Văn Cầm Hải - hiện đại trầm tích cảm quan Việt

10:47 04/05/2009
NGUYỄN TRỌNG TẠOCòn nhớ mùa Huế mưa 1992, Nguyễn Khắc Thạch và Ngô Minh đến nhà tôi chơi, mang theo bản thảo đánh máy tập thơ đầu tay của một tác giả mới 20 tuổi có tên là Văn Cầm Hải. Một cái tên lạ mà tôi chưa nghe bao giờ. Những bài thơ của anh cũng chưa hề xuất hiện trên mặt báo. Nguyễn Khắc Thạch và Ngô Minh đều nói rằng; "Thơ tay này lạ lắm. Ông xem thử".

Tôi vốn là người "kỹ tính" đối với thơ, đặc biệt là đối với những người làm thơ trẻ, nhưng cũng là người kỳ vọng nhiều nhất về họ, bởi vì theo tôi sự bùng nổ thơ ca thường khởi ra từ những người trẻ tuổi. Văn Cầm Hải lúc đó mới 20 tuổi, vừa tốt nghiệp văn khoa Đại học Tổng hợp Huế, chưa tìm được việc làm, và làm thơ chính là cứu cánh duy nhất của anh. "Vâng - tôi nói - tôi sẽ đọc kỹ bản thảo Văn Cầm Hải".

Ngay từ lần đọc đầu tiên, tôi đã kinh ngạc về sự khác lạ của tập thơ "Người đi chăn sóng biển". Một tập thơ không giống những tập thơ mà tôi đã được đọc. Nó thoát ra khỏi giọng thơ sáo mòn hoặc kỳ quặc mà tôi vẫn thường gặp ở những cây bút trẻ khác, dù rất khó đọc. Tôi nghĩ: "Tay này sẽ làm khó cho các nhà xuất bản đây!". Thế là, dù không ai nhờ khiến, tôi đã viết lời Tựa cho "Người đi chăn sóng biển" trình bày cảm nhận riêng của mình, với hy vọng người đọc có thể cùng tôi chia sẻ cái giọng thơ khác lạ này. Lời Tựa có đoạn như sau:

"Một lối tư duy khác, một cách lập ngôn khác, một điệu nhạc khác. Người làm thơ trẻ tuổi này ngay từ đầu, muốn cất lên một tiếng thơ không giống những gì đã có. Có thể câu thơ viết về Apollinaire: Không ăn bóng một thời thơ đã qua, cũng chính là tuyên ngôn đầu tiên về thơ của chàng. "Quả đúng như vậy, chàng không hề chịu bó mình vào một luật thơ định sẵn nào. Không một bài lục bát, không một bài ngũ ngôn hay thất ngôn, chàng phóng bút trên những cảm xúc nhảy cóc bất ngờ tưởng như rất khó nắm bắt, nhưng những con chữ đa nghĩa đã làm chủ được ý tưởng mới lạ của chàng. Thơ chàng vì thế mà làm ta nghĩ đến những bức tranh trừu tượng vân cẩu thường được dựng trên trời chiều, biến hoá khôn lường. Cũng giống như Bích Khê thời trẻ đi tìm Cái mới cho Thơ Mới, chàng đi tìm Cái mới trên nền thơ đã phát triển đến định hình, nhưng may thay cả hai người đều "làm thơ" chứ không bị "thơ làm" (chữ của Chế Lan Viên).

"Tuy vậy, đọc tập thơ này ta có cảm giác khác lạ chứ nó không xa lạ. Bởi tập thơ mang đến cho ta những điều gần gũi lắm; đấy là tình yêu và đắng chát, là chiến tranh "Lá rụng rồi vẫn còn nhả máu", là người chị độc thân "như viện bảo tàng. Có nhiều mặt đàn ông". Đấy là cuộc sống đã trở thành ảnh tượng chung quanh ta..."

