LÊ QUANG THÁI
Suy niệm ấy được viết bằng chữ Hán, khắc lên bia đá đầu tiên đề danh tiến sĩ của nước Đại Việt và được dựng lập ở khuôn viên nhà Thái học thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ năm Giáp Thìn, 1484, niên hiệu Hồng Đức thứ 15. Một sự dụng tâm về mặt lịch học và pháp số lung linh như đã hiển hiện long ẩn có giá trị biểu trưng.
Văn miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội
Ngày nay mới nghe qua âm hưởng thì ai cũng hiểu một cách khái quát. Dịch ra tiếng Việt chỉ thêm từ nối “của” ở giữa các danh từ “nguyên khí” với “quốc gia” thì nghĩa lý lại trong sáng hơn: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Tựa đề bài biên khảo này sẽ mở ra một cách nhìn mới làm sáng tỏ thêm bằng 3 tiểu mục: 1/ Nuôi dưỡng hiền tài; 2/ Vun trồng nguyên khí; 3/ Uyên nguyên phát tích ra suy niệm ấy.
I. NUÔI DƯỠNG HIỀN TÀI
Vào thời cổ đại, đạo Trời là nguồn gốc của tư tưởng, triết học Nho giáo lấy Hán tự để lưu truyền và giáo hóa. Văn tức là văn hóa lãnh sứ mạng giáo dục, đồng nghĩa với văn minh mà nghĩa lý khác hẳn với thuật ngữ văn minh ngày nay. Chịu ảnh hưởng của việc trồng lúa nước, học trò học chữ, học nghề đều được gọi là “nho”, học “tú tài” chỉ vì chữ “tú” tức là cây trồng đang độ đâm chồi, nẩy hoa. Nói chung, có học mới nên người hữu dụng; không hẳn đơn thuần chỉ là học ở lớp, ở trường mà xưa gọi là “tường tự” hoặc “học hiệu”. Về sau “tường tự” trở thành “trường học”. Đạo Nho là đạo cương thường. Chữ “hiền”, chữ “hiến” đi liền nhau “một vần”. “Hiến” và “hiền” đồng nghĩa ám chỉ “người tài”. Dân tộc Lạc Việt là một dân tộc văn hiến rất lâu đời.
Hệ từ thượng của Kinh Dịch đã nói toát lên “cái đức lớn” của người hiền, mà bác sĩ Nguyễn Văn Thọ, học giả nghiên cứu chuyên sâu về Khổng học đã dịch thành thơ. Trưng dẫn hai câu tiêu biểu:
Khi được quân tử nói lời,
Nói ra ảnh hưởng đến đời, đến dân.
1.1. Sùng Nho trọng Đạo
Thế giới quan và nhân sinh quan của người Việt cổ cùng với các dân tộc anh em đều chịu ảnh hưởng của tư tưởng, triết học Nho giáo, rồi về sau bén nhạy tiếp thu những tinh anh của các luồng tư tưởng khác, kể cả tín ngưỡng dân gian, thuần phong mỹ tục để dựng thành quốc phong.
Ức thuyết về người Việt cổ có văn tự riêng chưa đến hồi kết thúc. Vào giữa thế kỷ 20 đã dậy sóng về nguồn gốc chữ viết của người Việt. Kết quả ban đầu cho rằng người Lạc Việt đã có một thứ văn tự riêng “ngoằn ngoèo như giống đàn nòng nọc đang bơi”, na ná giống với chữ viết của một số dân tộc vùng Nam Á như Malaysia, Xiêm La (tức Thái Lan) kể từ năm 1941. Người Việt biết sùng thượng tiếng mẹ đẻ của chính mình. Mỗi ngày một gia công gìn giữ, tô bồi và phát triển tiếng Nôm, chữ Nôm trở thành một ngôn ngữ sống động sinh khí, giàu thanh sắc, thanh âm và ngữ điệu. Vốn từ vựng Hán - Việt mỗi thời một giàu thêm để trở thành một ngôn ngữ sáng giá.
Vào thời cổ, người Kinh dùng Hán tự để giao tiếp, trường dạy chữ Hán được mới ra từ thời Sĩ Nhiếp Luy Lâu (Bắc Ninh ngày nay). Chữ Hán được dùng trong công văn sử sách, văn chương chạm khắc vào đồ cổ khí, khắc họa vào mộc bản, bia đá với kèm theo những họa tiết và được viết theo các lối viết chân, thảo, triện, lệ chẳng thua sút gì người Hoa. Thời Hồ Quý Ly và Quang Trung, chữ Nôm đã từng là văn tự quốc gia.
1.2. Chuộng hiền tài
Chữ “Hiền” (賢) xuất phát từ sách Luận Ngữ: “Hiền hiền dịch sắc”, có nghĩa là “đổi lòng yêu cái đẹp mà thân cận với người hiền”. Đức hạnh và tài năng hơn người được gọi là “hiền tài”.
Có thể suy gẫm mà hiểu nghĩa lý từ một câu nói bình dị: “Một ấp mười nhà tất có người trung tín, một mảnh vườn mười bước tất có cỏ thơm”. Trạng nguyên Nguyễn Trực đã dẫn câu nói ấy vào bài “đối sách” trong thi Đình tại khoa thi năm Nhâm Tuất (1442) mà sách Khâm định việt sử thông giám cương mục đã gọi là “khoa thi đối sách lấy Tiến sĩ”.
