Thím Lan

16:27 14/07/2015

NGUYỄN THẾ TƯỜNG
               Truyện ký

"Kiến Giang nước chảy một dòng
Bên bồi bên lở đau lòng hay chưa
"
                       (Ru con Lệ Thủy)

Ảnh: internet

Suốt đời tôi không bao giờ quên dáng vẻ người phụ nữ ấy. Người đàn bà chỉ vụt qua trước mặt tôi như một tia chớp. Nhà tôi, dù sao cũng dòng khoa cử. Ông tôi đậu cử nhân nên Bà tôi được làng xóm gọi là bà Cử. Đó là năm 1958, nhà tôi đầy người, ai cũng chít khăn tang trên đầu. Mẹ tôi là dâu trưởng mặc áo tang "sổ trôn trái sống". Lúc ấy đã hoàng hôn, tôi, tám tuổi, ngây ngất vì mùi hương trầm, buồn rầu ngồi một xó không ai để ý. Bà tôi mất, tôi hết bị chưởi mỗi lần trèo ổi dang nắng... Nhưng chính vì thế mà tôi thấy như thiếu đi, thấy buồn. Bỗng một người đàn bà mặc áo đen từ ngoài vườn đi vô. Bà như thể từ bụi chè tàu lúc ấy đã sẫm lại, chui ra. Bà đến trước ba tôi nói chuyện hồi lâu rồi lẳng lặng tới trước bàn thờ có đặt quan tài, quỳ xuống lạy hai lạy, giở trong tay nải ra xấp vải trắng, thong thả vấn lên đầu, lạy ba lạy nữa rồi đứng dậy. Có tiếng người nói lao xao đâu như tiếng ông Tài trưởng họ:

- Mời thím Lan vô nhà dùng cơm, bay!

Thím Lan đâu rồi?

Loáng cái, người đàn bà biến mất như thể lại đã chui vào bụi chè tàu lúc ấy đã tối thui.

Thím Lan, sau cái lần lặn lội về nhà tôi xin để tang bà tôi, trở lên làm ăn vùng thượng du rồi lấy chồng. Sau khi bà tôi mất, chú tôi có về được mấy ngày nhưng cũng không thấy nhắc gì tới thím Lan. Họ không gặp nhau. Thím Lan lấy chồng làm lẻ người ta, chịu đựng cái kiếp chồng chung, đẻ con, nuôi con, không một lời than vãn. Cũng từ đó không thấy thím lai vãng về quê tôi.

Bẵng đi gần 15 năm, một lần anh ruột tôi dạy học ở một xã vùng thượng du về thăm nhà kể rằng: anh vừa gặp thím Lan. Chủ nhật, hội đồng nhà trường đi lao động cộng sản. Buổi trưa, thấy căn nhà với khu vườn đẹp thì ghé lại xin nghỉ nhờ nấu cơm trưa. Cả buổi không có chuyện gì xảy ra. Chỉ đến khi cả tốp giáo viên chào gia đình để trở lại công trường thì riêng anh bị bà chủ cầm tay kéo lại. Rào đón một hồi, bà hỏi luôn quê quán họ mạc của anh tôi. Khi biết chắc là không nhầm, bà khóc nói: Tôi ngờ ngợ quá, cả buổi tôi nhìn thầy đi tới đi lui. Thầy có cái lưng và dáng đi giống anh Niệm lắm. Có gặp bên Tây bên Tàu tôi cũng nhận ra được.

Từ đó, đường dây tình cảm mong manh, ngọn lửa nhỏ dường như đã tắt lụi từ mấy chục năm về trước lại bùng lên trong gia đình tôi. Lớp trẻ chúng tôi lớn lên sau này tò mò lắm, đêm đêm không còn ngủ gật khi nghe "bản trường ca" của mẹ tôi nữa. Đầu tiên thím Lan gởi về theo đò dọc đi chợ cho gia đình tôi một trái mít chín trong vườn. Trái mít to và ngon lắm, bổ ra cả nhà ăn thỏa thuê, lại còn cắt cho hàng xóm mấy miếng nữa. Ba tôi nói giọng vui (suốt đời ba tôi chẳng mấy khi vui): Của thím mấy đứa gởi cho. Nghe chuyện, hàng xóm ai cũng ngạc nhiên, tưởng ở Hà Nội gửi vô. Hà Nội mà gởi mít chín vô Quảng Bình là chuyện không có thật. Chỉ có ông Tài trưởng họ đã từng khăn đen áo dài "đi nói" thím Lan cho chú tôi là biết. Ba mẹ tôi xay thúng thóc nếp gởi theo đò dọc lên biếu thím, thím mừng lắm. Gởi thư về cảm ơn gọi ba mẹ tôi là "anh chị", gọi tụi tôi là "mấy đứa". "Khi nào rỗi việc đồng áng nhủ mấy đứa chèo đò đưa anh chị lên chơi, lấy củi về đun". Chèo đò! Chúng tôi sợ xanh mặt. 25 km chứ tưởng bở. Hồi ấy, đường bộ chưa thông, quê tôi đi đâu cứ phải dùng đò.

