Thơ chữ Hán "Lộc Minh Đình Thi Thảo" của Ưng Bình Thúc Giạ Thị

11:20 27/08/2008
HỮU VINH Chúng ta đã thưởng thức thơ, ca Huế, ca trù, hò, tuồng của thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị, một nhà thơ lừng lẫy của miền sông Hương núi Ngự. Nhưng nói đến sự nghiệp văn chương của thi ông mà không nói đến thơ chữ Hán của thi ông là một điều thiếu sót lớn.

Thi ông Ưng Bình Thúc Giạ đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam tất cả 197 bài thơ chữ Hán, nếu kể một bài thơ thuộc loại tám câu, thì thi ông đã sáng tác hơn 210 bài theo lối thơ Đường luật. Phần nhiều đều là những bài thơ thật tuyệt vời không những về hình thức lẫn nội dung.
Thơ chữ Hán của Ưng Bình trong tập "Lộc Minh Đình thi thảo" cô đọng, thâm thuý, ý thơ dạt dào, hồn thơ tươi mát, đầy dẫy tình người và những hình ảnh đẹp đẽ của phong cảnh núi non sông nước. Phong cảnh thiên nhiên thường hay được lồng thêm yếu tố con người, làm cho phong cảnh đã đẹp lại càng đẹp thêm, càng đầy ý thơ hơn. Thơ chữ Hán của thi ông có thể được xếp vào loại ngang hàng với thơ của các bậc thi bá nổi tiếng thời Đường, Tống của Trung Quốc, có thể sánh vai với thơ Vương Duy mà Tô Đông Pha đã khen "Trong thơ có hoạ, trong hoạ có thơ". Và cũng không thua gì thơ văn của ông cha ngày trước là Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương.
Thơ chữ Hán của Ưng Bình có những đặc điểm sau đây:
1. Thơ chữ Hán trong tập "Lộc Minh Đình thi thảo " của Ưng Bình Thúc Giạ Thị đa dạng. Nói chung, thi ông xoay quanh chữ "Tình". Tình đối với núi sông non nước, tình đối với thiên nhiên, tình bạn thơ ca, tình bạn ở quan trường, tình bạn bè thâm giao, tình với cô đào của ca trù và ca Huế.
2. Tình của thi sĩ thường được thể hiện qua những "nỗi buồn". Buồn của thi ông cũng đa dạng, nhưng cũng rất đặc biệt. Thi ông không buồn như nỗi buồn day dứt, than thở sinh không gặp thời như phần đông các thi gia đời Tống, Đường. Thi ông cũng buồn vì ly loạn chiến tranh, nhưng không buồn tê tái như Đỗ Phủ, không buồn man mác như Lý Bạch, không buồn yếm thế như Lý Thương ẩn. Trái lại, người làm quan án Sát mà lúc nào cũng say sưa với cái đẹp của vũ trụ, cái đẹp của thiên nhiên và buồn một cách nhẹ nhàng, thanh tươi. Thi ông buồn vì xa nhà, nhớ quê; buồn vì xa bạn, xa cô đào; buồn vì thiếu người để cùng ngao du sơn thuỷ; buồn vì mưa thu; buồn vì xa người ruột thịt v.v. Do đó thơ chữ Hán của thi ông có sự thu hút mãnh liệt đối với đa số người đọc, vì lời thơ thanh thoát, mộc mạc nhưng hồn thơ thì tế nhị, sâu sắc.
3. Thơ của thi ông thường hay ghi lại những vết tích lịch sử, địa lý và xã hội cho nên rất gần gũi và dễ cảm nhịp với con tim của người đọc cùng xứ sở. Chúng ta có thể cùng được thưởng thức phong cảnh tuyệt vời ở những nơi danh thắng mà trong đó còn có những nhân vật nổi tiếng có liên quan đến lịch sử, văn học và xã hội đương thời.
Cuộc đời của thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị là cuộc đời của những bậc đường quan, nhưng cũng là của những kẻ tao nhân mặc khách. Gió mát, trăng thanh, phong cảnh, trời thu, tình yêu đều là những yếu tố cần thiết, là nguồn thơ không thể thiếu. Phần nhiều các thi sĩ sống và sáng tác vì cô đơn, yêu cô đơn, lấy sự cô đơn, sự khổ đau làm lẽ tự nhiên cho nguồn sáng tạo. Thi ông thì trái ngược, lấy tình người làm gốc chốt, lấy ngoại cảnh thiên nhiên để cảm hứng, để dệt thành những vần thơ ngọt ngào, thanh thoát và đầy ắp tình người luyến lưu, đậm đà. Thi ông thường hứng tạo những vần thơ về tình người trong những lúc cùng bè bạn ngao du sơn thuỷ, chơi thuyền, trèo núi; hay trong những lúc ngâm thơ xướng họa; hay trong những lúc hò hát; hay trong những phút nhớ nhung vì xa cách. Do vậy, trong cuộc đời của thi ông, bạn bè, ca nữ và thiên nhiên là những yếu tố quan trọng.

