LÊ TỪ HIỂN
Ảnh: internet
1. Sống trong trăng và chết như trăng
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mặc Tử, công trình sưu tập và khảo cứu 4 tập quy tụ chân dung, thi phẩm và tín niệm tâm linh - nghệ thuật của 140 thi sĩ trong dòng chảy 100 năm thơ Công giáo Việt Nam, Có một vườn thơ Đạo (Trăng Thập Tự chủ biên, Nxb. Phương Đông, Tp.HCM, 2012) - Đau hương sắc cuộc Đời… được ra mắt và chào đón như một sứ điệp thiêng hằng.
Sự thăng hoa huyền nhiệm đức tin mang một hình hài ấy được gửi đến từng tác giả và gia đình. Có một tác giả đã lặng lẽ về Nước Chúa, an nghỉ ở nghĩa trang bệnh viện Quy Hòa gió xôn xao hòa điệu sóng xanh dừa xanh liễu xanh… trời xanh thẳm. Không gia đình, không con cái. Bản sách được chuyển vào Quy Hòa, ra Ghềnh Ráng, đến Trường Đại học Quy Nhơn và về tay tôi với lời “Kính tặng gia đình tác giả Hàn Lệ Thu - Quy Nhơn 15/08/2012. KT Nhóm Biên soạn - Lm G.P.Võ Tá Khánh (Trăng Thập Tự)”. Hàn Mặc Tử (1912 - 1940) như một cột mốc khởi nguồn và tỏa bóng được dành trọn vẹn trong Tập 1 - Thi sĩ của Thánh Giá. Hàn Lệ Thu (1940 - 2007) “nằm” áp cuối Tập 2 Như song lộc triều nguyên để dẫn qua Ơn phước cả (Tập 3). Như song lộc triều nguyên quy tụ 44 tác giả sinh trong khoảng thời gian từ 1912 đến 1940, cùng thời với Hàn Mặc Tử. Một thời đại, một phong trào, một dòng thơ ca với nhiều tên tuổi, nhiều bài thơ hay. Bên cạnh một Hàn Mặc Tử từng được suy tôn người đứng đầu Thái Dương Văn Đoàn, con rồng trong nhóm Tứ Linh, Vị Chúa của Trường Thơ Loạn, chủ soái khuynh hướng thơ từ lãng mạn sang tượng trưng siêu thực ở Quy Nhơn - Bình Định, ngôi sao lạ trong phong trào Thơ Mới… còn có những tên tuổi quen thuộc: Bàng Bá Lân, Hồ Dzếnh, Võ Long Tê… Hàn Lệ Thu có vẻ lặng lẽ khiêm nhường. Kỳ lạ thay, có nhiều sự tương đồng ở cuộc đời và thơ ca hai Hàn thi sĩ như một sự tiếp nối gặp gỡ trong tâm niệm đường thơ “Không có gì làm cho ta cao quý hơn là một nỗi Đau thương lớn” (Musset).
Ôm bộ sách đồ sộ vào lòng, ông giáo một đời góp chữ, cõng chữ, gieo chữ… nhiều khi mãi quên Đời… như tôi bỗng cay mắt, nhớ thương và cúi đầu tạ lỗi cùng Dì Mười Thu Cúc. Dì ơi, con một đời phấn trắng… Nén hương thơm sám hối… Trang giấy trắng trắng trời huyền nhiệm.
