Thơ chữ Hán "Lộc Minh Đình Thi Thảo" của Ưng Bình Thúc Giạ Thị

11:20 27/08/2008
HỮU VINH Chúng ta đã thưởng thức thơ, ca Huế, ca trù, hò, tuồng của thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị, một nhà thơ lừng lẫy của miền sông Hương núi Ngự. Nhưng nói đến sự nghiệp văn chương của thi ông mà không nói đến thơ chữ Hán của thi ông là một điều thiếu sót lớn.

Thi ông Ưng Bình Thúc Giạ đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam tất cả 197 bài thơ chữ Hán, nếu kể một bài thơ thuộc loại tám câu, thì thi ông đã sáng tác hơn 210 bài theo lối thơ Đường luật. Phần nhiều đều là những bài thơ thật tuyệt vời không những về hình thức lẫn nội dung.
Thơ chữ Hán của Ưng Bình trong tập "Lộc Minh Đình thi thảo" cô đọng, thâm thuý, ý thơ dạt dào, hồn thơ tươi mát, đầy dẫy tình người và những hình ảnh đẹp đẽ của phong cảnh núi non sông nước. Phong cảnh thiên nhiên thường hay được lồng thêm yếu tố con người, làm cho phong cảnh đã đẹp lại càng đẹp thêm, càng đầy ý thơ hơn. Thơ chữ Hán của thi ông có thể được xếp vào loại ngang hàng với thơ của các bậc thi bá nổi tiếng thời Đường, Tống của Trung Quốc, có thể sánh vai với thơ Vương Duy mà Tô Đông Pha đã khen "Trong thơ có hoạ, trong hoạ có thơ". Và cũng không thua gì thơ văn của ông cha ngày trước là Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương.
Thơ chữ Hán của Ưng Bình có những đặc điểm sau đây:
1. Thơ chữ Hán trong tập "Lộc Minh Đình thi thảo " của Ưng Bình Thúc Giạ Thị đa dạng. Nói chung, thi ông xoay quanh chữ "Tình". Tình đối với núi sông non nước, tình đối với thiên nhiên, tình bạn thơ ca, tình bạn ở quan trường, tình bạn bè thâm giao, tình với cô đào của ca trù và ca Huế.
2. Tình của thi sĩ thường được thể hiện qua những "nỗi buồn". Buồn của thi ông cũng đa dạng, nhưng cũng rất đặc biệt. Thi ông không buồn như nỗi buồn day dứt, than thở sinh không gặp thời như phần đông các thi gia đời Tống, Đường. Thi ông cũng buồn vì ly loạn chiến tranh, nhưng không buồn tê tái như Đỗ Phủ, không buồn man mác như Lý Bạch, không buồn yếm thế như Lý Thương ẩn. Trái lại, người làm quan án Sát mà lúc nào cũng say sưa với cái đẹp của vũ trụ, cái đẹp của thiên nhiên và buồn một cách nhẹ nhàng, thanh tươi. Thi ông buồn vì xa nhà, nhớ quê; buồn vì xa bạn, xa cô đào; buồn vì thiếu người để cùng ngao du sơn thuỷ; buồn vì mưa thu; buồn vì xa người ruột thịt v.v. Do đó thơ chữ Hán của thi ông có sự thu hút mãnh liệt đối với đa số người đọc, vì lời thơ thanh thoát, mộc mạc nhưng hồn thơ thì tế nhị, sâu sắc.
3. Thơ của thi ông thường hay ghi lại những vết tích lịch sử, địa lý và xã hội cho nên rất gần gũi và dễ cảm nhịp với con tim của người đọc cùng xứ sở. Chúng ta có thể cùng được thưởng thức phong cảnh tuyệt vời ở những nơi danh thắng mà trong đó còn có những nhân vật nổi tiếng có liên quan đến lịch sử, văn học và xã hội đương thời.
Cuộc đời của thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị là cuộc đời của những bậc đường quan, nhưng cũng là của những kẻ tao nhân mặc khách. Gió mát, trăng thanh, phong cảnh, trời thu, tình yêu đều là những yếu tố cần thiết, là nguồn thơ không thể thiếu. Phần nhiều các thi sĩ sống và sáng tác vì cô đơn, yêu cô đơn, lấy sự cô đơn, sự khổ đau làm lẽ tự nhiên cho nguồn sáng tạo. Thi ông thì trái ngược, lấy tình người làm gốc chốt, lấy ngoại cảnh thiên nhiên để cảm hứng, để dệt thành những vần thơ ngọt ngào, thanh thoát và đầy ắp tình người luyến lưu, đậm đà. Thi ông thường hứng tạo những vần thơ về tình người trong những lúc cùng bè bạn ngao du sơn thuỷ, chơi thuyền, trèo núi; hay trong những lúc ngâm thơ xướng họa; hay trong những lúc hò hát; hay trong những phút nhớ nhung vì xa cách. Do vậy, trong cuộc đời của thi ông, bạn bè, ca nữ và thiên nhiên là những yếu tố quan trọng.

