Tìm hiểu phong cách Nguyễn Bỉnh Khiêm qua một bài thơ

10:07 11/06/2015

PHAN NGỌC

Giàu (,) ba bữa, khó (,) hai niêu,
Yên phận (,) thì hơn hết mọi điều
Khát, uống chè mai: hơi (,) ngọt ngọt;
Sốt, kề hiên nguyệt: gió (,) hiu hiu.
Giang sơn tám bức, là tranh vẽ;
Phong cảnh tứ mùa, ấy gấm thêu
Thong thả: hôm (,) khuya nằm, sớm thức,
Muôn vàn đã đội đức trời Nghiêu.

Ảnh: internet

1. Đây là bài thứ 3 trong số 161 bài thơ nôm của quyển Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm (NXB Văn Học, Hà Nội 1983). Bài này được chọn vì xưa nay ai cũng cho là của tác giả. Việc khảo sát một tác giả xưa về bất kỳ mặt nào cũng chỉ nên bó hẹp vào một số bài rất ít gọi là tư liệu tối thiểu, và chỉ phân tích, mô hình hóa trong phạm vi ấy thôi. Khi ta đã nắm được cái tập hợp các kiểu lựa chọn tiêu biểu cho tác giả, ta sẽ dùng nó kiểm tra lại các bài còn lại để đoán định những bài còn ngờ vực và nếu cần, để sửa lại cách công thức hóa. Nói chung, các kiểu lựa chọn này sẽ lặp lại gần như nguyên vẹn ở mọi bài. Tôi giữ nguyên cách phiên, chỉ chấm câu lại cho gần cách chấm câu người xưa hơn. Chỗ nào không thể chuyển thành cách chấm câu hiện đại tôi để trong ngoặc đơn. Ta sẽ thấy chính cách chấm câu này mới sát với nghệ thuật tác giả.

2. Bài thơ là một thông báo. Phong cách thay đổi theo người nhận thông báo. Khi người nhận thông báo là độc giả mua hàng hóa, phong cách sẽ chịu ảnh hưởng của thị hiếu và thay đổi khá nhanh như dưới thời Pháp thuộc. Thời ông, thơ văn không phải hàng hóa, nên phong cách tác giả thường giữ nguyên suốt đời. Nó là triều đình thì tác phẩm sẽ mang tính tán dương, nó là bạn bè thì tác phẩm sẽ mang tính thù tạc của sinh hoạt nho sĩ, nó là bình dân thì tác phẩm sẽ có màu sắc phê phán. Các nhà thơ như Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, làm thơ theo từng sự việc của đời mình. Riêng Nguyễn Bỉnh Khiêm không nhằm một đối tượng cụ thể nào. Trong số 161 bài thơ nôm của tuyển tập, 144 bài không có đề mục, những bài còn lại đều là những lời khuyên về đạo đức. Trong số 89 bài thơ chữ Hán chỉ có 13 bài thơ chủ đề cụ thể kể lại việc làm khi hành quân theo nhà Mạc hay thù tạc với bạn bè, còn nữa cũng là thơ vô đề. Độc giả của ông là toàn bộ hậu thế, nhân dân Việt Nam, kẻ mà ông tin là sẽ hiểu ông, sẽ thể tất cho một cuộc sống bất đắc dĩ của ông. Ông không thể phát huy mặt năng động chủ quan để cứu đời, cứu dân. Ông sống trong một thời nội chiến, làm người chứng kiến bất lực một xã hội đang tan rã mà hình ảnh cụ thể đã được Nguyễn Dư miêu tả trong Truyền kỳ mạn lục. Ông chỉ còn cách tự cứu lấy lương tâm của mình. Chính vì vậy con người đỗ trạng nguyên, làm quan to, được họ Mạc, họ Trịnh, họ Nguyễn sùng bái, đã từ bỏ giàu sang, danh lợi, quay về với làng xã "lấy cảnh núi sông non nước làm vui" (tựa tập thơ Am Bạch Vân).