Năm sau, tôi đang học ở Hà Nội, thì nhập ngũ. Trong đội hình Lữ đoàn xe tăng tôi đang lái xe vào chiến trường thì nhận được thư ba tôi nói rằng hễ hành quân qua Trường Thủy thì tìm tới thăm thím Lan. Thư ba tôi dặn rất nghiêm túc: Thím đã hẹn với ba sẽ gả cô con gái thứ hai cho tôi. Tôi đưa thư cho mấy cậu pháo thủ đọc, đứa nào cũng cười ầm, trêu tôi mãi. Nói của đáng tội, khi qua vùng đất nhà thím đơn vị nghỉ lại một buổi, tôi có bí mật cất công đi kiếm nhưng không ra. Chỉ thấy một vùng sơn cước tiêu điều tan nát. Các vườn mít, chè, tiêu bị bom đạn cày xới ngổn ngang. Lâu mới gặp một người, hỏi thím, chẳng ai biết. Xa xa bên kia giới tuyến 17 ầm ầm vọng về tiếng pháo nổ nặng nề. Chiến dịch sắp mở. Mối tình của tôi dừng lại ở đó.

Sau này nữa, thằng em tôi lớn lên, thím Lan không nản lại nhắn gửi về mời ba mẹ tôi lên chơi có ý gả cô con gái thứ ba cho nó. Chưa kịp thì thằng em tôi đã nhập ngũ qua tuốt Kampuchia đánh Pônpốt. Rồi cũng thôi.

Nếu không có chúng tôi tháp tùng, chắc chắn chú tôi đã không dám bước vào khu vườn ấy. Chúng tôi chèo đò lên mặc dầu bấy giờ đường bộ đã thông lắm, có thể đi xe đạp, xe máy, xe con. Chú tôi về hưu. Tôi chẳng có xe con mà đi nữa. Đi xe đạp thì tụi tôi không thích. Thằng cháu ruột tôi mười sáu tuổi biết tin liền liều mạng nói dối nghỉ học tình nguyện chèo đằng mũi, suốt dọc sông cứ luôn thả tay chèo líu ríu kể:

- Ông ạ, cháu nghe ba cháu kể cháu biết hết. Năm ngoái bọn cháu đi lao động nhà trường chèo đò lên xúc sạn ngay quãng sông trước nhà bà bị bà la ầm.

- Sao lại la? Chú tôi ngồi giữa đò trên những tấm ván lót, hỏi ngay.

- Vì quãng sông đó đã hẳm lắm mà nhiều cơ quan làm nhà lên xúc sạn, xúc mãi, sông đổi dòng xói lở bãi trống tiêu nên Hợp tác xã cắt cử bà trông coi không cho ai xúc nữa.

- Sau rồi sao?

- Nhìn người bà tự dưng cháu đoán bừa là bà Lan. Cháu...

- Sao mày đoán được?

- Cháu không biết! Cháu thấy bà đẹp quá. Bà ra bờ sông dốc đứng. Cả mái tóc bạc cứ bay phất phơ. Bà la ầm lên nhưng giọng thì không ác. Thế là cháu vừa lặn ngụp xúc sạn vừa hét vang lên: Bà Lan ơi! Cháu ở Lộc Yên lên đây, cháu là con bà Toàn đây.

- Cái thằng!

Anh tôi chèo đằng lái tủm tỉm cười:

- Thằng này "giặc" lắm chú ơi! hắn biết điểm yếu của thím. Chiều hôm sau chở sạn về hắn khuân lên nhà một trái mít to. Cháu sợ hắn trèo rào hái của ai, vặn hỏi, hắn nói: Của một bà Tiên trên vùng thượng nguồn cho.

- Cái thằng! Chú tôi lầm bầm rồi lánh mặt nhìn mông lung ra bờ sông.

