BÙI VIỆT THẮNG
(Đọc Thuyền trăng - Tập thơ của Hồ Thế Hà, Nxb. Văn học, 2013)
1.
Sở dĩ tôi gọi Thuyền trăng của Hồ Thế Hà là Thuyền tình vì cả tập thơ tràn trề chữ “tình”. Không chỉ có chữ tình người mà còn có cả chữ tình của thiên nhiên, sự vật: “Thuyền trăng thành thuyền ái ân” (Thuyền trăng), “Ngủ đi trăng nước mặp tình” (Nến tình), “Sông nhân tình hóa giải mọi bi ai” (Sông Hương), “Tình yêu nào cũng từ cỏ sinh sôi” (Gửi Whitman - lá cỏ), “Nến tình hao khuyết sương sa hao chờ” (Nến tình). Mười tám câu thơ (trong mười ba bài thơ) chở nặng một chữ tình thì có đến mười ba chữ tình gắn với con người: “Tình yêu lứa đôi xóa tôi bằng em” (Phân thân), “Tình yêu muộn phiền có tôi bằng em” (Phân thân), “Có một mối tình vừa gửi xuống dòng Hương” (Tản mạn)… Sở dĩ tôi gọi Thuyền trăng của Hồ Thế Hà là Thuyền tình vì cái tình của người thơ là cái tình của người hào hiệp - lãng du như chất men say sống, men say làm việc, men say sáng tác thơ. Có lẽ gọi Hồ Thế Hà là “người thơ” thì rõ thần thái hơn là “người văn” (dù cho anh có đến sáu cuốn sách in riêng thuộc dạng nghiên cứu, phê bình văn chương). Sở dĩ tôi gọi Thuyền trăng của Hồ Thế Hà là Thuyền tình vì “chữ nghĩa” của thơ đẫm tình, đẫm nghĩa. Có nhiều bài thơ anh viết tặng các nghệ sĩ, bạn bè như: Thuyền trăng (tặng họa sĩ Bửu Chỉ), Phân thân (tặng Lê Huy Bắc), Cảm thức Phùng Quán (có thể coi là tặng nhà văn Phùng Quán), Ngẫu cảm Chế Lan Viên (có thể coi là tặng nhà thơ Chế Lan Viên), Hư vô (tặng nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch), Cổ điển (tặng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo), Mắc nợ (tặng Phạm Xuân Nguyên), Cảm thức Trịnh Công Sơn (có thể coi là tặng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), Tờ lịch (tặng nhà thơ Thanh Thảo). Những bài thơ Hồ Thế Hà viết tặng đồng nghiệp thường khắc khoải về cái gọi là “sứ mạng - định mệnh” của người nghệ sĩ trong bất kì thời đại nào: “Ông viết trên giấy có kẻ giòng niềm vui, nỗi đau/ Dù tình ca, du ca, bi ca hay hùng ca cũng thế/ Một niềm tin da diết con người” (Cảm thức Phùng Quán). Hồ Thế Hà không cao giọng trong thơ, anh như tri âm tri kỉ của độc giả; viết là để giãi bày và chia sẻ, cảm thông để hòa đồng và hòa điệu.
2.
