NGUYỄN QUANG HÀ
Bút ký
Đã hai năm nay tôi mới lại về thăm nhà máy sợi Huế. Cái đập vào mắt tôi trước tiên là bức tượng những bàn tay con gái rất đẹp, các ngón thon thả, tất cả đều giơ lên, nâng cao búp sợi trắng ngần. Bốn xung quanh là những vòi nước phun, rất mảnh, như những dòng sợi mỏng manh bay lên.
Minh họa: Nguyễn Tuấn
Bức tượng đặt giữa hồ cảnh, ngay trước nhà văn phòng. Những lần trước tôi về, chưa có. Phía đằng sau biểu trưng ấy là cơ ngơi nhà máy. "Vẫn cái vỏ bọc xưa, nhưng bên trong nó khác rồi". Câu nhận xét ấy của một bạn phóng viên, cùng với những gì tôi đã hiểu về nhà máy sợi, bất chợt trong tôi nhớ lại một câu ca dao:
"Chớ thấy sóng cả mà lo
Sóng thì mặc sóng, chèo cho có ngần"
Câu ca dao ấy đồng nghĩa với thành ngữ: "Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo". Cảnh ngộ sông nước ấy giống như cảnh ngộ của nhà máy mấy năm nay, nó xù xì, gai góc, chứ không mượt mà như bức tượng đài kia. Đã đành nghệ thuật đã được nghệ sỹ nâng lên. Đâu dám so sánh với sự ngổn ngang của cuộc đời.
Nhà máy sợi Huế đã từng ngổn ngang hơn cả sóng dữ. Thời bao cấp đã qua, thôi không nhắc tới cái giai đoạn nhà máy giống như một xí nghiệp gia công ấy nữa. Năm 1989 nhà máy sống thật bằng chính sức lực của mình. Nhưng chính ngày hóa thân ấy, nhà máy đã ăn một cú đòn chí mạng của cơ chế thị trường. Tháng giêng đang sản xuất 218 tấn sợi, tháng ba tụt xuống chỉ còn 91 tấn. Tháng tư công nhân phải ngừng sản xuất vì không bán được sản phẩm. Một số công nhân hoảng hốt đổi nghề, một số lang thang trong cuộc đời tự kiếm sống, số còn lại, có bám nhà máy chờ thời cơ vượt qua khó khăn này.
Sản phẩm ứ đọng, vốn lưu động nhà máy còn hạn hẹp. Quyết định 217 cho quyền các xí nghiệp tự kinh doanh. Song muốn kinh doanh phải có vốn. Trong kế hoạch nhà máy sợi đang cần 3 tỉ rưỡi, Nhà nước chỉ đầu tư được 729 triệu đồng. Giống y như truyện ngụ ngôn "chùm nho và con cáo" vậy. Thấy nho ở trước mắt đó, nhưng cánh tay ngắn quá, đành chép miệng, tự lừa dối mình: "Nho xanh quá", và lấy cớ mà bỏ đi. Hụt vốn, thấy lời cũng đành chịu. Khác gì con cáo ngắn tay đâu.
Để có một chút trường vốn mà tồn tại, Ban giám đốc hô hào hảo tâm của công nhân, mỗi người cho nhà máy vay 50 ngàn, từ trưởng phó phòng trở lên, 100 ngàn. Cũng là sự tự đắp điếm với nhau qua ngày.
Năm 1990, nhịp độ công nghiệp của xã hội nói chung lại tăng tốc dần. Nhà máy bán được sợi, mua được bông, tự tìm được thị trường. Nhà máy dần dần đi vào ổn định.
Tưởng thế là yên. Ai ngờ đầu năm 1991, sáu tháng đầu năm có nhiều sợi do Cộng hòa dân chủ Đức trả nợ cho Việt Nam về việc thanh toán nợ với Bộ Lương thực thực phẩm và một số ngành khác. Sợi được tung ra bán khắp nơi trên thị trường với giá rẻ, rẻ hơn giá của nhà máy thường bán lâu nay. Lại một cuộc khủng hoảng, như cơn gió độc thốc vào nhà máy.
