Thanh Tâm Tuyền

16:56 18/12/2008
THỤY KHUÊLGT: “Thụy Khuê là một nhà phê bình văn học Việt Nam sắc sảo ở Pháp” (Trần Đình Sử, Văn học Việt Nam thế kỷ XX, NXBGD Hà Nội, 2005) Bà đã viết về mục tác giả Bùi Giáng và một số tác giả miền Nam trước 1975 cho “Tự điển văn học” bộ mới. Bài viết về Thanh Tâm Tuyền cũng dành cho bộ Từ điển nói trên. Chúng tôi đăng bài viết này để tưởng nhớ nhà thơ Thanh Tâm Tuyền vừa mới qua đời.

Họa sĩ Đinh Cường vẽ Thanh Tâm Tuyền

Thanh Tâm Tuyền (1/3/1936-22/3/2006) là nhà thơ, nhà văn Việt , tên thật là Dzư Văn Tâm, sinh tại Vinh, bút hiệu khác: Đỗ Thạch Liên.
1952, 16 tuổi, bắt đầu dạy học tại trường Minh Tân (Hà Đông) và đăng những truyện ngắn đầu tiên trên tuần báo Thanh Niên (Hà Nội). 1954, hoạt động trong Tổng hội Sinh viên Hà Nội cùng với Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, chủ trương nguyệt san Lửa Việt. Vào Sài Gòn, 1955, cùng các bạn làm tuần báo Dân Chủ mà Thanh Tâm Tuyền và Trần Thanh Hiệp phụ trách phần văn nghệ. Mai Thảo, lúc đó chưa nổi tiếng, gởi đoản văn Đêm giã từ Hà Nội đến, được đăng, được mời đến toà soạn. Từ đấy, “nhóm” có thêm Mai Thảo, chủ trương tuần báo Người Việt, tiền thân của tờ Sáng Tạo, sinh hoạt mở rộng thêm với Lữ Hồ, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Quách Thoại. Từ 1956 đến 1960 cả nhóm làm nguyệt san Sáng Tạo với Mai Thảo, chủ bút. Thanh Tâm Tuyền cho in những tác phẩm đầu tay Tôi không còn cô độc (1956) rồi Bếp lửa (1957). 1962 nhập ngũ, 1966 giải ngũ, 1969 tái ngũ và ở trong quân đội đến 1975. Tháng tư năm 1990 sang tới Hoa Kỳ, sống ở tiểu bang Minnesota .

Tác phẩm đã in:
Tiểu thuyết
: Bếp lửa (Nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng, Sài Gòn, 1957), Cát Lầy (NXB Giao Điểm, 1967), Mù khơi (1970), Tiếng động (1970), Một chủ nhật khác (Văn, 1975).
Truyện ngắn: Khuôn mặt (Sáng Tạo, 1964), Dọc đường (Tân Văn, 1966).
Thơ: Tôi không còn cô độc (Người Việt, 1956), Liên đêm mặt trời nhìn thấy (Sáng Tạo, 1964), Thơ ở đâu xa (Trầm Phục Khắc xuất bản, California, 1990).
Kịch: Ba chị em (1967).
Phiếm luận: Tạp ghi (1970).

