LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Văn Giảng, con người của những nốt nhạc mơ mộng chân nhiên nơi miền non nước Hương Bình đã dấn thân trong miền giao cảm của nước, của sông, của tiếng chuông chùa ngân vọng để viết nên những ca khúc bất hủ Ai về sông Tương, Đôi mắt huyền, Từ Đàm quê hương tôi... tô vẻ thêm cho tiếng lòng vùng đất Cố đô.
Nhạc sĩ Văn Giảng (1924-2013)
70 năm Tân nhạc Việt nam khi bàn về gia tài âm nhạc của Văn Giảng đã nhận định: “Nhạc sĩ được nhắc tới đầu tiên ở miền Trung phải là nhạc sĩ Văn Giảng, một trong những tên tuổi Tân nhạc hàng đầu của đất Thần kinh cùng Nguyễn Văn Thương, Ngô Khanh, Nguyễn Hữu Ba, Châu Kỳ, Hồ Thu, Lê Mộng Nguyên...”.
Vậy mà mùa Phật Đản năm nay, Huế rực rỡ với bao sen hồng nở rộ, bỗng nghe một tin buồn từ Úc châu xa xôi, nhạc sĩ Văn Giảng, người con của Huế đã từ trần vào ngày 9 tháng 5 năm 2013 tại Melbourne, hưởng thọ 89 tuổi. Bất ngờ thay, tôi đã có ý định viết về ông cách đây mấy tháng, đã tìm được số điện thoại(1) của ông ở nước ngoài nhưng chưa kịp gọi để trò chuyện cùng ông thì ông đã vội đi xa. Tôi rất nuối tiếc vì điều này, nay chỉ xin viết đôi dòng trên những tư liệu và những nhạc phẩm của ông còn neo lại với thời gian.
*
Nhạc sĩ Văn Giảng có tên thật là Ngô Văn Giảng, quê quán là ngôi làng văn vật Bác Vọng Ðông, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Ông sinh ngày 12 tháng 5 năm 1924 tại Huế, trong một gia đình có truyền thống âm nhạc và Phật giáo thuần thành. Trong suốt thời ấu thơ, Văn Giảng chịu ảnh hưởng của nhạc cổ điển qua những ban nhạc tài tử ở Huế. Thuở ấu thơ ông đã mê đàn hát, thích chơi mandolin và guitar. Ông rất có năng khiếu về các món nhạc cụ này. Đặc biệt, tuy không qua một trường lớp âm nhạc nào nhưng ông đã trở thành một người chơi đàn guitar Hawaii (hạ uy cầm), guitar và contrabass (đại hồ cầm) nổi tiếng ở Huế thời đó.
Có chuyện kể rằng, lúc nhỏ trong khu phố của ông có một người biết đàn guitar, ông đến xin học nhưng ông thầy này ra điều kiện là phải mua tặng cho ông ta một cây đàn guitar mới. Vì nhà nghèo nên không tiền mua đàn để tặng, ông phải đành ở nhà tự học. Nhưng sau một thời gian miệt mài, Văn Giảng sử dụng đàn guitar thành thạo, cùng kiến thức về âm nhạc của ông đã vượt qua ông thầy, và chính ông này lại đến nhờ ông chỉ bảo thêm.
Văn Giảng tham gia âm nhạc rất sớm nhưng sự nghiệp tình ca muộn hơn các nhạc sĩ cùng thời. Cuộc hành trình âm nhạc của ông được phân định từng giai đoạn rõ rệt. Theo hồi kí Nhạc tiền chiến của nhạc sĩ Lê Thương: “Sinh hoạt đầu tiên của Văn Giảng là tham gia hòa nhạc với các nhạc sĩ bạn Nguyễn Văn Thương, Lê Quang Nhạc vào khoảng năm 1942-1943 khi ông mới 18 tuổi. Sau đó vào khoảng năm 1944, nối gót nhạc sĩ Thẩm Oánh, tác giả bài A Di Đà Phật ở ngoài Bắc, Văn Giảng cùng với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba khởi xướng và phát triển nền Phật nhạc tại Huế”.
