Tiếng hú trên đỉnh cô phong

16:45 12/09/2008
MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNHKhông Lộ là một vị thiền sư thời Lý, ông họ Dương, quê ở Hải Thanh, chùa Nghiêm Quang - nay là chùa Keo, thuộc xã Vũ Nghĩa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình; dòng dõi nhiều đời làm nghề chài lưới, sau bỏ nghiệp sông nước, xuất gia tu Phật, thường trì tụng Đà-la-ni.

Nguyên tác bài thơ Ngôn hoài

Tương truyền, Không Lộ, Giác Hải và Đạo Hạnh là bạn đồng tu; họ thường vân du đây đó, dùng pháp thuật lạ lùng, kêu gió, gọi mưa, dùng nước phép chữa bệnh, tùy duyên hóa độ chúng sanh. Tài năng và đức độ của họ đều được vua phong tặng chức vụ Quốc Sư, tuy nhiên, cả ba đều không màng danh lợi, chuộng nếp sống quê mùa, thanh bần giản dị làm vui (an bần lạc đạo)! Về già, Không Lộ về quê lập chùa, thâu nhận đệ tử và giáo hóa chúng đồ.
Ngoài hành trạng nổi bật như thế, Không Lộ còn để lại hai bài thơ nổi tiếng, tứ lời giản dị, văn phong thanh cao, thiền ý thâm sâu rất có giá trị văn học và thiền học.
Bài thơ thứ nhất:
“Vạn lý thanh giang, vạn lý thiên
 Nhất thôn tang giá nhất thôn yên
 Ngư ông thùy trước vô nhân hoán
 Quá ngọ tình lai tuyết mãn thuyền!”
Tạm dịch:
“Trời nước xanh xanh, muôn dặm liền
Làng dâu lạnh giá, khói đông miên
Ông chài say ngủ, không ai gọi
Trưa trợt, mây quang, tuyết ngập thuyền!”

Bài thơ Ngư nhàn này, ai cũng bảo đây là một điển hình thi pháp của nghệ thuật thiền tông. Nó không nói bằng những thuật ngữ Phật học dành cho lý trí suy nghiệm, không nói bằng tư duy khái niệm mệt mề khô rỗng - mà nói bằng tư duy hình tượng - những hình ảnh khói sương, những nét chấm phá trời, nước, mây thủy mặc. Đây là ngôn ngữ của những cảm xúc giác quan! Muôn dặm sông xanh tiếp muôn dặm trời xanh, thôn làng lạnh giá chìm trong làn khói nửa thực, nửa hư. Giữa trời nước mênh mông ấy, ông chài ngủ say tít trên chiếc thuyền câu, không ai lay gọi được. Trời đã quá trưa, quang tạnh, tuyết rơi ngập thuyền... Người và vật dường như cùng hòa với nhau làm một? Cái ta bé mọn, nhỏ nhoi với những lo âu, phiền muộn của cuộc đời chợt như mất tích, mù tăm giữa vũ trụ bao la? Trời đất người đều tịnh định, hòa đồng, nhất thể? Hay là tác giả muốn khơi mở thế giới vong ngã, vong pháp - chỉ còn sự sống vô biên thầm lặng dịch hóa đến muôn cùng?
Tuy nhiên, bài thơ này, ta còn nghe hơi hướm nhàn của Lão Trang, ta còn đọc ra tư tưởng trời đất người hòa nhập - tam tài thiên địa nhân - của Nho triết, tương tự bóng dáng đại ngã nhất nguyên của Bà-la-môn giáo!
Và bài thơ thứ hai sau đây - Ngôn hoài - mới chính là trọng tâm khảo sát của chúng ta:
“Trạch đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư”
Tạm dịch:
“Thế đất rắn rồng chọn được nơi
Tình quê chan chứa suốt ngày vui
Có khi chót vót đầu non quạnh
Một tiếng cười vang lạnh cả trời!”

Hoặc:
“Rắn rồng, chọn đất dễ ưa
Tình quê vui thú sớm trưa chẳng rời 
Có khi đứng chót non vời
Cất dài tiếng hú, đất trời lạnh băng!”
Về mặt văn bản học, các nhà nghiên cứu cho rằng, bài thơ này, Không Lộ đã lấy ý từ bài thơ của Thứ sử Lý Cao làm tặng Dược Sơn, Duy Nghiễm, nhân đêm kia, thiền sư kinh hành trên núi cao, chợt thấy mây vẹt, trăng tỏ - bèn cất tiếng cười dài vang xa đến 90 dặm Đông Phong Dương:
“Tuyển đắc u cư hiệp dã tình
Chung niên vô tống diệc vô nghinh
Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh
 Nguyệt hạ, phi vân tiếu nhất thanh!”

Tạm dịch:
“Được nơi thanh vắng thú quê
Quanh năm đưa đón chưa hề biết hay!
Chợt khi lên thẳng non tây
Mây tan, trăng tỏ - vỗ tay cười dài!”
Nếu so sánh hai văn bản – thì đúng là Không Lộ của chúng ta đã tá văn, nếu như không muốn nói là đạo văn của Lý Cao! Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt có 28 chữ mà Không Lộ đã vay của Lý Cao hết 14 chữ: đắc, cư, dã tình, chung, hữu thời trực thướng cô phong đỉnh, nhất thanh! Do vậy, có nhà nghiên cứu đã loại bài thơ này ra khỏi các tuyển tập văn học sử. Họ có lý. Tuy nhiên, ta hãy cùng nhau khảo sát, xem thử có phát kiến gì mới mẻ để khả dĩ biện hộ cho thiền sư Không Lộ hay chăng?

