Sứ mệnh của sóng

14:37 31/03/2025
Vy đi dọc bờ biển trong vô thức. Biển đêm vắng lặng, trái ngược với không khí náo nhiệt ban ngày.

Biển đêm không đen ngòm như cô vẫn nghĩ mà sáng mờ mờ lấp lánh như lân tinh. Tiếng ầm ì, rầm rì quen thuộc như ru, như vỗ về Vy. Sóng biển lúc chờm lên chân cô mát lạnh, trơn mềm, nũng nịu, trêu đùa, lúc lại lùi ra tít xa để mặc cô thiết tha ngóng đợi.

Đi một mình ngoài bờ biển giữa đêm khuya mà Vy không hề thấy sợ. Trong cô lúc này trống rỗng, không tồn tại điều gọi là “sợ”. Sợ là khi người ta còn tha thiết muốn nắm giữ một điều gì đó, lo nó biến mất, lo nó bị tổn thương, nhưng cô bây giờ không còn biết mình muốn gì, cần gì. Tất cả đều mông lung, vô định, như những con sóng dưới chân cô, cứ mải miết lao vào bờ mà không biết để làm gì.

Hai công ty may mặc của Vy đang thua lỗ nặng. Vận dụng hết khả năng, tất cả các mối quan hệ, cô giành được hai đơn hàng xuất khẩu áo sơ mi và quần âu lớn. Cô chơi tất tay, vay ngân hàng, bán căn biệt thự gia đình mình đang ở, dọn đến một căn hộ chung cư nhỏ để lấy tiền đầu tư vào hai đơn hàng đó. Chồng cô không phản đối, hàng ngày vẫn lặng lẽ giúp cô đưa đón con đi học và đến cơ quan của mình. Nhưng cô biết sự lặng lẽ đó là phút đứng gió trước khi cơn bão lớn gào thét đổ bộ. Lâu nay việc cô năng nổ, mạnh bạo đầu tư kinh doanh bỏ bê gia đình, con cái khiến anh không mấy hài lòng. Cô biết, nhưng cô như mũi tên đã rời khỏi dây cung, không phải muốn dừng là dừng. Bao nhiêu con người đang phụ thuộc vào cô, bao nhiêu trách nhiệm đang đè nặng trên vai cô. Anh càng tỏ ra khó chịu cô lại càng muốn chứng tỏ mình. Cô muốn nhanh chóng có câu trả lời với chồng. Cô quyết tâm chơi lớn trận này bằng mọi giá. Vậy mà sáng nay, cùng một lúc, một đơn hàng bị hủy, một đơn hàng bị trả lại. Thêm tin báo thanh tra thuế và bảo hiểm xã hội sẽ đến làm việc với hai công ty trong tháng này giáng tiếp cho cô một đòn chí mạng. Hai đơn hàng đó là niềm hy vọng để cô có tiền trả nợ lương công nhân và tiền thưởng Tết cho họ. Họ và cô đều đang rất háo hức mong chờ. Không khí sản xuất nhộn nhịp suốt cả tháng nay của hai công ty khiến ai cũng phấn chấn, hào hứng. Rồi đùng một cái các bức thư điện tử dồn dập đổ về hòm thư của cô. Vy đã ngồi lặng trong căn phòng tắt điện tối om dành riêng cho mình ở một trong hai công ty. Mắt cô mở to nhìn vào bóng tối như cố tìm kiếm trong đó một con đường để đi. Cô chỉ ước giá như mình bước vào trong đó và vĩnh viễn biến mất thì hay biết mấy.

Không biết Vy đã ngồi trong bóng tối bao lâu, chỉ biết sau khi ra khỏi văn phòng, khép hờ cánh cửa, tiến về phía khu vực sản xuất, trông cô vẫn thật tươi trẻ, tự tin và tràn đầy năng lượng. Cô mỉm cười với mấy chị em công nhân, hùa cùng họ trêu chọc một cô bé sắp trở thành cô dâu vào cuối năm nay, nói mấy câu khích lệ tinh thần làm việc của cả công ty. Cô chưa hề nhắc gì đến sự cố lớn kia cũng như chưa bắt lỗi bất cứ ai, bất cứ khâu nào.

