Thơ Việt - nhìn lại và suy nghĩ

09:39 27/08/2009
HỒ THẾ HÀ1. Diễn đàn thơ được tổ chức trên đất Huế lần này gắn với chương trình hoạt động của lễ hội Festival lần thứ 3, tự nó đã thông tin với chúng ta một nội dung, tính chất và ý nghĩa riêng. Đây thực sự là ngày hội của thơ ca. Đã là ngày hội thì có nhiều người tham gia và tham dự; có diễn giả và thính giả; có nhiều tiếng nói, nhiều tấm lòng, nhiều quan niệm trên tinh thần dân chủ, lấy việc coi trọng cái hay, cái đẹp, cái giá trị của nghệ thuật làm tiêu chí thưởng thức, trao đổi và tranh luận. Chính điều đó sẽ làm cho không khí ngày hội thơ - Festival thơ sẽ đông vui, phong phú, dân chủ và có nhiều hoà âm đồng vọng mang tính học thuật và mỹ học mới mẻ như P.Valéry đã từng nói: Thơ là ngày hội của lý trí (La poésie est une fête de l'intellect).

Nhà phê bình Hồ Thế Hà - Ảnh: Lê Vĩnh Thái

Chế Lan Viên có hai câu thơ so sánh rất thú vị về hai hình tượng mà từ trước đến nay, nhiều người thường liên hệ sóng đôi với nhau: thi ca và người đẹp “Thơ hay như người đẹp - Ở đâu, đi đâu cũng lấy được chồng”. Bản chất hai câu thơ trên bao hàm việc đề cao giá trị, vẻ đẹp của thi ca và thị hiếu của người tiếp nhận. Thơ hay cũng như thiếu nữ đẹp thời nào cũng có, không nhiều thì ít, ở nơi này hoặc nơi khác... do nhiều tố chất tạo nên. Thơ hay và thiếu nữ đẹp, theo tôi hiểu là rất đa dạng chứ không phải chỉ đồng dạng (uniform). Thưởng thức và chiêm ngưỡng chúng là tuỳ ở con mắt đa tình và gout thẩm mỹ của từng người, miễn là chúng phải có thuộc tính đẹp và hay; phải lấp lánh màu sắc và trí tuệ, tức chúng phải đẹp và lạ ở vẻ ngoài trong sự hài hoà với phẩm hạnh và tư tưởng mỹ học ở bên trong.

Thơ hay là thơ nói được cái vi diệu nhất của cuộc sống và tình cảm con người, nó khiến người ta phải cảm xúc, suy tư và chiêm nghiệm để sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn, nhân bản hơn. Nhà thơ Lê Đạt cũng đã nói: “Thơ là một cố gắng về mỹ học, cũng là một cố gắng về đạo đức học” (Thư Eiffel, Sông Hương, số 3-1998). Hơn bất kỳ một thể loại nghệ thuật nào khác, thơ có quyền năng và sức mạnh ấy. Và mỗi nhà thơ, bằng tài năng của mình, bao giờ cũng cố gắng vươn lên tầm của nhà tư tưởng, nhà mỹ học, đạo đức học... Như vậy, thơ hay, tự nó không giới hạn ở phạm vi nào về hình thức và nội dung. Nó mở ra và sáng tạo mới không ngừng về hình thức biểu hiện và kiểu tư duy, miễn là phải hay, phải độc đáo, hấp dẫn. Điều đó được lịch sử thi ca của các dân tộc minh chứng một cách thuyết phục.

Ở Việt Nam ta, từ văn chương bình dân đến văn chương bác học, trải qua các thời kỳ, giai đoạn đều có thơ hay, có tác giả nổi bật. Mãn Giác thiền sư, Không Lộ thiền sư, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương... cùng với những trang thơ lấp lánh tài năng sống mãi trong lòng dân tộc. Thơ họ là tiếng nói về mình, về thân phận con người, về thời đại một cách nghệ thuật, qua đó, hiện lên nỗi niềm tri âm, đồng cảm với chung quanh một cách sâu sắc.