Tập thơ chữ Hán viết tay nhưng đẹp như in. Nét chữ viết bằng bút lông, nhỏ nhưng rất rõ ràng và chính xác. Ngoại trừ những chữ Hán viết theo tục lệ dân gian, những chữ Hán đặc biệt dùng để tránh chữ húy ra thì chữ viết trong tập cũng đã tự chứng minh thâm lực thư pháp hùng hậu của người viết. Tập thơ chia thành hai cuốn: Quyển 1 và Quyển II.
Quyển I là tập thơ ghi lại những bài thơ của cụ từ lúc mới ra làm quan ở Hòa Vang Quảng cho tới lúc về hưu trí ở Huế. Thơ được ghi lại theo từng năm và với chức tước hiện tại, thế nên nghiên cứu Quyển I chúng ta có thể biết được cuộc đời và sự nghiệp thơ của cụ trong suốt thời gian làm quan. Còn Quyển II toàn là thơ cụ làm lúc đã về hưu, giao du cùng với các bậc thượng lưu thời đó như các quan lại dòng Nguyễn Khoa, cụ Huỳnh Thúc Kháng và Đại thần Đỗ Phú Túc, người đi sứ cuối cùng trong triều Nguyễn qua Trung Quốc v.v.
Tập thơ chữ Hán của thi ông hầu như là tập thơ hoạ với thơ của các bạn thơ. Thi ông có rất nhiều bạn bè. Song thi ông thường hoạ thơ và nhắc nhở đến nhiều lần với mối cảm tình nồng nàn, đậm đà là những người như ông Thúc Thuyên, Đông Chi, Đông Trì và Hà Thiếu Trai.
Thi sĩ thì ai cũng lắm tình, nhưng mối tình ruột thịt của thi ông đã đặc biệt dành cho Thúc Thuyên thì thật đậm đà, được thể hiện qua tám bài thơ còn để lại trong tập thơ chữ Hán có liên quan đến Thúc Thuyên. Thượng Thư Thúc Thuyên, không ai khác hơn là người em ruột của thi ông, tuổi tác gần kề, cũng yêu thơ và cũng là quan lớn trong triều đình nhà Nguyễn. Đều cùng là những bậc đại quan trong triều, việc quan gánh nặng trên vai, Thúc Thuyên và Thúc Giạ đều phải rày đây mai đó, nhậm chức ở những nơi khác biệt. Anh em hiếm lúc đoàn tụ sinh sống bên nhau. Tuy nhiên không phải vì thế mà tình cảm anh em ruột thịt xa mặt cách lòng. Song ý trời không thay đổi được. Năm Ât Hợi (1935), lúc Thúc Giạ về hưu được hai năm thì Thúc Thuyên mất. Thúc Thuyên qua đời sớm, để lại trong lòng Thúc Giạ nỗi sầu vô hạn. Một năm sau (vào năm 1936), sau khi Thúc Thuyên mất, Thúc Giạ, dạo thuyền ngang qua nhà mát của Thúc Thuyên, nơi ngày xưa Thúc Giạ đã cùng Thúc Thuyên ngồi hóng gió mát, cùng làm thơ. Thúc Giạ nhớ em bùi ngùi:
Thanh thảo trì đường mộng dĩ phi
Tẩy bôi giang thượng điếu tà huy
Lương đình cổ độ kinh qua xứ
Trường đoạn Lô hoa không tự phi

