Tiền định - sự bí ẩn trong tâm hồn

08:47 04/05/2010
TRỊNH MINH HIẾU(Đọc Tiền định của nhà văn Đoàn Lê NXB Hội Nhà văn 2009)Tác phẩm “Tiền định” của nhà văn Đoàn Lê vừa được Công ty cổ phần sách Bách Việt đưa vào chung khảo Giải thưởng Bách Việt lần thứ nhất.

Ảnh: evan

Qua hàng loạt các tác phẩm ghi lại dấu ấn tác giả như “Nghĩa địa xóm chùa”; “Cuốn gia phả để lại”; “Trinh tiết xóm chùa”; “Thành hoàng làng xổ số”... và bây giờ là “Tiền định”, tác giả lại tiếp tục khẳng định được phong cách riêng và thành công của mình trong sự nghiệp sáng tác.

Tên tác phẩm: “Tiền định”. Ngay từ đầu người đọc đã được trang bị một ngụ ý rằng trong cuộc sống, cụ thể là mỗi con người đang sống đều có một số phận riêng, có sự can thiệp, quyết định của một đấng tối cao trong thế giới vô hình mà con người chỉ cảm nhận được bằng vô thức, linh giác. Sự sắp đặt an bài ấy chính tiền định hay thiên định. Tuy nhiên đó là cảm thức ban đầu khi tiếp nhận. Đi sâu vào tác phẩm, ta sẽ đặt ra nhiều câu hỏi. Vậy thiên định “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Hay nhân định “nhân định thắng thiên”, “đức năng thắng số”. Hay tính cách quyết định “số phận”... Hay đó là quy luật tâm lý, phức tạp trong tâm hồn con người mà bằng ngòi bút nghệ thuật tinh tế, nhà văn đã khám phá, giải mã những tầng sâu khuất, bí ẩn trong tâm hồn để người đọc chiêm nghiệm. Đó mới thực sự là thành công của tác phẩm nghệ thuật bởi nghệ thuật đích thực là sự tìm kiếm chính con người mang ý nghĩa nhân văn.

Theo lý thuyết Tảng băng trôi, ba phần nổi, bảy phần chìm thì phần nổi lên dễ nhìn thấy nhất trong tác phẩm đó là thứ ánh sáng tiền định hắt chiếu cho mỗi nhân vật, như có ý kiến nhận xét đó là định đề của tác phẩm. Quả thật, trong tác phẩm, một thế giới nhân vật phong phú, đủ mọi tầng lớp, thành phần, lứa tuổi, lớp này tiếp lớp khác nhưng mỗi người đều có một số phận khác nhau và đều bị chi phối bởi tư tưởng tiền định. Họ đều là “Con rối trong tay thượng đế” (tr 171). Cuộc sống nhiều người cứ quanh quẩn đâu đó, xa gần, tha hương rồi lại cố hương như không thể thoát khỏi định mệnh. Đó là anh chàng Hiên, anh Tức Mặc, bác Ngọc... Khi nghĩ đến dì Yểng chết yểu, hay vợ anh Hường “nhan sắc người đàn bà đi qua thế gian vừa đủ cho người ta thương tiếc đứt ruột”, thân phận dì Mười không lấy chồng “cái thiên chức Dì như trời đã định sẵn, luôn là sự an ủi, xoa dịu cho mỗi số phận những người ruột thịt”, rồi số phận em Tiếc, thân phận của cô bé bán hoa, thân phận của mình, cô Chín đã phải thốt lên: “Sao trời bắt tội những vẻ đẹp cứ phải lầm lũi cát bụi? Nếu là nghiệp chướng, là nhân quả, những cô gái kia đã làm gì kiếp trước để bị trừng phạt khốn khổ đến vậy ở kiếp này?” (296). Hình như có sự an bài trong số mệnh nên các nhân vật luôn cam chịu với hiện tại. Chỉ đến cô Chín, nhân vật chính của truyện, người đọc mới thấy có sự đấu tranh để vượt lên số phận. Nhưng rồi cuối cùng nàng vẫn trở về với chính nàng, một cõi thiền vô định của cuộc đời.

