Thơ miền Trung đang nói gì

09:09 21/08/2009
HOÀNG VŨ THUẬTChúng ta đã có nhiều công trình, trang viết đánh giá nhận định thơ miền Trung ngót thế kỷ qua, một vùng thơ gắn với sinh mệnh một vùng đất mà dấu ấn lịch sử luôn bùng nổ những sự kiện bất ngờ. Một vùng đất đẫm máu và nước mắt, hằn lên vầng trán con người nếp nhăn của nỗi lo toan chạy dọc thế kỷ. Thơ nảy sinh từ đó.

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật - Ảnh: maivanhoan.vnweblogs.com

Người Quảng Bình, Quảng Trị còn tự hào được sống trên đất đai mà ông vua Chiêm lãng tử cắt ra, làm sính lễ cho đám cưới công chúa vua Trần - Trần Huyền Trân. Một chuyện tình đầy lãng mạn, bi tráng, pha chút ngông cuồng. Chuyện tình ấy như câu thơ miền Trung vừa có cái hương vị ngọt ngào, đằm thắm, vừa có cái đau thương, thấm đẫm của sự bạo liệt.

Với lẽ đó, tôi xin được bày tỏ đôi điều về thơ miền Trung hôm nay. Thơ đang nói gì trong sự vận động, chuyển hoá của cảm thức trước giao thời lịch sử?

Cám ơn các thế hệ nhà thơ đã đi qua suốt thể kỷ 20. Có thể lấy mốc từ phong trào “Thơ Mới” trở về sau làm ví dụ.

Nhưng phải nhìn nhận rằng, thơ miền Trung ngày nay không hoàn toàn nằm trong đường hướng chi phối của phong trào “Thơ Mới” được khởi xướng từ năm 1932, cũng không phải là bước phát triển tiếp theo của “Thơ mới”. Từ sau Cách mạng Tháng 8 đến năm 1975, xu hướng hiện thực đã là cốt lõi của thơ. Đây là thời kỳ thơ miền Trung làm công việc kháng chiến, kiến quốc. Thơ vào cuộc, tạm thời dấu mọi ngóc ngách riêng tư của con người, nén chịu đau thương mất mát để nói tiếng nói chung, đồng điệu về tâm hồn và gặp nhau về quan phương sáng tạo. Nhiều nhà thơ trước khi cầm bút họ từng cầm súng, cầm phấn cầm cuốc xẻng. Thơ anh hùng và nhà thơ cũng anh hùng.

Từ năm 1975 trở đi, nhất là thời kỳ đổi mới, thơ miền Trung có sự chuyển hướng đáng kể. Điều này chứng minh mỗi khi tiêu chí xã hội rộng mở, thơ luôn luôn cập nhật với đời sống thay đổi, diễn ra mọi nơi, mọi lúc. Đây là thời kỳ mà quyền sáng tạo của nhà thơ được tôn trọng, được đề cao. Họ có thể viết cái mà đôi khi suốt cuộc đời bị dồn nén chưa có điều kiện bộc lộ. Họ có thể vạch đường riêng cho mình mà bấy lâu ngõ hầu bị cánh rừng chung che phủ. Họ có thể tìm tòi, thể nghiệm cái chưa thấy, chưa nghĩ tới bao giờ. Thơ len lỏi cả vào những vùng khuất lấp của bản thể con người. Miễn sao vươn tới cái đích cao cả của nghệ thuật, vươn tới chính bản thân thơ.

Sự chuyển hướng thơ thời kỳ này là cuộc trắc nghiệm về nhận thức, nhìn lại chính mình nên nó phát triển khá phong phú, nhiều màu sắc: siêu thực - hiện thực, vô thức - ý thức,cảm giác - trực giác, ngôn ngữ - thoát ly ngôn ngữ... Có lẽ cũng vì thế mà các nhà thơ đã làm quấy đảo tâm trí nhiều nhà phê bình, kinh điển và những nhà phê bình mới xuất hiện chăng?..

Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phân hoá đội ngũ những người làm thơ thuộc nhiều thế hệ. Nhiều người cho rằng, bấy lâu anh viết thế nào thì nay hãy viết thế ấy. Nhiều người tìm cách bứt phá chính mình để đi đến cái mới hơn, hợp lý hơn. Nhiều người phủ nhận cái đã qua và chọn cái hoàn toàn mới lạ, đôi khi còn xa lạ nữa.

