THÁI KIM LAN
Đầu năm 1999, nhà Văn hóa Thế giới ở Berlin gửi xuống Muenchen cho tôi ngót chục bài thơ, nhờ chuyển ngữ sang tiếng Đức cho tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Berlin vào cuối tháng 3 năm ấy. Như thường lệ không đắn đo, tôi sốt sắng nhận lời.
Nhà thơ Lê Đạt - Ảnh: internet
Mãi sau này mới biết ra lẽ, cái duyên tại sao mình được chọn: Tác giả những bài thơ là Lê Đạt.
Rồi cuộc dịch thơ trở nên một trận toát mồ hôi, chẳng biết nhà thơ đã làm khổ chữ đến đâu, mà mười mấy năm sau thổ lộ, chữ đã làm khổ nhà thơ đến cả một tạ mồ hôi - chuyện ấy chắc… cũng thường cho Việt Nam nóng bức - còn tôi, chưa bao giờ trong đời đã có một trận dịch bở hơi tai, một trận đụng độ chữ nghĩa cam go đến thế, nhớ lại vẫn còn thấy… ê vai.
Thì có ngờ đâu mà kịp thủ thế - cứ tưởng thơ là thơ trơn lu, thế mà mới đọc là va đầu ngay vào những con chữ kỳ lạ, những cấu trúc ngược, những cạm bẫy của dấu nhấn, chấm phết, xuống hàng, bỏ lững; những chữ ghép ra khỏi mọi quy tắc, những chữ “con” thành “cả”, “đại” thành “tiểu”, “nghiêm mà đùa”, thanh mà tục - chưa thấy một chữ nào thật tục trong thơ Lê Đạt - nhiều con chữ gói cả một nền văn học vào trong, mà khi được chuyển ra ngoại ngữ, nó đánh mất tất cả khối lượng văn chương… Đọc thơ mà như đang rơi giữa thinh không:
Tim ghép ngọt góc cằn xuân bỏ hóa
Máu chửa hoàn hồng tình cả dạy non
Mộng đằng ngà bướm vẫn son ăn mạ
Vô tâm
Hay em ghép quả bồ hòn
(Ghép tim)
Tuổi lú lẫn ngược nhằm ga trẻ dại
Hay ngây thơ
Không biết lối về già
Tha thẩn chữ ngã ba
(Ke tuổi)
Rừng buồn bứt lá chim chim
Hỏi sim sim tím
hỏi bìm bim leo
Ước lòng chữ trắng nhẹ tênh cỏ lú
Chín kiếp chuyện đời ú ớ một tên em
(Cỏ lú)
Trận dịch thơ trở thành một trận chiến truy lùng chữ nghĩa dở khóc dở cười, tôi không biết tác giả ở phương nào để hỏi ông bao nhiêu là câu hỏi, nhưng biết rõ cán cân đã hẳn nghiêng về đâu; cái gậy ảo thuật ngôn ngữ đã hất tung trái cầu dịch thuật: một bên là tự do vùng vẫy bên kia là hai tay bị trói hai lần cấm không được ra khỏi vòng chơi. Ba lần đưa bản dịch thử cho người bạn Đức, ba lần đều nghe trả lời “không hiểu”. Đến lần thứ tư, tôi đành nhắm mắt dịch liều, y như khi lái xe vào Paris, rơi nhằm Place de Concorde, có 16 con đường túa vào nhau nơi bồng binh, nếu đi theo luật và tinh thần phần phải về ta kiểu Đức thì sẽ đụng xe rầm rầm, cho nên muốn thoát thì đành phải nhắm mắt đạp ga theo cảm tính của luật chơi “người sao ta vậy”, có nghĩa, tôn trọng mạng sống là trước hết còn luật là chấp!
Chẳng đặng đừng phải chấp tất thôi, nếu “chữ chơi” thì “chơi” với chữ, mà trong luật “chơi” này trước hết, người chơi phải biết “chơi” thật; có nghĩa tự do, có nghĩa vứt hết mọi điều lệ ngôn ngữ, để nghiêm túc theo chính ngôn ngữ của người đang “ngôn” hay của chính “ngữ ngôn”. Ít nhất tôi đã đổi tư thế của mình - học theo Lê Đạt trong vô thức - nửa phút trước khi quyết định đầu hàng, gửi trả lại nguyên bản, bằng cách bỏ hết tâm trạng nghiêm trọng, tự ái, thả lỏng mình và liều mạng dịch tiếp. Thế mà được việc, kết quả người bạn Đức đã hiểu.
Có điều tôi chắc rằng, nếu bây giờ đọc lại bản dịch - điều mà đã 10 năm nay tôi không làm, thì có lẽ sẽ có… bản dịch khác, không phải đúng, chính xác hơn mà sảng khoái hơn…
Tôi không chắc nhà thơ Lê Đạt đồng ý với tôi, như ông đã từng không để ý đến những phiền toái ấy. Giờ đây chẳng còn dịp để bày tỏ điều này và còn những điều tha thẩn chữ ngã ba khác vẫn là nỗi băn khoăn không dứt của người dịch:
Ví dụ “cái ga xanh ấy sót lại” hay “xót lại”? - tôi đã nhận được hai bản khác nhau gửi đến, do đánh máy sai theo giọng Bắc nhầm “S” và “X”? Dạo ấy tôi hỏi các anh ở Paris bản nào và được xác nhận “sót lại” là đúng theo tác giả và theo bản dịch tiếng Pháp. Tôi cũng đã dịch “sót lại”. Nhưng nếu giờ đây dịch lại thì tôi sẽ dịch “xanh xót lại”:
Đời tốc hành một ga xanh SÓT lại
Một góc tuổi mải tầu thơ dại mãi
Tìm nhà
quên mất số lớn khôn
hay:
Đời tốc hành một ga xanh XÓT lại…
Cái ga xanh ở lại, xanh đến xót xa khi chuyến tốc hành đã vụt qua… Lê Đạt đã đi… đột ngột chuyến tốc hành!
Có phải tự do của tôi là “xót”, bây giờ xót xa, nhưng có một chữ “xót” không?
Hay “sót” và “xót” cũng chỉ là “bóng chữ”?
Nhà thơ sẽ mỉm cười…
Như đã mỉm cười khi gặp tôi ở Berlin (Chúng tôi ở hai chương trình khác nhau tuy trong cùng một tuần lễ văn hóa). Cuộc gặp đơn giản và tự nhiên, không khách sáo, không nồng nhiệt mà bình thường với những nụ cười của Lê Đạt, hiền hòa thấp thoáng trong sảnh đường. Vẻ người đôn hậu “nhà thơ không phải là nhà thơ” hơn dáng dấp ta thường chờ đợi nơi một nhà thơ mà cũng chẳng có chi ngạo nghễ tự hào của kẻ “dissident”. Chúng tôi không đả động gì đến thơ. Nhà thơ không hỏi về chuyện dịch thơ của mình (hiếm hoi lắm) và người dịch cũng không nhắc đến chuyện “toát mồ hôi”. Có lẽ một phần chuyến đi sang Đức đã quá bất ngờ cho một nhân vật của Nhân Văn Giai Phẩm.
Mà cũng có lẽ vì mọi sự bình thường, có gì đâu mà hỏi han!
Tôi mang theo nhiều ấn tượng về tuần lễ Việt Nam tại Berlin, trong đó ấn tượng về buổi gặp nhà thơ Lê Đạt, khá lạ lùng: cái cảm giác sống động được thấy bằng xương thịt một người, nhưng lại nhẹ tênh như sờ một cái “Bóng”. Quả tình Lê Đạt đã là cái bóng đứng đó với cô hướng dẫn viên Brigitte Kraffert, khi tôi thấy lần đầu, so với cường độ mãnh liệt của cuộc chiến với thơ Lê Đạt mà tôi trải qua trước đó.