Trong văn học, thiền học Việt kể từ thời Lý, các vị thiền sư thường hay mượn lời, mượn ý của các thiền đức, cao tăng đời trước để dạy môn sinh. Ví như vua Trần Thái Tông có nói rằng: “Mỗi lần nêu lên là mỗi lần mới”. Tức là lặp lại mà vẫn sinh động, hiện tiền; vẫn là ánh nắng tinh khôi, vẫn là giọt sương trong vắt sáng nay trên đầu cây ngọn cỏ! Ánh nắng, giọt sương có bao giờ cũ? Đất trời cũng bắt chước, cũng lập lại như vậy ru? Có lẽ vị vua khai tổ triều Trần, có một đời sống giới định tuệ nghiêm túc - thật sự thấy như vậy chăng? Trước đó nữa, Lý Giác và Pháp Thuận cùng vui cảnh, vui tình, xướng họa bài thơ Nga nga – hóa ra chỉ sửa mấy chữ bài thơ của Lạc Tân Vương làm lúc 10 tuổi! Gần hơn, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, Truyện Kiều của Nguyễn Du - đều không mượn của người ta cả hay sao? Đây chính là loại hình văn học phổ biến ở trong các nước đồng văn, được gọi là hiện tượng tập cổ quen thuộc của các tác gia đông phương. Chúng đâu chỉ đơn thuần là giao lưu văn hóa. Các thiền sư nhờ học vấn thâm uyên – nên chỉ cần mượn một nhóm từ, một cụm từ hoặc luyến láy, chuyển đảo một vài tứ của cổ thi, thiền ngữ, thiền thoại, niệm, tụng gì đó – là có thể mở ra cả một trời liên tưởng về ngữ nghĩa hoặc hình tượng văn học, thiền học. Những cảm xúc nghệ thuật, do vậy, chúng có thể tương thuộc, tương đồng, đào sâu thêm, nới rộng ra, làm cho chúng mới mẻ hơn mà thôi vậy.
Trở lại với bài thơ Ngôn hoài.
Trạch đắc long xà địa khả cư...
( Rắn rồng chọn đất dễ ưa...)
Câu thơ đầu,
trước đây có một số nhà nghiên cứu bảo là vị thiền sư này lựa tìm được một chỗ đất hợp với phong thuỷ - do hai chữ long xà! Xin thưa, tả thanh long, hữu bạch hổ; rồng xanh mà dài, hổ trắng mà cao mới là thế đất hợp với phong thủy - chứ không hề có nào ở đây cả! Phong thủy là các lực, các từ, các khí của ngoại giới thiên nhiên, chúng tương quan, tương tác với nhau mà ảnh hưởng, liên hệ đến con người là tiểu vũ trụ. Nói cách khác, phong thủy là các định luật tự nhiên của trời đất tác động đến sông núi, mùa tiết, muôn sinh và thảo mộc. Ở đây, nói đến phong thủy tác động đến nơi ở của con người: Ai thuận thiên (thuận với các định luật vũ trụ) thì còn, ai nghịch thiên thì mất! (thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong). Đối với khoa thiên văn, địa lý thì phong thủy quan trọng như vậy đấy. Nhưng đối với nhà Phật, nhà Thiền - chúng chỉ là ngoại duyên (thuận duyên, trợ duyên hoặc ngại duyên, chướng duyên) mà thôi. Duyên cũng có hai là nội duyên và ngoại duyên (theo Abhidharma – trong và ngoài tương tác có cả thảy 24 duyên). Duyên bên ngoài không quan trọng bằng duyên bên trong. Ngay cái duyên bên trong này cũng không quan trọng bằng nhân bên trong. Nói khái lược như vậy để biết rằng, người tu Phật, tu Thiền dẫu xem ngoại duyên là có thật – nhưng họ vẫn xem trọng nội nhân, nội duyên hơn. Bởi vì chính nội nhân, nội duyên này mới là cái gốc, cái bản căn, chúng duyên hệ với ngoại duyên mới sinh ra hữu vi, vô vi, khổ lạc, tham sân, si tuệ, trí bi, mê ngộ, sinh tử, Niết-bàn... Biết phong thủy, có thể mượn phong thủy – nhưng chưa bao giờ con cái nhà Phật xem phong thủy là yếu tố tích cực có thể quyết định số mạng, vận mạng con người (Định mệnh thuyết của Khổng Nho - cái tơ cái tóc cũng do trời định; tuy nhiên, nếu hiểu thiên - thiên lý, thiên mệnh - là những luật tắc của vũ trụ thì nó lại khác). Là một vị thiền sư uyên thâm, thông tuệ, chẳng lẽ nào những buồn vui, khổ lạc, trược thanh, mê ngộ của chính mình – Không Lộ lại nương nhờ vào cuộc đất do phong thủy (ngoại duyên) quyết định? Hóa ra, có lẽ do cả một thời đại chuộng huyền thuật, phép lạ - phong thủy lại đóng một vai trò quan trọng với mọi nhà, nên Không Lộ chỉ nói cười vui với thiên hạ rằng là, tui cũng tìm được cái chỗ đất có thể ở được, nó cũng có long, có như ai vậy. – chính là nụ cười mỉm (vi tiếu), nụ cười nhỏ nhẻ của bậc thông đạt - do đã kinh qua tất cả thế trí, không nhạo báng ai mà chỉ muốn hòa kỳ quang, đồng kỳ trần (hòa với ánh sáng, cùng với bụi bặm - Lão) một chút mà chơi thôi.

