Thơ thiền, những đóa hoa trường sinh

10:02 17/11/2009
NGUYỄN THANH HÙNGVăn học thời đại nào cũng là sự du di cái nhìn thấm sâu vào đời sống. Thơ văn nói tới cái thật xa, rồi lại trở về với cái thật gần. Muốn đi xa, hành trang thơ phải gọn nhẹ, nhẹ chữ nhưng nặng lòng. Thơ Thiền là vậy. Mỗi câu thơ như một mũi tên bay vào tưởng tượng. Giữa những dòng thơ Thiền là một cõi chân như, vượt ra ngoài định giới môi trường xã hội quen thuộc, vì thế thơ Thiền thênh thang hướng đạo nhằm mục đích cứu sinh, đưa con người trở về với chính nó.

(Ảnh: Internet)

Nhẹ thênh, nên người ta nghĩ thơ Thiền là thơ siêu thoát, lánh trần. Mặc dù thơ Thiền đi tìm sự an nhiên ngày tháng giữa bao la rừng trúc, đường cây, giữa hoàng hôn pha sương, đỉnh núi chon von với ánh trăng vô sắc và tiếng chuông chùa giữa thinh không hư ảo.

Trước hết, ta yêu thơ Thiền như những bông hoa lạ ít hương sắc trần gian nhưng lại giữ cho người đọc những ấn tượng mạnh mẽ về tầm vóc con người. So sánh thơ Thiền với phần lớn thơ văn Lý Trần bốc lửa, ta có cảm giác người xưa biết tự điều chỉnh và cân bằng giữa bao biến nghịch đời sống. Tôi tưởng thơ Thiền chỉ là những hạt bụi qúi, nào ngờ đó là đám tinh vân tỏa sáng âm thầm. Phần lớn tác giả thơ Thiền là những thiền sư tiếng tăm và huyền bí. Những trụ cột tạo nên dòng thơ Thiền Việt Nam như Không Lộ, Mãn Giác, Quảng Nghiêm, Trần Thái Tông, Tuệ Trung thượng sỹ, Đạo Hạnh Trần Nhân Tông với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Như thế chẳng phải thơ Thiền là thơ Phật giáo diễn tả con đường giác ngộ, giải thoát chúng sinh? Tôn giáo đích thực nào chẳng là tự do tâm linh, khát cháy của nhân dân. Thơ Thiền giải tỏa tâm hồn bởi kinh nghiệm hư vô nên nó là dòng thơ đặc biêt. Lối giải thoát của Thiền thi không trông chờ ở cái chết hoặc thế giới bên kia. Tư tưởng giải thoát thấm sâu trong thơ Thiền khẳng định chỉ có thể thực hiện được trong cuộc đời này. Cuộc đời mỗi người như con lắc đam mê, phải tìm thấy điểm dừng lắng, an tĩnh từ bỏ ham muốn không cùng trong vô minh đau khổ. Thơ Thiền đi cùng đường với Unamunô đã từng khẩn thiết kêu cứu: “Hãy trả lại linh hồn cho tôi”

Thơ Thiền không sáng tạo nên hình ảnh con người vay trả, nặng trần duyên. Chẳng xin ai và cũng chẳng đòi ai. Thơ Thiền chỉ đòi hỏi con người phải vững bước vượt qua những bi lụy trần thế diễn ra từng ngày. Đó là sự đòi hỏi cao nhất ở con người về nhận thức đạo tâm, tự cứu lấy mình bằng tự chất đầy kinh nghiệm sống trực tiếp, bằng tự cởi bỏ những gì là hư ảo.

Tuy nhiên phải thấy Thiền giáo và thơ Thiền chẳng chống đối gì nhận thức thực tại bằng khoa học. Thiền chỉ muốn chỉ ra lối nhận thức khác có ý nghĩa trực tiếp hơn, nội tâm hơn, thực hơn và riêng tư hơn. Văn học, nghệ thuật là trường hoạt động của con người, trong đó sự khám phá trực tiếp chân lí là phương pháp chủ yếu, hầu như là phương pháp quan trọng nhất để nhận thức những chân lí trực giác bất cập đối với nhận thức khoa học. Sự nhận thức trực giác đó tỏ ra hữu hiệu đối với thơ Thiền.