Ông được xem là nhạc sĩ có trình độ nhạc lí cao nhất của Việt Nam. Từng tu nghiệp các nhạc viện Hawaii và Bloomington (Mỹ), giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc Huế, giáo sư trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Nói về nhạc lí, ông có những đóng góp rất quan trọng. Năm 1956, ông đã tìm ra phương pháp ký âm cho nhạc sĩ cổ truyền có thể nhìn bài bản mà trình tấu chung với nhạc sĩ tân nhạc. Sau đó ông thành lập ban cổ kim hòa điệu Việt Thanh, đây là ban nhạc đầu tiên trong nước dưới hình thức tân cổ hòa điệu với những nhạc khí tranh, tỳ, nhị huyền, nhị hồ, đàn nguyệt... hoà tấu chung với piano, guitar, đại hồ cầm... Văn Giảng đã sáng tác cho ban này bản hòa tấu “Ai đưa con sáo sang sông” dài 60 phút, cho xuất bản sách “Kỹ thuật hòa âm”, đến nay vẫn có chỗ đứng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Gần 30 năm nay, sau khi định cư ở nước ngoài, Văn Giảng đã soạn nhiều sách dạy nhạc, sử dụng nhạc cụ bằng cả hai thứ tiếng Việt, Anh, nhưng chưa được xuất bản. Ông hy vọng có một nhà xuất bản tiếng Việt ở Mỹ nào đó có thể giúp ông ấn hành các tác phẩm này trước khi ông qua đời, cũng như số tiền từ tác quyền từ những trung tâm băng nhạc trả cho ông, ông dành hết để làm việc thiện. Việc chưa thỏa nguyện thì Văn Giảng đã mãi đi xa.
*
Trong sự nghiệp sáng tác của mình ông lấy tới 3 bút hiệu: Văn Giảng, Nguyên Thông và nổi tiếng nhất là Thông Đạt.
Bút hiệu Văn Giảng lấy tên thật, chỉ bỏ đi họ (Ngô) đằng trước, chỉ dành cho những bản hùng ca thúc giục lòng ái quốc hoặc viết về quê hương như các bài Đây Mê Linh, Nam Quan hận khúc, Xa quê, Nhảy lửa... Bút hiệu Thông Đạt lại là sự kết hợp của hai pháp danh Nguyên Thông của Văn Giảng và Tâm Ðạt của người vợ ông. Với bút danh này ông có các nhạc phẩm trữ tình như Ai về sông Tương, Đôi mắt huyền, Hoa cài mái tóc, Tình em biển rộng sông dài, Năm nay em mấy tuổi, Thương tà áo bay, Xin đừng bỏ nhau, Xin đừng chờ em nữa,... làm say đắm biết bao tâm hồn đồng cảm. Và bút hiệu Nguyên Thông với các ca khúc Phật giáo như Từ Đàm quê hương tôi, Mừng Đản sanh, Ca Tỳ La Vệ, Vô thường, Hoa cài áo lam, Tìm đâu xa, Vũ khí chơn tâm Bao la vô tận, Đời sống Đức Phật, Bờ mê bến giác, Buông xả, Dòng sinh diệt, Giả hợp, Hãy tự giác, Mong tỉnh ngộ, tâm bệnh,... mà mỗi mùa Phật Đản ấu thơ tôi đều được nghe, xem các anh chị biểu diễn văn nghệ chào mừng đều có mấy bài của Nguyên Thông. Đóng góp cho nền Phật Nhạc Văn Giảng đã để lại ca khúc nổi tiếng nhất đó là “Từ Ðàm Quê Hương Tôi” viết sau mùa Pháp nạn ở Huế năm 1966. Một bài hát rất nhẹ nhàng, rung cảm thâu trọn cả tình người xứ Huế vào tâm khảm: “Quê hương tôi miền Trung/ Sớm hôm chuông chùa nhẹ rung/ Tiếng muôn đời hồn tổ tiên kiêu hùng.” Chỉ cần nghe một câu ấy thôi, đi đâu xa Huế cũng muốn quay về.
Đặc biệt, ông còn viết nhạc thiếu nhi với những bài hát rất dí dỏm, dễ thương được các nhỏ thời đó thuộc nằm lòng như: Đến trường, Chơi ná, Chê trò xấu nết, Mèo chuột, Tham mồi, Gương sáng Lê Lai, Quang Trung hùng ca, Trăng Trung thu,... Mới đây gặp mấy người bạn vong niên luống tuổi, hỏi ra họ vẫn còn thuộc các bài Gương sáng Lê Lai, Quang Trung hùng ca của Văn Giảng thời đi học mẫu giáo năm nao.