Tập thơ chữ Hán viết tay nhưng đẹp như in. Nét chữ viết bằng bút lông, nhỏ nhưng rất rõ ràng và chính xác. Ngoại trừ những chữ Hán viết theo tục lệ dân gian, những chữ Hán đặc biệt dùng để tránh chữ húy ra thì chữ viết trong tập cũng đã tự chứng minh thâm lực thư pháp hùng hậu của người viết. Tập thơ chia thành hai cuốn: Quyển 1 và Quyển II.
Quyển I là tập thơ ghi lại những bài thơ của cụ từ lúc mới ra làm quan ở Hòa Vang Quảng cho tới lúc về hưu trí ở Huế. Thơ được ghi lại theo từng năm và với chức tước hiện tại, thế nên nghiên cứu Quyển I chúng ta có thể biết được cuộc đời và sự nghiệp thơ của cụ trong suốt thời gian làm quan. Còn Quyển II toàn là thơ cụ làm lúc đã về hưu, giao du cùng với các bậc thượng lưu thời đó như các quan lại dòng Nguyễn Khoa, cụ Huỳnh Thúc Kháng và Đại thần Đỗ Phú Túc, người đi sứ cuối cùng trong triều Nguyễn qua Trung Quốc v.v.
Tập thơ chữ Hán của thi ông hầu như là tập thơ hoạ với thơ của các bạn thơ. Thi ông có rất nhiều bạn bè. Song thi ông thường hoạ thơ và nhắc nhở đến nhiều lần với mối cảm tình nồng nàn, đậm đà là những người như ông Thúc Thuyên, Đông Chi, Đông Trì và Hà Thiếu Trai.
Thi sĩ thì ai cũng lắm tình, nhưng mối tình ruột thịt của thi ông đã đặc biệt dành cho Thúc Thuyên thì thật đậm đà, được thể hiện qua tám bài thơ còn để lại trong tập thơ chữ Hán có liên quan đến Thúc Thuyên. Thượng Thư Thúc Thuyên, không ai khác hơn là người em ruột của thi ông, tuổi tác gần kề, cũng yêu thơ và cũng là quan lớn trong triều đình nhà Nguyễn. Đều cùng là những bậc đại quan trong triều, việc quan gánh nặng trên vai, Thúc Thuyên và Thúc Giạ đều phải rày đây mai đó, nhậm chức ở những nơi khác biệt. Anh em hiếm lúc đoàn tụ sinh sống bên nhau. Tuy nhiên không phải vì thế mà tình cảm anh em ruột thịt xa mặt cách lòng. Song ý trời không thay đổi được. Năm Ât Hợi (1935), lúc Thúc Giạ về hưu được hai năm thì Thúc Thuyên mất. Thúc Thuyên qua đời sớm, để lại trong lòng Thúc Giạ nỗi sầu vô hạn. Một năm sau (vào năm 1936), sau khi Thúc Thuyên mất, Thúc Giạ, dạo thuyền ngang qua nhà mát của Thúc Thuyên, nơi ngày xưa Thúc Giạ đã cùng Thúc Thuyên ngồi hóng gió mát, cùng làm thơ. Thúc Giạ nhớ em bùi ngùi:
Thanh thảo trì đường mộng dĩ phi
Tẩy bôi giang thượng điếu tà huy
Lương đình cổ độ kinh qua xứ
Trường đoạn Lô hoa không tự phi

Nhạn trận kinh hàn ỷ bích không
Thu thâm phong diệp bán phi hồng
Mỗi tư sách họa lương đình cú
Lệ sái giang đầu khấp vãn phong