Sinh thời, Dì thường ngồi lặng lẽ ở Túp lều tranh ẩn cư nho nhỏ ở khu dưỡng lão Quy Hòa. Có lần vào thăm, đón hoa quỳnh nở, tôi hỏi: Ngoại đặt tên cô gái út với nghĩa Cúc nguyệt (cúc trăng tháng 8), Cúc tú lan phương, Cúc ngạo hàn sương… đẹp kiêu sa lãng mạn mà lặng đằm, tài hoa phát tiết như Cậu Ba Nguyễn Thế Diêu đã viết ở quê nhà Thiều Quang - Tuy Phước - Bình Định: Em tôi Thu Cúc tí ti - Ưa đàn thích hát làm gì cũng ngoan… sao Dì không lấy luôn bút danh là Thu Cúc có hay không, lại là Hàn Lệ Thu nghe đẹp mà lạnh buồn hiu hắt mang bóng Hàn Mặc Tử. Dì cười, này Dì chưa gặp, không quen, chỉ biết qua thơ nhưng không vay bóng đâu. Năm Hàn mất, Dì mới chào đời. Bệnh tật vào đây mới biết Hàn sống chưa đầy 2 tháng và mất ở đây. Đơn giản là quê nhà mình lắm cúc. Đơn giản đời Dì như giọt nước mắt lạnh buồn, long lanh sương Thu khát bay về cõi ấm… chứ thi phú gì! Tình cờ như gặp ý thơ đầy máu và nước mắt của Thi Thánh Đỗ Phủ. Khóm cúc tuôn theo dòng lệ cũ. Tình cờ như một sự tiếp diễn cuộc đời và thơ ca tim vỡ máu trào ở Thi sĩ của Thánh Giá Hàn Mặc Tử…
![]() |
Ảnh: thanhcavietnam.net |
Ngoại con là Đại đức Thích Quảng Nguyện không muốn Dì làm thơ. Thầy bảo: Con thôi làm thi sĩ - Tứ thơ bay bướm hại linh hồn - Cho người mê cảm lời hoa mỹ - Là tự nâng mình, con biết không… Nhà Phật vốn vô ngôn, vô tự, buông bỏ… Thế mà Dì vẫn làm?! Ừ, biết làm gì hơn… Dì đã tạ lỗi với Ngoại trong bài Tâm sự được Đài Sài Gòn bình giải và diễn ngâm vào ngày 16/05/1969 trong chương trình “Tiếng Chuông Chùa”. Con ghi nhớ cả lời răn dạy - Trừ tội làm thơ con chẳng chừa! - Đứng trước ảnh Thầy, con cúi lạy - Mong Thầy hủy bỏ ý năm xưa…
Vậy là mệnh số tình cờ, ngẫu nhiên. Thơ tìm đến người, chẳng phải người tìm đến thơ… Âm thầm con khóc cùng trăng tỏ - Và thổi thơ lên khỏi áng mây. Hàn cũng hơn một lần tự nhủ: Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ… vậy mà rốt lại Ngồi lên để thả cái hồn thơ! Thơ đúng là sự tự thăng hoa huyền nhiệm của đức tin cứu rỗi mang khát vọng xanh hòa lẽ riêng chung Đạo Đời. Ở đó thương yêu tỏa nhiệm mầu - Nụ cười xoa dịu vết thương đau… Nỗi đau tình cờ. Nỗi đau ở đó. Nỗi đau hóa trăng. Trăng thơm nguyện cầu.
2. Trăng bao tuổi và thơ bao tích
Như một sự tình cờ ngẫu nhiên của nhân sinh - vũ trụ, năm Rồng vàng Hàn Mặc Tử trong Bàn thành Tứ hữu Bình Định thu hình vào mây, Phượng hoàng mang tên thánh Phanxicô Xaviê Nguyễn Trọng Trí bay về miền Xuân như ý, Thượng thanh khí… cũng là năm đóa Cúc vàng giấu kín hương Thu hé nụ ở Phước Thắng - Tuy Phước - Bình Định, Clara Ceilia Nguyễn Thị Thu Cúc đau nở đóa hoa thơ. Khi Người xuống truyền tin cho Thánh Nữ - Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời…
Hồn thơ siêu thoát Hàn Mặc Tử bay vào vũ trụ mênh mông, đến Nguồn Trăng, Nguồn Thơm, Nguồn Thơ… trong ánh sáng nguyện cầu. Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu - Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu - Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang. Cái Đẹp chết đi, lại tái sinh tái tạo. Cái Đẹp mãi lưu đày. Những Trồng hoa cúc, Vịnh hoa cúc, Hồn cúc… âu cũng chỉ là thế giới mộng ước tình thơ với chút hão huyền nuôi dưỡng. Nhưng đúng là Thơ có tuổi và chiêm bao có tích. Thu đậu lên tâm lòng khách não. Cái Đẹp chỉ là chiếc bóng Buồn Thu. Thu về nhuộm thắm nét hoàng hoa - Sương đẫm trăng lồng bóng thướt tha - Vẻ mặt khác chi người quốc sắc - Trong đời tri kỷ chỉ riêng ta.
