Sêkhov và Nam Cao - người trí thức và những cảnh sống thừa

14:53 16/09/2009
PHONG LÊTrong văn học Việt Nam, trước trào lưu hiện thực, hình ảnh người trí thức đã có mặt trong khuynh hướng lãng mạn của Tự lực văn đoàn. Đó là các nhân vật trong vai điền chủ, luật sư, quan lại - có vốn tri thức và có chút băn khoăn, muốn nhìn xuống nỗi khổ của những người dân quê, và mong thực hiện một ít cải cách cho đời sống họ đỡ tối tăm và đỡ khổ.

Văn hào Sekhov - Ảnh: thvl.vn

Trong bối cảnh xã hội thực dân phong kiến trước 1945, những ý nguyện và băn khoăn như vậy, tuy cũng đáng trân trọng nhưng thực ra chỉ là ảo tưởng. Và chính các ông chủ của Tự lực văn đoàn khi vẽ ra những chuyện cải cách trong các trang ấp như xây giếng làm nhà, dạy người lớn biết vệ sinh, dạy trẻ con học chữ... họ cũng không tin vào các kết quả, bởi số phận người nông dân là không thể thay đổi; và rồi cũng đành đi đến kết luận như Vũ Trọng Phụng: Họ khổ mà không biết rằng mình khổ, âu thì mặc quách họ! Hoàn cảnh nước Nga dưới chế độ Sa hoàng và chủ nghĩa Tônxtôi có thể giúp ta hiểu lý tưởng và hành trang của Lêvin và Kitti trong Anna Karênina, còn hoạt động của Hạc - Bảo, Duy - Thơ trong Gia đìnhCon đường sáng của Khái Hưng, Hoàng Đạo chỉ là một bản sao mờ nhạt của những ước mơ và ảo tưởng, không thể nào thực hiện trong xã hội thuộc địa. Tính chất xa thực tế, đưa con người trốn vào những ao ước không tưởng, là đặc trưng của trào lưu lãng mạn khiến cho người trí thức trong tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn chỉ là hồi quang xa xôi, mơ hồ của những ảo vọng thoát ly và đối lập với hiện thực.

Một hình ảnh trung thực về người trí thức trong xã hội thuộc địa phải đến Nam Cao mới xuất hiện. Trước ông, trong văn học hiện thực còn chưa có. Ở đây không nói đến những "hủ Nho" của nền học cũ, trong thơ văn của các chí sĩ đầu thế kỷ. Đó là người trí thức vừa trong chật vật của sự mưu sinh, vừa trong bi kịch của những thất vọng và bế tắc tinh thần. Khơi sâu được vào trong những bi kịch của người trí thức trong xã hội thuộc địa - đó là nét đặc trưng và cũng là đóng góp của Nam Cao trong giai đoạn kết thúc văn học hiện thực Việt Nam trước 1945.

Sự thật thì người trí thức chưa bao giờ là một hình ảnh nổi đậm và có vai trò riêng trong đời sống xã hội phong kiến và thuộc địa ở Việt Nam, bởi chưa bao giờ họ có đủ tiềm lực để cùng đồng hành hoặc là hậu thuẫn cho các giai tầng cơ bản làm nên một cuộc cách mạng trong lịch sử. Bởi cho đến trước 1945 một cuộc cách mạng như thế trong xã hội Việt Nam là chưa có, mà chỉ có những cuộc khởi nghĩa hoặc bạo động của nông dân mà thôi. Đó là lý do khiến cho vấn đề người trí thức như một lực lượng tinh thần, với các cuộc hành trình hoặc phấn chấn hoặc đau khổ của họ, nếu đã là một chủ đề lớn trong văn học phương Tây, gồm cả văn học Nga, thì ở ta, nó chưa bao giờ trở thành vấn đề, càng chưa là chủ đề quan trọng ngay cả trong văn học hiện đại. Phải vào những năm 40, với Nam Cao, Thạch Lam và Nguyễn Huy Tưởng... vấn đề người trí thức mới xuất hiện, trên một số khía cạnh vừa gắn bó, vừa độc lập với các vấn đề chung của nhân dân và dân tộc.