Đến thời kỳ hiện đại, lại xuất hiện những thế hệ nhà thơ tài danh mà tác phẩm của họ là thước đo cho những hằng số lịch sử - thi ca mới mẻ. Từ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu - người được Hoài Thanh gọi là cái gạch nối của hai thời đại thi ca đến Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Tuấn Khải, Huỳnh Thúc Kháng... là cả một tiến trình tiệm biến và tích hợp những phẩm chất thơ theo khuynh hướng dân chu, hiện đại để dẫn đến một “cuộc cách mạng trong thơ ca” giai đoạn 1930 - 1945 mà đỉnh cao là Phong trào Thơ mới lãng mạn với sự xuất hiện của cái tôi cá nhân (individu) tự do và thành thật. Hàng loạt thi nhân xuất sắc góp mặt trên thi đàn: Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Huy Cận, Bích Khê, Nguyễn Bính... Mỗi người làm nên một phong cách thơ, một “con mắt thơ” độc đáo. Phong trào thơ này trước khi hạ cánh, nó đã kịp tạo ra các khuynh hướng mới với quan niệm và khát khao sáng tạo táo bạo, dù hệ quả thơ không đủ sức để minh định cho những tuyên ngôn tân kỳ: Xuân Thu Nhã Tập, Dạ Đài... Vậy là, thơ ca tự nó phải điều chỉnh những so le với chính nó và với lịch sử - xã hội, nếu nó muốn tồn tại có ích và hợp qui luật. Giờ đây, thơ ca cách mạng nhanh chóng chiến lĩnh thi đàn và trở thành giá trị tinh thần lớn lao của thời đại - mà người đặt nền móng cho kiểu tư duy thơ này chính là nhà thơ Hồ Chí Minh, Tố Hữu và... Suốt hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, nền thơ ca cách mạng được hình thành bởi những nhà thơ kiểu mới: nhà thơ - chiến sĩ.

Các thế hệ nhà thơ trong kháng chiến chống Pháp, tiếp đến là các thế hệ nhà thơ trong kháng chiến chống Mỹ đã thực sự tạo thành lực lượng đông vui và làm nên thi pháp đặc sắc của thời đại mà trước đó, chưa từng có. Thơ họ mới mẻ về ngôn từ, đa dạng về giọng điệu, phong phú, bề bộn về hiện thực cuộc sống... Rồi đến giai đoạn hoà bình thống nhất Đất nước từ 1975 đến nay, thơ Việt lại làm một cuộc hành trình mới với sự cộng sinh của nhiều phong cách thơ, nhiều thi pháp thơ phát sinh, tân kỳ. Các nhà thơ thời chống Mỹ giờ đây chiếm lĩnh thi đàn. Họ chín lại và có những bứt phá trong sáng tạo. Những yếu tố ổn định bên cạnh những yếu tố mới không lặp lại trong tư duy thơ của các nhà thơ này đã làm cho thơ Việt đương đại khởi sắc và tiến những bước dài. Đó là trường hợp của Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Hoàng Hưng, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Thu Bồn, Bùi Minh Quốc... Rồi bắc qua thế hệ thơ trưởng thành trong hoà bình, họ lại tìm cho mình tiếng nói riêng đầy bản lĩnh và độc đáo: Nguyễn Khắc Thạch, Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Trần Cương, Phùng Khắc Bắc, Dư Thị Hoàn, Mai Văn Phấn, Đoàn Thị Lam Luyến, Phạm Thị Ngọc Liên... Và gần đây, dư luận quan tâm đến các cây bút trẻ: Nguyễn Quyến, Văn Cầm Hải, Vy Thùy Linh, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Huyền Thư, Lê Thị Mỹ Ý... Thơ của các cây bút trẻ này có cái táo bạo, dữ dội trong thể nghiệm, luôn tìm cái mới, dù không phải lúc nào họ cũng thành công. Chúng tôi muốn kể đến trường hợp các nhà thơ lớp trước như: Lê Đạt, Trần Dần, Đặng Đình Hưng... Những tác giả này có nhiều trăn trở về nghề, về thơ trong giai đoạn sau 1975. Những trải nghiệm và kiếm tìm của họ trong thơ được nhiều người quan tâm ca ngợi, nhưng cũng không ít người chưa thừa nhận sự đổi mới thi ca của họ, nói theo đúng nội hàm của nhóm từ này. Nhưng dù gì, những cố gắng về mỹ học thơ của họ cũng để lại cho thế hệ trẻ những bài học kinh nghiệm bổ ích.