Con sông quê tôi đẹp lạ lùng. Sông nhỏ nhưng rất sâu nước trong và mát vô tận. Có điều lạ là càng lên thượng nguồn lòng sông càng mở ra, dòng chảy dường như không còn. Sông nằm yên tĩnh sưởi nắng. Cây trái hai bờ xanh đến ngợp mắt. Ở đây vắng tiếng gõ lòng còng đuổi cá, tuyệt nhiên không có tiếng xe tiếng máy gì hết, hai bờ líu ríu tiếng chim sẻ kêu. Tre pheo thả lá vàng xuống nước. Ở một bến rất kín đáo dưới lùm cây cừa rậm rạp có cô gái chao đôi thùng nước. Xa lắm, theo ngọn gió nam vẳng tới tiếng chim cu gù gọi bạn. Chú tôi ngồi im lặng trong lòng thuyền. Có đến bố tôi cũng không thể đoán được ông đang nghĩ gì. Gần năm mươi năm lăn lộn trên trường tranh đấu, liệu ông có bao giờ nghĩ rằng một ngày mùa thu cuối đời lại được thanh thản ngồi trong lòng thuyền do hai thế hệ sau ông chèo lên vùng thượng du đi tìm lại người tình thuở ấy.

- Sắp tới đoạn sông mày chở sạn chưa? Chú tôi hỏi bâng quơ.

- Đoạn nữa, thưa ông! Thằng bé lại thả chèo quay người lại nháy mắt với tôi.

- Bậy quá, mình ở Hà Nội về mà không mua cái quà chi cả. Lâu quá rồi không biết bả có nhớ...

Tự dưng tôi thấy thương chú tôi. Tội nghiệp! Suốt đêm hôm qua, khi ba tôi đã ngủ ngon trên rương. Chú tôi cứ chắp tay sau lưng đi đi lại lại trong ba gian nhà cổ mờ ảo ánh đèn dầu. Mẹ tôi nằm nhìn chú tôi, lo lắng. Tôi ngồi đốt thuốc lá dè dặt từng lời thuyết phục chú tôi tiến hành chuyến đi sáng nay. Đêm, vùng đồng chiêm quê tôi yên tĩnh nhưng dường như vẫn sống động, vẫn thở nhè nhẹ. Gió nam đưa vào nhà mùi hoa thiên lý hăng hắc. Mơ hồ một tiếng kẽo kẹt rì rầm xay lúa ban đêm. Một tiếng con nít nhà ai khóc, sau đó là tiếng ru ngái ngủ cất lên ngắt quãng chắc chắn là của bà ru cháu. Mẹ đứa bé sau một ngày vật lộn với đồng ruộng có lẽ đã ngủ say lử.

- Chị ạ! đi thăm cô ấy một cách lén lút thì em không muốn. Mà đi công khai... mẹ tôi chưa kịp lên tiếng thì chú tôi đã tiếp: hay tôi viết cái thư nhờ mấy đứa đưa lên.

- Thư gì, thư thanh minh ấy à? Chú cao thượng thật đấy... Tôi cướp lời, nói giọng cay độc.

Mẹ tôi tiếp:

- Chú coi trên đầu còn được mấy sợi tóc đen nữa mà... Tội nghiệp! bao nhiêu năm thím ấy chờ chú. Tôi nói thiệt, anh em chú vô tình lắm. Cả ba mấy đứa cũng thế. Đó chú coi! ngủ lăn chiêng, ngáy như cưa gỗ nữa, phải chi bà nội mấy đứa còn chắc bà la rầy anh em chú.

Chú tôi dừng lại gần cây đèn dầu. Bóng ông to lớn gù gù che khuất cả gian nhà. Biết ông không hút, tôi như theo bản năng vẫn cứ cầm hai tay đưa gói thuốc lên. Ông thẫn thờ cầm một điếu ghé đèn châm nhưng không biết đốt, điếu thuốc cứ trơ ra. Chợt mẹ tôi ngồi nhỏm dậy vấn tóc.

- Hay là chú cứ biên thư đi, mai tôi bảo mấy đứa chèo đò đưa lên thăm thím. Tôi cũng không còn sống mấy nả, lên thăm thím để "đi", thằng Tường lấy giấy bút cho chú.

Mấy lời nói như hờn dỗi của mẹ tôi làm chú hết do dự.

Bây giờ ông ngồi đây, trên thuyền, ngó mung lung ra xa. Thỉnh thoảng ông thò tay ra dòng sông vớt nước thả tong tong từng giọt xuống lòng thuyền trông như trò chơi con nít. Tôi nhác thấy lưng bàn tay ông đã nổi mấy nốt đồi mồi thẫm màu.

- Đây rồi ba ơi! Thằng bé đột ngột kêu lên - Chỗ cái bến hẳm hẳm ấy, ba bát lái đi.

