THỤY KHỞI
Lần hồi qua những trang thơ Lê Vĩnh Thái mới thấy chất liệu thơ từ Ký ức xanh (2004), Ngày không nhớ (2010) cho đến nay Trôi cùng đám cỏ rẽ(*) (2012) hẳn là sự hối hả của dòng chảy ký ức miệt mài băng qua những ghềnh thác thời gian, mà ở độ tuổi của anh có thể bị ăn mòn.
Nỗi thống thiết đầy bất lực trước thời gian vô tình đẩy anh vào khoảng trống - trắng của cuộc đời, và... thơ đã lấp đầy như một thứ dưỡng chất đầy hoạt tính cho những trang hoài niệm.
Ví như người thơ đã thảng thốt trước âm vọng xa xăm của tuổi thơ, bên những cánh chim mà nhớ rằng: “bầy chim bồ chao cuối biền nhao nhác nhặt tuổi thơ qua”. Tuổi thơ của bồ chao hồn nhiên “nhao nhác”, lại gắn với hình ảnh của một chòi xóm bên sông “cuối biền” rất đặc trưng tên gọi của Huế. Một tuổi thơ được “nhặt”, có lẽ tuổi thơ ấy vô tình bị bỏ quên trong ký ức đến nỗi tác giả phải “nhao nhác” tranh cái phần thời gian mỏng mảnh, rất đỗi trong veo ấy của đời người.
Và chính tác giả cũng nói lên cái sự lâm li ấy của tuổi thơ: “ngày mười lăm mẹ cầm roi phất vào tuổi nghịch”. Để đến một thời khắc của cuộc đời, người thơ lại thốt lên cái nỗi nhớ bất lực trước thời gian:
nhớ vung từng mảng ngày tôi xa mình
trong cơn xoáy của tuổi ba lăm
(Xuân)
Tưởng như thời gian ở đây được phân tách thành “từng mảnh ngày”, mỗi mảng là một cái tôi (ở từng thời khắc tuổi) bởi nhà thơ đã thấy cái sự hữu lí của tuổi hiện hữu như Heraclis nói: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Người thơ lúc trước chẳng phải là lúc này, đặc biệt là khi đứng trước “cơn xoáy của tuổi ba lăm” đầy ám ảnh.
Nối tiếp ý thơ trên, nếu không biết tựa đề bài này là Xuân, hẳn chúng ta đã quên đi cái thi vị mà thi sĩ đã phát lộ bằng cảm giác:
từ hôm đó tuổi mèo chậm lại
trên cành mai già khụm lộc liêu xiêu
Ở đây, thời gian tâm lí đã thống trị, kìm hãm sự bất kham của con ngựa thời gian “tuổi mèo chậm lại”. Chúng ta đồng cảm với nhà thơ ở giây phút hiện tiền của tuổi “sắp chạm giáp 4”, và khắc khoải trước ảnh xuân “trên cành mai già khụm lộc liêu xiêu”. Có vẻ như người thơ đang tự dỗi mình, oán mình trước tuổi lấy mai già để ví von, để nhận “khụm lộc xuân liêu xiêu” bên thềm “tam thập nhi lập” hãy còn chưa viên mãn.
Hai năm sau, người thơ lại đi vào hành trình của một con lộ mới. Ở đó, ta thấy bước chân thời gian đồng hành:
trên đường ba bảy tuổi tôi
qua nhiều ngõ phố đường ba bảy chiều
(Qua đường ba bảy)
Trên đường ba bảy, qua nhiều ngõ phố, qua nhiều giai đoạn cuộc đời và dù ở bên này dốc nhưng người thơ đã thấy mình đi trên con đường luống tuổi “đường ba bảy chiều” mang đầy tâm trạng. Đứng trước tuổi, nỗi buồn đeo bám và chính tác giả cũng nhận thức được để lựa chọn một sự thật rất lãng du:
đêm nay
tôi đi qua tuổi mình cùng đám cỏ trôi rẽ nhánh trên sông
Không những bàng hoàng, nuối tiếc trước thời gian chạy đua cùng tuổi mình, người thơ còn bị ám ảnh bởi những biểu tượng đè nén của thời gian. Đó là phút giây thập tử của người cha thân yêu:
con nghe chiếc đồng hồ
trong lồng ngực Ba tích tắc... tích tắc
(Cho con về lại một ngày)
Đồng hồ, vật đo thời gian thông dụng nhất, đo cả sự sống, đo cả những dự cảm nhói lòng:
chiếc đồng hồ rụng kim
vòng quay chưa định
người đi tới
người lùi sau
dấu chấm lửng
trắng...