Chúng tôi muốn lướt qua tiến trình thơ Việt như trên là để khẳng định lại một điều rằng thơ hay và nhà thơ xuất sắc thời nào cũng có. Và giá trị của thơ, của từng nhà thơ là độc đáo, không thay thế, không thể phủ định, bất luận họ thể hiện tâm trạng, hiện thực, cảm xúc gì và với một hình thức ngôn từ như thế nào. Điều đó cũng có nghĩa là, chúng tôi quan niệm thơ hay là thơ trong một hình thức nhất định, nói được tình cảm, cuộc sống trong quan hệ với cõi đời, kiếp người khiến người ta xúc động, yêu thương, vui buồn và đau khổ... Hồn thơ, tứ thơ... là quan trọng hơn cả. Hình thức nào cũng được, miễn là nó hài hoà và chuyển tải tư tưởng tốt nhất mới là cái đích của nhà thơ. Chế Lan Viên rất sâu khi viết:

            Anh đắn đo chi câu ngắn với câu dài
            Mưa Bắc lòng hay Nam lòng cũng thế
            Hoa sen tím, hoa sen hồng đều là em đấy cả
            Và buồn lau hay buồn sậy cũng buồn thôi
                                               
(Đàng nào cũng vậy)

Nghĩa là làm sao bên sau những câu thơ là tinh tuý của chữ nghĩa, của hồn thơ: “Câu hay ư? Là câu không còn chữ nữa - Lửa cháy lên rồi, chỉ còn có lửa”. Thơ hay là thơ hồn cốt, là sự thăng hoa của cảm xúc và tâm trạng, của những vui buồn, ân nghĩa quanh đời.

2. Vậy một câu hỏi đặt ra là làm sao để có thơ hay? Và làm sao để có, ngày càng nhiều, thơ hay? Dù ai có hô hào là cách tân, hiện đại, là thi pháp mới đến đâu... mà không có thơ hay thì mọi sự tuyên ngôn cũng trở thành vô nghĩa, cũng chỉ là sự bất lực trước ảo tưởng của chính mình theo phép thắng lợi tinh thần mà thôi.

Tôi muốn liên hệ đến thơ trên các tạp chí các tỉnh miền Trung mà tôi có đọc được: như Tạp chí Sông Hương, Hồng Lĩnh, Xứ Thanh, Sông Lam, Nhật Lệ Cửa Việt . Vì sao số lượng thơ đăng tải trên các tạp chí này với chỉ số lớn mà vẫn vắng thiếu thơ hay, nói đúng hơn, ít có những bài thơ neo được trong lòng độc giả rộng rãi kiểu: Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, Nguyệt Cầm của Xuân Diệu, Ngậm Ngùi của Huy Cận và...

Điều này do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, mà theo tôi, chủ quan là nhiều hơn. Nhớ hồi nhóm Xuân Thu Nhã Tập hoặc Dạ Đài..., các thành viên đều nồng nhiệt tuyên ngôn và tiên phong sáng tạo, nhưng rốt cuộc, chỉ có một vài bài được người đọc biết đến, chứ không phải là hay nhất, ví như Buồn xưa của Nguyễn Xuân Sanh, Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ... Như thế, mới thấy thể loại thơ là vô cùng khó khăn và là thách thức lớn đối với người sáng tạo. Có người cả đời theo đuổi nghiệp thơ, nhưng có được mấy bài thơ hay; có người trong một khoảnh khắc xuất thần nào đó, lại để cho đời những bài thơ nổi tiếng. Nhiều người bàn đến yếu tố lóe sáng của trực giác, trực cảm; sự mách bảo của tiềm thức, vô thức... Điều này, đúng một phần, nhưng người làm thơ, nếu quả cứ chờ sự loé sáng và sự mách bảo ấy thì biết bao giờ mới có được thơ hay. Ở đây, phải thực sự khách quan, dựa vào tài năng và sự lao động nghệ thuật của nhà thơ là chủ yếu. Không ai thay nhà thơ để làm được việc này.