Câu thơ thứ hai:
Dã tình chung nhật lạc vô dư...
(Tình quê vui thú sớm trưa chẳng rời...)
Người ta cũng đã bàn luận khá nhiều về hai chữ dã tình. Ai cũng biết dã tìnhtình quê. Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy (Văn hóa Việt Nam..., tr. 203, Nxb VHTT, 2005) có nói, các bản dịch đều dịch là tình quê, dạ quê là không thích hợp. Đại lược, theo anh, chữ dã tình phải liên hệ với liên văn bản từ bài thơ của Lý Cao, đó là hai chữ “u cư” mới đúng: Trạch đắc u cư hiệp dã tình. Theo với sự liên tưởng ấy, dã tình phải là nơi u cư, nhưng u cư này không phải là nơi ở ẩn của những Nho gia bất đắc chí. Tôi đồng ý với anh Thúy - cả Nguyễn Khắc Phi - khi đã lựa chọn nghĩa u cưtính ưa ẩn dật nhàn tản, cộng thêm với tính chất phóng khoáng theo cả hai nghĩa của Từ nguyên. Phát kiến ấy thật là tuyệt, đã giải mã được ngữ nghĩa mới lạ để mở mắt cho những học giả dốt mà ưa nói chữ. Đồng thời, mở hé được cánh cửa tâm linh, để cho những anh chàng trí thức một cục, một hòn, chủ quan, phiến diện bình giảng rằng là, kết hợp giữa niềm vui về hạnh phúc trần thế...; rằng là tình yêu quê hương đất nước, đặc biệt với đất nước nông nghiệp thường được bắt đầu từ nguồn vui “thú quê” chung đó!? (Văn 10, NXB Giáo dục, 1991). Ở đây, tại văn cảnh này, ngữ cảnh này, tôi muốn tiếp với anh Thúy để nói thêm rằng, tính ưa ẩn dật nhàn tản, phóng khoáng kia cũng vẫn là của Khổng, của Lão chứ chưa phải là của Phật, của Thiền! Muốn nắm hết tâm yếu thiền - thiền Đông độ, thiền Zen hoặc cả thiền Vipassanā nguyên thủy - thì ẩn dật, nhàn tản, phóng khoáng đều chưa phải là thiền duyệt, niềm vui thầm lặng nội tâm (lạc về thiền, lạc về quả) của thiền gia! Ẩn dậtcòn ngại trú xứ, ngại hồng trần! Nhàn tảncòn ngại công việc, ngại bận rộn. Phóng khoángcòn ngại buộc ràng, ngại luật nghi!
Các vị thiền sư là những bậc đạt ngộ, do kinh nghiệm tâm linh tu chứng, họ thường vô ngại trước mọi chướng duyên. Ví dụ, có vị vô ngại trước vô thường biến đổi của cuộc đời: “Nhậm vận thịnh suy vô bố úy” (Gẫm chuyện thịnh suy không sợ hãi - Vạn Hạnh). Có vị, càng chướng ngại chừng nào thì tâm tuệ càng sáng trong, càng cao đẹp chừng ấy: “Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận, liên phát lô trung thấp vị can” (Trên non ngọc đốt màu thêm nhuận, sen nở trong lò sắc chẳng phai - Ngộ Ấn). Có vị không cần hỏi gì cả, chỉ tin vào nắm tay quyền biến phương tiện của mình: “Đại dụng hiện tiền quyền tại thủ, thùy tri phàm thánh dữ tây đông” (Trước mắt, nắm tay dùng việc lớn, biết chi phàm thánh với tây đông - Khánh Hỷ). Những tư tưởng lớn, tâm tuệ lớn như thế ấy, trong thiền học Việt , kể không hết đâu. Tuy nhiên, có lẽ, câu nói sau đây của một vị thiền sư đương đại, nó gần với văn mạch luận chứng của chúng ta: “Tự do là ung dung trong ràng buộc, hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau” (Viên Minh).

Vậy, Không Lộ là một vị thiền sư có định, có thần thông, có tuệ - không lý nào lại còn ngại lắm chuyện tầm thường như thế. Có lẽ, do người ta chưa giải mã được câu thơ thứ hai này, nó nằm nơi chỗ “dã tình”“lạc vô dư”. Nó là hai nghĩa đối sánh trong câu, bổ túc cho nhau để làm nên một tâm tuệ vẹn toàn. Dã tìnhtình quê mùa thảo dã, tình thế gian, lạc vô dưniềm vui vượt ngoài trần tục, niềm vui siêu thế. Vô dư – cái từ huyền mật, bí hiểm - mà từ xưa đến nay chưa ai diễn nghĩa đúng nên cứ rơi vào những niềm vui dung tục, tầm thường. Vô dư là thuật ngữ của Phật học (Hữu dư Niết-bàn, Vô dư Niết-bàn), có nghĩa là không còn dư sót bất kỳ một lậu hoặc phiền não nào dù thô hay tế - chỉ cái tâm, cái tuệ của bậc giải thoát! Lạc vô dư - chữ lạc này cũng không phải là khổ-lạc tương quan đối đãi nhau - mà phải là cái lạc siêu thế, ly thoát khổ-lạc (dukkha) tại thế. Nó tại thế gian mà vẫn xuất thế gian – đúng như câu kinh: Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mịch bồ đề, cáp như tầm thố giác. Tạm diễn nghĩa: Phật pháp ở thế gian, không thể rời thế gian để tầm cầu giác ngộ; ra khỏi thế gian mà tìm kiếm bồ-đề thì chẳng khác gì đi tìm sừng thỏ! Người học Phật có căn bản giáo pháp ai cũng hiểu điều tôi vừa nói.