Trong văn học nghệ thuật, chân lí được nhận thức chứa đựng yếu tố cảm xúc nhiều đến mức ý nghĩa của nó không thể nào đem thuyết minh một cách tương xứng bằng những mệnh đề logic. Chỉ riêng điều này cũng đủ thấy, không thể cảm thụ thơ Thiền bằng con đường duy lý. Nghệ thuật dạy cho con người sống trong cảm hứng. Trạng thái cảm hứng đánh thức sự liên tưởng bao gồm cả những liên tưởng vô thức, từ đó tạo ra sự hiểu biết tổng hợp phát huy năng lực tổng giác của con người.

Lối nhận thức của Thiền là chấp nhận đời sống như con người và sự vật đang sống. Nhận thức đó không chấp nhận sự chia xẻ ra từng mảnh và cố khôi phục cuộc sống bằng trí tuệ hay trừu tượng hóa. Lối nhận thức trong thơ Thiền duy trì đời sống như vốn có. Sáng tạo của người nghệ sĩ lúc ấy sẽ là chân thực, tự hiện hữu.

Đóa hoa không ý thức về mình. Chính nhà thơ đã đánh thức nó khỏi vô thức triền miên. Tenysơn đánh mất đóa hoa vì ông đã ngắt nó ra khỏi bức tường rêu xám, còn Ba Tiêu lại đạt được nó vì ông nhìn đóa nasuna khép nép nở bên bờ dậu hoang. Điều đó có khác gì đâu như Enxa Triôlê đã viết: “Nhà văn là người cho máu”, giọt máu ấy hồng hào trong đối tượng mô tả.

Hình tượng con người trong thơ Thiền được khai thác ở khía cạnh hùng tâm tráng chí, được nuôi dưỡng trong nguồn suối vĩnh hằng làm nên sức đẩy nội tại cho mỗi phút giây đang sống và làm chủ cuộc sống, mà trước hết là cái môi trường lịch sử và môi sinh vũ trụ có thể làm con người cao cả. Hình ảnh con người như thế trong thơ Thiền về sau vẫn tiếp nối hình ảnh con người “cắp ngang ngọn giáo” và “mài gươm dưới ánh trăng” trong “Cảm hoài” “Thuật hoài”... Con người ấy tự thắp đuốc lên mà đi với niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh con người tiếp thu được nguồn lực vĩnh hằng của sự tương tác thiên- địa- nhân. Thơ Thiền không phải chỉ là thơ của niềm tín ngưỡng mà còn là một lối sống mạnh mẽ của con người tài trí chẳng kém gì trong lịch sử giữ nước, dựng nước. Đây là lúc tu thân, tự khám phá, tự chứng nghiệm chân lí để đào luyện tinh thần. Chính vì vậy mà hình tượng con người trong thơ Thiền vượt khỏi tầm vóc một con người cụ thể để tự rọi sáng con người minh trí và thiện tâm. Đọc thơ Thiền, người ta cảm nhận được sự siêu phàm của tư thế con người khao khát vô lượng trước vũ trụ bao la. Đó là Quảng Nghiêm thiền sư nuôi chí xông trời thẳm:

            Nam nhi tự hữu xung thiên chí

Và một khi đã tin ở sự sáng láng của trí tuệ và nguồn lực vô tận của bản thể thì sức mạnh con người có thể mở ra mọi hướng đi đến khát vọng “búng tay phá đổ núi muôn trùng” (Tự thuật- Trần Thánh Tông).