Hàn Lệ Thu đã có bài thơ Đêm nghe tiếng cú - Kính viếng vong hồn Hàn Mặc Tử. Đêm tịch mịch chìm sâu trong bóng tối - Dãy thông dài tấu khúc nhạc bi ai - Đôi mắt con ươn ướt lệ tràn mi… vọng lời nguyện cầu xuân quang đãng… Giọng cầu xin trong nước mắt chan hòa - Mẹ ơi Mẹ! Đưa con vào ánh sáng… Vậy là ánh sáng Thiên Đàng, tìm đâu xa, ở ngay chốn trần gian. Bạn không tin, ngày hỏi nắng mới lên, chiều hỏi sương chớm xuống, tối hỏi lại vầng trăng mọc giăng trời. Dẫu có bao cung bậc sắc điệu trăng, vẫn là một phần nhỏ hữu thể. Phần lớn vô hình trăng lặn sâu trong lòng bạn vô ngôn. Trăng tâm tình, trăng ứa máu, trăng vàng ngọc… và thật giản dị Trăng, Trăng, Trăng! là Trăng, Trăng, Trăng!
Sáng tạo thơ dường như là vô thức thăng hoa, nhưng bao giờ trong thẳm sâu cũng ý thức trách nhiệm, trách nhiệm thi sĩ - người thơ trước hết với chính bản thể Người của mình. Ai cũng biết, Thi sĩ vầng trăng - Hàn sinh trong mùa trăng, uống trăng, tắm trăng, mặc áo trăng, mửa ra trăng, bán cả trăng, Chơi giữa mùa trăng… và chết như trăng. Không gian dày đặc toàn trăng cả - Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng. Thơ là thế giới huyền ảo được chưng cất từ cõi thực bay lên. Lệ Thu cũng sống giữa vầng trăng huyền ảo, Nhờ trăng đi thăm mẹ em, đếm trăng Năm mảnh trăng, Trăng bệnh… Trăng xanh mét như người đau mới khỏi… Chơi với trăng, Tắm trăng… Đêm ấy vầng trăng trong sáng lắm - Chị cười trăng nhuộm ướt vành môi… Đêm nay em đứng dưới trăng thanh - Trăng ướp người em ướp lá cành… Em đứng im đây đã mấy giờ - Tư thế tràn ngập ánh trăng mơ.
Hàn Mặc Tử là sự tích hợp kỳ lạ ở cuộc đời vừa bình thường vừa dị biệt nên thường đầy vẻ kỳ bí, đứt đoạn, ngoài trường liên tưởng quen thuộc. Cũng là Say trăng, tắm trăng, nhả ra thơ, nhưng nhiệm mầu ảo hóa đến ghê người. Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy - Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra. Hàn Lệ Thu từng có một tuổi thơ trong trẻo trong vòng tay ấm gia đình, thơ có nét giản dị, cụ thể, cảm tính, nữ tính… hơn. Thật giản dị đến kỳ diệu ở mắt nhìn thơ trẻ trong trò chơi đếm trăng cùng mẹ. Hai vầng trong mắt mẹ - Một mảnh ở trên trời… Hai mảnh đọng mắt em - Như vậy đúng năm trăng… Trăng của Hàn mang sắc thái lạ lùng Một miệng trăng thu về Cả miệng ta trăng là trăng… rồi Ta nhả ra đây một nàng. Còn Lệ Thu vũ trụ thu về trong mắt Mẹ và Em. Khắp bầu trời thế giới - Có đến năm cô Hằng. Cả hai đều từ cổ điển Đường luật, nhưng Hàn đã vượt bờ lãng mạn sang siêu thực tượng trưng, nữ sĩ Lệ Thu căn bản vẫn là âm hưởng lãng mạn gần gũi với Gái quê của Hàn.