Sách Việt Điện U Linh của Lý Tế Xuyên biên soạn bằng chữ Hán vào đầu thế kỷ 14, có bài Tựa viết năm 1329, đã nêu rõ việc vua Hán Hiến đế (189 - 220 sau Công nguyên) đã từng hạ chiếu thừa nhận:
“Giao Châu là đất văn hiến, sơn xuyên có nhiều của lạ, văn vật khả quan, nhân tài kiệt xuất…”(1)
Thời Hán Quang đế (25 - 26 sau Công nguyên) Thứ sử Giao Châu là Đặng Nhượng hàng năm kén lấy 8 người Việt tuấn tú gởi sang du học ở kinh đô nhà Hán. Trong số lưu học sinh du học ở nước ngoài có Lý Tiến, Lý Cầm và Trương Trọng đều học xuất sắc, thi đỗ Mậu Tài, Hiếu Liêm. Cả 3 vị đều được tiến cử bổ nhiệm giữ chức Huyện lệnh, đứng đầu một số huyện lớn của xứ người có máu tự tôn được thăng cử trở về cố quận làm quan lớn tới chức Thứ sử, Thái thú chăm lo tuyển cử người hiền trong thiên hạ để phát dương văn hóa.
Kể từ đây, hiền tài nước Việt được trọng dụng ngang hàng với người Hán. Tiền nhân ta đó; Lý Tiến, Lý Cầm, Trương Trọng đã khai khoa tại xứ người cho người Việt các học vị Mậu Tài, Hiếu Liêm dưới thời Hán, làm gương sáng cho hai anh em Khương Công Phụ, Khương Công Nha thi đỗ tiến sĩ cùng một khoa dưới triều Đường Đức Tông (780 - 805) tại Kinh đô Tràng An.
1.3. Ai là hiền tài?
Nho học chuộng yêu người tài tức người hiền. Khổng Tử được thế giới tôn phong là “vạn thế sư biểu”, đã từng khuyến bảo phải biết cách “cận nhắc hiền tài”. Hệ từ hạ của Kinh Dịch viết lời cảnh báo: “Đức mỏng mà ngôi cao, trí nhỏ mà làm việc lớn, sức nhỏ mà gánh việc nặng thì ít khi thành công vậy”.
Hiền tài làm 5 điều thiện, tránh 4 điều ác. Năm điều thiện được gọi là “ngũ đức”. Ấy là: bất phí, bất oán, bất tham, bất kiêu, bất mãnh. Làm điều ác bị xem là “thất đức”. Người Việt có tài chơi chữ. Bỏ dấu sai thì nguy. Thâm trầm của tiếng Việt là ở chỗ ấy! Rất Huế mà cũng “rất Việt”. Bốn điều ác là: ngược, hung, thù (hại dân) và hữu tư (bủn xỉn)(2).
Hiền tài có đẳng cấp, ngôi thứ. Vượt qua hiền tài là “Thánh”, là “Hiền”, là “Thần”. Bên dưới “hiền tài” là “anh tài”, “nhân tài”, “tuấn kiệt”… Một nét đặc trưng của lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam có nhiều “Anh thư” mà tiêu biểu là Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ỷ Lan phu nhân, Huyền Trân công chúa, Ấu Triệu Lê Thị Đàn…
Kinh Thi đã như định nghĩa rõ, thế nào là hiền tài. Nhà thơ tài hoa Tản Đà đã dịch bằng thơ, trích lại hai câu tiêu biểu:
Lẫm liệt thay, rực rỡ thay,
Hỡi người quân tử biết ngày nào quên.
Bỏ sót người hiền tung tán ẩn dật nơi hang cùng cốc vắng hoặc ở chốn tăng phòng, thậm chí còn ở cấp thấp trong quân ngũ là một thiếu sót lớn, một trọng tội đối với quốc dân. Chuyện xưa là thế! Đánh tan giặc Minh xâm lược, danh thần Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại cáo thay anh hùng áo vải Lam Sơn đã từng ngỏ lời than: “Ngặt vì nỗi, nhân tài như lá mùa thu/ tuấn kiệt như sao buổi sớm”.
Năm 1429 đã có chiếu của vua Lê Thái Tổ cầu hiền. Mở đầu tờ chiếu viết lời cầu mong một cách khẩn khoản:
“Trẫm nghĩ, muốn thịnh trị phải được người hiền tài, muốn được hiền tài thì phải lo tiến cử. Cho nên, người đứng đầu thiên hạ phải lo việc ấy trước tiên”.
Về sau, nương theo chiếu tiến cử hiền tài ấy, danh sĩ Ngô Thời Nhậm soạn Chiếu cầu hiền thay lời vua Quang Trung Nguyễn Huệ theo lối kế thừa và triển khai một cách sâu rộng hơn, không hạn hữu ở chỗ chỉ cho phép các quan lớn văn hoặc võ được quyền tiến cử hiền tài mà thôi.
Lời chiếu này giàu tính nhân văn và nhân bản, có đoạn viết:
“Vậy ban chiếu xuống, quan liêu lớn nhỏ và dân chúng trăm họ, ai có tài năng học thuật, mưu hay giúp ích cho đời đều cho phép được dâng tỏ bày công việc. Lời có thể dùng được thì đặc cách bổ dụng, lời không dùng được thì để đấy, chứ không bắt tội vu khoát. Những người có tài nghệ gì có thể dùng cho đời, cho các quan văn quan võ đều được tiến cử; lại cho dẫn tới yết kiến, tùy tài bổ dụng. Hoặc có người từ trước đến nay giấu tài ẩn tiếng, không ai biết đến, cũng cho phép được dâng thư tự cử, chớ ngại thế là “đem ngọc bán rao”(3).
