Trên những chuyến tàu

15:04 27/12/2023

NGUYỄN PHÚC ƯNG ÂN
                       Hi ký

Tôi tỉnh giấc. Ngoảnh sang bên cạnh thấy các bạn đã ngồi dậy. Nằm yên trong bóng đêm, tôi thử tính xem mình đang còn cách Huế mấy cây số.

Ảnh: tư liệu

Chiếc đầu máy xe lửa 500 chạy củi đang hồng hộc lao trong mưa nhẹ và gió lạnh quyện khói như quấn quýt quanh chiếc "tender" bụi bặm. Cả tiểu đội vừa đi tuyên truyền cho ngày bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Phú Lộc, nay trở về Huế trong đêm để các anh các chị đủ tuổi sáng ngày mai còn đi làm nghĩa vụ công dân. Đi tuyên truyền tận các vùng sâu về ý nghĩa ngày bầu cử, qua nhiều lần giải thích cho đồng bào, đến hôm nay, các anh các chị, kể cả tôi - dù biết mình chưa đủ 18 tuổi - cũng tự thấy náo nức thực sự, trước ngày hội của dân chúng đi bầu ra cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước vừa mới thành lập nhưng đã phải chống nhiều giặc: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm.

Đối với Đội Thanh niên Xung phong Trung Bộ, đường sắt vừa là phương tiện, vừa là nơi có quần chúng để chúng tôi tuyên truyền. Anh chị em ngành đường sắt thấy chúng tôi là tay bắt, mặt mừng, coi như "người nhà". Tàu phía Nam ra, ghé ga Truồi lấy nước, lấy củi dạo này than đá không đủ dùng - Và cái toa quá chật, tổ lái đã đưa chúng tôi lên nằm tạm trên "tender", ngay gần chỗ các anh đang lái tàu.

Bóng đêm vẫn dày đặc. Trời đầy mây. Một tiếng còi dài vang lên, bóng đèn điện quét thành vệt. Đã đến An Cựu, rồi ga Huế. Từ trong tối ra, sau hơn mười ngày về nông thôn, hôm nay thấy điện nhà ga sáng rực.

- Sao hôm nay điện như sáng hơn - tôi nói.

- Đúng đó - một nhân viên nhà ga tay cầm đèn tín hiệu trả lời. Ngày mai bầu Quốc hội, đêm nay anh em nhà đèn Huế tăng thêm ánh sáng.

Cả tiểu đội chào hỏi tổ lái và nhân viên nhà ga xong, xếp thành hàng theo tiểu đội trưởng đi bộ về cầu Tràng Tiền. Nhìn thấy ở chỗ phòng Thông tin "Trên những chuyến tàu" (trước là pharmacie Imbert) cờ đỏ sao vàng, lư đồng, khẩu hiệu, chúng tôi rất phấn chấn. Muốn vừa đi vừa hát, nhưng sực nhớ đã quá khuya, đành đi về phủ Tôn Nhơn đánh một giấc ngon lành. Đêm đó là thứ bảy, ngày 5 tháng 1 năm 1946.

Sớm ra, các anh các chị đi bầu theo phường mình ở. Tôi về phường Phú Mỹ, đến trụ sở Ủy ban, nơi bầu cử, thấy bà con đã đến rất đông. Mọi người náo nức đi bỏ phiếu. Nhiều người về mặt rất hồ hởi mà lúng túng tìm người nhờ viết giúp. Tôi ước chi có lá phiếu để tự mình viết lấy, vì đã hiểu rõ ý nghĩa, đã biết nên chọn ai. Đã hàng chục ngày cùng toàn đội đi giải thích vận động bà con, nhưng đến ngày bà con đi bỏ phiếu thì mình chưa có phiếu để bỏ, vì chưa đủ tuổi.

Không được bầu nhưng vẫn vui vẻ. Trong không khí ngày bầu cử hôm nay mình và Đội có phần nhỏ đóng góp.

* * *

Trở lại đường sắt. Hồi đó, tàu vào Nam ra Bắc, trên toa hàng hóa chồng chất (chủ yếu là gạo, bắp...) hành khách chật ních. Các tiểu đội được phép vừa tuyên truyền vừa bán ảnh Hồ Chủ Tịch để thêm kinh phí cho Đội.