Mà có lẽ chính vì cái bóng đơn sơ ấy mà có cuộc gặp lại lần hai chăng?
Lần này do tôi chủ động. Hóa ra thơ Lê Đạt đã nằm trong tiềm thức từ lúc nào. Một lần đến Hà Nội, tôi lang thang 36 phố phường. Qua hàng Đào, hàng Đường, đến Lương Văn Can, rồi tình cờ lớ quớ ở một góc đường lao xao những xanh đỏ tím vàng, những giấy là giấy; trùng điệp cửa hàng bán giấy vệ sinh, thùng giấy, xà phòng, khăn tắm… Ơ kìa chẳng là:
Đầu phố Lãn Ông có cửa hàng tạp vặt
Đăng ký số 4210
đứng tên Lê Đạt
Nhớ xưa ba mươi năm
Cửa hàng quan niêm phong
Bút độc quân ông Lành tẩy uế
Tuổi sạch phục hồi bán giấy vệ sinh.
Tôi bắt đầu từ hàng thứ nhất, hỏi một hồi thì tìm đúng cửa hàng Lê Đạt. Người nhà bảo ông đi dạo chưa về. Trở lại lần thứ hai, nhà thơ xuất hiện thật, sau những núi giấy vệ sinh: bỡ ngỡ nhận ra người khách bất ngờ: “Lan đấy hả?”, nỗi ngạc nhiên không quá một tích tắc là đã thấy nụ cười nhân hậu tiếp theo.
Những năm sau mỗi lần đến Hà Nội, tôi thường gặp nhà thơ với các bác các anh chị trong ban biên tập Tia Sáng cùng nhau đi ăn sáng hay ăn trưa. Buổi gặp thường ngắn ngủi, vừa đủ nghe một bản nhạc, trao đổi vài tin tức, vài đề tài, hớp vài ngụm nước trà, hay dừng nơi ly rượu vang. Lần cuối món cừu nướng nơi Viện Goethe, chuyện cũng vu vơ, nhẹ nhàng, chuyện chung chung giữa nhiều người. Nhưng có một lần, giữa câu chuyện chung với nhà báo Văn Thành, đột nhiên nhà thơ Lê Đạt quay sang nói với tôi, trong tư thế của một người đang tranh luận về một đề tài - một đề tài ghiền của tôi, mà nào có bao giờ trao đổi điều chi với nhau. Chứng tỏ nhà thơ đã chuyện trò “không lời” với tôi từ lâu, từ cuộc gặp này sang cuộc khác về cái đề tài ấy, bây giờ mới đi đến lời kết:
“Này, điều mà moi thích nhất trong đạo Phật, đó là tu cho được cái tâm bình thường!”, rồi tự gật đầu: “Chính cái tâm bình thường, thật bình thường, mới là điều đáng nói, hay lắm đấy!”
Tôi giật mình nhìn sang nhà thơ, thấy ông đang cười mỉm một mình, và giật mình thêm một lần nữa, bất ngờ nhận ra - chính cái người không bao giờ ngờ đến - chính người ấy lại chỉ cho tôi điều tinh yếu của đạo Phật, rõ nét hơn tất cả những người chuyên cần trong đạo Phật, những Thiền sư, những nhà tu, những Phật tử thông thuộc thiên kinh vạn quyển.
Giữa rừng hỗn mang từ nhà đến chợ, từ chợ đến trường, từ trường đến cấp cao và cấp cao hơn, trong một thời mà những chữ như “hoành tráng”, “làm giàu”, “đại gia”, “hoa hậu”, “anh hùng cứu nước”, “buôn bán nhà đất” hà rầm tràn lan khắp nơi, ai ai cũng tìm cái hơn cái nhất, cái phi thường, cái ưu tú lấn sâu đến tận nhà chùa, nhà thờ như một thứ bệnh thần kinh bên cạnh những thứ dịch cấp tính, thì giữ được cái “tâm bình thường” quả không dễ, lại cần thiết cho cuộc sống an lành đạo đức đến nhường nào.
