Văn Tâm và những vẻ đẹp không phai nhòa theo thời gian

15:09 27/08/2009
NGUYỄN KHẮC PHÊNếu không có nghị lực hơn người, nhà giáo ưu tú - nhà nghiên cứu Văn Tâm đã bước sang thế giới khác từ 7- 8 năm trước rồi, sau cơn tai biến mạch máu não “thập tử nhất sinh”. Nhờ kiên trì tập luyện và đủ thứ thuốc men, từ bên “cửa tử”, dần dần anh đã “phục sinh” và với cây gậy ngắn để có thể tự đi lại trong nhà khi cần lục tìm tư liệu, cây bút nghiên cứu phê bình cẩn trọng mà không thiếu sự sắc sảo Văn Tâm đã cống hiến cho nền văn học chúng ta những tác phẩm dày dặn và thật sự có chất lượng: “Đoàn Phú Tứ - con người và tác phẩm” (1995, tái bản 2002), “Vườn khuya một mình” (2001), “Tản Đà khối mâu thuẫn lớn” (2003 - Tái bản, bổ sung). Một số bài nghiên cứu gần đây của anh về nhà văn Phùng Quán và nhà thơ Bằng Việt đăng trên “Sông Hương” cũng rất công phu, đồng thời vẫn thể hiện sự tinh tế trong cảm nhận vẻ đẹp của văn chương.

Nhà phê bình Văn Tâm - Ảnh: vnca.cand.com.vn

Niềm đam mê CÁI ĐẸP trong văn chương đến với Văn Tâm khi anh còn là cậu học sinh trung học ở xứ Thanh thời chống Pháp. Cứ đến những ngày chủ nhật, với chiếc xe tòng tọc và cái bụng lép kẹp vì phải nhịn ăn dành tiền mua sách, anh tìm đến Rừng Thông, Cầu Bố... những tụ điểm dân tản cư từ miền Bắc đem bán đủ thứ hàng hóa. Trong kho sách quý của anh hiện nay (những tập thơ “Lửa thiêng” của Huy Cận, “Thơ thơ” của Xuân Diệu, “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư, “Bức tranh quê” của Anh Thơ... bản in lần đầu từ hơn nửa thế kỷ trước với nhiều tranh minh họa của các họa sĩ nổi tiếng)  rất nhiều cuốn đã được anh sưu tầm từ thời đó. Văn Tâm cũng rất “mê” hội họa, đồ cổ, ca trù, nên căn nhà anh có thể gọi là một địa chỉ lưu giữ những vẻ đẹp nghệ thuật không sợ thử thách nghiệt ngã của thời gian.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Văn Tâm cùng với những tên tuổi như Cao Xuân Hạo, Phạm Hoàng Gia, Thái Vũ, Ninh Viết Giao, Bạch Diệp... là lớp sinh viên văn khoa-sư phạm đầu tiên ở miền Bắc. Xứng đáng là học trò của những giáo sư nổi tiếng như Đặng Thai Mai, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Trần Văn Giàu..., ngay từ năm 1957, khi không ít người còn nhìn Vũ Trọng Phụng là nhà văn “có vấn đề” cần hạn chế và cấm đoán, thì chàng sinh viên vừa tốt nghiệp Văn Tâm đã nhiệt thành đề cao tác giả những “Giông tố”, “Vỡ đê”, “Số đỏ”... trong tác phẩm “Vũ trọng Phụng - nhà văn hiện thực”. Thật tiếc là sau đó vì một “tai nạn nghề nghiệp” không đâu, anh phải “gác bút” hơn một phần tư thế kỷ, cần mẫn làm người thầy gieo niềm yêu thích văn chương cho bao lớp học sinh đất Hà Thành. Mãi cho đến thời kỳ đất nước đổi mới, cây bút tài hoa Văn Tâm lại “tái xuất giang hồ” với những tác phẩm được đánh giá cao như “Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù” (viết chung, 1990, tái bản 1993,1995) “Giảng văn văn học lãng mạn” (1991) và “Góp lời thiên cổ sự” (1992- Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam), “Thơ Việt Nam 1930-1945 - Tuyển và bình chú” (viết chung, 1993)...  