Nhạn trận kinh hàn ỷ bích không
Thu thâm phong diệp bán phi hồng
Mỗi tư sách họa lương đình cú
Lệ sái giang đầu khấp vãn phong

Thử địa phồn hoa kim dĩ không
Thảo hoa do chiếu tịch dương hồng
Lưu thương khúc thủy liêu tân cú
Vi hữu ngư ca thu dạ phong

Dịch thơ:
Cỏ xanh ao nước mộng tan rồi
Rót rượu trên sông cúng nắng rơi
Qua bến đò xưa đình hóng mát
Hoa lau phất phới dạ tơi bời
 
Lạnh về đàn nhạn vút trời xanh
Thu muộn vàng trông ngập lá cành
Nhớ thuở họa thơ đình hóng mát
Gió chiều rào rạt lệ rơi nhanh
 
Đâu rồi đây chốn thắm vườn hoa
Hoa cỏ còn trông rực nắng tà
Rượu đổ sóng vờn buồn chẳng nói
Đêm thu gió lộng tiếng chài ca

                                     (Bản dịch của Hữu Vinh)
Thúc Giạ nhìn cảnh cũ, lau lách vẫn như xưa, phất phơ theo làn gió nhẹ, rót chén rượu đổ xuống dòng nước chảy dưới ánh nắng chiều đỏ ối để tưởng nhớ người xưa. Trời gió mùa thu Huế đã trở về, cây lá bên bờ sông đã trở vàng, nhớ lúc xưa, ở đây ta cùng em xướng họa, mà nay chỉ còn tiếng gió rì rào, nước mắt Thúc Giạ lả tả rơi. Em đâu? hoa xưa còn đấy, vẫn nở rộ, vẫn rực rỡ dưới ánh chiều tà, giờ chỉ còn yên lặng, rót chén rượu cúng xuống dòng sông, nghe gió thu trên sông lồng lộng, đâu đây văng vẳng tiếng hát của thuyền chài!
Dòng họ Nguyễn Khoa là dòng họ lớn và nổi tiếng ở Huế, con cháu của Nguyễn Khoa Đăng, làm quan đến chức Nội Tán Hầu, thời chúa Nguyễn, có công dẹp sóng dữ ở phá Tam Giang mà dân gian đã có câu ca tụng như sau "Thương em anh cũng muốn vô, sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam giang". Dòng họ Nguyễn Khoa có rất nhiều người nổi tiếng và có công với đất nước. Thi ông hay nhắc nhở và thơ đi thơ lại với các bạn thơ mang dòng họ Nguyễn Khoa, như Thượng thư bộ Kinh tế Nguyễn Khoa Kỳ, Hộ bộ Thượng thư Bình Nam Nguyễn Khoa Tân. Nhất là thường hay cùng bạn hữu ngao du sơn thủy rồi cuối cùng dừng chân cùng đàm đạo với các sư cụ trong các chùa Ba La Mật, Trà Am và chùa An Lạc, ba ngôi chùa nổi tiếng ở Huế do hậu duệ của Nội Tán Hầu Nguyễn Khoa Đăng dựng nên.
Bình sơn sơn hạ thiểu chinh trần
Hệ mã chiêu đề vấn chủ nhân
Thân thị trủng thần tâm thị Phật
Nhật đàm kinh tế dạ kinh văn

An Lạc đình viên an lạc thân
Thủy quang sơn sắc tĩnh phong trần
Danh lam thị xứ thuỳ vi chủ
Hán tướng Đường tăng diệc thử nhân

Cổ bách thương tùng bạn thuý lâu
Diễm đàm danh thế hữu danh lưu
Bốc cư thử địa phi vô ý
Mao thổ tương lân Nội Tán Hầu
Dịch thơ:
Nấp bóng non Bình chinh chiến êm
Đến thăm thử hỏi chủ nhân xem
Thân làm quan lớn tâm là Phật
Kinh tế lo ngày kinh tụng đêm

Chùa vườn An lạc dễ tu thân
Cảnh vật nên thơ rửa bụi trần
Đây chốn danh lam ai hỏi chủ
Chùa tăng là cũng bậc triều thần

Tùng bách rờn xanh một cảnh lầu
Tiếng dòng danh giá đã từ lâu
Nơi đây đã cố đem lòng chọn
Gần đất lăng quan Nội Tán hầu