Nhân đây, bổ sung thêm lời mở đầu có tựa đề Giáo nghị của Ngô Thời Nhậm (Bàn về giáo dục) thể hiện nỗi lòng của vị nhân sĩ ưu tư đến việc nước:
“Thiết nghĩ: giáo hóa là việc gấp của quốc gia, phong tục là việc lớn của thiên hạ. Phương pháp giáo dục của bản triều có hương học và quốc học, có giáo điều và học qui, gần đây đã được toàn bộ ban hành, và ghi lại ở kho sách lưu trữ. Việc trau dồi đức tốt và ngăn ngừa thói xấu như thế là đầy đủ và chu đáo. Song tình hình giáo hóa vẫn chậm chạp, phong tục thuần hậu vẫn chưa vãn hồi được, mỗi ngày dân tình thêm kiêu bạc dần và không tự biết. Sở dĩ như thế đều là tại sự dạy dỗ ở gia đình và sự học tập ở các trường hương học và quốc học, chỉ chăm dạy về văn mà không biết dạy về hạnh. Hiện nay, những người văn hay chữ tốt, tài thức cao siêu không phải là hiếm. Những người ấy rất thông thạo việc đời và hẹp lòng người. Song vì họ không được dạy dỗ về hạnh, cho nên có những người lấy việc ngạo với bề trên cho là giỏi, nhờn với người lớn cho là hay; không thích sửa mình mà thích bàn việc nước, không cầu thực học, chỉ cầu hư danh. Họ đem cái miệng lưỡi hùng biện mà tô vẽ cho cái lòng dạ bí hiểm, đem cái đầu óc ngang tàng mà che đậy cái ruột gan quỷ quyệt…”(4)
![]() |
Văn miếu ở Huế |
II. VUN TRỒNG NGUYÊN KHÍ
Người xưa đã từng nói: “Kế trăm năm không gì hơn bằng trồng người”. Việc vun trồng nguyên khí hệ trọng ra sao?
2.1. Nguyên khí: Hễ cái gì không có hình chất mà cùng cảm ứng với nhau gọi là khí (氣). Câu nói quen thuộc: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.
Ngô Thế Lân là dật sĩ ở đất Thuận Hóa vào giữa thời Nguyễn Ánh - Tây Sơn. Ông đem gió và trúc để hình dung sự hữu hình và cảm ứng của khí với hình. Trời nương vào “hình”, đất nương vào “khí” mà vận hành. “Tài” là bẩm ở cái “khí”. “Lý” thì vô “hình” mà “khí” thì có “hình”. Cái nọ lẫn với cái kia, chớ không bao giờ có cái nọ mà không có cái kia. Vì vậy mà một khi đã có “hình” thì có “khí”, mà đã có “khí” thì có “lý”.
Nguyên (元) là lớn, bắt đầu, khởi sự… Sách Xuân Thu luận giải rằng: vì cái “nguyên” là lớn, cho nên phải cẩn thận ở chính danh. Danh không phải là cái khởi đầu thì mà bỏ thiện hay đã thiện được? Danh chính thì ngôn thuận.
Hàn Dũ và Vương Thông là hai bậc thức giả chân chính nổi tiếng về Nho học. Riêng họ Vương đã dựa vào sách Trung thuyết, ở phần “Lập mệnh” mà lý giải về quyền năng của Trời, Đất và Người một cách rốt ráo như sau:
“Trời là thống nguyên khí, chứ không là chỉ nói cái vầng lồng lộng và xanh xanh mà thôi. Đất là thống nguyên hình, chứ không phải là nói núi sông gò đống mà thôi. Người là thống nguyên thức, chứ không phải là nói đầu tròn chân vuông mà thôi”(5).
“Thống” (統) có nghĩa là làm chủ. Thống nguyên thức thì tự chủ, tự thắng chính mình. Trong thuật ngữ “anh hùng” thì “anh” có nghĩa là người tự biết, “hùng” là người tự thắng.
2.2. Trường học, thi cử: Từ kinh đô cho đến quận huyện, làng xã trường học các cấp được sớm mở mang, xây dựng, tổ chức quy mô do học quan quản lý. Nhà Thái học là nơi quan hệ đến hiền tài, góp phần lớn công sức, trí tuệ cho việc vun trồng nguyên khí cho quốc gia.
Trường học ở làng xã, phủ huyện, dinh trấn là những nơi để gieo cấy hạt mầm, vườn ươm cây hé nụ đâm chồi để tác thành bóng dáng sĩ tử bình văn, khảo hạch đủ trình độ được dự thi Hương. Đỗ đạt cao thấp lấy Hương tiến, hương cống hoặc sinh đồ, tú tài. Thuật ngữ cử nhân đã có từ lâu trong việc kén chọn thí sinh dự thi Hương, năm 1825 mới nghiêm chỉnh trở thành học vị Cử nhân).
Trước thời Lê sơ thì cứ 6 năm thi Hương một lần, về sau cử theo lệ 3 năm. Năm trước thi Hương, năm sau thi Hội. Thi Hội có 2 tiểu kỳ: Hội thí và Đình thí còn gọi là Điện thí. Ở tiểu kỳ này, cống sĩ phải đối sách theo đề thi do nhà vua ban ra để nghị luận, viết theo thể văn sách. Kết quả ra bảng lấy Tiến sĩ theo giáp đệ và đẳng trật.
Vào đời Lê sơ mới có học vị tiến sĩ, mở đầu là khoa thi năm Nhâm Tuất, 1442 mở đường cho việc dựng bia đá đầu tiên vào năm Giáp Thìn, 1484.
