Tản mạn về "O Huế"

15:10 10/03/2015

Nói thiệt thì o Huế của tôi cũng có uy lắm đấy, đừng tưởng là o hiền. Đôi lúc vui miệng tôi hỏi o: “Vậy chớ Kho Rèn ngoài nớ nó rèn cái giống gì vậy?”, thì o không trả lời mà trừng mắt nhìn tôi!!!

Bà xã của tôi là một cô gái Huế, nói theo kiểu Huế là một o Huế. Dù cho bây giờ o Huế của tôi đã phần nào không còn là “rặc” Huế nữa, nhưng chỉ cần là sinh ra tại làng Phú Xuân và đi học ở trường Đồng Khánh, là đủ tiêu chuẩn o Huế rồi.

O sinh ra và đi học ở Huế, nhưng lớn lên một chút thì theo gia đình dọn vào Đà Nẵng, rồi khi lên đại học thì vào Sài Gòn. Như thế là qua thời gian “chất Huế” của o cứ “loãng” dần theo mỗi chặng đường xuôi Nam. Nhưng có lai thì cũng chỉ lai một chút ở cái giọng nói nhẹ bớt đi thôi, chứ o vẫn là một o Huế chính hiệu

 


Tôi gặp o khi lần đầu bước chân vào trường ĐHSP. Hình ảnh ban đầu ấy cho tới bây giờ vẫn còn in đậm trong trí tôi. Một o Huế với mái tóc đen dài buông xõa ngang lưng, với chiếc “băng đô” màu tím Huế đi kèm với cặp kính cận sẫm màu trà rất hợp với khuôn mặt của o. Chiếc áo dài trắng đơn sơ, vừa kín đáo vừa quyến rũ của o, cứ bay bay theo gió khi o ngồi trên chiếc Yamaha màu xanh đời cũ của những năm 66-67, đi đến trường vào mỗi buổi sáng sớm.

Có khi o đi một mình, có lúc o chở thêm cô bạn thân cùng lớp. Hình ảnh đó cứ lập đi lập lại mà trở thành quen thuộc, đến độ mới gần đây tôi tình cờ thấy một tấm ảnh trên “net” được chụp từ phía sau o với cô bạn gái, làm cho tôi chợt kêu lên: “Ai chụp tấm hình nầy vậy?”. Cũng mái tóc đó, dáng dấp đó, chiếc áo dài đó, cũng chiếc xe cùng hiệu, cùng đời, cùng màu với xe của o.

Tấm ảnh giống đến 99,5%, khi tôi gởi tấm ảnh nầy cho cô bạn của o xem, thì cô bạn cũng kêu lên: “Tấm hình nầy chụp hồi nào vậy?”. Sau đó tôi xem kỹ lại thì thấy có một chi tiết làm tôi ngờ ngợ là không có… bảng số xe và cái giỏ phía trước.

Thế đấy, tôi giật mình khi thoáng thấy lại cái hình ảnh của o hơn 40 năm trước, tôi cũng hồi hộp xôn xao giống như khi nhìn o lần đầu vậy. Lạ lắm, không biết có ai giống tôi không?!!!



Có đôi lúc, o thỏ thẻ cất giọng nhẹ nhàng như rót mật vào tai mà hỏi tôi rằng: “Sao mình không chọn một o Nam giống mình hay o Bắc, mà lại chọn o Huế vậy?”. Thiệt là không biết trả lời sao, khi “thế giới đông người nhưng chỉ thấy riêng em”.

Chính o cũng nhìn nhận một cách hết sức chủ quan là các o Huế…. “không đẹp” như hoa hậu, nhưng nếu làm người mẫu chụp ảnh thì…. điệu không ai bằng. Còn o Nam hay o Bắc thì tôi không dám lạm bàn, nếu lỡ nói bậy rất dễ…. cháy nhà lắm. Chỉ dám nói tới o Huế của tôi thôi, thì o “dễ thương chi lạ”!!!

