Tiếp nhận tác phẩm văn học

10:46 17/06/2009
MÃ GIANG LÂNVăn học tồn tại được nhiều khi phụ thuộc vào độc giả. Độc giả tiếp nhận tác phẩm như thế nào? Tiếp nhận và truyền đạt cho người khác. Có khi tiếp nhận rồi nhưng lại rất khó truyền đạt. Trường hợp này thường diễn ra với tác phẩm thơ. Thực ra tiếp nhận là một quá trình. Mỗi lần đọc là một lần tiếp nhận, phát hiện.

Đọc thơ không phải chỉ nhằm biết thơ nói gì mà phải hiểu được thơ nói như thế nào?. Câu thơ ấy, đoạn thơ ấy, bài thơ ấy nói gì, tâm trạng thế nào, hình ảnh, ngôn ngữ, nhịp điệu... ra sao? Thơ phải tạo ra rung động ở người đọc từ nhiều phía: ý, tình, hình, nhạc ... Như vậy khi phân tích một hình ảnh, một cảnh, một bức tranh trong thơ, nhất thiết không thể bỏ qua những yêu cầu trên. Trừ khi anh tồi, thiển cận, không hiểu thơ, chỉ chăm chăm đi vào giải thích ý, nghĩa mà "nương nhẹ các biện pháp nghệ thuật như nhịp điệu, điệp từ, điệp ngữ..." (Cần lưu ý ở đây: hình ảnh, cảnh, bức tranh là ở cấp độ từ, chứ không phải cấp độ khái niệm)(1).

Có một điều quan trọng, người đọc thơ không thể bỏ qua. Sau khi đọc bằng mắt rồi, lại cần phải nhắm mắt lại mà đọc bằng tấm lòng, bằng trái tim xem xem ở đấy nhà thơ bộc lộ tâm trạng gì, muốn thông báo thẩm mỹ gì với người đọc. Cái khó là ở đấy, không thể nói chung chung.

Tất nhiên, tâm trạng thế nào đã hiện ra ở thể thơ, hình ảnh, câu chữ, nhịp điệu... Một lần tôi hỏi thi một trò.

- Em hãy phân tích đoạn thơ này.

Trò nhanh nhẩu trả lời:

- Thưa thầy: "Đoạn thơ tổng hợp và đồng hiện hàng loạt tâm trạng khác nhau"

Tôi khẽ gật đầu để em yên tâm, nhưng nghĩ thầm: đây là một trò láu, đại ngôn, nhưng không biết gì về thơ. Tôi động viên tiếp:

- Em nói cụ thể hơn được không?

- Thưa thầy, vâng, vâng...

Rồi em im bặt. Xét đến cùng thì vẫn là lỗi ở tôi, ở người dạy.

Theo tôi muốn hiểu thơ, người đọc cần có một hiểu biết tối thiểu về loại hình này như thể thơ, vần, nhịp điệu, các biện pháp nghệ thuật tu từ, ngôn ngữ thơ... nếu không sẽ lúng túng, tưởng mình hiểu hoá ra lại chẳng hiểu gì. Nắm chắc những cơ bản ấy mới có thể hiểu thơ xưa, thơ nay, đặc biệt là thơ đương đại, đang có những chuyển động mạnh mẽ cả về nội dung, hình thức trên cơ sở một triết - mỹ mới.

Cách truyền đạt những hiểu biết về thơ bằng nói, bằng giảng bài cho học trò là ở dạng nghe. Cách truyền đạt bằng văn bản - viết thành bài (ở dạng nhìn) yêu cầu cao hơn. Giấy trắng mực đen đấy, người ta nhìn, người ta đọc, lật đi lật lại, thì câu chữ, diễn đạt phải cẩn thận hơn. Để người đọc thấy được cái đúng, cái hay, cái đẹp của thơ, bài viết cần một văn phong thích hợp: gợi cảm, giàu hình ảnh, sử dụng từ sinh động, không thể chỉ dùng những khái niệm khô cứng, sách vở để phân tích thơ, bình giảng thơ... Tôi đã đọc nhiều bài phân tích thơ có những sáng tạo từ làm câu văn bớt đơn điệu, gây hứng thú cho người đọc. Ví như: "Bài thơ Tây Tiến - tượng đài bất tử về người lính vô danh", "Chúng ta hãy ngắm kỹ lại những chân dung La Hán khắc bằng ngôn ngữ của Huy Cận" (Vũ Quần Phương), "Bức tranh cuối bài Việt Bắc, theo ý tôi, là của một danh họa" (Xuân Diệu)... Xin nhớ: tượng đài, chân dung, bức tranh ở đây là từ, không phải là khái niệm.

Phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm, tôi nhớ Lê Sử có bài viết hay (Báo Giáo dục và Thời đại số 68 ngày 6-6-2002). Cách viết uyển chuyển, tinh tế, văn có hồn, khả năng thẩm thơ tốt. Đây chính là yêu cầu hàng đầu đối với người phân tích, bình giảng thơ. Chỉ tiếc ở cuối bài, khi nói đến 4 câu thơ cuối của Tống biệt hành, tác giả bài viết hiểu chưa đúng, chưa trúng: "Ở khổ thơ mở đầu, người đưa tiễn ngạc nhiên vì người ra đi có thể "dứt bỏ tình riêng" để lên đường. Bài thơ có nhiều khoảng trống, nhiều điểm lặng, nhiều bước ngoặt đòi hỏi sự sáng tạo nơi người tiếp nhận (...). Người ra đi vẫn mang trong lòng nỗi đau giằng xé vì thế mới có trạng thái khinh bạc đến tàn nhẫn và cả cái trạng thái buồn bã hư vô"

                        Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
                        Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
                        Chị thà coi như là hạt bụi,
                        Em thà coi như hơi rượu say.

Về 4 câu thơ cuối này, có người nghĩ người ra đi đối với mẹ, đối với chị, đối với em như thế. Chắc Lê Sử cũng nghĩ như thế nên mới ngạc nhiên, vì người ra đi có thể "dứt bỏ tình riêng", "có trạng thái khinh bạc đến tàn nhẫn". Nhà văn Bùi Hiển lại hiểu mấy câu thơ trên "theo ý nghĩa ngược lại", tức là đối với người ra đi thì mẹ hãy coi như chiếc lá bay, chị hãy coi như hạt bụi, em hãy coi như hơi rượu say (Văn nghệ số 8 tháng 2-1992).

Theo tôi, cách hiểu 1 người ra đi sẽ mang tiếng oan là "khinh bạc đến tàn nhẫn". Không thể có người nghĩ về mẹ, về chị, về em của mình như thế được. Cách hiểu 2, cũng không thoả đáng. Mẹ, chị, em nỡ nào lại nghĩ đến người thân ruột thịt của mình như thế? Có lẽ nên chấp nhận cách hiểu 3: Cả bài thơ là lời người đưa tiễn. Vậy người đưa tiễn nghĩ thế, thổ lộ như thế. Và người đưa tiễn nói như thế lại là lời an ủi cho cả kẻ ở, người đi.

Suy nghĩ của tôi, cách tiếp nhận bài thơ Tống biệt hành của tôi, cũng đã diễn ra qua một quá trình. Nhưng biết đâu còn có điều mình chưa hiểu cặn kẽ, chưa thật đúng với tâm trạng Thâm Tâm. Tiếp nhận tác phẩm thơ quả thật là khó. Không ai và lại càng không nên cho mình là người hiểu biết hơn người.

30-7-2003
   M.G.L
(177/11-03)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN XUÂN HÒA Ưng Bình Thúc Giạ thị (1877 -1961) và Thảo Am Nguyễn Khoa Vi (1881 - 1968) là hai nhà thơ Huế giàu tài năng sáng tác vừa có mặt chung, mặt riêng, phản ảnh cuộc sống xứ Huế được nhân dân mến mộ, khâm phục.

  • ĐỖ ĐỨC HIỂU* Thưa ông, qua hai tác phẩm gần đây nhất của ông, tôi được biết ông quan tâm nhiều đến vấn đề Phê bình Văn học ở nước ta. Theo ý ông, Phê bình, Nghiên cứu Văn học ở Việt Nam những năm gần đây có biến đổi gì không? Hay nó dậm chân tại chỗ như một vài người đã nói?

  • PHONG LÊIĐến với tôi một nhận xét: Đại hội nhà văn lần thứ VI, tháng 4- 2000, do việc bầu đại biểu từ 8 khu vực, nên vắng hẳn đi những người có thâm niên nghề nghiệp cao. Đặc biệt là những vị có sự nghiệp đáng trọng trên các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, những người có vị thế bậc thầy trên nhiều phương diện của kiến thức đối với các thế hệ viết trẻ.

  • HOÀNG NGỌC HIẾN(Tiếp theo Sông Hương số 253 tháng 3/2010)

  • HỒ THẾ HÀNhìn vào tiến tình văn học đương đại Việt Nam, căn cứ vào các giải thưởng văn học, các hiện tượng văn chương nổi bật trong hơn hai thập kỷ qua, - so trong tương quan các thể loại, nhiều người không khỏi lo lắng và lên tiếng báo động về sự xuống cấp của thơ.

