PHAN NAM SINH
(bàn thêm với nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân)
Ảnh: internet
Xin tự giới thiệu với anh, tôi là con thứ tám trong số mười người con của nhà văn - nhà báo Phan Khôi. Đã từ lâu tôi mong được gặp anh để cảm ơn anh về công trình Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo được biên soạn rất công phu về ông thân sinh tôi nhưng chưa có dịp. Tôi sẽ làm điều đó khi có điều kiện ra Hà Nội, còn hôm nay xin phép được trao đổi với anh về bài báo Suýt chuốc họa vì… thơ Tết của anh đăng trên Tuổi Trẻ Cười số Xuân Kỷ Sửu (1999). Gọi là trao đổi với anh về bài báo nhưng thực ra chỉ tập trung vào bài thơ của ông thân sinh tôi mà giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã giúp anh “cài chữ Hán, dịch nghĩa và dịch thơ” như anh đã viết trong bài báo.
Năm 1912, theo âm lịch là năm Nhâm Tý vì vậy tôi mạn phép đặt tên cho bài thơ của ông thân sinh tôi viết vào đầu năm này là Nhâm Tý khai bút để tiện trao đổi với anh.
Tình thực, tôi chưa hề biết bài thơ này trước khi nhận được số báo Tuổi Trẻ Cười Xuân Kỷ Sửu do người anh ruột của tôi là Phan Trản ở TP. Hồ Chí Minh gửi cho, kèm theo là một số nghi vấn về tính chính xác ở phần chữ Hán lẫn phần dịch nghĩa, dịch thơ của giáo sư Nguyễn Huệ Chi.
Đọc bài của anh, biết thêm một bài thơ, một vài chi tiết trong cuộc đời của cha mình, tôi rất lấy làm vui. Tôi đã nhiều lần đọc lại nguyên văn và bản dịch bài thơ, cố để nhớ nhập tâm. Có lẽ nhờ thế mà cũng như anh tôi, tôi cho rằng có thể một vài chỗ giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã nhầm. Tôi chỉ dám nói là “có thể” thôi vì từ lâu tôi đã đọc và học sách của giáo sư, còn những gì tôi biết được để trao đổi với anh hôm nay phần nhiều là do tự học mà có.
Tôi nghĩ hai chữ “lăng tiêu” trong câu thứ ba của bài Nhâm Tý khai bút không thể viết như giáo sư Nguyễn Huệ Chi là 淩 瀟 mà phải viết là 凌 霄 mới đúng. Bởi chữ “lăng” viết như giáo sư Huệ Chi (淩) tuy là dạng khác của chữ “lăng” (凌) nhưng khi kết hợp với “tiêu” (霄) thì phải viết là 凌. Còn chữ “tiêu” như ông Huệ Chi viết (瀟) là tên khác của sông Nê Giang (泥 江) thường kết hợp với “tương” (湘) để thành “Tiêu Tương” (瀟 湘) tên hai con sông hợp lưu với nhau ở địa phận tỉnh Hồ Nam - Trung Quốc, nơi vua Thuấn đi tuần thú và chết ở đó. Hai bà vợ đi tìm ngồi khóc làm tre hai bên bờ sông lốm đốm như trổ đồi mồi. “Tiêu Tương” trở thành biểu tượng cho sự trai gái thương nhớ nhau, theo tôi không có liên quan gì đến nội dung của bài “khai bút” cả. Hơn nữa theo chỗ tôi biết, chữ “tiêu” như ông Huệ Chi viết (瀟) không có khả năng kết hợp với yếu tố “lăng” (凌) trước nó để thành từ ghép “lăng tiêu” (凌 瀟) với nghĩa là “bất chấp gió sương” như giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã dịch. Còn chữ “tiêu” mà tôi nói (霄) lại có khả năng kết hợp với yếu tố “lăng” trước nó và yếu tố “khí” sau nó để thành tổ hợp “lăng tiêu khí” (凌 霄 氣) như trong bài thơ với nghĩa là “khí bốc ngút trời” rất có quan hệ đến nội dung bài “khai bút” của ông thân sinh tôi. Vì vậy câu thứ ba của bài thơ theo tôi phải dịch là “khí lạ (chỉ hương quế và hương xuân) bốc ngút trời mà không người nào biết” mới hy vọng đúng với ý đồ của tác giả bài thơ. Chỉ có “khí” hay “hương” thì mới có thể “theo gió xuân cùng đến trong một đêm”, còn như “khí cốt” dù cho là “khí cốt kỳ lạ” như giáo sư Nguyễn Huệ Chi hiểu và dịch thì cũng không làm sao có thể theo đến cùng với gió xuân được! Vả lại, “kỳ khí” mà dịch là “tiết cứng” thì có thể đúng khi nói về cây trúc, cây mai còn khi nói về cây quế thì nghe có vẻ như “ép” mà cũng không có cơ sở và tiền lệ thật vững vàng. Lại điều này nữa cũng nên chú ý là trong cuộc đời thực cũng như trong thơ văn, trong các bài đăng báo, tôi chưa từng bao giờ nghe ông thân sinh tôi tự khen hay khoe cái “tiết cứng” của mình dù là một cách kín đáo hay bóng bẩy cả. Vả lại, hồi này ông chỉ mới 25 tuổi. Ở vào cái tuổi đó, hỏi sự từng trải đã được bao nhiêu, thử thách cũng chưa nhiều, làm sao ông dám mạo nhận mình là người có “tiết cứng” được? Có lẽ giáo sư Huệ Chi vì nghe nói hoặc chứng kiến vài biểu hiện khí tiết như thế nào đó của ông thân sinh tôi rồi bị ám ảnh hoặc vì yêu quá mà dịch như vậy chăng?
Vì những lẽ trên, tôi mạn phép “cài” lại chữ Hán, phiên âm và thử dịch ra thơ Đường luật và thơ lục bát theo cách hiểu và cảm của mình để giới thiệu cùng bạn đọc quan tâm tới Phan Khôi và cũng là để anh rõ hơn ý tôi:
Nguyên văn: “壬 子 開 筆”
春 日 無 花 亦 復 佳
庭 前 尚 有 桂 新 栽
凌 霄 奇 氣 無 人 識
曾 共 東 風 — 夜 來
Phiên âm: “Nhâm Tý khai bút ”
Xuân nhật vô hoa diệc phục giai
Đình tiền thượng hữu quế tân tài
Lăng tiêu kỳ khí vô nhân thức
Tằng cộng đông phong nhất dạ lai
Dịch nghĩa:
Ngày xuân không có hoa mà vẫn đẹp
Trước sân có mấy cây quế mới trồng
Khí lạ ngút trời mà không người nào biết
Cùng theo gió xuân về trong đêm nay
Dịch thơ (Thể Đường luật):
Xuân đến không hoa cũng tốt thay
Trước sân trồng mới quế vài cây
Ngút trời khí lạ không người biết
Theo gió xuân về kịp tối nay…
(Thể lục bát):
Không hoa cũng đẹp ngày xuân
Quế non mấy gốc trước sân mới trồng
Ai hay hương lạ một vùng
Nửa đêm vấn vít về cùng gió xuân…
Nguyên văn chỉ nói “quế mới trồng” mà không nói số cây. Giáo sư Huệ Chi dịch hẳn là “một cây”. Hồi còn nhỏ ở Quảng Nam quê tôi, thấy có nhiều nhà trồng quế trong vườn để lấy vỏ làm thuốc và hình như còn nhờ hương cây để xua đuổi tà ma gì đó nhưng ít ai trồng một cây nên tôi dịch là “vài cây” hoặc “mấy gốc”. Nguyên văn câu cuối trong bài cũng chỉ nói “cùng đến trong một đêm” mà không nói rõ là đêm nào. Có lẽ giáo sư Huệ Chi cho rằng tác giả làm bài khai bút vào sáng mồng một tết nên dịch ngay là “tối qua”. Tôi đọc sách thấy nói các cụ ta thường cũng uống trà và làm thơ khai bút ngay trong đêm giao thừa nên dịch là “tối nay” hoặc “nửa đêm”. Thực ra, nếu “kỳ khí” mà là “tiết cứng” như giáo sư Huệ Chi hiểu thì lúc nào mà chẳng được, cứ gì phải “tối qua” hay “tối nay”, nhưng nếu là “hương quế và hương xuân” như tôi hiểu thì dịch là “tối nay” nghe có vẻ hợp lý hơn. Nhà thơ cho dù là nhạy cảm hơn người thường thì cũng là con người, ai chẳng dễ cảm nhận và dễ xúc động khi hương còn đang hiện hữu hơn là khi hương đã lùi vào quá khứ.