Cũng cần nói thêm hoàn cảnh chung. Đó là việc thị trường Liên Xô và Đông Âu đang bị phá vỡ. Thị trường khu vực lI chưa mở ra mạnh. Di chứng của chế độ bao cấp làm chúng ta hết sức lúng túng bắt nhịp vào cơ chế thị trường. Nhà máy sợi Huế không tránh khỏi số phận lao đao ấy. Khách hàng đòi hỏi kỹ thuật ngặt nghèo. Giá cả biến động chóng mặt không lường được. Đúng cái lúc sợi của Cộng hòa dân chủ Đức tràn vào, giá bông nhà máy phải mua, đã tăng từ nửa đô-la, lên một đô-la chín một cân bông. Giá bông tăng, sợi rẻ, tính sao đây?
Tôi hỏi Huỳnh Văn Tháo, phó giám đốc phụ trách kinh doanh của nhà máy:
- Các anh đã gỡ cái mớ bòng bong ấy bằng cách nào?
Huỳnh Văn Tháo đáp:
- Cũng may anh em trong bộ phận kinh doanh của chúng tôi phát hiện thị trường đang thích sợi pha. Loại sợi pha 83 phần trăm nguyên liệu xơ P-E, 17 phần trăm bông. Xơ P-E là loại xơ hóa học được làm ra từ nguyên liệu dầu mỏ và than đá, nên đang rẻ, chỉ một đô-la một một cân. Vấn đề là làm sao chúng tôi có được sợi pha bây giờ.
Tôi hỏi:
- Máy của chúng ta thiết kế kéo sợi bông kia mà.
- Đúng thế. Cái hóc búa của chúng tôi là ở chỗ đó. Ngay từ tháng 4 năm 1991, giám đốc của chúng tôi đã quyết định dùng hẳn một dây chuyền cho sợi pha. Đó là một quyết định táo bạo, phải nói là bạo phổi lắm, song đầy tính chiến lược. Càng ngày càng khẳng định sự đúng đắn ấy.
Anh Tháo nói thêm:
- Chúng tôi đã thành công ở sợi pha, nhưng công bằng mà nói, quyết định của sự thành công ấy, 80 phần trăm thuộc về kỹ thuật. Chúng tôi hết sức tự hào về đội ngũ cán bộ kỹ thuật của mình.
Để hiểu chặng đường kỹ thuật này, tôi xuống nhà máy. Máy chạy rầm rầm, muốn nói với nhau điều gì, phải kề sát tai vào nghe mới rõ. Quy trình từ bông ra sợi hoàn toàn bằng máy tự động. Từ việc xé tơi bông, vận chuyển bông từ ống hơi tới máy chải. Từ máy chải bện thành cúi. Từ cúi đưa vào máy ghép. Ở công đoạn này mới bắt đầu pha sợi hóa học với sợi bông, thành sợi lớn. Tôi chỉ nhìn thấy những dòng cúi chạy vào máy như những đường mương trắng phau, chảy bất tận, đổ vào một cái hang bí mật, từ hang ấy lại chải ra những dòng sợi lớn quấn vào ống. Công việc máy làm, nối những sợi bông với nhau thế nào, pha sợi với nhau thế nào cho thật đều, mắt mình không nhìn thấy công đoạn ấy, nhưng cảm nhận được sức vóc trí tuệ của con người, ngay từ những máy sợi này.
Từ sợi lớn đưa sang máy sợi con, sợi lớn được tách ra thành sợi nhỏ. Sợi nhỏ rất mỏng manh mà tôi đang nhìn thấy tận mắt đấy mang chỉ số 76. Có nghĩa là một gam bông được kéo thành một sợi dài tới 76 mét. Các bạn thử tưởng tượng xem, sợi con mảnh mai biết bao nhiêu. Mấy ai mặc áo mà nghĩ tới dòng sợi đang chạy này.
Để có một búp sợi pha xuất xưởng, không đơn giản một chút nào. Bởi lẽ máy của mình kéo sợi bông. Chỉ số kéo sợi bông một gam chỉ cần kéo dài 54 mét thôi. Bây giờ sợi pha phải kéo dài tới 76 mét. Kỹ thuật máy nào thì cho sản phẩm ấy chứ sao? Giống như Lỗ Tấn đã từng nói: "mạch nước thì chảy ra nước, mạch máu thì chảy ra máu". Vậy làm thế nào máy kéo sợi bông lại kéo được sợi pha?