Mà không phải đến khi gặp o trong sân trường đại học thì tôi mới thích cái “chất Huế” của o, với giọng nhỏ nhẹ đầy dấu nặng hay qua dáng vẻ dịu dàng khép nép rất bắt mắt của một nữ sinh Đồng Khánh ngày nào.

Tôi đã từng kể chuyện cho o nghe về việc học hành thời niên thiếu của mình.

Khi ấy vào khoảng năm học lớp đệ ngũ hay đệ tứ gì đó (lớp 8, lớp 9 bây giờ) ở trường HNC Gia Định, có một cô giáo trẻ mới ra trường về dạy lớp của tôi. Đó là cô N, dạy Anh văn. Giờ đầu tiên của cô giáo làm cho tôi rất thích thú với giọng Huế khá nặng của cô, nhưng lại rất êm tai. Các bạn trong lớp cũng hào hứng khi bỗng đâu một cô tiên thật là ngọt ngào hiền dịu lại lạc vào cái đám nam sinh quỷ quái chúng tôi.

Những giờ học sau đó của cô càng chứng tỏ cái “sức Huế” nó mãnh liệt biết chừng nào. Bọn học sinh chúng tôi cứ mong đến giờ Anh văn, cả lớp im phăng phắc ngóng cổ lên để nghe cô giáo….. nói tiếng Huế, chứ nào có thiết gì đến bài học tiếng Anh đâu. Sự trật tự của lớp tôi dành cho giờ dạy của cô giáo mới chưa bao giờ nặng lời quát mắng học trò, là một ngoại lệ hiếm có.

Nhưng rồi những ngày vui thường qua mau. Khoảng chừng ba bốn tháng sau, cô giáo N không còn dạy lớp tôi nữa vì nghe đâu cô đi… lấy chồng và đổi về trường khác.

Thế là tôi hụt hẫng, mất ăn mất ngủ nhiều tháng trời sau đó. Kỷ niệm của tuổi mới lớn nầy đã gây một ấn tượng sâu sắc trong tôi cho mãi đến bây giờ.



Từ khi tôi biết o Huế đến nay là tròn 43 năm, thời gian không dài lắm nhưng có đôi lúc tôi quên béng đi là tôi có một o Huế bên cạnh, nếu không có vài sự kiện thỉnh thoảng cứ xảy ra “nhắc nhở” tôi.

Vợ chồng tôi khi ra ngoài đi phố, đi chợ búa hay đi đâu đó chút việc, nhiều khi tình cờ gặp một dân Huế nào đó bắt chuyện, thì sau câu chào xã giao thông thường là đến câu thứ hai với giọng điệu mừng rỡ của vị khách lạ:

- “Chị là người Huế à? Chị ở mô rựa?”
- “Dạ, tui ở gần cầu Kho Rèn”.

Rồi sau đó là những câu thăm hỏi rối rít vồn vã thân tình giữa hai người, làm như thể cả hai đã quen nhau “từ kiếp trước” rồi. Khi đó tôi bắt đầu đóng vai kẻ thứ ba nhìn hai người nói chuyện mà tôi chẳng hiểu gì cả. Chỉ nội mấy cái địa danh, mấy cái tên ông Nghè, ông Tổng gì đó đã lạ hoắc, nói chi nó được phát âm bởi giọng Huế đặc sệt thì… hết biết luôn.

Hồi lâu sau khi mãi mê với “Huế của mình”, người khách lạ mới sực nhớ lại quay sang hỏi tôi:

- “Còn anh là người ở mô?”
- “Dạ, tôi là dân Sài Gòn”.

Người khách nhìn tôi như có ý tò mò, nhưng tôi đoán trong đầu anh ta đang thắc mắc là không hiểu sao tôi là dân ở tuốt trong Nam mà lại rinh được một o Huế xa lắc xa lơ “ngoài nớ”.