Nhớ đến bóng tối trong phòng làm việc của mình, Vy nhìn ra phía xa xa. Mặt biển mờ mờ, lấp lánh, dập dềnh như có hàng ngàn con đom đóm bay chấp chới. Có âm thanh gì đó như tiếng lao xao, thầm thì. Vy lắng tai nghe, tiếng hát quyến rũ của các nàng tiên cá trong truyền thuyết ư? Sao nghe kỳ lạ và mời gọi thế nhỉ. Cô dừng chân, không bước dọc bờ biển nữa mà bước vuông góc, lấn dần xuống làn nước. Nước biển rất ấm, vuốt ve, mơn trớn bắp chân cô. Vài đốm sáng dập dềnh như dải lụa chờn vờn trước mắt cô, chỉ cách một sải tay. Cô tiến về phía trước theo dải lụa lấp lánh đó, nó lập tức trườn ra xa cô hơn một chút. Cứ như thế, cô đuổi theo dải lụa sáng, nước dâng lên đến thắt lưng, rồi đến ngực cô. Tiếng thầm thì càng lúc càng thôi thúc cô hơn. Vy như thể nghe được giọng nói nhẹ nhàng, mời gọi: “Hãy đến đây!”, “Hãy đến đây!” Cô tiến bước. Nước dâng lên đến cổ, lúc này cô mới nhận ra, tiếng nói ấy phát ra từ trong đầu mình, chứ không phải của biển, từ biển. Vy bàng hoàng, vụt tỉnh táo trở lại. Cô đâu có muốn chết. Cô còn bao nhiêu việc phải làm. Còn bao nhiêu con người đang chờ đợi cô. Bố mẹ, chồng, con cái… Cô quẫy đạp, nhưng chân không còn chạm vào cát nữa rồi. Chới với, hẫng hụt, hoảng loạn. Sao lúc này cô thấy mình giống như đang đi vào bóng tối, đúng như cô mơ ước lúc ngồi trong phòng làm việc, nhưng sao nó không êm đềm, tĩnh lặng mà lại cuồng loạn, hỗn độn, bập bễnh như thế này. Cô chìm dần vào trạng thái vô thức.

*

Trời vẫn còn tối ông lão ngư dân đã kéo chiếc thuyền thúng lên sát mép nước. Không còn được nước nâng đỡ, chiếc thuyền trì xuống như con trâu mệt mỏi sau khi cày xong thửa ruộng, đình công không chịu bước tiếp. Ông dừng lại nghỉ lấy sức. Một lát nữa dân buôn sẽ tấp nập ghé đến lấy hàng, ông cũng không cần đi đâu xa. Gia cảnh nghèo khó neo người, ông chỉ mưu sinh bằng chiếc thuyền thúng này. Hải sản thu được ngày càng ít đi do các thuyền lớn, tàu lớn ở xa bờ thu hút hết. Mấy đứa cháu thì đang tuổi ăn tuổi lớn. Càng ngày gánh nặng mưu sinh càng đè nặng lên đôi vai ông, khiến cái thuyền thúng của ông như muốn bục ra. Ông cũng ước có một con thuyền đánh cá thực sự để ra khơi. Sức khỏe của ông vẫn cho phép điều đó. Cơ thể của ông vẫn rắn rỏi, cơ bắp và dai sức lắm. Nhưng cứ thu hoạch lẹt đẹt như thế này thì mơ ước đó càng ngày càng xa vời.

Đang chỉnh chiếc đèn pin trên đầu để chuẩn bị phân loại các chiến lợi phẩm trước khi dân buôn đến, vô tình người ngư dân lia đèn ra xung quanh, chợt thấy bên hòn đá trơn nhẫy nằm chơ vơ ven bờ biển có đám gì đó trăng trắng dập dờn. Ông giật mình, xác người chết dạt vào bờ chăng? Ôi, nếu vậy thì buổi chợ sáng nay sẽ ầm ĩ lắm, nguy cơ hàng bị ế rất cao. Hay kệ, coi như không nhìn thấy. Để đến khi trời sáng rõ người khác sẽ phát hiện ra và giải quyết. Lúc đó hàng cũng đã bán xong rồi. Không được. Nếu là xác chết thật thì không thể để mặc như thế được. Phải tội. Ông cứ đến xem, có gì còn hô hào mọi người và báo chính quyền.

Bỏ thuyền, ông e dè tiến lại cái bóng trắng dập dềnh. Một hình dáng phụ nữ còn khá trẻ ẩn hiện dưới tấm váy trắng dài. Sóng biển vẫn tiếp tục xô lên người cô gái từng đợt. Khuôn mặt cô trắng nhợt nhưng biểu hiện vẫn còn sống, chỉ như đang gối đầu lên tảng đá ngủ. Ông vội sà xuống lay gọi, người phụ nữ vật ngửa đầu ra trên tay ông, vẫn mê man, hơi thở thoi thóp. Ông vực cô gái dậy, vác lên vai, vừa chạy vừa rung lắc cho đến khi vào sâu trong đất liền, chỗ hàng cây phi lao. Dòng nước từ miệng, từ người cô chảy ra ướt đẫm lưng và bắp chân ông. Cô gái vẫn im lìm, rã rượi, mềm oặt trên vai ông. Đặt cô gái xuống đất, ông quay lại thuyền thúng lấy chai nước ngọt, tưới lên mặt cô. Cô gái khẽ rùng mình, lắc lắc đầu và mở mắt, bàng hoàng nhìn ông rồi nhìn xung quanh, tay túm vội vạt váy trắng mỏng manh hòng che kín cơ thể. Ông thở phào như trút được gánh nặng.