Trong cuốn “Văn hóa Việt Nam”, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh đã tìm hiểu về tâm lý con người Việt Nam, ông đã khẳng định từ những phẩm cách của người nông dân cho thấy: “Ở góc độ tâm linh, nông dân tin vào sự an bài, có tính cách như là định mệnh, và họ lấy ngay niềm tin tưởng thiêng liêng ấy để tự túc và phấn đấu. Câu nói chỉ ở với trời, nhờ trời, hay quan niệm trời sinh trời dưỡng là thường trực của nông dân (Sđd, 584). Nếu trong tín ngưỡng người Việt Nam các đấng tối cao ấy là Trời - Phật - Thánh - Thần, thì trong quan niệm người phương tây Đấng tối cao là Chúa trời. Khi được hỏi về niềm tin vào Đức Chúa trời, một nhà khoa học đạt giải Nobel đã trả lời: “Việc có Chúa hay không, không quan trọng. Mà điều ông cần là một niềm tin”. Người đạo Hồi lại sùng đạo Thánh Ala. Như vậy, trong lịch sử của loài người đã tin vào đấng tối cao như một niềm tin thiêng để giúp họ vượt qua thử thách khắc nghiệt của cuộc sống. Đối với người phụ nữ Việt Nam, ngoài niềm tin thuần tuý, họ còn tin tưởng vào Đức Mẫu mẹ như một thuộc tính nữ, trở về mẫu gốc của mình.

Như vậy, phủ một màn tiền định lên số phận các nhân vật trong tác phẩm hoàn toàn phù hợp với quy luật tâm lý của người Việt Nam. Nhưng ánh sáng ấy chỉ quét qua trong tác phẩm, là cớ để nhà văn đi sâu vào khai thác tâm lý đầy phức tạp, nhiều vẻ, bí ẩn. Đặc biệt là người phụ nữ, thông qua nhân vật chính là cô Chín. Qua đó, người đọc thấy được ngòi bút sắc sảo, tinh tế, những khám phá mới của nhà văn Đoàn Lê.

Nhà văn Đoàn Lê - Ảnh:vnca.cand.com.vn

Bằng lối hồi ức tự truyện, lúc trực tiếp, lúc gián tiếp thông qua các nhân vật và sự ghép mảnh thời gian, cô Chín hiện lên thật rõ nét và có thể nói đó là mẫu người phụ nữ Việt Nam: có nhan sắc, tài hoa. Cô là một họa sĩ, một diễn viên, một đạo diễn điện ảnh... Lẽ ra, phải có một cuộc sống ít nhất cũng xứng đáng với những gì trời đã cho. Song cuộc đời cô lại gặp phải éo le, nhiều nỗi truân chuyên. Truân chuyên đủ mọi đường: đường sống, đường tình duyên, đường công danh sự nghiệp, đường con cái... Một cuộc đời đầy sóng gió với bao nhiêu biến cố, sự kiện, có cả thành công, thất bại, có cả vinh quang, cay đắng, hạnh phúc... nhưng tất cả cô đều tin vào tiền định. Một người phụ nữ như cô Chín có đức tin như vậy cũng là điều dễ hiểu.

Trong câu chuyện về cuộc đời, ngay từ bước đi đầu tiên, cô Chín đã tin vào một sức mạnh mà cô không hiểu nổi: “Khởi đầu là do sự tình cờ hay sự sắp đặt của định mệnh, đến giờ này cô cũng không thể lý giải được”. Từ việc đi thi hộ đóng vai phụ cô đã được tuyển chính thức. Bước này tiếp bước kia, từ việc học diễn viên đến đạo diễn điện ảnh rồi trở thành một hoạ sĩ... nối dài sự nghiệp như một tiền định. Nhưng xây được niềm tin thiêng liêng trong sâu thẳm ấy không dễ gì ai cũng có được. Hơn nữa, cô Chín còn linh cảm được những điều xảy ra đối với bản thân, đối với người thân. Phải là người có trữ lượng sống dồi dào, mạnh mẽ, nhạy cảm, tinh tế, như dòng điện cảm ứng nhiều chiều mới có được. Và cô Chín là một người như thế.