Đặt trong số phận dân tộc thì khát vọng của người trí thức trong xã hội phong kiến - thuộc địa tuyệt không thể xa lạ hoặc ra ngoài ước vọng chung của nhân dân. Đó là "làm thế nào cho được sống. Cơm! Áo! Sự an toàn. Tương lai của mình. Tương lai của các con. Sống! Sống! Tất cả sự quan hệ là ở đó. Phải làm thế nào cho được sống, được ngước mắt lên, được thở hít tự do, cùng với tất cả mọi người..." như trong kết thúc Sống mòn. Nhưng là trí thức nên mỗi người trong họ không ai không có lúc nuôi trong mình một ít ao ước và ham muốn cho đời sống tinh thần - nó là một cái gì rộng hơn chuyện áo cơm, vượt ra khỏi bản thân, để có chút gì đóng góp cho nhân quần, dẫu chỉ trong vai một nhà giáo để cải thiện môi trường học vấn cho đám học trò nghèo, hoặc một nhà văn có tác phẩm được người đọc để ý...

"Thứ vẫn không thể nào chịu được rằng sống chỉ là làm thế nào cho mình và vợ con mình có cơm ăn, áo mặc thôi. Sống là để làm một cái gì đẹp hơn nhiều, cao quí hơn nhiều. Mỗi người sống phải làm thế nào cho phát triển đến tận độ những khả năng của loài người chứa đựng ở trong mình. Phải gom góp sức lực của mình vào công cuộc tiến bộ chung. Mỗi người chết đi phải để lại một chút gì cho nhân loại".

Nhưng mục tiêu đó, dẫu chỉ vươn lên hơn chuyện áo cơm một ít; dẫu chỉ vượt ra ngoài bản thân hơn một chút, cũng gặp biết bao khó khăn, và đâu dễ thực hiện trong xã hội thuộc địa. Và câu trả lời của Nam Cao cho tất cả những mong ước nhỏ nhoi đó của người trí thức - là một sự thất vọng, rồi tuyệt vọng. Tất cả họ, gồm cả những ao ước đơn sơ của họ đều bị nhận chìm trong cảnh "sống mòn"; nó là cái chết trong cõi sống, hoặc là một sự sống đang đi dần vào cõi chết. Nó là chết mòn hoặc sống mòn, thì cũng vậy! Câu chuyện Sống mòn, do thế, trở thành một ám ảnh, một thức nhận, một phát hiện của Nam Cao, để trở thành cái riêng trong bức tranh hiện thực Nam Cao, trong hình ảnh của người trí thức kiểu Nam Cao.


(Nhà văn Nam Cao - Ảnh: vnca.cand.com.vn)

 


Viết về thân phận người trí thức nghèo trong số phận chung của người trí thức, Sống mòn là cuốn tiểu thuyết kết thúc sự nghiệp viết của Nam Cao trước 1945; cũng là cuốn tiểu thuyết kết tinh trọn vẹn gương mặt hiện đại của văn học Việt Nam - sau 30 năm hình thành và phát triển.

Trước Sống mòn, và như là sự bổ sung và hoàn thiện cảnh ngộ "sống mòn" là những kiếp "đời thừa", qua số phận của những Điền và Hộ trong Nước mắt, Giăng sáng, Đời thừa... Đời thừa với những kiếp sống mà như thừa. Sống mà như lạc ra ngoài dòng đời. Sống trong dẫy dụa, quẫy cựa để thoát ra khỏi một vòng quay nghiệt ngã của số phận; nhưng càng dẫy dụa lại càng lún sâu hơn vào bi kịch và bất hạnh.