Chính nhà thơ Lê Đạt đã trực nhận điều ấy bằng nhạy cảm của nhà thơ, và có lẽ suốt cuộc đời Lê Đạt đã “chơi thơ” một cách nghiêm túc trên cái nền Tâm ấy. Đổ hàng tạ mồ hôi bi kịch trên cái “bình thường” ấy để xây Thơ và nhân cách nhà thơ.
Thật sảng khoái để nhận ra: con người ấy trong tận cùng bản chất keo sơn vẫn giữ chất hiền triết Việt Nam, dù thấm đượm tây học.
Chỉ tiếc xót, có thể Lê Đạt sẽ cười và bảo “moi biết rồi”. Tôi chưa kịp thú nhận với chú Lê Đạt rằng, ấn tượng của tôi về “bóng chữ” không còn là ấn tượng về hình hài cá nhân, ngay cả cái bóng cũng là cá thể.
Lê Đạt với cái Tâm bình thường đã hòa nhập làm một, trở nên điều gì phổ quát, đại thể. Mỗi lần gặp, và cảm giác đó đã có thật trong những lần gặp, tôi có cảm giác như đang ngồi dưới mái hiên của ngôi đình rộng thoáng hay trên thềm ngôi chùa không tên, không cần bước vào trong, cũng không cần pho tượng, chỉ ngồi ở hiên mà thấm đượm phong cảnh, trời mây, cả nhân tình thế thái, hong nắng và gió hồn nhiên,… Có thể với ly rượu vang và nhiều hoa, có thể dốc ngược bình, dốc luôn cả bồ chữ văn chương mà vẫn bình an, hài hòa với nụ cười chơi với chữ. Bởi một điều:
Lê Đạt là nhà thơ của thế giới… bình thường, “ước lòng chữ trắng nhẹ tênh”.
...Nhẹ tênh không chữ, thơ Lê Đạt đang mang Lê Đạt rong chơi sáng tạo như tự bao giờ!
T.K.L
(SDB9/6-13)
THÁI KIM LAN Tưởng niệm Cố Hoà Thượng Thích Thiện Châu Vừa qua tôi lục giấy tờ cũ, tình cờ thấy một trang giấy có thủ bút của Thầy Thích Thiện Châu (cố Hoà Thượng Thích Thiện Châu), một bài thơ. Cảm động quá. Bài thơ này Thầy viết sau khi khoá Thiền mùa hè năm 1990 chấm dứt và là lần cuối cùng Thầy sang giảng khoá Thiền tại Muenchen.
THI THOẠI Nhân 90 năm ngày mất Phan Kế Bính (1921– 2011) Phan Kế Bính hiệu là Bưu Văn, bút danh Liên Hồ Tử, người làng Thụy Khuê (làng Bưởi), huyện Hoàng Long, nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội, thọ 46 tuổi (1875 - 1921).
MIÊN DI Không tìm thấy, và cũng đừng nên tìm ở tập thơ này một điều gì đã từng được nhiều người đồng vọng trước đây. Nó là những mảnh tiểu tự sự, những cái nhìn cô lẻ, biệt dị từ đáy thân phận và đôi khi tàn nhẫn.
HOÀNG DIỆP LẠC (Đọc tập “Thơ tự chọn” của Nguyên Quân, Nhà xuất bản Văn học, 8-2011)
ĐOÀN ÁNH DƯƠNG“Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đương có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học”…
NGUYỄN TRỌNG ĐỨC (Cảm nhận về tập thơ "Những kỷ niệm tưởng tượng")SHO - Lâu nay, người ta biết đến Trương Đăng Dung với tư cách là một nhà nghiên cứu lí luận văn học. Nhưng gần đây, sự xuất hiện của tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng làm xôn xao văn đàn Việt Nam đã khiến đông đảo bạn đọc không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra rằng: bên cạnh một Trương Đăng Dung lí luận còn có một Trương Đăng Dung thơ.