(một ngày vừa qua)
“Dấu chấm lửng” ngẩn ngơ tiếc nuối, trắng không gian, trắng trí tưởng, trắng cả sự hiện hữu của “vòng quay chưa định”. Một kết thúc - nỗi buồn thương đau đớn vô hạn của người thơ - người con trước cảnh tang:
đoàn người ẩm bế Ba qua đoạn đường dài hơn hơi thở
biền biệt cõi người
(Ngơ ngác chiều tháng chín tàn thu)
Câu thơ “đoạn đường dài hơn hơi thở” mang triết lý, rằng sự sống ấy dài lâu qua mỗi hơi thở, hơi thở tiếp theo có thể không đến sau khi hơi thở này kết thúc. Khi ấy con người đã đi vào cõi chết, một sự thật phải thừa nhận. Bởi nhà thơ đã ý thức được cuộc sống thực sự là không chắc chắn trong từng khoảnh khắc.
Không dừng ở đó, trong một bài thơ khác, “hoảng loạn tìm đàn”, tác giả tiếp tục cho chúng ta lời giải tạm về một định nghĩa, lí ra là thê lương đau khổ:
lần bẩn cuối cùng
lần sạch tận giấc ngủ chết
bầy chuột trở về cõi sạch từ kiếp chưa khai
ngày hóa thân làm chứng
cho sự tuyệt vọng một lời điên đang bần bật
(Hoảng loạn tìm đàn)
Cái chết được ví như “lần bẩn cuối cùng/ lần sạch tận giấc ngủ chết” để bước ra - tái sinh “cõi sạch từ kiếp chưa khai”. Phải chăng người thơ đã hoảng loạn, hoảng loạn trước thời gian, kẻ thù vô hình, luôn hiện diện mọi lúc mọi nơi, nhắc nhở ta bằng nhịp tích tắc... tích tắc như một thắc thỏm định mệnh. Sự hiện diện của luân hồi mà người thơ xác tín qua những từ cõi - kiếp - hóa thân đã cho thấy người thơ tin tưởng vũ trụ này, sự sống này, nhân thế này, văn minh này… chẳng có gì được sinh ra mà không bị suy vong. Có thịnh tất suy, sinh - tru - dị - diệt là chân lí bất biến. Và tất cả lại được tái sinh theo vòng quay vi diệu của pháp luân thường chuyển.
Thời gian có thể giúp con người hoàn thành được những hoài bão và chôn vùi hoài bão. Vì thế, thời gian là người bạn đồng hành và cũng là kẻ thù của con người. Người ta mong muốn vượt qua nó, cố quên nó trong khi chính nó đang mỗi ngày gặm nhấm sự tươi trẻ, minh mẫn của thân xác và trí tuệ.
Để biểu đạt thời gian, trong một bài thơ khác, ở một biên độ mà Lê Vĩnh Thái đã vượt thoát chính mình, vượt thoát cả tập thơ để nhường chỗ cho một sự định vị mới:
sông đã chảy từ một chiều hun hút
người chờ nhau hun hút chiều sông
trong một ngày đắng cay hun hút
mưa vỡ qua đời thấp thỏm đứng khóc sông
(Về một con sông)
Thời gian được người thơ tri cảm ở một trạng thái sâu, mơ hồ “chiều hun hút”. Và nó đánh đồng cùng trạng thái của sông “hun hút”, của xúc cảm “đắng cay hun hút”. Thủ pháp lặp từ được vận dụng triệt để mà linh hoạt, biến chuyển phù hợp với từng dụng thể. Câu kết đi về trạng huống cuối cùng của thời gian “mưa vỡ qua đời” để rồi “thấp thỏm đứng khóc sông”. Một hình ảnh thơ đẹp, ươm mộng ngay trên chính những giọt mưa bong vỡ cuộc người mà than khóc trên dòng sông “không ai tắm hai lần”. Có thể nói, đây là khổ thơ hay nhất trong bài thơ (hay cả tập thơ) mà người thơ hoài thai dựng nên trong dung môi vô tận của thời gian.