Tôi gặp kỹ sư Thám, kỹ sư An, hai con chim đầu đàn của công trình cải tiến này.
Thám kể:
- Khi nghe giám đốc lý giải cặn kẽ "sợi pha quyết định sự sống còn của nhà máy trong lúc này", thì kỹ thuật chúng tôi bắt đầu chạy nghiên cứu kinh nghiệm, kéo sợi pha. Có ý kiến cho rằng phải thay toàn bộ hệ thống kim của máy chải. Nhưng tính ra, đắt quá. Một dây chuyền mười máy, tốn 120 nghìn đô-la. Nhà máy chúng tôi thì đang nghèo. Đến Nha Trang, thấy họ kéo sợi pha bằng máy sợi bông, chúng tôi mừng lắm.
Tôi hỏi:
- Vậy là mình chỉ việc áp dụng kinh nghiệm thôi chứ gì?
Thám lắc đầu:
- Không. Không giống như các thi sĩ, nói trời xanh rồi ai muốn hiểu thế nào thì hiểu. Kỹ thuật hoàn toàn khác. Nói xanh là xanh ở gam màu nào. Máy móc càng khó hơn. Họ có cho mình biết nguyên lý đại cương cần thiết như tốc độ các bộ phận trên máy, cự ly các bộ phận công tác, cần vật liệu làm các công tác chi tiết đó... Nhưng cự ly các bộ phận công tác thế nào lại tùy thuộc vào từng máy một. Độ mòn của kim thế nào, thì lại phải điều chỉnh cự ly cho thật hợp lý. Sự chênh lệch của mỗi cự ly chênh nhau tính bằng phần nghìn tấc Anh, chệch đi một chút là sản phẩm khác rồi. Riêng thùng lớn của máy chải đã phải điều chỉnh tới mấy chục cự ly của các bộ phận công tác rồi. Đấy là tôi chỉ nói một ví dụ phức tạp để anh nghe thôi.
Tôi quay qua hỏi An:
- Chất liệu nguyên liệu khác nhau như thế có gây phiền hà cho máy móc không?
An hiểu câu hỏi của tôi, anh đáp:
- Phức tạp lắm. Ví như ở xơ bông tích điện không đáng kể. Nhưng ở xơ hóa học, tích điện là thuộc tính phổ quát của nó. Do độ ẩm của gian máy, do sự phát nhiệt khi máy vận hành... các nhà sản xuất xơ đã tẩm nhủ tương vào xơ để giảm tính tích điện. Song qua quá trình gia công chất nhủ tương bảo vệ bị xáo động, xơ lại tích điện. Khi xơ bị tích điện sẽ làm rối cúi, khi kéo sợi, sợi không đều. Phải mất đúng ba tháng trời chúng tôi mới khắc phục được nhược điểm này.
Biết bao nhiêu phức tạp để có một thành phẩm có tín nhiệm. Lúc đầu, một gam xơ kéo sợi dài 76 mét có tới một trăm tạp, kết. Nếu đem loại sợi này dệt thành vải, vải có những gợn sần sùi, không được mượt mà. Yêu cầu tối đa, một gam sợi chỉ có ba chục tạp, kết là nhiều nhất. Sản phẩm lý tưởng cho phép chỉ hai chục tạp, kết thôi.
Nhớ lại những mẻ sợi pha đầu tiên của nhà máy đưa đi chào hàng, bị chê sợi không đều và nhuộm bị loang. Nhà máy rút kinh nghiệm ngay. Các xí nghiệp dệt miền Nam, với tình đồng nghiệp, sẵn sàng cho dệt thử sợi của nhà máy sợi Huế. Lúc đầu họ chỉ dùng dệt sợi ngang. Sau chất lượng bảo đảm dần, họ dùng cho sợi dọc.
Anh An chánh văn phòng nhà máy hồ hởi nói với tôi:
- Cho đến bây giờ thì chúng tôi không có sợi mà bán. Sợi Huế là một mặt hàng ưa thích của thị trường.
Tôi hỏi An:
- Nhà máy đã cướp được thời gian để khẳng định mình, kinh nghiệm nâng cao chất lượng là gì?
An tỏ ra nắm rất chắc.