Trẻ nhất trong nhóm Sáng Tạo, ở tuổi 20, Thanh Tâm Tuyền đã xây dựng một tư chất văn học độc đáo với hai tác phẩm Tôi không còn cô độc (Thơ) và Bếp lửa (văn).
Trước hết, về văn, truyện vừa Bếp lửa cho thấy quan niệm mới về tiểu thuyết của tác giả, rất hiện sinh, rất Sartre: Tiểu thuyết không nhằm giải quyết bất cứ một vấn đề gì mà qua đó nhà văn đòi hỏi việc đặt lại một số vấn đề. Tác giả cũng không đi vào tâm lý nhân vật theo lối kể lể hoặc giải thích, mà ông chỉ quan sát, ghi lại tiếng nói và hành động của mỗi nhân vật với một lượng chữ cực tiểu, để cho chính những tiếng nói, những hành động hay những bất động ấy tạo nên “bản sắc” nhân vật, toát ra những thao thức, dày vò, khắc khoải của một cuộc sống chưa định hình. Khung cảnh Bếp lửa là không khí Hà Nội - Bắc Ninh giữa 45 và 54. Tâm, vai chính, và một số bạn thân, hoang mang trước những lựa chọn vào đời: nghề nghiệp, chính trị, tư tưởng... Nhưng tất cả điều chịu nỗi ám ảnh của cô đơn, không định hướng, xa lạ với cuộc sống, không ai có lựa chọn dứt khoát, phía nào. Một sự đứt đoạn giữa nhân vật và thế giới chung quanh. Những người bạn rất thân, những người tình, những người trong gia đình của Tâm và Tâm muốn tìm đến nhau, tìm đến một “bếp lửa”, nhưng họ đều cảm thấy có một khoảng cách, một vết đứt không thể giải thích, không thể cứu vãn được, có thể đó là nỗi ám ảnh cô độc sâu xa nhất của con người trong Bếp lửa.

Những truyện đến sau, tập truyện ngắn Dọc đường và tiểu thuyết Cát lầy, hai tác phẩm nổi trội của ông, Thanh Tâm Tuyền càng đi sâu vào những bí ẩn siêu hình, tìm cách truy lùng nhận thức, mô tả hiện tượng đến cùng, đào sâu cái thế giới đen tối, đổ nát của những khắc khoải nội tâm. Ông đặt nhiều ống kính ở những vị trí khác nhau, để chiếu vào hiện tượng, những hiện tượng tâm thần đầy bi đát, dấu những ẩn ức dồn nén thầm kín nhất của con người. Độc giả có thể tiếp nhận những nhân vật của Thanh Tâm Tuyền như những ám ảnh rất riêng tư toát ra từ tiềm thức, từ ký ức sống khốc liệt của tác giả. Văn phong độc đáo, cách tạo hình hội tụ thơ tự do, hội họa lập thể, siêu thực và nhac Jazz, gây cho người đọc những vật vã, những căng thẳng khó chịu lạ lùng.

Tư (trong tập Dọc đường) là sự nhập đồng của ý thức Thanh Tâm Tuyền về nỗi cô đơn, nỗi chết, sự khốn nạn, lạc loài của những cuộc đời làm điếm. Lão Chà gác dan (truyện Người gác cổng trong Dọc đường) mang những ẩn ức dục tình của một đời nhược tiểu, kiếp “chà và”, hèn mọn cô độc, khốn cùng, không ai thương xót, như “Một con chó thiến”; lão cố chống lại định mệnh nhưng vấp phải cõi chết, một cái chết tức tưởi, phi lý, u tối không kém cuộc đời lão đã sống. Truyện ngắn Dọc đường trình bày bối cảnh một người đàn ông lấy xe đò đi thăm em ở một đồn điền cao su, nhưng anh ta xuống nhầm trạm, hay đi nhầm xe, đến một nơi hẻo lánh, có dăm ba hàng quán, cạnh quốc lộ xuyên rừng cao su ở một vùng xôi đậu. Có thể sắp có một trận đánh. Trời tối hắn gõ cửa một quán ăn, muốn ăn tối, ngủ trọ. Mụ chủ từ chối, Hắn đi lần qua những nhà khác nài nỉ. Không ai mở cửa. Hắn đứng im bên một lu nước, nhìn hoả châu bắt đầu sáng. Tất cả chỉ có vậy. “Không ai chứa người lạ trong nhà”. Bi kịch của kẻ xa lạ dội trong lòng người đọc như tiếng gào thét vô vọng về sự lãnh đạm, ích kỷ của con người. Về nỗi sợ. Về chiến tranh. Về bất trắc. Về tai họa. Về mạnh ai cứu lấy mình. Không thể tương trợ. Không thể có tình người, chỉ có Nỗi sợ và nỗi chết.