*

Vy chăm chăm nhìn người đàn ông đang đứng lù lù, sừng sững với cái đèn pin sáng lóa trước mặt một lát để định hình lại sự việc. Cô vẫn còn sống. Mặt biển mênh mông ẩn hiện trước mắt. Tiếng sóng ầm ì quen thuộc. Mặt cát ẩm mát lạnh vẫn xuyên qua tấm váy ướt thẩm thấu vào da thịt cô. Gió thổi khiến ngọn phi lao vi vút, xào xạc khe khẽ, mùi vị không khí mặn mòi, tanh tanh đặc trưng của miền biển… Tất cả đều là thật. Nhận thấy ánh mắt của người đàn ông lớn tuổi trước mặt đầy sự ấm áp, lo lắng, quan tâm, không có vẻ gì đe dọa, bản thân cũng không bị xây xát, đau đớn gì, cô biết mình đã an toàn, cô thở hắt ra rồi lí nhí cảm ơn người đàn ông lạ.

Người đàn ông đưa chai nước ngọt cho cô uống. Lúc này cô mới nhận ra cổ họng, ruột gan mình như đang có bàn tay thò vào cào xé. Hẳn cô đã uống không ít nước biển. Người đàn ông rất có kinh nghiệm cứu người, hiểu được tình trạng của cô. Cô thầm biết ơn ông già ấy rất nhiều.

Thấy cô còn mệt mỏi, người đàn ông không hỏi gì nhiều, chỉ dọn cho cô một chỗ nằm tương đối thoải mái rồi dặn cô ngồi yên ở đây, không được đi đâu, ông ra bán hết chỗ cá đánh bắt được xong sẽ quay lại. Cô lặng lẽ gật đầu. Cô nghĩ mình đã chết, không ngờ vẫn còn sống nhăn, bây giờ mọi việc tiếp theo như thế nào có quan trọng gì nữa đâu. Cô cứ buông xuôi theo số phận.

Trên bờ biển đã lác đác người, tiếng nói lao xao. Người đàn ông vội lao ra mép biển, chỗ hiện giờ đã có rất nhiều thuyền thúng và thuyền lớn nhỏ ghé vào. Hóa ra Vy đã đi bộ khá xa khỏi khách sạn của mình, tiến vào khu vực làng chài lúc nào không hay và giờ là lúc chợ cá diễn ra sôi nổi. Tiếng mặc cả, tranh giành chao chát, nằng nặng xôn xao. Một số lái buôn đã lấy đủ hàng cần thiết thì tranh thủ sơ chế, phân loại ngay tại chỗ. Thùng xốp, thùng tôn, giành sọt, xô chậu xếp thành từng chồng, lần lượt được xe tải, xe ba gác, xe máy hoặc quang sọt gánh bộ lần lượt đưa đi. Ánh đèn pin trên đầu của ngư dân, của lái buôn nhấp nháy, sáng rực cả một vùng. Thì ra thứ cô thấy mờ mờ, lấp lánh trên mặt biển phía xa xa đêm qua chính là ánh đèn đi đánh bắt hải sản của ngư dân. Vậy mà cô cứ nghĩ có điều gì huyền bí phía xa ấy. Một thế giới cổ tích, một vùng đất trong mơ nào đó. Nơi đó sẽ không còn lo toan, buồn phiền, không còn trách nhiệm nặng nề. Và cô đã vô thức hướng về phía đó.

Một lúc sau người đàn ông quay lại, mệt mỏi kéo lê theo chiếc thuyền thúng của mình. Dưới ánh nắng buổi sáng, nước da đen trũi của ông ta ánh lên như có hàng vạn mảnh gương nhỏ li ti gắn vào. Vy rướn người lên nhìn, trong thuyền, phía trên lớp lưới bùng nhùng vẫn còn một số cá to, tươi ngon. Cô ngạc nhiên, sao ông ta không bán hết, hay là bị ế? Nhưng chợ vẫn đang náo nhiệt thế kia cơ mà. Ngạc nhiên nhưng cô không dám hỏi, chỉ lặng thinh nhìn.

