Tìm trong nỗi nhớ (1), một giọng nói dịu dàng, một ánh nhìn nhân hậu...

14:32 01/07/2009
LÊ HỒNG SÂMTìm trong nỗi nhớ là câu chuyện của một thiếu phụ ba mươi tám tuổi, nhìn lại hai mươi năm đời mình, bắt đầu từ một ngày hè những năm tám mươi thế kỷ trước, rời sân bay Nội Bài để sang Matxcơva du học, cho đến một chiều đông đầu thế kỷ này, cũng tại sân bay ấy, sau mấy tuần về thăm quê hương, cô cùng các con trở lại Pháp, nơi gia đình nhỏ của mình định cư.

Truyện do hai người kể: bảy chương lẻ (1,3,5,7,9,11,13) là lời của cái "tôi" hồi tưởng hay tưởng tượng - người kể ở ngôi thứ nhất nói về những sự kiện đã xảy ra hoặc có thể xảy ra; qua bảy chương chẵn (2,4,6,8,10,12,14), người kể ở ngôi thứ ba thuật lại những gì đang diễn tiến trong hiện tại. Hai mạch truyện, hai người dẫn, quá khứ, hiện tại, tương lai, thực và mộng đan xen, hoà quyện... thủ pháp tự sự này khiến cuốn tiểu thuyết không đơn điệu, song đáng chú ý là vẫn giữ được sự liên tục, và tính thống nhất. Trước hết, truyện được cấu trúc rất kỹ: lời (hoặc ý) kết thúc chương trước nối với lời (hoặc ý) mở đầu chương sau, tạo cảm giác liền mạch, không đứt đoạn, tương tự một bài thơ liên vận. Thí dụ chương 2 khép lại bằng ý nghĩ của Lan Chi, nữ nhân vật chính, tại một thành phố miền Nam nước Pháp "Mùa đông năm nay thật lạ. Trời lạnh đến thế rồi mà sao vẫn chưa có tuyết rơi?" thì chương 3 mở ra cũng với hình ảnh tuyết, nhưng là trong ký ức của "tôi", về một thời gian, không gian khác "Tuyết rơi nhiều, rất nhiều, mùa đông năm ấy ở Matxcơva"...

Tuy nhiên, sự bố trí bên ngoài - dù công phu khéo léo - chỉ là một yếu tố gắn bó, kết nối bề mặt. Điều chủ chốt, tạo nên tính thống nhất bên trong, chính là âm điệu, là cái nhìn nhất quán, bao trùm và xuyên suốt tác phẩm: một cách nhìn thông minh và đôn hậu, một giọng nói hiền hoà nhỏ nhẹ. Tính từ dịu dàng xuất hiện nhiều lần chắc không phải ngẫu nhiên. Tình yêu trong cảm nhận của nhân vật chính bao giờ cũng gắn với sự dịu dàng: chương 3 - hồi ức về mối tình đầu chớm nở - mở ra với những bông tuyết đầu mùa "tinh khiết và dịu dàng", khép lại khi Matxcơva vào xuân, tuyết đang tan, "trời rất trong, rất dịu". Ở chương 5, người kể truyện nhớ về buổi sáng tỉnh dậy sau đêm đầu tiên trao gửi cho người yêu sắp cưới - "một cảm giác dịu dàng tràn ngập người tôi". Rồi đường đời của họ rẽ thành hai ngả, và mười hai năm sau gặp lại, biết rằng không thể quên nhau, cũng biết rằng không thể (và không nên) đảo lộn những gì đã an bài, Lan Chi nhận ở Kiên chiếc hôn từ biệt, "một nụ hôn thật dịu dàng nhưng ngắn ngủi". Mối tình sau này với Trung, cuộc hôn nhân, gia đình nhỏ họ xây đắp... cũng thấm đượm điều ấy: vòng tay Trung ôm dịu dàng khi cô kể cho anh nghe về cô và Kiên, thành phố Verona huyền bí dịu dàng trong tuần trăng mật, sự gần gũi dịu dàng và âu yếm của chồng mà cô nhớ nhung. Còn đây là ấn tượng mọi người lưu giữ về nhân vật: trong mắt người châu Âu, cô là một phụ nữ Á đông dịu dàng và dễ thương, Kiên không thể quên cô chính là vì cô dịu dàng đằm thắm, Trung luôn đầu hàng khi vợ "dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi"...