Có thể nói, ở Văn Giảng có tới 3 con người: Con người thứ nhất là một Văn Giảng đáng kính, người thầy tận tụy trong làng nhạc; Con người thứ hai là một Nguyên Thông đáng quý với những dòng nhạc hương tỏa ánh đạo vàng; Con người thứ ba là Thông Đạt đáng yêu của những tình khúc bất hủ.
Văn Giảng ra đi đã để lại một sự nghiệp âm nhạc với hơn 50 tác phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật, làm thổn thức biết bao con tim, khối tình đồng điệu. Trong đó phải kể đến ca khúc bất hủ: Ai về sông Tương đã làm nên tên tuổi Thông Đạt - Văn Giảng sống mãi cùng thời gian.
*
Ai về sông Tương sáng tác năm 1949 với bút hiệu Thông Đạt, cảm hứng từ một lần đứng bên dòng sông Hương hữu tình mà chạnh lòng thương nhớ cố nhân. Cố nhân nào đã khiến ông đổi tên sông Hương thành sông Tương?
Đó là một cô gái Kim Long đẹp yêu kiều, người yêu của Văn Giảng thời trai trẻ. Nhưng do duyên tình cách trở, nhà gái không tán thành chuyện gia thất vì gia đình người đẹp Kim Long chuộng Nho phong, không thiện cảm với anh chàng nghệ sĩ mộng mơ với những cây đàn. Sau này cô gái đó lấy chồng để lại một Văn Giảng si tình nhung nhớ. Mãi gần đây, học giả Trần Kiêm Đoàn, từng là một học trò của thầy Văn Giảng, trong bài viết “Người về sông Tương” đã chia sẻ về hoàn cảnh ra đời chi tiết của bản nhạc đó, xin dẫn nguyên văn như sau: “Rồi một hôm, Thầy vào rạp xi-nê Tân Tân, gần cầu Trường Tiền bên bờ Bắc sông Hương để coi phim “Bé Nhà Trời”. Ngay trước mắt Thầy, ờ hàng ghế trước có một cô bé tóc dài. Tuy nhìn không rõ mặt nhưng từ dáng dấp đến hương tóc thoang thoảng mùi hoa ngâu của người thiếu nữ đã làm sống lại hình ảnh người tình Kim Long. Thầy bị xúc động đến nỗi không thể còn ngồi lại lâu hơn trong rạp chiếu bóng để xem phim, nên vội vàng ra khỏi rạp. Thầy đạp chiếc xe đạp Dura Mercier của Thầy dọc theo bờ sông Hương để vô cửa Thượng Tứ vào nhà ở Thành Nội. Thoáng chốc dòng sông Hương hiện ra như là dòng sông Tương chia biệt trong truyện tình cổ sử Trung Quốc. Thầy vừa đến nhà là dựng ngay chiếc xe đạp ngoài hiên, đi nhanh vào nhà và vội vã sáng tác bản nhạc bằng tất cả sự hoài niệm và háo hức nghệ thuật với sự chấn động dị thường như phép lạ hóa thân. Bản nhạc Ai Về Sông Tương được viết ra trong vòng mười lăm phút!”
Ca khúc này ra đời thời đó với sự hỗ của nhà xuất bản Tinh Hoa (Huế) ấn hành và được phổ biến trên đài Pháp Á lần đầu tiên qua giọng hát của Mạnh Phát và Minh Diệu. Nhạc phẩm này được thính giả cả nước tiếp đón một cách nồng nhiệt qua các đài phát thanh, riêng đài Pháp Á chọn làm bài hát hay nhất trong năm 1949, và được tái bản 6 lần không kể những lần in tại hải ngoại sau 1975. Hiện nay, nhạc phẩm Ai Về Sông Tương được đánh giá là một trong 10 bài hát hay nhất trong âm nhạc Việt Nam.
Đó là nỗi niềm của một chàng trai si tình hơn 60 năm trước, bên dòng Hương thơ mộng đã gieo hoài lên giai điệu buồn cuộn sâu trong dòng nước. Ca khúc được viết theo cung La trưởng, uyển chuyển, thướt tha trong giai điệu và ca từ rất thơ và lãng mạn. Cuộc đời dâu bể, thế sự đổi thay nhưng nỗi hoài cảm tái tê của Ai về sông Tương vẫn đồng hành với biết bao tâm tư nhân thế. Một buổi chiều thu thành Huế khói sương, lặng im mà lắng nghe:
“Ai có về bên bến sông Tương,
nhắn người duyên dáng tôi thương, bao ngày ôm mối tơ vương”.
