Thơ Việt - nhìn lại và suy nghĩ

09:39 27/08/2009
HỒ THẾ HÀ1. Diễn đàn thơ được tổ chức trên đất Huế lần này gắn với chương trình hoạt động của lễ hội Festival lần thứ 3, tự nó đã thông tin với chúng ta một nội dung, tính chất và ý nghĩa riêng. Đây thực sự là ngày hội của thơ ca. Đã là ngày hội thì có nhiều người tham gia và tham dự; có diễn giả và thính giả; có nhiều tiếng nói, nhiều tấm lòng, nhiều quan niệm trên tinh thần dân chủ, lấy việc coi trọng cái hay, cái đẹp, cái giá trị của nghệ thuật làm tiêu chí thưởng thức, trao đổi và tranh luận. Chính điều đó sẽ làm cho không khí ngày hội thơ - Festival thơ sẽ đông vui, phong phú, dân chủ và có nhiều hoà âm đồng vọng mang tính học thuật và mỹ học mới mẻ như P.Valéry đã từng nói: Thơ là ngày hội của lý trí (La poésie est une fête de l'intellect).

Nhà phê bình Hồ Thế Hà - Ảnh: Lê Vĩnh Thái

Chế Lan Viên có hai câu thơ so sánh rất thú vị về hai hình tượng mà từ trước đến nay, nhiều người thường liên hệ sóng đôi với nhau: thi ca và người đẹp “Thơ hay như người đẹp - Ở đâu, đi đâu cũng lấy được chồng”. Bản chất hai câu thơ trên bao hàm việc đề cao giá trị, vẻ đẹp của thi ca và thị hiếu của người tiếp nhận. Thơ hay cũng như thiếu nữ đẹp thời nào cũng có, không nhiều thì ít, ở nơi này hoặc nơi khác... do nhiều tố chất tạo nên. Thơ hay và thiếu nữ đẹp, theo tôi hiểu là rất đa dạng chứ không phải chỉ đồng dạng (uniform). Thưởng thức và chiêm ngưỡng chúng là tuỳ ở con mắt đa tình và gout thẩm mỹ của từng người, miễn là chúng phải có thuộc tính đẹp và hay; phải lấp lánh màu sắc và trí tuệ, tức chúng phải đẹp và lạ ở vẻ ngoài trong sự hài hoà với phẩm hạnh và tư tưởng mỹ học ở bên trong.

Thơ hay là thơ nói được cái vi diệu nhất của cuộc sống và tình cảm con người, nó khiến người ta phải cảm xúc, suy tư và chiêm nghiệm để sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn, nhân bản hơn. Nhà thơ Lê Đạt cũng đã nói: “Thơ là một cố gắng về mỹ học, cũng là một cố gắng về đạo đức học” (Thư Eiffel, Sông Hương, số 3-1998). Hơn bất kỳ một thể loại nghệ thuật nào khác, thơ có quyền năng và sức mạnh ấy. Và mỗi nhà thơ, bằng tài năng của mình, bao giờ cũng cố gắng vươn lên tầm của nhà tư tưởng, nhà mỹ học, đạo đức học... Như vậy, thơ hay, tự nó không giới hạn ở phạm vi nào về hình thức và nội dung. Nó mở ra và sáng tạo mới không ngừng về hình thức biểu hiện và kiểu tư duy, miễn là phải hay, phải độc đáo, hấp dẫn. Điều đó được lịch sử thi ca của các dân tộc minh chứng một cách thuyết phục.

Ở Việt Nam ta, từ văn chương bình dân đến văn chương bác học, trải qua các thời kỳ, giai đoạn đều có thơ hay, có tác giả nổi bật. Mãn Giác thiền sư, Không Lộ thiền sư, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương... cùng với những trang thơ lấp lánh tài năng sống mãi trong lòng dân tộc. Thơ họ là tiếng nói về mình, về thân phận con người, về thời đại một cách nghệ thuật, qua đó, hiện lên nỗi niềm tri âm, đồng cảm với chung quanh một cách sâu sắc.