Nhưng một giọng điệu dịu dàng nhỏ nhẹ triền miên cũng có nguy cơ trở thành phẳng lặng, đôi khi tẻ nhạt (chẳng hiểu có phải để tránh điều này hay không mà trong sáng tác, phê bình, tranh luận gần đây, giọng điệu khá phổ biến là đáo để, sắc sảo, nhiều khi dữ dội, sỗ sàng? tất nhiên, việc "đảo lộn thứ bực" trong ngôn ngữ, phong cách, là một trong những cố gắng đổi mới văn chương, ở ta cũng như ở châu Âu, có điều đừng tạo nên thành một lối mòn, một ước lệ mới). May thay, Tìm trong nỗi nhớ hiền hoà, mà lại rất có duyên, nhờ nụ cười thấp thoáng ở mỗi trang. Có thể thấy trong tác phẩm mọi cung bậc, mọi sắc thái hài hước: âu yếm - như khi nói về những đứa con của Lan Chi sáng sáng "truy tìm đồ thất lạc" trước khi chạy bộ đến trường, một trò mà chúng "rất khoái" v.v., dí dỏm - thí dụ cảnh Lan Chi và Thanh Hoa đơn độc "đánh quả" ở Nga "không có bồ là rất thiệt... người nào có bồ thật đúng như có cánh. Bàn là nồi hầm... cứ tự dung bay vèo vèo về nhà"... Sự giễu cợt có khi chua chát - ngay trang đầu đã cho thấy mấy cậu bạn vụng về của Lan Chi "mặt đỏ lựng lên ngang màu đỏ của bông hồng thêu trên quần lót", những chiếc quần đem sang thị trường Nga, đôi lúc xót xa - nhẫn nhục xếp hàng, chờ đợi, để rồi tẽn tò nghe cô bán hàng dõng dạc tuyên bố không bán nữa và "thấy mình thiểu não ra về, mặt mũi bơ phờ, nhân cách tơi tả". Một vài mũi nhọn châm biếm được sử dụng khá thích đáng, khi nhằm vào các nhà khoa học "dỏm" trong và ngoài nước, một số chức sắc quan liêu, cửa quyền, (hình như vẫn hơn hiền lành, tuy không thiếu thông minh? thôi, chẳng thà vậy còn khiến người đọc dễ chịu hơn là nhiều sự đanh đá mà ít chất trí tuệ!)