Chở cả nỗi sầu tròng trành trên con nước lững lờ, của con tim thổn thức “mơ bóng em luôn” như những nhịp đập muôn thuở của tình yêu mơ mộng chỉ “mong vài lời em ngập hương” nhắn gửi cho tâm hồn du tử.
Ai về sông Tương lấy cảm hứng từ điển tích từ bầu tâm sự cháy lòng trong Trường Tương Tư của nàng Lương Ý, đời Hậu Chu, gửi niềm nhớ thương cho Lý Sinh, sau khi đau khổ phải xa cách người yêu. Nguyên văn như sau:
“Quân tại Tương Giang đầu
Thiếp tại Tương Giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương Giang thủy”
Dịch:
“Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Tương tư không gặp mặt
Cùng uống nước sông Tương”
Trong tình sử Trung Hoa, con sông Tương xưa kia cũng đã chứng kiến bao cuộc li biệt tình ái thơ mộng thấm ướt cả bến bờ Tương giang. Dòng Tương Giang từ lâu đã trở thành biểu tượng bất tử, nơi chứng kiến những cuộc tình bi phẫn, chia li nồng nàn sầu, ngút ngàn thương nhớ. Sông Tương vượt thoát khỏi ái ân của một vùng địa dư, là phụ lưu dồi dào cho gửi cả vào nguồn cảm hứng thi ca bất tận lan xa đến trời Nam.
Ngay cả Nguyễn Du trong truyện Kiều cũng có câu mang tâm trạng điển tích ấy:
“Sông Tương một dải nông sờ
Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia”.
Văn Giảng đã đi thêm bước nữa, bay bổng cùng những nhịp điệu cố đẩy nỗi buồn thơ thẫn ra xa:
“Ai có về bên bến sông Tương,
nhắn người duyên dáng tôi thương, sao đành nỡ dứt tơ vương.
Ôi duyên hờ từ nay bơ vơ.
Dây tình tôi nắn cung tơ, rút lòng sầu trách người mơ...”
Nỗi niềm Văn Giảng của mấy mươi năm trước đã neo đậu vững vàng trong dòng chảy của nền Tân nhạc Việt Nam, một đốm sáng lẻ loi của con thuyền mộng giữa vùng non nước Cố đô. Âm hưởng Ai về sông Tương vẫn còn chưa thỏa cơn rút sầu trả hết cho dòng Hương trăm năm vẫn thẫn thờ. Văn Giảng đã đồng cảm tâm sự đó mà viết nên nhạc phẩm say đắm lòng người gắn với dòng sông bất tử đó vậy.
*
Người nhạc sĩ tài hoa Văn Giảng dù đã từng đi xa, ở tận bên trời người khuất nẻo, dù đến hôm nay đã thiên cổ cùng dòng Tương Giang biền biệt “dứt tơ vương”, vẫn mãi mãi là người con của Huế. Ông từng nhắn gửi tâm tư dung dị rằng: “Đối với tôi thì sông Tương là sông Hương. Tôi chỉ mong cuối đời về lại con sông này…”. Và có lẽ người con ấy giờ này cũng đã về rồi, về với mái trời Từ Đàm quê hương, về với sông Hương, lắng nghe tiếng sông Hương mơ mộng nghìn năm thắp xanh những sử thi buồn. Xin ngưỡng vọng một nén nhan cho thiên thu Văn Giảng trong nỗi niềm chiều nay... tôi cũng về sông Tương.
Sau khi nhạc sĩ Văn Giảng mất vào ngày 9/5/2013, vợ nhạc sĩ Văn Giảng, bà Ngô Thị Bạch Đẩu, vì quá xúc động nên sức khỏe suy yếu dần. Đến 5 giờ 50 phút chiều ngày 17/5/2013, bà cũng đã ra đi theo chồng tại thành phố Melbourne (Úc) hưởng thọ 85 tuổi. Sự ra đi của đôi vợ chồng nhạc sĩ Văn Giảng - Bạch Đẩu kết thúc một mối tơ duyên 64 năm bền bỉ, viên thành. Sông Hương xin chia buồn cùng gia đình Nhạc sĩ. |
T.G
(SDB9/6-13)
-------------
(1) Đây là số điện thoại của nhạc sĩ Văn Giảng ở nước ngoài: 613- 9689 9623.