Nếu thơ Thiền chỉ là thơ đạo hạnh của kẻ chân tu thì làm sao ta có thể cảm nhận được sức sống đang nảy sinh và trường tồn trong trời đất và tâm hồn. Sự minh triết của thơ Thiền không chỉ tổng kết cuộc đời một cách sáng suốt mà là hội nhập tiểu vũ trụ con người vào đại vũ trụ để sống thuận theo qui luật và chế ngự qui luật ấy bằng đạo tâm hay bản ngã bất diệt của mình:

            Xuân lai xuân khứ nghi xuân tận
            Hoa lạc hoa khai chỉ thị xuân

Hình ảnh nhành mai thanh mảnh yếu ớt vẫn tràn đầy sức sống. Sức sống ấy trong vòng quay luân hồi, nhân quả chắc chắn đến trong niềm tin và đến thật bất ngờ với niềm vui lớn lao kỳ lạ như sinh sản tự lòng người:

            Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
            Đêm qua sân trước nở nhành mai

Đọc thơ Thiền ta gặp sự thanh vắng trong trẻo của thiên nhiên. Thiên nhiên hiện hữu không đơn giản chỉ là tình yêu tạo vật mà là điểm tựa bình yên vĩnh cửu. Đời người là hạn hẹp nhưng thiên nhiên sẽ trường tồn. Nó là mơ ước hóa thân, là điểm tựa để con người thấy mình tồn tại trong sự bất diệt. Hình ảnh quen thuộc của thiên nhiên trong thơ Thiền là vầng trăng mở ra bao la trong đêm vắng, là biểu tượng của tâm thức Thiền:

            Trăng Lăng già sáng vằng vặc
            Sen Bát nhã ngát hương thơm.


Màu xanh ngăn ngắt, mở ra cõi tĩnh lặng lòng người trong thơ Không Lộ thiền sư, khi thì hiện lên trong sắc trời, lúc lại được biểu hiện gián tiếp qua dòng sông. Màu trăng và màu trời xanh trước hết là màu sắc tâm trạng thấm đượm triết lý thể nhập của con người vào vĩnh cửu để tìm lại sức sống tươi trẻ tận đầu nguồn.

            Nghìn màu xanh muôn vẻ thúy tràn ngập làng nước
            Góc bể chân trời là nơi nuôi dưỡng chân tính của ta
                                    (Tuệ Trung thượng sĩ)

Màu trời xanh biếc xa xăm là trạng thái tràn đầy của cõi chân tâm khi đã ngộ đạo, thấu triệt lẽ vô thường của cuộc đời.

Đó là cái vẻ “biếc một màu” sạch không, khi đám mây vô minh bị quét sạch trong thơ Trần Thái Tông để còn lại tâm hồn lặng trong, sáng láng.

            Ai hay mây cuốn trời quang tạnh
            Núi hiện chân trời biếc một màu

Bằng mọi cách, thơ Thiền đi tìm sự khẳng định trường sinh của con người. Nói thực ra, đó không phải là đi tìm sự tồn tại xác thân mà là niềm tin vĩnh cửu vào sự trở về bản ngã, đạo tâm và duyên nghiệp trong vòng chuyển vận giữa khoảnh khắc và cuộc đời, giữa cuộc đời con người và sự vĩnh hằng của vũ trụ. Thời gian trong thơ Thiền không đáng kể gì bởi vì:

            Chớp mắt vừng ô vừa ra khỏi phương Đông
            Ngoảnh đầu mặt trời đã lại đứng bóng

Con người trong thơ Thiền là con người phi thời gian trong thời gian ngắn ngủi. Cho nên chất lượng đời người là sự thể nhập và lặn sâu vào đời sống đang là đây, trước mắt và đang sục sôi ý chí.