Sông trở thành người bạn, thành đối tượng ví von để khỏa lấp đi nỗi khắc khoải trước những thời khắc xoay vòng:
sông trôi phẳng như tờ giấy vụt rơi trên nụ hôn buổi chiều
(Sầu khúc)
Hình ảnh sông được ví “như tờ giấy vụt rơi trên nụ hôn buổi chiều”, vẫn chiều, vẫn rơi dù là sông nhưng đã được cán phẳng cái ranh giới bộn bề e sợ trước thời gian.
Cũng ở bên sông, thời gian ghé đến như một chu kì thường niên:
con bói cá giấu mùa trong cánh mỏng
bìm bịp ập à
nước dâng
(Ngôi nhà đầy tiếng còi tàu bên sông)
Ở một thi cảnh khác, thời gian đồng hành cùng nỗi đơn độc được giãi bày và người thơ chìm trong viễn mộng:
đã mấy mùa ta ôm chiều rớt bóng
như thằng điên
ăn vụng thoáng em qua
(Chợt nhớ)
Mùa - chiều - thoáng đã làm gầy trí tưởng của kẻ “ôm chiều rớt bóng” mà điên rằng chỉ còn là nỗi ngây ngô chân thật “ăn vụng thoáng em qua”. Đồng cảm với tâm trạng đó của người thơ, hẳn chúng ta trong đời ít nhất một lần điên trong khoảnh khắc phóng tình ấy.
Cuộc chạy đua với thời gian, con người chỉ là vận động viên nghiệp dư, một kẻ tôi đòi không hơn không kém. Thời gian có đủ quyền năng để tạo nên tất cả và làm biến mất tất cả. Hiểu như thế mới biết chúng ta - con người chẳng là gì cả trong dòng chảy vô tận của thời gian. Lê Vĩnh Thái trong những thời khắc của cuộc đời “qua đường ba bảy” đã khóc cười trong sáng:
trên giao cảm những con mắt trong veo thẳm sâu khóc cười thành vết
Dừng lại đây thôi, này hỡi những đoạn đường, “mắt trong veo” đó trên những mối giao cảm với thời gian chỉ để lại những vết sẹo buồn vui lồi lõm “thẳm sâu khóc cười thành vết”. Lê Vĩnh Thái đi trên bước chân bị thời gian ăn mòn, qua những tuổi tàn phai ký ức và thơ trồi lên như một lời thị chứng. Đứng trước cuộc đời, dùng thơ đúc ký ức, hoài niệm cũng là một cách, nhưng quan trọng vẫn là đúc như thế nào. Những câu thơ, khổ thơ được chắt lọc ra từ “Trôi cùng đám cỏ rẽ” phần nào cho thấy được những lung linh trong tập thơ thứ ba này của Lê Vĩnh Thái. Người viết chỉ tiếc một điều là giá như những câu thơ ấy nằm trong một thi cảnh khác, hội thêm các yếu tố nội cảm sâu dày, lập ngôn, lập ý và lựa chọn một thi pháp đủ đầy để đẩy thuyền thơ chở đi xa hơn có thể.
Ít nhiều trong các bài thơ của mình, nhà thơ bị mê mị đi bởi những luồng chảy của cảm xúc, bị cảm xúc lấn át và làm mờ trí tưởng, khiến cho sự phân chất chưa thật rạch ròi.
Sự khắc khoải triền miên của một con người bên trường thời gian hun hút là nỗi ám ảnh lớn nhất của Lê Vĩnh Thái trong tập thơ này. Đó là những xao động về sự lướt qua vô ý của thời gian kéo theo sự trở về của những mảnh hồi ức nối ghép, đồng vọng cùng thanh âm của những thời khắc hoang hoải kiếp người.
