Ngọc thực hiện trong công trình của ông là sự đối lập Truyện Kiều với truyền thống văn học Trung Quốc thông qua sự so sánh tác phẩm của Nguyễn Du với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Bằng cách chỉ ra những ứng xử nghệ thuật riêng của Nguyễn Du, ông đã chứng minh được một cách khoa học rằng Truyện Kiều không phải là một bản dịch ra thơ một tác phẩm văn xuôi của Trung Quốc mà là một sáng tạo độc đáo của văn học Việt Nam và của cá nhân Nguyễn Du. Đọc những trang phân tích chí lý của ông, chúng ta không còn thấy tiếc là một thiên tài như Tố Như mà không đưa được vào tác phẩm của mình bóng dáng một cây tre để cho có tính chất dân tộc, như một nhà thơ có tiếng trước đây đã than phiền(!).

Thiên tài Nguyễn Du đã cải biến câu chuyện tình và khổ nhàm chán thành câu chuyện của tài và mệnh vốn giàu chất triết lý và đang trở thành một kinh nghiệm nhân sinh sâu sắc của thời đại ông. Viết Truyện Kiều, Nguyễn Du đã phải chống lại cả cái áp lực của truyền thống tiểu thuyết chương hồi thiên về mưu mô và hành động với lối kết cấu xâu chuỗi những yếu tố độc lập để tạo ra một hướng đi mới: tiểu thuyết tâm lý với phương pháp phân tích tâm lý tàn nhẫn. Truyện Kiều, nhờ thế, đã trở thành một cuốn sách của một nghìn tâm trạng có sức mê hoặc lòng người. Và cũng nhờ thế mà toàn bộ hệ thống thi pháp Truyện Kiều cũng rẽ sang một nẻo khác, mới mẻ hơn chẳng những so với tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc mà cả với truyền thống truyện thơ nôm Việt Nam với bố cục của kịch, phương pháp tự sự không khách quan chủ nghĩa, nhân vật ngồi một mình... và sự xuất hiện của các phạm trù văn học mới như ngôn ngữ tác giả, ngôn ngữ nhân vật, ngôn ngữ thiên nhiên...

Đối lập lớn thứ hai của Phan Ngọc là so sánh Truyện Kiều với các truyện thơ và ngâm khúc của thời đại ông để chỉ rõ thêm cái bước đổi mới mà Nguyễn Du đã làm được trong nghệ thuật của mình. Đó là xu hướng dân chủ hóa trong nội dung tư tưởng, trong thể thơ, trong ngôn ngữ của Truyện Kiều. Xuất thân trong một gia đình quý tộc nòi, được đào luyện trong dòng văn chương bác học từ tấm bé, Nguyễn Du đủ sức viết lên những câu thơ kinh người với lối kiến trúc đối xứng, điêu khắc kỳ khu kiểu Cung oán ngâm khúc. Nhưng ông đã từ bỏ con đường đó để đến với tiếng nói của những người trồng dâu và trồng gai, để viết lên Truyện Kiều. Phan Ngọc đã gọi một cách rất đúng ứng xử đó của Nguyễn Du là hành động của con cá chép nhả bỏ viên ngọc quý để sức vượt vũ môn hóa rồng. Tuy vậy, con rồng đó vẫn mang bộ da có vảy cá chép, bởi vì "các nghệ sĩ thời quân chủ chỉ múa có một tay, một tay họ bị buộc chặt vào truyền thống (tr. 266). Có hiểu được sự trói buộc của thời đại như vậy chúng ta mới thấy hết được cái thống nhất trong sự mâu thuẫn của nghệ thuật Nguyễn Du: Chỗ này thì ước lệ, cổ điển, chỗ kia thì sinh động, hiện thực... Nhưng điều đáng nói là trên cái vũ đài chật hẹp đó, Nguyễn Du đã múa rất đẹp, và nhiều vũ điệu của ông đã đi trước thời đại, vượt thời gian.

Không dừng lại ở chỗ chỉ ra phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Phan Ngọc còn tiến thêm một bước nữa là lý giải nó bằng những cơ sở kinh tế - xã hội và lịch sử văn hóa của thời đại bấy giờ. Nhân tố cơ bản, theo ông, là sự xuất hiện của tầng lớp thương nhân phong kiến trên cơ sở phát triển nội, ngoại thương thời Trịnh - Nguyễn. Đồng tiền thương nghiệp đã dần dà phá vỡ các khuôn mẫu nho giáo và tư tưởng công xã nông thôn để tạo nên một quan niệm sống mới - lối sống thị dân, và con người tài tử trở thành nhân vật trung tâm của thời đại thay thế cho kiểu người quân tử của thời đại trước. Bằng những tri thức sâu rộng có tính chất liên ngành, bằng một ngôn ngữ sôi nổi, đầy hứng khởi, lập luận sắc bén, Phan Ngọc đã thuyết phục được bạn đọc ở nhiều luận điểm.