Cái tình cảnh vừa kể trên không phải tôi chỉ đụng một lần, mà hễ gặp dân Huế đâu đó là y như rằng cái điệp khúc “Chị là người Huế à? Chị ở mô rựa?” lại bắt đầu và rồi… cứ thế tới luôn!!!

Các bạn nào có bà xã là o Huế thử xem tôi nói có đúng không ? Dân Huế cứ gặp nhau là rất mừng rỡ, nhất là ở hải ngoại nầy. Họ coi như “chất Huế” là tài sản riêng của con dân đất Thần Kinh, tất cả ai có dính dáng chút xíu đến Huế là đương nhiên trở thành thân thuộc, là người trong nhà với nhau từ thời…. ông Bành Tổ!!!

Đây có lẽ là một đặc điểm trong văn hóa ứng xử của riêng dân Huế, vì tôi không thấy điều nầy ở người miền Nam hay miền Bắc. Chưa hề có một người Nam nào hỏi tôi: “Bộ anh là người Nam hả?”!!!

Tôi chỉ hay nghe nói “người Nam”, “người Bắc”, chứ hình như ít ai nói “người Trung”. Người Nam thường không phân biệt miệt nào, còn người Bắc đôi lúc có xác định “người Hà Nội”, “dân xứ Nghệ”…..

Riêng “dân Huế” nhất định không cho mình lẫn lộn vào cụm từ “người miền Trung”, mà phải chỉ đích danh “Huế” mới chịu. Mà cũng phải thôi, có lẽ do ở khúc giữa nầy thường bị chia vụn ra như “người Đà Nẵng”, “dân xứ Quảng”, “gốc Bình Định”, “người Nha Trang”, “dân Phan Thiết”. v.v…, nên người Huế “buộc lòng” phải dành riêng cho mình một vương quốc “quý tộc”.(?) Chứ chẳng phải các o Huế kênh kiệu đâu….

Mới đây có người bạn email cho tôi một truyện ngắn dí dỏm “Vợ chồng như khách khứa” của NTTD. Tựa truyện nầy phát xuất từ câu “Phu phụ tương kính như tân”. Ở đây tôi không bàn đến nội dung truyện mà chỉ muốn nói đến chữ “tân” là “khách”.

Tại sao vợ chồng lại phải đối xử với nhau như là khách. Đã là khách thì khách sáo rồi. Đã là khách thì còn gì là chân thật, còn gì là tình tứ lãng mạn nữa. Đã làm khách với nhau thì miệng mồm xởi lởi, rào trước đón sau, tay bắt mặt mừng, nhưng không biết câu nào là thật, câu nào là giả. Đã là khách thì phải dè dặt xem lời nào là nói suông miệng, câu nào là gài độ, khi nói bông đùa mà nghe ra như xiên xỏ!!!


Thế mà cứ bảo vợ chồng phải xem nhau như khách khứa thì quả thật chả còn tình nghĩa đầu ấp tay gối gì nữa.

Đó là chưa nói đến cái kiểu khách khứa bây giờ. Vào một ngày đẹp trời nào đó, bỗng dưng sếp vi hành đến nhà nhân viên “làm khách” khiến chủ nhà mặt mày tái mét, ngồi căng tai nghe cả buổi cũng không hiểu nổi sếp mình muốn vòi vĩnh cái gì để mà… liệu cơm gắp mắm. Hay là gặp lúc Tết nhất thì thuộc hạ phải đến “làm khách” nhà ông chủ để chúc Tết, mà đã chúc thì phải làm sao… coi cho được thì làm!!!

Như thế làm khách đâu phải là dễ chịu. Mình là khách của người ta hay người ta là khách của mình thì cũng chỉ là hai cách… chết khác nhau thôi. Trong hoàn cảnh nầy tôi liên tưởng đến nghĩa khác của chữ “tân” là “cay”, là cay đắng, cay nghiệt.