Những trang sách anh Văn Tâm hoàn thành trong 8 năm qua, sau khi bị tai biến não, thì thật đáng gọi là kỳ công. Mỗi nét chữ, mỗi bước đi, mỗi lần gọi điện thoại đối với anh đều phải gắng sức hơn người. Vậy mà anh vẫn giữ nguyên tắc “biết 10 viết 1”; để có một bài viết về nhà văn Phùng Quán, tôi đã thấy trên bàn làm việc của anh chồng tài liệu tham khảo dày hơn cả gang tay, có một chi tiết không rõ, anh gọi điện vào Huế mấy lần nhờ xác minh... Anh chỉ đặt bút viết khi đã nắm bắt được những gì là tinh túy, là “hồn” của tác phẩm, đã “sống” cùng nghệ sĩ, để có thể truyền xuống mỗi dòng chữ những điều tâm huyết và cả sự mê đắm như một nghệ sĩ. Góp sức làm nên những trang sách đầy chất trí tuệ và tinh tế trong cảm thụ văn chương ấy còn phải kể đến tình yêu thương, sự tận tụy vô bờ bến của chị Xuân Cam “ái nữ” của giáo sư Cao Xuân Huy, người vợ hiền thục của anh, ngày ngày dìu anh tập đi, sưu tầm tư liệu, chép lại bản thảo cho anh...

Nhà giáo ưu tú-nhà nghiên cứu Văn Tâm đã ra đi vào một đêm Hà Nội nóng bức cuối tháng 6, nhưng tôi tin rằng hàng ngàn trang sách tôn vinh những giá trị đích thực của văn chương, lấp lánh những vẻ đẹp không phai nhòa theo thời gian mà anh để lại sẽ còn đồng hành với nhiều thế hệ mai sau...

Trường An-Huế, 26/6/2204
N.K.P
(186/08-04)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Vậy là tròn 9 tháng sau Đại hội Văn nghệ toàn Tỉnh lần thứ 9, một trong những kiến nghị quan trọng của Đại hội đã được cơ quan quản lý cấp trên chính thức chấp thuận: cùng với việc đổi tên Hội Văn nghệ Thừa Thiên-Huế thành “Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên-Huế”.

  • LTS: Nhân Đại hội Chi hội Nhà báo tạp chí Sông Hương, toà soạn trân trọng giới thiệu bài viết của tiến sĩ Hồ Thế Hà, thành viên hội đồng biên tập Sông Hương - tổng lược khái quát những giai đoạn qua “chân dung” các nhà văn đã từng làm Tổng biên tập. Có thể nhiều nhận xét chưa thật mỹ mãn, đôi chỗ còn né tránh, dè dặt nhưng cũng là có cái nhìn “ngoái lại” để ước mơ dự cảm tới tương lai...                                                TCSH

  • ...người sáng tác phải dày công và phải có trình độ uyên thâm để xử lý những chất liệu đó và biến nó thành của mình nhưng lại phải mang được hơi thở của cuộc sống hiện đại...

  • Trong “làng văn nghệ”, lo Tết sớm nhất là những người gánh thêm vai “cộng tác viên” các tờ báo.

  • Nhân ngày Quốc tế phụ nữ, Tòa ... chúng tôi xin "khởi tố" một vụ tỏ tình bằng "thơ tán trai" nhằm "minh oan" cho thế giới đàn ông và cũng là để trả lại sự bình đẳng vốn có từ hai phía của sợi tơ hồng mà có khi lại là sợi dây oan! 

  • VĂN GIÁNhững ngày vừa qua, và hiện giờ vẫn chưa hẳn đã chấm dứt, báo giới rộ lên câu chuyện về vấn đề sex trong văn chương. Mỗi người luận giải một cách. Người khắt khe theo lập trường đạo đức truyền thống thì phê phán. Người cởi mở theo tinh thần tân tiến thì tung hô. Lại có người theo phái trung dung, không ra giọng cấm đoán hay ủng hộ, chỉ kêu gọi không lạm dụng sex, không phản lại đạo đức, thuần phong mỹ tục dân tộc... Đây là một vấn đề không dễ bàn. Là kẻ vào cuộc muộn, tôi xin góp thêm một vài suy nghĩ riêng. 

  • Cũng như cuộc đời, văn nghệ có biết bao buồn vui. Nhà văn cũng là người, cho nên có lúc cũng dở khóc dở cười bởi những chuyện ngoài văn chương. “Vạch túi cho người xem... bia” là câu chuyện hậu kì để bạn đọc chia sẻ với chuyện bếp núc làng văn.