Có nắm bắt được ngữ nghĩa tinh mật ấy, chúng ta mới với tới được câu thơ thứ ba, vì nó chính là sức bật của lạc vô dư ở câu hai:
Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh...
(Có khi đứng chót non vời...)
Hữu thời - có thời
- nhưng thời nào? Chính là thời của lạc vô dư, nó không còn hạn cuộc vào thời gian tại thế sinh diệt nữa. Chính ở đây mới hiển lộ được nghĩa của động từ trực thướng: Lên thẳng ngay, lên thẳng ngay tức khắc. Dưới núi trên núi là một. Bờ này bờ kia là tức khắc ở đây và bây giờ. Nó không còn lệ thuộc thời gian vật lý hay thời gian tâm lý phạm trù. Đây chính là sát-na kỳ ngộ chói lòa vĩnh cửu, mà người ta hay nói văn chương bóng bẩy rằng là cố quận, rằng là thiên thu... gì gì đó cũng được ráo trọi. Chính sự bừng nở ấy, trực thướng ấy, giây khắc ấy mới hội ngộ được với đỉnh cô liêu, đỉnh cô phong, đỉnh tuệ giác bất động tịch mịch của chính mình. Đúng như câu thơ của một thiền sư thi sĩ lãng đãng nào đó: “Bây giờ ta lại gặp ta; thiên thu, cố quận thiệt là hoát nhiên”.
Cảm hứng trầm hùng của tâm linh siêu thoát, do nhân và duyên ở ba câu đầu nên có lẽ, câu thứ tư, nó đọng lại, nó nén chặt lại - dồn tụ nội lực mà bùng vỡ ra:
 Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư!
(Cất dài tiếng hú đất trời lạnh băng!)
Trường khiếu nhất thanh - một tiếng cười dài, một tiếng hét dài, một tiếng hú dài -
mọi người thường dịch như thế. Và có lẽ họ dịch đúng, vì chính ở tại đỉnh cô phong ấy, tiếng cười của sự giác ngộ, của siêu thoát ấy mới làm lạnh cả hư không mênh mông, rộng lớn, dao động cả vũ trụ càn khôn! Tuy nhiên, khi viết đến ngang đây, một trực giác tâm linh xẹt đến, tôi bèn đi lục tra tất cả các từ, tự điển hiện có trong tay – thì chữ khiếu, ngoài nghĩa kêu lên, hô lên, la hét lên, lỗ hổng (như cửu khiếu), còn có nghĩa là năng lực hiểu biết, năng lực hiểu biết từ chỗ nào đó nó thoát ra. Tự dưng, tôi nổi cả da gà, lẽ nào nó vi diệu đến thế, bất khả tư nghị đến thế! Tôi rất dè dặt, thận trọng - cả chủ quan nữa - mà nói rằng, tại sao một vài ngữ nghĩa nằm ẩn trong một bài thơ đã ngàn năm qua, lại chưa ai phát hiện?

Tôi bần thần dã dượi. Kinh khiếp quá. Bài thơ Ngôn hoài vậy là khó có thể dịch bằng hiển ngữ rạch ròi. Cảm nhận thầm lặng. Cảm nhận và không thốt nên lời. Vì rằng đây là tiếng hú, tiếng cười trên đỉnh cô phong, đỉnh cô liêu của tuệ giác! Tiếng hú, tiếng cười ở biên cõi này vốn không có người hú, người cười! Chỉ có năng lực của sự giác ngộ tự nó bùng vỡ thành băng giá làm đông lạnh cả thiên nhiên ngoại vật. Có thể tạm dịch lơi khơi như thế này được chăng?
“Rắn rồng chọn đất dễ ưa,
Niềm quê lạc đạo sớm trưa nhẹ lòng,
Có khi chót vót cô phong,
Cười dài một tiếng hư không lạnh mình!”

Bây giờ, sau khi đi qua những tầng lớp ngữ nghĩa của bài thơ Ngôn hoài – ta mới thấy rõ, bài thơ của Thứ sử Lý Cao, do ngại chuyện đưa đón tầm thường (vô tống diệc vô nghinh) nên tìm được chỗ ẩn cư (trạch đắc u cư)tình quê, có thú quê (dã tình); rồi có khi lên đỉnh núi cao (cô phong đỉnh), thấy mây vẹt, trăng tỏ (nguyệt hạ, phi vân) bèn cất lên một tiếng cười (tiếu nhất thanh)! Hai câu đầu có cốt cách xử sĩ thanh cao của Nho hay Lão. Tuy nhiên, câu hai không có đủ nội lực để đẩy lên câu ba như bài Ngôn hoài. Nên cô phong đỉnh ở đây không phải là không gian tâm linh của tuệ giác. Điều ấy càng rõ nghĩa hơn ở câu tư: Mây vẹt, trăng tỏ (vô minh tan, minh hiện), sau đó mới là tiếng cười của sự giác ngộ! Cấu trúc bài thơ này lỏng lẻo ngữ nghĩa, không chặt chẽ nhân quả bằng bài Ngôn hoài - có thể sử dụng kiến thức vỏ não cũng làm được! Nguyễn Đình Chú có vẻ chê tiếng cười của Dược Sơn -Duy Nghiễm: “Tiếng cười dài dưới trăng mây kia, tuy có hấp dẫn, nhưng dù sao chỉ là tiếng cười cao đạo của một con người đã không thích gì mấy sự hòa nhập trần gian...!” (KTNN,Số 147, 8-1994)
Vậy thì xin các nhà nghiên cứu văn học, văn học sử hãy trả lại nguyên vị giá trị tót vời của bài thơ Ngôn hoài – nó xứng đáng đại biểu cho văn học, thiền học không chỉ ở thời Lý mà cả cho cả mọi thời! Nghi ngờ tá văn, đạo văn là có tội. Lại càng có tội hơn khi giảng dạy văn học mà phân tích, bình luận áp đặt, chủ quan, không tới, đôi chỗ chứng tỏ kiến thức nông cạn của người viết:

Trong Văn 10, Nxb Giáo dục, 1991 của một vị giáo sư mà Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy không muốn nêu tên, có phán: “Sự kết hợp giữa niềm vui về hạnh phúc trần thế với khát vọng hòa nhập với vũ trụ bao la. Thứ nhất, là tình yêu quê hương đất nước, đặc biệt với đất nước nông nghiệp thường được bắt đầu từ nguồn vui “thú quê” chung đó. Thứ hai, là khát vọng vươn tới trời đất vũ trụ bao la như một nhu cầu nhân văn cao đẹp. Nhà sư đang vui nỗi vui trần thế, bỗng nhiên lên đỉnh núi cao trơ trọi, kêu vang một tiếng làm lạnh cả bầu trời. Ở đây đã trèo lên là trèo lên thẳng một mạch, không chút rụt rè. Đã lên cao là lên cao không lưng chừng. Và một tiếng kêu vang đủ làm cho cả vũ trụ bao la kia kinh ngạc đến rùng mình ớn lạnh.” (trích lại, Văn hóa Việt ... của Đỗ Lai Thúy, Nxb VHTT, tr. 202).
Khá hơn một chút, Trần Đình Sử - có vẻ như đã nói gần gần đúng, rằng là: “...Nêu ý nghĩa biểu trưng của bài thơ “Lên thẳng” là hình ảnh của đốn ngộ, xảy ra trong chốc lát, như ánh chớp. “Đỉnh núi cao trơ trọi” đây thuần túy là ẩn dụ chỉ thế giới không vô. “Thái hư” là thế giới của nhà Phật mà chỉ kẻ đắc đạo mới có thể đạt đến. Và “cất tiếng kêu dài làm lạnh cõi thái hư ấy là dấu hiệu hòa nhập giữa ta và thế giới, thế giới và ta.” (Trích lại, tr.182, VHPG... của Nguyễn Công Lý, Nxb ĐHQG, TP/HCM). Cái gọi là không vô ấy, không phải đơn giản, dễ hiểu đâu (Có rất nhiều cái không: ngoan không, hư vô, không đối đãi với có, không của ý niệm, không của tâm, không của cảnh, không của vô, không của không, không trụ xứ, không vô biên, thức không, không có gì cả, không của phi tưởng; mười mấy cái không ấy đều không phải là không tánh (Suñyatā)- vì duyên khởi, vì vô ngã nên không - của Nikāya hoặc của Kim cương Bát-nhã - thấy được cái không này mới có tuệ giác); và còn cái thái hư kia – hư không rộng lớn – thì nhà Phật đắc nó mà làm gì! Còn sự hòa nhập giữa ta và thế giới cũng có phải là của Phật đâu! (xem dưới). Một chỗ khác thì Trần Đình Sử lại bình giảng khá lạ lùng: “...Thú quê là thú quê thật, leo núi là leo núi thật, cả bài như một bức tranh tả thực và tư thế hiên ngang chinh phục vũ trụ được hiểu khá rõ...” (Trích lại, Văn hóa Việt Nam... của Đỗ Lai Thúy, tr. 202, Nxb VHTT, 2005). Hèn gì, mà trong Văn học Lý Trần, người ta đã dịch chữ trực thướngleo lên, trèo lên, xông lên, xông thẳng lên... như đi đánh giặc!? Oan uổng quá! Biết bao nhiêu thế hệ học sinh đã không thể hiểu được sức mạnh tâm linh của cha ông nội hàm trong dòng văn hóa dân tộc – là do các bậc thầy giáo, các ông Nghè, ông Cống, các nhà nghiên cứu văn học – đã không tự trang bị đủ cho mình những kiến thức cần thiết.