Đến thời kỳ hiện đại, lại xuất hiện những thế hệ nhà thơ tài danh mà tác phẩm của họ là thước đo cho những hằng số lịch sử - thi ca mới mẻ. Từ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu - người được Hoài Thanh gọi là cái gạch nối của hai thời đại thi ca đến Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Tuấn Khải, Huỳnh Thúc Kháng... là cả một tiến trình tiệm biến và tích hợp những phẩm chất thơ theo khuynh hướng dân chu, hiện đại để dẫn đến một “cuộc cách mạng trong thơ ca” giai đoạn 1930 - 1945 mà đỉnh cao là Phong trào Thơ mới lãng mạn với sự xuất hiện của cái tôi cá nhân (individu) tự do và thành thật. Hàng loạt thi nhân xuất sắc góp mặt trên thi đàn: Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Huy Cận, Bích Khê, Nguyễn Bính... Mỗi người làm nên một phong cách thơ, một “con mắt thơ” độc đáo. Phong trào thơ này trước khi hạ cánh, nó đã kịp tạo ra các khuynh hướng mới với quan niệm và khát khao sáng tạo táo bạo, dù hệ quả thơ không đủ sức để minh định cho những tuyên ngôn tân kỳ: Xuân Thu Nhã Tập, Dạ Đài... Vậy là, thơ ca tự nó phải điều chỉnh những so le với chính nó và với lịch sử - xã hội, nếu nó muốn tồn tại có ích và hợp qui luật. Giờ đây, thơ ca cách mạng nhanh chóng chiến lĩnh thi đàn và trở thành giá trị tinh thần lớn lao của thời đại - mà người đặt nền móng cho kiểu tư duy thơ này chính là nhà thơ Hồ Chí Minh, Tố Hữu và... Suốt hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, nền thơ ca cách mạng được hình thành bởi những nhà thơ kiểu mới: nhà thơ - chiến sĩ.

Các thế hệ nhà thơ trong kháng chiến chống Pháp, tiếp đến là các thế hệ nhà thơ trong kháng chiến chống Mỹ đã thực sự tạo thành lực lượng đông vui và làm nên thi pháp đặc sắc của thời đại mà trước đó, chưa từng có. Thơ họ mới mẻ về ngôn từ, đa dạng về giọng điệu, phong phú, bề bộn về hiện thực cuộc sống... Rồi đến giai đoạn hoà bình thống nhất Đất nước từ 1975 đến nay, thơ Việt lại làm một cuộc hành trình mới với sự cộng sinh của nhiều phong cách thơ, nhiều thi pháp thơ phát sinh, tân kỳ. Các nhà thơ thời chống Mỹ giờ đây chiếm lĩnh thi đàn. Họ chín lại và có những bứt phá trong sáng tạo. Những yếu tố ổn định bên cạnh những yếu tố mới không lặp lại trong tư duy thơ của các nhà thơ này đã làm cho thơ Việt đương đại khởi sắc và tiến những bước dài. Đó là trường hợp của Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Hoàng Hưng, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Thu Bồn, Bùi Minh Quốc... Rồi bắc qua thế hệ thơ trưởng thành trong hoà bình, họ lại tìm cho mình tiếng nói riêng đầy bản lĩnh và độc đáo: Nguyễn Khắc Thạch, Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Trần Cương, Phùng Khắc Bắc, Dư Thị Hoàn, Mai Văn Phấn, Đoàn Thị Lam Luyến, Phạm Thị Ngọc Liên... Và gần đây, dư luận quan tâm đến các cây bút trẻ: Nguyễn Quyến, Văn Cầm Hải, Vy Thùy Linh, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Huyền Thư, Lê Thị Mỹ Ý... Thơ của các cây bút trẻ này có cái táo bạo, dữ dội trong thể nghiệm, luôn tìm cái mới, dù không phải lúc nào họ cũng thành công. Chúng tôi muốn kể đến trường hợp các nhà thơ lớp trước như: Lê Đạt, Trần Dần, Đặng Đình Hưng... Những tác giả này có nhiều trăn trở về nghề, về thơ trong giai đoạn sau 1975. Những trải nghiệm và kiếm tìm của họ trong thơ được nhiều người quan tâm ca ngợi, nhưng cũng không ít người chưa thừa nhận sự đổi mới thi ca của họ, nói theo đúng nội hàm của nhóm từ này. Nhưng dù gì, những cố gắng về mỹ học thơ của họ cũng để lại cho thế hệ trẻ những bài học kinh nghiệm bổ ích.