Ông là một ẩn sĩ nhưng không phải một ẩn sĩ Ấn Độ chạy vào núi sống để thờ thần linh, không phải một ẩn sĩ Trung Quốc quay lưng với chính trị, tự thổi phồng mình, tự tôn thờ mình. Thơ ông chẳng có gì là huênh hoang của thơ triết lý Trung Quốc. Ông quay về sống trong vòng tay của làng mạc họ hàng, dạy học trò, bình dị, khiêm tốn, như cha ông chúng ta.

3. Một bài thơ thường có một tổ chức rất chặt nên khó lòng lấy một câu ở bài này để lắp vào một bài khác. Nghệ thuật của ông trái lại mang tính lắp ghép. Ông có một số mô típ lặp đi lặp lại với đôi chút thay đổi để tạo nên mọi bài thơ. Đi con đường ấy, diện mạo từng bài không rõ, không thể mang một đề mục riêng không tìm thấy ở một bài khác. Nhưng phong cách tác giả cũng không vì thế mà kém hiển nhiên,

Nếu ta thử tìm các mô típ trong số 80 bài thơ đầu là những bài không hề bị ngờ vực về mặt tác giả thì sẽ thấy bài này là sự lắp ghép của 6 mô típ.

Câu 1: Giàu (,) ba bữa; khó (,) hai niêu, tức là ta phải vui với cái nghèo. Người giàu kẻ nghèo thực tế không hơn nhau mấy.

Câu 2: Yên phận (,) thì hơn hết mọi điều. Tức là con người phải bằng lòng với số phận mình.

Câu 3-4: Khát, uống chè mai: hơi (,) ngọt ngọt;
Sốt, kề hiên nguyệt: gió (,) hiu hiu. Cuộc sống giản dị tự nó đã là hạnh phúc.

Câu 5-6: Giang sơn tám bức, là tranh vẽ;
Phong cảnh tứ mùa, ấy gấm thêu. Tức là hãy tìm cái vui ở thiên nhiên, một thiên nhiên gần gũi ở ngay cạnh mình, không phải trốn đời mới thưởng thức được.

Câu 7: Thong thả: hôm (,) khuya nằm, sớm thức. Tức là mình là công dân có bổn phận với đất nước. Mô típ này khẳng định dứt khoát tác giả không theo Lão Trang.

4. Nếu ta tìm hiểu tư tưởng tác giả qua tần số xuất hiện các câu thơ làm thành những mô típ thì tư tưởng ấy như sau:

Con người phải am hiểu lẽ thịnh suy, thăng giáng của tạo vật (54) để qua đó tìm lẽ sống, xuất hay xử cho hợp với mệnh trời (26). Là người dân, tôi có bổn phận với dân với nước (14), nhưng trong tình thế hiện nay khi cái xấu đã thắng, dù tôi có muốn xông ra bảo vệ chính nghĩa cũng không làm được (51). Tôi chỉ còn một cách là: từ bỏ danh lợi (57) để giữ lấy lương tâm, nhân cách mình (15), vui với đạo lý thánh hiền (24), vâng theo tình nghĩa làng xóm (29). Phải bằng lòng với cái nghèo (24), tránh tranh đua để giữ tấm lòng thanh thản (32), sống giản dị như bà con thôn xóm (25), tìm nguồn vui ở một thiên nhiên gần gũi, ngay cạnh mình (59), an hưởng phận mình (35).

Tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm là thế. Con người lỗi lạc về lý học đến mức sứ thần Trung Quốc là Chu Xán phải phục chẳng hề nhắc đến một thuật ngữ lý học: tính, khí, ly, tâm... Nhân vật mà truyền thuyết nâng lên địa vị một tiên tri, biết trước hậu thể năm trăm năm chẳng hề nói bóng gió gì đến hậu vận. Ông trạng nguyên hay chữ nhất nước chẳng thiết gì đến chữ nghĩa, điển tích từ chương. Con người được cả thời đại tôn sùng chẳng buồn nhắc tới danh tiếng của mình. Thậm chí ông không nhắc đến cá nhân mình. Đây là một phong cách lạ, trước ông không có mà sau ông cũng không. Nhưng ông hiểu được cái bí quyết để giành được lòng tin của hậu thế. Phải gạt bỏ mọi "bánh vẽ" của cuộc đời (công danh, chức tước, chữ nghĩa, trang tức) để xuất hiện giản dị và chân thành. Không rên la, thậm chí không thở dài, không đóng vai một người thuyết phục, giáo dục. Hãy quên cái con người của cương vị xã hội (bằng tôi, nhà sư, nho sĩ...) để làm con người trong lòng mọi người. Chính vì vậy thơ ông lần đầu tiên trong văn học ta nói với mọi người. Nếu muốn nói đến ý nghĩa triết học của thơ ông thì nó là ở đấy.

5. Để đạt đến điều đó, hình thức phải hết sức đạm bạc, câu thơ không nói với giác quan mà nói với cảm nghĩ. Nhịp thơ phải rất chậm để dành chỗ cho sự suy nghĩ. Mọi trang trí, từ chương, điển tích, chữ nghĩa đều phải loại trừ để cho tâm hồn bắt gặp tâm hồn. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đạt đến trình độ cao nhất của cái giản dị nghệ thuật nhờ những kiểu lựa chọn đặc biệt.

Bài thơ theo thể thơ Đường nhưng lại được xây dựng theo kiểu thơ Tống. Thơ Đường kỵ lối chứng minh bằng suy luận, trái lại - thơ ông là thơ chứng minh. Trong bài này đã có 3 chữ chứng minh: (c.5), thì (c.2), ấy (c.5) là những chữ nhà thơ Đường phải tránh. Nhưng dù là cấu tứ theo kiểu Đường hay kiểu Tống cũng đều trang trọng. Do đó, ông phải phá vỡ sự trang trọng này để đạt đến giản dị tối đa:

a) Câu đầu sáu chữ xây dựng hệt như một tục ngữ.

b) Chữ dùng chủ yếu là chữ đơn tiết thuần Việt chỉ có một chữ láy âm (thong thả) hai chữ điệp âm (ngọt ngọt, hiu hiu). Ngay cả hai từ Hán Việt (giang sơn, phong cảnh) thì cũng đều là những từ ai cũng biết. Chữ trời Nghiêu với nghĩa thời thái bình thịnh trị là rất dễ hiểu. Bài thơ cách ta bốn trăm năm mà đọc như thơ ngày nay. Chỉ có hai từ dùng là lạ đối với người Bắc (sốt với nghĩa nóng bức, hôm là ngày) nhưng đối với các nơi khác thì vẫn quen thuộc.

c) Bốn câu đối nhau xây dựng theo mã của tục ngữ chứ không phải theo mã câu đối Trung Quốc. Nghĩa câu 3-4 là: Khi nào khát, ta uống nước chè nấu bằng gỗ hồng mai (cách uống rất bình dị của nông thôn) ta cảm thấy thú vị vì hơi (vị) nó ngọt ngọt. Khi nào trời bức, ta nằm ở hiên gần ánh trăng, cảm thấy mát vì gió thổi hiu hiu. Nghĩa câu 5-6 là: Núi sông tám hướng tự nó đã đẹp là những bức tranh vẽ mà các nhà quyền quí vẫn treo, phong cảnh bốn mùa thay đổi tự nó đã tươi như gấm thêu rồi (vật quí). Như vậy hạnh phúc là rất gần gũi: nó ở ngay cạnh ta, trong lòng ta. Gốc của cái nhìn này là ở Thiền tông, không phải gốc dân dã, nhưng cái nhìn được xây dựng theo kiến trúc dân dã. Đó là kiến trúc của Ăn-vóc, học-hay, của chồng công vợ tức là kiến trúc vị ngữ - vị ngữ: Nếu ăn thì người có vóc lớn, nếu học sẽ biết. Xét về của tuy là thuộc về chồng nhưng xét về công lại là do vợ.

