TRẦN HỮU LỤC (Tùy bút)
Tháng Chạp ở quê tôi là tháng của hoa mai. Dường như màu của hoàng mai tươi thắm khắp mọi nẻo đường. Những chậu mai kiểng, vườn mai chùa, vườn mai nhà, đường phố mai, công viên mai, những thung lũng mai núi… đến thì lại nở đẹp một màu vàng mỏng nhẹ trong sương sớm.
Ảnh: internet
Những năm xa quê, tôi vẫn thương hoài màu hoàng mai. Thương nhớ loài hoa chỉ nở hoa khi thân cây không còn một ngọn lá xanh. Không thể so sánh với các loài hoa khác khi xuân về nhưng tôi chẳng thể quên được những đóa lan rừng đã được cõng xuống núi.
Ngày ấy, trên phố núi từ sáng tinh mơ của tháng chạp, cả đoàn người gùi hoa rừng, bầu bí, bòng bong, heo, gà… xuống núi để đổi lấy gạo, muối và các thứ khác. Lẫn trong các gùi lan rừng có một cành mai núi khẳng khiu còn ngậm những hạt sương mỏng manh. Ông già K’ho gùi một cành mai đơn chiếc bên những giò phong lan rừng, bập bập trên môi một cái vố bằng gốc tre già, cười rất lành và bán cành mai cho tôi. Lần đầu tiên, tôi cầm trên tay một cành mai rừng. Thân mai săn chắc, da cây có rêu xanh, sót lại vài chiếc lá nhỏ, hoa vàng mơ mỏng nhẹ… đẹp đến nao lòng. Dù cành mai núi trông có vẻ khắc khổ, gầy chắc nhưng cũng đủ mang lại cho tôi những ngày xuân xa xứ một hoài niệm khó phai.
Những năm còn chiến tranh, tôi đã có lần nhìn thấy ở núi rừng phía Tây thành Huế những cánh rừng mai, những vạc mai rừng ở hai bên bờ khe suối, những cây mai già đơn độc trên sườn đồi. Đến mùa xuân thì những mai đồi, mai núi lặng lẽ ra hoa trên những thân cành gầy chắc, khắc khổ. Sau này, tôi biết thêm những người sành chơi hoa mai tại quê tôi ngày càng thích loài mai rừng. Có thể, thân cây gầy chắc, thô cứng, xù xì, lớn rất chậm, cành khẳng khiu nở rộ vàng mai, hoa mỏng nhẹ phơn phớt màu vàng, dịu dàng và thật gợi cảm? Có thể họ đã ưa chuộng mai rừng ở tính quật cường? Những năm làm quan tại cố đô Huế, sinh bất phùng thời, Cao Chu Thần (thi hào Cao Bá Quát) đặc biệt thích hoa mai và đã gửi gắm chí hướng của mình: “Thập tải luận giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (Mười năm giao du cố tìm một thanh gươm quý. Suốt một đời chỉ biết cúi đầu lạy trước hoa mai).
Vào dịp xuân, tôi về quê ăn Tết. Bất ngờ quá, trước mắt tôi là một vườn mai được gầy dựng bên bờ sông Hương. Cạnh Phu Văn Lâu là một vườn mai lớn đẹp, rực rỡ sắc vàng mơ. Những cây mai núi chen vai cùng với mai vườn chùa, mai vườn nhà, mai chậu kiểng… Những cây mai gầy chắc, khắc khổ đứng bên những cây mai đất đồng phù sa vạm vỡ tỏa hương hoa, thơm nhẹ, lẩn khuất, dịu dàng… Một vườn mai chắt chiu của cả một đời người. Năm mới có hàng ngàn cây mai ở khắp mọi miền xứ Huế góp về. Và dĩ nhiên không thể thiếu vắng những cành mai rừng. Tôi đã gặp lại cảnh cõng mai rừng xuống núi, nhưng tôi chợt nhận ra, không phải là cõng mai “xuống núi” mà là cõng mai “về phố”. Những cành, những thân mai núi khẳng khiu, gầy chắc không còn hiếm hoi giữa bãi đất trống trước cổng trường Quốc Học, nơi vườn mai lớn cạnh Phu Văn Lâu. Và trong “không gian” hoa mai Huế, tôi nhìn thấy có nhiều người đang cõng mai về phố. Họ gùi mai trên lưng, trên xe đạp, chở mai trên xích lô, xe máy… hoặc đang cầm những cành mai rừng trên tay chào mời người săn tìm hoa mai ngày tết dọc các đường Lê Lợi, đường lên Nam Giao, về Đập Đá, qua Gia Hội… và tại vườn mai tết Phu Văn Lâu cứ một năm họp chợ một lần. Có đủ các loại mai được trồng tại các vườn đồi của các ngôi chùa lớn, những vườn mai của các phủ đệ, vườn tư nhân, làng cổ nổi tiếng, những cành mai rừng hoang dã tận các miền A Sầu, A Lưới, rừng Kim Phụng, Bạch Mã… dọc dài trên Trường Sơn.