ĐÀO ĐỨC TUẤN Lang thang giữa hè Huế nồng nã. Bỗng nhận tin của Minh Tự: thêm một cuốn sách của Nguyễn Xuân Hoàng vừa được bạn bè góp in. Đầy đặn 360 trang sách với chân dung “người buồn trước tuổi” đằm đặm trên bìa đen trắng.
Vào lúc 14 giờ 25 phút ngày 13 tháng 7 năm 2011 (nhằm ngày 13 tháng 6 năm Tân Mão), nhà thơ Văn Hữu Tứ, hội viên Hội Nhà văn TT. Huế đã qua đời sau một thời gian lâm trọng bệnh. Từ đây, trong mái nhà anh gần hồ Tịnh Tâm, trên các con đường của Thành phố Huế cũng như những nơi anh thường lui tới, tác giả của các tập thơ “Bên dòng thời gian”, “Tôi yêu cuộc đời đến chết” vĩnh viễn vắng mặt.
LÊ HUỲNH LÂM (Đọc tập thơ “Năm mặt đặt tên”, Nxb Thuận Hóa, tháng 5-2011)
KHÁNH PHƯƠNG Nguyễn Đặng Mừng đến với nghề viết một cách tự nhiên, mà cũng thầm lặng như cách người ta theo đuổi một lý tưởng. Ông vốn là học trò lớp ban C (ban văn chương) những khóa gần cuối cùng của trường Trung học Nguyễn Hoàng, trường công lập duy nhất và cũng danh tiếng nhất tỉnh Quảng Trị trước 1975.
…Thuộc dòng dõi Do Thái Đông Âu, Frederick Feirstein sinh ngày 2 tháng Giêng năm 1940 tại New York City, thân phụ và thân mẫu ông có tên là Arnold và Nettie Feirstein…
L.T.S: Nhà thơ Xuân Hoàng sinh năm 1925 tại Đồng Hới, Bình Trị Thiên. Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Nguyên là quyền Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, thuở nhỏ ông học ở Huế rồi dạy học ở Đồng Hới một thời gian trước khi thoát ly tham gia cách mạng.
Anh không thấy thời gian trôi thời gian ở trong máu, không lời ẩn mình trong khóe mắt làn môi trong dáng em đi nghiêng nghiêng như đang viết lên mặt đất thành lời về kiếp người ngắn ngủi.(T.Đ.D)
HOÀNG THỤY ANH Phan Ngọc đã từng nói: Thơ vốn dĩ có cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải xúc cảm và phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức ngôn ngữ này.
TRẦN THIỆN KHANH (Nhân đọc Phim đôi - tình tự chậm, Nxb. Thanh niên 2010)
LGT: Tuệ Nguyên, một nhà thơ trẻ dám dấn thân để lục tìm chất men sáng tạo ở những vùng đất mới với khát vọng cứu rỗi sự nhàm chán trong thi ca. Trong chuyến xuyên Việt, anh đã ghé thăm tạp chí Sông Hương. Phóng viên Lê Minh Phong đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ trẻ này.
KHÁNH PHƯƠNG Lê Vĩnh Tài tự chẩn căn bệnh của thơ tình Việt Nam là “sến”, nghĩa là đa sầu đa cảm và khuôn sáo, bị bó buộc trong những lối biểu hiện nhất định. Rất nhanh chóng, anh đưa được lối cảm thức đương đại vào thơ tình, cái ngẫu nhiên, vu vơ, ít dằn vặt và không lộ ra chủ ý, dòng cảm xúc ẩn kín sau những sự vật tình cờ và cả những suy lý.
HỒ THIÊN LONGBạn đọc TCSH thường thấy xuất hiện trên tạp chí, và một số báo văn nghệ khác một số tên tuổi như về văn xuôi có: Lê Công Doanh, Phùng Tấn Đông, Châu Toàn Hiền, Nguyễn Minh Vũ, Trần Thị Huyền Trang, Phạm Phú Phong, Trần Thùy Mai…
FAN ANH 1. Sự đồng hành của “ba thế hệ viết trẻ”