Trong tiếng xình xịch, chúng tôi bắt đầu bằng một bài hát, tự giới thiệu về Đội, rồi thay nhau nói về chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm... Bà con rất chú ý theo dõi. Lúc đầu còn ngỡ ngàng sau quen dần, và đó đây có tiếng tán thưởng. Chúng tôi chuyển tiếp sang bán đấu giá ảnh Hồ Chủ Tịch, những bức chân dung khắc gỗ một màu, in trên giấy bản mỏng. Thấy ảnh nhiều bà con trầm trồ. Chúng tôi nói cách thức bán: ai muốn mua bao nhiêu tiền, hô giá lên. Chúng tôi rao lại ba lần; có ai trả cao hơn, chúng tôi hô giá mới. Sau ba lần hô giá mới, không ai trả hơn nữa, thì người đó được mua, trả tiền, nhận ảnh. Xong toa này, lại sang toa khác.

Có lần thật bất ngờ. Sau khi đưa ảnh lên và giới thiệu cách đấu giá như trên, một bà vừa hô giá, vừa đưa số tiền đó luôn. Chúng tôi hơi ngập ngừng. Biết ý, bà cứ ấn tiền vào tay tôi và nói: "Cứ cầm, ai mua hơn thì họ được ảnh Cụ, tiền tui không lấy lui mô". Tôi lật chiếc mũ vải rộng vành đang đội, ngửa mũ bỏ tiền vào, giơ ảnh cao... lên, đồng thời cũng giơ mũ cao lên và hô giá. Sau tiếng thứ nhất, một bà con khác hô giá cao hơn và bỏ tiền vào mũ luôn. Người thứ ba, thứ tư và cứ thế tiếp nối. Chúng tôi phải vất vả chen đi vòng quanh mãi trong toa, dẫm lên các bao gạo chất lên sàn. Sau một hồi, mũ đầy tiền. Từ đấu giá, trở thành một hình thức quyên góp đuổi giá. Mà sao không khí thật vui vẻ hồ hởi. Cuối cùng, một bà con trả cao giá hơn cả, kèm theo số tiền bỏ vào mũ. Sau khi hô lớn ba lần, không ai trả hơn, chúng tôi chuyển ảnh cho bà con đó. Cả toa hoan hô - dạo ấy còn rất ít người có thói quen vỗ tay. Tôi hào hứng dạo một câu bằng ácmônica và cả tiểu đội cùng hát vang bài "Bao chiến sĩ anh hùng"... Rồi chuyển qua toa khác. Mấy bà nói với nhau: "Con cái nhà ai mà nhanh nhẹn, dễ thương...". Lần này đếm tiền, thấy nhiều hơn hẳn lần trước, toàn là bạc Đông Dương, bạc Quan Kim. Khi có cảm tình, bà con làm theo cách của bà con, và chúng tôi thấy lòng ấm áp, đã hoàn thành công việc Đội giao. Mình cố gắng và thật thà mà bà con họ vừa bỏ tiền vừa chỉ cho cách làm, với kết quả thật bất ngờ.

* * *

Tiểu đội chúng tôi được đồng chí Hoàng Văn Diệm thay mặt Việt Minh Cô Tám (tức Việt Minh tỉnh Quảng Bình) tiếp ở trụ sở Việt Minh: nhà công sứ cũ của Pháp ở Đồng Hới. Từ phòng khách nhìn ra cửa biển Nhật Lệ, đụn cát Bảo Ninh, gió mát rượi, sóng nhấp nhô trắng xóa trên nền biển, trời xanh ngắt. Trước mặt là hồ nước bao quanh, có vườn dương liễu soi bóng. Một con đường trải dài theo bờ sông, và đến đằng kia, lại uốn gấp khúc, vườn qua cầu Mụ Kề, như đóng khung cho cảnh đẹp. Tất cả cùng ăn cơm chung với chúng tôi, từ chủ nhiệm Việt Minh đến nhân viên. Thức ăn bình thường nhưng bát đĩa thật sang trọng; đồ dùng của công sứ trước đây.

Cảnh đẹp, nhà cao, gió mát... Phải ngồi ở đây mới nhìn thấy thêm vẻ đẹp của dòng sông vừa cửa biển mang tên Nhật Lệ - ngày đẹp - Càng hiểu ra vì sao tòa công sứ được xây cất ở đây. Cái gì đẹp nhất, quý nhất, thực dân đã tìm cách chiếm đoạt, khai thác và hưởng thụ. Thế mà dân mình đang đói. Tối đó, chúng tôi tuyên truyền ở vườn hoa trong thành. Diễn đàn là một ghế cao có bậc thang nguyên là cửa trọng tài bóng chuyền. Bà con say sưa nghe. Diễn giả hùng hồn nói.