Có người nói từa tựa như đúng lắm, kêu lắm, cao siêu lắm, nhưng chỉ chứng tỏ kiến thức khuyết lõm của mình: “...Để hòa đồng và vui suốt ngày với thiên nhiên là hình ảnh con người mang khát vọng hòa nhập và chế ngự thiên nhiên... Là một tiếng kêu sảng khoái của một tâm hồn khoáng đạt với tư tưởng phá chấp triệt để và tinh thần thoải mái tột cùng, chứ không thể là của một người suốt ngày gõ mõ tụng kinh, câu nệ và tín điều một cách cứng nhắc khô khan. Tiếng kêu đó chính là sự trực cảm tâm linh, là trạng thái chứng ngộ của thiền sư. Cũng nhờ trực ngộ mà con người hòa nhập vào đại ngã vũ trụ. (Đoạn văn trên là của Nguyễn Công Lý trích của Nguyễn Công Lý trong VHPG, Sđd, tr.182-183). Lời bình giảng ấy thật là tệ hại, phàm phu tục tử hết chỗ nói. Vui suốt ngày với thiên nhiên không phải là tâm tuệ của một bậc thiền sư đạt ngộ! Khát vọng là những tâm và tâm sở si uế và trần tục! Giác ngộ, giải thoát của nhà Phật không bao giờ có tham vọng chế ngự thiên nhiên, chinh phục thiên nhiên như tây phương khoa học trục vật! (trên thì hòa đồng mà dưới là chế ngự!). Tiếng kêu sảng khoái - chắc là tiếng kêu trong phòng the! Lạc của thiền duyệt không phải là “tinh thần thoải mái tột cùng” như một cảm giác dung tục, tầm thường như thế! (Nói thêm: Đạo Phật chung chung, thời nào cũng vậy, giáo phái nào cũng vậy - có thể có chăng câu nệtín điều? Câu nệ là câu nệ gì? Câu nệ hình thức lễ nghi – cái dĩ lễ chế tâm cần thiết để thu thúc bản năng? Và tín điều? Xin thưa, Đạo Phật không có tín điều, đừng nhầm lẫn Đạo Phật với các tôn giáo hữu thần, mặc khải!) Còn nữa, “con người hòa nhập vào đại ngã vũ trụ” (tiểu ngã, Atman – hòa nhập đại ngã, phạm thể - Mahātman, Brāhman) là tư tưởng của Bà-la-môn giáo chứ không phải của Phật! (Chưa nói đến luận văn tiến sĩ, Sđd của tác giả này, có thể có trên trăm chỗ hiểu sai về Phật, về thiền một cách trầm trọng - mặc dầu có hằng chục GS, PGS... khen ngợi).
Dầu sao, có điều an ủi, là không phải ai cũng thế; Nhà thơ Chế Lan Viên có đôi mắt xanh, có nội lực văn hóa thâm hậu đã thấy được sức mạnh tâm linh tỏa ra từ bài thơ này, tiếng hú này - trong dòng mạch văn hóa, tiếp khí, tiếp lực, un đúc sức mạnh cho dân tộc - nên đã cô đọng, gãy gọn, rất ấn tượng, rất hạo nhiên:Không có tiếng kêu dài này  thì không có chiến thắng Bạch Đằng!” (Trích lại, Văn học Phật giáo... của Nguyễn Công Lý, Nxb Đại học Quốc gia TP-HCM, tr, 182).
Để nói lên lời kết:
tiếng cười, tiếng hú của thiền sư Không Lộ nó cao diệu, mênh mông, ngoài biên tế, phạm trù, vượt không thời gian, chẳng ở nơi cái vỏ của ngôn ngữ khái niệm; là tiếng vọng dài của tuệ giác bên kia bờ - nên tôi xin mượn câu kết của Bát-nhã tâm kinh để nói điều không thể nói: Gate, gate, paragate, parasamgate; Bodhi-svāha! (Vượt qua, vượt qua, cứ vượt qua, hãy vượt qua một cách trọn vẹn; chào mừng sự bùng vỡ của tuệ giác!).
Tiếng hú từ ngàn năm trước ấy - chính là sự bùng vỡ của tuệ giác - đã bay qua sông dài, biển rộng, sử lịch, thời đại, văn học, thiền học, khổ đế của trần gian - cho đến hôm nay, tôi vẫn còn bị chấn động, bồi hồi và nghe buốt lạnh cả từng con chữ!
                                                                Am Mây Tía
                                                         Tiết đông lạnh, 2007
                                                                 M.Đ.T.T.A

(nguồn: TCSH số 228 - 02 - 2008)

 
---------------------------
*
Bài viết này được lấy cảm hứng từ bài tiểu luận: “Không Lộ thiền sư - người làm lạnh vũ trụ” của Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy trong Văn hóa Việt ... Nxb Văn hóa Thông tin, 2005.

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRẦN VĂN LÝAi sản xuất lốp cứ sản xuất lốp. Ai làm vỏ cứ làm vỏ. Ai làm gầm cứ làm gầm. Nơi nào sản xuất máy cứ sản xuất máy. Xong tất cả được chở đến một nơi để lắp ráp thành chiếc ô tô. Sự chuyên môn hoá đó trong dây chuyền sản xuất ở châu Âu thế kỷ trước (thế kỷ 20) đã khiến cho nhiều người mơ tưởng rằng: Có thể "sản xuất" được thơ và sự "mơ tưởng" ấy vẫn mãi mãi chỉ là mơ tưởng mà thôi!

  • HOÀNG VŨ THUẬTChúng ta đã có nhiều công trình, trang viết đánh giá nhận định thơ miền Trung ngót thế kỷ qua, một vùng thơ gắn với sinh mệnh một vùng đất mà dấu ấn lịch sử luôn bùng nổ những sự kiện bất ngờ. Một vùng đất đẫm máu và nước mắt, hằn lên vầng trán con người nếp nhăn của nỗi lo toan chạy dọc thế kỷ. Thơ nảy sinh từ đó.

  • BÙI QUANG TUYẾNThơ mới là một hiện tượng nổi bật của văn học Việt Nam nói chung và thơ ca nói riêng trong thế kỷ XX. Nó vừa ra đời đã nhanh chóng khẳng định vị trí xứng dáng trong nền văn học dân tộc với các "hoàng tử thơ": Thế Lữ , Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử v.v... Đồng thời, Thơ mới là một hiện tượng thơ ca gây rất nhiều ý kiến khác nhau trong giới phê bình, nghiên cứu và độc giả theo từng thời kỳ lịch sử xã hội, cho đến bây giờ việc đánh giá vẫn còn đặt ra sôi nổi. Với phạm vi bài viết này, chúng tôi điểm lại những khái niệm về Thơ mới và sự đổi mới nghệ thuật thơ của các bậc thầy đi trước và tìm câu trả lời cho là hợp lý trong bao nhiêu ý kiến trái ngược nhau.

