BÙI KIM CHI
“Tháng 7 nước nhảy lên bờ”. Mà lên bờ thiệt. Mưa. Mưa. Mưa… kéo dài lê thê. Lúc đầu nhỏ sau lớn dần. Nặng hạt. Xối xả. Cây cối trong vườn ngả nghiêng theo mưa và gió. Cây Lựu trước sân nhà tôi tơi tả. Trời tối dần. Mưa càng lúc càng to. Ào ào như thác đổ. Mưa suốt đêm. Sấm đất cuốn vào mưa. Ầm ầm. Ào ào. Âm thanh rộn rã…
Nhọc nhằn ngày lũ. Ảnh: Duy Phong
Có lẽ lụt - tôi nhủ thầm. Màn đêm bao trùm vạn vật trong mưa. Sáng mai mà lụt thì được nghỉ học, được lội lụt. Lụt?... Lụt?... Giấc ngủ đến với tôi thật nhanh bởi tiếng sấm đất, tiếng mưa đêm dồn dập to, nhỏ đều đều không dứt - mưa lụt.
Thức giấc thì trời đã sáng. Tiếng sấm đất vẫn ì ầm kéo dài như tiếng súng. Tôi vội vàng mở cửa sổ nhìn ra sân tìm lụt. Lụt thật rồi! Nước lấp xấp trong sân nhà tôi. Khấp khởi mừng thầm trong bụng, tôi khẽ đóng cửa sổ tránh mưa. Trời sáng dần. Trong nhà mọi người xôn xao: “Lụt rồi! Lụt rồi”. “Nhà mình cao mà có nước như ri là mọi nơi đều có nước lụt rồi”. Em tôi vỗ tay la lên. Mạ tôi mắng yêu: “Cha mi”. Tôi cũng mừng lắm nhưng không la lên như em. Buổi sáng. Đội mưa đi học. Mưa vẫn rất lớn. Hai bên đường trong Thành Nội nước ao chảy mạnh… Ngang qua cầu Trường Tiền, gió và mưa chực sẵn đổ nhào vào người tôi. “Thân gái dặm trường”, “Liễu yếu đào tơ”- cải lương dễ sợ. Lạnh, mưa, gió làm cho người tôi và xe chao đảo, nghiêng ngả theo gió. Tôi phải cố sức ghì chặt guidon xe. Nước sông Hương lên. Bình thường trong xanh bây giờ đục lờ. Cuồn cuộn. Hối hả. Đuổi nhau. Đò tấp vào bờ. Cư dân đò xôn xao lên đường…
Ngôi trường màu hồng thấp thoáng trong mưa. Hàng phượng già trong sân đìu hiu, xác xơ. Sân trường nhốn nháo tiếng học trò lẫn vào tiếng mưa ào ạt. Xanh, trắng, vàng, tím di chuyển. “Có học không?”. “Chắc được nghỉ học”. “Lụt sắp tới nơi”… Tiếng chuông điện báo hiện giờ vào lớp. Sân trường vắng tiếng học trò nhường chỗ cho tiếng mưa và gió ào ào xối xả qua máng xối ở một góc tường hồng. Con đường đất trước hành lang lớp học ngập nước - nước ứ. Nhìn vẫn cứ thích mắt. Mọi cặp mắt đều hướng về cửa lớp chờ đợi. Theo lệnh của nhà trường, chúng tôi được nghỉ học vì nước sông Hương tràn bờ ở Đập Đá. Cả lớp ồ lên. Gương mặt rạng rỡ. Sắp được “lội lụt”. Về đường nớ, đi tê mới có nước lụt. Các bạn xôn xao lên kế hoạch. Tháng 7 âm lịch nước sông Hương hay nhảy lên bờ nên các bạn thường đi bộ đến trường để thuận tiện cho việc “đi lội lụt”. Không hiểu sao tôi lại đi xe đạp. Khờ quá. Một mình đạp xe về nhà. Bên lề đường Lê Lợi, các anh Quốc Học đang “chần chờ” dưới mưa để “đợi” các nàng Đồng Khánh. Nước sông Hương chỉ mới tràn lên mé công viên chưa ra đường nên nhóm bạn ở khu vực gần trường phải theo các bạn ở Chợ Cống, Đập Đá để lội lụt. Các bạn vẫy gọi tôi. Nước Đập Đá tràn bờ từ sáng sớm nhưng chưa đến nỗi nào, xe và người có thể qua lại và học trò thì vẫn có thể “lội lụt” thoải mái nhưng phải thăm chừng nước lên “đột ngột” - kinh nghiệm lội lụt của các bạn nhà ở Đập Đá và chợ Cống. Hai nơi có lụt sớm nhất.