Được nhìn tận mắt cảnh cõng mai xuống núi, rồi cõng mai về phố, ký ức màu vàng hoa mai trong tôi lay động và bừng thức… Tôi chợt nhớ đến những câu thơ da diết về hoàng mai: “Cuối năm lần lữa trong ký ức/ Khất hẹn mai mốt sẽ về thăm/ Từ độ lưu dân miền đất lạ/ Xuân về chợt thức màu hoàng mai/… Thương lắm vườn mai ngoài xứ Huế/ Sắc vàng mơ suốt thời ấu thơ/ Xôn xao như cỏ đùa với gió/ Hoàng mai, tôi mong gió quay về”. Hoàng mai với tôi đã như một kỷ niệm đẹp lúc xuân về…
T.H.L
(SH276/2-12)
NGUYỄN VĂN DŨNGTôi không tin rằng một cô gái đẹp thì lúc nào cũng đẹp. Sông Hương cũng thế. Sông Hương là quà tặng ưu ái của Thượng đế dành cho kẻ phàm trần.
NGUYỄN HỮU THÔNGĐêm thêm như một dòng sữa.Lũ chúng em, âm thầm rủ nhau ra trước nhà.Đêm thơm, không phải từ hoa,Mà bởi lòng ta thiết tha tình yêu thái hòa.Đời vui như men sayNgọt lên cây trái..
NGUYỄN XUÂN TÙNGSống lạc quan yêu đời, luôn luôn làm chủ được những suy nghĩ, tình cảm và hành động để tự thắng mình trong mọi hoàn cảnh là một phẩm chất cao đẹp của Bác Hồ.
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGỞ Huế hình như không có mùa thu, mùa thu chỉ ghé lại thành phố giữa một mùa nào đó, mùa hè chói chang hay mùa đông rét mướt. Vì thế, bao giờ người ta cũng đón chào mùa thu bằng nỗi vui mừng đến với một người thân đi xa mới về để lại vội vã ra đi, bằng một cái mà nhạc sĩ tiền chiến Đặng Thế Phong gọi là “Con thuyền không bến”. Trên sông Hương, hình như thường có nỗi bơ vơ chờ sẵn những tâm hồn lãng tử quen xa nhà từ vạn cổ.
TRẦN THÙY MAI“Khuôn mặt em đâu phải chữ điền, Trúc không che ngang mà che nghiêng”
PHẠM NGUYÊN TƯỜNGCái tin anh Phương mất đột ngột đến với tôi lúc 11 giờ đêm, qua giọng rã rời nghẹn ngào của nhà thơ Lương Ngọc An báo Văn nghệ, lúc tôi đang “dùi mài kinh sử” ở khu ký túc xá trường Đại học Y Hà Nội để lấy cho xong cái bằng Thạc sỹ.
Hành trìnhĐã từ lâu tôi cứ muốn đi núi Tuý Vân để tìm hiểu xem sao nó được vua Thiệu Trị liệt vào hàng thứ 9 trong “Thần kinh nhị thập cảnh”.
Trước năm 1945, mỗi lần đi qua Ái Tử, tôi không khỏi lo sợ… Một sự lo sợ mơ hồ. Còn vì sao mà sợ thì cũng chẳng biết.
Ngay lần đầu tiên gặp ông đã đầy kỷ niệm. Đại đội tôi giao quân bên bờ một con suối đẹp cách sông Hương không bao xa. Anh Nguyễn Châu trưởng ban quân lực Thành đội nhận quân xong, ông đến bắt tay từng người.
Tôi vừa đến vùng Bắc Tây Nguyên được mấy hôm thì gặp địch càn quét. Hôm đó tôi định vào cơ quan xã Đaktô để làm việc không ngờ gặp địch dọc đường, tôi tạt vào rừng và nhắm hướng trở lại đơn vị, nhưng càng đi càng lạc sâu vào rừng thẳm.
Rời Bắc Hải chúng tôi bảo nhau từ giờ trở đi sẽ chỉ ở khách sạn chứ ở nhà người quen có cái vui nhưng cũng gây phiền toái cho bạn bởi chúng tôi đi chơi bất tử chẳng có giờ giấc nhất định nào.
Có một lão ngư kiêm lão nông suốt mấy chục năm trời vắt mồ hôi thành muối, tưới mồ hôi thành sông hồ mà mảnh vườn nhà vẫn cằn khô, chiếc thuyền nhà vẫn không tanh mùi cá biển. Quang cảnh vườn nhà cứ một mùa xanh lại ba mùa rụng lá, khô cành. Vợ chồng con cái chỉ thấy mắt chẳng thấy mồm. Xung quanh hàng xóm cũng chung hoàn cảnh.
Đấy là vào khoảng cuối chiến dịch Điện Biên Phủ – 1954. Đơn vị chúng tôi (đại đội 410 – đội 40 – TNXP Trung ương) được điều đi nhận nhiệm vụ mới.
1. Cô bạn cùng cơ quan nghe nói tôi “có tay nuôi người”, lại quen biết giao du rộng rãi nên có ý nhờ tìm một người giúp việc nhà cho vợ chồng cô em gái.