  • MẠNH LÊ Thơ ca hiện đại Việt Nam thế kỷ XX đã thu được những thành tựu to lớn đóng góp vào sự phát triển của lịch sử thơ ca dân tộc. Đặc biệt từ ngay sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời thay thế chế độ phong kiến thực dân hơn trăm năm đô hộ nước ta cùng với khí thế cách mạng kháng chiến cứu nước theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 12 năm 1946 đã thổi vào đời sống văn học một luồng sinh khí mới để từ đó thơ ca hiện đại Việt Nam mang một âm hưởng mới, một màu sắc mới.

  • NGUYỄN KHẮC THẠCHNếu gọi Huế Thơ với tư cách đối tượng thẩm mĩ thì chủ thể thẩm mĩ của nó trước hết và sau cùng vẫn là sự hoá sinh Thơ Huế. Đương nhiên, không hẳn chỉ có Thơ Huế mới là chủ thể thẩm mĩ của Huế Thơ và cũng đương nhiên không hẳn chỉ có Huế Thơ mới là đối tượng thẩm mĩ của Thơ Huế. Huế Thơ và Thơ Huế vẫn là hai phạm trù độc lập trong chừng mực nào đó và có khi cả hai đều trở thành đối tượng thẩm mĩ của một đối tượng khác.

  • ĐỖ LAI THÚYThanh sơn tự tiếu đầu tương hạc                                  Nguyễn KhuyếnNói đến Dương Khuê là nói đến hát nói. Và nói đến hát nói, thì Hồng Hồng, Tuyết Tuyết làm tôi thích hơn cả. Đấy không chỉ là một mẫu mực của thể loại, mà còn làm một không gian thẩm mỹ nhiều chiều đủ cho những phiêu lưu của cái đọc.

  • NGUYỄN NGỌC THIỆNHải Triều tên thật là Nguyễn Khoa Văn, sinh năm 1908 trong một gia đình Nho học, khoa bảng. Năm 20 tuổi, trở thành đảng viên trẻ của Tân Việt cách mạng Đảng, Nguyễn Khoa Văn bắt đầu cầm bút viết báo với bút danh Nam Xích Tử (Chàng trai đỏ). Điều này đã khiến trong lần gặp gỡ đầu tiên, người trai có "thân hình bé nhỏ và cử chỉ nhanh nhẹn theo kiểu chim chích" (1) ấy đã gây được cảm tình nồng hậu của Trần Huy Liệu- chủ nhiệm Nam Cường thư xã, người bạn cùng trang lứa tuy vừa mới quen biết, nhưng đã chung chí hướng tìm đường giải phóng cho dân tộc, tự do cho đất nước.

  • TÔ VĨNH HÀ Huế đang trở lạnh với "mưa vẫn mưa bay" giăng mờ như hư ảo những gương mặt người xuôi ngược trên con đường tôi đi. Tôi giật mình vì một tà áo trắng vừa trôi qua. Dáng đi êm nhẹ với cánh dù mỏng manh như hơi nghiêng xuống cùng nỗi cô đơn. Những nhọc nhằn của tuổi mơ chưa đến nỗi làm bờ vai trĩu mệt nhưng cũng đủ tạo nên một "giọt chiều trên lá(1), cam chịu và chờ đợi nỗi niềm nào đó hiu hắt như những hạt mưa...

  • NGUYỄN HỒNG DŨNG1. Một cuộc đời lặng lẽ và những truyện ngắn nổi danhO' Henry, tên thật là William Sydney Porter, được đánh giá là người viết truyện ngắn xuất sắc nhất của nước Mỹ những năm đầu thế kỷ XX. Ông sinh tại Greenboro, tiểu bang North Carolina vào năm 1862. Năm 15 tuổi (1877), ông thôi học và vào làm việc trong một hiệu thuốc tây. Vào tuổi hai mươi, ông bị đau nặng và sức khoẻ sa sút nên đã đến dưỡng sức ở một nông trại tại tiểu bang Texas. Ông đã sống ở đấy hai năm, đã làm quen với nhiều người và hiểu rất rõ tính cách miền Tây. Sau này, ông đã kể về họ rất sinh động trong tập truyện ngắn có tựa đề đầy xúc cảm Trái tim miền Tây.

  • MAI KHẮC ỨNGCó thể sau khi dẹp được loạn 12 sứ quân, Đinh Tiên Hoàng (968- 979) thống nhất lãnh thổ và lên ngôi hoàng đế, đã đặt được cơ sở ban đầu và xác định chủ quyền Đại Cồ Việt lên tận miền biên cương Tây Bắc vốn là địa bàn chịu ảnh hưởng Kiểu Công Hãn. Trên cơ sở 10 đạo thời Đinh nhà vua Lý Thái Tổ (1010- 1028) mới đổi thành 24 phủ, lộ. Nguyễn Trãi viết Dư địa chí (thế kỷ XV) vẫn giữ nguyên tên gọi đạo Lâm Tây. Tức vùng Tây- Bắc ngày nay.

  • TRẦN ANH VINHÂm vang của những sự kiện xẩy ra năm Ất Dậu (1885) không những vẫn còn đọng trong tâm trí người dân núi Ngự mà còn được ghi lại trong một số tác phẩm. Bài vè “Thất thủ Kinh đô” do cụ Mới đi kể rong hàng mấy chục năm ròng là một tác phẩm văn học dân gian, được nhiều người biết và ngưỡng mộ. Riêng Phan Bội Châu có viết hai bài:+ Kỷ niệm ngày 23 tháng Năm ở Huế (Thơ)+ Văn tế cô hồn ngày 23 tháng Năm ở Kinh thành Huế.