Việc thí sinh man khai hộ tịch, tìm cách len lỏi để lọt qua khảo hạch ở cấp huyện, phủ, tỉnh là phần vụ và trách nhiệm của học quan từ các cấp bên dưới trở lên. Những gì là khuất tất sớm bị phát hiện sẽ nghiêm trị những học quan và quan trường thiếu sĩ khí.
2.3. Lễ và Nhạc làm cho nguyên khí mạnh lên
Giữa Văn với Lễ, Nhạc có một mối quan hệ mật thiết gắn bó với nhau, để hòa nhập chung cùng làm cho nguyên khí của quốc gia hưng dậy.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào tháng giêng năm Đinh Tỵ, niên hiệu Thiệu Bình năm thứ 4, 1437 dưới triều Lê Thái Tông, Hành khiển Nguyễn Trãi xuất thân Thái học sinh, năm 1440, học vị cao nhất của đời Trần, dâng bản vẽ khánh đá lên vua và tâu rằng:
“Kể ra, đời loạn dùng võ, thời bình chuộng văn. Nay là lúc nên làm Lễ Nhạc. Song không có gốc thì không đứng vững, không có văn thì không thể lưu hành. Hòa bình là gốc của Nhạc, thanh âm là Văn của Nhạc. Thần vâng chiếu soạn nhạc không dám không dốc hết sức. Nhưng vì học thuật nông cạn, sợ rằng trong khoảng thanh luật, khó được hài hòa. Xin bệ hạ yêu muôn dân để chốn xóm thôn không còn oán hận buồn than, như thế mới không mất cái gốc của Nhạc”(6).
Tìm về cái gốc của Nhạc, không thể không nương vào cái gốc của Văn và của Lễ. Sách Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ 19, Đào Duy Anh đã dịch “nuôi dưỡng nguyên khí” thay vì “yêu nuôi muôn dân” theo bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư. Dịch như lời của học giả Đào Duy Anh thì có căn cơ đẩy đưa ngôn ngữ Việt thăng hoa từ nguyên bản, lấy ý từ kinh điển: “Trời là chủ nguyên khí, đất là chủ nguyên hình, người là chủ nguyên thức”. Vì sao? Như bên trên đã nói: “Trời nương vào hình, đất nương vào khí”. Trời đất sinh ra con người sẵn có linh khí: Nhân linh ư vạn vật theo Lễ của đạo cương thường mà Chu Dịch đã ghi rõ:
“Có trời đất rồi sau mới có muôn vật, có muôn vật rồi sau mới có vợ chồng. Có vợ chồng rồi sau mới có cha con, có cha con rồi sau mới có vua tôi”.
Khổng Tử mới đem cái nghĩa lấy cái nguyên của dương khí mà thống trị việc trời, lấy trời mà thống trị vua chúa.
Thiết nghĩ đó là cái cớ buộc phải tìm về uyên nguyên của suy niệm: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Nguyên khí là phần tinh túy tạo nên muôn loài, muôn vật. Nguyên khí của đất nước hàm ý chỉ sức sống đầy sinh khí của đất nước. Sức sống ấy thật diệu kỳ, thật cao đẹp nhằm đạt tới cái gốc của chân - thiện - mỹ.
III. UYÊN NGUYÊN PHÁT TÍCH SUY NIỆM “HIỀN TÀI...”
Bàng bạc ở 2 tiểu mục 1 và 2 như đã góp phần làm sáng tỏ về nguồn gốc của suy niệm: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Từ 2 ý tưởng độc lập (I) và (II) đã liên kết với nhau, chữ “là” trở thành “chữ mắt khóa”. Nhờ trầm tư mặc tưởng mới nối kết liền mạch và liền ý.
3.1. Xuất xứ của suy niệm: Đó là câu trích văn khai mở cho một chuỗi luận lý sâu lắng và thống thiết bằng văn từ của thể chính luận được vận dụng trong bài văn bia của Đỗ Nhuận (1445 - ?) biên soạn.
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh dựng nước chẳng ai không coi việc kén chọn kẻ sĩ, bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí làm công việc cần kíp. Bởi vì kẻ sĩ có quan hệ trọng đại với quốc gia như thế, cho nên quý chuộng không biết dường nào…”(8).
Thần khí của hơi văn chính luận thật hào hùng với những tiết điệu lên xuống nhịp nhàng của một bản thiên cổ hùng văn. Ai đã nối kết liền mạch hai ý tưởng độc lập: “hiền tài” với “nguyên khí”. Tuy hai mà trở thành một thể thống nhất trác tuyệt. Người xưa gọi đó là một mệnh đề, nói cho chuẩn mực thật sự là một suy niệm triết học có giá trị vượt thời gian. Không phải Đỗ Nhuận là tác giả của suy niệm ấy, mà chính là Thân Nhân Trung. Thời bấy giờ, những trước năm 1484, Đỗ Nhuận đã khoanh son đoạn văn nổi tiếng với câu mở đầu đã là châm ngôn: “Hiền tài quốc gia chi nguyên khí”. Quả là có Bá Nha thì phải có Tử Kỳ.