Một số bài viết tham khảo thêm:
Nguyễn Văn Chánh, Những nhạc sĩ gốc Huế, 2012.
Trần Bá Đại Dương, Nhà xuất bản Tinh Hoa Những điều tôi biết - Số Đặc Biệt Sông Hương - 5/2010
Trần Kiêm Đoàn, Người về sông Tương, 2013.
Huy Phương, Gặp nhạc sĩ Văn Giảng ở Úc châu, 2011.
Hoài Nam, 70 Năm Tình Ca Trong Tân Nhạc Việt Nam (1930 - 2000), 2000.
VIỆT ĐỨCCâu trả lời đầu tiên vẫn thuộc về môi trường sinh hoạt âm nhạc. Hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh mỗi đêm có đến 50 tụ điểm ca nhạc hoạt động với cơn sốt ca sỹ leo thang đến chóng mặt.
Dương Bích HàCũng như các loại hình nghệ thuật khác, nền âm nhạc cổ truyền luôn tồn tại hai dòng: âm nhạc bác học và âm nhạc dân gian.Ở Huế, trên một thế kỷ là kinh đô của triều đại phong kiến Việt Nam, nên đặc biệt, tính chất này được bộc lộ rất rõ và triệt để, là nơi phân chia rạch ròi nhất các giai tầng trong xã hội, trong văn hóa nghệ thuật.
NGUYỄN ĐẮC XUÂNNgày xưa, xã hội Việt Nam thực hiện nguyên tắc “phụ truyền tử kế” (cha truyền con nối), cho nên ông nội tôi - cụ Nguyễn Đắc Tiếu (sinh 1879), người làng Dã Lê chánh, xã Thủy Vân, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, lúc mới lên mười tuổi, đã được cố tôi (lính trong đội Nhã nhạc Nam triều) đem vào Đại nội học Nhạc cung đình (Musique de Cour).
PHAN THUẬN THẢONhã nhạc là loại hình âm nhạc chính thống được sử dụng trong các cuộc tế, lễ của các triều đình quân chủ ở Việt Nam và một số nước khu vực Đông Á. Trong các cuộc triều hội, cúng tế, âm nhạc luôn theo suốt quy trình của buổi lễ, từ lúc mở đầu cho đến hồi kết thúc. Nó tham gia vào từng tiết lễ, là một thành tố không thể thiếu của cuộc lễ, đồng thời, là phương tiện giúp con người giao tiếp với thế giới thần linh. Loại hình âm nhạc này được các triều đại quân chủ hết sức coi trọng, được phát triển thành một thứ quốc nhạc và là một trong những biểu tượng cho sức mạnh của vương quyền và sự vững bền của triều đại.
THÂN VĂN1. Phương thức liên kết về bài bản.Đặc điểm chung nhất của hệ thống bài bản hòa tấu nhạc cung đình thường là ngắn gọn, gắn liền và phù hợp với các ca chương trong mỗi nghi thức tế lễ. Những nghi thức này được tiến hành theo một trật tự trang trọng và nghiêm ngặt, nên mỗi bài bản ca chương và âm nhạc buộc phải trình tấu đúng với thời gian cho phép của từng nghi thức. Những bài bản này đương nhiên hoàn toàn độc lập về nội dung, nhưng do nằm trong một trật tự trình tấu nối tiếp liên tục, nên ngẫu nhiên đã hình thành các thể loại liên hoàn khúc khác nhau. Trong đó, độ dài, ngắn của mỗi liên hoàn khúc, tuỳ thuộc vào tính chất quan trọng của cuộc lễ, tuỳ thuộc vào số lượt nghi thức và số ca chương mà cuộc lễ quy định.