Những kiếp sống thừa, những cảnh đời thừa, để tìm dấu ấn của nó trong văn học Nga phải đi ngược lên một thế kỷ, để đến với những con người thừa như Ônêghin trong Épghênhi Ônêghin của Puskin, như Pétsôrin trong Nhân vật của thời đại chúng ta của Lecmontov. Những liên hệ này có thể là hơi xa. Bởi "con người thừa” trong văn học Nga - tất cả đều thuộc tầng lớp trên, họ không phải lo toan chuyện áo cơm. Bi kịch của họ chỉ là không tìm thấy mục đích sống, ý nghĩa sống trong xã hội Sa hoàng. Họ đã hoài phí đời mình vào những cuộc ăn chơi vô bổ; càng sống càng thấy chán; và một cái chết thật trong đấu súng, hoặc một cái chết về tinh thần - đó là sự kết thúc cho cả một đời dằn vặt. Đến Sêkhov - sau ngót nửa thế kỷ, thấy không còn những con người thừa, nhưng lại tràn ngập những cuộc sống thừa, những cảnh đời thừa, vô vị, nhàm tẻ, đơn điệu, trống rỗng, tự huyễn hoặc mình và đầu độc bầu không khí chung quanh...

Trong Người vợ chưa cưới, nhân vật Xaxa nói với Nađia sự ngạc nhiên thấy những người quanh anh, chẳng ai chịu làm việc gì. "Có trời mà biết tại sao không một ai làm gì cả (...) Nếu như má cô, bà nội cô không làm gì chẳng hạn thì phải có người nào đó làm việc thay các vị, các vị đã cướp mất cuộc sống của người khác, lẽ nào cái đó lại là trong sạch, lại không nhơ nhuốc?".

Nhân vật cô giáo Masa trong Ba chị em nói: "Phải biết tại sao mình sống? Nếu không tất cả chỉ là nhảm nhí. Tất cả chỉ là vô nghĩa.".

Để chống lại và tiêu diệt sự lười biếng, con người phải lao động. Đã rất nhiều lần, cả trong truyện và kịch, Sêkhov cất lên tiếng kêu khẩn thiết: phải lao động. Bởi cuộc sống của giới trí thức như ông nhìn thấy là quá lười biếng, nhàm chán và vô nghĩa... Trong kịch Ba chị em, ông để Irina nói: "... Người ta bất cứ ai cũng phải làm việc, cũng phải đổ mồ hôi đổi lấy miếng ăn - đó là ý nghĩa và mục đích cuộc đời, hạnh phúc và niềm phấn khởi của con người. Vui sướng thay được làm người thợ dậy từ tờ mờ sáng đập đá trên đường; hay người chăn cừu, hay người giáo viên dạy trẻ học, hay người thợ máy trên đầu máy xe lửa của anh ta... Trời ơi! Thà làm một con bò hay một con ngựa mà làm việc, cũng còn hơn cái người thiếu phụ ngủ đẫy giấc đến trưa mới dậy, uống cà phê ngay trên giường và ngắm mốt áo quần đến hàng hai tiếng đồng hồ..." Và qua Tudanbich, ông cho nhân vật mơ ước: "Đã đến lúc cơn giông tố sẽ đến với chúng ta; một cơn bão mãnh liệt, tốt lành đang hình thành, chẳng bao lâu nữa sẽ cuốn đi khỏi xã hội chúng ta sự lãnh đạm, lười nhác, thái độ khinh thường lao động, sự buồn tẻ mốc meo đến lợm giọng".

Nam Cao trong Sống mòn cho nhân vật Thứ nói: "Tôi chỉ yêu sự làm việc và những người làm việc mà thôi. Theo ý tôi phải diệt cho hết những kẻ ngồi không, hưởng những thức của kẻ khác làm ra mà chẳng làm ra được cái gì. Ai cũng phải làm, ai làm cũng phải được no đủ, tự do, mà chỉ những ai làm mới được no đủ, tự do".