- Ừ, ừ tao biết rồi khéo nghiêng đò.

Chú tôi loạng choạng đứng dậy rồi loạng choạng ngồi xuống như người say rượu. Con đò chòng chành hớp vào một ít nước, may có anh tôi giữ tay lái vững. Thằng bé nhanh nhảu nhảy xuống bờ nước neo thuyền vào một chùm rễ cừa xỉa lòa xòa xuống nước, nói líu ríu:

- Đi ông, cháu dẫn ông lên trước để ba cháu với chú Tường dọn thuyền rồi lên sau.

Chú tôi bần thần:

- Ờ, ờ để chờ ba mày đi luôn thể.

Thằng bé đã xăng xái vào trong sân mà chú tôi cứ luống cuống trước cửa, to lớn vụng về như một con gấu về đồng chiêm. Từ trong nhà một bà già lưng còng, tóc trắng xóa, da nhăn nheo đẩy liếp bước ra:

- Ai đó?

Chú tôi bước tới một bước, mặt tái đi:

- Cô có nhớ ai không?

Người đàn bà già nua chợt ngẩng phắt lên:

- Anh về bao giờ đấy?

Có một phút lặng đi. Làn gió trung du như dừng lại sau vườn mít rậm rạp. Một tảng mây rất lớn lướt qua vầng mặt trời che rợp khoảng sân chúng tôi đứng. Hai anh em tôi vác chèo bước tới:

- Thưa thím, chào thím.

- Anh với mấy đứa vô nhà đi. Đứng đây nắng lắm. Anh vô nhà đi, để em đi hái nắm lá chè xanh.

Tôi dõi mắt theo thím Lan đang bước ra vườn chè. Hình như bà giơ ống tay áo quệt mắt.

- Hồi đó lạ thiệt, em nhìn anh thì anh quay mặt đi, lúc anh quay mặt lại thì em lại sợ, cúi xuống. Còi tàu thì rúc ồ ồ.

- Hồi nào? Chú tôi mơ màng.

- Hồi năm bốn sáu chớ hồi nào, trên ga Mỹ Trạch ấy, anh Nam tiến...

- Ờ, ờ...

- Ai ngờ anh đi miết... Cho đến giờ.

Chú tôi và thím Lan ngồi hai bên bàn đều hướng mặt ra sân. Chú tôi to người ngồi trông cũng oai vệ. Thím Lan thì lưng còng, thấp nhỏ, cóm róm. Chúng tôi ngồi hết bên chõng lo lắng theo dõi hai ông bà. Có lẽ mẹ tôi nói đúng, chú tôi vô tình hay hậu đậu thế nào ấy. Đại tá gì ông! Chính ủy mà nói một câu không ra cứ lúng búng như ngậm hột thị. Anh tôi đỡ lời:

- Thưa mấy em đâu rồi thím?

- Mấy đứa đi làm việc nhà nước ở xa hết cả. Chỉ có đứa cháu ngoại đầu ở với thím. Còn ông ấy bỏ ra Ba Đồn lâu rồi ra với bà cả - thím nói giọng lạnh tanh.

Mãi sau này tôi mới hiểu vì sao suốt từ sáng đến lúc ấy chú tôi cứ lúng túng như gà mắc tóc.

Ông xoay thế ngồi mặt như rạng ra:

- Ừ, lạ thật, hồi ấy tôi cũng đã già giặn trong trường đời mà sao vẫn cứ dại... Khi tàu sắp chạy tôi định nói với cô vài lời, thế mà rồi quên mất. Sau, mỗi lần chuẩn bị một trận đánh, khi nghĩ rằng mình có thể ngã xuống trong trận này, nhớ lại phút ấy tôi cứ ân hận mãi sao không kịp nói.

- Nói gì mà nói, em nhìn anh thì anh quay mặt đi... em cũng định nói. Em tính khi còi tàu rúc em sẽ nói để khỏi ai nghe thấy. Nhưng rồi tàu chạy. Lúc đó em mới dám nhìn thì anh vào trong toa mất, mà mấy anh Nam tiến người Bắc thì bạo mồm quá. Anh về hưu lâu chưa?

- Lâu, tám năm rồi.

- Rứa là... Trước khi về hưu anh có vô công tác Nha Trang.

Chú tôi giật mình:

- Sao cô biết?