Nhớ như vào năm 1928, khi đang viết cho tờ Đông Pháp thời báo ở Sài Gòn, ông thân sinh tôi đã có lần bàn về thơ hay. Theo ông thơ hay có hai cách: một cách hay “tự nhiên”, một cách hay “đúc đắn” nhưng hình như ông nghiêng về phía thơ hay tự nhiên hơn. Ông viết: “Tự nhiên thì có phần lưu lợi, đúc đắn thì có vẻ trang nghiêm. Nhưng trang nghiêm thì thường được bên văn từ, mất bên tính tình; mà lưu lợi thì có thể lưỡng toàn hơn”. Đọc hai bản dịch trên, cứ cho là đúng với nguyên văn cả đi, thì dẫu là người ít kinh nghiệm đọc thơ cũng dễ dàng nhận thấy bản dịch của giáo sư Nguyễn Huệ Chi nếu quả có cái hay thì là cái hay “đúc đắn” còn bản dịch như tôi đề nghị có lẽ “tự nhiên” hơn, rõ ràng phù hợp hơn với quan niệm về thơ của tác giả.
Cũng trong bài báo trên, anh đã dựa theo lời kể của chính Phan Khôi trên tờ Điện Tín số Xuân Bính Tý (1936) xuất bản tại Sài Gòn, nhắc tới tai họa mà ông thân sinh tôi suýt phải gánh chịu vì bài thơ này. Theo đó thì một lần Phan Khôi cho ông cử Mai Dị, một yếu nhân của phong trào Đông Du mượn sách, vô tình trong có để bài thơ của mình. Ít lâu sau ông Cử bị xét nhà, bài thơ rơi vào tay mấy ông quan người An Nam. Các ông này dựa vào hai chữ “đông phong” có trong bài thơ và mấy chữ “Châu Nam - Phan thị” (người họ Phan, tên Châu Nam) ở phần lạc khoản, định ghép Phan Khôi vào tội mưu đồ làm Phan Bội Châu ở phương Nam để cổ suý cho phong trào Đông du. Công sứ Quảng Nam lúc đó là Lesterlin do không tin mấy ông quan “hay chữ” này, vả lại cũng không có bằng chứng gì rõ ràng nên đã lệnh cho bọn họ thôi không truy cứu vụ này nữa. Thế là Phan Khôi may nhờ có Lesterlin mà thoát nạn! Tuy vậy, do phải chịu cái ơn hờ của viên công sứ mà Phan Khôi đã phải chuốc lấy những hồ nghi dài dài từ không ít đồng bào của mình.