  • TRẦN THIỆN KHANHSau chiến tranh khoảng 10 năm, đất nước có nhiều chuyển biến quan trọng. Các nhà văn đủ mọi thế hệ nghĩ và viết trong một bối cảnh mới. Song họ vẫn chưa thoát khỏi những yêu cầu của đoàn thể, họ vẫn phải phục vụ một “biểu tượng xã hội về chân lí”(1) cái biểu tượng có tính giai cấp, tính chiến đấu, hoặc ít ra cũng có tính nhân dân và màu sắc dân tộc đậm đà đính kèm.

  • BỬU NAMThiên nhiên là “không gian sống” và “không gian tâm tưởng” của con người và thi sĩ phương Đông, nó đã lắng sâu trong vô thức của họ và đã trở thành một loại “không gian văn hóa” và là một hằng số quan trọng trong thơ ca phương Đông.

  • THANH THẢOMỗi nhà văn đích thực đều là mỗi nhà không tưởng ở những mức độ khác nhau. Tônxtôi là nhà văn vĩ đại, đồng thời là nhà không tưởng vĩ đại.

  • THU TRANG (Paris) Có thể từ đầu thế kỷ, do hoàn cảnh lịch sử, người Việt Nam đã tiếp cận văn hóa Pháp. Chúng ta phải công nhận phần ảnh hưởng phong phú do các luồng tư tưởng, quan niệm Tây phương đã tác động đến giới trí thưc và văn nghệ sĩ nhiều ngành.

  • NGUYỄN THẾ - PHAN ANH DŨNGCầm trên tay cuốn Truyện Kiều tập chú (TKTC), NXB Đà Nẵng, 1999, dày hơn 1000 trang của các tác giả Trần Văn Chánh, Trần Phước Thuận, Phạm Văn Hòa, chúng tôi thấy đây là một công trình nghiên cứu công phu, tập hợp và chọn lọc được một số chú giải của các học giả nổi tiếng.

  • FRANCOIS JULLIEN (Trích dịch ch. IV cuốn Đối thoại của Mạnh Tử với một triết gia Khai sáng)

  • HOÀNG NGỌC HIẾNTôi hào hứng đi vào đề tài này sau khi đọc bài tiểu luận của Tỳ kheo Giới Đức “Phật giáo có thể đóng góp gì cho minh triết Việt?”(1)

  • ĐÔNG LACon đường đến thành công thường rất khó khăn, với Nguyễn Quang Thiều ngược lại, dường như anh đã đạt được khá dễ dàng kết quả ở hầu hết các lĩnh vực sáng tạo văn chương.

  • TRẦN HUYỀN SÂMMỗi thời đại đều mang lại một quan niệm văn chương khác nhau. Đối với cha ông xưa, họ không hề có ý định lập ngôn, lại càng không chủ trương xây dựng cho mình một học thuyết có tính hệ thống.

  • CAO HUY HÙNGChủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam mà cả bạn bè trên khắp thế giới đều giành tình cảm trân trọng đặc biệt đối với Người. J.Stésron là nhà sử học người Mỹ một trong số những người đã dày công tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  • NGÔ THỜI ĐÔN        (Phiếm luận)Đọc Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du, đến đoạn kết thúc phiên tòa báo ân, báo oán, người hay trắc ẩn thì thấy nhẹ nhõm, người cả nghĩ thì thấy vợ chồng Thúc Sinh- Hoạn Thư thoát nạn mà thán phục sự tế nhị của Nguyễn Du.

  • TRẦN ĐÌNH SỬTrong sách Phê bình văn học thế kỷ XX tác giả Giăng Ivơ Tađiê có nói tới ba bộ phận phê bình. Phê bình văn học ta hiện nay chủ yếu cũng có ba bộ phận ấy họp thành: phê bình báo chí, phê bình của các nhà văn nhà thơ và phê bình của các nhà phê bình chuyên nghiệp.

  • ĐÀO THÁI TÔNTrong bài Mê tín dị đoan trên chuyên mục Tiếng nói nhà văn (Văn Nghệ số 52 (2032), ngày 26 - 12 - 1988), nhà văn Thạch Quỳ thấy cần phải "phân định cho được văn hóa tâm linh, văn hóa nhân bản, văn hóa tín ngưỡng để phân biệt nó với mê tín dị đoan".

  • NGUYỄN THỊ XUÂN YẾNLà một nội dung mở, tín hiệu thẩm mỹ (THTM) đã và đang được nhiều nhà nghiên cứu khoa học quan tâm, đặc biệt là các nhà nghiên cứu văn học đã bàn luận khá rộng.