Nói gì thì nói, nhưng khi đọc từng tác giả, ai cũng thừa nhận mỗi người đều có sự chuyển dịch, thay đổi cả về phương hướng sáng tác và quan điểm thẩm mỹ. Có một Thanh Thảo ngoài Thanh Thảo, Một Nguyễn Duy ngoài Nguyễn Duy. Một Thạch Quỳ, Nguyễn Trọng Tạo, Bùi Minh Quốc, Ngô Thế Oanh, Thanh Quế, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây. Một Ngô Minh, Nguyễn Khắc Thạch, Lê Văn Ngăn, Ngân Vịnh, Đông Trình, Inrasara, Hồng Nhu, Hải Kỳ, Xuân Hoài, Vĩnh nguyên. Một Từ Quốc Hoài, Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Thanh Mừng, Trần thị Huyền Trang, Lệ Thu. Một Văn Đắc, Dương Ánh, Văn Công Hùng, Mạnh Lê, Mai Ngọc Thanh, Nguyễn Ngọc Phú... nằm ngoài họ. Sự thay đổi mặc nhiên, đến mức đôi khi tự thân nhà thơ không thấy được. Bởi không ai chịu viết lại cái cảm xúc mình đã viết rồi, đi lại trên những lối mòn quá quen thuộc đã đi.

Vấn đề đặt ra là, không chỉ tôn trọng các quan điểm sáng tác, các xu hướng sáng tác đa chiều, đa phương là đủ, mà nhà văn phải tôn trọng lao động của nhà văn. Đó chính là tôn trọng quyền năng sáng tạo mà hàng chục năm qua do hoàn cảnh lịch sử, nhà văn buộc phải tạm thời chối bỏ, tuyệt đối hoá phương pháp sáng tác vì một mục tiêu chung của cả dân tộc. Sự nghiệp đổi mới văn học trả về cho văn học đúng bổn phận của nó. Đây là điều phát triển tất yếu của một nền văn học chân chính. Nhưng không phải không làm cho nhiều nhà văn ngỡ ngàng, băn khoăn bởi một thói quen từng ngự trị trong tư duy bấy lâu. Hình như do chưa quen với môi trường mới - môi trường tự do sáng tạo, nên có tình trạng nhà văn lạ lẫm trước những thi pháp sáng tạo mới, hoặc không chịu công nhận nó. Thực chất đó cũng là biểu hiện của tính ích kỷ, bảo thủ nghệ thuật, tư tưởng cực đoan, làm kìm hãm sự phát triển của nền văn học thời mở cửa.

Từ khiếm khuyết này, không ít tờ báo, tạp chí địa phương thực hiện phương châm “bế quan toả cảng” nghệ thuật. Tỉnh nào đăng bài tỉnh đó, thiếu mở rộng giao lưu, trao đổi, học hỏi, bổ sung cho nhau, ắt sẽ rơi vào tình huống tự bằng lòng, thoả mãn việc mình đã làm, đội ngũ mình đã có. Ấy là chưa nói đến bệnh ấu trĩ, tụt hậu trong nhìn nhận, đánh giá văn học thiếu khách quan, qui chụp, thái quá ở một số nơi, một số tờ báo đã làm.

Những năm gần đây miền Trung xuất hiện một thế hệ những người làm thơ trẻ, như Văn Cầm Hải, Phạm Nguyên Tường, Hải Trung ở Huế, Nguyễn Hữu Hồng minh, Trần Tuấn ở Đà Nẵng, Lê Thị Mỹ Ý ở Quảng Bình, Nguyễn Thị Thái, Lê Vĩnh Tài ở Đắc Lắc, Phùng Tấn Đông ở Quảng Nam, Phan Tùng Lưu ở Hà Tĩnh, Nguyễn Văn Hùng ở Nghệ An... Họ đang nói gì với thơ miền Trung hôm nay? Họ là ai trong dòng chảy văn học đương đại.