Hiện hữu là vĩnh cửu không chờ đợi. Thơ Thiền không biết mong chờ mà luôn đưa đến sự nhập thế tích cực, quan tâm đến đời sống thế tục. Sống không đo đếm thời gian mà tự nhận ra mình đang sống và được sống trong vận động miên trường. Điểm đỉnh của sức sống ấy lại là những giây phút dừng lắng, kết tinh sự trường tồn trong trọn vẹn tỉnh thức của con mắt đại giác. Nói như Suduki, con người trong Thiền thi, tìm cách thoát sinh, im lặng thể nhập thanh bình, vĩnh cửu. Ở đây và bây giờ tương đương với tính không và vô hạn. Thơ Thiền có những khoảnh khắc đột biến trong chứng nghiệm chân lí. Đó là những cái giật mình bừng ngộ của cõi tâm linh và trí huệ:

            Hiểu thấu được thâm tâm mở bừng con mắt huệ
                                   
(Nguyễn Nguyên Học)

Trực giác mạnh mẽ làm nên chất thơ kỳ lạ trong thơ Thiền, tạo nên những hình ảnh bứt phá với nhịp điệu khỏe khoắn tràn trề sinh lực, làm thay đổi trạng thái an tịnh âm thầm, thành sự sống mãnh liệt đối lại với chính nó để cả hai cùng lộ rõ.

Một tiếng thét bùng nổ trên cao làm ớn lạnh bầu trời trong thơ Không Lộ là thế: 

            Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh
            Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư

Nhất thanh như tiếng thét ấy nghe kĩ thì vẫn là tiếng kêu thầm lặng mà thôi, vì nó ở riêng một đỉnh, trong một không gian xa lắc, con người muốn bay vào cõi ấy để thể nghiệm. Một sự thể nghiệm không có tiền lệ. Nghệ thuật của thơ Thiền chủ trương vô ngã để hữu ngã cao hơn trong tầm thước khác.

Dấu ấn con người vui sống vươn ra xa, chìm vào sâu là một bằng chứng thơ Thiền đã dồn đúc vào sức sống đang tồn tại, không hề xóa bỏ con người, cho dù nó chỉ là một chấm nhỏ trong vũ trụ mênh mông. Và con người được thừa nhận trước hết và được đề cao trước nhất là con người cá nhân cụ thể đang đối mặt với con người là đối tượng nhận thức.

Với nội dung khẳng định sức sống con người là tồn tại vĩnh cửu trong qui luật hóa thân, thơ Thiền tìm thấy một nghệ thuật diễn tả tuyệt diệu. Có thể nói trọng tâm cảm hứng của thơ Thiền được xây dựng xung quanh “cái đẹp cô đơn”.

Con người cô đơn đối mặt với thiên nhiên im vắng, không lời và con người cô đơn đối diện với chính mình. Số từ ít ỏi đặc biệt và số câu hạn định trong thơ Thiền thực sự nhằm vào sự độc âm, lời gọn và ý tứ khoáng đạt. Một chữ buông ra là kéo theo vô số nghĩa được gợi lên. Điều đó đem lại cảm xúc mơ hồ như một lợi thế hiển nhiên để có được không gian suy tưởng gắn chặt vào các từ đắt nhất mà người ta gọi là “cửa ải một từ” của sự kiệm ước tối đa lời nói. Theo Thiền, “nói ắt là không trúng”. Thơ Thiền chấp nhận cái buồn như một sự soi thấu nhân gian và nhìn ra cái chết tất yếu. Khoảnh khắc đang sống của con người đem lại sự yên vui thanh thản nhưng không dứt khỏi sự ám ảnh đời người hữu hạn, dù có cái giá đỡ của nó là tìm cách lao thẳng vào sự mênh mông vĩnh hằng của vũ trụ để tìm lại mình trong khởi nguyên chung của trời đất. Vì thế, mặt khác ta lại thấy sự thư thái đâu đó như sinh ra từ những vần thơ về cuộc sống bình thường của con người và những cố gắng siêu thoát tinh thần trong cuộc sống ấy bằng “sự quên” rất đặc trưng được gián tiếp trình bày với muôn vàn sự tỉnh ngộ hay “giật mình”... Đó là giấc ngủ say quên trời đất của ông chài trong thơ Không Lộ thiền sư. Đó là trạng thái quên trong khi “lò tàn, than lụi sáng nào hay” trong thơ Huyền Quang để thấy lại nỗi buồn của cảm giác hư không, cảm giác về cái không tồn tại, vì cái có và cái không cũng biểu hiện thoáng chốc rồi lại bị cuốn hút vào dòng trôi. Cuộc đời dường như mãi mãi là bắt đầu để có sự tươi tắn, tinh khôi của khởi nguyên con người bản thể. Đó cũng là nỗi buồn thanh thản khi ta nhận ra một miền đất quê hương huyền bí bên ngoài thời gian và những giới hạn của lịch sử, nơi mà sự trong trắng và niềm vui còn đọng lại.