Nhà ở Thành Nội nên tôi đi lội lụt cùng nhóm bạn ở trong thành. Mưa vẫn nặng hạt nhưng gió thì có nhẹ hơn, đang cùng mưa lượn khắp nơi nhìn người lội lụt. Chúng tôi, năm đứa hẹn nhau ở trường Tiểu học Trần Quốc Toản. Trường ngập nước. Không còn học trò. Mưa bỗng ào ào rất to. Ngang qua Tam Tòa, một chiếc xe hơi ào tới làm nước vỡ òa trước mặt chúng tôi. Nước trên đường nhấp nhô. Nghiêng qua. Đảo lại. Nước tung đầy mặt. Cả bầy con gái tắm trong nước. May mà có áo mưa che. Năm đứa quây tròn ôm nhau, Tương Ngẫu, Ngọc Khánh, Bích Hà, Ngọc Thạch và tôi. “Bất lịch sự” - Bích Hà nhìn xe phàn nàn. Tôi vuốt vội nước trên mặt rồi hồn nhiên: “Lội lụt mà lịch sự gì. Mặc ai nấy đi. Xe đi. Người lội. Nước vung vẩy. Ấy đừng nhiều chuyện”. Bích Hà nguýt yêu tôi: “Cái con ni”. Thạch, Ngẫu, Khánh nhìn tôi và Bích Hà, cười. Đoạn đường này tương đối cao nên khoảng ở giữa đường nước chỉ qua mắt cá chân một chút. Mặt đường trải nhựa nên nước tương đối trong, thấy rõ đôi chân thon nhỏ, xinh xinh của năm đứa con gái lấp lánh trong nước. Guốc mộc, quai guốc trong hất nước tung tóe. Chúng tôi lội dần đến đường Âm Hồn gần trường Trung học Bồ Đề. Đoạn đường này nước sâu đến đầu gối do thấp vả lại nước ở các hồ tràn lên đường chảy khắp nơi. Trên đường, con trai, con gái nhởn nhơ lội lụt. Xôn xao. Rộn ràng. Ơi ới gọi nhau. Mưa hát. Mưa reo. Nhạc nước rì rào lẫn vào âm thanh bì bõm đều đều của những bước chân học trò trong nước đưa lên bỏ xuống, đẩy tới hất lui. Chuyên nghiệp “lội lụt”. Con đường này gần trường Trung học Bồ Đề, Hàm Nghi, Nữ Thành Nội nên học trò lội lụt đông vui. Lội lụt để tìm nhau, để nhìn nhau. Đứa đẹp. Đứa dễ thương. Cứ lội qua, lội lại, lội tới, lội lui… nhìn nhau. Con trai “ngắm” con gái. Con gái “nhìn” con trai. Khen đẹp, chê xấu, được được, dễ thương đủ hết. Lội trước mặt để nhìn, lội sau lưng để hóng chuyện của con gái. Con trai đi lội lụt chỉ có thế. Con gái lội lụt nửa ham vui, nửa ưng làm điệu lội lụt tà tà với gương mặt “tỉnh tỉnh” nhạt nhòa trong mưa cho các anh say sưa ngắm. Thấy các anh mà “tội”. Thấy các em mà “thương”. Nước trên đường vẫn tuôn. Nhấp nhô thành từng làn sóng nhỏ qua bước chân của người lội lụt. Mưa tạnh. Mọi người trên đường thấy rõ mặt nhau hơn. Chân lội. Mắt nhìn. Con trai rạng rỡ. Con gái làm duyên. Tất cả đều hiền lành, dễ thương. Làm nền cho con đường Âm Hồn lúc này là cảnh “Học trò lội lụt”. Vui ơi là vui!