Cả hai đều rơi vào vòng xoáy khốc liệt của thảm kịch số phận, trăng trở thành nỗi ám ảnh đau thương tan vỡ. Với Hàn, đủ cung điệu tột cùng đớn đau trăng ngã ngửa, trăng choáng váng, trăng tan tành, trăng vỡ đọng vàng khô… Bỗng đêm nay trước cửa bóng trăng quỳ - Sấp mặt xuống uốn mình theo dáng liễu. Nỗi đau định mệnh, cào xé thân thể ở nữ sĩ Lệ Thu. Còn em ngủ giữa trăng sao - Vi trùng canh gác thét gào bốn bên. Ấy là Trăng bệnh - Trăng xanh mét như người đau mới khỏi. Hàn Rượt trăng… Đố trăng trăng chạy đằng trời - Tôi rú một tiếng trăng rơi tức thì. Lệ Thu cũng có lúc xua trăng. Trăng hỡi trăng! Em van trăng đừng sáng - Cho lòng em tê điếng trọn đêm nay… Đừng hôn lên vành môi sầu vạn kỷ - Trăng về đi! Trả lại bóng hoàng hôn. Nhưng rồi, níu trăng Đừng bỏ em quằn quại vũng cô liêu! Ấy là mối duyên “trời đày” giữa Trăng và thơ. Hàn thi sĩ tự ý thức trong vô thức nghiệp thơ. Té ra ta vốn là thi sĩ - Khao khát trăng gió mà không hay. Trong hố thẳm đau tuyệt vọng tột cùng cũng chính là đỉnh cao hạnh phúc dâng hiến khát vọng tột cùng với lời van lơn thầm nguyện. Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối - Xin tha thứ cho câu thơ tội lỗi - Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng - Trong bao đêm xao xuyến vũng sông Hằng. Hàn với sao sương anh nằm chết như trăng… trong ước nguyện sống mãi với trăng sao gấm vóc. Nữ sĩ Lệ Thu cũng gửi gắm niềm mơ ước ấy trong thơ, ấm tình giản dị. Vâng xác Thu tan rã - Nhưng hồn Thu hiển linh - Hóa gió khóc nhân tình - Làm trăng cài mái rạ.
Tín đồ Nguyễn Trọng Trí - Thu Cúc đều tìm lối thoát trong sự cứu rỗi của tôn giáo - tôn giáo Con Người và thăng hoa bay lên ở nhà nghệ sĩ phóng túng hào hoa nặng tình mộng mơ theo kiểu tư duy tôn giáo… Mỗi người tạo ra một thế giới mới cho riêng mình, vầng trăng như một nhân chứng, một biểu tượng tổng hòa được cả vẻ đẹp Khải Huyền Công giáo, Cực Lạc Phật giáo, và cả Chốn nước non thanh tú vừa đượm màu Thần tiên Đạo giáo vừa dân gian đời thường thanh sạch trinh nguyên của Đức tin thi sĩ Say thơ. Tôi là kẻ đi đường đêm gió lạnh - Không mong gì hơn kêu gọi tấm lòng thơ. Thơ là điểm tựa, vịn câu thơ đứng dậy ở bàn tay lạnh co trống vắng với lên trăng. Thơ là Kinh nhật tụng ước mơ nguyện cầu. “Thơ, đó là tiếng hát ở bên trong” (A.Lamartine) có vẻ bất bình thường mà rất đỗi thành thực. Khát vọng hạnh phúc bẩm sinh chính là nền tảng đạo đức làm Người.