Tôi đọc sách cũng như những bài viết của giáo sư Nguyễn Huệ Chi trên tạp chí Nghiên cứu Văn học từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước nhưng rất tiếc là chưa bao giờ được hân hạnh diện kiến. Hồi 1960 - 1962, tôi có học chung với em ruột giáo sư là Nguyễn Du Chi nhưng từ hồi ra trường tới giờ tôi chưa được gặp lại. Khi nghe tin tôi viết bài này, anh tôi lại gọi điện cho biết là trên “mạng” có bài gì đó của giáo sư có nhắc đến bài phê bình của ông thân sinh là Nguyễn Đổng Chi phản đối ông thân sinh tôi hồi xảy ra vụ Nhân văn - Giai phẩm. Tôi sẽ tìm đọc để biết hơn năm mươi năm sau ý kiến của giáo sư có khác gì với cụ thân sinh không. Còn như bài phê bình của tác giả Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam hồi đó thì đến nay tôi vẫn còn nhớ, thậm chí cả cảm xúc của mình nữa mặc dầu hồi đọc nó tôi chỉ mới mười bảy, mười tám tuổi còn bây giờ cũng đã hơn bảy mươi rồi. Viết mấy dòng này để nếu anh có trao đổi lại với giáo sư hoặc may mắn giáo sư đọc được bài viết ngắn này, xin cho tôi chân thành gửi lời cám ơn tới giáo sư về những gì của ông mà tôi đã từng đọc, riêng cám ơn giáo sư về việc ông đã cài chữ Hán, dịch nghĩa và dịch thơ bài Nhâm Tý khai bút của ông thân sinh tôi mà nhờ đó tôi mới lần đầu tiên được biết dù có hơi muộn.
Tôi không muốn chỉ vì một bài thơ ngắn mà thêm một lần nữa ông thân sinh tôi lại bị hiểu lầm, dù lần này là với rất nhiều thiện ý của anh và cả của giáo sư Nguyễn Huệ Chi. Bởi vậy tôi viết mấy dòng này để trao đổi cùng anh, hy vọng nhờ đó mà cải chính mọi hiểu lầm về bài thơ này của ông thân sinh tôi. Mong anh lưu ý và nếu thấy đúng như lời tôi nói thì tùy ý sử dụng trong các sưu tập tiếp theo về ông thân sinh tôi.
P.N.S
(SH301/03-14)
NGUYỄN THỊ THANH LƯU
Đã từ rất lâu rồi, tôi hài lòng với việc đọc thơ trong màu xám của một nỗi tuyệt vọng - nỗi tuyệt vọng không bao giờ phân tách nổi trắng đen giữa đám sương mù xám đặc dường như chỉ có dấu hiệu đậm dần lên trong những lớp lang chữ nghĩa, trong cách ngắt nhịp, buông vần.
MAI VĂN HOAN
Lẽ ra tôi không viết bài này. Thiết nghĩ văn chương thiên biến, vạn hóa, mỗi người hiểu một cách là chuyện bình thường. Tốt nhất là nên tôn trọng cách nghĩ, cách cảm thụ của người khác.
TRIỀU NGUYÊN
1. Đặt vấn đề
Nói lái được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp thông thường, và trong văn chương (một lối giao tiếp đặc biệt). Để tiện nắm bắt vấn đề, cũng cần trình bày ở đây hai nội dung, là các hình thức nói lái ở tiếng Việt, và việc sử dụng chúng trong văn chương.
NGUYỄN KHẮC PHÊ
(Đọc tiểu thuyết “Huế ngày ấy” của Lê Khánh Căn, Nxb. Quân đội nhân dân, 2006).
HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
(Đọc “Song Tử” của Như Quỳnh de Prelle)
VŨ TRỌNG QUANG
Trần Thiên Thị viết tắt TTT hay đọc là 3 Tê, tôi liên tưởng đến những T thơ ca:
GIÁNG VÂN
Tôi gọi chị là “ Người truyền lửa”.
LGT: Trong khi giở lại tài liệu cũ, tình cờ chuỗi thơ xuân năm Ất Dậu 2005 của Thầy Trần Văn Khê xướng họa với chị Tôn Nữ Hỷ Khương và anh Đỗ Hồng Ngọc rơi vào mắt.