YAMAGUTI OSAMUTháng Giêng năm 1994, trong lúc đang còn ngất ngây hương vị Tết, thì đột nhiên điện thoại và fax từ Paris đến tới tấp. Đó là vì UNESCO đã nhận lời yêu cầu của chính phủ Việt Nam để mở một Hội nghị Quốc tế thảo luận về vấn đề nên làm gì và cái gì có thể làm được để bảo tồn và phát huy tài sản văn hoá vô hình của Việt Nam, vì vậy họ muốn mời tôi tham gia hội nghị và đưa ra đề nghị cụ thể. Ông Tokumaru Yosihiko (giáo sư của Đại học Nữ Ochanomizu, lúc đó còn là Trưởng khoa của Khoa Văn hoá- Giáo dục) cũng nhận được lời mời như vậy, nên tôi đã liên lạc với ông và cả hai quyết định nhận lời mời này.
VIỆT HÙNGCuộc toạ đàm với chủ đề Sự cần thiết phải thành lập nhạc viện ở Huế vừa diễn ra vào ngày 10/3/2004. Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ của Trại sáng tác khí nhạc dân tộc và phê bình lý luận âm nhạc, do Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam Thừa Thiên Huế phối hợp với Trường Đại học Nghệ thuật Huế tổ chức từ 9/3 đến 17/3/2004.
THÂN VĂNSau hơn 2 tháng phát động và 9 ngày chính thức dự trại (từ ngày 09 đến 17/3/2004), với 14 tác phẩm khí nhạc dân tộc và 5 tác phẩm lý luận phê bình âm nhạc của 17 nhạc sĩ có mặt tham dự trại. Lễ bế mạc chiều ngày 17/3/2004 Trại sáng tác khí nhạc dân tộc & lý luận phê bình âm nhạc tại Huế đã gây được ấn tượng tốt đẹp và những tín hiệu đáng mừng trong lòng nhân dân Cố Đô. Điều đáng nói là các nhạc sĩ của Hà Nội, Huế và TP.Hồ Chí Minh đã gặp nhau từ một ý tưởng sáng tạo chủ đạo là nhằm tôn vinh và phát huy các giá trị của di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu ở Huế, góp phần định hướng cho mô hình và mục tiêu đào tạo của Nhạc viện Huế trong tương lai.
TRẦN VĂN KHÊNhạc Cung đình là một bộ môn nhạc truyền thống Việt Nam dùng trong Cung đình. Nhưng người sáng tạo và biểu diễn Nhạc Cung đình hầu hết là những nhạc sĩ, nghệ sĩ từ trong dân gian, có tay nghề cao, được sung vào Cung để phụng sự cho Triều đình. Nhạc Cung đình Huế là một bộ môn âm nhạc truyền thống Việt Nam rất đặc biệt và có một giá trị lịch sử, nghệ thuật rất cao.
THÁI CÔNG NGUYÊNMột nhà văn nước ngoài khi đến thăm Huế đã nói: “Huế là một bảo tàng kỳ lạ chứa đựng trong lòng mình những kho tàng vô giá, những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần Việt Nam”. Đúng vậy, bên cạnh kho tàng di sản văn hóa kiến trúc đồ sộ có giá trị tầm vóc quốc tế, Huế còn là một tụ điểm di sản văn hóa tinh thần phong phú, một vùng văn hóa Phú Xuân đặc sắc “Huế đẹp và thơ” nổi tiếng.
PHÙNG PHUNgày 07 tháng 11 năm 2003, ông Koichiro Matsuura, Tổng Giám đốc UNESCO đã chính thức công bố trong một buổi lễ long trọng nhân kỳ họp toàn thể lần thứ 32 của Ðại hội đồng UNESCO tại Paris: UNESCO đã ghi tên 28 Kiệt tác vào Danh mục Kiệt tác Di sản Văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại.
LTS: Đại hội khoá II (nhiệm kỳ 2003 - 2008) của Chi hội Nhạc sỹ Việt Nam Thừa Thiên Huế vừa diễn ra vào trung tuần tháng 9. Nhạc sỹ Hồng Đăng, Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sỹ Việt Nam, thay mặt cho BCH Hội Nhạc sỹ Việt Nam vào tham gia chỉ đạo Đại hội. Tại Đại hội, nhiều tham luận, ý kiến phát biểu của các nhạc sỹ đã thể hiện được sự trăn trở về thực trạng và hướng phát triển của nghệ thuật âm nhạc đương đại Huế. Sông Hương xin trích đăng một số ý kiến đã trình bày tại đại hội.