                                     (Bản dịch của Hữu Vinh)
Suốt cuộc đời thi ca của thi ông, ca nữ đóng vai trò quan trọng. Từ lúc làm quan ở khắp các tỉnh Trung Kỳ, thi ông có rất nhiều cô đào hát ca trù, ca Huế thân thiết quây quần bên thi ông. Những cô đào sau đây còn để tiếng lại trong tập thơ chữ Hán: Mộng Vị, Lai Châu, Hữu Hạnh, Đại Châu, Đại Hàn, Như Vân, Tuyết Ngọc, A Thanh, Kim Cúc, Ngọc Sương, Tường Vi, Lục Hà, Cúc Anh, Ngọc Giám. Thi ông vui thú với ca Huế, ca trù, với tiếng đàn, giọng ca, lời thơ, rượu nhắm giữa trời thu, lúc xuân sang với bạn hữu và ca nhi.
Tử Lan thị hòa Đông Chi thị
Lưỡng cá danh hương hồ bất mị
Xuân tâm sấu cốt cọng hàn mai
Khổ huống ngâm hồn tuỳ Mông Vị
Bích đào lục liễu diệc phân sầu
Vũ điệp du phong tần hiến mị
Na như Thúc Giạ nhất thi thiên
Đả phá ngân sàng thâm dạ quỷ

Dịch thơ:
Tử Lan là một với Đông Chi
Trằn trọc hai ông phải chuyện gì
Muốn ngắm mai vàng lo ốm xác
Vì mơ Mộng Vị khổ hồn thi
Đào tơ liễu biếc sầu đôi ngã
Bướm lượn ong vần khéo tỏ si
Sao được một vần như Thúc Giạ
Canh khuya phá giấc quỷ ra uy
                                     (Bản dịch của Hữu Vinh)

Thi ông thường hay cùng bạn thơ và ca nữ ngâm thơ, uống rượu, đàn ca trong những chuyến ngao du trên sông nước hay đi thăm các nơi danh lam thắng cảnh vào lúc trời bắt đầu vào tiết mưa ngâu, trung thu, trùng dương, hay trong những lúc trời chớm sang xuân, lúc mai vàng bắt đầu chớm nụ. Đây là khoảng thời gian trong một năm mà vào những dịp này thi ông sáng tác nhiều nhất.
Thi ông là thi sĩ nên cũng hay buồn vẩn vơ, thi ông buồn một cách rất nên thơ cho số phận của Ngưu Lang Chức Nữ:
Bi hoan ly hợp ngộ tiên trù
Thử tịch hà kham vấn nữ ngưu
Ô thước hữu kiều niên nhất dạ
Minh hoàng luyến chẩm nhật tam thu
Không liên để sự truyền thanh giản
Bất giải nhân gian thán bạch đầu
Ngã diệc tình si trung vị lão
Ngân hà viễn vọng tứ du du

Dịch thơ:
Tan hợp buồn vui chuyện lỡ rồi
Đêm nay Ngưu nữ hỡi nàng ôi
Một năm một dịp mong chờ mãi
Nhất nhật tam thu nhớ chẳng nguôi
Tình sử éo le ngơ ngẩn tiếc
Cuộc đời than thở oái ăm trôi
Tình si ta cũng người trong cuộc
Ngắm hướng dòng Ngân luống ngậm ngùi
                         (Bản dịch của Hữu Vinh)
Cuộc đời của thi ông, sống ở Huế chỉ trừ lúc sinh ra, sống thuở thiếu thời và lúc về hưu, còn ngoài ra đều vì việc quan nên phải rày đây mai đó, nhậm chức quan lúc thì ra phía bắc miền Trung, lúc thì vào phía nam miền Trung nước Việt. Ngao du sơn thuỷ, thơ ngâm, rượu nhắm, hò hát, bạn bè là những yếu tố cần thiết trong cuộc đời của thi ông. Qua những vần thơ chữ Hán, chúng ta có dịp thưởng ngoạn những danh thắng như: Chùa Trà Am, chùa Linh Mụ, núi Ngự sông Hương ở Huế, sông Ngưu Chữ ở Hương Khê, Đầm Cầu Hai, núi Bạch Mã ở Thừa Thiên, Ngũ Hành Sơn ở Quảng Nam, sông Hãn ở Quảng Trị, núi Linh Phong ở Bình Định, động Phong Nha, Lũy Thầy, sông Gianh, sông Nhật Lệ, núi Đâu Mâu ở Quảng Bình, dãy Hoành Sơn ở Hà Tĩnh, Văn Miếu ở Hà Nội v.v...
Dưới đây trích dẫn bài thơ về danh thắng chùa Ông Núi ở Bình Định, quê hương của cụ Đào Tấn sư tổ hát bội ngày xưa. Có phải vì vậy hay chăng mà cụ đến viếng và làm thơ?:
Linh Phong cổ xát cận Bàn thành
Huề hữu đăng lâm bộ bộ khinh
Hữu họa sơn vân phiến phiến
Vô ba sơn tuyền lạc thanh thanh
Ngự sàng hoán tỉnh quân vương mộng
Thach thất thường lưu đại sĩ danh
Hà hạnh thử sinh tu đắc đáo
Tương yêu địa chủ thái đa tình