3. Hàn nguyệt lạnh vọng ấm tinh cầu
Sinh thời, hai mảnh trăng thi sĩ vốn lạnh lắm. Thơ Hàn, càng đi xa càng ớn lạnh. Lạnh cả trong bơ vơ lời tự nguyện. Bây giờ tôi dại tôi điên - Chắp tay tôi lạy cả miền không gian. Giọt Lệ Thu lạnh trong Thu đã chết, chìm sâu trong tận cùng tuyệt vọng, ngỡ như mình là Người trong mồ. Trong mê lộ mê cung, trốn sâu tận cùng hay loay hoay đào thoát, liệu trăng nào len chiếu những ẩn khuất vô cùng.
Quy Nhơn phố gầy biển ngập nắng tràn trăng. Phố như bàn tay nhỏ - Vòng tay ôm biển xanh (Hạ Vũ). Ấy là ấm lên từ cái lạnh, đầy lên trong cái trống, rộng ra trong cái chật… nhờ những tấm lòng lấp lánh tình thương. Giọt Lệ Thu nhận ra Hàn. Thì ra anh cũng là thi sĩ - Đi tắm hoàng hôn lạc đến đây - Mi ướt long lanh tràn ngập ý - Đường đời đã gặp lắm chua cay. Kết thúc Biển chiều, họ nhận ra nhau, ta nhận ra mình trong hạt cát neo đậu kiếp người. Mở túi thơ ra: tìm vị đắng! - Bày thơ trên cát: nếm đau thương! Cảm thông sóng nhạc như trầm lắng - Đêm phủ từ từ chốn viễn phương.
Vậy là tiếng thơ của hai điệu hồn Hàn đã “vượt được đèo bay ra ngoài bao la dịu vợi” (Ai có về Quy Nhơn - Trần Đình Thái) để đến với rất nhiều trái tim người yêu thơ. Này chốn viễn phương, này tấc cố hương, này người chủ nhà, này khách đường xa, này mơ này thực, này người hôm qua, này người hôm nay, này người mai hậu… về đây, xem trăng có biến hình đổi dạng thay màu. Về gối đầu lên trăng, kéo sóng làm chăn, có nghe giọt sương trăng rơi đóa quỳnh đêm sáng vầng trăng ngược hướng lên từ Đất. Đêm sâu lắng! cổ thi thơm từng chữ… Ôi quỳnh hoa! sao em nhẹ gót hài? - Xiêm y trắng như linh hồn trinh nữ - Đông bàng hoàng say ảo giác liêu trai…
Như một vệt thiên di, từ Trăng vàng trăng ngọc Hàn thi sĩ (Tập 1), đến lần chuỗi ngọc trăng Hàn Lệ Thu. Tài sản con có gì đem đổi ngọc? - Để mà mua được Ngọc Quý Nước Trời?! (áp chót Tập 2)… Và mãi miên man nở đêm vàng ở cuối thế hệ 8x - áp chót tập cuối Thần nhạc sáng hơn trăng. Trong mùa thương khó, cô đơn cùng vĩnh hằng, Gia tài trắng hiến dâng. Con e ấp, ngại ngùng xòe bàn tay trắng - Trắng giấc mơ, trắng cả lối đi về (Kim Dạ).
L.T.H
(TCSH338/04-2017)
HOÀNG NGỌC HIẾN(Đọc Tư- duy tự- do của Phan Huy Đường*)
TRẦN HOÀI ANHBáo Văn nghệ trong lời giới thiệu những bài thơ mới nhất của Nguyễn Khoa Điềm số ngày 5/8/2006 cho biết: “Bây giờ ông đã trở về ngôi nhà của cha mẹ ông ở Huế. Tôi chưa bao giờ đến ngôi nhà ấy”. Còn tôi, người viết bài này đã có “cơ may” ở trọ tại ngôi nhà yên bình ấy trong những năm tám mươi của thế kỉ trước khi tôi đang là sinh viên ngữ văn Đại học Sư phạm Huế.