Và hình như lúc ấy, tôi cũng linh cảm được những cạm bẫy đang chờ sẵn kẻ khai mở trẻ tuổi, nên kết thúc lời Tựa tôi đã viết: "Chúc người bạn trẻ lên đường, dù đấy là con đường nhiều chông gai và vực thẳm"

Quả đúng như vậy, cho dù sau đó vài bài thơ Văn Cầm Hải đã được tạp chí Sông Hương "can đảm" giới thiệu và được chú ý ngay, nhưng hai nhà xuất bản ở Huế và Hà Nội không chịu nổi, đã từ chối cấp giấy phép xuất bản cho "Người đi chăn sóng biển", Văn Cầm Hải chuyển bút sang văn xuôi, và một số bài bút ký của anh xuất hiện trên Sông Hương, Văn Nghệ. Bút ký của Hải rất khá. Và thật may, trong một lần ra Huế chấm giải thưởng văn xuôi nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã gặp Hải, và bản thảo tập thơ "Người đi chăn sóng biển" đã được ông mang vào thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu cho Nhà xuất bản Trẻ. Năm 1995 nó đã được xuất bản trọn vẹn 28 bài cùng với lời Tựa của tôi. Sự ra đời của "Người đi chăn sóng biển" giải thoát được phần nào sự hoài nghi của một số người quen ưa lối thơ cũ, và tạo được ấn tượng mới đối với lớp trẻ, đồng thời củng cố thêm niềm tin của Hải về sáng tạo thơ. Anh lại được tiếp tục con đường riêng của mình. Nhiều bài thơ mới được in trên mặt báo, và trong một cuộc thi thơ mở rộng ra cả nước của Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế và Tạp chí Sông Hương, anh đoạt giải khuyến khích đồng hạng với Phan Huyền Thư và Vi Thuỳ Linh, là ba tác giả nổi đình nổi đám trong thế hệ làm thơ trẻ cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Một số bài thơ của Văn Cầm Hải đã được đăng lại ở báo chí nước ngoài, được vào các tuyển tập thơ trong nước và ngoài nước, và người ta còn dịch thơ anh ra tiếng Anh. Hội Nhà văn Việt Nam cũng mời anh làm đại biểu chính thức tham dự hai Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc.

Nhưng không phải hoàn toàn thuận buồm xuôi gió, thơ Văn Cầm Hải với tư duy phức tạp và "cảm xúc nhảy cóc bất ngờ", đã gây phản cảm cho một số người. Có những bài viết "kết tội" anh gay gắt, thậm chí đòi xem lại "nhân thân" của tác giả. Và có những bài viết trao đổi lại, bênh vực cho anh. Văn Cầm Hải lặng lẽ thâu nhận tất cả, nhưng anh vẫn không lùi con đường thơ đã chọn, hay là con đường thơ tiền định của riêng anh? Bản thảo tập thơ mới "Những giấc mơ của lưỡi" hình thành cách đây sáu năm, và hoàn thành vào năm 2001 gồm 64 bài (trùng với con số 64 quẻ trong Kinh Dịch) vẫn còn chờ đợi giấy phép xuất bản. Vẫn cái lối thơ khác lạ, vẫn không lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn... Thơ tự do, không vần là cái tạng của anh, hay chính tư duy hiện đại của con tằm thi sĩ đã nhả ra những sợi tơ thô ráp ấy? Vẫn cái lối dùng thi ảnh và từ ngữ táo bạo của mười năm trước: "Trên da bụng em nườm nượp tiếng khóc", nhưng bây giờ sự vang động đã mạnh hơn nhiều:

            "Em là đường chỉ tay định mệnh
            Cầm dao chơi với mặt trời"


Có cảm giác Văn Cầm Hải hăm hở vượt thoát tư duy thơ truyền thống, nhưng đọc kỹ, thấy thơ anh tràn ngập cảm quan Việt trong thế giới hiện đại:

            "Mi yêu Duly- mái tóc Tây Ban Nha phả giọng nắng miền Trung
            Tuyệt vời thay vị Thành hoàng làng mi chấp nhận Duly vì qua
            mi người biết những hột vú của nàng cũng giống mùa cau
            trong làng. Mi lúc nào cũng muốn chia lửa nguyên thuỷ,
            đang lúc ấy mi hiểu ngọn lửa làng mi được linh
            hồn nuôi nấng ngôn từ phản ứng mang tính toàn cầu hoá"
            "Những dòng sông Việt Nam thường hay trầm tư
            Tầng mây ký ức
            ...
            Những dòng sông xanh thêm eo lưng em gái
            Rất tự tin quyến rũ bản đồ thế giới!"
            "Cây đàn dài núi đồi điệp nốt
            gia đình bạn và tôi tha hồ mà hát, hát điệu gì cũng thấy
            mình tròn trĩnh hạt gạo"

Cái cảm quan Việt ấy quán xuyến toàn bộ thơ của Văn Cầm Hải, vâng, nghĩa là một tư duy không đơn giản, một chiều (mà người ta vẫn gọi là tư duy đơn tuyến). Tư duy đa tuyến của anh chính là sự khúc xạ truyền thống và hiện đại, khiến cho mỗi câu thơ, bài thơ (dù ngắn) cũng trở nên đầy ắp thi ảnh, cảm xúc và trí tuệ. Có lúc tôi đã gọi nó là "tư duy lập trình". Nghe có vẻ khô cứng và máy móc. Nhưng đến thời máy móc siêu hiện đại, nếu không có tư duy lập trình, liệu chúng ta có thể "chung sống" cùng văn minh bùng nổ được không? Tư duy lập trình đã đẩy con người lên một trình độ mới trong cách sống, cách nghĩ và cảm quan sự vật. Thế hệ trẻ ở ta có thể hội nhập với thế giới ngày nay chính là nhờ hệ tư duy lập trình ấy. Thơ của thế hệ trẻ nhờ thế mà cũng bắt đầu biến động, hình thành trên cơ sở "xa lạ" ấy. Tất nhiên không phải bất cứ ai có "tư duy lập trình" là đều làm ra thơ phức tạp, thơ "hậu siêu thực". Văn Cầm Hải chính là một trong rất ít người đang vượt thác "bức tường phiên âm viên gạch đẻ hoang" mà anh đã từng nhắc tới trong bài Pink Floyd sự hồn nhiên tường đá. Chính vì vậy mà không thể đọc thơ anh bằng tư duy thơ đơn giản. Điều này có thể so sánh ca khúc và giao hưởng: ca khúc là giai điệu đơn, còn giao hưởng là phức điệu. Có nhiều phân phổ trong bản tổng phổ của một giao hưởng. Nếu tấu riêng từng phân phổ có khi chẳng tạo ra một hiệu quả gì đáng kể, nhưng nếu ghép chúng lại, cùng lúc vang lên với cả một dàn nhạc lớn, người ta mới cảm nhận được sức mạnh nghệ thuật tuyệt vời của nó.

            "Người dương cầm lên cơn tổng phổ
            chùm hoa tigôn cũng đỏ màu tập thể"

Hai câu thơ đầy ấn tượng và tưởng như khó hiểu của Văn Cầm Hải, chính là được kết hợp rất chặt chẽ các cảm xúc và suy nghĩ của anh về một hiện thực mà anh đã từng sống, từng chứng kiến. Dạo ấy, anh từ Huế ra Hà Nội thăm tôi trên một căn hộ tập thể tầng 6. Ở căn nhà tập thể bên kia có một giàn hoa tigôn nở đỏ rực rỡ, nhà nào cũng có thể thưởng thức bằng mắt riêng. Đêm đó, tôi bị cảm cúm, vừa ho khan vừa phải hoàn thành ca khúc Đồng Lộc thông ru. Hải xúc động lắm. Rồi tất cả những điều ấy đã "ám tượng" vào người thi sĩ trẻ và thế là những câu thơ ra đời theo cách của anh.

Bây giờ viết về thơ, kẻ khen, người chê là quyền của mỗi người bởi người ta có quyền thích hay không thích. Điều đó không thể bắt bẻ nhau được. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, tất nhiên. Nhưng, những người viết phê bình thơ không thể chỉ đưa ra cái quyền ấy làm trên hết, mà phải có tri thức sâu sắc về thơ, nghĩa là trên cơ sở đó mà giải thích xác đáng về cái sự thích hay không thích ấy.