Chúng tôi muốn lướt qua tiến trình thơ Việt như trên là để khẳng định lại một điều rằng thơ hay và nhà thơ xuất sắc thời nào cũng có. Và giá trị của thơ, của từng nhà thơ là độc đáo, không thay thế, không thể phủ định, bất luận họ thể hiện tâm trạng, hiện thực, cảm xúc gì và với một hình thức ngôn từ như thế nào. Điều đó cũng có nghĩa là, chúng tôi quan niệm thơ hay là thơ trong một hình thức nhất định, nói được tình cảm, cuộc sống trong quan hệ với cõi đời, kiếp người khiến người ta xúc động, yêu thương, vui buồn và đau khổ... Hồn thơ, tứ thơ... là quan trọng hơn cả. Hình thức nào cũng được, miễn là nó hài hoà và chuyển tải tư tưởng tốt nhất mới là cái đích của nhà thơ. Chế Lan Viên rất sâu khi viết:

            Anh đắn đo chi câu ngắn với câu dài
            Mưa Bắc lòng hay Nam lòng cũng thế
            Hoa sen tím, hoa sen hồng đều là em đấy cả
            Và buồn lau hay buồn sậy cũng buồn thôi
                                               
(Đàng nào cũng vậy)

Nghĩa là làm sao bên sau những câu thơ là tinh tuý của chữ nghĩa, của hồn thơ: “Câu hay ư? Là câu không còn chữ nữa - Lửa cháy lên rồi, chỉ còn có lửa”. Thơ hay là thơ hồn cốt, là sự thăng hoa của cảm xúc và tâm trạng, của những vui buồn, ân nghĩa quanh đời.

2. Vậy một câu hỏi đặt ra là làm sao để có thơ hay? Và làm sao để có, ngày càng nhiều, thơ hay? Dù ai có hô hào là cách tân, hiện đại, là thi pháp mới đến đâu... mà không có thơ hay thì mọi sự tuyên ngôn cũng trở thành vô nghĩa, cũng chỉ là sự bất lực trước ảo tưởng của chính mình theo phép thắng lợi tinh thần mà thôi.

Tôi muốn liên hệ đến thơ trên các tạp chí các tỉnh miền Trung mà tôi có đọc được: như Tạp chí Sông Hương, Hồng Lĩnh, Xứ Thanh, Sông Lam, Nhật Lệ Cửa Việt . Vì sao số lượng thơ đăng tải trên các tạp chí này với chỉ số lớn mà vẫn vắng thiếu thơ hay, nói đúng hơn, ít có những bài thơ neo được trong lòng độc giả rộng rãi kiểu: Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, Nguyệt Cầm của Xuân Diệu, Ngậm Ngùi của Huy Cận và...

Điều này do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, mà theo tôi, chủ quan là nhiều hơn. Nhớ hồi nhóm Xuân Thu Nhã Tập hoặc Dạ Đài..., các thành viên đều nồng nhiệt tuyên ngôn và tiên phong sáng tạo, nhưng rốt cuộc, chỉ có một vài bài được người đọc biết đến, chứ không phải là hay nhất, ví như Buồn xưa của Nguyễn Xuân Sanh, Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ... Như thế, mới thấy thể loại thơ là vô cùng khó khăn và là thách thức lớn đối với người sáng tạo. Có người cả đời theo đuổi nghiệp thơ, nhưng có được mấy bài thơ hay; có người trong một khoảnh khắc xuất thần nào đó, lại để cho đời những bài thơ nổi tiếng. Nhiều người bàn đến yếu tố lóe sáng của trực giác, trực cảm; sự mách bảo của tiềm thức, vô thức... Điều này, đúng một phần, nhưng người làm thơ, nếu quả cứ chờ sự loé sáng và sự mách bảo ấy thì biết bao giờ mới có được thơ hay. Ở đây, phải thực sự khách quan, dựa vào tài năng và sự lao động nghệ thuật của nhà thơ là chủ yếu. Không ai thay nhà thơ để làm được việc này.