  • HOÀNG CÔNG KHANHCó một thực tế: số các nhà văn cổ kim đông tây viết tiểu thuyết lịch sử không nhiều. Ở Việt Nam càng ít. Theo ý riêng tôi nguyên nhân thì nhiều, nhưng cơ bản là nhà văn viết loại này phải đồng thời là nhà sử học, chí ít là có kiến thức sâu rộng về lịch sử. Cũng nhiều trường hợp người viết có đủ vốn liếng cả hai mặt ấy, nhưng hoặc ngại mất nhiều công sức để đọc hàng chục bộ chính sử, phải sưu tầm, dã ngoại, nghiên cứu, đối chiếu, chọn lọc hoặc đơn giản là chưa, thậm chí không quan tâm đến lịch sử.

  • TRƯƠNG ĐĂNG DUNG                 Tặng Đỗ Lai ThuýChủ nghĩa hiện đại là kết quả của những nỗ lực hiện đại hoá đời sống và tư duy xẩy ra từ những năm cuối của thế kỷ XIX, ở Châu Âu. Những thành tựu nổi bật của khoa học tự nhiên, của triết học, xã hội học và tâm lí học đã tác động đến cách nghĩ của con người hiện đại trước các vấn đề về tồn tại, đạo đức, tâm lí. Tư tưởng của Nietzsche, Husserl, hay Freud không chỉ ảnh hưởng đến tư duy hiện đại mà tiếp tục được nhắc đến nhiều ở thời hậu hiện đại.

  • ĐẶNG TIẾNTân Hình Thức là một trường phái thi ca hiện đại được phổ biến từ năm bảy năm nay, phát khởi do Tạp Chí Thơ, ấn hành tại Mỹ, chủ yếu từ số 18, xuân 2000 “chuyển đổi thế kỷ”, và được nhiều nhà văn, nhà thơ trong và ngoài nước hưởng ứng. Tên Tân Hình Thức dịch từ tiếng Anh New Formalism, một trường phái thơ Mỹ, thịnh hành những năm1980 - 1990.

  • NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP Một ngày kia, cát bụi vùng Hoan Diễn đã sinh tạo một “kẻ ham chơi”. Y cứ lãng đãng trong đời như một khách giang hồ mang trái tim nhạy cảm, một trái tim đầy nhạc với những đốm lửa buồn. Để rồi sau những cuộc say tràn cung mây, khi dòng cảm hứng chợt bùng lên từ những vùng u ẩn nằm sâu trong cõi nhớ, những giai âm ùa về như những luồng điện làm vỡ òa bí mật: có thương có nhớ có khóc có cười- có cái chớp mắt đã ngàn năm trôi. Đây là những câu thơ khép lại một trong những bài thơ hay nhất của Nguyễn Trọng Tạo: Đồng dao cho người lớn(1).

  • NGUYỄN KHẮC PHÊTừ lâu, ở Huế, nhiều người đã biết tiếng ba công chúa, ba nữ sĩ (Tam Khanh) con vua Minh Mạng, em gái nhà thơ nổi tiếng Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, trong đó MAI AM là người được nhắc đến nhiều nhất. Mai Am nổi tiếng trước hết vì tài thơ và cùng vì cuộc đời riêng không được may mắn của bà, tuy bà là người sống thọ nhất trong “Tam Khanh”.

  • LÊ DỤC TÚCùng với nghệ thuật tiếp cận và phản ánh hiện thực, nghệ thuật miêu tả và khắc họa chân dung nhân vật, nghệ thuật châm biếm và sử dụng ngôn ngữ cũng là một trong những nét nghệ thuật đặc sắc ta thường gặp trong các phóng sự Việt Nam 1932 - 1945.

  • NGUYỄN VĂN DÂNTrong thế kỷ XX vừa qua, thế giới, đặc biệt là thế giới phương Tây, đã sản sinh ra biết bao phương pháp phục vụ cho nghiên cứu văn học, trong đó phương pháp cấu trúc là một trong những phương pháp được quan tâm nhiều nhất.

  • AN KHÁNHHai mươi tám năm kể từ ngày chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, đủ để một thế hệ trưởng thành, một dòng thơ định vị. Tháng 3 vừa qua, Hội Văn nghệ Hà Nội và nhóm nhà thơ - nhà văn - cựu binh Mỹ có cuộc giao lưu thú vị, nhằm tìm ra tiếng nói "tương đồng", sự thân ái giữa các thế hệ Mỹ - Việt thông qua những thông điệp của văn chương.

  • TRẦN ĐÌNH SỬ Bạn đọc Việt Nam vốn không xa lạ với phê bình phân tâm học hơn nửa thế kỷ nay, bởi nó đã bắt đầu được giới thiệu vào nước ta từ những năm ba mươi, bốn mươi thế kỷ trước. Nhưng đáng tiếc nó đã bị kỳ thị rất nặng nề từ nhiều phía. Giống như nhân loại có thời phản ứng với Darwin vì không chấp nhận lý thuyết xem con người là một loài cao quý lại có thể tiến hóa từ một loài tầm thường như loài khỉ, người ta cũng không thể chấp nhận lý thuyết phân tâm học xem con người - một sinh vật có lý trí cao quý lại có thể bị sai khiến bởi bản năng tầm thường như các loài vật hạ đẳng!