- Trước đây sợi bông không cần kiểm nghiệm nhiều, nay sợi pha yêu cầu của khách hàng không chơi trò chín bỏ làm mười, một vừa hai phải nữa. Trong tình hình ấy, ban giám đốc quyết định bỏ ra 15 triệu đồng sửa chữa máy USTER, máy kiểm tra chất lượng sợi. Phòng thí nghiệm kiểm tra mỗi cung đoạn sợi từng ngày, báo cáo lên giám đốc. Cung đoạn nào trục trặc, sửa ngay. Với kỷ luật hết sức ngặt nghèo ấy, người làm ra sản phẩm không thể lơ mơ được.
Điều đáng nói cũng cần phải nói là nhà máy sợi Huế đang đi lên từng bước vững vàng. Chữ nghĩa tôi vừa nói đây đã mòn, đã nhàm. Nhưng thực tế, nó xứng đáng như vậy. Xin dẫn ra đây mấy con số. Năm 1990, 950 công nhân, đứng 54 máy với 21.000 cọc sợi. Năm 1992, số công nhân giảm hẳn đi, chỉ còn 730 người, nhưng đứng 78 máy, với 33.000 cọc sợi. Người ít đi, công việc nhiều lên, năng suất tăng, công nhân đứng hai máy là thường. Đột xuất có người đứng ba máy, lương 350 ngàn đồng một tháng. Bình quân một công nhân sản xuất được 28 cân sợi trong một ca máy bằng năng suất của các nhà máy sợi Hà Nội, Nha Trang, Sài Gòn. Cái quyết định của nhà máy, tận dụng sức công nhân, trả lương cao, xứng đáng sức lao động của họ là biện pháp rất hợp thời. Đó cũng là biểu hiện sự tôn trọng con người.
Có một sự kiện ở nhà máy, tôi coi đó là một sáng tạo: nhà máy quyết định thành lập hội đồng khoa học kỹ thuật, gồm 12 người có trình độ, có chức trách, để làm tư vấn cho giám đốc về chiến lược kinh tế, kỹ thuật và tư vấn cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận sau này. Mọi lo toan của nhà máy đều được bàn bạc, lo toan chung, phân công nhau giải quyết những việc đang còn bề bộn. Tôi coi đây là một trường học tại chỗ, đào tạo đội ngũ lãnh đạo cho tương lai, mà thời gian có mặt trong sinh hoạt của hội đồng, là giai đoạn họ đang thực tập để nhận chân một cách xác thực cho chỗ đứng của mình.
Thấy tôi về nhà máy sợi mấy ngày nay, có bạn hỏi:
- Nghe nói dưới ấy khá lắm.
Tôi đáp:
- Nếu cho anh đứng vào gian máy, máy nóng 36 - 38 độ, suốt tám tiếng đồng hồ chắc anh không khen vậy.
- Sao anh không cho chạy máy lạnh?
- Chính thế, họ đang chịu đựng thầm lặng. Vì nếu chạy máy lạnh, tiền điện sẽ ngốn hết cả vốn lẫn lời của họ.
- À!
Bạn tôi ngỡ ngàng. Tuy nhiên ở nhà máy sợi, dưới góc nhìn của tôi, có ít điều cần phải bàn. Nhất là về nét văn hóa của nhà máy. Tôi nghĩ tới điều này, vì tôi xuống, gặp ngay ở phòng bảo vệ, phòng tiếp khách đầu tiên, bốn chàng thanh niên ngồi quanh bàn nước, thì hai chàng gác cả bốn chân lên bàn, dù có khách đến liên hệ công việc, nhất là quần áo của họ, màu xanh xám. Ít nhất người giao tiếp với khách cũng cần phải sang trọng.
Khi qua cửa vào nhà máy, người bảo vệ nói cộc lốc:
- Anh bỏ túi lại.
Tôi nhìn lên tường, không dán quy định này. Dù đó là nội quy công nhân, cũng cần có nội quy cho khách. Họ quên rằng, người dẫn đường cho tôi là phó giám đốc của nhà máy. Chẳng lẽ không còn có một lời giao tế nào lịch sự hơn chăng.
Còn có một điều nữa cần bàn là luật pháp công nghệ nhà máy. Tôi bắt gặp suy nghĩ này khi cùng với anh Huỳnh văn Tháo xuống quyết định cấp phát nước ngọt cho anh chị em công nhân đang đứng máy.