Thơ Văn Cầm Hải chịu nhiều thiệt thòi bởi cái lối phê bình thơ ngộ nhận không xác đáng ấy. Bản thảo tập thơ "Những giấc mơ của lưỡi" bây giờ đổi tên thành "Người dương cầm", mà chắc gì đã "dễ chịu" hơn? Một nhà xuất bản đã trả lại bản thảo mà giám đốc nói rằng "chính tôi đọc cũng không hiểu". Vâng, có những bức tranh trừu tượng của Văn Cao hơn 50 năm trước cũng đã bị xếp xó vì một lời nhận xét như vậy của một người lãnh đạo có trình độ và trách nhiệm, để mấy chục năm sau nó mới được bán giá đắt, và tranh trừu tượng ở nước ta mới được tự do triển lãm, và được đông đảo công chúng hâm mộ. Con đường sáng tạo thật nhiều chông gai và vực thẳm, nhưng khi đã vượt qua, thì vinh quang cũng không hà tiện với anh. Tôi vẫn tin những cặp mắt xanh còn ẩn hiện đâu đó, những cặp mắt xanh biết nhìn thấy lấp lánh vàng trong cát...

Tôi có may mắn được tiếp xúc nhiều người làm thơ trẻ, có người đã thành danh, có người đang ẩn danh. Họ có một điều chung là giàu hoài bão sáng tạo, cách tân và can đảm. Văn Cầm Hải cũng vậy, nhưng hình như anh còn có một bí mật gì đó rất khác nhiều bạn thơ trẻ tuổi. Anh nung nấu thơ và cả văn xuôi nữa. Thơ và văn xuôi của anh đều mang tới một thứ ngôn ngữ kết dính bằng nhựa sống trầm tích cảm quan Việt, và tình yêu lắng trong đắng đót của một chàng trai quê tiền kiếp nhảy vào hiện đại.

Một lần nữa tôi lại mong sao Hải và tôi và chúng ta hãy điềm tĩnh trước những thành bại trên con đường sáng tạo vô định chốn trần gian.

Huế, mùa Giáng sinh, 2002
N.T.T
(168/02-03)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Trên tạp chí Kiến thức ngày nay số 839 ra ngày 01-12-2013 có đăng  bài Kỷ niệm về một bài thơ & một câu hỏi chưa lời giải đáp của Nguyễn Cẩm Xuyên. Vấn đề nêu lên rất thú vị: đó là cách hiểu chữ giá trong bài thơ Cảnh nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bài thơ này trong nguyên văn chữ Nôm không có tên gọi. Những người soạn giáo khoa đã căn cứ vào nội dung đặt tên cho bài thơ là Cảnh nhàn và đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường trước đây.

  • Ký ức về những tháng ngày mải miết hành quân trên đất Campuchia, những phút giây nén lòng nhớ về quê hương, gia đình… vẫn chưa bao giờ nhạt phai trong tâm thức những người cựu chiến binh Đoàn 367 đặc công-biệt động trong kháng chiến chống Mỹ năm xưa.

  • LÊ VIỄN PHƯƠNG

    (Nhân đọc Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình & hiện tượng của Nguyễn Đăng Điệp, Nxb. Văn học, 2014)

  • Cuốn Minh triết Việt trong văn minh Đông phương của nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh nhằm mục đích góp phần làm sáng tỏ cội nguồn văn hiến của dân tộc Việt qua sự phân tích những di sản văn hóa truyền thống bằng các phương pháp mang tính khoa học.

  • 17 chân dung các nhà học thuật Việt Nam thế kỷ 19 và 20 qua các tiểu luận nghiên cứu ẩn dưới dạng thức tùy bút của  Đỗ Lai Thúy đủ sức vẫy vào nhận thức người đọc hôm nay những vỡ lẽ mới.

  • Giáo sư hy vọng độc giả cũng cảm thấy như mình khi đọc "Lòng người mênh mang" bởi các trang viết chứa đựng những sự thật không thể chối cãi.