Thơ trên 6 tạp chí của các tỉnh Bắc miền Trung, công bằng mà nói, không sút kém so với cả nước, đặc biệt, so với trung ương. Các nhà thơ tại chỗ phải nói là hùng hậu và sáng giá, nhưng để tập hợp thơ hay của từng tạp chí làm thành một tuyển thì quả là khó. Điều này, theo tôi, có mấy nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, và chủ yếu, là tính địa phương của tờ tạp chí qui định. Tạp chí, bên cạnh việc phản ánh đời sống sáng tạo và học thuật có tính phát hiện phổ quát và mới mẻ, lại phải tuân thủ việc phản ánh và sáng tạo có “tính địa phương, vùng”. Do vậy, một số sản phẩm và một số tác giả chưa đạt trình độ cao cũng có thể chấp nhận mà không phải theo “chuẩn mực” như trung ương. Tính nâng đỡ, phát hiện và động viên, bồi dưỡng các cây bút trẻ mới vào nghề còn diễn ra phổ biến ở các tạp chí này.

Thứ hai là bản thân người viết cũng chưa thật tìm tòi, lao động một cách công phu, chưa chịu khó phát hiện vấn đề, suy tư, lật trở vấn đề để tìm cách thể hiện chúng tốt nhất. Bên cạnh ấy, tạp chí còn phải chịu “sức ép” từ phía các nhà thơ tên tuổi. Họ thường dành thơ hay của mình cho các tạp chí, tờ báo lớn, sang trọng cấp trung ương, hoạ hoằn lắm mới gửi cho địa phương một số bài không phải là đỉnh.

Thứ ba, phụ thuộc rất nhiều, nếu không muốn nói là quyết định để có thơ hay, lại ở chính người biên tập thơ. Người biên tập thơ có tài, nhạy cảm bao giờ cũng là bà đỡ cho mọi tài năng văn chương, cho mọi tìm tòi, đổi mới thực sự, mà có khi nhiều năm sau, sự phát hiện của người biên tập mới được thừa nhận. Ở ta, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên là một trong những người tiên cảm như thế.

Đối với các hiện tượng mới lạ, táo bạo lại phải cần có các nhà biên tập dũng cảm, bảo vệ và chịu trách nhiệm trước chữ ký biên tập của mình thì mới có được thơ hay. (nói theo nghĩa có đổi mới, lạ - mà mới lạ quá bao giờ cũng bị dị ứng của không ít độc giả quen tư duy theo nếp cũ, qui tắc cũ).

Thứ tư, là vai trò và bản lĩnh của Tổng Biên tập - người quyết định và chịu trách nhiệm cao nhất và cuối cùng của Tạp chí. Muốn vậy, Tổng biên tập phải là người dày kinh nghiệm và có tầm nhìn chiến lược, có văn hoá sâu rộng - nhất là trong lĩnh vực lý luận văn chương. Chân dung Tổng biên tập bao giờ cũng quyết định chân dung của tạp chí và thu hút sự cộng tác của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu. Thực tiễn cho thấy, Tổng biên tập nào cấp tiến, đổi mới và có tầm tư tưởng học thuật cao thì những người cộng tác có tên tuổi, tầm cỡ sẽ tâm huyết ủng hộ ngày càng đông. Và cùng với sự cộng tác ấy là những tác phẩm có giá trị, có vấn đề, khơi động những trao đổi mang tính lý luận và sáng tạo sôi nổi, bổ ích.