Thơ trên 6 tạp chí của các tỉnh Bắc miền Trung, công bằng mà nói, không sút kém so với cả nước, đặc biệt, so với trung ương. Các nhà thơ tại chỗ phải nói là hùng hậu và sáng giá, nhưng để tập hợp thơ hay của từng tạp chí làm thành một tuyển thì quả là khó. Điều này, theo tôi, có mấy nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, và chủ yếu, là tính địa phương của tờ tạp chí qui định. Tạp chí, bên cạnh việc phản ánh đời sống sáng tạo và học thuật có tính phát hiện phổ quát và mới mẻ, lại phải tuân thủ việc phản ánh và sáng tạo có “tính địa phương, vùng”. Do vậy, một số sản phẩm và một số tác giả chưa đạt trình độ cao cũng có thể chấp nhận mà không phải theo “chuẩn mực” như trung ương. Tính nâng đỡ, phát hiện và động viên, bồi dưỡng các cây bút trẻ mới vào nghề còn diễn ra phổ biến ở các tạp chí này.

Thứ hai là bản thân người viết cũng chưa thật tìm tòi, lao động một cách công phu, chưa chịu khó phát hiện vấn đề, suy tư, lật trở vấn đề để tìm cách thể hiện chúng tốt nhất. Bên cạnh ấy, tạp chí còn phải chịu “sức ép” từ phía các nhà thơ tên tuổi. Họ thường dành thơ hay của mình cho các tạp chí, tờ báo lớn, sang trọng cấp trung ương, hoạ hoằn lắm mới gửi cho địa phương một số bài không phải là đỉnh.

Thứ ba, phụ thuộc rất nhiều, nếu không muốn nói là quyết định để có thơ hay, lại ở chính người biên tập thơ. Người biên tập thơ có tài, nhạy cảm bao giờ cũng là bà đỡ cho mọi tài năng văn chương, cho mọi tìm tòi, đổi mới thực sự, mà có khi nhiều năm sau, sự phát hiện của người biên tập mới được thừa nhận. Ở ta, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên là một trong những người tiên cảm như thế.

Đối với các hiện tượng mới lạ, táo bạo lại phải cần có các nhà biên tập dũng cảm, bảo vệ và chịu trách nhiệm trước chữ ký biên tập của mình thì mới có được thơ hay. (nói theo nghĩa có đổi mới, lạ - mà mới lạ quá bao giờ cũng bị dị ứng của không ít độc giả quen tư duy theo nếp cũ, qui tắc cũ).

Thứ tư, là vai trò và bản lĩnh của Tổng Biên tập - người quyết định và chịu trách nhiệm cao nhất và cuối cùng của Tạp chí. Muốn vậy, Tổng biên tập phải là người dày kinh nghiệm và có tầm nhìn chiến lược, có văn hoá sâu rộng - nhất là trong lĩnh vực lý luận văn chương. Chân dung Tổng biên tập bao giờ cũng quyết định chân dung của tạp chí và thu hút sự cộng tác của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu. Thực tiễn cho thấy, Tổng biên tập nào cấp tiến, đổi mới và có tầm tư tưởng học thuật cao thì những người cộng tác có tên tuổi, tầm cỡ sẽ tâm huyết ủng hộ ngày càng đông. Và cùng với sự cộng tác ấy là những tác phẩm có giá trị, có vấn đề, khơi động những trao đổi mang tính lý luận và sáng tạo sôi nổi, bổ ích.