- Thằng con em biên thư kể, thằng thứ tư. Hắn đi bộ đội không quân, đóng trong sân bay Nha Trang. Hắn kể: Có cái bác Niệm mà mẹ hay kể chuyện ấy, vô kiểm tra đơn vị hắn. Hắn nhận ra nhưng thấy ổng đeo quân hàm đại tá hắn sợ không dám hỏi, chỉ chào theo kiểu quân sự. Sau hắn về phép, em hỏi sao không giới thiệu nhận quen, hắn nói: sợ bác ấy nghĩ là con thấy người sang bắt quàng làm họ.

- Sang gì? Đồng chí ấy nghĩ thế là sai, tên gì? Chú tôi hỏi như cóc nhảy, nói ngắn, thím Lan thì cứ nhẩn nha chậm rãi. Chuyện người già mà như đánh ma-níp hết tích lại tè, tích tè.

Thím Lan:

- Tên gì thì anh biết sao được. Hồi ấy hắn mới binh nhất binh nhì chi đó. Em cũng có dặn: Lần sau gặp thì nhận, đừng sợ, ngày xưa bác ấy tốt lắm.

Chú tôi sầm mặt xuống. Một áng mây u ám lướt qua mắt ông, thú thật tôi lo quá, lỡ không may ông khóc thì tôi chẳng biết đằng nào mà can ngăn. Tôi bước ra vườn, đổ gánh nặng "tháp tùng" cho anh tôi, dù sao anh ấy cũng già giặn hơn. Ngoài vườn thoang thoảng mùi hoa rừng, từ gió đưa về chứ trong vườn không có. Vườn toàn mít, cây to xù xì vô khối quả. Tôi định bụng tìm thằng cháu nghe hắn nói chuyện cho đỡ buồn nhưng không thấy. Cảnh trung du đẹp nhưng buồn. Nắng chói chang. Hoa sim nở tím biếc. Cả quả đồi như được phủ bởi một tấm vải lấm tấm màu hoa tím. Những bông hoa tròn, cánh dày dặn cắm chắc trên cái đài hình phễu bầu. Từ dưới thung lũng thằng cháu tôi đang chạy lên, một tay cầm bó hoa rừng, tay kia dắt cô cháu ngoại của thím Lan. Hai đứa mặt đỏ lựng.

- Thưa chú!

Cô gái nhỏ chừng mười hai, mười ba tuổi thỏ thẻ chào tôi. Cô bé ăn mặc tàng tàng, quần vải, may kiểu nhà quê, gấu áo có đoạn bị xơ. Mái tóc hoe hoe vàng, bộ ngực nhỏ bắt đầu nhú lên. Nhìn hai đứa nhỏ tôi thầm cảm động nhưng lại buộc miệng gắt thằng cháu:

- Mày đi đâu về?

- Cháu ra đây định đi lang thang ra đồi...

- Ghê nhỉ! tuổi mày mà đã biết đi lang thang.

- Dạ không - thằng cháu cuống quít.

- Cháu nghe bà Lan nói em Hương đi chặt củi ngoài đồi, cháu đoán là sắp gánh về, cháu đón.

- Khá lắm, củi đâu?

Cô bé nhỏ vội đỡ lời:

- Dạ thưa chú, anh Xuân gánh về cho cháu rồi, để sau dại tê tề.

Chao ôi! cô bé vùng sơn cước. Có lẽ từ khi ra đời chưa bao giờ gặp phải một thằng cu vui tính và "giặc" như thằng cháu tôi.

- Thôi hai đứa vô nhà đi, khoan hẵng rửa mặt kẻo cảm đấy.

Tôi tiếp bước ra đồi lang thang... Nhưng chỉ mấy phút sau đã lại thấy thằng cháu bươn bả chạy ra lại gần tôi lo lắng hỏi:

- Chú ơi! Trưa nay mình có ăn cơm ở đây không? Cháu thấy đói bụng rồi mà ông bà nói chuyện với nhau miết, coi chừng say dữ.

- Ba mày có trong không? Ông với bà đang nói chuyện gì?

- Ba cháu biến đi đâu rồi ấy. Còn ông với bà thì đang kể tới "hồi bốn tám". Cháu nghe bà Lan nói: Giặc giã loạn ly như rứa, người làng vô tới gặp anh mà anh nói gửi lời hỏi thăm em...

....Đó là năm 1948. Khu du kích vùng tôi được chọn năm người vô Liên khu năm học văn hóa ngắn ngày. Họ tìm gặp chú tôi. Ông lúc đó đã là tiểu đoàn trưởng, chỉ huy một mũi phòng ngự phía bắc Diên Khánh. Mặt trận Nha Trang mới bị vỡ, đánh nhau liên miên. Sau khi mãn khóa học mấy người đến chào chú tôi để trở ra. Ông mới từ chiến hào trở về người còn khét mùi thuốc súng. Ông lấy một đôi dép cao su với hai quả lựu đạn biếu anh em đồng hương. Một người hỏi: Tụi tui trở ra anh có gởi chi cho chị Lan? Chú tôi sầm mặt xuống một lúc rồi nói: Các bác cho gởi lời hỏi thăm...