Điều cuối cùng, không phải là tất cả và phổ biến, theo tôi, là ở cơ chế hoạt động và thẩm quyền cho một tạp chí địa phương. Phải thật sự tạo điều kiện cho các tạp chí hoạt động nghệ thật đích thực trong khuôn khổ của tự do báo chí và tự do sáng tạo theo đúng chủ trương và luật định, nhằm phục vụ nhân dân, phục vụ bạn đọc tốt nhất. Phải bảo đảm và khuyến khích sự tìm tòi, đổi mới và tranh luận dân chủ để tìm ra chân lý, tìm ra cái mới trong lý luận, phê bình và sáng tác, tránh những áp đặt theo thiên kiến riêng của một vài cá nhân có chức quyền. Thực tế cho thấy, không khí dân chủ và cởi mở trong hoạt động văn nghệ những thập niên qua của Đảng và Nhà nước ta đã thúc đẩy nền văn học tiến lên một tầm mới, phát hiện nhiều tài năng và đặc biệt là xuất hiện những tác phẩm có giá trị có thể sánh vai với các nền văn học thế giới với cách thể hiện mới, hiện đại. Nhưng không phải không còn một số nơi, một số trường hợp có sự thiếu tôn trọng và nặng nề đối với công tác này. Sự thiếu trao đổi, tìm ra cái đúng - vì nghệ thuật có tính đa nghĩa, hàm súc, biểu trưng, khó nắm bắt bản chất nội hàm của chúng - sẽ dấn đến sự áp đặt và mệnh lệnh, làm cho tờ tạp chí e ngại và thiếu tự tin trong hoạt động của mình (dĩ nhiên là chúng ta phải thực hiện những góp ý và yêu cầu đúng, có tác dụng định hướng sáng tạo và phát triển chất lượng của  tạp chí).

Trên đây là những suy nghĩ tản mạn của chúng tôi trong Festival thơ Huế lần này. Chúng tôi hy vọng từ diễn đàn này, chúng ta, những người tận tâm, tận lực vì văn học nghệ thuật sẽ có tiếng nói dân chủ, thực sự tâm huyết, có sự đồng điệu, tri âm của tình thi hữu vì một khát vọng chân chính, vì cái hay và cái đẹp đích thực, làm sáng giá, sáng danh cho thi ca Việt Nam trong hiện tại và lâu dài.

Huế, tháng 5-2004
H.T.H
(184/06-04)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN VĂN TẬN - HOÀNG THỊ ANH ĐÀO Thế kỷ XV - XVII, các nước phương Tây bước vào thời kỳ tích lũy nguyên thủy tư bản, những cuộc phát kiến địa lý đã mở ra một cuộc “cách mạng thương mại” thực sự ở châu Âu và đưa đến việc thiết lập mạng lưới giao thông mậu dịch hàng hải xuyên đại dương nối liền châu Âu với phương Đông.

  • BỬU Ý Tháng 11-1985, Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định trao giải thưởng Nobel cho Claude Simon, nhà văn Pháp theo trường phái mệnh danh là tiểu thuyết mới quy tụ những tên tuổi khác như A-lanh Ro-bơ Gri-dê (Alain Robbe-Grillet - người chủ xướng và lập thuyết), Na-ta-li Xa-rốt (Nathalie Sarraute), Mi-sen Buy-to (Michel Butor), Ro-ber Panh-Jê (Robert Pinget) v.v…

  • NGUYỄN VĂN HẠNH …Xa rời cuộc sống, xa rời con người, xa rời chủ nghĩa nhân văn vốn là linh hồn của văn học nghệ thuật trong sáng tạo, nghiên cứu, giảng dạy văn chương là mối lo lớn và là nguyên nhân sâu xa khiến cho văn chương mất sức sống, mất sức hấp dẫn vốn có…

  • LƯỜNG TÚ TUẤN Mỗi ngôn ngữ tự nó là một nghệ thuật diễn đạt của tập thể.                                 (E.Sapir)

  • ROLAND BARTHES Lôgic học dạy chúng ta biết cách phân biệt thích đáng ngôn ngữ-đối tượng với siêu-ngôn ngữ. Ngôn ngữ-đối tượng chính là chất liệu phục tùng sự nghiên cứu lôgic; còn siêu-ngôn ngữ là ngôn ngữ, không tránh khỏi có tính cách nhân tạo, trong đó ta tiến hành sự nghiên cứu này.

  • TRẦN THIỆN KHANH Chúng ta sống trong một thế giới đầy những quy ước. Có quy ước công khai, thành văn; có quy ước ngầm, bất thành văn. Quy ước nhiều và có sức mạnh đến mức chúng ta tưởng chính nó làm ra chúng ta.

  • TRIỀU NGUYÊN 1. Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan được một số nhà nghiên cứu xếp vào loại truyện ngắn hài hay truyện ngắn trào phúng.