Lúc này người đàn ông mới ngồi bệt xuống cát nghỉ ngơi bên cạnh Vy. Ông ôn tồn hỏi cô tên gì, ở đâu đến, bây giờ muốn đi đâu. Không nhắc gì đến chuyện cô bị đuối nước. Cô kể sơ qua tình hình của mình và nói tên khách sạn mình đang nghỉ. Người đàn ông lắng nghe, trầm ngâm một lúc rồi chậm rãi đánh giá tình hình: Hiện tại cô còn khá yếu ớt, không tiện tự di chuyển xa, giao cho người khác chở cô về khách sạn thì ông không yên tâm, tự chở cô về thì ông không có phương tiện. Vả lại mấy đứa cháu đang ngóng ông về. Cuối cùng ông đề nghị:

- Nếu cô không chê thì mời cô về nhà ông cháu tôi nghỉ ngơi cho lại sức rồi trở về khách sạn. Nhà tôi cũng gần đây thôi.

Vy ngạc nhiên ngước mắt nhìn ông già. Một ngư dân hoàn toàn xa lạ mà lại quan tâm đến cô một cách nhiệt tình, chân thành và tràn đầy trách nhiệm như thế. Trông ông không có vẻ gì là muốn lợi dụng tình cảnh yếu đuối của cô để làm điều xấu. Ánh mắt của ông ấm áp, cương trực. Vy nghĩ, nếu như trong đêm qua sóng không đánh dạt cô vào bờ thì giờ này cô đã làm mồi cho tôm cá, có còn nữa đâu mà sợ mất mát với cân nhắc điều hơn lẽ thiệt. Thôi cứ đi theo ông ta. Vả lại chính ông ta đã cứu cô sống lại mà. Cô gật đầu đồng ý một cách yếu ớt.

Xách xâu cá quàng lên vai rồi kéo chiếc thuyền thúng cùng mớ lưới vào sát gốc phi lao, ông già xốc nách cô lên dìu đi. Chân cô bước trên cát mà như bước trên thảm bông bồng bềnh, bập bõm. Nếu không có ông già đỡ thì cô không thể đứng lên được chứ đừng nói tự bước đi. Một phụ nữ từng bươn chải, xông xáo đàm phán, thương thảo khắp các thương trường mà giờ yếu ớt như con cua lột như thế này đây. Cô buồn rầu nghĩ.

Đúng là căn nhà của ông cũng gần thật, cô chập chững bước đi một lát đã thấy tới. Đó là một căn nhà cũ nát được dựng bằng những miếng tôn ghép tạp nham, lởm khởm, vá víu. Có những mảng tường, mái được buộc thêm những tấm xốp để che lỗ thủng. Căn nhà chỉ tầm mười lăm, hai mươi mét vuông. San sát xung quanh là những căn nhà tương tự. Nhìn tổng thể chúng toát lên vẻ tạm bợ, nghèo nàn. Sâu trong đất liền hơn một chút, phía sau con đê biển là những ngôi nhà được xây bằng gạch, bê tông mới tinh đẹp đẽ. Người đàn ông bảo, đó cũng là dân làng chài nhưng đời sống sung túc hơn, họ mua được đất, xây được nhà kiên cố. Những nhà đó đa phần là có tàu thuyền lớn, đi biển dài ngày, đánh bắt được cá to và các hải sản cao cấp khác, bán được nhiều tiền.

Ba đứa trẻ sàn sàn bằng nhau lao ra đón ông. Tiếng gọi “Ông nội…” dừng lại nửa chừng. Chúng tròn mắt nhìn người phụ nữ lả lướt, rũ rượi bên cạnh ông của mình. Một vài nhà xung quanh cũng tò mò hé cửa ra quan sát. Ông già trao xâu cá cho lũ trẻ rồi dìu cô vào trong nhà. Dẹp hết mớ chăn chiếu lộn xộn trên cái sạp tồi tàn, ông đỡ cô ngồi xuống, rồi xoa xoa hai bàn tay vào nhau tỏ vẻ ngại ngùng với cô trước gia cảnh bần hàn. Cô mỉm cười méo mó an ủi ông.