Riêng chuyện này, suốt bốn mươi năm qua mẹ tôi đã càm ràm nhiều lần lắm. Càm ràm với ba tôi ấy. Nhưng mỗi lần đều bị ba tôi nạt át đi: "Mẹ mày không biết à? Hồi đó kháng chiến, cấm không được tình cảm riêng tư gia đình. Giặc giã tùm lum chú "mấy đứa" là chỉ huy, đảng viên, yêu đương lả lướt sao đặng. Thôi không nói nữa!" Mẹ tôi thường nín. Nhưng tôi biết bà không bao giờ chịu ba tôi. Nếu sang bên kia thế giới còn gặp lại chắc mẹ tôi còn thắc mắc. Mẹ tôi hay kể đi kể lại cái chuyện "hồi bốn tám" ấy cho tụi tôi nghe và oán chú tôi bạc tình. Nghe mãi thành thuộc rồi cứ quen gọi đùa là "Hồi thứ bốn mươi tám", như chuyện Tam quốc chí.

Những đêm mùa đông mưa rả rích và dài lê thê ở vùng đồng chiêm mênh mông quê tôi, nếu không có những đoạn những hồi ấy trong quá khứ để kể thì mẹ tôi chắc cũng chết héo mất. Cái nhu cầu khẩn thiết của thằng cháu tôi rồi cũng được đáp ứng. Buổi trưa hôm ấy, tất cả chúng tôi cùng với bà cháu thím Lan xúm xít xung quanh mâm cơm đạm bạc. Chú tôi vẫn ăn theo kiểu con nhà lính, không khách sáo, ăn nhanh và bãi trước. Bọn tôi cũng buông đũa. Thằng Xuân giúp con bé dọn mâm bát còn chúng tôi ngồi uống nước chè xanh.

Nửa chiều chúng tôi về. Thằng Xuân khuân về đò một quả mít lớn sắp chín. Con bé ôm xuống một ôm tướng chè xanh.

Chú thím tôi đi sau cùng. Khi đò quay lái, thằng Xuân giơ tay vẫy rồi định hét tướng một câu gì đó chợt nhìn vào mắt chú tôi liền im bặt, ngồi xuống lòng thuyền. Hai anh em tôi đẩy mạnh mái chèo. Thím Lan và con bé vẫn đứng trên bờ sông dốc đứng trông theo. Gió nam chiều thổi lộng từ lòng sông cuốn tung những dải tóc xơ xác của hai bà cháu.

Huế tháng 1.1989
N.T.T
(SH36/03&04-89)







 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • LÊ KHAI           Bút kýAnh đưa tôi một tờ giấy cuộn tròn và nói: Tuần qua tôi đi tìm mộ liệt sĩ ở Truồi (huyện Phú Lộc). Tìm một mộ mà phát hiện ra tám mộ. Buồn! Tôi làm bài thơ. Anh xem và chữa giúp. Cả đời tôi chưa quen làm thơ.  Anh chào tôi rồi vội vã về vì đang có việc cần.

  • HÀ KHÁNH LINH            Trích Hồi ký… Mùa xuân 1967, địch tăng cường đánh phá suốt ngày đêm, ngày một ác liệt hơn. Các trạm khách dọc tuyến đường 559 không ngày nào không bị đánh trúng hoặc B52 hoặc bom tọa độ, hoặc pháo tầm xa. Ngày nào cũng có thương vong. Có những đơn vị trên đường hành quân vào Nam chưa đến địa điểm tập kết đã bị đánh tơi tả, chỉ còn sót lại vài người. Các cơ quan đơn vị đóng chung quanh khu vực phần nhiều đã bị đánh trúng.

  • TUỆ GIẢI NGUYỄN MẠNH QUÝ                                        Tạp bútNhư nhân duyên, như định mệnh, cuộc đời tôi như thu hết vào trong một chung trà. Tuổi thơ đã qua, bây giờ và sẽ mãi mãi, cuộc đời tôi luôn vương vấn một hương trà. Tôi thường hay nói đùa cùng bằng hữu rằng sinh ra và lớn lên được ướp trong hương trà, tôi cũng chỉ mơ một ngày về thiên cổ được vẫy tiễn linh hồn bằng một chén trà ngon, được chôn theo cùng là một bộ ấm trà quý nhất và được vẫn cùng người “hồng nhan tri kỷ” đồng ẩm tương phùng ở thế giới bên kia!!!