Thử địa phồn hoa kim dĩ không
Thảo hoa do chiếu tịch dương hồng
Lưu thương khúc thủy liêu tân cú
Vi hữu ngư ca thu dạ phong

Dịch thơ:
Cỏ xanh ao nước mộng tan rồi
Rót rượu trên sông cúng nắng rơi
Qua bến đò xưa đình hóng mát
Hoa lau phất phới dạ tơi bời
 
Lạnh về đàn nhạn vút trời xanh
Thu muộn vàng trông ngập lá cành
Nhớ thuở họa thơ đình hóng mát
Gió chiều rào rạt lệ rơi nhanh
 
Đâu rồi đây chốn thắm vườn hoa
Hoa cỏ còn trông rực nắng tà
Rượu đổ sóng vờn buồn chẳng nói
Đêm thu gió lộng tiếng chài ca

                                     (Bản dịch của Hữu Vinh)
Thúc Giạ nhìn cảnh cũ, lau lách vẫn như xưa, phất phơ theo làn gió nhẹ, rót chén rượu đổ xuống dòng nước chảy dưới ánh nắng chiều đỏ ối để tưởng nhớ người xưa. Trời gió mùa thu Huế đã trở về, cây lá bên bờ sông đã trở vàng, nhớ lúc xưa, ở đây ta cùng em xướng họa, mà nay chỉ còn tiếng gió rì rào, nước mắt Thúc Giạ lả tả rơi. Em đâu? hoa xưa còn đấy, vẫn nở rộ, vẫn rực rỡ dưới ánh chiều tà, giờ chỉ còn yên lặng, rót chén rượu cúng xuống dòng sông, nghe gió thu trên sông lồng lộng, đâu đây văng vẳng tiếng hát của thuyền chài!
Dòng họ Nguyễn Khoa là dòng họ lớn và nổi tiếng ở Huế, con cháu của Nguyễn Khoa Đăng, làm quan đến chức Nội Tán Hầu, thời chúa Nguyễn, có công dẹp sóng dữ ở phá Tam Giang mà dân gian đã có câu ca tụng như sau "Thương em anh cũng muốn vô, sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam giang". Dòng họ Nguyễn Khoa có rất nhiều người nổi tiếng và có công với đất nước. Thi ông hay nhắc nhở và thơ đi thơ lại với các bạn thơ mang dòng họ Nguyễn Khoa, như Thượng thư bộ Kinh tế Nguyễn Khoa Kỳ, Hộ bộ Thượng thư Bình Nam Nguyễn Khoa Tân. Nhất là thường hay cùng bạn hữu ngao du sơn thủy rồi cuối cùng dừng chân cùng đàm đạo với các sư cụ trong các chùa Ba La Mật, Trà Am và chùa An Lạc, ba ngôi chùa nổi tiếng ở Huế do hậu duệ của Nội Tán Hầu Nguyễn Khoa Đăng dựng nên.
Bình sơn sơn hạ thiểu chinh trần
Hệ mã chiêu đề vấn chủ nhân
Thân thị trủng thần tâm thị Phật
Nhật đàm kinh tế dạ kinh văn

An Lạc đình viên an lạc thân
Thủy quang sơn sắc tĩnh phong trần
Danh lam thị xứ thuỳ vi chủ
Hán tướng Đường tăng diệc thử nhân

Cổ bách thương tùng bạn thuý lâu
Diễm đàm danh thế hữu danh lưu
Bốc cư thử địa phi vô ý
Mao thổ tương lân Nội Tán Hầu
Dịch thơ:
Nấp bóng non Bình chinh chiến êm
Đến thăm thử hỏi chủ nhân xem
Thân làm quan lớn tâm là Phật
Kinh tế lo ngày kinh tụng đêm

Chùa vườn An lạc dễ tu thân
Cảnh vật nên thơ rửa bụi trần
Đây chốn danh lam ai hỏi chủ
Chùa tăng là cũng bậc triều thần

Tùng bách rờn xanh một cảnh lầu
Tiếng dòng danh giá đã từ lâu
Nơi đây đã cố đem lòng chọn
Gần đất lăng quan Nội Tán hầu