Người đốc công có vẻ ái ngại:
- Chỉ sợ như mọi khi, nắp chai dính vào máy, làm hỏng một loạt chi tiết máy.
Có thể việc đó đã xảy ra. Vậy trách nhiệm người công nhân ở đâu. Việc lãnh đạo của người đốc công ở chỗ nào. Nếu nhà máy có pháp luật cụ thể của mình, trách nhiệm quyền lợi công nhân, quyền lãnh đạo của đốc công, tất cả rõ ràng, thưởng phạt công minh, hẳn sẽ không có nỗi lo hết sức nhỏ nhặt ấy. Bởi chỉ cần một động tác công nhân chỉ bỏ cái nắp chai ấy vào túi mình chẳng hạn, thế là xong. Cái nguy nhất của việc không có luật pháp là công nhân có chỗ hở để làm tàng, còn lãnh đạo thì tha hồ nắm quyền sinh quyền sát, vì lấy gì để làm trọng tài? Đó là một cơ chế dân chủ hóa ở nhà máy cần được bàn đến.
Dẫn những điều tôi nói ra đây đang là nhỏ nhặt, nhưng nó là một màu sắc không thể thiếu, dù nhà máy hết sức quan tâm đến mũi nhọn chất lượng để nó đủ sức công phá vào cơ chế thị trường. Phải nói rằng nhà máy đã nắm trong tay mình một chiến công không thể chối cãi, năm 1989 vốn lưu động có 729 triệu đồng, phải vay thêm của công nhân, đến nay, 1992, nhà máy đủ vốn tự có để hoạt động, không hề phải vay của ngân hàng. Trong khi đó không ít cơ sở sản xuất đã bị phá sản vì lỗ hổng không thể đắp điếm được này. Có được cơ ngơi ấy, một tiêu điểm lúc nào cũng được quán triệt là con người. Cứ sáu tháng một lần, lần lượt giám đốc gặp công sự của mình, nhận xét cụ thể, đánh giá sòng phẳng ưu và khuyết của họ. Họ tự đánh giá năng lực của mình. Những chi tiết máy luôn được sửa sang thay đổi, đã làm cho cỗ máy chạy tốt, không bao giờ ngừng.
Để hiểu một cách tổng quát về nhà máy sợi Huế, xin trích ra đây, câu chuyện giám đốc Nguyễn Văn Tiết kể với tôi. Ông nói:
- Hôm đại sứ Hung-ga-ri về thăm nhà máy, ông nói một câu thật bất ngờ: "Chúng tôi về thăm nhà máy hôm nay, tưởng chỉ thăm được cơ quan điều hành. Vì cùng cơ chế này, các nhà máy bên Hung đã chuyển giao cho các tư nhân cả. Không ngờ các ông, trong cơ chế thị trường mới, vẫn làm tốt thế. Chúng tôi sẽ bàn cách để nhà nước Hung vẫn có quan hệ tốt với nhà máy sợi Huế này".
Năm 1993, ai về nhà máy sợi, sẽ thấy không phải 78 máy chạy nữa, mà tất cả máy kéo sợi sẽ cố gắng được huy động và vận hành. Không phải dự báo đâu. Đó là sự thật. Có thể nói, nhà máy sợi Huế đang chuyển động nhịp nhàng trong cơ chế thị trường, nhanh chóng, giống như một sự bất ngờ.
N.Q.H.
(TCSH52/11&12-1992)
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Bút ký
Trong những giấc mơ buổi giao mùa, tôi bồng bềnh trôi trên những đám mây trắng bay qua con đèo quanh co, khúc khuỷu. Một bên là núi rừng xanh thẫm, một bên đại dương mênh mông không bến bờ.
Kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27 - 7
DO YÊN
NGUYÊN HƯƠNG
Tạp bút
Bóng đêm như một ẩn dụ về tri kỷ. Chỉ cần im lặng thấu hiểu mà không đòi hỏi được nghe lời thề thốt thanh minh.
BỬU Ý
Suốt trên ba mươi năm hiện diện, Tạp chí Sông Hương hiển nhiên xác lập được sự trưởng thành của mình bên cạnh những tập san, tạp chí uy tín nhất của cả nước.