Tuy nhiên, đọc Tìm hiểu… bạn đọc luôn rơi vào thế lưỡng đối gay gắt. Một mặt, bị thuyết phục bởi những khám phá mới mẻ, những ý tưởng lóe sáng của tác giả, mặt khác, "lý trí lành mạnh" của bạn luôn phản ứng chống lại những cực đoan máy móc mà tần số xuất hiện của chúng đậm đến nỗi tạo ra cái có thể gọi là "phong cách Phan Ngọc". Giải phẫu cái cực đoan máy móc đó, của Phan Ngọc chúng tôi thấy nguyên nhân của nó, một mặt, chủ yếu ở những vấn đề có tính chất học thuật chưa được giải quyết sai lầm, mặt khác, phần nào ở cá tính của nhà nghiên cứu.

Lý thuyết về phong cách do Phan Ngọc trình bày là dựa trên cơ sở của ngôn ngữ học hiện đại. Đó chính là phong cách của ngôn ngữ văn học. Vậy mà ông đã vận dụng nó như là phong cách văn học, phong cách nghệ thuật, thậm chí cả phong cách đời sống là những lĩnh vực rõ ràng khác biệt nhau mà chưa giải quyết được về mặt lý luận tại sao lại có thể "vượt biên" như vậy được, tại sao lại có thể "mổ trâu bằng dao giết gà" như vậy được, phải chăng ngôn ngữ văn học, nghệ thuật đồng nhất với nhau ở bản chất ký hiệu hay tính hệ thống của chúng? chính vì sự "bỏ trắng" đó mà việc sử dụng phong cách học của Phan Ngọc chỉ đặc biệt thành công, hoàn chỉnh ở những chương có liên quan đến ngôn ngữ học như Ngôn ngữ Truyện Kiều, Câu thơ Truyện Kiều, Ngữ pháp Nguyễn Du hoặc ở nhưng chương phân tích về phương pháp tự sự, đặc điểm thể loại và bố cục của Truyện Kiều. Còn ở những chương bàn về tư tưởng hoặc nhận thức luận Truyện Kiều thì phong cách học tỏ ra lúng túng, gò ép hay sa vào máy móc cực đoan. Ví như phong cách học buộc Phan Ngọc phải chứng minh bằng được tư tưởng tài mệnh tương đối do bản thân Nguyễn Du sáng tạo ra thì thao tác lựa chọn đó mới có giá trị. Thế là tác giả phải lao vào chứng minh một điều không thể chứng minh được đó, đơn giản chỉ vì ông không tài nào dù thời gian đọc hết được thiên kinh vạn quyển sách cổ Trung Quốc và kinh Phật để cả quyết rằng Nguyễn Du không hề vay mượn tư tưởng này ở đâu cả. Thực ra trong giao lưu văn hóa, chuyện vay mượn tư tưởng là bình thường. Điều quan trọng là biến được một tư tưởng vay mượn, mòn sáo thành tư tưởng máu thịt ấm nồng hơi thở của bản thân mình và thời đại mình. Nguyễn Du đã làm được như vậy, và, với ý nghĩa đó, tài mệnh tương đối là tư tưởng của ông. Nếu cứ cố chấp mà chứng minh như vậy, e rằng trong khi chống chủ nghĩa Châu Âu trung tâm, Trung Quốc trung tâm lại sa vào tư tưởng Việt Nam trung tâm, thậm chí "Nguyễn Du trung tâm". Hoặc nói Truyện Kiều là cuốn sách của ngàn tâm trạng thì rất hay, nhưng tiến thêm một bước nữa để khái quát văn học Việt Nam là văn học tâm trạng đối lập với văn học Trung Quốc và Ấn Độ là những nền văn học của những hình tượng kỳ vỹ thì cần phải thận trọng hơn. Tóm lại, khi áp dụng phong cách học vào văn học, một khi không đủ các dữ kiện khách quan, tác giả phải cầu viện đến các suy đoán chủ quan, đôi khi cả các uy tín chính trị, thì dẫn đến cực đoan, máy móc.