3.2. Thân Nhân Trung: Họ Thân, một giòng tộc trâm anh thế phiệt của đất Bắc Giang. Hậu duệ của danh sĩ Thân Nhân Trung là Thân Văn Nhiếp đã vào Nam lập nghiệp tại làng An Lỗ, huyện Phong Điền (trước thuộc Quảng Điền) rồi vào đất thần kinh hưng nghiệp tại làng cổ văn hiến Nguyệt Biều nay thuộc xã Thủy Biều, thành phố Huế. Nơi đây có di chỉ và di tích trường thi Hương đầu tiên của nước Đại Việt thời Trịnh - Nguyễn. Tháng 1 năm 1777, chúa Trịnh Sâm cho lập trường thi Hương đầu tiên(9). Đối bờ bên kia sông Hương là Quốc Tử Giám cũ ở xã Hương Hồ rồi Văn Thánh, Võ Thánh được xây dựng dưới đầu đời nhà Nguyễn.
Thân Nhân Trung (1418 - 1499) tự là Hậu Phủ, người làng Yên Ninh, huyện Yên Dũng, nay thuộc xã Ninh Sơn, huyện Vĩnh Yên, tỉnh Bắc Giang.
Vịnh về hai danh thần Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận, vua Tự Đức đã tán ca:
Gặp gỡ thời vui, ý khí hòa
Vua tôi xướng họa học cầm ca
Tao Đàn khôi súy chia nguyên phó,
Chẳng biết đời Ngu có thế a…
Ông thi đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mùi, 1469. Làm quan tới các chức Tế tửu Quốc Tử Giám, Thượng thư bộ Lại, trông coi viện Hàn Lâm, chức lớn nhất là Phụ chính Đại thần.
Ông là người đầu tiên sắc soạn bia ký số 1 đề danh Tiến sĩ kể từ khoa thi Hội, năm Nhâm Tuất, 1442 đến khoa Giáp Thìn, 1484. Đợt dựng bia lần thứ nhất tại khuôn viên nhà Thái học gồm 12 văn bia cho 12 khoa thi (chớ không phải 10) như sách Đại Việt Sử ký toàn thư đã dịch ra Việt ngữ, do sơ suất trong biên tập và in ấn đã bỏ mất 2 khoa! Tiếc thay! Đó là 2 khoa Quý Dậu, 1453 và khoa Mậu Dần, 1458.
Ở bia ký số 1, mở đầu bằng câu: Hiền tài quốc gia chi nguyên khí (賢 才 國 家 之 元 氣).
Ở phía dưới ghi rõ:
“Phụng trực Đại phu Hàn Lâm Viện Thừa chỉ, Đông các Đại học sĩ, thần Thân Nhân Trung vâng sắc soạn.
Cẩn sự lang, Trung thư giá Chính tự, thần Nguyễn Tùng vâng sắc viết.
Mậu lâm lang, Kim Quang môn Đãi chiếu, thần Tô Ngại vâng sắc viết triện”.
Xin lưu ý hai chữ “viết triện” có nghĩa là “đóng dấu”. Riêng về phần lạc khoản thì ghi rõ ngày tháng và niên hiệu như sau:
Hoàng Việt ngày rằm tháng tám, niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484), dựng bia.
Đợt dựng bia đầu tiên vào năm Giáp Thìn, 1484 tạo thành một truyền thống văn hóa tốt đẹp. Đến sau khoa Đinh Mùi, 1787 đã dựng được 116 bia đá Tiến sĩ.
Hiện nay còn lại 82 văn bia được gìn giữ bảo lưu bằng mái che theo lối kiến trúc cổ kính xếp thành hai dãy bên giếng nước Thiệu Quang trong di tích Văn Miếu Thăng Long xưa. Riêng ở Kinh đô Phú Xuân Huế đã kế thừa truyền thống văn hiến chăm lo xây dựng Văn Thánh và dựng bia Tiến sĩ; Võ Thánh dựng bia Võ công và bia Tiến sĩ võ - bia Tiến sĩ Văn kể từ khoa thi Hội vào năm Nhâm Ngọ (1822) đến khoa thi Hội - năm Kỷ Mùi (1919).
Vinh danh thay, ngày 9/3/2010, hồ sơ 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới và được đưa vào chương trình “Ký ức thế giới”.
Ngày nay đọc lịch sử, chúng tôi chưa tìm thấy có quốc gia nào có một hệ thống bia đá đồ sộ, mỹ thuật đã khắc ghi trên bia họ tên và quê quán của những vị đỗ tiến sĩ đến những hơn vài ngàn người như nước Đại Việt với khoa giáp và đẳng trật rạch ròi, và phân minh. Đó là một trong nhiều phương sách xem “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” mà tiến sĩ Thân Nhân Trung là bậc quốc sĩ thiên lương đã để lại cho đời một lưu bút sáng giá vượt thời gian. Tiếng thơm theo gió bay xa.
Vào những năm cuối của thập kỷ 20, thế kỷ 20, khoa cử Hán học cáo chung theo vận nước chuyển đổi đòi hỏi canh tân. Phan Kế Bính (1875 - 1921), đỗ cử nhân không ra làm quan, ở nhà dạy học, viết sách, làm báo lãnh chức thầy Đồ, hương hiền. Cụ Phan viết sách Việt Hán văn khảo đã cho ra mắt bạn đọc vào giữa thời điểm 1918 - 1919, thi Hương rồi thi Hội bãi bỏ. Phan Kế Bính đã nói lên được tiếng lòng: “Phàm việc gì cũng có nguyên lý, nguyên lý là cái lẽ căn nguyên của việc ấy, văn chương cũng vậy”.
Cho dù trong cái thế phải đổi “lông ra sắt” những nhà cựu học không cố chấp, sống vui phụng sự cho đời “đem tất cả sở tồn làm sở dụng”. Ngẩng đầu lên cao nhìn đọc câu đối bằng chữ Hán ở cửa Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà chẳng cần chi, cầu chi. Câu đối được dịch ra Việt ngữ như sau:
- Nước lớn trọng giáo dục, giữ thuần phong, đạo đức tôn sùng, tin tưởng tư văn nguyên có gốc.