a) Vì áp dụng kiến trúc tục ngữ nên thơ ông nhịp cắt rất nhiều và câu thơ đọc rất chậm. Ông là nhà thơ mà nhịp thơ chậm nhất. Thông thường, câu thơ Đường chỉ có một nhịp sau chữ thứ tư. Chúng tôi đã chấm câu lại để bạn đọc nắm được cách tổ chức này cho hiển nhiên hơn.

b) Thiên nhiên của ông rất lạt, không có màu. Nó hết sức tĩnh: nếu có một chút vận động (gió hiu hiu) thì mục đích không phải để nêu vận động mà để nêu một sự yên tĩnh cao độ. Nó thường được diễn đạt bằng một từ đơn tiết (gió, mây, núi...) Đặc biệt, con người suốt đời đối diện với biển từ khi ra đời đến khi chết, sống chỉ cách biển vài cây số thế mà trong thơ không nói đến biển. Phát hiện kỳ thú này là của anh Trần Quốc Vượng, lúc mô hình hóa tôi còn bỏ sót yếu tố này. Vì chưa mô hình hóa Nguyễn Trãi (một người hay nói đến biển) để có cơ sở đối lập, có gì đâu: ông tìm sự yên tĩnh, ông ghét đồng tiền, thương nghiệp, thủ công nghiệp, cho nó là nguyên nhân đẻ ra mọi tai họa. Mà biển thì lại gắn liền với hoạt động, với thương nghiệp và thủ công nghiệp là cái mà vào thời đại ông lại phồn thịnh nhất ở ngay quê hương ông. Điều này chứng tỏ thiên nhiên nghệ thuật không phải là thiên nhiên khách quan.

6. Thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải loại thơ đọc để nhìn, để nghe. Ông là con người duy nhất của văn học ta chủ trương một đường lối nghệ thuật riêng: nghệ thuật là để giúp con người tìm lại được chính mình, chân thành với mình và với xã hội. Khi nào ta hiểu được nhu cầu ấy, ta sẽ biết ơn phu tử và sẽ hiểu được giá trị của nhà thơ kiệt xuất.

P.N.
(SH35/01&02-89)






 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Trong lời Nhỏ to... cuối sách Thi nhân Việt   (1942), Hoài Thanh - Hoài Chân viết:  “Tôi đã đọc một vạn bài thơ và trong số ấy có non một vạn bài dở. Nếu làm xong quyển sách này, mà không chê chán vì thơ, ấy là điều tôi rất mong mỏi”.

  • Gần đây, đọc một vài truyện ngắn trên tạp chí Sông Hương, tôi vô cùng cảm động. Trước số phận của các nhân vật, tôi muốn nói lên những suy nghĩ của mình và chỉ mong được coi đây là lời trò chuyện của người được "nhận và cho":

  • Ông Eđuar Điujacđen là một nhà thơ có tài và có thể nói là được hâm mộ trong số các nhà thơ thuộc thế hệ già - người vẫn giữ được tình cảm và sự khâm phục cuồng nhiệt của lớp trẻ, đã mở đầu một cuộc thảo luận về thơ.

  • Việc mở rộng phong trào giải phóng tư tưởng trên văn đàn thời kỳ mới, lãnh vực phê bình và lý luận văn nghệ đã xuất hiện cục diện vô cùng sống động.

  • "Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động" (Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Trường ĐHTH TP.HCM, 1995, trang 19).

  • Phê bình văn học là giải minh cho văn chương. Văn chương hay hoặc dở, giản đơn hay phức tạp, nó được thiết lập trên thi pháp này hay thi pháp khác, thể loại này hay thể loại khác, thời này hay thời khác v.v... đều phải được làm sáng tỏ bằng những lập luận khoa học chứ không phải bằng cảm tính của người phê bình.