Cho nên tôi muốn hiểu “tân” là “mới”. Vợ chồng đối xử với nhau lúc nào cũng như lúc mới biết, mới quen, mới cưới. Dù qua thời gian, vẫn giữ gìn lời ăn tiếng nói cho cẩn trọng, đúng lễ nghĩa, biết kềm chế, biết tôn trọng đừng làm tổn thương nhau, việc gì cũng đúng mực, không bất cập, không thái quá.v.v…

Nếu hiểu như thế nầy thì o Huế của tôi đúng là “tương kính như tân” rồi.

Mỗi khi tôi hỏi o một chuyện gì hoặc làm giúp o một việc lặt vặt nào đó, thì o luôn nhỏ nhẹ: “Dạ, em làm rồi mình à“, “Dạ, cám ơn mình”… Những chi tiết như vậy xem ra cũng là vặt vãnh thôi, vả lại lâu dần tôi quen rồi nên có khi không “thấy” nữa. Nhưng hễ ra ngoài nghe vợ chồng người ta ăn nói với nhau nhát gừng, không đầu không đuôi, thì tôi lại nhớ ra o Huế khác xa cái kiểu ngang phè đó.

Hỏi như vậy thì làm sao mà tôi không mê o cho được!!!

Thập niên 60 là khoảng thời gian nhiều “sóng gió” trong đời tôi. Những năm đầu là ngẩn ngơ trước cô giáo Huế ở trung học, những năm cuối là mê mẩn với o Huế ở đại học. Còn những năm lơ lửng giữa chừng thì bận… mơ mộng đến các người đẹp trong phim “xi nê”.


Vào thời đó, các rạp chiếu phim bình dân đều chiếu thường trực suốt ngày, giá vé chỉ 5 đồng xem hai phim. Những tên tuổi lớn vẫn còn “theo” tôi đến giờ như Audrey Hepburn trong phim “Roman Holiday” (1953), hay Romy Schneider trong “Sissi” (1955), hoặc những ngôi sao hạng nhì như Giorgia Moll với “The Thief of Bagdad” (1961).

Khi lớn hơn một chút thì trong bóp của tôi đã có ảnh của Sylvie Vartan, cô nàng hát bài “La plus bell pour aller danser” trong phim “Cherchez l’idole” (1964), lúc đó đang chiếu tại rạp Casino Dakao gần cầu Bông. Còn ca khúc vượt thời gian “The house of the rising sun” được ban nhạc The Animals trình diễn trong phim “Pop Gear”(1965), đã gợi cảm hứng cho tôi nuôi mộng trở thành tay trống chuyên nghiệp, nhưng chỉ mãi đến những năm gần đây tôi mới được cầm đũa chơi trên dàn “Tama” trong một thời gian ngắn.

Nhưng từ khi ra đi dạy, tôi không còn cái thú xem phim nữa, kể cả sau nầy khi có thể xem phim online tại nhà. Cho nên những cái tên mới còn nhớ được ngày càng hiếm dần, như Julia Roberts (Pretty Woman, 1990), Sandra Bullock (Speed, 1994), hay Natalie Portman (The Professional, 1994)…

Còn o Huế của tôi thì rất mê xem phim, nhất là phim bộ nhiều tập. Có lúc tôi thấy o cắm cúi rà tìm phim trên web, tôi hỏi, thì o nói: “Mình ơi, hết phim cho em coi rồi”. Thì ra mấy hãng phim đó quay…. không kịp cho o coi. Vì mê phim như vậy nên chẳng những o không lạ gì các khuôn mặt Chương Tử Di, Phạm Băng Băng, hay Choi Ji Woo, Kim Hye Soo…. mà đôi khi còn nhập tâm cả lời thoại lồng tiếng trong phim nữa. Những lúc đó, o thỏ thẻ vào tai tôi:

- “Mình à...Huynh có thích muội không?”
- “Trời, không thích muội thì thích ai chứ?”
- “Vậy hả mình…vậy còn cô bạn gái ở Văn khoa khi xưa…thì răng?“

Nghe đến đây tôi bỗng bủn rủn tay chân. Nếu sơ sẩy thì “bể dĩa” như chơi. Thế nên nói chuyện với o phải thật cẩn thận, phải biết câu nào nên trả lời ra sao, chứ mà cứ vô tư thì có ngày sẽ dính chấu với hoạt cảnh “trắng đêm không ngủ”. Lúc đang diễn cái cảnh thỏ thẻ vào tai nầy, tốt nhất là phải nhớ câu “tương kính như... khách khứa” mới an toàn.