Trong Cậu Vania, lão giáo sư Xerebriacốp - thần tượng để cả đại gia đình khúm núm vâng dạ là một nhà khoa học giả danh; thế mà tất cả những người vây quanh ông ta đều đã phí cả một đời để phục dịch. Điều khủng khiếp ở đây là khi những giá trị giả, sự giả danh ở gã giáo sư bị lật tẩy. Nhưng điều còn khủng khiếp hơn là, sau sự lật tẩy đó, mọi chuyện đời lại cứ bình yên như cũ, dẫu một phát súng đã bắn ra từ lòng căm thù của cậu em Vania đối với người anh rể - giáo sư lúc này đã trơ ra là một cục đất thó; thế mà lão vẫn không hết thói quen hợm hĩnh, hách dịch.

Trong Ba chị em, cái ao ước được trở về Matxcơva có ý nghĩa như là sự giải thoát cho cuộc sống buồn tẻ ở cái tỉnh lẻ này. Nhưng rồi cuối cùng chẳng có cuộc đi nào được thực hiện. Và sự ngán ngẩm đối với cuộc sống, được Sêkhov đặt vào lời ông giáo sư trung học Andrei Xecghêvich Prozorov - một thành viên là người anh cả của gia đình:

"Tại sao chúng ta mới bắt đầu cuộc sống mà chúng ta đã trở nên buồn tẻ, nhạt nhẽo, tầm thường, lười biếng, chán chường, vô dụng, khổ sở... Thành phố của chúng ta có từ hai trăm năm nay, gồm mười vạn dân số, mà không có lấy một người nào là không giống như tất cả mọi người khác; không có lấy một anh hùng trong dĩ vãng, trong hiện tại, không có lấy một học giả, một họa sĩ hoặc một người ít nhất gọi là xuất sắc để có thể khiến cho người khác hâm mộ hoặc khát khao bắt chước họ... Mọi người chỉ biết ăn, uống, ngủ và rồi chết... Kẻ khác sinh ra và họ cũng lại ăn uống, ngủ, và để cho khỏi hoàn toàn u mê đi vì buồn chán, họ đem lại thay đổi cho cuộc đời họ bằng những chuyện vu khống hèn hạ, bằng rượu vốt ca, bài bạc và hiềm khích lẫn nhau... Rồi vợ thì lừa chồng, chồng thì dối trá, và cùng làm ngơ như không trông thấy gì, không nghe thấy gì hết; cái gương xấu đó không tránh khỏi ảnh hưởng đến con cái và dập tắt luôn cái tia lửa thần thánh trong người chúng, và chúng trở thành những cái xác chết cũng thảm hại hệt như là bố mẹ chúng".

Một nhân vật khác của kịch, thiếu tá Vecsinin, trong câu chuyện với Masa, cũng nói đến cái gọi là nỗi khổ của giới trí thức: "Cứ nghe chuyện một người trí thức ở đây, không kể là viên chức hay quân nhân, thì toàn là chuyện anh ta khổ sở vì vợ của anh ta, khổ vì nhà cửa của anh ta, khổ vì sản nghiệp của anh ta, khổ vì ngựa của anh ta. Người Nga vốn vẫn dễ có tư tưởng cao siêu hơn bất cứ ai, nhưng cứ thử bảo tại sao, trong cuộc đời, anh ta lại sống thấp kém như thế? Tại sao?"

Thế giới truyện của Nam Cao cũng không thiếu những cắn rứt, vò xé nhau. Một ông phán, láng giềng của Điền trong Nước mắt: "Nhà ông chẳng lúc nào yên, đàn trẻ khóc như ri. Mẹ chồng nghiến rứt con dâu, con dâu cãi lại mẹ chồng. Cô em nói mỉa mai. Chỉ vì người nào cũng khổ cả, và người nọ cứ tưởng vì người kia mà khổ ". Thứ trong Sống mòn cũng luôn luôn đặt ra câu hỏi về ý nghĩa sống: "Nhưng thật ra thì ăn no đã đủ đâu? Nếu sống mà không thấy sống là vui, thì thật không đáng sống. Chao ôi! Cuộc sống như cuộc sống của chúng ta đang sống bây giờ đã thật có gì đáng cho ta thấy vui chưa? Người ta ghét nhau hoặc yêu nhau, nhưng bao giờ cũng làm khổ nhau cả. Tại sao như vậy?".