  • - Cứ trừ dần đi dần đi, có thể còn lại là em, ôi Man Nương (Phạm Thị Hoài) - Đi tới tận cùng của cái vô thức, cùng với nhà thơ, hãy tìm thấy lại giấc mơ nguyên thủy (G. Bachelard).

  • NGUYỄN THỊ TỊNH THY 1. “Người trần thuật kiểu tác giả” hay “tình thế trần thuật của tác giả” là một thuật ngữ được đưa ra năm 1955 bởi nhà nghiên cứu văn học người Áo F.K.Stanzel và sau đó được tu chỉnh bởi J.Kristéva, G.Genette và J.Lintvelt.

  • INRASARA Khả năng nhận diện và tâm thế đón nhận cái mới ít liên quan đến thế hệ. Dù thế hệ mới nhờ ưu thế tuổi tác, dễ làm quen với cái mới, cái xa lạ. Dễ làm quen thôi, chứ chưa chắc đã chấp nhận, nhất là với cái mới trong văn chương. Sự thể cả bốn thế hệ người viết nhận định về thơ tân hình thức và sáng tác hậu hiện đại giai đoạn qua, là minh chứng(1).

  • TRẦN XUÂN AN …Ngẩng đầu/Im lặng/Ai hỏi nhà/Tôi chỉ xuống chân…

  • NGUYỄN THI VÂN Kỷ niệm 150 năm ngày sinh Tagore Trong quá trình tìm kiếm các bản dịch tiếng Hà Lan của đại thi hào Rabindranath Tagore (1861-1941) trong những năm làm việc tại Hà Lan, nghiên cứu gia Liesbeth Meyer đã phát hiện một số thư trao đổi giữa Tagore với Frederik van Eeden (1860-1932) một trong những người Hà Lan đầu tiên đã giới thiệu thơ Tagore đến với xứ xở hoa tuy líp.

  • PHẠM PHÚ PHONG Đối với sự tồn tại và phát triển của một nền văn học không thể không kể đến đội ngũ những người sáng tác trẻ. Đó là lực lượng sung sức, giàu nhiệt tình và báo hiệu những năng lực mới cần được liên tục bổ sung.

  • AN-ĐRÂY ĐÊ-MEN-CHI-ÉP(Phát biểu của nhà thơ An-đrây Đê-men-chi-ép - Tổng biên tập Tạp chí “Tuổi trẻ” trong cuộc hội thảo về thơ nhân Đại hội các nhà văn trẻ Liên Xô lần thứ VIII.)

  • PHAN TUẤN ANH“Ôi, có lý và phi lý lẫn lộn vào nhau, lý trí trong điên loạn” [6,39].

  • TRẦN THIỆN ĐẠONếu như Viện Hàn lâm Thụy Điển, đầu tháng mười năm ngoái, rốt cuộc đã trao giải Nobel 2010 cho nhà văn Pêru Mario Vargas Llosa hụt biết bao nhiêu lần trước đó(1), thì nay, Viện không còn có thể vớt vát được nữa.

  • PHONG LÊ Trở ngược lại buổi đầu của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới, ta đều thấy lực lượng viết của văn học “vô sản - cách mạng” - như tên gọi ở giai đoạn hình thành của nó, cơ bản được cấu tạo từ hai nguồn.

  • Lời người dịch: Nhà thơ Slam Lisa Martinovic đồng ý cho chúng tôi chuyển dịch bài viết ngắn này, khởi đầu giới thiệu với bạn đọc một phong trào thơ trình diễn Mỹ. Đây là một phong trào thơ được nhà thơ Marc Smith sáng lập tại Chicago.

  • TRẦN KIÊM ĐOÀNMấy tháng trước ngày cơn đại sóng thần - grand tsunami - vỡ trào quét vào vùng biển Ấn Độ vào năm 2004, tàn phá vùng duyên hải của 12 nước ven biển và giết hại 230 nghìn mạng sống, người ta chú ý đến hiện tượng thiên di của các loài động vật.

  • NGUYỄN QUÂNLà một người vẽ mà lại yêu thơ, khi đọc liên tưởng của tôi trước hết là liên tưởng của con mắt. Cái chúng ta quen gọi là hình ảnh, hình tượng thơ … với tôi trước hết là cái có thể nhìn thấy trong đầu, khi đọc thơ.