Theo người kể, Lan Chi viết cuốn tiểu thuyết tự truyện này để nhìn lại con đường của cô và bạn bè, lớp du học sinh ra đi vào những năm tám mươi thế kỷ trước, bây giờ vài người ở trong nước, "còn thì tung tán khắp mọi nơi, Nga, Pháp, Anh, Đức, Mỹ, Nhật... nơi nào cũng có". Gần đây, một vài tác giả sống ở nước ngoài đã thể hiện các cảnh đời của người Việt tại xứ người, có những truyện viết chân thực, và hay (thí dụ như truyện của Nguyễn Văn Thọ mà tôi có dịp đọc). Tìm trong nỗi nhớ cũng nói về cả mặt phải và mặt trái của cuộc sống tha hương, một cách tinh tế, chừng mực, không cường điệu, không gượng nhẹ. Những dấu ấn của lịch sử, những dư âm từ quá khứ vẫn chi phối mỗi thành viên trong cộng đồng xa xứ, kẻ có ý thức, người bất tự giác, kẻ không muốn gỡ ra, người cố hoá giải... Đôi khi một hai nét phác hoạ nhẹ tênh - thí dụ như "một thoáng im lặng" của bà nội, khi thằng cháu định hát bài "Hà Nội, niềm tin và hy vọng" để đáp ứng lời bà khuyến khích hát tiếng Việt, rồi sự khó xử của bố mẹ bé trước tình huống ấy "Trung và Lan Chi cười cười nhìn con trai, chưa biết nói sao" - mà tiềm ẩn bao khác biệt thuộc tâm tư ba thế hệ! Lại có những lúc, nỗi day dứt bên trong thốt ra thành lời, và một âm điệu trữ tình bâng khuâng bỗng cất lên, thay cho giọng đùa cợt hóm hỉnh thường trực. Đó là phút giây hồi ức trỗi dậy, nữ nhân vật cảm thấy "quả tim như thắt lại, vật vã: nó biết rằng tôi yêu Tr., yêu thực sự, vậy mà tại sao một góc sâu thẳm trong lòng tôi vẫn chẳng thể quên K.?" Đó là lúc sắp rời Hà Nội trở lại Paris, Lan Chi "bắt chợt mình ghen tị với dòng người hối hả ngược xuôi trên đường phố. Ghen với sự thanh thản của một tình yêu trọn vẹn không bị giằng xé làm đôi. Ghen với cái hạnh phúc bình yên khi nhà và quê hương là một".

Cách thể hiện các biến cố, các tâm trạng, tất nhiên đã phần nào bao hàm ý định lý giải nơi người kể. Một điều rất rõ là cảm giác ngỡ ngàng của nhân vật chính (cũng là người kể xưng tôi), cô đọng trong một từ trở đi trở lại, với tần số còn cao hơn dịu dàng, đó là từ "bất ngờ". Chương 1, thuật lại cảnh lên đường của các thanh niên "đầu đầy ắp ước mơ", đã báo trước "Cuộc đời luôn luôn có những biến động bất ngờ (...) Nhưng vào thời điểm đó (...) không ai trong chúng tôi có thể ngờ trước điều này". Chương 2 nhắc lại ý đó "Chỉ vì cuộc đời cứ thích đi theo những đường ngoắt ngoéo, thích rẽ ngoặt ở những khúc bất ngờ"... Việc Thanh Hoa lấy chồng khác hẳn với dự kiến và hy vọng của bạn bè, bởi "cuộc đời đã quyết định theo kiểu khác, bằng cách đưa vào một nhân tố mới". Chuyện hôn nhân của Trung và Lan Chi cũng vậy: tiếng bất ngờ xuất hiện dày đặc, đến ba lần chỉ trong hai dòng "Trung bước vào đời tôi bất ngờ như vậy. Với anh, tôi đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác". Và ngay trang tiếp theo, "...tôi hơi bất ngờ khi nghe anh hỏi tôi đã ăn tối chưa (...) Bất ngờ với cả chính mình, tôi đồng ý ngay...". Cả trong những sự kiện nhỏ, hoặc tưởng như nhỏ, ngẫu nhiên cũng giữ vai trò quan trọng - công việc bán sách "đến với Lan Chi một cách hoàn toàn tình cờ ", cô quen Rita "một cách hoàn toàn tình cờ "... Đúng là trong cuộc sống của mỗi người, không ít điều do ngẫu nhiên quy định, và nói như nhà tiểu thuyết Pháp Honoré de Balzac "Ngẫu nhiên là nhà tiểu thuyết vĩ đại nhất trên đời". Song, cũng theo Balzac, bên các ngẫu nhiên thuần tuý, có những ngẫu nhiên "là quy luật chưa được hiểu thấu", và nhà văn cần phá vỡ tính ngẫu nhiên bên ngoài của sự vật, để phát hiện tính quy luật. Người kể có cố gắng thực hiện điều đó, ở chỗ này chỗ khác. Trả lời Thanh Hoa vì sao mối tình đầu đắm say của cô lại tan vỡ, Lan Chi không trút mọi sự cho "cuộc đời trớ trêu" mà thành thực "Có lẽ vì tất cả. Vì Kiên, vì tao, vì hoàn cảnh." Sau này, người kể truyện để Kiên lý giải "hoàn cảnh" ấy với Lan Chi "Nếu như hơn chục năm trước mà tình hình ở trong nước đã được như bây giờ thì chắc anh chẳng phải đi Ba Lan đánh quả làm gì. Cả em nữa, có khi em cũng chẳng sang Pháp, đúng không? Cuộc đời chúng mình lẽ ra đã có thể khác hẳn rồi."