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Tản văn
Hà Nội bây giờ, chẳng ai dám quả quyết là đã quan sát, tìm hiểu và có thể bình phẩm một cách đầy đủ. Đơn giản, chỉ vì Thủ đô hôm nay quá… mênh mông.
NGUYỄN VĂN TOAN
Bút ký
Cái cảm giác một lần nghe tên mình vọng lại từ trập trùng núi rừng xanh thẳm chẳng dễ gì quên được, nhất là với người sinh ra từ nơi chốn ấy.
NGUYÊN HƯƠNG
Có những ngày tháng đi qua đã để lại nỗi trống vắng hoang tàn cho con người và tạo vật. Và đôi khi ta thấy tiếc nhớ những ngày tháng ấy như tiếc một món vật cổ điển đã mất đi, dẫu biết rằng theo nhịp tuần hoàn mỗi năm, ngày tháng ấy còn quay trở lại.
THÁI KIM LAN
"Từ đó trong vườn khuya
Ôi áo xưa em là
Một chút mây phù du“
VŨ DY
Tùy bút
Cuối năm, đó là khoảng thời gian người ta nhiều xúc cảm nhất. Buổi sáng, ngồi nhà không yên, lấy xe chạy lòng vòng thị trấn coi không khí chuẩn bị đón tết của bàn dân thiên hạ.
THÁI KIM LAN
Tùy bút
Cây hải đường ở vườn bà nội tôi thuở ấy đứng trước bình phong nhà Từ đường họ ở đồi Hà Khê. Không biết nó đã ở đó bao lâu, lớn khôn ra làm sao, trong rét mướt mùa đông và nắng nồng mùa hè có than vãn vật vả như con người?
NGUYÊN HƯƠNG
Tùy bút
Ta đã từng dựa vào những đêm mưa như một chút ân huệ cuối cùng của đời sống. Nơi đó có dấu chân của những kẻ đi hoang đốt cuộc đời mình trong bóng tối và cũng có thể là nơi những tên trộm lấy đi một vài thứ không thuộc về mình. Rồi một ngày kia dấu chân tan vào mưa, như suối tan ra giữa muôn trùng đá sỏi.
LINH THIỆN
Đã gần 30 năm, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư Phạm Huế, tôi được phân công về dạy học ở tỉnh Minh Hải1 - mảnh đất tận cùng của Tổ quốc.
PHÙ SINH
Trước khi viết về con hến, thiết nghĩ cũng nên tào lao mấy chuyện về mấy loài nhuyễn thể dưới đáy sông.
NGUYỄN VĂN UÔNG
Tùy bút
Chuyện làng thì nói mãi vẫn có người thích nghe. Thơ nhạc cũng không ít lời ca ngợi.
PHI TÂN
Tùy bút
Sông Ô Lâu chảy qua làng tôi là đoạn cuối trước khi đổ ra Cửa Lác để hòa vào phá “mẹ” Tam Giang.
TRẦN BẢO ĐỊNH
1. Mấy ai sinh ra và lớn lên mà không có quê hương? Quê hương đó, có thể là phố phường, là nông thôn đồng bái! Mỗi nơi ở mỗi người, đều có một kỷ niệm đầu đời chẳng thể quên.
ĐỖ XUÂN CẨM
Trong hàng trăm loài cây xanh đô thị, có lẽ cây Hoa sữa là cây gây nhiều ấn tượng cho nhiều người nhất.
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
Ông Giám đốc Viện Nghiên cứu Du lịch lấy từ trong cặp ra một cái kính đeo mắt hơi lạ, mắt kính đen kịt như mực, bấm nút nghe có tiếng rè rè như máy ảnh, bảo tôi mang thử.
bút ký của Lê Vũ Trường Giang
Nhìn trên bản đồ, vùng bờ biển của Huế là một dải đất mỏng như lưỡi liềm, những đường cong với nhiều bãi tắm đẹp thu hút du khách cùng những làng nghề chế biến muối và nước mắm nổi tiếng.
NGUYỄN QUANG HÀ
Đi trên đường phố Huế bao giờ cũng có cái cảm giác êm ả. Nhất là mỗi lần từ trong Nam ra, ngoài Bắc vào, đến Huế, ta như vừa bất chợt gặp lại sự yên lành.