  • TRẦN KIM HỒĐảo Cồn Cỏ là vọng gác tiền tiêu, là con mắt của Vĩnh Linh - khu Vĩnh Linh là tiền đồn của miền Bắc XHCN, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam; do đó đảo Cồn Cỏ có vị trí vô cùng quan trọng, mặc dù diện tích chỉ có 4km2. Mât Cồn Cỏ, miền Bắc XHCN trực tiếp bị uy hiếp, nhất là vào lúc nguỵ quyền Ngô Đình Diệm không ngớt hô hào lấp sông Bến Hải, Bắc tiến; đế quốc Mỹ từng trắng trợn tuyên bố biên giới Hoa kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17.

  • PHẠM NGUYÊN TƯỜNGHai cái máy lạnh hai cục trong căn phòng 40m2 của nhà hàng Hoa Chuối cộng với cả trận mưa chiều đột ngột tầm tã không làm dịu được sức nóng từ tấm thịnh tình của gần 50 cộng tác viên thân thuộc của tạp chí Sông Hương tại thủ đô Hà Nội.

  • TÔ VĨNH HÀTrong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, 60 năm qua là một chặng đường đặc biệt. Chưa bao giờ dân tộc ta phải đương đầu với nhiều thử thách đến như thế, phải chiến đấu và chiến thắng nhiều kẻ thù đến như thế. Pháp rồi Nhật, Tưởng và Anh; hết Mỹ đến Khơmer “đỏ”... Kẻ thù và đau khổ nhiều đến mức tưởng chừng như đất nước Việt Nam được tạo hoá sinh ra là để cho các loại kẻ thù nhòm ngó, tìm mọi cách thôn tính.

  • NGÔ MINHTừ tháng 7-1954, Hiệp định Giơnevơ ký kết cho đến cuối năm 1964 đôi bờ giới tuyến Hiền Lương lặng im tiếng súng, nhưng đây là 11 năm diễn ra cuộc đối đầu văn hóa nóng bỏng, quyết liệt nhất giữa ta và địch.

  • PHAN THỊ THU QUỲ Trên bờ Hương Giang êm đềm, có ngôi nhà nhỏ tôi được sinh ra ở đó. Hằng ngày tung tăng cắp sách đến trường Đồng Khánh, tôi cũng nhảy nhót trên bờ Hương Giang. Lớn lên tôi hoạt động nội thành thường đến hò hẹn bên cây phượng vỹ trước cửa Thượng Tứ, nơi đó là địa điểm giao nhận những “gói nhỏ”, để nhận công việc và để nhớ mật hiệu. Cho nên trên bờ Hương Giang tôi đã ngắm dòng sông thơ mộng với tôi gắn bó biết bao từ tuổi ấu thơ cho đến bước  vào đời.

  • NGUYỄN VĂN VINH                         Bút ký Thôn Hiền An, xã Vinh Hiền là một thẻo đất cát bạch sa cuối phá Tam Giang phía Bắc vào. Như một ốc đảo ba bề, bốn bên là nước, nếu không có đường 49B chạy dọc phá đến cùng đường, tận biển. Và mỗi ngày, hai chuyến xe đò chở khách cùng mấy chục chuyến đò ngang phá qua lại Lộc Bình đem chút xôn xao thị tứ, phố chợ về với thôn, xã thì Hiền An càng xa xôi heo hút.

  • TRẦN HOÀI                  Ghi chépThung lũng A Lưới chạy dài theo hướng Bắc Nam đến vài chục km. Đó là một thung lũng đẹp, là một vị trí quân sự chiến lược, là nơi giao tranh ác liệt giữa ta và địch trong cuộc kháng chiến vừa qua...

  • LÊ BÁ ĐẢNGBạn của tôi rất nhiều. Năm ba bạn mà tôi nhắc nhở ra đây phần nhiều là bác sĩ, kỹ sư, giáo sư còn nghệ sĩ thì chất cả đống.

  • NGUYỄN THẾ QUANGMùa hạ, trời Bát Tam Boong trong xanh. Những hàng cây thốt nốt lặng lẽ kiêu hãnh xòa những tán lá xanh che mát cả khu đồi. Trong căn nhà của sở chỉ huy Sư 179 quân đội Cămpuchia, trung tá Nguyễn Văn Du chuyên gia của bộ đội Việt Nam cởi thắt lưng ra treo khẩu K54 lên vách. Anh vui mừng trước khả năng chiến đấu ngày càng tốt của quân đội bạn. Trận đánh trả lực lượng quân đội Thái Lan bảo vệ sáu nghìn dân tị nạn ở chòm Rumthumây diễn ra nhanh chóng.