Thế nhưng, quá khứ là quá khứ, nói như Lan Chi, giờ đây "tất cả đã an bài". Và dù tâm hồn đôn hậu của cô không thôi day dứt, "mặc cảm có lỗi với Kiên", mặc cảm rằng bố mắc bệnh tim "do quá đau buồn" về việc cô lấy Trung và ở lại Pháp, mặc cảm mình "phần nào trở thành người lạ" với quê hương, nhưng chính nỗi đau ám ảnh ấy, những dày vò trăn trở ấy - chứ không phải sự bình thản, hoặc thoả mãn - mới thực sự khiến quê hương "mãi mãi là một chốn để thương để nhớ " trong lòng những đứa con xa xứ, bởi có tình yêu sâu xa nào lại không ít nhiều gắn với nỗi đau?

L.H.S
(179-180/01&02-04)

------------------
1. Lê Ngọc Mai, Tìm trong nỗi nhớ, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội,2003.

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • PHẠM TRƯỜNG THI  

    Trong số các nhà thơ thời tiền chiến người quê gốc Nam Định, có ba nhà thơ mặc dù khác nhau là không được sinh ra cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, cùng một miền đất nhưng họ lại rất giống nhau là đều khóc tiếng khóc chào đời nơi vùng đồng chiêm trũng, nghĩa là nơi được xem là những cái rốn nước của tỉnh Nam Định.

  • HỒ HUY SƠN  

    Năm 2019, văn đàn Việt chứng kiến một cuộc chuyển giao trong đời sống văn học trẻ nước nhà. Thế hệ 8X vẫn cần mẫn viết nhưng có xu hướng trở nên lặng lẽ hơn; trong khi đó, thế hệ 9X lại đang có một sức bật không kém phần táo bạo, bất ngờ. Bài viết dưới đây nằm trong sự quan sát mang tính cá nhân, với mong muốn đưa đến người đọc những nét nổi bật trong năm qua của văn chương trẻ.

  • PHẠM PHÚ PHONG

    Trong mấy thập niên gần đây, cái tên Nguyễn Thị Thanh Xuân không còn xa lạ với độc giả trong cả nước.

  • PHAN TRỌNG HOÀNG LINH  

    Trong một tiểu luận bàn về Ngoại biên hóa trong tiến trình văn học Việt Nam đương đại, học giả Trần Đình Sử xem “ngoại biên hóa chủ yếu là phương thức tồn tại thông thường của văn học”.

  • HỒ THẾ HÀ

    Mấy mươi năm cầm bút đi kháng chiến, Hải Bằng chỉ vỏn vẹn có 1 tập thơ in chung Hát về ngọn lửa (1980) ra mắt bạn đọc.

  • LÝ HOÀI THU    

    Trong bộ tứ bình bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, xuân là bức màn thứ nhất, là khúc dạo đầu của nhịp điệu thiên nhiên. Đó vừa là không gian, vừa là thời gian để vòng tuần hoàn của sự sống tồn tại và sinh sôi.

  • LÝ HOÀI THU    

    Trong bộ tứ bình bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, xuân là bức màn thứ nhất, là khúc dạo đầu của nhịp điệu thiên nhiên. Đó vừa là không gian, vừa là thời gian để vòng tuần hoàn của sự sống tồn tại và sinh sôi. 