  • Tác giả Phạm Xuân Hiếu sử dụng vốn sống, kiến thức về văn hóa, cổ vật khi viết những truyện ngắn trong sách "Cây đèn gia bảo".

  • LÊ HUỲNH LÂM  

    Có một bạn trẻ hỏi rằng: làm thế nào để viết thật hay? Tôi nói như phản xạ, trước hết tác giả phải có đời sống văn chương.

  • NGỌC THANH 

    Có một nhà thơ, nhà hoạt động cách mạng đầy nhân cách đi ra từ Huế song rất ít người ở Huế biết tới, đó là Trần Hoài Quang - nguyên Trung đoàn phó và chính trị viên Trung đoàn Nguyễn Thiện Thuật (E95), nguyên Phó ban Tuyên huấn Thừa Thiên, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang và Bí thư Tỉnh ủy Hà Tuyên… Ông hiện có một người con trai đang ở Huế.

  • “Như vậy đó, hiện đại và hoang sơ, bí ẩn và cởi mở, giàu có và khó nghèo chen lẫn, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện lên trước mắt ta, ngồn ngộn sức sống”. Nhà báo, nhà văn Phan Quang đã thốt lên như vậy cách đây gần 40 năm, khi ông lần đầu đặt chân đến vùng đồng bằng châu thổ. Những điều ông viết về ĐBSCL ngày ấy - bây giờ còn tươi mới tính thời sự, lan tỏa và trường tồn với thời gian.

  • ĐẶNG HUY GIANG

    Thói quen, nói cho cùng, là sản phẩm của quá khứ, là những gì lặp đi lặp lại, không dễ từ bỏ.

  • Hơn cả một nhà văn, Tô Hoài đã, đang và sẽ luôn là người bạn đường thân thiết của độc giả thuộc mọi lứa tuổi...

  • BÍCH THU
    (Đọc Tô Hoài - Đời văn và tác phẩm của Hà Minh Đức, Nxb Văn học, 2007)

    Tô Hoài - Đời văn và tác phẩm của Hà Minh Đức là cuốn sách tập hợp những ghi chép và nghiên cứu về nhà văn Tô Hoài, một tác gia lớn của văn học Việt Nam hiện đại. Đây là cuốn sách đầu tiên kết hợp hai phương diện ghi chép và nghiên cứu, góp một cách tiếp cận đa chiều và cập nhật về con người và sự nghiệp của nhà văn.

  • Tô Hoài, trong hơn 60 năm viết, thuộc số người hiếm hoi có khả năng thâm nhập rất nhanh và rất sâu vào những vùng đất mới. Đây là kết quả sự hô ứng, sự hội nhập đến từ hai phía: phía chuẩn bị chủ quan của người viết và phía yêu cầu khách quan của công chúng, của cách mạng.

  • Phát hành tập thơ "Khi chúng ta già" sau scandal với Phạm Hồng Phước, tác giả Nguyễn Thị Việt Hà khẳng định thơ mình không cần ăn theo sự kiện gì.

  • Tác giả Tử Đinh Hương thực hiện bộ sách "Biểu tượng" với mong muốn khám phá, lưu giữ và khuyến khích trẻ nhỏ quan tâm hơn đến thế giới xung quanh.

  • Sách được các sư cô Thiền viện Viên Chiếu lược dịch, biên soạn từ nhiều nguồn tư liệu, chủ yếu là tư liệu chữ Hán, tiếng Anh, giúp người đọc hiểu thêm con đường tu tập của pháp sư Huyền Trang.

  • Soạn tâm thế an nhiên khi bước vào tuổi già, nhẹ nhàng đón đợi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống... là điều mà trang viết của vị bác sĩ mê văn thơ đem đến cho độc giả.

  • Phó giáo sư Đỗ Lai Thúy thông qua cuốn sách "Vẫy vào vô tận" đã giới thiệu 17 chân dung các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu có đóng góp cho con đường học thuật và tư tưởng của đất nước.

  • BỬU NAM

    Nguyễn Quang Lập - Trần Thùy Mai - Ngô Minh - Phạm Tấn Hầu - Nguyễn Quang Vinh - Hoàng Thị Duyên(*)