- Nhà Nho phải thông kinh, phải thức thời, chớ nên cố chấp, những lời thánh huấn phải ghi lòng(10).
Thiết nghĩ đó là Giáo chi để làm sao, cầu sao cho đất nước Việt Nam giàu mạnh và cường thịnh.
Huế, 5/2015
L.Q.T
(SDB17/06-15)
....................................
1. Việt điện u linh, Lý Tế Xuyên; Trịnh Đình Rư dịch, Nxb. Hồng Bàng, thành phố Pleiku, Gia Lai, 2012, tr.124.
2. Nho giáo, quyển Thượng, Trần Trọng Kim, Nxb. Trung tâm học liệu, Sài Gòn, 1971, tr.112.
3, 4. Tuyển tập thơ văn Ngô Thời Nhậm, quyển 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.124, 162. Tờ chiêu hiền, bàn về giáo dục.
5. Nho giáo, quyển Hạ, Trần Trọng Kim, Nxb. Trung tâm học liệu, Sài Gòn, 1971, tr.75.
6. Đại Việt sử ký toàn thư (Bản in Nội các quan bản năm Chính Hòa 18 (1697), Hoàng Văn Lâu dịch, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr.336.
Hai khoa thiếu sót không ghi ở bản dịch Đại Việt Sử ký toàn thư:
1- Khoa Quý Dậu, niên hiệu Thái Hòa năm 11 (1453) đời Lê Nhân Tông.
2- Khoa Mậu Dần, niên hiệu Diên Ninh năm thứ 5 (1458) đời Lê Nhân Tông.
Xem Thi cử, học vọ, học hàm dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, Đinh Văn Niêm, Sđd, tr.95 và 97.
7. Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, Đào Duy Anh, Nxb. Văn học Hà Nội, 2014, tr.308.
Lần 1, in năm 1955, tái bản 1957, có tăng bổ.
8, 9. Thi cử, học vọ, học hàm dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, Đinh Văn Niêm. Nxb. Lao động, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2014, tr.89, 142 và 392.
Năm 1768 chúa Nguyễn Phúc Thuần tổ chức thi Hương tại Nguyệt Biều theo định thức của xứ Đằng Trong, chưa chính quy, chính thống.
10. Phiên âm câu đối chữ Hán ở cửa Văn Miếu - Quốc Tử Giám:
Đại quốc bất dịch giáo, bất biến tục, thả tôn sùng chí, diệc tín văn nguyên hữu tự;
Ngô nho yếu thông kinh, yếu thức thời, vô câu cố dã, thượng thánh huấn vĩnh tương đôn.
Giáo chi, phú chi là chủ trương của Khổng Tử để đưa đất nước tiến phát giàu mạnh.
Xem Tìm hiểu về giáo dục và khoa cử thời xưa, Trịnh Hoành, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội 2014, tr.83.
TRẦN CAO SƠNTriều Nguyễn tồn tại gần 150 năm, kể từ khi Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế với niên hiệu Gia Long - năm1802, tạo dựng một đế chế tập quyền trên toàn bộ lãnh thổ mà trước đó chưa hề có. Trải qua một thế kỷ rưỡi tồn tại, vinh hoa và tủi nhục, Triều đại Nguyễn là một thực thể cấu thành trong lịch sử Đại Việt. Những cái do triều đình Nhà Nguyễn mang lại cũng rất có ý nghĩa, đó là chấm dứt cuộc nội chiến, tranh giành quyền lực, xương trắng máu đào liên miên mấy thế kỷ, kiến tạo bộ máy quản lý hành chính trung ương tập quyền thống nhất mà Quang Trung - Nguyễn Huệ đã dày công vun đắp gây dựng trước đó. Dân tộc đã phải trải qua những năm tháng bi hùng với nhiều điều nuối tiếc, đáng bàn đáng nói ngay ở chính hôm nay. Song lịch sử là lịch sử, đó là một hiện thực khách quan.
TRẦN HUYỀN SÂMNếu nghệ thuật là một sự ngạc nhiên thì chính tiểu thuyết Thập giá giữa rừng sâu là sự minh định rõ nhất cho điều này. Tôi bàng hoàng nhận ra rằng, luận thuyết: con người cao quý và có tình hơn động vật đã không hoàn toàn đúng như lâu nay chúng ta vẫn tin tưởng một cách hồn nhiên. Con người có nguy cơ sa xuống hàng thú vật, thậm chí không bằng thú vật, nếu không ý thức được giá trị đích thực của Con Người với cái tên viết hoa của nó. Phải chăng, đây chính là lời nói tối hậu với con người, về con người của tác phẩm này?
HOÀNG NGỌC HIẾN ...Từ những nguồn khác nhau: đạo đức học, mỹ học, triết học xã hội-chính trị, triết học xã hội-văn hoá... cảm hứng triết luận trong nghiên cứu, phê bình văn học là nỗ lực vượt lên trên những thành kiến và định kiến hẹp hòi trong sinh hoạt cũng như trong học thuật. Những thành kiến, định kiến này có khi lại được xem như những điều hiển nhiên. Mà đã là “hiển nhiên” thì khỏi phải bàn. Đây cũng là một thói quen khá phổ biến trong nhân loại. Cảm hứng triết luận trong nghiên cứu, phê bình có khi bắt nguồn từ suy nghĩ về chính những điều “hiển nhiên” như vậy...