Dịch thơ:
Linh Phong chùa cổ cạnh Bàn thành
Cùng bạn lên chơi bước bước nhanh
Họa có mây trời hình lớp lớp
Sóng yên suối nước tiếng thanh thanh
Long sàng vương đế hồn mơ tỉnh
Thạch thất phật bà tiếng nổi danh
May mắn đời này tu có được
Chủ chùa mời đón quá thân tình

                                    (Bản dịch của Hữu Vinh)
Ưng Bình chữ Hán uyên thâm, một phần nhờ ảnh hưởng của thơ Đường, phú Tống. Mượn tình và cảnh trong thơ Đường để dệt nên những vần thơ trác tuyệt là một trong những đặc điểm trong thơ chữ Hán của thi ông. Nhưng không vì thế mà làm cho thơ chữ Hán của thi ông cứng cỏi, câu nệ, nặng nề, trái lại thơ chữ Hán của thi ông lại thanh tươi, nhẹ nhàng, ý thơ lai láng, trữ tình, sâu đậm, cô đọng, và phần nhiều dễ gây được cảm thông sâu xa với người đọc. Thi ông chịu ảnh hưởng nhiều đối với các thi nhân Tống, Đường của Trung Quốc như Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ, Lý Bạch, Lý Thương Ân và Vương Duy. Đỗ Phủ là thi nhân được nhắc đến nhiều nhất, kế đến là Vương Duy và Lý Thương Ân. Dưới đây là bài thơ tiêu biểu, trong đó mượn ý thơ của các thi sĩ đời Đường để diễn đạt sự nhớ nhung bạn cũ.
Tế sổ lạc hoa sầu vị phá
Tĩnh thinh
đề điểu tín tương lai
Ngâm bôi hữu khách hoài
vân thụ
Lữ dạ hà nhân khán
đẩu đài
Kỷ khúc
Vị Thành tân sắc liểu
Nhất chi
Kế bắc cựu tình mai
Tư quân nhiễu mộng tầm quân xứ
Chu phiếm Linh Giang thượng Hải đài         