Là một nhà văn có sự nghiệp cầm bút truân chuyên và rực rỡ, sau cuốn tiểu thuyết “Chuyện ngõ nghèo”, có thể coi như cuốn tự truyện của nhà văn, Nguyễn Xuân Khánh chủ trương gác bút. Bởi ông biết mỗi người đều có giới hạn của mình, đến lúc thấy “mòn”, thấy “cùn” thì cũng là lúc nên nghỉ ngơi.
Nhà văn Ngô Minh nhớ ông và bạn văn cứ gặp nhau là đọc thơ và nói chuyện đói khổ, còn nhà thơ Anh Ngọc kể việc bị bao cấp về tư tưởng khiến nhiều người khát khao bày tỏ nỗi lòng riêng.
Tháng 4.1938, Toàn quyền Đông Dương đã “đặt hàng” học giả Nguyễn Văn Huyên thực hiện công trình Văn minh Việt Nam để dùng làm sách giáo khoa cho bộ môn văn hóa VN trong các trường trung học. Một năm sau, công trình hoàn thành nhưng lại không được người Pháp cho phép xuất bản.
TRẦN HOÀI ANH
NGUYỄN VĂN MẠNH
Kỷ niệm 140 năm ngày sinh Cụ Huỳnh Thúc Kháng
MAI VĂN HOAN
Vào một ngày cuối tháng 5/2016 nhà thơ Vĩnh Nguyên mang tặng tôi tác phẩm Truyện kể của người đánh cắp tượng Phật Thích Ca Mâu Ni vừa mới “xuất xưởng”.
Trong đời sống học thuật, nhất là khoa học xã hội, có rất nhiều thân danh dành cho số đông, công chúng (quen xem tivi, nghe đài đọc báo) nhưng cũng có những tiếng nói chỉ được biết đến ở phạm vi rất hẹp, thường là của giới chuyên môn sâu. Học giả Đoàn Văn Chúc là một trường hợp như vậy.
Dồn dập trong ba tháng Tám, Chín, Mười vừa qua, tám trong loạt mười cuốn sách của nhà nghiên cứu về Lịch sử Việt Nam thời Tây Sơn Nguyễn Duy Chính liên tiếp ra đời (hai cuốn kia đã ra không lâu trước đó). Cuộc ra sách ồ ạt này cộng thêm việc tác giả về thăm quê hương đã thu hút sự chú ý của bạn đọc và các nhà nghiên cứu ở Việt Nam.
NHƯ MÂY
Chiều 14/8/2016 không gian thơ nhạc bỗng trải rộng vô cùng ở Huế. Hàng trăm độc giả mến mộ thơ Du Tử Lê và bạn bè văn nghệ sĩ từ các tỉnh Kiên Giang, Đắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Trị, Đà Nẵng, Hà Nội đã về bên sông Hương cùng hội ngộ với nhà thơ Du Tử Lê.
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Trích Tự truyện “Số phận không định trước”
Từ ngày “chuyển ngành” thành anh “cán bộ văn nghệ” (1974), một công việc tôi thường được tham gia là “đi thực tế”.
NGÔ MINH
Nhà văn Nhất Lâm (tên thật là Đoàn Việt Lâm) hơn tôi một giáp sống, nhưng anh với tôi là hai người bạn vong niên tri kỷ.
NGUYÊN HƯƠNG
Ở Huế, cho đến hôm nay, vẫn có thể tìm thấy những con người rất lạ. Cái lạ ở đây không phải là sự dị biệt, trái khoáy oái oăm mà là sự lạ về tư duy, tâm hồn, tư tưởng. Thiên nhiên và lịch sử đã vô cùng khoản đãi để Huế trở thành một vùng đất sản sinh ra nhiều cá nhân có tầm ảnh hưởng lan tỏa. Và trong số những tên tuổi của Huế ấy, không thể không nhắc đến cái tên Thái Kim Lan.