Trong tình yêu với anh nhà báo, người đàn ông đã theo đuổi cô mấy chục năm, mỗi lá thư anh viết dòng cuối vẫn là: “Người chưa bao giờ được là chồng em”. Nhưng tại sao anh yêu thương, giúp đỡ cô, hai người cùng có hoàn cảnh đặc biệt: cô ly hôn chồng, một mình nuôi con. Còn anh, vợ đã chết trong một trận ném bom của giặc. Mà trong mấy chục năm cứ dãi dằng. Có lẽ tại số phận. Lúc tưởng rằng hai người không thể vượt qua được sự cám dỗ của thể xác, sự khát khao tột đỉnh của hạnh phúc thì lại là lúc cô rơi vào khoảnh khắc chập chờn quá khứ và hiện tại. Bóng của vô thức lại ám ảnh. Đôi mắt người vợ anh trên tấm ảnh thờ như vụt hiện khống chế làm cô co rúm người lại trong nhà nghỉ Viôlet. Cô tự hỏi do người đàn bà ấy ngăn cách hay người đàn ông luôn hiện về trong giấc mơ của cô. “Người ấy như một người tình bí mật, không gì trọn vẹn, mãnh liệt hơn nhân gian”. Hay nốt ruồi ở gò vệ nữ đã đóng dấu số mệnh. Hay tỳ vết của cuộc hôn nhân ám ảnh tình dục như cực hình đã đánh thức làm cô hoảng sợ. Có lẽ vượt lên tất cả là lòng trắc ẩn, vị tha. Mặc dù cô vẫn thấy người ta đốt nhưng hình nhân thế mạng cho người chết để có bầu có bạn. Nhưng hình ảnh ấy chợt hiện làm cô thấy mình như có lỗi.

Trong tác phẩm, cô Chín kết hôn ở tuổi mười bảy. Hai mốt tuổi ly hôn, một mình nuôi hai con. Sau đấy cô yêu Hoà nhưng Hoà hèn nhát không dám bảo vệ giọt máu của mình đến nỗi cô suýt mất cả tính mạng trong ca phá thai khủng khiếp. Lúc cô khốn khổ thì hắn lại vui vẻ với các cô gái trẻ. Sau đó là anh, người đàn ông định mệnh đã ra đi trong một tai nạn khi mọi chuyện tưởng như mới bắt đầu. Người phụ nữ cả đời chưa bao giờ được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Đó là số mệnh của người phụ nữ tài hoa chăng. Nhưng nhiều lúc người phụ nữ ấy lại ân hận bởi sự nông nổi của tuổi trẻ. Tuổi trẻ: “Không có một mẩu vũ khí để tự vệ, chỉ biết đem thân xác trả giá cho sự dại dột... Làm gì có biển chỉ dẫn cho những nơi đặt cạm bẫy cho cô bé mười bảy cơ chứ” (61). Sự nông nổi của tuổi trẻ người ta dễ mắc phải. Song một cô bé mười lăm, mười bảy dám tự mình quyết định mọi việc thì đâu phải chỉ là tội lỗi của tuổi trẻ. Cô bé ấy tính cách mạnh mẽ, quyết đoán, đầy bản lĩnh. Tính cách đã một phần quyết định số phận cô bé.

Mặc dù sống trong một gia đình gia giáo, ông bố Chi Lan cực kỳ nghiêm khắc đã quyết liệt ngăn cản cô theo nghề diễn viên: “Mày có giỏi giẫm lên xác bố mà đi”. Vậy mà cô bé mười lăm tuổi vẫn liều lĩnh một thân một mình lên thành phố theo đuổi sự nghiệp. Cuộc hôn nhân của nàng cũng vậy. Cô bé mười bảy tuổi cưới chui, giấu gia đình. Vì lý do rất thường tình. Cô không tha thứ cho người chồng chỉ với lý do một lần cô bắt gặp anh ta sàm sỡ với cô người yêu cũ. Nàng đưa đơn đến bốn lần. Nàng tức giận phá tan cái gia đình nhỏ bé của mình. Không thương tiếc, sau hơn bốn năm chung sống với hai đứa con và năm ấy nàng mới hai mốt tuổi. Nàng chủ động cắt đứt tình cảm với Hoà vì lòng tự trọng. Người phụ nữ khác có thể tha thứ. Nhưng nàng không. Chấp nhận nuôi con một mình trước đầy rẫy áp lực công việc, áp lực kinh tế, áp lực tâm lý. Trong người nàng lúc nào cũng dắt con dao nhọn để nếu khổ quá nàng sẽ tự sát. Song trong nhật ký, nàng lại khắc ghi như một quyết tâm thư: “Nhất định không gục ngã, không chịu thua cuộc đời một cách nhục nhã” (108). Từ trong cay đắng nàng vụt dậy thay đổi cuộc đời bằng việc đi thi đạo diễn điện ảnh, một nghề không dễ gì. Kể cả việc trở thành hoạ sĩ cũng vậy. Tất cả cuộc đời nàng qua từng giai đoạn như một thước phim quay chậm, tất cả diễn ra tưởng như định mệnh: “Sao trời bắt tội những vẻ đẹp cứ phải lầm cát bụi” (296). Nhưng có lúc nàng lại khẳng định: “Tính ương bướng khắc nghiệt đã gây bao sóng gió cho cuộc đời nàng”.