Tiểu thuyết Cát lầy, tác phẩm chủ yếu của Thanh Tâm Tuyền, một cuốn truyện có nhiều chuyện, một nhân vật ẩn nhiều nhân vật khác. Trí, vai chính, là một nhân vật đầy bí ẩn, có thể mắc bệnh tâm thần nhưng lại mang một ý thức rất sáng suốt chống lại “sự điên”. Ở đây, những yếu tố bệnh não, mặc cảm, ẩn ức, dục tình, loạn luân, gia truyền, chiến tranh, chống Pháp, chia cắt đất nước... đều có mặt và đều được pha trộn trong một bi kịch gia đình rất Freud, rất Dostoievski) cực kỳ đớn đau và tàn khốc. Người đọc, mỗi lần đọc lại Cát lầy sẽ còn khám phá ra nhiều cái mới, và lại ngạc nhiên trước một tác phẩm bí mật viết về những thác loạn của con người. Con người cô độc.
Thanh Tâm Tuyền là cha đẻ của thơ tự do tại Việt . Tập Tôi không còn cô độc, xuất hiện tháng 10-1956, cùng với tạp chí Sáng Tạo, gây những dư luận cực kỳ tương phản. Cùng thời với ông, Quách Thoại, Đoàn Thêm, Nguyễn sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp... cũng làm thơ tự do, nhưng Thanh Tâm Tuyền là chủ soái, có đường lối, có lý luận.

Bài tiểu luận Nỗi buồn trong thơ hôm nay (1956) là bản tuyên ngôn về thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền. Dựa vào phương pháp luận của Nietzsche (trong Nguồn gốc bi kịch) phân biệt hai quan niệm nghệ thuật: nghệ thuật Apollon (thần của ánh sáng và mực thước, yêu cái đẹp hoàn chỉnh, toàn bộ) và nghệ thuật Dionysos (thần của sức sống say sưa, phá vỡ các hình thức sẵn có) Thanh Tâm Tuyền lựa chọn sự “căng thẳng phá vỡ hết mọi hình dáng để sự vật hiện ra với cái thực chất hỗn loạn không che đậy” (Nỗi buồn trong thơ hôm nay), và đó là đường đi của thơ tự do. Thơ Thanh Tâm Tuyền, trong hai tập Tôi không còn cô độc Liên Đêm mặt trời tìm thấy (1964) biểu hiện những đặc điểm:
1. Tìm đến tận cùng của nhận thức,
2. Phá vỡ cấu trúc hoàn chỉnh vần, điệu, bố cục trong thơ cũ,
3. Dùng biện pháp siêu thực để tạo hình, coi tiềm thức là nguồn sáng tạo,
4. Tạo nhạc thầm trong nội tâm và âm tâm của chữ.
Xin nhắc lại: Biện pháp siêu thực của Breton chủ trương:
1. Về mặt nội dung tư tưởng: Con người tự phá vỡ hàng rào “kiểm soát” của lý trí để đưa ra những hình ảnh “cấm kị” dấu sâu trong tiềm thức,
2. Về mặt hình thức: Đặt những hình ảnh hoàn toàn khác nhau, nằm cạnh nhau, gây sốc, trái ngược với thơ cũ, theo nguyên lý song song, đặt những yếu tố giống nhau cạnh nhau, qua những biện pháp tu từ như: so sánh, liên tưởng, ẩn dụ, hoán dụ, v.v...