Điều cuối cùng, không phải là tất cả và phổ biến, theo tôi, là ở cơ chế hoạt động và thẩm quyền cho một tạp chí địa phương. Phải thật sự tạo điều kiện cho các tạp chí hoạt động nghệ thật đích thực trong khuôn khổ của tự do báo chí và tự do sáng tạo theo đúng chủ trương và luật định, nhằm phục vụ nhân dân, phục vụ bạn đọc tốt nhất. Phải bảo đảm và khuyến khích sự tìm tòi, đổi mới và tranh luận dân chủ để tìm ra chân lý, tìm ra cái mới trong lý luận, phê bình và sáng tác, tránh những áp đặt theo thiên kiến riêng của một vài cá nhân có chức quyền. Thực tế cho thấy, không khí dân chủ và cởi mở trong hoạt động văn nghệ những thập niên qua của Đảng và Nhà nước ta đã thúc đẩy nền văn học tiến lên một tầm mới, phát hiện nhiều tài năng và đặc biệt là xuất hiện những tác phẩm có giá trị có thể sánh vai với các nền văn học thế giới với cách thể hiện mới, hiện đại. Nhưng không phải không còn một số nơi, một số trường hợp có sự thiếu tôn trọng và nặng nề đối với công tác này. Sự thiếu trao đổi, tìm ra cái đúng - vì nghệ thuật có tính đa nghĩa, hàm súc, biểu trưng, khó nắm bắt bản chất nội hàm của chúng - sẽ dấn đến sự áp đặt và mệnh lệnh, làm cho tờ tạp chí e ngại và thiếu tự tin trong hoạt động của mình (dĩ nhiên là chúng ta phải thực hiện những góp ý và yêu cầu đúng, có tác dụng định hướng sáng tạo và phát triển chất lượng của  tạp chí).

Trên đây là những suy nghĩ tản mạn của chúng tôi trong Festival thơ Huế lần này. Chúng tôi hy vọng từ diễn đàn này, chúng ta, những người tận tâm, tận lực vì văn học nghệ thuật sẽ có tiếng nói dân chủ, thực sự tâm huyết, có sự đồng điệu, tri âm của tình thi hữu vì một khát vọng chân chính, vì cái hay và cái đẹp đích thực, làm sáng giá, sáng danh cho thi ca Việt Nam trong hiện tại và lâu dài.

Huế, tháng 5-2004
H.T.H
(184/06-04)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN ĐĂNG MẠNH(Kỷ niệm 70 năm ngày mất nhà văn Vũ Trọng Phụng 1939 - 2009)Trong lĩnh vực văn chương, tác phẩm không hay, không có giá trị nghệ thuật thì chỉ là con số không, chẳng có gì để nói, để bàn. Người viết ra nó, dù cuộc đời có ly kỳ thế nào, người ta cũng chẳng quan tâm.

  • ĐỖ LAI THÚYHòn đất cũng biết nói năng(Nhại ca dao)

  • HOÀNG CẦMĐang những ngày hè oi ả, mệt lử người thì anh ấy mời tôi viết Bạt cho tập thơ sắp muốn in ra. Ai đời viết bạt cho tác phẩm người khác lại phải dành trang giấy đầu tiên để viết về mình? Người ta sẽ bảo ông này kiêu kỳ hay hợm hĩnh chăng? Nhưng cái anh thi sỹ tác giả tập thơ thì lại bảo: Xin ông cứ viết cho, dẫu là bạt tử, bạt mạng, thậm chí có làm bạt vía ai cũng được - Chết, chết! Tôi có thể viết bạt mạng chứ sức mấy mà làm bạt vía ai được.

  • ĐẶNG ANH ĐÀOTrong tác phẩm nghệ thuật, phân biệt thật rạch ròi cái gì là ý thức, sáng suốt, tự giác với cái gì vô ý thức, tự phát, cảm tính không phải là điều đơn giản. Ngay cả những nhà văn lãng mạn như Huygô, nhiều lúc sử dụng nhân vật chính diện như những cái loa phát biểu lý tưởng của mình, thế mà đã có lúc Kessler bịt miệng lại không cho tán tụng nhân vật Côdet và mắng rằng: Huygô anh chả hiểu gì về tác phẩm ấy hết", đồng thời tuyên bố rằng ông còn thích Epônin gấp bội lần "Côdet, cô nàng điệu đàng đã tư sản hóa ấy".