Ông già cầm xâu cá, quay ra ngoài. Lũ trẻ xúm lại xung quanh cô, đứa tò mò sờ chiếc vòng cổ, đứa lại lồng ngón tay vào chiếc vòng tay xoay qua xoay lại, đứa xoa xoa mặt viên đá hình con tỳ hưu của chiếc nhẫn đầy vẻ tò mò, háo hức. Đây là những thứ duy nhất còn lại trên người cô lúc này. Giữa một đám trẻ làng chài nheo nhóc, rách rưới và căn nhà xập xệ, cô dù đang trong tình trạng rất bê bết nhưng vẫn nổi bật lên như cô tiên trong truyện cổ tích. Chắc trong suy nghĩ của bọn trẻ hiện giờ là như thế. Chúng ngắm nghía cô, thò tay khẽ chạm vào người cô, rúc rích cười và xuýt xoa, bàn tán. Cô mỉm cười xoa đầu chúng. Một cử chỉ thật đơn giản mà đối với cô lúc này lại cực kỳ khó khăn. Toàn thân như không muốn tuân theo sự chỉ đạo của cô. Bây giờ cô mới hiểu cụm từ “người đi mượn” là như thế nào.

Người đàn ông quay trở vào nhà, trên tay là chiếc mâm nhôm méo mó với cái nồi đen sì nằm chình ình giữa mâm, bát nước mắm màu cánh gián đậm cùng 5 cái bát, 5 đôi đũa. Ông gọi một trong những đứa cháu ra bê nồi cơm vào. Nồi cơm to vật vã và cũng đen ngòm như cái nồi kia. Mâm cơm được đặt trên một mảnh bìa carton. Tất cả ngồi xổm quây quần xung quanh. Trong chiếc nồi ở giữa mâm đầy săm sắp đến miệng chỉ toàn cá là cá. Bữa ăn chỉ có vậy, không có rau, không có thịt. Vy chật vật ngồi xuống. Chiếc váy trắng tinh của cô giờ đã nhuốm màu cháo lòng nên cô cũng không do dự mà ngồi bệt luôn xuống nền đất, đó là tư thế dễ chịu nhất của cô lúc này. Ngửi mùi cá nấu chín thơm phức cô nhận ra rằng mình đang rất đói. Từ sáng hôm qua đến giờ cô chưa có cái gì vào bụng. Ông già hướng dẫn cô lấy cá và chấm vào bát nước mắm. Cô làm theo và lập tức cảm thấy rụng rời tay chân. Trời ơi, nó ngon và ngọt một cách kỳ lạ. Thịt cá tươi và rắn chắc, không có mùi tanh. Vị nước mắm đậm đà, ngọt hậu và thơm chứ không mặn gắt và nặng mùi như những nước mắm cô từng ăn. Đời cô từng thưởng thức rất nhiều hải sản cao cấp mà chưa từng thấy loại nào ngon như thế này. Ông già nhìn cô ăn cứ cười tủm tỉm. Cô ăn như kẻ bị giam giữ và đói khát lâu ngày, khiến ông già phải ngăn lại, sợ cô bị bội thực. Quên hết cả rụt rè, e ngại, cô nói:

- Tôi chưa từng ăn sơn hào hải vị nào ngon như bữa cơm hôm nay.

Ông già ôn tồn giải thích:

- Ngon, thứ nhất là do cô đói. Thứ hai là do nó tươi. Các cô đi ăn hải sản, kể cả hải sản cao cấp, hải sản đang bơi thì cũng không thể nào có được cái hương vị của hải sản vừa đưa từ biển lên như thế này. Thứ ba là do cách chế biến, hải sản càng chế biến đơn giản càng tốt, càng giữ được chất và hương vị nguyên thủy của nó. Dân đi biển chúng tôi còn lấy nguyên con cá vừa kéo lên khỏi mặt biển, không động dao thớt, luộc ngay trên thuyền với nước lọc, một ít muối và nước mắm cốt. Ăn như thế mới gọi là mỹ vị nhân gian. Hy vọng sẽ có lần cô được thưởng thức kiểu ăn như vậy.

Cô mỉm cười gật đầu. Cơn đói và mệt qua đi, cô hỏi thăm gia cảnh của ông già. Ông cho biết ba đứa trẻ lần lượt là tám, bảy và năm tuổi, đều chưa được đi học. Mẹ chúng nó không chịu nổi cảnh nghèo khó chật chội đã bỏ nhà ra đi khi đứa út mới lên hai tuổi. Bố chúng nó theo tàu cá lớn đi đánh cá ngoài khơi xa, nửa tháng, một tháng mới về nhà một lần. Ông đi thuyền thúng đánh bắt gần bờ đặng còn trông coi, chăm sóc các cháu.