Câu hỏi không được trả lời, nhưng người đọc, người xem thì hẳn ai cũng hiểu. Đó là một cuộc sống quá ươn hèn và thấp kém về tinh thần, không có gì cao hơn bản thân một chút; không mang lại được một chút giá trị gì về tâm hồn và trí tuệ cho người khác - vốn thường phải là mối quan tâm của người trí thức.

Nói cho thật đúng thì với Sêkhôv - những con người biết sống vì một mục đích cao hơn bản thân, mong đem lại một ý nghĩa tích cực đối với đời, cũng có, dẫu còn hiếm. Đó là bác sĩ Đưmốp trong Người đàn bà phù phiếm, tận tụy trong việc cứu người, và cuối cùng phải chết vì căn bệnh của người đã được cứu sống. Nhưng điều đáng thương tâm hơn là ông đã không nhận được bất cứ sự chăm nom nào của vợ, một "người đàn bà phù phiếm"; và ông cam chịu sự lạnh lẽo đó, không một lời chê trách. Bác sĩ Raghin trong Phòng số 6 cũng là một người lương thiện, nhưng vì sự nhu nhược, thỏa hiệp với cái ác, nên đã bị đẩy vào nhà thương điên.

Vậy là những ai muốn có một cuộc sống có ý nghĩa, muốn sống cho ra con người thì phải tìm đến một khẩu súng, hoặc phải đi khám bệnh, hoặc vào nhà thương điên... Còn số lớn đều phải chấp nhận tình trạng tù đọng, và với tâm lý thụ động, không mong và không tin hoàn cảnh có thể thay đổi. Bởi chính họ là hiện thân của sự từ đọng đó.

Sêkhov, người nhìn thấu tận đáy chiều sâu bi kịch đó, đã từng được Gorki hình dung như sau: Đó là "một con người lớn lao, thông minh, biết quan tâm đến mọi sự, đi qua bên cạnh cái đám tẻ nhạt, tối tăm của những con người bất lực kia. Người ấy nhìn đồng bào chán ngắt của mình và với một nụ cười buồn buồn, với một giọng trách móc nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, với một nỗi u hoài vô hy vọng trên gương mặt và trong tâm can, cất tiếng nói chân thành và đẹp đẽ:

- "Các ngài sống tồi lắm, các ngài ạ! "

Chính Sêkhov cũng có lần nói: "Tôi chỉ muỗn nói thật, nói thẳng với mọi người rằng: Hãy nhìn lại mình, hãy nhìn xem chúng ta đang sống tồi, sống tẻ như thế nào?".

Nửa thế kỷ trước Sêkhov, Puskin sau khi đọc Những linh hồn chết của Gôgôn đã phải kêu lên: "Trời ơi! Nước Nga của chúng ta sầu thảm xiết bao!"

Nhận rõ mọi tội trạng và thảm họa của nền chuyên chế Sa hoàng đối với mọi tầng lớp người; cái nhìn phê phán và sự thất vọng đối với giới trí thức - đó là chủ đề nổi đậm trong văn học Nga. Một nền văn học đã là biểu trưng cho những giá trị dân chủ và nhân văn vô cùng quý giá chống lại sự ngược đãi con người, chống lại sự trì đọng của trí tuệ, chống lại sự bạc nhược của giới trí thức; và bao trùm là một khát vọng tự do "thoát ra khỏi cái hơi ngạt độc đoán chuyên chế, nó làm nghẹn ngào và nghẹt thở bao tâm hồn con người, kể cả người xấu lẫn người tốt"(1`), một khát vọng tự do, cao hơn tất cả mọi sự kềm kẹp, trói buộc, đè nén, áp bức, dẫu là đến từ bất cứ đâu - là nước Nga Sa hoàng; là nền thống trị của chủ nghĩa tư bản trên toàn Châu Âu, rồi chủ nghĩa đế quốc trên toàn thế giới; là bất cứ thể chế chính trị xã hội nào muốn biến con người thành nô lệ, muốn nhận chìm con người vào đáy sâu thói nô lệ.