Thơ Thiền mãi mãi bất ly thế gian để đi tìm một thái độ sống dứt khoát, để soi sáng ý nghĩa đời sống. Thiền luôn chống chọi với sự yếu mềm và lao vào bóng tối của con người. Hình thức nghệ thuật thơ Thiền là hiện sinh đời sống với nguyên lý phát hiện nguồn lực đa chiều, đa lượng để tiếp tục đi xa, vào sâu hơn đời sống khi tri thức con người tỏ ra bất lực. Nói khác đi, thơ Thiền là một biểu hiện sinh động và độc đáo của một hành vi nghệ thuật quay về với đời sống. Nguyên lý thơ Thiền không phải là tả cảnh, thoát phàm mà là sống đầy đủ và trọn vẹn trong sức sống tàng ẩn.

Thơ Thiền lần đầu tiên nói hay nhất về sự khám phá con người. Nó rót thêm giọt mật sống động, hân hoan và đắng chát về mặt đất và không bao giờ cạn kiệt sự sinh sôi. Thơ Thiền xứng đáng được chiêm ngưỡng như những đóa hoa trường sinh bí ẩn.

Tháng 5. 1999
N.T.H
(127/09-99)







 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN ĐĂNG MẠNH(Kỷ niệm 70 năm ngày mất nhà văn Vũ Trọng Phụng 1939 - 2009)Trong lĩnh vực văn chương, tác phẩm không hay, không có giá trị nghệ thuật thì chỉ là con số không, chẳng có gì để nói, để bàn. Người viết ra nó, dù cuộc đời có ly kỳ thế nào, người ta cũng chẳng quan tâm.

  • ĐỖ LAI THÚYHòn đất cũng biết nói năng(Nhại ca dao)

  • HOÀNG CẦMĐang những ngày hè oi ả, mệt lử người thì anh ấy mời tôi viết Bạt cho tập thơ sắp muốn in ra. Ai đời viết bạt cho tác phẩm người khác lại phải dành trang giấy đầu tiên để viết về mình? Người ta sẽ bảo ông này kiêu kỳ hay hợm hĩnh chăng? Nhưng cái anh thi sỹ tác giả tập thơ thì lại bảo: Xin ông cứ viết cho, dẫu là bạt tử, bạt mạng, thậm chí có làm bạt vía ai cũng được - Chết, chết! Tôi có thể viết bạt mạng chứ sức mấy mà làm bạt vía ai được.

  • ĐẶNG ANH ĐÀOTrong tác phẩm nghệ thuật, phân biệt thật rạch ròi cái gì là ý thức, sáng suốt, tự giác với cái gì vô ý thức, tự phát, cảm tính không phải là điều đơn giản. Ngay cả những nhà văn lãng mạn như Huygô, nhiều lúc sử dụng nhân vật chính diện như những cái loa phát biểu lý tưởng của mình, thế mà đã có lúc Kessler bịt miệng lại không cho tán tụng nhân vật Côdet và mắng rằng: Huygô anh chả hiểu gì về tác phẩm ấy hết", đồng thời tuyên bố rằng ông còn thích Epônin gấp bội lần "Côdet, cô nàng điệu đàng đã tư sản hóa ấy".