THÁI DOÃN HIỂUVào đời, Lưu Quang Vũ bắt đầu làm thơ, viết truyện, rồi dừng lại nơi kịch. Ở thể loại nào, tài năng của Vũ cũng in dấu ấn đậm đà làm cho bạn đọc cả nước đi từ ngạc nhiên đến sửng sốt. Thơ Lưu Quang Vũ một thời được lớp trẻ say sưa chép và thuộc. Kịch Lưu Quang Vũ một thời gần như thống trị sân khấu cả nước.
TRẦN THANH ĐẠMTrong lịch sử nước ta cũng như nhiều nước khác, thời cổ - trung đại cũng như thời cận - hiện đại, mỗi khi một quốc gia, dân tộc bị xâm lược và chinh phục bởi các thế lực bên ngoài thì trong nước bao giờ cũng phát sinh hai lực lượng: một lực lượng tìm cách kháng cự lại nạn ngoại xâm và một lực lượng khác đứng ra hợp tác với kẻ ngoại xâm.
ĐỖ LAI THUÝLTS: Trong số tháng 5-2003, Sông Hương đã dành một số trang để anh em văn nghệ sĩ Huế "tưởng niệm" nhà văn Nguyễn Đình Thi vừa qua đời. Song, đấy chỉ mới là việc nghĩa.Là một cây đại thụ của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam, Nguyễn Đình Thi toả bóng trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Bằng chứng qua các bài viết về ông sau đây, Sông Hương xin trân trọng dành thêm trang để giới thiệu sâu hơn, có hệ thống hơn về Nguyễn Đình Thi cùng bạn đọc.
ĐẶNG TIẾN…Nguyễn Đình Thi quê quán Hà Nội, nhưng sinh tại Luang Prabang, Lào, ngày 20/12/1924. Từ 1931 theo gia đình về nước, học tại Hải Phòng, Hà Nội. Năm 1941 tham gia Thanh Niên cưú quốc, 1943 tham gia Văn hóa cứu quốc, bị Pháp bắt nhiều lần. Năm 1945, tham dự Quốc Dân Đại hội Tân Trào, vào Ủy ban Giải phóng Dân tộc. Năm 1946, là đại biểu Quốc hội trẻ nhất, làm Ủy viên Thường trực Quốc hội, khóa I…
HỒ THẾ HÀ Hai mươi lăm năm thơ Huế (1975 - 2000) là một chặng đường không dài, nhưng nó diễn ra trong một bối cảnh lịch sử - thi ca đầy phức tạp. Cuộc sống hàng ngày đặt ra cho thể loại những yêu cầu mới, mà thơ ca phải làm tròn sứ mệnh cao cả với tư cách là một hoạt động nhận thức nhạy bén nhất. Những khó khăn là chuyện đương nhiên, nhưng cũng phải thấy rằng bí quyết sinh tồn của chính thể loại cũng không chịu bó tay. Hơn nữa, đã đặt ra yêu cầu thì chính cuộc sống cũng đã chuẩn bị những tiền đề để thực hiện. Nếu không, mối quan hệ này bị phá vỡ.
JAMES REEVESGần như điều mà tôi hoặc bất kỳ nhà văn nào khác có thể nói về một bài thơ đều giống nhau khi nêu ra ấn tượng về điều gì đấy được in trên giấy. Tôi muốn nhấn mạnh rằng đây không phải là toàn bộ sự thật. Việc in trên giấy thực ra là một bài thơ gián tiếp. Sẽ dễ dàng thấy điều này nếu chúng ta đang nói về hội hoạ hoặc điêu khắc.
NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP...Nguyễn Huy Thiệp không phải là người duy nhất đổi mới phương thức trần thuật. Trước ông đã có Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng... tích cực mở đường. Nhưng phải đến Nguyễn Huy Thiệp thì sự khai phóng về tư tưởng nghệ thuật mới được thể hiện một cách đậm nét. Tất cả được Nguyễn Huy Thiệp kiến tạo qua một trò chơi đầy tính bất ngờ. Giống như người nghệ sĩ ba lê tài năng, Nguyễn Huy Thiệp trình diễn một thế giới đa sắc trên đầu những đầu mũi ngón chân. Những ngón chân ấy bám trụ vào hiện thực một cách tinh diệu, xoay chuyển một cách nhịp nhàng với những vòng quay, những vũ điệu ngôn từ...
PHAN NGỌC THUTrong nền văn học Việt Nam thế kỷ XX, Xuân Diệu (1916-1985) là một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất, đồng thời cũng là nhà phê bình văn học kiệt xuất. Từ những bài tranh luận văn học sôi nổi thời Thơ Mới (1932-1945) đến Tiếng thơ (1951), Những bước đường tư tưởng của tôi (1958); từ Phê bình giới thiệu thơ (1960) đến Trò chuyện với các bạn làm thơ trẻ (1961), Dao có mài mới sắc (1963), Lượng thông tin và những kỹ sư tâm hồn ấy (1978), Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, tập I (1981), tập II (1982) và Công việc làm thơ (1984)... "chỉ tính riêng các tác phẩm lý luận phê bình, đã có thể gọi Xuân Diệu là một đại gia"(1)
BÙI QUANG TUYẾNThơ mới là một hiện tượng nổi bật của văn học Việt Nam nói chung và thơ ca nói riêng trong thế kỷ XX. Nó vừa ra đời đã nhanh chóng khẳng định vị trí xứng đáng trong nền văn học dân tộc với các "hoàng tử thơ": Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử v..v...