Một nền văn học Nga được viết bởi những tên tuổi cực kỳ sáng giá nhằm vào sự giải phóng con người ra khỏi mọi trạng thái nô lệ. Được viết bởi những người thật sự đã xả thân cho sự nghiệp đó, không chỉ bằng cây bút, mà bằng cả sinh mệnh của mình. Không một ai trong những tên tuổi lớn của văn học Nga - cho đến Sêkhov là thỏa hiệp với chế độ Sa hoàng; và tất cả đều chấp nhận những rủi ro bất hạnh cho mình, đến từ thể chế đó - người thì bị đẩy vào những cuộc đấu súng, người bị điên, người tự tử, người bị lưu đày, người vào hầm cầm cố...

Khát vọng tự do, khát vọng giải phóng cho các năng lượng tinh thần qúi giá ở con người - đó là tiếng kêu của Sêkhov. Ở một quy mô nhỏ hẹp hơn - tiếng kêu của Nam Cao cũng không phải là không khẩn thiết:

"Chết là thường. Chết ngay trong lúc sống mới là nhục nhã"... "Cái đầu tóc mới nuôi có bao giờ thèm mong sau này làm một ông phán bình thường, mắt cận thị và lưng gù, tháng tháng lĩnh lương về nuôi vợ, nuôi con...".

"Nay mai mới thật buồn. Y sẽ chẳng có việc gì làm, y sẽ ăn bám vợ. Đời y sẽ mốc lên, sẽ rỉ đi, sẽ mòn, sẽ mục ra ở một xó nhà quê. Người ta sẽ khinh y, chính y sẽ khinh y. Rồi y sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống".

"Đời họ là một đời tù đày. Nhưng cũng như một con trâu, họ vẫn cắm cúi kéo cày, ăn cỏ, chịu roi. Ở bên kia những cánh đồng bùn lầy, là rừng xanh, cuộc sống tự do, cỏ ngập sừng. Con trâu có lẽ cũng biết vậy, nhưng chẳng bao giờ nó dám đi, chẳng bao giờ nó dám dứt đứt sợi giây thừng. Cái gì giữ con trâu lại đồng bằng và ngăn người ta đến một cuộc đời rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn? Ấy là thói quen, lòng sợ hãi sự đổi thay, sợ hãi những cái gì chưa tới. Ấy thế mà trên đời này lại chẳng có cái gì tới hai lần. Sống tức là thay đổi".

P.L
(187/09-04)


----------------------------
(1) Nguyễn Tuân: Đọc Sêkhov; Truyện ngắn tuyển tập; NXB Hội Nhà văn; H; 1957


 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • HOÀNG NGỌC HIẾN(Đọc Tư- duy tự- do của Phan Huy Đường*)

  • TRẦN HOÀI ANHBáo Văn nghệ trong lời giới thiệu những bài thơ mới nhất của Nguyễn Khoa Điềm số ngày 5/8/2006 cho biết: “Bây giờ ông đã trở về ngôi nhà của cha mẹ ông ở Huế. Tôi chưa bao giờ đến ngôi nhà ấy”. Còn tôi, người viết bài này đã có “cơ may” ở trọ tại ngôi nhà yên bình ấy trong những năm tám mươi của thế kỉ trước khi tôi đang là sinh viên ngữ văn Đại học Sư phạm Huế.