Nghe ông lão rủ rỉ và ngắm nhìn bốn ông cháu chăm lo cho nhau, cô chạnh lòng nhớ đến hai đứa con của mình. Bố chúng nó chăm chúng nhiều hơn cô nên chúng cũng quấn quýt, gần gũi với bố hơn cô. Vắng cô cũng không thành vấn đề. Nhưng nghĩ đến cảnh con cái mình thiếu đi người mẹ, như những đứa trẻ kia, cô không cầm nổi nước mắt. Đây là lần đầu tiên cô nghĩ đến điều đó. Lâu nay cô chỉ có công việc và công việc. Các cuộc điện thoại, các đơn hàng, các kế hoạch sản xuất, những chuyến công tác cuốn cô đi, khiến cho cô không còn thời gian, tâm trí nào nghĩ đến những thứ khác nữa.

Ăn xong bữa sáng Vy ngủ li bì, mê mệt. Lúc cô tỉnh lại đã là buổi chiều. Nhà vắng tanh vắng ngắt. Cô không biết ông cháu họ đi đâu. Cô đi đi lại lại trong nhà. Thấy mình thật thừa thãi. Rồi cô gấp cái chăn, dọn lại cái sạp. Nhìn quanh nhà, mãi cô mới tìm được một cái chổi cùn. Cô lóng ngóng, nhận ra lâu lắm rồi mình không cầm chổi, không biết chĩa cái đầu nhọn ra ngoài hay quay vào trong mới là tư thế cầm chổi đúng. Cô nhớ hồi bé đã được bố dạy cách cầm chổi, nhưng giờ quên tiệt rồi. Mà thôi cầm thế nào chả được, miễn quét được là được. Cô lùa chổi khắp nhà, moi ra khá nhiều rác lưu cữu lâu năm. Nhà toàn đàn ông thì chỉ thế thôi. Khua khoắng, sắp đặt một lúc, cô thấy khá hài lòng. Căn nhà đã gọn ghẽ, sáng sủa, sạch sẽ hơn rất nhiều. Nghĩ đến mấy cái nồi đen kịt, cô không nề hà chiếc váy trắng, lôi hết đi rửa. Lấy cát và xà phòng, cô chà xát thật kỹ. Nhưng dù cô có bị xước mất bộ móng tay dài sơn gel đắp bột thì nó cũng chỉ lộ ra được vài mảng nhôm trắng. Nhưng ít nhất trông chúng cũng sạch sẽ hơn trước.

Trời nhập nhoạng tối thì mấy ông cháu về nhà. Trên tay ông già là xâu ghẹ và mớ rau xanh. Mấy ông cháu nhìn quanh nhà tỏ ý ngạc nhiên và sung sướng như thể vừa có cô tiên hiện ra dọn dẹp nhà cửa giúp họ. Nhưng cô tiên ấy không biết nấu ăn, nên không có mâm cơm nào dọn sẵn chờ họ cả, giờ họ phải bắt tay vào nấu để còn kịp bữa tối. Vừa nấu ông già vừa giải thích. Bốn ông cháu đi vá lưới cho thuyền nhà và vá lưới thuê cho các thuyền khác để chuẩn bị cho chuyến đánh cá đêm nay. Đó là công việc thường ngày của họ. Ngày nào cũng như ngày nào. Cứ nửa đêm là ông thức dậy đi biển. Vậy nên, nếu sáng mai dậy cô không thấy ông thì cũng đừng ngạc nhiên. Cô cứ tự nhiên như ở nhà mình.

Bữa tối cũng diễn ra như bữa sáng, khác là có thêm rau xanh. Cô lại thầm cảm ơn người đàn ông xa lạ mà thấu hiểu những mong ước kín đáo của mình. Cơm nước xong xuôi thì mọi người rục rịch đi ngủ. Ở xóm chài chả có gì để giải trí nên ăn cơm xong là mọi người đi ngủ. Vả lại phải đi ngủ sớm để ông còn có sức đi biển lúc nửa đêm. Ông già và lũ trẻ con nhường cô cái sạp mặc dù cô ra sức từ chối. Ông nghiêm khắc bảo cô đang còn yếu, không thể ngủ dưới đất được. Ông và lũ trẻ ngủ như vậy quen rồi. Dân biển rất khỏe và dai sức, quen ngủ sóng ngủ gió, trên thuyền trên tàu rung lắc, chao đảo, vì vậy không có bệnh tật, thời tiết nào hạ gục được họ. Cô không quen, gặp hơi đất, người đang yếu ớt, dễ ốm nặng. Không biết nói gì hơn, cô đành vâng lời ông. Cô nằm trằn trọc mãi. Không biết là do đi ngủ quá sớm hay do ban ngày đã ngủ quá nhiều. Một lúc sau thì thấy bé út lò dò leo lên sạp, chui vào chăn. Cô ôm nó vào lòng vỗ về và dần chìm vào giấc ngủ ngon lành.