                                     (Bản dịch của Hữu Vinh)
Suốt cuộc đời thi ca của thi ông, ca nữ đóng vai trò quan trọng. Từ lúc làm quan ở khắp các tỉnh Trung Kỳ, thi ông có rất nhiều cô đào hát ca trù, ca Huế thân thiết quây quần bên thi ông. Những cô đào sau đây còn để tiếng lại trong tập thơ chữ Hán: Mộng Vị, Lai Châu, Hữu Hạnh, Đại Châu, Đại Hàn, Như Vân, Tuyết Ngọc, A Thanh, Kim Cúc, Ngọc Sương, Tường Vi, Lục Hà, Cúc Anh, Ngọc Giám. Thi ông vui thú với ca Huế, ca trù, với tiếng đàn, giọng ca, lời thơ, rượu nhắm giữa trời thu, lúc xuân sang với bạn hữu và ca nhi.
Tử Lan thị hòa Đông Chi thị
Lưỡng cá danh hương hồ bất mị
Xuân tâm sấu cốt cọng hàn mai
Khổ huống ngâm hồn tuỳ Mông Vị
Bích đào lục liễu diệc phân sầu
Vũ điệp du phong tần hiến mị
Na như Thúc Giạ nhất thi thiên
Đả phá ngân sàng thâm dạ quỷ

Dịch thơ:
Tử Lan là một với Đông Chi
Trằn trọc hai ông phải chuyện gì
Muốn ngắm mai vàng lo ốm xác
Vì mơ Mộng Vị khổ hồn thi
Đào tơ liễu biếc sầu đôi ngã
Bướm lượn ong vần khéo tỏ si
Sao được một vần như Thúc Giạ
Canh khuya phá giấc quỷ ra uy
                                     (Bản dịch của Hữu Vinh)

Thi ông thường hay cùng bạn thơ và ca nữ ngâm thơ, uống rượu, đàn ca trong những chuyến ngao du trên sông nước hay đi thăm các nơi danh lam thắng cảnh vào lúc trời bắt đầu vào tiết mưa ngâu, trung thu, trùng dương, hay trong những lúc trời chớm sang xuân, lúc mai vàng bắt đầu chớm nụ. Đây là khoảng thời gian trong một năm mà vào những dịp này thi ông sáng tác nhiều nhất.
Thi ông là thi sĩ nên cũng hay buồn vẩn vơ, thi ông buồn một cách rất nên thơ cho số phận của Ngưu Lang Chức Nữ:
Bi hoan ly hợp ngộ tiên trù
Thử tịch hà kham vấn nữ ngưu
Ô thước hữu kiều niên nhất dạ
Minh hoàng luyến chẩm nhật tam thu
Không liên để sự truyền thanh giản
Bất giải nhân gian thán bạch đầu
Ngã diệc tình si trung vị lão
Ngân hà viễn vọng tứ du du

Dịch thơ:
Tan hợp buồn vui chuyện lỡ rồi
Đêm nay Ngưu nữ hỡi nàng ôi
Một năm một dịp mong chờ mãi
Nhất nhật tam thu nhớ chẳng nguôi
Tình sử éo le ngơ ngẩn tiếc
Cuộc đời than thở oái ăm trôi
Tình si ta cũng người trong cuộc
Ngắm hướng dòng Ngân luống ngậm ngùi
                         (Bản dịch của Hữu Vinh)
Cuộc đời của thi ông, sống ở Huế chỉ trừ lúc sinh ra, sống thuở thiếu thời và lúc về hưu, còn ngoài ra đều vì việc quan nên phải rày đây mai đó, nhậm chức quan lúc thì ra phía bắc miền Trung, lúc thì vào phía nam miền Trung nước Việt. Ngao du sơn thuỷ, thơ ngâm, rượu nhắm, hò hát, bạn bè là những yếu tố cần thiết trong cuộc đời của thi ông. Qua những vần thơ chữ Hán, chúng ta có dịp thưởng ngoạn những danh thắng như: Chùa Trà Am, chùa Linh Mụ, núi Ngự sông Hương ở Huế, sông Ngưu Chữ ở Hương Khê, Đầm Cầu Hai, núi Bạch Mã ở Thừa Thiên, Ngũ Hành Sơn ở Quảng Nam, sông Hãn ở Quảng Trị, núi Linh Phong ở Bình Định, động Phong Nha, Lũy Thầy, sông Gianh, sông Nhật Lệ, núi Đâu Mâu ở Quảng Bình, dãy Hoành Sơn ở Hà Tĩnh, Văn Miếu ở Hà Nội v.v...
Dưới đây trích dẫn bài thơ về danh thắng chùa Ông Núi ở Bình Định, quê hương của cụ Đào Tấn sư tổ hát bội ngày xưa. Có phải vì vậy hay chăng mà cụ đến viếng và làm thơ?:
Linh Phong cổ xát cận Bàn thành
Huề hữu đăng lâm bộ bộ khinh
Hữu họa sơn vân phiến phiến
Vô ba sơn tuyền lạc thanh thanh
Ngự sàng hoán tỉnh quân vương mộng
Thach thất thường lưu đại sĩ danh
Hà hạnh thử sinh tu đắc đáo
Tương yêu địa chủ thái đa tình