Trời sáng dần rồi bỗng thay chiếc áo màu lam. Cả một màu lam huyền bao trùm không gian. Mưa lắc rắc, gió lành lạnh. Nước vẫn giữ nguyên không rút cũng không dâng lên tiếp. Trời đẹp chi lạ…
Buổi chiều. Trời vẫn mưa nhưng không buồn. Tôi mặc chiếc áo mưa tím, che dù tím - rất điệu. Tôi hẹn các bạn lội lụt cuối đường Tôn Nhơn qua Ngô Đức Kế. Chung quanh tôi mọi người đều “điệu”. Lội lụt chỉ có con gái, con trai, còn người lớn tham gia trên đường chỉ do công việc cần đi. Đường Ngô Đức Kế là con đường thường xuyên đón lụt hàng năm. Nước các hồ trong Thành Nội tràn, nước sông Hương tràn bờ vào cửa Đông Ba nên đường Ngô Đức Kế có nước để thiên hạ lội lụt.
Ngoài đường, trong nhà rộn ràng, tấp nập. Gương mặt mọi người bình thản, không lo lắng. Chỉ hơi băn khoăn một chút vì ngày mai nước rút phải làm vệ sinh nhà cửa vất vả - nhưng không sao. Mưa nhỏ hạt nhưng cũng đủ sức cuốn vào nhau thành những cánh hoa nước nhảy múa trên đường. Nước nhấp nhô, rẽ thành đường dài chao đảo khi có xe đạp lướt qua. Nhìn cũng hay hay. Trước mặt, sau lưng chúng tôi, xanh, đỏ, tím, vàng đủ màu sắc lấp lánh dưới mưa. Chúng tôi tranh nhau đi sát vào nhau để tránh mưa dưới những chiếc dù con gái xinh xinh. Cả bầy đều đẹp. Thu hút mọi người trên đường lội lụt. Chúng tôi bì bõm lội lụt dưới mưa. Lội dần đến đường Mai Thúc Loan ra cửa Đông Ba đến đường Huỳnh Thúc Kháng (Hàng Bè). Đò lên bờ nằm trên đường. Người đi đường và đò san sát nhau. Cư dân đò nhốn nháo. Đò ni, đò nớ gọi nhau. Người lội lụt thản nhiên nghịch nước, trêu mưa bởi những chiếc dù màu đưa lên, đưa xuống, lượn qua, lượn lại trên đường như bươm bướm. Gương mặt mọi người sáng lên vì trời bắt đầu tạnh mưa. Nước sông không lên không xuống. Chỉ dừng ở mức ngang đầu gối chân của người lội lụt. Bên đường, nhà nào cũng mở cửa đứng nhìn thiên hạ lội lụt đồng thời thăm dò con nước. Chúng tôi gặp các chị, các bạn cùng trường, cùng lớp trên đường lội lụt. Con đường Hàng Bè bỗng xôn xao bước chân con gái lội lụt. Đều đặn. Nhịp nhàng. Lội lụt cũng điệu. Chỉ có đi lội lụt, con trai Huế mới có dịp ngắm con gái cận mặt. Ngày bình thường đi học có bao giờ con trai, con gái được nhìn nhau như ri. Vì thế mà lội lụt ở Huế là một “cái thú” rất riêng, rất vui và rất dễ thương của người Huế thuở mới lớn.