HÀ KHÁNH CHINgày 20 - 3 - 2003, siêu cường lớn nhất mọi thời đại là đế quốc Hoa Kỳ đã mở đầu cuộc chiến tranh kỳ quái nhất trong lịch sử bằng cách tấn công Iraq sau khi đã bắt quốc gia này phải tự phá huỷ vũ khí tự vệ của chính họ. Đó là bài học chưa hề thấy về chút hy vọng cuối cùng mà lương tri nhân loại có thể đòi hỏi. Để có thể hiểu rõ hơn những gì đang xảy ra hôm nay - có lẽ cũng rất cần ôn lại một trong những vấn đề lớn nhất mà loài người có thể nghĩ tới: cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc cách đây gần 30 năm.
HOÀNG ĐĂNG KHOA Văn học Việt từ sau 1975, nhất là từ thời kỳ đổi mới, là một quá trình văn học rất phong phú, đa dạng và không ít phức tạp, lại còn đang tiếp diễn. Cuốn sách Văn học Việt Nam sau 1975 - Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy ra đời đáp ứng nhu cầu mang tính thời sự: nhu cầu nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về tiến trình văn học ba mươi năm qua, chuẩn bị cho sự ra đời của những công trình văn học sử và những chuyên khảo về giai đoạn văn học này.
NGUYỄN QUANG HÀTrong đời có những bài thơ người ta quên, mà chỉ nhớ một câu nằm lòng. Bởi đó là những câu thơ thực sự, những câu thơ thi sĩ. Từ xưa đến nay, đã có rất nhiều định nghĩa về thơ: Thơ là tiếng hát của trái tim; Thơ là hạt muối kết tinh của tình cảm; Thơ là phút giây rung động của tâm hồn... Nói chung, những định nghĩa ấy cho ta hiểu rằng ở đâu có được sự rung động của trái tim thì ở đó có thơ.
ĐỖ LAI THUÝPhê bình văn học Việt Nam, sau sự khởi nguồn của Thiếu Sơn với Phê bình và Cảo luận (1933) chia thành hai ngả. Một xuất phát từ Phê bình để trở thành lối phê bình chủ quan ấn tượng với Hoài Thanh và Thi nhân Việt Nam (1942). Lối kia bắt nguồn từ Cảo luận tạo nên phê bình khách quan khoa học với Vũ Ngọc Phan của Nhà văn hiện đại (1942), Trần Thanh Mai của Hàn Mặc Tử (1941), Trương Tửu của Nguyễn Du và Truyện Kiều (1942), Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ (1945). Sự phân chia này, dĩ nhiên, không phải là hành chính, mà là khoa học, tức sự phân giới dựa trên những yếu tố chủ đạo, nên không phải là không thể vượt biên. Bởi, mọi biên giới đều mơ hồ hơn ta tưởng, nhất là ở khoa học văn chương.
LTS: Marcel Reich-Ranicki, sinh năm 1920, người ở Đức được mệnh danh là "Giáo hoàng văn học", là nhà phê bình văn học đương đại quan trọng nhất của CHLB Đức. "Một lời biện hộ cho thơ" là bài thuyết trình đọc vào ngày 30.11.1980 nhân dịp ra mắt Tập 5 của "Tuyển thơ Frankfurt" trong khuôn khổ chuyên mục thơ của nhật báo "Frankfurter Allgemeine Zeitung" (FAZ) mà tác giả là chủ biên phần văn học từ 1973 đến 1988.Sông Hương xin trân trọng giới thiệu bài "Một lời biện hộ cho thơ" của ông sau đây do dịch giả Trương Hồng Quang thực hiện.
TRẦN HUYỀN SÂMGeorge Sand (1804-1876) là một gương mặt độc đáo trên văn đàn Pháp thế kỷ XIX. Cùng thời với những cây bút nổi tiếng như: A.Lamartine, V.Hugo, A.Vigny, A.Musset... nữ sĩ vẫn tạo cho mình một tầm vóc riêng không chìm khuất. George Sand bước vào thế giới nghệ thuật bằng một thái độ tự tin và một khát vọng sáng tạo mãnh liệt. Với hơn hai mươi cuốn tiểu thuyết đồ sộ, G.Sand đã trở thành một tên tuổi lừng danh ngay từ đương thời. Dĩ nhiên, bà lừng danh còn bởi nhiều mối tình bất tử, trong đó có nhà thơ Pháp nổi tiếng A.Musset và nhạc sĩ thiên tài Chopin người Ba Lan.
PHẠM QUANG TRUNGCó lần, dăm ba người có thiên hướng lý luận chúng tôi gặp nhau, một câu hỏi có thể nói là quan thiết được nêu ra: trong quan niệm văn chương, e ngại nhất là thiên hướng nào? Rất mừng là ý kiến khá thống nhất, tuy phải trải qua tranh biện, không đến nỗi quyết liệt, cũng không phải hoàn toàn xuôi chiều hẳn. Có lẽ thế mới hay!
NGUYỄN HỮU HỒNG MINH1- "Thơ trẻ- Những giá trị mới" là một "mưu mô" của nhà phê bình trẻ Nguyễn Thanh Sơn và nhóm "Văn nghệ mới" (bao gồm Nguyễn Hữu Hồng Minh, Văn Cầm Hải, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Vĩnh Tiến, Dạ Thảo Phương... và một số người khác) dự tính tập hợp, tuyển chọn 1 tuyển thơ của 10 (hay nhiều hơn) tác giả trẻ từ 30 tuổi trở xuống, xuất hiện trong vòng 3 năm cuối cùng của thế kỉ để trình làng giới thiệu chân dung thế hệ mình.