  • LTS: Sau khi Sông Hương đăng bài “Khủng hoảng ngay trong nhận thức và niềm tin đi tìm lối thoát cuộc khủng hoảng văn học” của nhà văn Nguyễn Dương Côn, chúng tôi nhận được ý kiến “phản biện” của 2 nhà văn Phương Lựu và Trần Thanh Đạm.

  • LTS: Có nhiều cách hiểu về câu thơ trên. Y kiến của cụ Thanh Huy - Cử nhân Văn khoa Việt Hán, sinh 1916 tại Huế, cũng là một ý có thể tham khảo đối với những ai quan tâm Truyện Kiều, để hiểu thêm và đi đến kết luận về cách tính thước tấc của người xưa.
    SH

  • Từ thơ ca truyền thống đến Thơ mới là một sự đột phá vĩ đại trong quan điểm thẩm mỹ của thơ ca. Chính sự cách tân trong quan niệm về cái đẹp này đã làm một "cú hích" quan trọng cho tiến trình phát triển của thơ ca Việt . Nó đã giúp thơ ca dân tộc nhanh chóng phát triển theo con đường hiện đại hóa. Và từ đây, thơ ca Việt có thể hội nhập vào thơ ca nhân loại.

  • Trong truyền thống thơ ca Nhật Bản, thơ haiku giữ một vị trí rất quan trọng. Nó là một viên ngọc quý giá và là một phần tài sản tinh thần trong kho tàng văn học Nhật Bản.

  • (Trao đổi với nhà lý luận Nguyễn Dương Côn)

  • "Thượng đế dằn vặt tôi suốt đời" (Đôxtôiepxki)

  • Mười năm thơ thập thững vào kinh tế thị trường cũng là mười năm những nhà thơ Việt phải cõng Thơ leo núi.

  • Từ lâu, người ta đã nói đến cuộc tổng khủng hoảng của văn học trên quy mô toàn thế giới.

  • Bàn luận về những vấn đề văn học mới, phạm trù văn học mới, tiến trình hiện đại hoá văn học Việt Nam ở thế kỷ 20, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định giá trị và sự đóng góp của văn học hợp pháp, văn học cách mạng trong nửa đầu thế kỉ. Với cái nhìn bao quát và biện chứng theo dòng thời gian, chúng ta nhận rõ công lao góp phần mở đầu hiện đại hoá và phát triển văn học theo qui luật tiến hoá của lịch sử Việt của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

  • Khi sử dụng một khái niệm cơ bản, nhất là khái niệm cơ bản chưa được mọi người hiểu một cách thống nhất, người ta thường giới thuyết nó.

  • Tô Hoài, trong hơn 60 năm viết, thuộc số người hiếm hoi có khả năng thâm nhập rất nhanh và rất sâu vào những vùng đất mới. Đây là kết quả sự hô ứng, sự hội nhập đến từ hai phía: phía chuẩn bị chủ quan của người viết và phía yêu cầu khách quan của công chúng, của cách mạng.

  • Sóng đôi (bài tỉ, sắp hàng ngang nhau) là phép tu từ cổ xưa trong đó các bộ phận giống nhau của câu được lặp lại trong câu hay đoạn văn, thơ, làm cho cấu trúc lời văn được chỉnh tề, rõ rệt, nhất quán, đồng thời do sự lặp lại mà tạo thành nhịp điệu mạnh mẽ, như thác nước từ trên cao đổ xuống, hình thành khí thế của lời văn lời thơ.

  • LTS: Trên Sông Hương số tháng 10 - 2007, chúng tôi đã giới thiệu về công trình “La littérature en péril” (Nền văn chương đang lâm nguy) củaTzvetan Todorov - nhà triết học, mỹ học và nhà lý luận văn học nổi tiếng của Pháp.