  • NGUYỄN NGỌC THIỆN(Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Lan Khai (1906-2006)Đầu năm 1939, Vũ Đình Long, chủ Nhà xuất bản Tân Dân có sáng kiến xin giấy phép xuất bản ấn hành tạp chí TAO ĐÀN. Đây là tạp chí chuyên ngành về văn học đầu tiên trong làng báo ở ta trước Cách mạng tháng 8 năm 1945.

  • NGUYỄN TÀI CẨN, PHAN ANH DŨNG1/ Tiến sĩ Đào Thái Tôn vừa cho xuất bản cuốn “Nghiên cứu văn bản Truyện Kiều: bản Liễu Văn Đường 1871”. Chúng tôi thành thực hoan nghênh: hoan nghênh không phải vì trong cuốn sách đó có những chỗ chúng tôi được Tiến sĩ tỏ lời tán đồng, mà ngược lại, chính là vì có rất nhiều chỗ Tiến sĩ tranh luận, bác bỏ ý kiến của chúng tôi.

  • TÔN PHƯƠNG LAN1. Phong Lê là người ham làm việc, làm việc rất cần cù. Anh là người suốt ngày dường như chỉ biết có làm việc, lấy công việc làm niềm vui cho bản thân và gia đình. Anh sống ngăn nắp, nghiêm túc trong công việc nhưng là người ăn uống giản đơn, sinh hoạt tùng tiệm.

  • THỤY KHUÊLGT: “Thụy Khuê là một nhà phê bình văn học Việt Nam sắc sảo ở Pháp” (Trần Đình Sử, Văn học Việt Nam thế kỷ XX, NXBGD Hà Nội, 2005) Bà đã viết về mục tác giả Bùi Giáng và một số tác giả miền Nam trước 1975 cho “Tự điển văn học” bộ mới. Bài viết về Thanh Tâm Tuyền cũng dành cho bộ Từ điển nói trên. Chúng tôi đăng bài viết này để tưởng nhớ nhà thơ Thanh Tâm Tuyền vừa mới qua đời.

  • HỒ THẾ HÀĐồng cảm và sáng tạo (*): Tập phê bình-tiểu luận văn học mới nhất của nhà phê bình nữ Lý Hoài Thu. Tập sách gồm 30 bài viết (chủ yếu là phê bình-tiểu luận và 5 bài trao đổi, phỏng vấn, trả lời phỏng vấn), tập trung vào mảng văn học hiện đại Việt Nam với sự bao quát rộng về đề tài, thể loại và những vấn đề liên quan đến phê bình, lý luận văn học, đời sống văn học từ 1991 đến nay.

  • MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNHHôm Tết vừa rồi, anh Đỗ Lai Thúy ghé thăm Huyền Không Sơn Thượng và có tặng tôi một tập sách. Nội dung, anh đã phác thảo chân dung học thuật của 17 nhà nghiên cứu. Công trình thật là công phu, khoa học, nhiều thao tác tư duy, nhiều tầng bậc chiêm nghiệm... hàm tàng một sở học nghiêm túc, đa diện và phong phú.

  • TRÚC THÔNGLTS: Cuộc hội thảo Thơ Huế trong mạch nguồn thơ Việt do Hội Nhà văn TT Huế tổ chức nhân dịp Festival Thơ Huế 2006 đã “truy cập” được nhiều nhà thơ, nhà lý luận- phê bình tham dự.Tiếp theo số tháng 6, trong số tháng 7 này, Sông Hương xin trích đăng thêm một số tham luận và ý kiến về cuộc hội thảo nói trên.

  • PHẠM XUÂN NGUYÊNTrước hết tôi muốn phân định một khái niệm thơ Huế, ít nhất là trong bài viết này của tôi. Thơ Huế là một khái niệm tưởng cụ thể nhưng lại khá mơ hồ. Thế nào là thơ Huế? Có phải đó là thơ viết về Huế và thơ của người Huế viết. Mặc nhiên mọi người đều hiểu thế. Thơ viết về Huế thì có của người gốc Huế, người đang sống ở Huế và người ở khắp mọi nơi.