  • ĐỖ ĐỨC HIỂU…Với tôi, Balzac là Tiểu thuyết, và Tiểu thuyết là Balzac, - tiểu thuyết Balzac là "tiểu thuyết tuyệt đối", tức là nó biểu hiện tất cả sức mạnh sáng tạo của ông, tất cả cái "lực" của ý thức và tâm linh, của khoa học và tôn giáo, từ cấu trúc truyện và thời - không gian (chronotope), đến cấu trúc nhân vật, tất cả phối âm, tương ứng với nhau thành một dàn nhạc hoàn chỉnh…

  • HỮU ĐẠTKhông phải ngẫu nhiên, Trần Đăng Khoa lại kết thúc bài viết về Phù Thăng một câu văn rất là trăn trở: "Bất giác... Tôi nắm chặt bàn tay gầy guộc của Phù Thăng, lòng mơ hồ rờn rợn. Chỉ sợ ở một xó xỉnh nào đó, sau lùm cây tối sầm kia, lại bất ngờ cất lên một tiếng gà gáy..." Ta thấy, sau cái vẻ tếu táo bên ngoài kia lắng xuống một cái gì. Đó là điểm gợi lên ở suy nghĩ người đọc.

  • HÀ QUANG MINHTôi không muốn chỉ bàn tới cuốn sách của ông Khoa mà thôi. Tôi chỉ coi đó là một cái cớ để bàn luận về nền văn học nước nhà hiện nay. Là một người yêu văn học, nhiều khi tôi muốn quên đi nhưng vô tình vấn đề nẩy sinh TỪ "CHÂN DUNG VÀ ĐỐI THOẠI" đã trở thành giọt nước cuối cùng làm tràn ly và lôi tuột cái nỗi đau mà tôi muốn phớt lờ ấy. Phải, tôi thấy đau lắm chứ. Bởi lẽ ai có ngờ mảnh đất trong sáng mang tên văn học sao giờ đây lại ô nhiễm đến thế.

  • HOÀNG NGỌC HIẾN(góp phần định nghĩa minh triết)         (tiếp Sông Hương số 248)

  • Việc giải quyết thành công mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính hiện đại đã hình thành ra các trường phái âm nhạc như: âm nhạc Nga, Pháp, Mỹ, Trung Hoa . . .

  • Phê bình thi pháp học đã mang đến sức sống mới cho phê bình văn học Việt Nam. Một số nhà nghiên cứu cho rằng thi pháp học là phương pháp minh chứng cho thành quả thay đổi hệ hình nghiên cứu trong phê bình văn học.

  • Hiện nay trên thế giới, quan niệm về Nghệ thuật tạo hình, Nghệ thuật thị giác và Mỹ thuật mang ý nghĩa gần giống nhau. Nó bao gồm: hội họa, đồ họa, kiến trúc, điêu khắc, trang trí ứng dụng, video clip, sắp đặt v.v..Loại hình nghệ thuật này luôn xuất hiện bằng những hình ảnh (image) thu hút mắt nhìn và ngày càng mở rộng quan niệm, phương thức biểu hiện cũng như khai thác chất liệu. Tuy nhiên, để hiểu thế nào là nghệ thuật trong tranh, hoặc vẻ đẹp của một công trình nghệ thuật còn là câu hỏi đặt ra với nhiều người.

  • HÀ VĂN LƯỠNGPuskin không chỉ là nhà thơ Nga vĩ đại, nhà viết kịch có tiếng mà còn là nhà cải cách văn học lớn. Là người “khởi đầu của mọi khởi đầu” (M. Gorki) Puskin bước vào lĩnh vực văn xuôi với tư cách là một người cách tân trong văn học Nga những năm đầu thế kỷ. Những tác phẩm văn xuôi của ông đã đặt cơ sở vững chắc cho văn xuôi hiện thực và sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực phê phán Nga, góp phần khẳng định những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc.