Ngày ấy, cách đây nửa thế kỷ lụt Huế chỉ là cơ hội một năm có một, hai lần nước sông Hương tràn bờ nhè nhẹ để có một ít nước cho trẻ thơ nghịch nước, cho tuổi trẻ mượn nước trên đường để tìm nhau, âm thầm trao đổi những niềm vui “không tên” thoảng qua. Người lớn thì được lao động nhẹ, vệ sinh nhà cửa sau một, hai ngày (thường là một ngày) Bà Lụt viếng nhà. Còn người già nhìn con trẻ lội lụt mà vui khi nhớ về tuổi trẻ tung tăng lội nước trên đường làng. Thuở ấy, lụt Huế bao giờ cũng là những “cái lụt” thoáng qua. Thoắt đến. Thoắt đi để cho con nít, con gái, con trai phải tiếc “ngẩn ngơ” mỗi lần nước rút. Bây giờ lụt Huế không phải là những “cái lụt” nhẹ nhàng, dễ thương, thu hút mọi người ra đường lội lụt nữa mà là những “trận lụt”. Những “trận lụt” màn trời, chiếu đất. Mọi người sống trong lo toan, sợ hãi, sợ đói, sợ chết. Trẻ thơ mắt ngơ ngác. Mắt con trai, con gái buồn bã, hoài nghi. Người già mắt buồn lo sợ. Mưa khóc. Tất cả mọi người chuẩn bị và vội vàng “Chống lụt”.
Huế ơi! Thật buồn khi Huế mất đi những cảnh lội lụt lao xao, rộn rã trên các ngả đường của Huế. “Lội lụt để tìm nhau, để nhìn nhau, để cho mắt long lanh, cho tâm hồn bay bổng”. Đó là niềm vui của con trai, con gái của Huế một thời.
B.K.C
(SDB10/09-13)
Sau ba năm đi giang hồ Trung Quốc. Nguyễn Du trở về, ở tại Thăng Long từ cuối năm 1790 cho đến năm 1794. Đó là ba năm «Chữ tình chốc đã ba năm vẹn», lưu lại trong Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương.
Báo Tin Tức Chúa Nhựt, 3.11.1940 mở đầu bằng mấy hàng như sau: “Hai mươi chín tháng Chín Annam (20 Octobre 1940). Thêm một ngày đáng ghi nhớ. Một người đã mất: cụ Sào Nam Phan Bội Châu”
Với giọng văn sinh động, pha chút hài hước, hình minh họa ngộ nghĩnh, phù hợp với lứa tuổi học trò: “Chuyện kể về thầy trò thời xưa”, “Những tấm lòng cao cả” hay bộ văn học teen “Cười lên đi cô ơi”… sẽ đem đến cho độc giả nhiều cung bậc cảm xúc và hoài niệm.
Trong tất cả các Ni sư Phật giáo mà tôi được biết và chịu ơn hoằng pháp vô ngôn, có lẽ người gần gũi với tôi nhất trong đời là Cố Đại Trưởng lão Ni chúng – Sư Bà Cát Tường - nguyên trụ trì chùa sư nữ Hoàng Mai ở Thủy Xuân – Huế.
LTS: Nhà thơ, nhà văn Thanh Tịnh năm 78 tuổi sức khỏe không còn như buổi thanh niên, nhưng ngòi bút của ông vẫn còn cái sung sức của một người đã từng yêu du lịch và làm nghề hướng dẫn khách du lịch toàn Đông Dương. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc những trang hồi ký đầy lý thú của Thanh Tịnh.
NGUYỄN XUÂN HOA
Tôi không có dịp được học với thầy Phạm Kiêm Âu, người thầy nổi tiếng ở Huế, nhưng lại có cơ duyên cùng dạy ở trường nữ trung học Đồng Khánh với thầy trong các năm 1974 - 1975.
Vậy là nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đã về cõi thiên thu giữa một sáng mùa thu Hà Nội lay phay gió mù u!...Trước khi chưa kịp được vuốt mắt, dường như đôi đồng tử của ông vẫn còn lưu giữ lại hình ảnh đau đáu về con sông Cụt quê nhà.
Với một tướng lãnh võ biền, thì mục tiêu cuộc dẹp loạn là đánh tan loạn quân, rồi ca khúc khải hoàn, ăn mừng chiến thắng.