Tiểu đội chúng tôi chưa phải là đơn vị của Đội đã đi xa nhất, làm những nhiệm vụ nặng nề nhất. Nhưng bước chân của anh chị em đã để dấu từ đô thị đến vùng sâu, từ Bắc vào Nam, gần suốt dải miền Trung. Sau Đồng Hới lại vào Đà Nẵng, cũng ăn cơm chung, ngủ nhà lầu, thảm đỏ, nhà công sứ cũ. Rồi Quảng Ngãi với những mật khẩu mỗi khi ra vào cổng có các cô tự vệ trẻ măng, đội calô, tóc ngắn, quần soọc đứng gác. Có lần có anh trong tiểu đội, đến gần phía sau, định vỗ vai hỏi đường, nhưng thấy cổ trắng quá, nhìn lại thấy là con gái rút tay về; cô tự vệ quay lại, hai người cùng mỉm cười mà không ai hỏi ai câu gì.

Rồi Tam Quan, với đường sắt và nhà ga chui sâu giữa rừng dừa rậm rạp, Bồng Sơn, Phú Cát, Phú Mỹ, - nơi đây một buổi chiều, để tập trung bà con, ông trưởng ga cùng một cô gái trẻ trong phố hòa tấu các bài nhạc bằng hai cây violon, trình độ khá điêu luyện, hấp dẫn. Trong nhà ga, vết đạn máy bay Đồng minh bắn thủng còn in dấu, tôi thổi acmônica cùng hòa tấu bài Nhớ chiến khu. Bà con đến rất đông và buổi tuyên truyền thật hào hứng.

Cho đến một buổi sáng, chúng tôi đến Tuy Hòa, qua sông Đà Rằng bằng thuyền buồm, tiếp tục đi vô Nam thì gặp các tiểu đội ở phía trong ra, ai nấy hốc hác sau khi mặt trận Ninh Hòa vỡ. Một anh ở tiểu đội bạn khoe với tôi cây kiếm Nhật thiệt đẹp rồi nói: "Ở trên đèo Rù Rì, mọi người đói lả, vất dần hết mọi thứ. Ranh giới của anh, của tôi chẳng còn ý nghĩa lúc người ta đã kiệt sức. Ai mang được gì, là của người ấy. Cây kiếm này là vật mang theo cuối cùng của một anh bạn trao lại, mình cố gắng hết sức mang về Đội làm kỷ niệm. Còn nhớ trong chương trình huấn luyện, Đội có mời mấy giáo viên nam nữ về dạy anh chị em múa kiếm ở sân phủ Tôn Nhơn.

Ước gì có một sơ đồ ghi lại hết các tuyến đường anh chị em toàn Đội đã đi xung phong trong tuyên truyền..."

* * *

Các đội viên TTXP Trung Bộ, dù đi đến đâu, với đối tượng nào, cũng đều được cảm tình. Có thể do đã qua huấn luyện; có thể do chương trình được xây dựng công phu, dân chủ, thiết thực. Có thể do đội ngũ được chọn lựa đúng hướng: Những người có ít nhiều học vấn, tương đương với trình độ tương đối khá trong xã hội lúc đó, lại có tinh thần say sưa đi vào quần chúng. Có thể do không khí hào hứng của những ngày đầu giành độc lập sau đêm dài nô lệ... Nhưng đạt được kết quả đó không dễ dàng chút nào.

Nhớ lại những lần đầu, khó khăn nhất cho đội viên là lời mở đầu, khó thứ hai là lời tóm lại để đi đến kết thúc. Có trường hợp giới thiệu rồi, đứng lên rồi, mà diễn giả cứ "trồng chuối", không mở miệng được câu đầu. Nhưng mà rồi, cũng có cách của nó.

Hôm đó, ở Sịa. Trong sân đình và dưới ánh đuốc, bà con ngồi rất đông. Diễn giả được giới thiệu, bước ra, nhưng đứng mãi hồi lâu không nói được. Bỗng câu đầu tiên được bật lên: "Việt Nam,... bao năm ròng... rên xiết lầm than!..." (ngừng). "Dưới ách quân tham tàn (ngắt) đế quốc, sài lang, (lên giọng). Loài phát xít!...". Rồi tiếp đến (giọng thiết tha) "nào nhà tù, nào trại giam, biết bao nhiêu nhục hình...”.