  • TỐ HỮU        Trích chương V, hồi ký Nhớ lại một thời

  • VÕ MẠNH LẬP            Ghi chépTrong những ngày tháng ba, hai lẻ sáu trời Hà Nội đẹp và dễ chịu. Cái nắng vàng phủ tràn thành phố, tôn màu của cây thêm xanh biếc, ngói trên các mái nhà như thắm thêm lên, đường phố đi lại thanh thoát và đặc biệt có chút se lạnh vào sáng sớm như sợi tơ vương của hơi thở cuối mùa đông còn lưu sót lại.

  • NGUYỄN QUANG HÀ                          Bút kýMã Yên là tên trên bản đồ của một ngọn núi, còn dân địa phương thì gọi đó là núi Yên Ngựa. Núi Yên Ngựa là một trong những ngọn núi ngoài cùng về phía Đông của dãy Trường Sơn.

  • NGUYỄN QUANG HÀ                         Bút kýNắng chiều vàng trải dài trên những hàng bia trắng như mơ, như kỳ ảo. Đi trong nghĩa trang tôi có cảm giác mình như đang ngỡ ngàng, có cái gì đó nghèn nghẹn nơi cổ khi hàng hàng những bia trắng dài kia không có một nét mực ghi tên. Đó là những tấm bia vô danh.

  • NGUYỄN TRI TÂMNgười kể chuyện phải lục tìm những tấm ảnh lưu niệm để nhớ chính xác hơn. Sau tấm ảnh đen trắng cỡ 18x24, tướng Hoàng Văn Thái kí tên và ghi rõ “Thân tặng đồng chí trung tá Lương Văn Chính, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, huyện đội trưởng huyện đội Điện Biên. Kỉ niệm ngày lên thăm Điện Biên 3-4-1984”.

  • TẤN HOÀIHưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhĐêm đó, Bác nghỉ lại tại Cọt Mạ - một thị trấn nhỏ của Trung Quốc, thị trấn nhỏ như một bản miền núi miền nam Trung Quốc, có một cái chợ nhỏ, cách biên giới Việt Nam khoảng trên bốn cây số. Tất nhiên, đó là một cơ sở của cách mạng Trung quốc. Hôm sau, Bác về nước cùng với những đồng chí Việt Nam đi đón Bác trong đó có Dương Đại Lâm, Lê Quảng Ba, Bằng Giang. Những người này về sau trở thành cán bộ lãnh đạo của khu tự trị Việt Bắc. Bác về đúng vào tháng 2 năm 1941. Bác đã ghi trên một phiến đá trong hang Cốc Bó, nằm trong khu vực Pác Bó. Gia tài Bác chỉ có một chiếc va li cũ đan bằng mây, bên cạnh một chiếc máy đánh chữ mà Bác luôn luôn xách bằng tay.

  • HOÀNG QUỐC HẢI                        Bút kýVì sao khi Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) được nước, cung điện nơi thành Hoa Lư các vua Đinh, vua Lê dựng như “điện Bách Bao thiên tuế, cột điện dát vàng, dát bạc làm nơi coi chầu, bên đông là điện Phong Lưu, bên tây là điện Cực Lạc, rồi làm lầu Đại Vân, dựng điện Trường Xuân làm nơi vua ngủ, bên cạnh điện Trường Xuân lại dựng điện Long Lộc, lợp bằng ngói bạc...”, lâu đài điện các như thế, tưởng đã đến cùng xa cực xỉ.

  • JEAN-CLAUDE GUILLEBAUDLà một nhà báo - nhà văn Pháp thuộc “thế hệ Việt Nam”, thế hệ những người Pháp mà dấu ấn của cuộc chiến Đông Dương đã và sẽ in đậm trong suốt cuộc đời. Ông có mặt ở Việt Nam vào nhiều mốc lịch sử trước 1975, và từ đó ý định trở lại đất nước Việt Nam vẫn luôn thôi thúc ông. Cuốn “Cồn Tiên” được viết sau chuyến đi Việt Nam từ Nam chí Bắc của ông năm 1992. Bản Công-xéc-tô vĩnh biệt này, có thể nói, nó là nỗi ám ảnh của người pháp về Điện Biên Phủ ở Việt Nam. Hiện Guillebaud đang công tác tại Nhà Xuất bản Le Seuil (Paris).