T.K
(SH290/04-13)
---------------------
(*) Trôi cùng đám cỏ rẽ - tập thơ - Lê Vĩnh Thái, Nxb. Văn học, 2012.
NGUYỄN HỮU QUÝCuộc thi bình chọn 100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ XX do Trung tâm Văn hoá doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo Dục phối hợp tổ chức đã kết thúc. Một ấn phẩm mang tên “100 bài thơ hay nhất Việt thế kỷ XX” đã được ra đời. Nhiều người tìm đọc, trong đó có các nhà thơ và không ít người đã tỏ ra thất vọng, nghi ngờ.
PHƯỚC GIANGTrung tâm Văn hóa doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo dục vừa tuyển chọn và giới thiệu 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX.Việc này thực hiện trong hai năm, theo ông Lê Lựu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa doanh nhân thì kết quả thật mỹ mãn: hơn 10.000 phiếu bầu, kết quả cuối cùng “không ai bị bỏ sót” và “trong 100 bài đã được chọn chỉ chênh với các danh sách khác khoảng 5-7 bài”.
NHỤY NGUYÊN
Truyện ngắn của Nguyên Quân trong Vòng tay tượng trắng (Nxb. Văn Học, 2006) khá mộc mạc ở cả đề tài và lối viết, nhưng cũng nhờ cái mộc mạc đó đã hút được nguồn nguồn mạch sống.
QUÁCH GIAOMùa Xuân Đinh Hợi đến với tôi thật lặng lẽ. Cây Thiết Mộc Lan nơi đầu ngõ năm nay ra hoa muộn song lại tàn trước Tết. Hoa trong sân nhà chỉ lưa thưa vài nụ Bát Tiên. Hai chậu mai không buồn đâm hoa trổ nụ. Đành thưởng xuân bằng thơ văn của bằng hữu.
NHỤY NGUYÊN
(Đọc Ngày rất dài - Thơ Đoàn Mạnh Phương, Nxb Hội Nhà văn, 2007)
TRẦN THÙY MAI(Đọc Đức Phật, nàng Savitri và tôi, tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2007)
NGUYỄN KHẮC PHÊ(Nhân đọc “Nhà văn Việt Nam hiện đại” - Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản, 5-2007)Trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957-2007), Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) đã xuất bản công trình quan trọng “Nhà văn Việt Nam hiện đại” (NVVNHĐ), dày 1200 trang khổ lớn, tập hợp chân dung trên một ngàn nhà văn các thế hệ, từ các cụ Ngô Tất Tố, Phan Khôi… cho đến lớp nhà văn vừa được kết nạp cuối năm 2006 như Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Vĩnh Tiến, Phan Huyền Thư…
BÍCH THU(Đọc Tô Hoài - Đời văn và tác phẩm của Hà Minh Đức, Nxb Văn học, 2007)Tô Hoài - Đời văn và tác phẩm của Hà Minh Đức là cuốn sách tập hợp những ghi chép và nghiên cứu về nhà văn Tô Hoài, một tác gia lớn của văn học Việt Nam hiện đại. Đây là cuốn sách đầu tiên kết hợp hai phương diện ghi chép và nghiên cứu, góp một cách tiếp cận đa chiều và cập nhật về con người và sự nghiệp của nhà văn.
NGUYỄN QUANG HÀ(Đọc Từ đá vắt ra của Trần Sĩ Tuấn)Chiếc áo choàng mà tác giả nói ở đây là chiếc áo blouse trắng của người thầy thuốc. Tác giả là bác sĩ. Chắc anh đang làm thơ về nghề nghiệp của mình.Trong đời có bốn bậc thầy được nhân dân ngưỡng mộ: Thầy thuốc chữa bệnh, thầy giáo dạy học, thầy cúng, thầy phù thủy cùng dân tìm cõi tâm linh.