NGUYỄN NGỌC THIỆN(Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Lan Khai (1906-2006)Đầu năm 1939, Vũ Đình Long, chủ Nhà xuất bản Tân Dân có sáng kiến xin giấy phép xuất bản ấn hành tạp chí TAO ĐÀN. Đây là tạp chí chuyên ngành về văn học đầu tiên trong làng báo ở ta trước Cách mạng tháng 8 năm 1945.
NGUYỄN TÀI CẨN, PHAN ANH DŨNG1/ Tiến sĩ Đào Thái Tôn vừa cho xuất bản cuốn “Nghiên cứu văn bản Truyện Kiều: bản Liễu Văn Đường 1871”. Chúng tôi thành thực hoan nghênh: hoan nghênh không phải vì trong cuốn sách đó có những chỗ chúng tôi được Tiến sĩ tỏ lời tán đồng, mà ngược lại, chính là vì có rất nhiều chỗ Tiến sĩ tranh luận, bác bỏ ý kiến của chúng tôi.
TÔN PHƯƠNG LAN1. Phong Lê là người ham làm việc, làm việc rất cần cù. Anh là người suốt ngày dường như chỉ biết có làm việc, lấy công việc làm niềm vui cho bản thân và gia đình. Anh sống ngăn nắp, nghiêm túc trong công việc nhưng là người ăn uống giản đơn, sinh hoạt tùng tiệm.
THỤY KHUÊLGT: “Thụy Khuê là một nhà phê bình văn học Việt Nam sắc sảo ở Pháp” (Trần Đình Sử, Văn học Việt Nam thế kỷ XX, NXBGD Hà Nội, 2005) Bà đã viết về mục tác giả Bùi Giáng và một số tác giả miền Nam trước 1975 cho “Tự điển văn học” bộ mới. Bài viết về Thanh Tâm Tuyền cũng dành cho bộ Từ điển nói trên. Chúng tôi đăng bài viết này để tưởng nhớ nhà thơ Thanh Tâm Tuyền vừa mới qua đời.
HỒ THẾ HÀĐồng cảm và sáng tạo (*): Tập phê bình-tiểu luận văn học mới nhất của nhà phê bình nữ Lý Hoài Thu. Tập sách gồm 30 bài viết (chủ yếu là phê bình-tiểu luận và 5 bài trao đổi, phỏng vấn, trả lời phỏng vấn), tập trung vào mảng văn học hiện đại Việt Nam với sự bao quát rộng về đề tài, thể loại và những vấn đề liên quan đến phê bình, lý luận văn học, đời sống văn học từ 1991 đến nay.
MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNHHôm Tết vừa rồi, anh Đỗ Lai Thúy ghé thăm Huyền Không Sơn Thượng và có tặng tôi một tập sách. Nội dung, anh đã phác thảo chân dung học thuật của 17 nhà nghiên cứu. Công trình thật là công phu, khoa học, nhiều thao tác tư duy, nhiều tầng bậc chiêm nghiệm... hàm tàng một sở học nghiêm túc, đa diện và phong phú.
TRÚC THÔNGLTS: Cuộc hội thảo Thơ Huế trong mạch nguồn thơ Việt do Hội Nhà văn TT Huế tổ chức nhân dịp Festival Thơ Huế 2006 đã “truy cập” được nhiều nhà thơ, nhà lý luận- phê bình tham dự.Tiếp theo số tháng 6, trong số tháng 7 này, Sông Hương xin trích đăng thêm một số tham luận và ý kiến về cuộc hội thảo nói trên.
PHẠM XUÂN NGUYÊNTrước hết tôi muốn phân định một khái niệm thơ Huế, ít nhất là trong bài viết này của tôi. Thơ Huế là một khái niệm tưởng cụ thể nhưng lại khá mơ hồ. Thế nào là thơ Huế? Có phải đó là thơ viết về Huế và thơ của người Huế viết. Mặc nhiên mọi người đều hiểu thế. Thơ viết về Huế thì có của người gốc Huế, người đang sống ở Huế và người ở khắp mọi nơi.