Ví dụ: Trong câu thơ: Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông! Bích Khê đem những yếu tố: (lá), vàng, mùa thu, để nói về nỗi buồn, đó là những yếu tố tương đương, song song, đồng chiều... Ngược lại, khi Thanh Tâm Tuyền viết “Đêm giao thừa thế kỷ mưa sao rơi” hay “Bàn tay mây mắt trăng môi nhiệt đới”, “Lệ đá xanh”, v.v... ông đã đặt những yếu tố hoàn toàn khác nhau như đêm giao thừa và thế kỷ, bàn tay và mây. mắt và trăng, môi và nhiệt đới, lệ và đá, v.v... cạnh nhau. Nếu nói đến nỗi buồn thì nỗi buồn trong thơ Bích Khê man mác, mênh mông, trải rộng trong không gian một cách tuyệt vời; nhưng nỗi buồn trong thơ hôm nay của Thanh Tâm Tuyền “lệ là những viên đá xanh tím rũ rượi” khốc liệt hơn: lệ hoá đá, đá có tim, và tim của đá cũng phải rũ rượi... Ở đây không chỉ có buồn mà còn cô đơn, héo úa, chết chóc. Thơ Thanh Tâm Tuyền mở đường cho ca từ Trịnh Công Sơn. Từ ảnh hưởng hiện sinh, Thanh Tâm Tuyền tìm đến xương tuỷ của nhận thức, đưa ra những hình ảnh cực thực, đớn đau. Về một tiếng kèn của người da đen, ông viết:
Một người da đen một khúc hát đen
bầu trời đen sâu không cùng
những dòng nước mắt
xé nát thân thể bằng tiếng kèn đồng
bằng giọng của máu của tuỷ của hờn bắt đầu ngày tháng.

Ở đây âm nhạc và khổ đau nằm trong nội tâm của mỗi chữ, như thể nhà thơ ở dưới da thịt người nghệ sỹ da đen để viết lên những nốt nhạc cực kỳ đớn đau của sự sống đen này. Chất đen vò xé thân thể tràn vào bài hát, pha vào giọng. Thấm vào máu, lẫn với tủi hờn trong thân phận nhược tiểu chịu sự phi lý của màu da, không có sự lựa chọn gì khác, ngoài một bầu trời đen bao trùm sự nghèo đói và những ác tâm kì thị của người đồng loại.
                         T.K

(nguồn: TCSH số 210 - 08 - 2006)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • (Cuộc trưng cầu ý kiến các giảng viên dạy lý luận và lịch sử văn học ở các trường ĐHTH ở Liên Xô)

  • ĐỖ LAI THÚY

    Ngồi buồn lại trách ông xanh
    Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười
    Kiếp sau xin chớ làm người
    Làm cây thông đứng giữa trời mà reo

                             (Nguyễn Công Trứ)

  • NGUYỄN KHẮC THẠCH

    Không biết ngẫu nhiên hay cố ý mà tập thơ sẽ in riêng của nhà thơ Trần Lan Vinh lại mang tên với chữ đầu là Lục (sáu) – Lục bát đồng dao? Thôi thì cứ nói theo khẩu ngữ nhà Phật là tùy duyên nhưng điều quan trọng lại không phải ở phần cứng đó mà ở phần mềm hoặc không ở chỗ thể mà ở chỗ dụng của danh xưng.

  • LTS: Thời gian qua, thơ Tân hình thức Việt đã bắt đầu được nhiều bạn đọc, bạn thơ quan tâm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn về việc làm sao để đọc một bài thơ Tân hình thức? Làm sao để giữ nhịp điệu của thơ?... Bài viết dưới đây của Biển Bắc, nhằm giới thiệu cách đọc-diễn một bài thơ Tân hình thức Việt. Vì muốn làm sáng ý nguyện ngôn ngữ đời thường nên bài viết sử dụng ngôn ngữ rất THT Việt. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

  • ĐẶNG TIẾN

    Xuân đã đem mong nhớ trở về
    Lòng cô gái ở bến sông kia
    Cô hồi tưởng lại ba xuân trước
    Trên bến cùng ai đã nặng thề…

                          (Nguyễn Bính)

  • DÂN TRÍ

    Không học chữ Nho, nghe qua hai câu thơ Hán Việt vừa dẫn thì cũng có thể hiểu được nghĩa lý một cách mang mang hồn sử thi.

  • HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

    Khi mới học cấp 2, tôi đã thấy trong tủ sách nhà tôi có hai cuốn Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan và Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân do một người dượng mua về từ Sài Gòn.

  • THÁI KIM LAN

    Bài viết này chỉ là một phác thảo gợi ý về sự nghiệp và ảnh hưởng của hai nhà nữ trí thức miền Nam trong những thập niên 60, 70. Phùng Thăng tạ thế cuối thập niên 70. Phùng Khánh đã là Ni sư giữa thập niên 60 và trở nên một Ni sư Trưởng lỗi lạc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam trước và sau 1975, liễu sinh 2003.