 Dịch thơ:
Đếm tàn hoa rụng chạnh sầu
Lặng nghe chim gọi đợi cầu tri âm
Mây ngàn rượu ngóng thơ ngâm
Trông sao đêm trọ âm thầm nhớ ai
Vị thành khúc vẳng bên tai
Nhớ người
Kế Bắc cành mai gợi tình
Nhớ anh vào mộng tìm quanh
Sông Gianh thuyền dạo lên thành Hải trông
(Bản dịch của Hữu Vinh)
Trong 197 bài thơ chữ Hán trong tập "Lộc Minh Đình thi thảo", thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã để lại cho nền thơ văn chúng ta nhiều bài thơ trác tuyệt, là những tài liệu quý giá để cho người đời sau còn có dịp nghiên cứu và hiểu được phần nào về xã hội, lịch sử thời đó, cũng như có dịp hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của thi ông.
Lược qua những bài thơ chữ Hán, thi ông sẽ đưa người đọc về thế giới phong lưu của hàng mặc khách ngày xưa, ta sẽ cảm thấy buồn vui lẫn lộn, tình cảm sẽ dạt dào, và có được cảm giác nhớ nhung chất ngất, tai ta còn nghe văng vẳng đâu đây những tiếng cười vui với những nhịp trống, lời ca, tiếng hát, câu hò của khách thơ, của ca nữ trong những dịp vui hát ca Huế, ca trù, hay trong những lúc dạo chơi với núi non, trăng thanh, gió mát, thuyền chèo ở miền Trung nước Việt.
Đọc những vần thơ đầy ắp tình bạn, tình người, tình đối với ca nữ, tình đối với trăng thanh, gió mát, hoa tươi, cỏ đẹp, núi biếc, sông mờ, ta dễ cảm nhận được ý nghĩa của tình người qua thi ca của thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị.
H.V
(nguồn: TCSH số 160 - 06 - 2002)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRẦN THIỆN ĐẠO Trước khi bàn tới nội dung và hình thức thiên truyện L’Art français de la guerre (Binh pháp của nước Pháp - Nxb Gallimard) của Alexis Jenni vừa trúng giải Goncourt 2011, cũng nên nhắc qua mấy điều nổi bật chẳng dính dáng gì với chất lượng tự tại của tác phẩm. Mà chỉ đơn thuần với tựa đề cuốn sách và tác giả của nó.

  • LGT: Anders Cullhed (sinh 1951) là giáo sư Văn học So sánh ở Đại học Stockholm, Thuỵ Điển. Ông viết luận án Tiden sòker sin ròst (Thời đại đang tìm kiếm tiếng nói) 1982 về nhà văn hiện đại Thuỵ Điển Erik Lindegren với tập thơ thời chiến Mannem utan vàg (Con người không lối đi) với một mối quan tâm đặc thù về sự tương quan của tập thơ này với chủ nghĩa hiện đại Pháp và Anh, với truyền thống văn học và với sự sụp đổ hệ thống tư tưởng đương đại gây ra do thế chiến thứ 2.

  • NGÔ MINH Xa Hà Nội (Nxb Văn học 2011), cuốn tiểu thuyết thứ 3 và tập văn xuôi thứ 7 của nhà văn Nhất Lâm vừa ra mắt bạn đọc đầu tháng 9-2011. Tôi đọc một mạch hết 334 trang sách. Cuốn sách đặt ra nhiều vấn đề thú vị về cuộc sống và thời cuộc rất đáng suy nghĩ, chiêm nghiệm.

  • NGUYỄN QUANG HUY Hình thù của văn học không thể đến từ cuộc sống; nó chỉ đến từ truyền thống văn học; và vì thế cơ bản là đến từ thần thoại.                                                  N. Frye

  • LGT: Tiểu thuyết Vùng lõm của nhà văn Nguyễn Quang Hà được giải nhì cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 của Hội Nhà văn Việt Nam 2006 - 2010. Ngày 24 - 10 - 2011 Hội đã tổ chức tọa đàm tiểu thuyết Vùng lõm, Sông Hương xin giới thiệu bài tham luận của nhà văn Đỗ Ngọc Yên.

  • ĐẶNG TIẾN Thanh Tịnh là nhà văn có sự nghiệp dài hơn nửa thế kỷ, với số lượng trước tác dồi dào, đa dạng. Nhưng kỷ niệm bền chặt nhất mà ông để lại trong lòng người đọc là tập truyện đầu tay Quê Mẹ, 1941, với hình ảnh thơ mộng của làng Mỹ Lý và buổi tựu trường trong truyện Tôi đi học.

  • THÁI BÁ VÂN ĐỜI SỐNG VẬT THỂ VÀ ĐỜI SỐNG HÌNH TƯỢNG

  • THANH MẪN Tôi khóc những chân trời không có người bay Lại khóc những người bay không có chân trời.                                 (Trần Dần)

  • NGUYỄN VĂN HẠNH Văn chương là một hiện tượng không ngừng vận động, không ngừng đổi mới, từ môi trường xã hội văn hóa này sang môi trường xã hội văn hóa khác, từ nhà văn này sang nhà văn khác.