Lúc cô tỉnh dậy đã thấy ông già đang lụi cụi nấu nướng bên ngoài căn nhà. Như vậy có nghĩa là ông đã đi biển về, đã bán hết chỗ hải sản đánh bắt được trong đêm. Cô cứ nghĩ mình là người vất vả, luôn tất tả ngược xuôi khắp trong Nam ngoài Bắc, nhưng nhìn ông cô mới thấy, sự vất vả của cô không là gì so với những người dân làng chài. Cuộc sống của họ là một vòng quay chính xác như một chiếc đồng hồ, không được chệch một nhịp nào. Không những thế họ còn phải làm việc vào thời gian cơ thể con người cần phải nghỉ ngơi nhất để tái tạo sức lao động. Làm việc trong môi trường sóng gió dập dềnh, hứng mưa, hứng gió biển, ngâm trong nước mặn quanh năm ngày tháng, không một phút giây ngơi nghỉ, chạy đua với thời gian và bóng tối. Ấy vậy mà quanh năm suốt tháng cũng chỉ đủ ăn, không dám hi vọng có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Họ vừa ăn sáng xong thì có tiếng loa phóng thanh ồn ào, dồn dập thúc giục. Tiếng hò hét gọi nhau, tiếng bước chân chạy rầm rập, tiếng búa gõ chan chát, tiếng mái chèo gõ vào mạn thuyền lốc cốc... Ông già bảo cô cứ ở trong nhà với đứa cháu út, ông cùng các cháu lớn đi chằng néo thuyền chống bão với ngư dân. Cơn bão lớn sẽ đổ bộ trong vài ngày tới. Nói xong ông và hai đứa cháu lớn nháo nhào chạy vội đi. Cô ôm đứa bé út vào lòng, xoa mái đầu tóc tai lòa xòa vón cục lại do ngấm nước biển, ít được gội bằng nước ngọt của nó. Tối qua cô xoa lưng, gãi lưng cho nó ngủ nên giờ hai cô cháu đã rất thân tình. Ánh mắt nó ngắm nhìn cô trong veo, tha thiết, âu yếm và sung sướng lạ lùng. Cô vội quay đi giấu giọt nước mắt của mình. Giờ này đáng lẽ ra nó phải đang hát múa, tập tô, tập vẽ, vui chơi ở trường mẫu giáo chứ không phải thui thủi trong xó lều như thế này.

Tầm gần trưa thì ba ông cháu trở về nhà. Trông họ đầy vẻ mệt mỏi, lo lắng. Ông già nói, vậy là sẽ cấm biển ít nhất một tuần. Căn nhà này không biết có trụ được qua cơn bão không. Nghe nói cơn bão này mạnh nhất từ trước đến nay. Sau bão sẽ là những cơn mưa tầm tã kéo dài nhiều ngày. Không biết rồi đây sẽ ra sao. Con trai ông không biết có kịp vào bờ trước khi cơn bão về hay không. Nhà nước đã thông tin trên các phương tiện truyền thông cho các tàu bè trên biển. Lòng ông như có lửa đốt. Những người đi đánh bắt xa bờ, giữa muôn trùng sóng gió, sự sống như ngàn cân treo sợi tóc. Một lần nó trở về là cả nhà lại một lần mừng.

Cô rụt rè hỏi ông, sao cuộc sống ngư dân vất vả, nguy hiểm như vậy mà họ không vào đất liền tìm việc khác, đỡ khổ cực, lại có nơi ở an toàn hơn. Ông nhìn cô bằng đôi mắt thăm thẳm rồi nhẹ nhàng trả lời. Đó là sứ mệnh của người ngư dân chúng tôi. Đó là cuộc sống chúng tôi đã chọn. Chúng tôi sinh ra trên biển và sẽ chết đi trên biển. Chúng tôi bám biển và ra khơi, đời ông, đời cha rồi đến đời cháu, như một quy luật bất di bất dịch. Ngàn năm trước đã vậy và ngàn năm sau vẫn vậy. Nó đã ngấm vào máu bao thế hệ người ngư dân. Chúng tôi sinh ra là để đánh bắt cá. Như con chim đại bàng, sinh ra là để bay lượn trên bầu trời, hay những con sóng sinh ra là để vỗ vào bờ, không có lựa chọn khác. Thuyền chìm thì cố gắng bơi về đất liền hoặc tìm cách bám trụ cho đến khi được cứu. Miễn là còn sống trở về thì chỉ sau đó vài hôm lại tức tốc ra khơi như chưa có chuyện gì xảy ra. Căn nhà này bị thổi bay thì lại dựng căn nhà khác chứ quyết không rời biển.