Bà con vẫn im lặng. Cả tiểu đội nín thở. Mãi cho đến khi nói hết bài diễn giả giơ tay, gần như hô khẩu hiệu: Việt Nam! Việt Nam muôn năm, cả sân đình rung tiếng hoan hô. Toàn tiểu đội thở phào, nhẹ nhõm, đồng thanh luôn một bài: "Bao chiến sĩ, anh hùng...".

* * *

Tiếng tàu cành cạch đều đều. Cũng trên tuyến đường sắt này, rộng một mét, nhưng đã là đầu máy chạy dầu. Không có nhiều hạng toa quá cách biệt, và ghế ngồi đã có số.

Sau gần nửa thế kỷ, tôi lại đi tàu, không phải để bán đấu giá, thổi acmônica, thưa đồng bào, mà đi gặp bạn cũ của Đội theo tiếng chim gọi đàn.

Có lẽ mọi sự sống dậy bùng lên từ một thông tin ngắn gọn: "Chúng tôi đã họp mặt nhóm TTXP Trung Bộ ở Hà Nội và mời các bạn Trung Nam Bắc về Hà Nội gặp nhau ngày 31-8-1992". Cả nhóm Huế cùng nói: "Không hiểu sao, cứ nghe nói đến họp bạn TTXP Trung Bộ là cứ thấy vui mừng, nôn nao, và muốn đi ngay".

Cái gì vẫn đượm nồng sau hàng vạn ngày trời đất, bằng bao sự thử thách, hàng mấy sự biến đổi? Cứ tìm đến với nhau, cứ thoải mái cởi mở, kể cho nhau nghe những chuyện thú vị hàng mấy chục năm "để bụng”, cùng nhau hỏi cho ra tin tức về các bạn đã không còn nữa.

Các cháu nhỏ hỏi mẹ cháu: "Các ông bà nói gì gì mà vui thế? Thoáng tình đầu là gì hở mẹ?".

Xin nói hộ ông bà ngoại; là thoáng kỷ niệm đối với nhau. Và xin nói thêm còn có mối tình nào không thoáng chút nào. Nó in đậm nét đến bây giờ và suốt cả đời người: mối tình với chí hướng.

Hồi đó chúng tôi còn trẻ lắm. Đội viên gái trai trẻ nhất là 16, 17. Đội trưởng tuổi không tới 30. Đội trưởng từ nhà tù ra. Chúng tôi, những trai gái cả Trung Nam Bắc hồi đó ở Huế, về các tỉnh, từ nhà trường, đường phố, công sở đến. Những bài vỡ lòng về cách mạng, về chủ nghĩa duy vật, duy vật biện chứng mà trước còn trao đổi với nhau cả bằng tiếng Pháp cho mau hiểu hơn tiếng Hán Việt mới lạ, rườm rà - về chủ trương, chính sách của đoàn thể và Nhà nước, những chuyến đi sâu vào quần chúng. Trên đường phố Tràng Tiền (đường Trần Hưng Đạo) hồi đó còn là đường đôi, ở giữa một dãy cây bút bút cành lá sum xuê) mấy chục gái trai đội mũ calô đính huy hiệu tròn có ngôi sao, vàng vàng; nền đỏ, vừa đi theo đội ngũ vừa hát vang "Đây là lúc quân dân hùng tiến"...

Ở trụ sở thì ngủ sàn gỗ, ăn cơm chung. Đi đến đâu mang theo giấy giới thiệu có câu "ăn chi cũng được". Hát, nói trực tiếp cho đồng bào nghe, và tiếp nhận từ họ tình cảm rộng lớn sâu đậm. Sống trong sáng, vô tư, non trẻ, hăng say, và cùng nhau vượt qua thử thách, kể cả đói thực sự, rét thực sự, giáp trận với kẻ thù, đạn kẻ thù bắn trúng vào mình...

Có người nói: "Thời gian của Đội còn ngắn quá!"?

Một phút còn làm nên lịch sử: "Hãy nhìn thẳng quân thù".