  • ĐẶNG VIỆT BÍCHGần đây trên tuần báo Văn Nghệ đã có bài viết bàn về vấn đề đào tạo "Văn hóa học", nhân dịp Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra nghị quyết V về xây dựng một nền văn hóa, văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

  • PHAN TUẤN ANH “Cuộc nói chuyện của chúng ta đã cho tôi thấy rằng hết thảy những gì liên quan đến bản chất của ngôn ngữ mới ít được nghĩ đến làm sao”                                       (Martin Heidegger)

  • TRẦN ĐÌNH SỬVăn học sáng tác là nhằm để cho người đọc tiếp nhận. Nhưng thực tế là người đọc tiếp nhận rất khác nhau. Lý luận tiếp nhận truyền thống giải thích là do người đọc không sành.

  • NGUYỄN THANH HÙNGVăn học là cuộc sống. Quan niệm như vậy là chẳng cần phải nói gì thêm cho sâu sắc để rồi cứ sống, cứ viết, cứ đọc và xa dần mãi bản thân văn học.

  • LTS: Cuộc tranh luận giữa hai luồng ý kiến về nhân vật lịch sử Nguyễn Hiển Dĩnh, một mệnh quan triều đình Huế có công hay có tội vẫn chưa thuyết phục được nhau.Vấn đề này, Tòa soạn chúng tôi cũng chỉ biết... nhờ ông Khổng Tử "Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri giả" (biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, ấy là biết). Vậy nên bài viết sau đây của nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Nguyễn Đắc Xuân, chúng tôi xin đăng nguyên văn, tác giả phải gánh trọn trách nhiệm về độ chính xác, về tính khoa học của văn bản.Mong các nhà nghiên cứu, cùng bạn đọc quan tâm tham gia trao đổi tiếp.

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂNNăm 1998, Thành phố Đà Nẵng dự định lấy tên nhà soạn tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đặt cho con đường mới song song với đường 2 tháng 9 và đường Núi Thành. Nhưng sau đó qua một số tin bài của tôi đăng trên báo Lao Động nêu lên những điểm chưa rõ ràng trong tiểu sử của ông Nguyễn Hiển Dĩnh, UBND Thành phố Đà Nẵng thấy có một cái gì chưa ổn trong tiểu sử của Nguyễn Hiển Dĩnh nên đã thống nhất rút tên ông ra khỏi danh sách danh nhân dùng để đặt tên đường phố lần ấy. Như thế mọi việc đã tạm ổn.

  • Vừa qua nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân có viết một loạt bài về ông Nguyễn Hiển Dĩnh - một quan lại triều nguyễn, nhà soạn tuồng nổi tiếng Quảng Nam. Qua thư tịch, anh chứng minh Nguyễn Hiển Dĩnh tuy có đóng góp cho nghệ thuật tuồng cổ nhưng những hành vi tiếp tay cho Pháp đàn áp các phong trào yêu nước ở Quảng Nam quá nặng nề nên không thể tôn xưng Nguyễn Hiển Dĩnh là danh nhân văn hoá của việt Nam như Viện Sân khấu và ngành văn hoá ở Quảng Nam Đà Nẵng đã làm. Qua các bài viết của Nguyễn Đắc Xuân có những vấn đề lâu nay ngành văn hoá lịch sử chưa chú ý đến. nhà báo Bùi Ngọc Quỳnh đã có cuộc đối thoại lý thú với anh về những vấn đề nầy.

  • ĐỖ NGỌC YÊNVào những năm 70 của thế kỷ, ở nhiều nước phương Tây tràn ngập không khí của cuộc khủng hoảng gia đình, làm cho nhiều người rất lo ngại. Một số kẻ cực đoan chủ trương xóa bỏ hình mẫu gia đình truyền thống. Nhưng cái khó đối với họ không phải là việc từ bỏ hình mẫu gia đình cũ - mặc dù trên thực tế việc làm đó không phải dễ - mà vấn đề đâu là hình mẫu gia đình mới.