Cảm xúc thơ về đời sống trong thơ Hồ Thế Hà thuộc dạng thức “phức cảm”. Nói cách khác thơ Hồ Thế Hà đa dạng về mĩ cảm. Không phải cứ là sống nhiều, trải nghiệm nhiều đến kinh lịch thì con người mới thể nghiệm sự phức cảm trong tri nhận thế giới mà ngay khi còn non trẻ, ở thời đại hiện sinh này, chỉ mới mười sáu tuổi mà một thiếu nữ vẫn có thể “Và sẽ qua nhiều phức cảm rối bời” (Lặng lẽ tuổi mười sáu con gái tôi). Nhưng đó là trực cảm vì tình máu mủ mách bảo nhà thơ nhìn thấy cái ranh giới của sự non nớt và lớn khôn qua “Đường biên trẻ thơ - thiếu nữ”. Nhưng có cái “phức cảm” mơ hồ hơn khi nhà thơ “thiền” thế giới chung quanh “Tôi đứng bên gốc bồ đề/ Nhìn những chiếc lá lìa cành/ Xoay theo hình trái tim/ Rơi không thành tiếng”. Từ chiếc lá bồ đề mà ngẫm thấy “Hiện trong xác xác bồ đề/ Đoàn người nối tiếp lặng đau/ Theo nhau về cõi nào/ Những bước chân tứa máu” (Trong xác lá bồ đề). Tôi cứ nghĩ, không biết có đúng không, phức cảm thơ giống như là chủ nghĩa lập thể trong hội họa vậy? Tính chất “phức cảm” trong thơ Hồ Thế Hà không chủ yếu nhướng tới hiện hữu, hiện sinh của cuộc đời mà chủ yếu hướng tới cõi hư vô của nó. Thơ Hồ Thế Hà viết ở thời hiện tại, hôm nay, đáng lí cái cảm hứng thế sự - hiện sinh phải ngự trị. Nhưng không! Thi hứng của nhà thơ lại hướng về cái “Hư vô”, “Vô minh”, “Vô thường”, “Hư không”, “Vô thức”, “Vô nghĩa”, “Vô hạn” kiểu như: “Vọng lại từ hư vô” (Trong xác lá bồ đề), “Những tứ thơ trốn ở hư vô” (Những tứ thơ tìm lại), “Hư vô tháng ngày tạ từ phía trước” (Tờ lịch), “Từ tiền kiếp từ cõi vô minh” (Những câu hỏi), “Hiện hữu và vô minh/ Có và không” (Những khu vườn cổ tích), “Vô thường một đóa” Hoàng gửi lại” và “Tình yêu vô hạn mấy cõi người” (Khóc Hoàng), “Thiên thai, Địa đàng giờ đã hư không” (Cảm thức Trịnh Công Sơn), “Tiếng của vô thức hiện về” (Những câu hỏi), “Ta vô nghĩa, ta vô thường biết mấy/ Vừa tỉnh cơn mơ hồn đã hư vô” (Hư vô)… Vì sao nhiều “Hư”, nhiều “Vô” như thế? Tôi thử tự lí giải, chẳng hiểu nhà thơ có suy tư như thế không? Viết nhiều về cái “Hư”, “Vô” như thế, có lẽ là nhà thơ muốn bằng cách này hay cách khác trốn vào đó để hòng thoát khỏi một thế giới hiện hữu sặc sụa cái “Vô cảm”, vì “Vô cảm tê liệt các giác quan” (Cứu rỗi). Có là tiêu cực, yếm thế không khi viết như vậy? Tôi nghĩ đấy là cách phóng chiếu, giải thoát - một năng lực mà chỉ có nghệ thuật, nhất là thơ ca - mới trợ giúp con người được đắc lực hơn tất cả mọi trợ lực khác trên con đường đau khổ đi tìm chân lí.
3.
Nói đến thơ là nói đến chữ và nghĩa. Đỗ Lai Thúy trong Lời giới thiệu tập thơ Thuyền trăng có khen: “Một ngôn ngữ thơ chỉ một chữ mà nhiều bóng chữ (bóng sáng, bóng sẫm và cả bóng thức), một ngữ nghĩa không tầng mà đa tầng”. Đấy là chơi chữ khi khen, chê người khác. Tôi thì trái lại, thấy chữ nghĩa trong thơ Hồ Thế Hà đẹp, nhưng giản dị (có lẽ cái đẹp là sự giản dị!). Chẳng hạn “Tặng nhau nụ nhớ làm gì/ Hoa tròn búp đợi còn chi đêm dài” (Nến tình). Nhà thơ Thúy Bắc thì viết: “Rút sợi thương/ Chắp mái lợp/ Rút sợi nhớ/ Đan vòm xanh” (Sợi nhớ sợi thương), còn Hồ Thế Hà thì viết “nụ nhớ”. Tôi không thấy “bóng chữ”, cũng chẳng thấy “bóng sáng, bóng sẫm và cả bóng thức” đâu cả. Chỉ thấy một sự giản dị, dung dị, quen thân, gần gũi mà thôi. Những câu thơ sau tôi cho là hay (và nhiều người cũng cho như thế): “Hoa sữa nồng nàn hôn tôi bằng hương/ Hồ Tây huyền ảo ôm tôi bằng đêm” (Phân thân), tìm mãi mà không thấy “bóng chữ” đâu! Hóa ra có người thích làm cho rắc rối những điều không cần rắc rối, còn chân lí thì bao giờ cũng giản dị. Đôi khi chợt nghĩ, hay là mình “bảo thủ”, thậm chí “cũ” rồi trước cái ào ạt của cơn sốt “hậu hiện đại”?! Nhưng tĩnh tâm lại thấy cái mới không phải từ trên trời rơi xuống, mà nó chắc chắn phải mọc lên từ một cội rễ bền sâu nào đó của truyền thống.