PHÙNG TẤN ĐÔNG
“Đời của nó như thể bềnh bồng
Cái chết của nó như thể an nghỉ”
F.Jullien
(Dẫn nhập cuốn “Nuôi dưỡng đời mình - tách rời hạnh phúc” - Bửu Ý dịch, 2005)
THANH TÙNG
Hiệp định Genève ký kết, sông Bến Hải tưởng chỉ là giới tuyến tạm thời, không ngờ đã trở thành ranh giới chia cắt đất nước Việt Nam hơn 20 năm. Nỗi đau chia cắt và biết bao câu chuyện thương tâm, cảm động đã diễn ra ở đôi bờ Hiền Lương kể từ ngày ấy. Nhiều cuộc tình đẫm máu và nước mắt. Có những đôi vợ chồng chỉ ở với nhau đúng một đêm. Có người chồng Bắc vợ Nam, khi vợ được ra Bắc thì chồng lại đã vào Nam chiến đấu, đời vợ chồng như chuyện vợ chồng Ngâu.
“Thưởng thức là ngưỡng cửa của phê bình. Chưa bước qua ngưỡng cửa ấy mà nhảy vào cầm bút phê bình thì nhất định mắc phải những sai lầm tai hại. Không còn gì ngượng bằng đọc một bài người ta đem dẫn toàn những câu thơ dở và những câu ca dao dở mà lại đi khen là hay”. (Vũ Ngọc Phan, trích từ Hồi ký văn nghệ, tạp chí Văn Học, Hà Nội, số 4 năm 1983, trang 168).
VƯƠNG TRÍ NHÀN
I
Hè phố Hà Nội vốn khá hẹp, chỉ có điều may là ở cái thành phố đang còn lấy xe đạp làm phương tiện giao thông chủ yếu này, người đi bộ có phần ít, phía các phố không phải phố buôn bán, vỉa hè thường vắng, bởi vậy, nếu không quá bận, đi bộ lại là cái thú, người ta có thể vừa đi vừa nghỉ, thoải mái.
Gặp người thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm xưa, tôi có dịp biết thêm những tình tiết mới quanh câu chuyện hơn 30 năm về trước khi tiểu thuyết “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng được tái bản lần đầu.
THẾ TƯỜNG
Ký
"Quê hương là chùm khế ngọt
cho con trèo hái cả ngày"
Một nhà báo Pháp sắp đến Việt Nam để tìm lại một di sản chiến tranh, nhưng ở một khía cạnh nhân văn của nó - đó là những con người, địa điểm từng xuất hiện trong các bức ảnh mà nữ phóng viên chiến trường nổi tiếng Catherine Leroy ghi lại trong cuộc tấn công Mậu Thân vào thành phố Huế.
Thanh Minh là bút danh chính của Nguyễn Hưu(1), người làng Yên Tập, tổng Phù Lưu, huyện Can Lộc, nay là xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
LTS: Nhà văn Lan Khai tên thật là Nguyễn Đình Khải, sinh năm Bính Ngọ 1906 ở Tuyên Quang, song lại có gốc gác dòng họ Nguyễn ở Huế. Ông nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam từ những năm 1930 - 1945, được mệnh danh là “nhà văn đường rừng”, để lại hàng trăm tác phẩm văn học, trong đó có gần 50 cuốn tiểu thuyết.
Thực tế lịch sử gần 70 năm qua đã khẳng định rằng Cách mạng Tháng 8 năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là kết quả của hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ và là kết quả tất yếu từ công lao to lớn của Bác chuẩn bị cho việc tiến hành cuộc cách mạng giải phóng kể từ ngày Bác về nước.
Tháng Bảy âm. Tháng cô hồn. Mồng một âm đã rả rích mưa báo hiệu cho một tháng âm u của Tiết Ngâu. Sắp rằm, tâm trí chợt như hửng ấm khi tiếp được cái giấy Hà Nội mời dự lễ khánh thành nhà bia và Khu tưởng niệm đồng bào ta bị chết đói năm 1945. Chợt nhớ, công việc này đã manh nha từ hơn mười năm trước…
LTS: Nguyễn Hưu, bút danh Thanh Minh, sinh năm 1914, quê huyện Can Lộc, hoạt động báo chí và văn học từ những năm 1934 - 1935. Ông là nhà báo, nhà thơ, dịch giả Hán - Nôm, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà quản lý văn hóa văn nghệ có nhiều thành tựu và cống hiến. Ông là Hội trưởng Hội văn nghệ Hà Tĩnh đầu tiên. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông [21.8], VHNA sẽ lần lượt đăng một số bài viết về ông.