  • ĐỖ ĐỨC HIỂU…Với tôi, Balzac là Tiểu thuyết, và Tiểu thuyết là Balzac, - tiểu thuyết Balzac là "tiểu thuyết tuyệt đối", tức là nó biểu hiện tất cả sức mạnh sáng tạo của ông, tất cả cái "lực" của ý thức và tâm linh, của khoa học và tôn giáo, từ cấu trúc truyện và thời - không gian (chronotope), đến cấu trúc nhân vật, tất cả phối âm, tương ứng với nhau thành một dàn nhạc hoàn chỉnh…

  • HỮU ĐẠTKhông phải ngẫu nhiên, Trần Đăng Khoa lại kết thúc bài viết về Phù Thăng một câu văn rất là trăn trở: "Bất giác... Tôi nắm chặt bàn tay gầy guộc của Phù Thăng, lòng mơ hồ rờn rợn. Chỉ sợ ở một xó xỉnh nào đó, sau lùm cây tối sầm kia, lại bất ngờ cất lên một tiếng gà gáy..." Ta thấy, sau cái vẻ tếu táo bên ngoài kia lắng xuống một cái gì. Đó là điểm gợi lên ở suy nghĩ người đọc.

  • HÀ QUANG MINHTôi không muốn chỉ bàn tới cuốn sách của ông Khoa mà thôi. Tôi chỉ coi đó là một cái cớ để bàn luận về nền văn học nước nhà hiện nay. Là một người yêu văn học, nhiều khi tôi muốn quên đi nhưng vô tình vấn đề nẩy sinh TỪ "CHÂN DUNG VÀ ĐỐI THOẠI" đã trở thành giọt nước cuối cùng làm tràn ly và lôi tuột cái nỗi đau mà tôi muốn phớt lờ ấy. Phải, tôi thấy đau lắm chứ. Bởi lẽ ai có ngờ mảnh đất trong sáng mang tên văn học sao giờ đây lại ô nhiễm đến thế.

  • HOÀNG NGỌC HIẾN(góp phần định nghĩa minh triết)         (tiếp Sông Hương số 248)

  • Việc giải quyết thành công mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính hiện đại đã hình thành ra các trường phái âm nhạc như: âm nhạc Nga, Pháp, Mỹ, Trung Hoa . . .

  • Phê bình thi pháp học đã mang đến sức sống mới cho phê bình văn học Việt Nam. Một số nhà nghiên cứu cho rằng thi pháp học là phương pháp minh chứng cho thành quả thay đổi hệ hình nghiên cứu trong phê bình văn học.

  • Hiện nay trên thế giới, quan niệm về Nghệ thuật tạo hình, Nghệ thuật thị giác và Mỹ thuật mang ý nghĩa gần giống nhau. Nó bao gồm: hội họa, đồ họa, kiến trúc, điêu khắc, trang trí ứng dụng, video clip, sắp đặt v.v..Loại hình nghệ thuật này luôn xuất hiện bằng những hình ảnh (image) thu hút mắt nhìn và ngày càng mở rộng quan niệm, phương thức biểu hiện cũng như khai thác chất liệu. Tuy nhiên, để hiểu thế nào là nghệ thuật trong tranh, hoặc vẻ đẹp của một công trình nghệ thuật còn là câu hỏi đặt ra với nhiều người.

  • HÀ VĂN LƯỠNGPuskin không chỉ là nhà thơ Nga vĩ đại, nhà viết kịch có tiếng mà còn là nhà cải cách văn học lớn. Là người “khởi đầu của mọi khởi đầu” (M. Gorki) Puskin bước vào lĩnh vực văn xuôi với tư cách là một người cách tân trong văn học Nga những năm đầu thế kỷ. Những tác phẩm văn xuôi của ông đã đặt cơ sở vững chắc cho văn xuôi hiện thực và sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực phê phán Nga, góp phần khẳng định những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc.