Huống hồ ở đây với mấy trăm ngày, mấy vạn lần nghe, mấy triệu lần thấy mà qua đó đường lối chính sách của cách mạng đi sâu vào quần chúng trên một địa bàn rộng lớn thông qua cả trăm trái tim non trẻ, nhiệt thành ở thời điểm lịch sử "ngàn cân treo sợi tóc".

Qua gần nửa thế kỷ, giờ nhìn lại, thấy tất cả ai đó đã vào Đội, và từ Đội ra đi tiếp, cho đến bây giờ vẫn chung thủy một mối tình đầu với chí hướng đã chọn.

Có cháu hỏi: "Các cô bác gặp nhau, không biết có thiết thực không? Hay chỉ là hoài niệm để rồi rơi vào quên lãng?".

Rất thiết thực. Trước hết cho chính mình, để "thêm cuộc sống cho năm tháng" của những người có tuổi.

Và còn nữa: để cùng nhớ lại và ghi chép những gì thật là trẻ, là đẹp, là quý, những cứ liệu của mối tình đầu đối với chí hướng: dân tộc độc lập và nhân dân tự do, no ấm.

Chúng tôi đã một lần yêu thực sự và không phản bội tình yêu đó.

Phúc An 3-1993
N.P.Ư.Â
(TCSH56/07&8-1993)

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • BỬU Ý

    Hàn Mặc Tử (Nguyễn Trọng Trí) từng sống mấy năm ở Huế khi còn rất trẻ: từ 1928 đến 1930. Đó là hai năm học cuối cùng cấp tiểu học ở nội trú tại trường Pellerin (còn gọi là trường Bình Linh, thành lập năm 1904, do các sư huynh dòng La San điều hành), trường ở rất gần nhà ga tàu lửa Huế. Thời gian này, cậu học trò 17, 18 tuổi chăm lo học hành, ở trong trường, sinh hoạt trong tầm kiểm soát nghiêm ngặt của các sư huynh.

  • LÊ QUANG KẾT
                   

    Giai điệu và lời hát đưa tôi về ngày tháng cũ - dấu chân một thuở “phượng hồng”: “Đường về Thành nội chiều sương mây bay/ Em đến quê anh đã bao ngày/ Đường về Thành nội chiều sương nắng mới ơ ơ ơ/ Hoa nở hương nồng bay khắp trời/ Em đi vô Thành nội nghe rộn lòng yêu thương/ Anh qua bao cánh rừng núi đồi về sông Hương/ Về quê mình lòng mừng vui không nói nên lời…” (Nguyễn Phước Quỳnh Đệ).

  • VŨ THU TRANG

    Đến nay, có thể nói trong các thi sĩ tiền chiến, tác giả “Lỡ bước sang ngang” là nhà thơ sải bước chân rong ruổi khắp chân trời góc bể nhất, mang tâm trạng u hoài đa cảm của kẻ lưu lạc.

  • TRẦN PHƯƠNG TRÀ

    Đầu năm 1942, cuốn “Thi nhân Việt Nam 1932-1941” của Hoài Thanh - Hoài Chân ra đời đánh dấu một sự kiện đặc biệt của phong trào Thơ mới. Đến nay, cuốn sách xuất bản đúng 70 năm. Cũng trong thời gian này, ngày 4.2-2012, tại Hà Nội, Xuân Tâm nhà thơ cuối cùng trong “Thi nhân Việt Nam” đã từ giã cõi đời ở tuổi 97.

  • HUYỀN TÔN NỮ HUỆ - TÂM
                                      Đoản văn

    Về Huế, tôi và cô bạn ngày xưa sau ba tám năm gặp lại, rủ nhau ăn những món đặc sản Huế. Lần này, y như những bợm nhậu, hai đứa quyết không no nê thì không về!

  • LƯƠNG AN - NGUYỄN TRỌNG HUẤN - LÊ ĐÌNH THỤY - HUỲNH HỮU TUỆ

  • BÙI KIM CHI

    Nghe tin Đồng Khánh tổ chức kỷ niệm 95 năm ngày thành lập trường, tôi bồi hồi xúc động đến rơi nước mắt... Con đường Lê Lợi - con đường áo lụa, con đường tình của tuổi học trò đang vờn quanh tôi.