  • INRASARATham luận Festival Thơ Huế lần 2 tại Huế 05 và 06/6/2006Tràn lan cái giống thơ:Cái giống thơ là sản phẩm dễ gây nhầm lẫn và ngộ nhận. Ngộ nhận nên quá nhiều người làm thơ, nhà nhà làm thơ. Rồi tập thơ được in ra hàng loạt để...tặng. Và khốn thay, không ai đọc cả! Vụ lạm phát thơ được báo động mươi năm qua là có thật. Không thể, và cũng không nên chê trách hiện tượng này. Thử tìm nguyên do.

  • TÂM VĂNĐã hơn hai thế kỷ rồi mà nay đọc bài “Lập học chiếu” (Chiếu chỉ thành lập trường học) của Ngô Thời Nhậm vẫn nóng lên như những dòng thời sự.

  • HỒ THẾ HÀVới điểm nhìn ngược chiều từ khởi đầu thế kỷ XXI (2006) hướng về cội nguồn khai sinh vùng đất Thuận Hoá - Phú Xuân - Huế (1306), chúng ta thấy vùng đất này đã có 700 lịch sử thăng trầm, vinh quang và bi tráng.

  • NGUYỄN ĐỨC TÙNGVô thức là những hoạt động tinh thần mà chúng ta không thể nhận thức ra được. Trong tác phẩm nổi tiếng của mình, Diễn dịch các giấc mơ, Freud lần đầu tiên đề nghị khái niệm vô thức (unconscious) để phân biệt với ý thức (conscious) và tiềm thức (preconscious), sau này gọi là lý thuyết topo.

  • VĂN CÔNG HÙNGKính thưa quý vị, tôi phải xin phép nói ngay là những phát biểu của tôi vô cùng cảm tính và chả có một hệ thống gì hết, trong khi trước mặt tôi đây đều là những người lừng danh về cảm nhận, nhận xét, đúc kết, rất giỏi tìm ra những vấn đề, những quy luật của thơ.

  • TRẦN HOÀI ANH1. Có thể nói yêu cầu đổi mới của các thể loại văn học là một yêu cầu tất yếu trong đời sống văn học. Tính tất yếu nầy luôn đặt cho văn học một hành trình cách mạng. Cách mạng trong đời sống văn học và cách mạng trong bản thân từng thể loại văn học.

  • THÁI PHAN VÀNG ANHTừ sau 1986, sự đổi mới tư duy nghệ thuật, sự mở rộng phạm trù thẩm mĩ trong văn học khiến truyện ngắn không những đa dạng về đề tài, phong phú về nội dung mà còn có nhiều thể nghiệm, cách tân về thi pháp. Mỗi nhà văn đều lí giải cuộc sống từ một góc nhìn riêng, với những cách xử lí ngôn ngữ riêng. Hệ quả tất yếu là truyện ngắn Việt đương đại đã gặt hái được nhiều thành công trên nhiều phương diện, trong đó không thể không kể đến ngôn ngữ trần thuật.

  • TRẦN HOÀI ANH              1. Phân tâm học là lý thuyết có nguồn gốc từ y học, do S.Freud (1856-1939) một bác sĩ người Áo gốc Do Thái sáng lập. Đây là học thuyết không chỉ được áp dụng trong lĩnh vực y học mà còn được vận dụng trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội trong đó có lĩnh vực nghệ thuật.

  • NGUYỄN DƯƠNG CÔN   Từ lâu, Bản thể con người đã trở thành vấn đề cơ bản và sâu sắc nhất của mối quan hệ giữa văn học với hiện thực. Trong mối quan hệ đó, hiện thực với tư cách là đối tượng khám phá và trình diễn của văn học không còn và không phải chỉ là hiện thực cuộc sống như là dành cho các khoa học nhân văn và các nghệ thuật khác nữa.