Cho dù là số mệnh, là tiền định, là do chính mình quyết định cuộc đời mình, nhưng sau những gì đã trải trên hành trình cuộc đời mấy chục năm ròng, nhân vật tôi vẫn không hiểu hết chính con người mình, thế giới quanh mình: “Cái tôi ơi! Ngươi thật tình bí ẩn, cả khi phơi bày giữa chợ nhân gian... Người ta có linh hồn hay không? Thế giới con người thật bí mật”.

Càng đi sâu vào tác phẩm ta càng khám phá được thế giới tâm hồn của người phụ nữ thật phong phú, thật tinh tế, đa chiều. Tâm hồn ấy phải được soi sáng trên nhiều bình diện. Đặc biệt, nhà văn đã vượt qua thế giới hữu hình, thâm nhập vào thế giới vô hình, thấy được vẻ đẹp tiềm ẩn của con người trong thế giới vô hình. Nhân vật trải qua không biết bao nhiêu biến cố, thăng trầm gắn liền với lịch sử dân tộc, với các thời đại, cơ chế... Một cuộc đời đầy truân chuyên, sóng gió song người phụ nữ ấy đã vượt lên để sống. Sống một cuộc sống có ý nghĩa, đích thực. Đó là mẫu người phụ nữ tri thức từ những năm năm, sáu mươi của thế kỷ trước. Sự vượt lên ấy chính là sức mạnh vào một niềm tin thiêng liêng. Niềm tin ấy dẫn dụ con người tin tưởng vào chính mình, tin tưởng vào con tim, khối óc, tin tưởng vào sức mạnh tinh thần to lớn, tiềm tàng mà nhiều khi chỉ thấy đó là tiếng nói của vô thức. Sức mạnh ấy như những đại hành tinh quanh họ mà họ chỉ là tiểu hành tinh quá nhỏ bé. Có lẽ đây chính là điều mà nhà văn Đoàn Lê muốn gửi thông điệp cho chúng ta trong tác phẩm này.

Theo quan điểm cái mới không phải là sự phá bỏ truyền thống. Truyền thống là nền tảng để cho ta đổi mới. Qua bút pháp, phong cách của tác giả ta thấy chưa có nhiều đổi mới song với tác phẩm này, ta thấy có một sự khám phá mới, soi thấy những điều bí ẩn trong tâm hồn con người, đắp đổi thêm sự phong phú, giàu có, cao đẹp trong tâm hồn người phụ nữ, đem đến một nhận thức mới của tiếng nói nghệ thuật. Đó là nghệ thuật chân chính mà nhà bác học Albert Einstein đã khẳng định: “Cái đẹp đẽ nhất mà ta có thể trải nghiệm được là cái bí ẩn. Đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính”.

Hà Nội, tháng 01/2010
T.M.H
(254/04-10)



Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • (Qua “Sau tách cà phê” của Nguyễn Trác, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000.)1- Sau năm năm từ “Chiếc thuyền đêm” (năm 1995), hình như  “đến hẹn lại lên”, nhà thơ Nguyễn Trác lại ra mắt bạn đọc tập “Sau tách cà phê”.

  • Thơ là một bức xúc của tình cảm và tư tưởng con người, buộc con người phải diễn ra bằng ngôn ngữ, âm thanh, màu sắc, đường nét, hình khối. Thơ là đòi hỏi, là nhu cầu của con người, nếu không biểu lộ được ra thì còn bức rứt khổ sở.

  • (Đọc tập thơ “Thế giới và tôi” của Ngô Tự Lập)Tôi kém Ngô Tự Lập hơn chục tuổi nhưng không “trẻ” hơn anh. Tuổi trẻ làm ta cao ngất lên, tuổi già đôi khi cũng vậy. Nhưng cao ngất lên ta thấy gì nào?

  • “Tết không vào nhà tôi”(*)nghĩa là tết không vào nhà Phùng QuánCâu thơ tâm trạngVấn nạn một đời

  • Nhà thơ Phùng Quán trọn cuộc đời (1932 - 1995) là một chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn xông xáo và nhiệt huyết.

  • Đầu những năm 61, Phùng Quán về lao động tại nông trường Thắng Lợi, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Quán ở đội 6 khai hoang, tôi ở đội canh nông Ngọc Ách từ trước.