Đọc các tác giả này mỗi người có một bước đi riêng, không ai giống nhau. Giống chăng ở những ý tưởng táo bạo, mạnh mẽ, những khuynh hướng sáng tác mà các nhà thơ lớp trước còn băn khăn. Mỗi người trong số họ là một dấu hiệu, một tín hiệu. Thừa nhận họ hay không thừa nhận? Hạ thấp, đề cao, hay chờ xem? Điều đáng lưu tâm, khi các nhà thơ trẻ này viết bằng thể loại truyền thống như lục bát, thất ngôn, tứ tuyệt, thì cấu tứ, hình tượng ngôn ngữ, chất thơ vẫn rất mới, đủ làm cho chúng ta suy nghĩ.

Vậy mà trong số các nhà thơ trẻ này đã có người phải chịu nhiều tai tiếng, thậm chí còn coi họ như kẻ quấy nhiễu địa hạt bình yên của thơ ca. Trong khi họ đến với thơ bằng tấm lòng trong sáng, thiện cảm, mong mỏi mình sẽ làm được điều gì đó, cho dù rất nhỏ ở chặng đầu tiên cuộc đời.

Tại sao trong chúng ta có người lại không lấy làm vui mừng, trân trọng trước sự ra đời của thế hệ cầm bút mới? Tại sao chúng ta không đặt vào nơi họ một niềm tin, hy vọng ở họ? Giả sử có những quan điểm chưa thật sự thống nhất, cũng nên bình tĩnh trao đổi trên tinh thần xây dựng, lấy học thuật làm chính. Chẳng lẽ thế kỷ 21 lại chờ đợi ở những người cầm bút hôm qua, mà hẹp vòng tay đón nhận những người cầm bút thế hệ mới hôm nay?

Sau cùng tôi xin được đề cập thêm vai trò đối tác của thơ. Hàng chục năm qua độc giả quen thơ như thứ ngôn ngữ đời thường, bởi cái chất đời thường, ý tưởng, hình tượng dễ hiểu, dễ nhớ, đễ thuộc. Giờ đây bên cạnh luồng mạch thông dụng kia, xuất hiện nhiều luồng mạch mới hơn, lạ hơn. Tự nhiên như thể thơ đang rời bỏ công chúng. Hoặc nói ngược lại công chúng đang quay lưng với thơ. Chẳng lẽ để được công chúng dễ dàng chấp nhận, thơ phải “án binh bất động”, cam chịu sự già nua của thời gian hay sao? Thưa rằng liên tục vận động để thể hiện thiên chức của mình là con đường duy nhất tồn tại của thơ. Không có sự vận động nào mà không làm thay đổi, chuyển hoá sự vật, chuyển hoá cả đời sống tinh thần, tư tưởng con người.

Nhà thơ Henri Deluy sinh năm 1931, được coi là một trong các nhân vật chủ chốt của thơ Pháp đương đại vừa sang Việt Nam, ông phát biểu rằng: “Tôi tin không có nhà thơ nào cố tình làm cho thơ mình khó hiểu. Song cần chú ý điều này: Thơ không phải là một sản phẩm tự nhiên như mấy thứ trái cây trên bàn này, thơ là sản phẩm văn hoá, trong một bài thơ hôm nay có tất cả quá khứ của thơ dân tộc và nhân loại. Cho nên thơ khó là tất nhiên. Thưởng thức thơ cũng đòi hỏi tập luyện như xem tranh, nghe nhạc vậy. Không thể đòi nhà thơ viết dễ đi để cho người có trình độ thấp nhất hiểu được, tại sao không làm ngược lại là nâng cao trình độ thưởng thức của quần chúng?” (+).

Rõ ràng việc nâng cao trình độ thưởng thức thơ của công chúng là cấp thiết, bức bách. Đây không phải đòi hỏi riêng của thơ, mà là sự đòi hỏi của dân trí, của văn hoá trong sự phát triển.

Nếu chúng ta coi công việc đổi mới của đất nước mang lại cho thơ sự đổi mới sâu sắc trong tư duy và nghệ thuật sáng tạo, thì cũng nên đặt ra vấn đề đổi mới thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Được như vậy thơ sẽ có quảng trường rộng mở, thênh thang cho mọi thế hệ nhà thơ bình đẳng tới đó mà không bị vướng bận, liên lụy bất cứ điều gì.