Phải nói lại rằng ngôn ngữ thơ mà Hồ Thế Hà “chế tác” ra không đơn giản. Tôi cứ hình dung thi sĩ như người nấu rượu có nghề, có cái cách chưng cất cũng từ nước, từ ngũ cốc, nhưng có một bí truyền gì đó mà sản phẩm làm ra hơn người khác. Thế thôi! Nhưng bí truyền đó là gì vậy? Tôi cố đi tìm nó, nhưng xin thưa trước là có thể cái tôi tìm ra cũng có khi “cũ như trái đất”. Tôi đã ngồi hàng giờ trước một câu thơ (thực ra là hai chữ thơ thôi): “Ngủ đi trăng nước mặp tình/ Mai lên đỉnh Ngự soi mình vào sông” (Nến tình). Gọi điện cho nhà thơ xứ Huế mấy lần không được, định bụng hỏi cho ra cái chữ “mặp” đi với chữ “tình” thành ra “mặp tình”. Không hỏi được thì cứ phép “suy bụng ta ra bụng người” vậy (nghĩ mãi rồi cũng ngộ ra: mặp là đầy, nhưng “mặp tình” thì gợi hơn, ấn tượng hơn, độc đáo hơn “đầy tình”). Hồ Thế Hà có hơn một lần viết về “tứ thơ” (theo thi sĩ Xuân Diệu thì việc tìm “tứ thơ” khó khăn và kì thú nhất đối với sáng tạo thơ ca) trong hai bài Mỗi ban mai và Những tứ thơ tìm lại. Có người tìm ra tứ thơ trong đêm khuya, mơ màng giữa mộng và thực (như nhà thơ Hoàng Cầm đã nói về sự xuất hiện tứ thơ Lá diêu bông), có người tìm ra tứ thơ bằng sự trải nghiệm thế thái nhân tình, như trường hợp nhà thơ Xuân Diệu viết bài thơ Lệ. Hồ Thế Hà giản dị hơn “Tôi tìm tứ thơ mỗi ban mai/ Vì đó là lúc tĩnh lặng, tinh khiết nhất/ Tứ thơ nằm im trong đất/ Trong hoa cỏ, trong vạn vật” (Mỗi ban mai). Hồ Thế Hà viết giản dị vậy sao có người khoác cho chữ nghĩa thơ lắm cái “bóng” đến thế! Trong thơ Hồ Thế Hà rất nhiều trăng, nhiều đến thành một “thuyền trăng”. Đọc Hồ Thế Hà, tôi “cảnh giác” xem anh có học theo Hàn Mặc Tử khi viết về trăng không? Thấy: không! Tôi tra lại thật kĩ Chơi giữa mùa trăng và các bài thơ khác về trăng như: Uống trăng, Sáng trăng, Trăng vàng trăng ngọc, Ngủ với trăng, Say trăng, Rượt trăng, Trăng tự tử, Chơi trên trăng, Một miệng trăng, Một nửa trăng, Vầng trăng, Ưng trăng của thi sĩ Hàn Mặc Tử hòng để tìm ra một dấu vết dù mỏng mờ trong thơ Hồ Thế Hà. Nhưng thấy: không! Thế là tôi yên tâm đi tìm trăng riêng của Hồ Thế Hà, vì nếu nhan đề tập thơ là Thuyền trăng, như tôi đã nói ở trên, chính nó chở Thuyền tình (đại thi hào Nguyễn Du viết “Thuyền tình vừa ghé tới nơi/ Thì đà trâm gẫy bình rơi bao giờ”). Tôi tìm thấy chữ và nghĩa của thơ cả trong hình ảnh trăng mà thi sĩ sáng tạo. Có hai bài thơ nhan đề Thuyền trăng, Bến trăng mơ và mười tám câu thơ có chữ trăng trong tập thơ của Hồ Thế Hà. Tôi thích những câu thơ có trăng trong thơ Hồ Thế Hà như: “Lời thề nguyện vầng trăng lữ thứ” (Tản mạn), “Giấc mơ xé vụn vầng trăng” (Hư vô), “Ngủ đi trăng nước mặp tình” (Nến tình), và ba câu thơ có trăng trong một bài thơ “Thành chiếc thuyền trăng neo giữa thiên hà”, “Thuyền trăng thành thuyền ái ân”, “Bồng bềnh theo dáng thuyền trăng” (Thuyền trăng).