  • Chỉ trong vòng 63 năm từ 1930 đến 1993, văn học Mỹ đã vinh dự nhận được 11 giải Nobel. Đây là một thành tựu vượt bậc đáng tự hào mà không phải bất cứ một quốc gia nào có thể sánh kịp. Đóng góp vào ánh hào quang ấy có John Steinbeck - nhà văn lớn của văn học hiện thực Mỹ.

  • (Đọc “Thơ Trần Quốc Thực” – Nxb HNV 2007)Giữa rất nhiều giọng thơ khoa trương, khoe mẽ hôm nay, Trần Quốc Thực là một giọng thơ lặng lẽ đầy bản sắc. Sự ngại giao tiếp, sự âm thầm dâng hiến cho thơ của Trần Quốc Thực đã khiến cho nhiều người không biết đến thơ anh.

  • Văn học huyền ảo ra đời mang lại một thành tựu của phương pháp sáng tác. Một bước chuyển tiếp sau hàng thế kỉ từ cổ điển, lãng mạn, rồi hiện thực.

  • (Đọc lại "Chân dung và đối thoại" của Trần Đăng Khoa)Tôi đã viết vài dòng góp ý chân tình sau khi đọc lướt cuốn "Chân dung và đối thoại" của Trần Đăng Khoa. Nếu Khoa thực sự hiểu được vấn đề cũng như dư luận đánh giá đúng cuốn sách thì tôi không đọc lại và cũng không viết nữa làm gì.

  • Nếu ai đã được say, đã được bay cùng vầng trăng trong thơ Lý Bạch, thì sẽ không khỏi chạnh lòng khi đọc những vần thơ trăng của Đặng Huy Trứ. Đặng Huy Trứ có yêu trăng không ?Rất yêu. Yêu rất nhiều...

  • Phùng Quán ơi ! Bây giờ trước cái chòi ngóng sóng ở mé Hồ Tây nhà anh, quán nhậu mọc lên nghi ngút, che khuất những bầy sâm cầm đương hạ cánh xuống hoàng hôn. Cái nhìn của anh cũng đói, nhưng ở thế giới bên kia anh đâu có ngán :"Trong trăm nghìn nỗi đói/tôi nếm trải cả rồi/tôi chỉ kinh khiếp nhất/ là nỗi đói tình người

  • Những câu thơ này ở trong bài Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi. Lịch sử đất nước, qua con mắt thơ Lưu Quang Vũ, bao trùm là gió và tình yêu. Cũng có thể mượn câu này để nói về đời và thơ của chính anh. Điều anh ước đã làm những trang thơ anh có rất nhiều gió.

  • Đây là công trình nghiên cứu tổng kết có tính chất chiến lược Chương trình Khoa học Công nghệ cấp Nhà nước KXO6 "Văn hóa, văn minh vì sự phát triển và tiến bộ xã hội" do cố giáo sư Nguyễn Hồng Phong làm chủ nhiệm. Văn hóa chính trị truyền thống Việt là một đề tài quan trọng của công trình.

  • NGUYỄN THỤY KHA(Đọc “Gửi VB” thơ của Phan Thị Vàng Anh, Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2006)Có một thời, người ta giấu kín nỗi cô đơn như một khuyết tật của mình để được hoà nhập vào đám đông ồn ào, hơn hớn lên đường, để được hy sinh và dâng hiến vô danh. Nhưng đã là khuyết tật thì có giấu mãi cũng đến lúc phải lộ ra, nữa là nỗi cô đơn không thể thiếu ở mỗi kiếp người. Mãi đến thời thanh bình, nỗi cô đơn của thân phận dần dà mới được nói ra.

  • Hoạ sỹ Đỗ Kỳ Hoàng nguyên ủy viên thường vụ Hội LH.VHNT TT.Huế, nguyên chủ tịch Hội Mỹ thuật TT.Huế, nguyên giảng viên Đại học Nghệ thuật Huế v.v... đã từ trần ngày 26 tháng 10 năm 2006, hưởng thọ 75 tuổi.Thương tiếc người hoạ sỹ tài danh xứ Huế, Sông Hương xin đăng bài viết của nhà thơ Võ Quê và xin được coi đây như một nén hương tưởng niệm

  • Ai cũng biết, anh là tác giả của các tập thơ và trường ca Bến đợi, Hát rong, Hoa tường vi trong mưa, Ngựa trắng bay về, Gõ chiều vào bàn phím...với những thao thiết của dã quỳ vàng, của thông xanh, xoan tím, phượng hồng, những gió và nắng, những bùn lầy và cát bụi, những cần rượu và cồng chiêng