Dịch thơ:
Linh Phong chùa cổ cạnh Bàn thành
Cùng bạn lên chơi bước bước nhanh
Họa có mây trời hình lớp lớp
Sóng yên suối nước tiếng thanh thanh
Long sàng vương đế hồn mơ tỉnh
Thạch thất phật bà tiếng nổi danh
May mắn đời này tu có được
Chủ chùa mời đón quá thân tình

                                    (Bản dịch của Hữu Vinh)
Ưng Bình chữ Hán uyên thâm, một phần nhờ ảnh hưởng của thơ Đường, phú Tống. Mượn tình và cảnh trong thơ Đường để dệt nên những vần thơ trác tuyệt là một trong những đặc điểm trong thơ chữ Hán của thi ông. Nhưng không vì thế mà làm cho thơ chữ Hán của thi ông cứng cỏi, câu nệ, nặng nề, trái lại thơ chữ Hán của thi ông lại thanh tươi, nhẹ nhàng, ý thơ lai láng, trữ tình, sâu đậm, cô đọng, và phần nhiều dễ gây được cảm thông sâu xa với người đọc. Thi ông chịu ảnh hưởng nhiều đối với các thi nhân Tống, Đường của Trung Quốc như Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ, Lý Bạch, Lý Thương Ân và Vương Duy. Đỗ Phủ là thi nhân được nhắc đến nhiều nhất, kế đến là Vương Duy và Lý Thương Ân. Dưới đây là bài thơ tiêu biểu, trong đó mượn ý thơ của các thi sĩ đời Đường để diễn đạt sự nhớ nhung bạn cũ.
Tế sổ lạc hoa sầu vị phá
Tĩnh thinh
đề điểu tín tương lai
Ngâm bôi hữu khách hoài
vân thụ
Lữ dạ hà nhân khán
đẩu đài
Kỷ khúc
Vị Thành tân sắc liểu
Nhất chi
Kế bắc cựu tình mai
Tư quân nhiễu mộng tầm quân xứ
Chu phiếm Linh Giang thượng Hải đài         

 Dịch thơ:
Đếm tàn hoa rụng chạnh sầu
Lặng nghe chim gọi đợi cầu tri âm
Mây ngàn rượu ngóng thơ ngâm
Trông sao đêm trọ âm thầm nhớ ai
Vị thành khúc vẳng bên tai
Nhớ người
Kế Bắc cành mai gợi tình
Nhớ anh vào mộng tìm quanh
Sông Gianh thuyền dạo lên thành Hải trông
(Bản dịch của Hữu Vinh)
Trong 197 bài thơ chữ Hán trong tập "Lộc Minh Đình thi thảo", thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã để lại cho nền thơ văn chúng ta nhiều bài thơ trác tuyệt, là những tài liệu quý giá để cho người đời sau còn có dịp nghiên cứu và hiểu được phần nào về xã hội, lịch sử thời đó, cũng như có dịp hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của thi ông.
Lược qua những bài thơ chữ Hán, thi ông sẽ đưa người đọc về thế giới phong lưu của hàng mặc khách ngày xưa, ta sẽ cảm thấy buồn vui lẫn lộn, tình cảm sẽ dạt dào, và có được cảm giác nhớ nhung chất ngất, tai ta còn nghe văng vẳng đâu đây những tiếng cười vui với những nhịp trống, lời ca, tiếng hát, câu hò của khách thơ, của ca nữ trong những dịp vui hát ca Huế, ca trù, hay trong những lúc dạo chơi với núi non, trăng thanh, gió mát, thuyền chèo ở miền Trung nước Việt.
Đọc những vần thơ đầy ắp tình bạn, tình người, tình đối với ca nữ, tình đối với trăng thanh, gió mát, hoa tươi, cỏ đẹp, núi biếc, sông mờ, ta dễ cảm nhận được ý nghĩa của tình người qua thi ca của thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị.
H.V
(nguồn: TCSH số 160 - 06 - 2002)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRẦN ĐÌNH SỬVăn học Trung Quốc trong cơ chế thị trường đã có những biến đổi khá lớn. Theo các tác giả của sách Văn học Trung Quốc thế kỷ XX xuất bản tại Quảng Châu năm 1988 có thể nắm được một đôi nét diện mạo, chứng tỏ văn học Trung Quốc không còn có thể tồn tại theo phương thức cũ. Cơ chế thị trường đã làm cho nhà văn và nhà phê bình phải suy tính lại về sách lược sinh tồn và phương hướng phát triển nghề nghiệp.