4.
Ở tuổi lục thập, Hồ Thế Hà cũng như những người cùng trang lứa cho mình cái quyền được triết lí (hay nói vui như Vương Trí Nhàn là “quyền được hách”) trong đời và trong thơ. Nhưng thú thật, riêng tôi không thích triết lí, vì không khéo dễ rơi vào “triết lí vặt” (chữ dùng của Hoàng Ngọc Hiến). Khi nào Hồ Thế Hà viết thật tự nhiên thì ta thấy chất triết lí thấm thía, kiểu như: “Có cách chi để an ủi mẹ/ Dù chỉ một lời dịu ngọt/ Dù chỉ nhổ một sợi tóc sâu/ Một đường kim vụng về khi mắt Mẹ đã về chiều/ Ôi dáng ngồi bào thai tuổi 90 của Mẹ!” (Mẹ). Nhưng khi Hồ Thế Hà hơi “kiễng chân” một tí, thấy rơi ngay vào tư biện, kiểu như: “Người ta không thể tìm lại dấu chân mình trên cát/ Khi sóng cuốn đi” (Cứu rỗi); hoặc “Con người luôn phản động sự dối trá/ Yêu chân lí như một nô bộc tôn giáo” (Trở về tâm linh). Không phải tôi viết như thế để cân bằng có khen có chê, mà như người ta nói thì một thúng gạo ngon vẫn không tránh khỏi đôi ba hạt sạn. Vậy thì “đành lòng vậy cầm lòng vậy”. Tôi vẫn tự coi mình là một người ngưỡng mộ và yêu quý Hồ Thế Hà - nhà giáo, nhà phê bình văn chương, nhà thơ và trên hết là một người bạn ân tình.
B.V.T
(SH294/08-13)
Trên tạp chí Kiến thức ngày nay số 839 ra ngày 01-12-2013 có đăng bài Kỷ niệm về một bài thơ & một câu hỏi chưa lời giải đáp của Nguyễn Cẩm Xuyên. Vấn đề nêu lên rất thú vị: đó là cách hiểu chữ giá trong bài thơ Cảnh nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bài thơ này trong nguyên văn chữ Nôm không có tên gọi. Những người soạn giáo khoa đã căn cứ vào nội dung đặt tên cho bài thơ là Cảnh nhàn và đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường trước đây.
Ký ức về những tháng ngày mải miết hành quân trên đất Campuchia, những phút giây nén lòng nhớ về quê hương, gia đình… vẫn chưa bao giờ nhạt phai trong tâm thức những người cựu chiến binh Đoàn 367 đặc công-biệt động trong kháng chiến chống Mỹ năm xưa.
LÊ VIỄN PHƯƠNG
(Nhân đọc Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình & hiện tượng của Nguyễn Đăng Điệp, Nxb. Văn học, 2014)
Cuốn Minh triết Việt trong văn minh Đông phương của nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh nhằm mục đích góp phần làm sáng tỏ cội nguồn văn hiến của dân tộc Việt qua sự phân tích những di sản văn hóa truyền thống bằng các phương pháp mang tính khoa học.
17 chân dung các nhà học thuật Việt Nam thế kỷ 19 và 20 qua các tiểu luận nghiên cứu ẩn dưới dạng thức tùy bút của Đỗ Lai Thúy đủ sức vẫy vào nhận thức người đọc hôm nay những vỡ lẽ mới.