Nói thiệt thì o Huế của tôi cũng có uy lắm đấy, đừng tưởng là o hiền. Đôi lúc vui miệng tôi hỏi o: “Vậy chớ Kho Rèn ngoài nớ nó rèn cái giống gì vậy?”, thì o không trả lời mà trừng mắt nhìn tôi!!!

Đến đây, dám có người cho là tôi sinh ra ở gần “kho đạn” Long Bình lắm. Làm gì có chuyện đó. Không tin thì cứ…. đi hỏi o Huế coi.

 

 
Bùi Thanh Đoàn/ kontumquetoi.com

 

 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Vào chiều 02/4, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật của Trường Đại học Chaing Rai Rajabhat phối hợp với Trường Đại học Nghệ thuật Huế tổ chức  khai mạc triển lãm các tác phẩm của các họa sĩ Thái Lan. Cuộc triển lãm cũng là dịp  nhằm giới thiệu mỹ thuật và văn hóa Thái đương đại đến với cộng đồng người Việt.

  • Khi tác giả Lai rai món Huế đến nhà với tập bản thảo trong tay, thấy tôi đang bưng bê rổ gừng xắt lát, anh nói ngay: “Làm mứt chị nhớ đừng dùng nước máy ngâm gừng, luộc gừng, mà phải dùng nước sông, nước mưa, nước giếng, gừng mới sáng đẹp”!? 

  • Tối ngày 25/3, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin thành phố Huế, Liên hiệp các Hội VHNT TT - Huế phối hợp với Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Huế  đã tổ chức Liên hoan âm nhạc các thành phố kết nghĩa bao gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Tp Hồ Chi Minh, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ và Bắc Ninh.

  • SHO - Hưởng ứng tuần lễ trưng bày tôn tượng Phật ngọc Trần Nhân Tông tại Huế, vào chiều 19/3, Trung tâm Phật giáo Liễu Quán Huế đã tổ chức khai mạc triển lãm tranh “Hướng Thiện” của họa sĩ Võ Quang Hoành. 

  • SHO - Chiều ngày 18/3, Tạp chí Sông Hương phối hợp với Văn phòng đại diện NXB Văn học Đà Nẵng - Miền Trung - Tây Nguyên tổ chức chương trình Đêm đàn bà, giới thiệu 2 cuốn sách của  của nhà thơ Đinh Hoàng Anh, tại Trung tâm Du lịch trải nghiệm Huế xưa Huế nay.

  • SHO - Chiều 16/3, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức buổi tổng kết bế mạc đợt thâm nhập thực tế sáng tác về đề tài Biển đảo quê hương năm 2013 tại trụ sở 26 Lê Lợi, Tp Huế.

  • Sáng 14/3, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, Liên hiệp các Hội VHNT TT- Huế, Hội Nhiếp ảnh TT- Huế, UBND huyện Hương Trà và Đặng tộc Việt Nam đã phối hợp tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm danh nhân Đặng Huy Trứ tại nhà thờ họ Đặng ở làng Thanh Lương, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

  • Ít ai biết rằng, cầu Trường Tiền - biểu trưng của thành phố Huế thơ mộng lại liên quan tới một võ tướng xứ Nghệ. Và cái tên Trường Tiền cũng xuất phát từ một xưởng đúc tiền nổi tiếng một vùng của võ tướng này.