H.V.T
(184/06-04)

-------------
(+) Báo Lao Động Chủ Nhật số: 203/2002, ngày 4/8/2002

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • LÝ VIỆT DŨNGThiền tông, nhờ lịch sử lâu dài, với những Thiền ngữ tinh diệu kỳ đặc cùng truyền thuyết sinh động, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Á đông xưa và thấm nhuần văn hóa Tây phương ngày nay nên đã cấu thành một thế giới Thiền thâm thúy, to rộng.

  • TRẦN HUYỀN SÂM1. Theo tôi, cho đến nay, chúng ta chưa có những đánh giá xác đáng về hiện tượng Xuân Thu nhã tập: Cả trên phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn sáng tác. Có phải là nguyên do, nhóm này đã bị khoanh vào hai chữ “BÍ HIỂM”?

  • PHI HÙNGĐỗ Lai Thuý đã từng nói ở đâu đó rằng, anh đến với phê bình (bài in đầu tiên 1986) như một con trâu chậm (hẳn sinh năm Kỷ Sửu?).Vậy mà đến nay (2002), anh đã có 4 đầu sách: Con mắt thơ (Phê bình phong cách thơ mới, 1992, 1994, 1998, 2000 - đổi tên Mắt thơ), Hồ Xuân Hương - hoài niệm phồn thực (Nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương từ tín ngưỡng phồn thực, 1999), Từ cái nhìn văn hoá (Tập tiểu luận, 2000), Chân trời có người bay (Chân dung các nhà nghiên cứu, 2002), ngoài ra còn một số sách biên soạn, giới thiệu, biên dịch...

  • TRẦN ĐỨC ANH SƠNCuối tuần rảnh rỗi, tôi rủ mấy người bạn về nhà làm một độ nhậu cuối tuần. Rượu vào lời ra, mọi người say sưa bàn đủ mọi chuyện trên đời, đặc biệt là những vấn đề thời sự nóng bỏng như: sự sa sút của giáo dục; nạn “học giả bằng thật”; nạn tham nhũng...

  • HỒ VIẾT TƯSau buổi bình thơ của liên lớp cuối cấp III Trường Bổ túc công nông Bình Trị Thiên, dưới sự hướng dẫn của thầy Trần Văn Châu dạy văn, hồi đó (1980) thầy mượn được máy thu băng, có giọng ngâm của các nghệ sĩ là oai và khí thế lắm. Khi bình bài Giải đi sớm.

  • PHAN TRỌNG THƯỞNGLTS: Trong hai ngày 02 và 03 tháng 3 năm 2006, tại thủ đô Hà Nội đã diễn ra Hội nghị lý luận – phê bình văn học nghệ thuật toàn quốc. Trên 150 nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình đã tham dự và trình bày các tham luận có giá trị; đề xuất nhiều vấn đề quan trọng, thiết thực của đời sống lý luận, phê bình văn học nghệ thuật hiện đại ở nước ta, trong đối sánh với những thành tựu của lý luận – phê bình văn học nghệ thuật thế giới.

  • NGUYỄN TRỌNG TẠO1. Con người không có thơ thì chỉ là một cái máy bằng xương thịt. Thế giới không có thơ thì chỉ là một cái nhà hoang. Octavio Paz cho rằng: “Nếu thiếu thơ thì đến cả nói năng cũng trở nên ú ớ”.

  • PHẠM PHÚ PHONGTri thức được coi thực sự là tri thức khi đó là kết quả của sự suy nghĩ tìm tòi, chứ không phải là trí nhớ.                       L.Tonstoi

  • TRẦN THANH HÀTrong giới học thuật, Trương Đăng Dung được biết đến như một người làm lý luận thuần tuý. Bằng lao động âm thầm, cần mẫn Trương Đăng Dung đã đóng góp cho nền lý luận văn học hiện đại Việt đổi mới và bắt kịp nền lý luận văn học trên thế giới.

  • PHẠM XUÂN PHỤNG Chu Dịch có 64 quẻ, mỗi quẻ có 6 hào. Riêng hai quẻ Bát Thuần Càn và Bát Thuần Khôn, mỗi quẻ có thêm một hào.

  • NGÔ ĐỨC TIẾNPhan Đăng Dư, thân phụ nhà cách mạng Phan Đăng Lưu là người họ Mạc, gốc Hải Dương. Đời Mạc Mậu Giang, con vua Mạc Phúc Nguyên lánh nạn vào Tràng Thành (nay là Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An) sinh cơ lập nghiệp ở đó, Phan Đăng Dư là hậu duệ đời thứ 14.