  • ĐOÀN TUẤNThạch Lam qua đời cách đây đã hơn nửa thế kỉ. Ông để lại cho chúng ta một khối lượng tác phẩm không lớn nhưng chúng đã trở thành một mẫu số vĩnh hằng trong văn học Việt Nam. Tiếc rằng chúng ta đã không thể lưu giữ một bức chân dung nào của Thạch Lam. Thậm chí mộ ông được chôn cất nơi nào, cũng không ai biết.

  • NHẬT CHUNG       (Đọc bài thơ XÓM LỤT của anh Phạm Xuân Phụng)Anh Phụng là bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế. Tôi tìm hết trong tuyển tập HAI THẬP KỶ THƠ HUẾ, chỉ duy nhất bài thơ này viết về cảnh lụt lội hàng năm vẫn xảy ra ở mảnh đất nghèo khó. Trong những ngày đau buồn, khi nước vừa rút, trắng bợt trước mắt tôi những bài thơ tình èo uột nỉ non ẻo lả, và đứng dậy trước mắt tôi một bài thơ XÓM LỤT.

  • PHONG  LÊBến không chồng - Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991 đưa nhanh Dương Hướng lên một vị trí cao trong thành tựu văn học Đổi mới. Không thuộc đội ngũ “tiền trạm” xuất hiện từ đầu những năm 80 như Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Mạnh Tuấn (sinh năm 1948) - người cùng thế hệ với anh (sinh 1949), đến tuổi 40 mới bắt đầu trình làng với tập truyện ngắn Gót son (1989), thế mà chỉ 2 năm sau, Dương Hướng bỗng trở thành một “tên tuổi” với Bến không chồng, góp mặt cùng Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh làm nên một bộ ba sáng giá trong văn học mở đầu thập niên 90, năm năm sau khởi động của công cuộc Đổi mới.

  • HÀ QUANG MINHLTS: Liệu có phải văn hóa chỉ đơn thuần là văn hóa hay nói cách khác là chỉ chứa đựng các yếu tố văn hóa không? Câu trả lời chắc chắn là không. Văn hóa mang cả trong nó tính chính trị và kinh tế. Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ nhắc tới tính kinh tế trong văn hóa mà thôi nhưng hy vọng nó sẽ đóng góp nhiều cho công cuộc xây dựng một xã hội văn minh hơn, công bằng hơn.

  • ĐỖ LAI THÚYVề Kinh Bắc với những hội hè, chùa chiền, với đồng chiều cuống rạ, dây bìm bìm, bí lông tơ, giun đất, con gà trụi, châu chấu.. làm người đọc nhớ đến dòng thơ viết về nông thôn, nhất là thơ Nguyễn Bính. “ Trong các nhà thơ cùng thời viết về nông thôn như Bàng Bá Lân, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ... có lẽ chỉ có Nguyễn Bính là nhận thức sâu sắc được sự thay đổi của thôn quê trước “ cuộc xâm lăng” của đô thị.

  • TRẦN VĂN TOÀN - NGUYỄN XUÂN DIÊN1. Ảnh hưởng của Thơ Đường đối với Thơ Mới là một vấn đề từ lâu đã được đề cập tới. Ngay từ năm 1942, Hoài Thanh- Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam mặc dù giành nhiều trang để miêu tả ảnh hưởng của thơ Pháp (đặc biệt là trường phái Tượng trưng) nhưng các ông đã trân trọng và có một chút hứng thú đặc biệt về ảnh hưởng của Thơ Đường đối với Thơ Mới (điều này được bộc lộ qua công phu miêu tả, khảo cứu và cụ thể hơn từ chính số lượng trang viết). Khi phân chia các dòng mạch Thơ Mới, Hoài Thanh- Hoài Chân nói tới dòng mạch chịu ảnh hưởng của thơ Pháp, dòng mạch mang tính cách Việt, đồng thời cũng nói tới dòng mạch chịu ảnh hưởng từ Đường thi.