  • L.T.S: Soutchat Sawatsri nhà thơ và viết truyện ngắn chủ bút báo "Thế giới sách vở" vừa là một nhà phê bình có uy tín ở Thái Lan. Trong bài "Thời đại và con người" đăng trên báo Pháp "Thế giới ngoại giao" năm 1983 Soutchat Sawatsri đã giới thiệu tóm tắt đầy đầy đủ các bước phát triển của văn học Thái Lan hiện đại.

  • NGUYỄN HỮU ĐÍNH Phan Huy Chú, tác giả «Lịch triều hiến chương loại chí», ở mục «Lễ táng sơn lăng», «Lễ nghi chí», viết «Ngọ Phong họ Ngô (1) nói: đời xưa thiên tử chết, bảy tháng mới chôn, chỗ đất chôn gọi là sơn lăng - Lăng đều có tên».

  • TRẦN HUYỀN SÂMGiản dị, nhưng lay động và ám gợi một cách siêu hình, nhà thơ sống ẩn dật Tomas Transtromer đã được Hội đồng Hàn lâm Thụy Điển vinh danh giải Nobel văn học 2011.> Những nét gạch xóa của lửa

  • NGUYỄN DƯ Mời các bạn đi… xem hát. Đúng hơn là xem chữ hát (h)… của tiếng Pháp. Lại chuyện Ăn cơm nhà vác ngà voi! Ngà voi còn nhẹ chán. Ngà mammouth cũng đành phải xông vào mà vác. Vác giùm cho… lịch sử, địa lí Việt Nam. Ủa! Trời đất! Đùa hay thật vậy?

  • TRẦN THỊ MỸ HIỀN Ngô Kha là một trong số ít những nhà thơ có số phận khá đặc biệt trên thi đàn Việt Nam. Sinh năm 1935 ở Thế Lại Thượng (thuộc thành phố Huế ngày nay), ông tốt nghiệp thủ khoa khóa 1 Đại học Sư Phạm Huế (1958 - 1959), tốt nghiệp Cử nhân Luật khoa (1962), sau đó dạy văn và giáo dục công dân ở các trường Quốc Học, Hàm Nghi, Nguyễn Du, Hưng Đạo ở Huế từ 1960 cho đến khi bị thủ tiêu vào 1973.

  • KHÁNH PHƯƠNG Với “Đội gạo lên chùa”, cuốn tiểu thuyết mới (NXB Phụ nữ, 6/2011), nhà văn Nguyễn Xuân Khánh tái ngộ độc giả bằng dòng văn chương ấm áp và cuốn hút, hứa hẹn những miêu tả, xét đoán tinh tế về tâm thức con người cũng như những bí ẩn thẳm sâu trong tiềm thức và văn hóa của một cộng đồng dân tộc.

  • HOÀNG THỊ HUẾ Xứ Huế là một vùng đất có nền văn hóa đặc sắc - vừa mang nét riêng vừa dung hợp với văn hóa Việt Nam và khu vực, trong đó có sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa dân gian, văn hóa đô thị cổ truyền và văn hóa cung đình - mà không vùng đất nào có được.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGNhững cuốn sách đã giữ một vị trí đặc biệt trong thế giới tuổi thơ của tôi; trước hết là những sách giáo khoa tôi đã học trong những ngôi trường đầu tiên của đời mình, dưới thời Pháp thuộc.

  • NGUYỄN KHOA ĐIỀM Tìm hiểu diện mạo văn học một vùng đất là tìm hiểu những vấn đề gì?

  • KHẾ IÊM Hãy cứ tưởng tượng, khi hội họa mang đồ vật vào trong tranh (Pop Art, thập niên 60), và rồi tranh lại bước ra ngoài giá vẽ để đi vào thế giới hiện thực (thập niên 70), thì thơ cũng đang có những chuyển biến mới, chụp bắt yếu tố đời sống để sử dụng như yếu tố thơ.

  • HOÀNG TÙNG Văn học đồng tính - LGBT (lesbian, gay, bisexual, transgender) literature đã từng một thời bị coi là đề tài cấm kỵ trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, cùng với những cuộc đấu tranh về quyền con người, đấu tranh về bình đẳng giới, sự thừa nhận của xã hội đối với giới tính thứ ba, đó cũng là lúc dòng văn học dành cho người đồng tính bước từ bóng tối ra ánh sáng…