  • Chiều ngày 13/3/2003, tại trường Đại học Sư phạm Huế, Nhà Xuất bản Văn học - Văn phòng đại diện tại Đà Nẵng kết hợp với Chi hội Khoa học lịch sử - Trường Đại học sư phạm Huế tổ chức ra mắt, giới thiệu hai cuốn sách mới xuất bản là  “Đặng Huy Trứ - Nhà tri thức chân chính của dân tộc và thời đại” và “Đặng Văn Hòa vị dân chí kế”.

  • SHO - Chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chiều ngày 7/3, Liên hiệp các Hội VHNT, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Thiên Huế và Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Huế đã tổ chức khai mạc triển lãm “Tặng phẩm tháng Ba” tại số 4 Hoàng Hoa Thám, Huế. 

  • SHO - Chiều ngày 7/3, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Nghệ thuật Huế, Hội Mỹ thuật Huế tổ chức khai mạc Triển lãm tranh các nữ họa sỹ Thừa Thiên Huế lần thứ XVII.

  • SHO - Gợi - Đó là tên phòng tranh của nhóm các họa sỹ Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Cà phê Tranh DAMA.TRY gallery phối hợp tổ chức khai mạc vào chiều ngày 02/3 tại số 42 Hải Triều, Huế.

  • Chiều ngày 27/02/2013, tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán, 15 A Lê Lợi - Huế, Ban điều hành Trung  tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán đã tổ chức buổi thuyết trình giới thiệu một sử liệu quan trọng liên quan đến đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông: bức tranh “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ” - do nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn trình bày.

  • Hòa vào không khí của các chương trình hưởng ứng ngày thơ Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, tối ngày 25/2, tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao thị xã Hương Thủy, Câu lạc bộ thơ Hương Thủy đã tổ chức Đêm thơ Nguyên Tiêu với chủ đề “Mùa xuân, tuổi trẻ và tổ quốc”.

  • Trong chương trình chính của Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI tại Thừa Thiên Huế, vào tối ngày 23/2 (14 Tháng Giêng năm Quý Tỵ), Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Hội nhà văn Thừa Thiên Huế, Sở văn hóa thể thao & du lịch Thừa Thiên Huế, Trung tâm Du lịch trải nghiệm Huế xưa Huế nay đã phối hợp tổ chức Đêm thơ Mùa xuân – Tuổi trẻ & Tổ quốc.

  • Hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI tại Thừa Thiên Huế, tối ngày 22/2 (13 tháng giêng năm Quý Tỵ), Liên hiệp Các hội VHNT Thừa Thiên Huế, Sở giáo dục và đào tạo Thừa Thiên Huế, Trường Đại học sư phạm Huế, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế  đã phối hợp tổ chức đêm thơ giao lưu sinh viên - học sinh Huế.

  • Viếng mộ thi nhân là một hoạt động thường niên vào mỗi dịp Nguyên Tiêu của văn nghệ sĩ Cố đô Huế, nhằm tri ân các thế hệ đã đóng góp cho nền thơ ca của tỉnh nhà và đất nước. 

  • Hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI tại Thừa Thiên Huế, tối ngày 22/2 (12 tháng giêng năm Quý Tỵ), Phòng Văn hóa & Thông tin, Đoàn TNCS HCM thị xã Hương Trà phối hợp với Câu lạc bộ thơ Sông Bồ đã tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu với chủ đề “Mùa xuân – Tuổi trẻ và Tổ quốc”.

  • Chào mừng Xuân mới 2013 và Tết Quý Tỵ, triển lãm “Tháng Giêng” đã được khai mạc vào chiều 5/2, tại trụ sở Tạp chí Sông Hương.

  • Sáng 05/02,  nhân kỷ niệm 40 năm ngày mất của nhà thơ, liệt sỹ Ngô Kha, Liên hiệp các Hội VHNT, Hội nhà văn Thừa Thiên Huế, Thành đoàn Huế cùng bạn bè thân hữu và gia đình của Ngô Kha đã tổ chức buổi ra mắt tập sách Ngô Kha - hành trình thơ, hành trình dấn thân & ngôi nhà vĩnh cửu tại hội trường của Thành đoàn Huế.