  • HỒ THẾ HÀLTS: Văn học Việt về đề tài chiến tranh là chủ đề của cuộc Toạ đàm văn học do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 20 tháng 12 năm 2005. Tuy tự giới hạn ở tính chất và phạm vi hẹp, nhưng Toạ đàm đã thu hút đông đảo giới văn nghệ sĩ, nhà giáo, trí thức ở Huế tham gia, đặc biệt là những nhà văn từng mặc áo lính ở chiến trường. Gần 20 tham luận gửi đến và hơn 10 ý kiến thảo luận, phát biểu trực tiếp ở Toạ đàm đã làm cho không khí học thuật và những vấn đề thực tiễn của sáng tạo văn học về đề tài chiến tranh trở nên cấp thiết và có ý nghĩa. Sông Hương trân trọng giới thiệu bài Tổng lược và 02 bài Tham luận đã trình bày ở cuộc Toạ đàm.

  • TRẦN HUYỀN SÂM1. Tại diễn đàn Nobel năm 2005, Harold Pinter đã dành gần trọn bài viết của mình cho vấn đề chiến tranh. Ông cho rằng, nghĩa vụ hàng đầu của một nghệ sĩ chân chính là góp phần làm rõ sự thật về chiến tranh: “Cái nghĩa vụ công dân cốt yếu nhất mà tất cả chúng ta đều phải thi hành là... quyết tâm dũng mãnh để xác định cho được sự thật thực tại...

  • NGUYỄN HỒNG DŨNG"HỘI CHỨNG VIỆT NAM"Trong lịch sử chiến tranh Mỹ, thì chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh mà người Mỹ bị sa lầy lâu nhất (1954-1975), và đã để lại những hậu quả nặng nề cho nước Mỹ. Hậu quả đó không chỉ là sự thất bại trong cuộc chiến, mà còn ở những di chứng kéo dài làm ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống Mỹ, mà người Mỹ gọi đó là "Hội chứng Việt Nam".

  • BÍCH THUNăm 2005, GS. Phong Lê vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước về Khoa học với cụm công trình: Văn học Việt Nam hiện đại - những chân dung tiêu biểu (Nxb ĐHQG, H, 2001, 540 trang); Một số gương mặt văn chương - học thuật Việt hiện đại (Nxb GD, H, 2001, 450 trang); Văn học Việt hiện đại - lịch sử và lý luận (Nxb KHXH. H, 2003, 780 trang). Đây là kết quả của một quá trình nghiên cứu khoa học say mê, tâm huyết và cũng đầy khổ công, vất vả của một người sống tận tụy với nghề.

  • THÁI DOÃN HIỂU Trong hôn nhân, đàn bà lấy chồng là để vào đời, còn đàn ông cưới vợ là để thoát ra khỏi cuộc đời. Hôn nhân tốt đẹp tạo nên hạnh phúc thiên đường, còn hôn nhân trắc trở, đổ vỡ, gia đình thành bãi chiến trường. Tình yêu chân chính thanh hóa những tâm hồn hư hỏng và tình yêu xấu làm hư hỏng những linh hồn trinh trắng.

  • NGUYỄN THỊ MỸ LỘCLà người biết yêu và có chút văn hóa không ai không biết Romeo and Juliet của Shakespeare, vở kịch được sáng tác cách ngày nay vừa tròn 410 năm (1595 - 2005). Ngót bốn thế kỷ nay Romeo and Juliet được coi là biểu tượng của tình yêu. Ý nghĩa xã hội của tác phẩm đã được thừa nhận, giá trị thẩm mĩ đã được khám phá, hiệu ứng bi kịch đã được nghiền ngẫm... Liệu còn có gì để khám phá?

  • NGUYỄN VĂN HẠNH1. Từ nhiều năm nay, và bây giờ cũng vậy, chúng ta chủ trương xây dựng một nền văn nghệ mới ngang tầm thời đại, xứng đáng với tài năng của dân tộc, của đất nước.

  • HỒ THẾ HÀ(Tham luận đọc tại Hội thảo Tạp chí văn nghệ 6 tỉnh Bắc miền Trung)