Cơ sở của thao tác luận của Phan Ngọc là ở chỗ ông coi quá trình sáng tạo văn học như là một quá trình sản xuất vật chất. Từ đó ông phân giải quá trình sáng tạo ra thành những thao tác lựa chọn giản đơn để nghiên cứu. Điều đó không có gì là sai lầm, nếu ông không đồng nhất hai quá trình đó với nhau. Làm như vậy, Phan Ngọc đã phá vỡ đặc trưng của văn học, đồng nhất sản phẩm sản xuất vật chất là thứ sản phẩm hàng loạt, phi cá tính với tác phẩm văn học là sản phẩm có tính chất duy nhất, in đậm dấu ấn của chủ thể sáng tạo, xét cho cùng, như vậy là vô hình dung Phan Ngọc đã phủ nhuận luôn cả lý do tồn tại của chính công trình của ông: tìm hiểu phong cách tác giả - chủ thể sáng tạo.

Cũng cần phải nói rõ là nhà phong cách học có quyền căn cứ vào tác phẩm như là kết quả cuối cùng của một quá trình sáng tạo để phân giải nó ra thành các thao tác lựa chọn nhằm hiểu sâu giá trị nghệ thuật của tác phẩm, nhưng trong thực tế sáng tác thì nhà văn tiến hành lựa chọn (tức sáng tác) chủ yếu bằng trực giác nghệ thuật chứ không kinh qua chuỗi lựa chọn duy lý như nhà nghiên cứu đã phân tích. Bởi thế nên tác phẩm văn học mới truyền được cho bạn đọc một sự tiếp nhận tức thì và trọn vẹn, và đồng thời không phải ai học được các thao tác nghệ thuật cũng tạo ra được tác phẩm nghệ thuật. Nếu gạt bỏ trực giác thì nghệ thuật khác gì thủ công, viết một tác phẩm văn học khác gì giải một bài toán. Đòi viết một thứ lịch sử văn học như lịch sử khoa học tự nhiên, tức là giai đoạn sau tiến bộ hơn giai đoạn trước, nhà thơ sau Nguyễn Du phải hơn Nguyễn Du, Phan Ngọc chẳng những đã máy móc coi văn học như khoa học mà còn cưỡng lại thực tế lịch sử của chính văn học.

Sau cùng, những cực đoan máy móc của Phan Ngọc, một mặt, do bản thân phương pháp nghiên cứu cứ phải quy tác phẩm vào một sơ đồ ít nhiều tiên nghiệm, mặt khác, do bản tính con người của tác giả. Người đọc có cảm tưởng rằng con người nghiên cứu trong Phan Ngọc đôi khi bị lấn át bởi con người tư tưởng trong ông, mà nhà tư tưởng thì vốn dĩ thích đẩy các ý tưởng, các suy nghĩ đến tận cùng và thể hiện chúng ra bằng các hình thái gây ấn tượng nhất. Cho nên, mặc dù có phương pháp khách quan, mong muốn khách quan, Phan Ngọc vẫn luôn luôn vi phạm cái bước duy nhất từ khách quan sang chủ quan. Nhiều chỗ tác giả đang phân tích rất khách quan thì bỗng như lạc ở đâu vào những câu bình luận rất chủ quan không ăn nhập gì với tình thế lô gích của lập luận. Như đang nói về hệ thống thi pháp của thơ mới thuộc phạm trù ý hệ tư sản tiến bộ hơn thơ luật thuộc phạm trù ý thức hệ phong kiến thì tác giả bỗng chen vào một bình luận không đâu "chính điều đó mới là cái cơ bản, cái đẩy họ tức là các nhà thơ mới) đến với cách mạng một cách khá thoải mái" (tr. 218). Thế là ông đã lẫn lộn văn học với chính trị. Vì thị hiếu thẩm mỹ và chính kiến chính trị không phải bao giờ cũng song hành với nhau. Hoặc đương phân tích rất hay về bố cục theo dạng kịch của Truyện Kiều thì ông lại hạ một câu rất cực đoan "Loài người vẫn tìm thấy ở đây (tức ở kịch) vô số những lời giải đáp cho vô số trường hợp trong cuộc đời của họ, tính tư tưởng của nó (tức của kịch) cao hơn hẳn mọi thể loại khác" (tr.183).

Những câu bình luận chủ quan, nhưng triết luận ngoại đề, những khái quát non... như vậy của Phan Ngọc, dẫu sao, cũng đã tạo nên một phần đặc sắc của cuốn sách. Nó đặt ra nhiều vấn đề rất đáng được bàn bạc, thảo luận như cá tính nhà phê bình nên thể hiện như thế nào trong công trình nghiên cứu, đâu là sự tiếp giáp giữa phê bình và sáng tác, nghiên cứu văn học cổ gắn với những nhu cầu bức xúc của thời đại như thế nào... Tuy nhiên, trong một công trình mà tác giả lấy tính khách quan làm mục đính như Tìm hiểu... thì đó là một khuyết điểm đáng phải nêu ra.