  • HOÀNG NGỌC HIẾN…Trong thời kỳ đổi mới xuất hiện nhiều tác phẩm cảm hứng phê phán rất mạnh. Có những quan điểm và giọng điệu phê phán rất khác nhau: xót xa và lo thương, căm uất và hằn học, tỉnh táo và điềm đạm... Cảm hứng phê phán mang tinh thần hài hước khoan hòa sẽ tạo một vị trí đặc biệt cho Nguyễn Việt Hà trong văn xuôi Việt Nam đương đại…

  • ALEXANDER GENISTrên thị trường Mỹ đã xuất hiện những cuốn sách điện tử đầu tiên. “Softbook” - một đĩa điện tử có màn hình bọc da. Sức chứa - 100 000 trang, trọng lượng - 15 kg, giá cả - 300 đôla cộng 10 đôla kết nối mỗi tháng. “Paketbook” giá 500 đôla, nhưng đi kèm với nó phải có máy tính cá nhân. “Dedicate Reader” - một sổ tay điện tử. Nó giống như một cuốn sách thực sự, có một màn hình kép chứa các bản vẽ, bản đồ, sơ đồ, bảng biểu. Giá là 1500 đôla. Như kinh nghiệm cho thấy, không ai thích đọc văn bản theo màn hình, vì thế tại viện nghiên cứu “Media-lab” người ta đang tìm cách chế tạo thứ “mực điện tử” - những cái bao hết sức nhỏ có thể tùy theo cường độ và hướng của dòng điện sắp xếp lại với nhau để tạo thành văn bản. Theo cách đó, gần như loại sách bằng giấy thông thường có thể được in lại - thay một nội dung này bằng một nội dung khác. Tờ “New York Times” viết: “Ngay giờ đây đã thấy rõ sách điện tử là điều tất yếu. Nếu như không phải là sự thay thế sách in, thì cũng là sự luân phiên nó”. (Theo báo chí)

  • TRẦN ANH PHƯƠNGCầm trên tay tập thơ "Người hái phù dung" của Hoàng Phủ Ngọc Tường tôi như đọc với chính mình giữa đêm khuya lặng lẽ bên ngọn đèn. Cảm nhận đầu tiên về thơ anh không phải thơ để đọc giữa chốn đông người hay ở trong hội trường lớn, thơ anh chỉ đến với người đọc khi chỉ còn lại một mình đối diện với chính mình, tìm lại mình trong những con chữ lan toả như từng đợt sóng, xâm chiếm choáng ngợp lòng người...

  • TRẦN THIỆN KHANH Inrasara nhập cuộc văn chương từ rất sớm. Ngòi bút của Inrasara chạm được vào những vấn đề cốt tử của nghệ thuật. Inrasara đã sống thực sự với đời sống văn chương đương thời.

  • HUYỀN SÂM - NGỌC ANH 1. Umberto Eco - nhà ký hiệu học nổi tiếng.Umberto Eco chiếm một vị trí rất đặc biệt trong nền lý luận đương đại của Châu Âu. Ông là một triết - mỹ gia hàn lâm, một nhà ký hiệu học uyên bác, một tiểu thuyết gia nổi tiếng và là giáo sư danh dự của trường Đại học Bologne ở Italia. Tư tưởng học thuật của ông đã tác động mạnh mẽ, tích cực đến đời sống trí tuệ của sinh viên và giới nghiên cứu trong suốt nửa thế kỷ qua. Ông có mặt trong danh sách của hai mươi nhà tư tưởng đương đại lớn nhất thế giới, và cũng là ứng cử viên thường trực của Viện Hàn lâm Thụy điển về việc bình chọn giải Nobel văn học.