  • ĐẶNG VIỆT BÍCHGần đây trên tuần báo Văn Nghệ đã có bài viết bàn về vấn đề đào tạo "Văn hóa học", nhân dịp Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra nghị quyết V về xây dựng một nền văn hóa, văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

  • PHAN TUẤN ANH “Cuộc nói chuyện của chúng ta đã cho tôi thấy rằng hết thảy những gì liên quan đến bản chất của ngôn ngữ mới ít được nghĩ đến làm sao”                                       (Martin Heidegger)

  • TRẦN ĐÌNH SỬVăn học sáng tác là nhằm để cho người đọc tiếp nhận. Nhưng thực tế là người đọc tiếp nhận rất khác nhau. Lý luận tiếp nhận truyền thống giải thích là do người đọc không sành.

  • NGUYỄN THANH HÙNGVăn học là cuộc sống. Quan niệm như vậy là chẳng cần phải nói gì thêm cho sâu sắc để rồi cứ sống, cứ viết, cứ đọc và xa dần mãi bản thân văn học.

  • LTS: Cuộc tranh luận giữa hai luồng ý kiến về nhân vật lịch sử Nguyễn Hiển Dĩnh, một mệnh quan triều đình Huế có công hay có tội vẫn chưa thuyết phục được nhau.Vấn đề này, Tòa soạn chúng tôi cũng chỉ biết... nhờ ông Khổng Tử "Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri giả" (biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, ấy là biết). Vậy nên bài viết sau đây của nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Nguyễn Đắc Xuân, chúng tôi xin đăng nguyên văn, tác giả phải gánh trọn trách nhiệm về độ chính xác, về tính khoa học của văn bản.Mong các nhà nghiên cứu, cùng bạn đọc quan tâm tham gia trao đổi tiếp.

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂNNăm 1998, Thành phố Đà Nẵng dự định lấy tên nhà soạn tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đặt cho con đường mới song song với đường 2 tháng 9 và đường Núi Thành. Nhưng sau đó qua một số tin bài của tôi đăng trên báo Lao Động nêu lên những điểm chưa rõ ràng trong tiểu sử của ông Nguyễn Hiển Dĩnh, UBND Thành phố Đà Nẵng thấy có một cái gì chưa ổn trong tiểu sử của Nguyễn Hiển Dĩnh nên đã thống nhất rút tên ông ra khỏi danh sách danh nhân dùng để đặt tên đường phố lần ấy. Như thế mọi việc đã tạm ổn.

  • Vừa qua nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân có viết một loạt bài về ông Nguyễn Hiển Dĩnh - một quan lại triều nguyễn, nhà soạn tuồng nổi tiếng Quảng Nam. Qua thư tịch, anh chứng minh Nguyễn Hiển Dĩnh tuy có đóng góp cho nghệ thuật tuồng cổ nhưng những hành vi tiếp tay cho Pháp đàn áp các phong trào yêu nước ở Quảng Nam quá nặng nề nên không thể tôn xưng Nguyễn Hiển Dĩnh là danh nhân văn hoá của việt Nam như Viện Sân khấu và ngành văn hoá ở Quảng Nam Đà Nẵng đã làm. Qua các bài viết của Nguyễn Đắc Xuân có những vấn đề lâu nay ngành văn hoá lịch sử chưa chú ý đến. nhà báo Bùi Ngọc Quỳnh đã có cuộc đối thoại lý thú với anh về những vấn đề nầy.

  • ĐỖ NGỌC YÊNVào những năm 70 của thế kỷ, ở nhiều nước phương Tây tràn ngập không khí của cuộc khủng hoảng gia đình, làm cho nhiều người rất lo ngại. Một số kẻ cực đoan chủ trương xóa bỏ hình mẫu gia đình truyền thống. Nhưng cái khó đối với họ không phải là việc từ bỏ hình mẫu gia đình cũ - mặc dù trên thực tế việc làm đó không phải dễ - mà vấn đề đâu là hình mẫu gia đình mới.