Tóm lại, Tìm hiểu... với tính cách là một cuốn sách mở đường cho một hướng tiếp cận văn học mới đã có nhiều đóng góp hết sức quý báu, nhiều gợi ý sâu xa, còn những nhược điểm của nó thì lại thuộc vào loại nhược điểm tạo ra được những phản đề thách đố sự suy nghĩ của người đọc. Dĩ nhiên khác với thưởng thức một tác phẩm văn học, đọc một công trình nghiên cứu mà bị buộc phải làm một "đồng sáng tạo" như vậy thì quá mệt, nhưng một khi lật lại được những phản đề đó thì bạn đọc bỗng thấy mình hiểu sâu sắc hơn vấn đề tác giả đang đề cập đến, năng lực tư duy của bạn được nâng cao hơn, sự khó nhọc được đền bù...

5.1987
Đ.L.T
(SH34/12-88)


------------------
(1) Phan Ngọc - Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều - Khoa học xã hội, 11.1985
(2) G. Buy-phông (1707-1788), nhà văn, nhà tự nhiên học, người Pháp tác giả công trình "Luận về phong cách" nổi tiếng.




 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRẦN HUYỀN SÂMTrong một nghiệp bút, hình như có tính quyết định bởi những cú sốc. Hoặc là cú sốc ái tình, hoặc là cú sốc chính trị, hoặc là sự thăng hoa của một miền ký ức nào đó ở tuổi hoa niên. Tiểu thuyết gia, chính trị gia Peru: Mario Vargas Llosa - người vừa được vinh danh giải Nobel văn học, dường như đã “chịu” cả ba cú sốc nói trên.

  • LTS: Thơ Haiku Nhật Bản thế kỷ XVII không dùng lối nói bóng gió, không tìm kiếm những nét tương đồng giữa “thế giới bên trong” của con người và hiện thực “bên ngoài” để tạo ra cầu nối giữa con người với thế giới, con người với con người. Haiku dùng những biểu tượng hàm súc ứ đầy thông tin và cảm giác để khắc họa con người trong nhất thể với thế giới. Đường thi cũng rất ít xuất hiện trường hợp dùng lối nói ẩn dụ, mà bộc lộ trực tiếp ý tưởng và ưa thích liên tưởng mà không cần viện tới cái tương đồng.

  • LGT: 1. Dịch giả, nhà phê bình Trần Thiện Đạo( sinh 1933) định cư ở Pháp từ thập niên 50. Sống hơn nửa thế kỷ ở Paris, Trần Thiện Đạo đã thâm ngấm sâu sắc ngôn ngữ và văn minh Pháp. Tuy nhiên, cảm thức cội nguồn vẫn luôn tiềm tàng trong tâm thức của một người trí thức sống lưu vong. Miệt mài, đam mê đến khổ hạnh, ông đã tạo lập một vị trí đặc biệt trong dòng đối lưu văn chương Pháp -Việt.

  • NGUYỄN THANH TÂM1. Thơ vốn dĩ là sản phẩm của đời sống tinh thần, là sự biểu hiện một cách tinh tế những diễn biến nội tâm của chủ thể sáng tạo. Ngôn từ vẫn luôn là chất liệu với nội lực biểu hiện vô song của nó. Các nhà thơ dù ở thời đại nào, trong môi trường văn hóa, lãnh thổ nào cũng không thể thoát ra khỏi sự ràng buộc tự nhiên của cái biểu đạt ấy để hướng tới cái được biểu đạt ẩn sâu sau những “lựa chọn” và “kết hợp” có giá trị mĩ học.

  • MAI VĂN HOANKỷ niệm 70 năm ngày mất Hàn Mặc Tử (11/11/1940 - 11/11/2010)Hàn Mặc Tử tên thật Nguyễn Trọng Trí, sinh năm 1912, mất năm 1940. Quê Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình. Tổ tiên họ Phạm, ông cố Phạm Nhương, ông nội Phạm Bồi, vì liên can quốc sự trốn vào Thừa Thiên đổi ra họ Nguyễn. Cha là Nguyễn Văn Toản, mẹ là Nguyễn Thị Duy.

  • PHONG LÊHôm nay theo tôi quan niệm là một thời gian khá dài, nếu tính từ khởi động của công cuộc Đổi mới với Đại hội Đảng lần thứ VI - 1986.