HẢI TRUNGKhoa tuyên bố với tôi: mình viết truyện ngắn đây, không phải để thành nhà gì cả, cốt để cho mấy đứa con làm gương mà học tập. Tôi ngờ ngợ, cứ nghĩ là anh nói vui vì chơi với đám bạn văn chương mà bốc đồng buột miệng. Ai ngờ anh viết thật, viết say sưa, viết để quên và để nhớ.
VĂN CẦM HẢIVề phía biển, là thường nhân di du với cõi minh mang nhưng Nguyễn Thanh Tú, biển là nơi anh được vời vợi nỗi cô đơn của một loài thân phận có tên là thơ!
MAI VĂN HOANHồn đầy hoa cúc dại là tập thơ thứ bảy của Lâm Thị Mỹ Dạ. Thơ Dạ đã có rất nhiều người bàn luận, bình phẩm. Mỗi người có một cách cảm nhận riêng. Bài viết của Ngô Minh mới đây giúp cho độc giả biết thêm những uẩn khúc, những góc khuất trong cuộc đời của Dạ.
DUNG THÙYĐây là tập thơ đầu tay của tác giả Nguyễn Thị Anh Đào do NXB Đà Nẵng ấn hành với cảm xúc tròn đầy và một tâm hồn nồng ấm. Là một cây bút trẻ đang độ sung sức, chị có nhiều thơ và truyện ngắn đăng trên các báo, tạp chí và Ngày không trở lại gói ghém những niềm riêng.
LÝ HẠNH(Đọc Thơ tặng của nhà thơ Ngô Minh)Ngô Minh là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, vì thế mà cố nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã từng nói về ông một cách trìu mến: “Ba con người trong một con người thâm thấp”. Có một điều đặc biệt, chính con người thâm thấp ấy đã phân thân thành 3 con người khác nhau, mà con người nào cũng “ra hồn ra vía” cả.
FRANCOIS BUSNELKiran Desai là nữ văn sĩ người Ấn Độ. Cô sinh năm 1971 tại Dehli. Là con gái của nữ tiểu thuyết gia Anita Desai. Kiran Desai lớn lên và học tiểu học ở Dehli đến năm 14 tuổi. Sau đó, cô cùng mẹ sang Anh Quốc, rồi Hoa Kỳ, học trung học ở tiểu bang Massachussettes. Cô theo học lớp viết văn ở Virginie và sau đó học Đại học Columbia ở NewYork.
TRẦN HUYỀN SÂM Một mùa đông ở Stockholm của Agneta Pleijel là một hiện tượng nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu cho tính chất “đả phá thể loại” của tiểu thuyết hiện nay. Tác phẩm dung nạp nhiều đặc tính của tiểu thuyết Châu Âu hậu hiện đại: Phép giản lược tối thiểu, lối kể chuyện tung hứng, thủ pháp lạ hoá hình thức văn bản tác phẩm, đặc biệt là kiểu tự thuật “đánh tráo” chủ thể trần thuật.
HỒ THẾ HÀSerenade của Peter Kihlgard là một truyện ngắn có cấu trúc hiện đại. Trước hết là ở nghệ thuật ngôn từ và điểm nhìn văn bản.
BỬU NAM Hình thức lạ lùng gây tò mòTrước hết về mặt hình thức, tiểu thuyết khêu gợi sự tò mò ở người đọc với cách bố trí các tiêu đề in hoa, dày đặc đến hàng trăm suốt tác phẩm, xen lẫn các tiêu đề bằng tiếng Anh “I have been calling for more than an hour... But It's me”...
NHỤY NGUYÊN
Sự đặc biệt của dòng thơ hậu chiến là luôn luôn khuấy động trong cái mênh mông vô chừng tưởng đã lắng xuống những vỉa quặng lấp lánh sau 30 năm đằng đẵng.
PHẠM QUÝ VINH Sau khi lên nắm chính quyền ở miền Nam Việt Nam, Ngô Đình Diệm đã thi hành một chính sách đối nội hết sức phản động. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã sử dụng nhiều thủ đoạn nham hiểm nhằm khủng bố những người kháng chiến, những người yêu nước.