  • KIM THOA

    Sao anh không về chơi Thôn Vỹ
    Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên        
          
                       (Hàn Mạc Tử)

  • NGUYỄN VĂN UÔNG

    Hôm nay có một người du khách
    Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên         
     

    (Xóm Ngự Viên - Nguyễn Bính)

  • HOÀNG THỊ NHƯ HUY

    Tôi biết Vân Cù từ tấm bé qua bóng hình người đàn bà gầy đen, gánh đôi quang gánh trĩu nặng trên vai, rảo khắp các xóm nhỏ ở Thành Nội, với giọng rao kéo dài: “Bún…bún…ún!” mà mẹ đã bao lần gọi mua những con bún trắng dẻo mềm.

  • LÊ QUANG KẾT                
                      Tùy bút

    Hình như văn chương viết về quê hương bao giờ cũng nặng lòng và giàu cảm xúc - dù rằng người viết chưa hẳn là tác giả ưu tú.

  • TỪ SƠN… Huế đã nuôi trọn thời ấu thơ và một phần tuổi niên thiếu của tôi. Từ nơi đây , cách mạng đã đưa tôi đi khắp mọi miền của đất nước. Hà Nội, chiến khu Việt Bắc, dọc Trường Sơn rồi chiến trường Nam Bộ. Năm tháng qua đi.. Huế bao giờ cũng là bình minh, là kỷ niệm trong sáng của đời tôi.

  • LÊ QUANG KẾT

    Quê tôi có con sông nhỏ hiền hòa nằm phía bắc thành phố - sông Bồ. Người sông Bồ lâu nay tự nhủ lòng điều giản dị: Bồ giang chỉ là phụ lưu của Hương giang - dòng sông lớn của tao nhân mặc khách và thi ca nhạc họa; hình như thế làm sông Bồ dường như càng bé và dung dị hơn bên cạnh dòng Hương huyền thoại ngạt ngào trong tâm tưởng của bao người.

  • HUY PHƯƠNG

    Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
    Mà mưa trắng đất, trắng trời Thừa Thiên         
                          
                                              (Tố Hữu)

  • PHAN THUẬN AN

    Huế là thành phố của những dòng sông. Trong phạm vi của thành phố thơ mộng này, đi đến bất cứ đâu, đứng ở bất kỳ chỗ nào, người ta cũng thấy sông, thấy nước. Nước là huyết mạch của cuộc sống con người. Sông là cội nguồn của sự phát triển văn hoá. Với sông với nước của mình, Huế đã phát triển theo nguyên tắc địa lý thông thường như bao thành phố xưa nay trên thế giới.

  • MAI KIM NGỌC

    Tôi về thăm Huế sau hơn ba thập niên xa cách.Thật vậy, tôi xa Huế không những từ 75, mà từ còn trước nữa. Tốt nghiệp trung học, tôi vào Sài Gòn học tiếp đại học và không trở về, cho đến năm nay.

  • HOÀNG HUẾ

    …Trong lòng chúng tôi, Huế muôn đời vẫn vĩnh viễn đẹp, vĩnh viễn thơ. Hơn nữa, Huế còn là mảnh đất của tổ tiên, mảnh đất của trái tim chúng tôi…

  • QUẾ HƯƠNG

    Năm tháng trước, về thăm Huế sau cơn đại hồng thủy, Huế ngập trong bùn và mùi xú uế. Lũ đã rút. Còn lại... dòng-sông-nước-mắt! Người ta tổng kết những thiệt hại hữu hình ước tính phải mươi năm sau bộ mặt kinh tế Thừa Thiên - Huế mới trở lại như ngày trước lũ. Còn nỗi đau vô hình... mãi mãi trĩu nặng trái tim Huế đa cảm.

  • THU TRANG

    Độ hai ba năm thôi, tôi không ghé về Huế, đầu năm 1999 này mới có dịp trở lại, thật tôi đã có cảm tưởng là có khá nhiều đổi mới.

  • TUỆ GIẢI NGUYỄN MẠNH QUÝ

    Có lẽ bởi một nỗi nhớ về Huế, nhớ về cội nguồn - nơi mình đã được sinh ra và được nuôi dưỡng trong những tháng năm dài khốn khó của đất nước, lại được nuôi dưỡng trong điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt. Khi đã mưa thì mưa cho đến thúi trời thúi đất: “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Trị Thiên…” (Tố Hữu). Và khi đã nắng thì nắng cho nẻ đầu, nẻ óc, nắng cho đến khi gió Lào nổi lên thổi cháy khô trời thì mới thôi.