  • THÁI DOÃN HIỂUVì sao Nguyễn Du viết Truyện Kiều? Mục đích viết Kiều để làm gì?... là những câu hỏi bức bối trong suốt thời gian tôi còn làm ông giáo đứng trên bục giảng. Tôi đã viết một chuyên luận dài 200 trang để trả lời câu tự vấn trên. Dưới đây là bản tóm tắt ghi bằng thơ để bạn đọc dễ tiếp thu và ghi nhớ.

  • L.T.S: Tối 27-3-1984, tại Huế, giáo sư Xi-đô-rốp, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Liên Xô, hiệu phó học viện Gooc-ki và là nhà lý luận Văn học nổi tiếng của Liên Xô, đã đến tham dự cuộc tọa đàm về các vấn đề văn học với các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở Bình Trị Thiên. Sau đây là những ý kiến của giáo sư về các vấn đề đặt ra trong cuộc tọa đàm, qua lời phiên dịch của nhà thơ Bằng Việt, do Hoàng Phủ Ngọc Tường ghi lại.

  • MAI VĂN HOANTheo thần thoại Hy Lạp, vị thần đầu tiên xuất hiện trên thế gian là thần Ái tình. Thần Ái tình là một đứa bé có cánh với cây cung bên người, ngọn đuốc cầm tay mang tình yêu đến với những trái tim. Tình yêu - nguồn đề tài không bao giờ cạn của văn học nói chung và thơ ca nói riêng.

  • LƯƠNG ANNhớ có một bài thơ “nói láo” nào đó, khi kết thúc đã nói đến một điều không thể được là làm cho “mấy nàng công chúa phải say mê”. Bài thơ nói đúng với những chàng trai bất tài. Còn trường hợp có tài thì sự việc sẽ khác. Một câu chuyện tình trong đời của nhà thơ Nguyễn Hàm Ninh đã chứng minh điều đó.

  • TRẦN ĐÌNH SỬ1. Văn học - hiện thực là một trong bốn quan hệ cơ bản của văn học nghệ thuật

  • PHAN TUẤN ANH “Trên thực tế, mỗi người chỉ viết một cuốn sách. Chỗ khó là làm sao biết được cuốn sách nào đang được một người viết ra. Trong trường hợp của tôi, điều người ta nhắc đến thường xuyên nhiều hơn cả là cuốn sách về làng Macondo…” (G.G.Marquez).

  • NGUYỄN ĐỨC TÙNGNếu chiều mưa một cây đàn ghi-ta có ai cầm lên, ngân vài nốt nhạc, thời gian sẽ chậm lại, mọi người ngồi gần vào nhau, im lặng chờ nghe.

  • VÕ XUÂN TRANGỞ Bình Trị Thiên có hai câu hò cả nước đều biết, nhưng lâu nay được ghi theo nhiều cách khác nhau.

  • LÂM THỊ MỸ DẠQuá trình cảm thụ thế giới:Những tứ thơ tức là những yếu tố nội dung cấu trúc nên một tác phẩm thi ca. Nói rộng tức là những yếu tố làm nên thế giới thi ca của một nhà thơ.

  • PHẠM PHÚ PHONG(Nhân đọc Hai mươi nhà văn, nhà văn hoá Việt thế kỷ XX)

  • Cuộc đấu tranh chống tiêu cực đang là một mặt trận nóng bỏng trong cuộc sống hiện nay và việc viết về “đề tài chống tiêu cực” đang là vấn đề thời sự được không ít người viết, bạn đọc cũng như các cơ quan chỉ đạo văn nghệ quan tâm.

  • ĐỖ QUYÊNVài năm nay, người Việt ở khắp nơi, trong và cả ngoài văn giới, tranh luận rất nhiều về trào lưu Hậu hiện đại (Postmodernism) như một nan đề. Dù đồng ý hay không đồng ý với nó, ai cũng mong muốn cần đổi mới trong xu hướng văn chương của Việt Nam và mang tinh thần thế giới.

  • (Note sur les cendres des Tây Sơn dans la prison du Khám Đường, par Nguyễn Đình Hòe, B.A.V.H. 1914 p. 145-146)

  • INRASARA1. Lạm phát thơ, ra ngõ gặp nhà thơ, người người làm thơ nhà nhà làm thơ, thơ nhiều nhưng nhà thơ không có bao nhiêu… Đã thấy khắp nơi mọi người kêu như thế, từ hơn chục năm qua(1). Kêu, và bắt chước nhau kêu. Kêu, như thể một phát âm rỗng, vô nghĩa, hết cả sức nặng. Từ đó tạo thành thói quen kêu, nhàm và nhảm.