Giáo sư hy vọng độc giả cũng cảm thấy như mình khi đọc "Lòng người mênh mang" bởi các trang viết chứa đựng những sự thật không thể chối cãi.
Tác giả Phạm Xuân Hiếu sử dụng vốn sống, kiến thức về văn hóa, cổ vật khi viết những truyện ngắn trong sách "Cây đèn gia bảo".
LÊ HUỲNH LÂM
Có một bạn trẻ hỏi rằng: làm thế nào để viết thật hay? Tôi nói như phản xạ, trước hết tác giả phải có đời sống văn chương.
NGỌC THANH
Có một nhà thơ, nhà hoạt động cách mạng đầy nhân cách đi ra từ Huế song rất ít người ở Huế biết tới, đó là Trần Hoài Quang - nguyên Trung đoàn phó và chính trị viên Trung đoàn Nguyễn Thiện Thuật (E95), nguyên Phó ban Tuyên huấn Thừa Thiên, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang và Bí thư Tỉnh ủy Hà Tuyên… Ông hiện có một người con trai đang ở Huế.
“Như vậy đó, hiện đại và hoang sơ, bí ẩn và cởi mở, giàu có và khó nghèo chen lẫn, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện lên trước mắt ta, ngồn ngộn sức sống”. Nhà báo, nhà văn Phan Quang đã thốt lên như vậy cách đây gần 40 năm, khi ông lần đầu đặt chân đến vùng đồng bằng châu thổ. Những điều ông viết về ĐBSCL ngày ấy - bây giờ còn tươi mới tính thời sự, lan tỏa và trường tồn với thời gian.
ĐẶNG HUY GIANG
Thói quen, nói cho cùng, là sản phẩm của quá khứ, là những gì lặp đi lặp lại, không dễ từ bỏ.
Hơn cả một nhà văn, Tô Hoài đã, đang và sẽ luôn là người bạn đường thân thiết của độc giả thuộc mọi lứa tuổi...
BÍCH THU
(Đọc Tô Hoài - Đời văn và tác phẩm của Hà Minh Đức, Nxb Văn học, 2007)
Tô Hoài - Đời văn và tác phẩm của Hà Minh Đức là cuốn sách tập hợp những ghi chép và nghiên cứu về nhà văn Tô Hoài, một tác gia lớn của văn học Việt Nam hiện đại. Đây là cuốn sách đầu tiên kết hợp hai phương diện ghi chép và nghiên cứu, góp một cách tiếp cận đa chiều và cập nhật về con người và sự nghiệp của nhà văn.
Tô Hoài, trong hơn 60 năm viết, thuộc số người hiếm hoi có khả năng thâm nhập rất nhanh và rất sâu vào những vùng đất mới. Đây là kết quả sự hô ứng, sự hội nhập đến từ hai phía: phía chuẩn bị chủ quan của người viết và phía yêu cầu khách quan của công chúng, của cách mạng.
Phát hành tập thơ "Khi chúng ta già" sau scandal với Phạm Hồng Phước, tác giả Nguyễn Thị Việt Hà khẳng định thơ mình không cần ăn theo sự kiện gì.
Tác giả Tử Đinh Hương thực hiện bộ sách "Biểu tượng" với mong muốn khám phá, lưu giữ và khuyến khích trẻ nhỏ quan tâm hơn đến thế giới xung quanh.
Sách được các sư cô Thiền viện Viên Chiếu lược dịch, biên soạn từ nhiều nguồn tư liệu, chủ yếu là tư liệu chữ Hán, tiếng Anh, giúp người đọc hiểu thêm con đường tu tập của pháp sư Huyền Trang.
Soạn tâm thế an nhiên khi bước vào tuổi già, nhẹ nhàng đón đợi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống... là điều mà trang viết của vị bác sĩ mê văn thơ đem đến cho độc giả.
Phó giáo sư Đỗ Lai Thúy thông qua cuốn sách "Vẫy vào vô tận" đã giới thiệu 17 chân dung các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu có đóng góp cho con đường học thuật và tư tưởng của đất nước.
BỬU NAM
Nguyễn Quang Lập - Trần Thùy Mai - Ngô Minh - Phạm Tấn Hầu - Nguyễn Quang Vinh - Hoàng Thị Duyên(*)