INRASARATham luận Festival Thơ Huế lần 2 tại Huế 05 và 06/6/2006Tràn lan cái giống thơ:Cái giống thơ là sản phẩm dễ gây nhầm lẫn và ngộ nhận. Ngộ nhận nên quá nhiều người làm thơ, nhà nhà làm thơ. Rồi tập thơ được in ra hàng loạt để...tặng. Và khốn thay, không ai đọc cả! Vụ lạm phát thơ được báo động mươi năm qua là có thật. Không thể, và cũng không nên chê trách hiện tượng này. Thử tìm nguyên do.
TÂM VĂNĐã hơn hai thế kỷ rồi mà nay đọc bài “Lập học chiếu” (Chiếu chỉ thành lập trường học) của Ngô Thời Nhậm vẫn nóng lên như những dòng thời sự.
HỒ THẾ HÀVới điểm nhìn ngược chiều từ khởi đầu thế kỷ XXI (2006) hướng về cội nguồn khai sinh vùng đất Thuận Hoá - Phú Xuân - Huế (1306), chúng ta thấy vùng đất này đã có 700 lịch sử thăng trầm, vinh quang và bi tráng.
NGUYỄN ĐỨC TÙNGVô thức là những hoạt động tinh thần mà chúng ta không thể nhận thức ra được. Trong tác phẩm nổi tiếng của mình, Diễn dịch các giấc mơ, Freud lần đầu tiên đề nghị khái niệm vô thức (unconscious) để phân biệt với ý thức (conscious) và tiềm thức (preconscious), sau này gọi là lý thuyết topo.
VĂN CÔNG HÙNGKính thưa quý vị, tôi phải xin phép nói ngay là những phát biểu của tôi vô cùng cảm tính và chả có một hệ thống gì hết, trong khi trước mặt tôi đây đều là những người lừng danh về cảm nhận, nhận xét, đúc kết, rất giỏi tìm ra những vấn đề, những quy luật của thơ.
TRẦN HOÀI ANH1. Có thể nói yêu cầu đổi mới của các thể loại văn học là một yêu cầu tất yếu trong đời sống văn học. Tính tất yếu nầy luôn đặt cho văn học một hành trình cách mạng. Cách mạng trong đời sống văn học và cách mạng trong bản thân từng thể loại văn học.
THÁI PHAN VÀNG ANHTừ sau 1986, sự đổi mới tư duy nghệ thuật, sự mở rộng phạm trù thẩm mĩ trong văn học khiến truyện ngắn không những đa dạng về đề tài, phong phú về nội dung mà còn có nhiều thể nghiệm, cách tân về thi pháp. Mỗi nhà văn đều lí giải cuộc sống từ một góc nhìn riêng, với những cách xử lí ngôn ngữ riêng. Hệ quả tất yếu là truyện ngắn Việt đương đại đã gặt hái được nhiều thành công trên nhiều phương diện, trong đó không thể không kể đến ngôn ngữ trần thuật.
TRẦN HOÀI ANH 1. Phân tâm học là lý thuyết có nguồn gốc từ y học, do S.Freud (1856-1939) một bác sĩ người Áo gốc Do Thái sáng lập. Đây là học thuyết không chỉ được áp dụng trong lĩnh vực y học mà còn được vận dụng trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội trong đó có lĩnh vực nghệ thuật.
NGUYỄN DƯƠNG CÔN Từ lâu, Bản thể con người đã trở thành vấn đề cơ bản và sâu sắc nhất của mối quan hệ giữa văn học với hiện thực. Trong mối quan hệ đó, hiện thực với tư cách là đối tượng khám phá và trình diễn của văn học không còn và không phải chỉ là hiện thực cuộc sống như là dành cho các khoa học nhân văn và các nghệ thuật khác nữa.