  • PHAN TRỌNG HOÀNG LINH  

    Trong thế hệ những nhà văn tuổi Canh Tý đương thời (sinh năm 1960), Hồ Anh Thái chiếm lĩnh một vị trí nổi bật. Càng đặc biệt hơn khi hình ảnh con chuột từng trở thành biểu tượng trung tâm trong văn chương ông. Nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý (2020), hãy cùng nhìn lại cuốn tiểu thuyết được ông viết cách đây gần một thập kỷ.

  • NGUYỄN TRỌNG TẠO

    • Để chọn được những áng thơ hay, những người thơ có tài, người ta thường mở các cuộc thi, và cuối cùng là giải thưởng được trao.

  • PHẠM XUÂN DŨNG

    Nhà thơ Tố Hữu là người xứ Huế nhưng lại có nhiều duyên nợ với Quảng Trị, nhất là đoạn đời trai trẻ, đặc biệt là với địa danh Lao Bảo.

  • TRẦN THÙY MAI  

    Đọc tập sách của Nguyễn Khoa Diệu Hà, với hơn 30 tản văn, tôi có cái cảm giác như đang ngồi trên tấm thảm thần Aladin bay về một miền mà không có xe tàu nào đưa ta đến được một miền thương nhớ đặc biệt “Ở xứ mưa không buồn”!

  • NGUYỄN QUANG THIỀU  

    Có không ít các nhà thơ lâu nay coi sứ mệnh của thơ ca không phải là viết trực diện về những gì đang xẩy ra trong đời sống con người.

  • VŨ VĂN     

    Một mùa xuân nữa lại về, mùa xuân của hòa bình, của ấm no và những đổi thay của đất nước. Nhưng đã có thời kỳ, những mùa xuân của dân tộc đến vào những lúc chiến tranh vô cùng gian khổ, trong lòng nhiều người từng sống qua những năm tháng ấy lại dâng lên niềm thương nhớ Bác, nhớ giọng nói của Người, nhớ những lời chúc Tết của Người vang lên trên loa phát thanh mỗi đêm Giao thừa.

  • ĐỖ QUYÊN  

    1.
    Du Tử Lê
    thường được xem là một trong bảy nhà thơ hàng đầu của nền văn học miền Nam Việt Nam trước năm 1975, cùng với Bùi Giáng, Vũ Hoàng Chương, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Đinh Hùng, và Nguyên Sa. Cây thơ cuối cùng ấy đã hết còn lá xanh giữa mùa thu này.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ    

    (Nhân đọc các tập truyện của Trần Bảo Định vừa được xuất bản)

  • LƯU KHÁNH THƠ   

    Giai đoạn giao thời ba mươi năm đầu thế kỷ XX đã chứng kiến sự thay đổi vị trí xã hội của người phụ nữ. Từ “chốn phòng the”, một số người phụ nữ có tri thức và tư tưởng tiến bộ đã mạnh dạn vươn ra ngoài xã hội, bộc lộ suy nghĩ, chủ kiến riêng và thể hiện con người cá nhân của mình.

  • PHẠM PHÚ PHONG    

    Trong vô tận (Nxb. Trẻ, 2019) là cuốn sách thứ mười ba và là tiểu thuyết thứ tư của nhà văn Vĩnh Quyền.

  • HOÀNG THỤY ANH

    “Đá”(1) là tập thơ thứ 5 của tác giả Đỗ Thành Đồng. Điểm xuyết, vấn vương một chút dáng dấp của “Rác”, “Rỗng”, “Xác”(2), nhưng thần thái của “Đá” đã khác.

  • ĐÔNG HÀ

    Mỗi dân tộc có một số phận lịch sử. Và lịch sử chưa bao giờ công bằng với dân tộc Việt chúng ta, khi trải qua hơn bốn ngàn năm, luôn phải đặt số phận con dân dưới cuộc chiến. Vì vậy, để viết nên trang sử nước nhà, không chỉ những chính sử gia, mà các nhà văn, nhà thơ, người cầm bút, không tránh chạm ngòi bút của mình vào nỗi đau của dân tộc.