  • YẾN THANH

    “Vĩnh biệt mày, cái thằng không biết tưởng tượng. Mày tự mà đốt đuốc cho cuộc hành trình thăm thẳm của mày đi”

  • ĐỖ LAI THÚY

    Trong một vài năm gần đây, nhiều nhà phê bình và nghiên cứu văn học đã có những cố gắng đáng kể để thoát ra khỏi tình trạng tiếp cận văn học một cách xã hội học có phần dung tục, hướng đến cách tiếp cận mới xuất phát từ đặc trưng của chính bản thân văn học. Một trong nhiều đường hướng nghiên cứu có triển vọng đó là phong cách học.

  • Cần phải nói ngay, Tưởng tượng & Dấu vết là cuốn tiểu thuyết khó đọc. Nó khó đọc vì hai lẽ: thứ nhất, nền tảng logic văn bản không nằm trong phương pháp tạo dựng hay trong tri thức thực hành của tác giả, mà nó nằm sâu trong yếu tính[2] thời gian.

  • ĐINH VĂN TUẤN

    Thi hào Nguyễn Du khi sáng tác “Truyện Kiều” đã đặt tên cho tác phẩm nổi tiếng này là gì? Cho đến nay, giới nghiên cứu Kiều vẫn còn phân vân, chưa dứt khoát hẳn một nhan đề nào là khởi đầu do cụ Nguyễn Du đặt.

  • KHẾ IÊM
    Tặng nhà thơ Biển Bắc và Hồ Đăng Thanh Ngọc

    Nhà thơ và nhà nghiên cứu Mỹ Timothy Steele, trong bài viết “Phép làm thơ cho những nhà thơ thế kỷ 21”, nhấn mạnh, cách làm thơ trong thế kỷ tới sẽ là tuôn nhịp điệu ngôn ngữ nói vào thể luật, để hình thành nhịp điệu thơ.

  • HOÀNG DŨNG, BỬU NAM

    (Phỏng vấn nhà sử học Nguyễn Hồng Phong, nhà văn Huy Phương và nhà phê bình văn học Phương Lựu)

  • HỒ TIỂU NGỌC

    Thế kỷ XXI là thế kỷ của internet và truyền thông, nơi mọi chân lý và định luật đều gói gọn ở trong hai con số 0 và 1 của ngôn ngữ lập trình mạng.

  • VŨ THỊ THƯỜNG

    Gần đây, nhân công việc tìm nhặt tư liệu xung quanh vụ án Lệ Chi viên để viết một cái gì đó bằng văn xuôi, tôi có đọc một số sách viết về Nguyễn Trãi. Trong số sách tôi đã đọc ấy, có hai cuốn: Văn chương Nguyễn Trãi Chủ nghĩa yêu nước trong văn học thời khởi nghĩa Lam Sơn của tác giả Bùi Văn Nguyên.

  • VŨ TRỌNG QUANG

    I. HÀNH TRÌNH TẤT YẾU
    Bước chân bắt đầu từ khởi điểm Octavio Paz “Giữa im lặng và tiếng nói, đó là thơ”. Vậy thì im lặng hay lên tiếng, có người nói thơ là tiếng nói, và có người cho vô ngôn là một giá trị.

  • ROLAND BARTHES

    Trong cuộc chiến giữa bạn với thế giới, hãy đặt thế giới ở hàng thứ cấp (Franz Kafka)

  • LÊ QUANG THÁI 

    Việt Nam đã có thơ mới sánh cùng với thơ mới của các nước Nhật Bản, Trung Hoa, Indonesia; khác nhau ở chỗ phong trào thơ mới dậy lên sớm hơn hoặc muộn hơn ba năm mà thôi. Còn các nước Thái Lan, Lào và Campuchia không có chuyện thơ mới bởi lẽ tình hình văn nghệ thiếu điều kiện phát triển.