LÂM TÔ LỘCĐại tá - nhạc sĩ Đức Tùng, sinh năm 1926 tại Huế đẹp và thơ, đã mãi mãi xa quê: Ông mất ngày 25/01/2003. Ông viết ca khúc từ trước Cách mạng tháng Tám như Kỷ niệm ngày hè, Bên trời xa, Dòng Dịch thủy, Dưới ánh trăng mơ. Ông đã từng biểu diễn ca nhạc tại nhà hát Accueil, là cây Accordéon cầm chịch của ban nhạc gia đình ở phố Hàng Bè.
NGUYỄN KHẮC PHÊ Năm nay (2003), nhạc sĩ Trần Hữu Pháp (NSTHP) “mới” tròn 70 tuổi, nhưng dễ đã mấy chục năm, sau khi nhạc sĩ Trần Hoàn rời Cố đô ra Hà Nội nhận các trọng trách, NSTHP nghiễm nhiên ngồi “chiếu trên”, là “già làng” của giới âm nhạc Thừa Thiên Huế. Kể cũng phải; từ bốn mươi năm trước, khi hàng triệu thiếu nhi miền Bắc đội mũ rơm dắt lá nguỵ trang đến trường, miệng líu lo ca bài hát ông vừa sáng tác “Tiếp đạn nào / Tiếp đạn chuyền tay trên chiến hào / Cho chú dân quân bắn nhào phản lực...” thì không ít các nhạc sĩ nổi danh bây giờ có lẽ còn... bú mẹ! Vậy mà trước mắt tôi (và chắc là với không ít người nữa) - nói ông anh đừng giận nhé - vị nhạc sĩ lão làng này lại rất...trẻ con!
NGUYỄN TRỌNG TẠO...Người ta thường nhắc tới Thái Quý như nhắc tới một con người giàu tình cảm, dễ khóc, dễ cười, dễ nóng giận và cũng rất vị tha. Nói đến khuyết điểm của mình trong cuộc họp, anh khóc đã đành, nhưng khi chỉ trích khuyết điểm của đồng đội, anh cũng khóc...
NGUYỄN THANH TÚNăm ngoái, tôi tình cờ gặp nhạc sĩ Thái Quý khi ông đang bận rộn chỉ đạo "đoàn thành phố Huế" trước giờ ra sân khấu tham gia hội diễn ca múa nhạc công - nông - binh - trí thức do tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức tại nhà hát Trung tâm Văn hoá.
VĨNH PHÚCNếu kinh đô Thăng Long xưa từ trong cung phủ đã có một lối hát cửa quyền phát tán thành một dòng dân gian chuyên nghiệp là hát Ả đào và vẫn thịnh đạt dưới thời vua Lê chúa Trịnh, thì kinh đô Phú Xuân sau này, hoặc là đã từ trong dinh phủ của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong phát tán thành một lối gọi là Ca Huế (gồm cả ca và đàn). Vậy cũng có thể gọi Ca Huế là một lối hát Ả đào của người Huế, một lối chơi của các ông hoàng bà chúa xét trên quan điểm tiếp biến trong tiến trình của một lối hát truyền thống và tiến trình lịch sử từ Thăng Long đến Phú Xuân-Huế.
VĂN THU BÍCHTừ bao đời nay, tình yêu Huế vẫn mãi chìm sâu trong lòng những người con xứ Huế, dù đang sống trên đất Huế hoặc đã biền biệt xa xứ và Huế mộng mơ cũng len nhẹ vào hồn du khách khi đến thăm vùng đất thần kinh này.
TRẦN NGỌC LINHBạn còn thương bạn biết gửi sầu về nơi mô?Trước khi tôi vào Huế, chị tôi dặn: “Vào muốn gặp bà Minh Mẫn cứ đến đường Nhật Lệ mà hỏi”. Theo cách nhớ đường của một người viễn khách từ xa đến thì đến phố đó cứ thấy đầu ngõ nào có một giàn hoa tử đằng với những dây hoa buông thõng chấm xuống nền đất vỉa hè thì đó chính là lối rẽ vào ngõ nhà danh ca Minh Mẫn.
TRẦN KIÊM ĐOÀNGọi tên hoa súng: LỤC HÀGọi thôn LIỄU HẠ: quê nhà bên sôngGọi TRẦN KIÊM: họ sắc... khôngGọi HÀ THANH: tiếng hát dòng Hương Giang