  • ĐỖ NGUYỄN VIỆT TƯ         (Nhân đọc thơ Hoàng Vũ Thuật)Trong con người cũng như trong vũ trụ luôn luôn hiện diện một mâu thuẫn bất biến, nhờ cái khối mâu thuẫn này mà nó tồn tại, phát triển và trở nên thống nhất. Con người luôn đi tìm chính mình trong một cuộc phiêu lưu vô định, không bao giờ bằng lòng với những cái đã có, bản ngã lúc nào cũng thôi thúc sáng tạo để tìm ra cái mới. Nhà thơ luôn đồng hành với cuộc phiêu lưu của những con chữ để đi đến những miền đất lạ, những vùng cảm xúc.

  • NGUYỄN KHOA BỘI LANSau mấy tháng mưa tầm tã và lạnh thấu xương, qua đầu tháng chạp âm lịch, toàn khu Hạ Lào bắt đầu tạnh. Mặt trời lại hiện ra đem ánh sáng sưởi ấm những khu rừng bạt ngàn từ Trường Sơn lượn xuống. Ở các suối nước không còn chảy như thác đổ, ở Xê Công dòng nước cũng đã trở lại hiền hòa. Các con đường lớn, đường nhỏ bắt đầu khô ráo.

  • TRẦN ĐƯƠNGTôi được làm quen và có quan hệ cởi mở với nhà thơ Tố Hữu từ mùa thu năm 1973, sau khi ông dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng ta đi dự Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Đức (DKP) họp tại thành phố cảng Hăm-bugr). Từ  miền Tây, ông sang Béc-lin, Cộng hòa Dân chủ Đức, theo lời mời của Bộ chính trị Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức (SED) với mục đích thăm, nghiên cứu và trao đổi về công tác tư tưởng giữa hai Đảng.

  • TRẦN THÁI HỌCĐến nay, vấn đề giá trị nghệ thuật không còn là vấn đề thời sự được nhiều người trong giới phê bình quan tâm bàn cãi. Sự lắng lại trong không khí phê bình về vấn đề này, vốn đã trải qua một thời kì tranh luận sôi nổi kéo dài hàng chục năm trên văn đàn gắn liền với những quan điểm triết học và mỹ học khác nhau, thậm chí đối lập nhau.

  • HÀ VĂN THỊNH Trên trái đất này, có lẽ chỉ có các nhà thơ mới quan niệm cuộc đời là một trò chơi. Ngay cả Thánh Kinh, khi bàn về lẽ khởi - tận của kiếp người cũng phải than: thân cát bụi trở về cát bụi. Lời nguyền đó là tiếng kêu bi thương từ sâu thẳm của hàng triệu năm đau đớn để sống và, để chết. Từ ngày đầu tiên sinh ra loài người, Adams  đã phải dắt díu Éva trốn chạy khỏi Thiên Đường trong nước mắt và uất hận; đau đớn và tuyệt vọng; cô đơn và sỉ nhục... Đó là những điều ngăn cản việc biến cuộc đời thành một trò chơi.

  • NGUYỄN THAM THIỆN KẾ... Đức Phật, nàng Savitri và tôi sẽ là cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất của Hồ Anh Thái, đồng thời nó sẽ giữ ngôi vị lâu dài là tiểu thuyết duy nhất trong văn học Việt lấy cuộc đời giáo chủ Phật giáo làm nguồn cảm hứng. Và sẽ còn lâu lắm văn chương Việt mới có một nhà văn đủ tự tin cũng như tài năng để động vào bàn phím viết về đề tài này. Nó cũng sẽ là thời gian cộng trừ 20 năm, nếu như nhà văn nào đó bây giờ mới bắt đầu tìm hiểu văn hóa Ấn...

  • HOÀNG NGỌC HIẾNNhan đề của tập thơ khiến ta nghĩ Trần Tuấn đặc biệt quan tâm đến những ngón tu từ, mỹ từ của thi ca, thực ra cảm hứng và suy tưởng của tác giả tập trung vào những vấn đề tư tưởng của sự sáng tạo tinh thần: đường đi của những người làm nghệ thuật, cách đi của họ và cả những “dấu chân” họ để lại trên đường.

  • TRẦN ĐÌNH SỬTrong sáng tác văn học của nhà văn Lỗ Tấn, Cỏ dại  là tập thơ văn xuôi giàu tính hiện đại nhất xét về tư duy, tư tưởng và hình ảnh. Tuy nhiên trong một thời gian dài, phẩm chất nghệ thuật này đã không được nhìn nhận đúng mức.