Vy như bừng tỉnh. Con chim đại bàng sinh ra là để bay lượn, làm chủ bầu trời. Con sóng sinh ra là để miệt mài vỗ vào bờ. Một nữ doanh nhân như cô sinh ra là để chiến đấu trên thương trường. Vậy mà cô lại có ý định buông xuôi, trốn tránh. Anh con trai của ông già kia cùng bao người ngư dân khác, giữa muôn trùng sóng gió vẫn cố gắng giữ sinh mạng để trở về bên gia đình. Vậy mà cô lại định bỏ đi cái sinh mạng với bao nhiêu vai trò, trách nhiệm của mình. Chỉ cần còn sống, còn giữ được sinh mạng thì không gì là không thể làm được. Cô là một nữ cường nhân của ngành may mặc cơ mà. Bao nhiêu thành tích, bao giải thưởng, danh hiệu trong quá khứ. Cô phải tiếp tục chiến đấu. Cô sẽ đón sóng, đương đầu với sóng chứ không né sóng. Nghĩ vậy, Vy quyết tâm trở về khách sạn ngay bây giờ.

Ông già lo lắng đề nghị, có thể chiều tối nay hoặc sáng sớm mai con trai ông sẽ trở về. Cô cố gắng chờ đến lúc đó con trai ông sẽ mượn xe máy chở cô về khách sạn. Vy tươi cười bảo ông cứ yên tâm, cô sẽ có cách về khách sạn an toàn. Không gì có thể làm khó được cô. Con trai ông về còn có rất nhiều việc phải làm: gia cố căn nhà, thuyền bè, chuẩn bị lương thực thực phẩm chống bão… Cô hy vọng cơn bão chỉ lướt qua mà không để lại hậu quả nghiêm trọng cho làng chài và gia đình ông già. Vy để lại toàn bộ số trang sức trên người cho bốn ông cháu mặc dù ông già cương quyết từ chối. Tạm thời lúc này cô chỉ có thể làm được như thế cho họ. Cô lưu luyến chia tay họ và hẹn ngày gặp lại. Bé út ôm chân cô khóc thút thít mãi mới chịu buông ra.

*

Bước ra khỏi căn nhà. Trước mắt cô mặt biển lặng lẽ hiền hòa trong cái nắng chói chang buổi ban trưa. Từng mảng thuyền lớn neo chặt lại đứng san sát, im lìm bên nhau. Từng chiếc thuyền thúng được lật úp lại lô nhô như những mu rùa với đủ sắc màu. Những lá cờ đỏ chói uốn lượn nhè nhẹ trong làn gió hiu hiu. Những con mắt thuyền dõi theo cô đầy vẻ tha thiết, níu kéo. Những con sóng vẫn miệt mài tiến vào bờ, như hàng triệu năm qua vẫn vậy. Cảnh sắc thật rực rỡ, nên thơ và thanh bình. Nhưng đó chỉ là phút lặng gió trước cơn bão lớn. Cô hiểu như vậy.

Cô đã quyết định con đường phía trước của mình. Rồi đây, ông lão và con trai của ông sẽ có một con thuyền chắc chắn để ra khơi xa, họ sẽ đánh bắt được những con cá lớn và hải sản quý giá, cô sẽ có cơ hội để thưởng thức món cá luộc nước mắm cốt ngay trên thuyền. Mấy đứa trẻ sẽ được đến trường. Khu dân cư kiên cố phía sau đê biển sẽ mọc lên một căn nhà mới. Căn nhà bê tông, gạch ngói kiên cố của năm bố con ông cháu ngư dân.

N.T.P.L
(TCSH433/03-2025)

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Tin nổi bật

  • NGUYỄN NGỌC LỢI

  • VŨ NGỌC GIAO

    Bến Lỡ heo hút vắng. Hơn một tuần rồi xóm chài không ai ra bến. Họ tất bật dọn dẹp, sửa soạn cho Lễ hội cầu ngư. Ghe thuyền úp la liệt ngoài bãi, chẳng ai màng đến việc đi lưới hay cất rớ.

  • LÊ NHUNG

    Lúc Lưu đốn xong mớ củi, cột lại thành bó gọn gàng bằng dây mây thì mặt trời đằng xa sắp lặn vào khe núi.

  • NGUYỄN KIM HUỆ

    Những sợi tơ bị rút từ ruột cuống sen phấp phới mỏng mảnh. Những sợi dài như một đời người chờ gió lay.

  • TRU SA

    Nắng xuống là thịt da tôi gờn gợn. Tôi mê nắng nhưng sợ màu nắng, thứ màu vàng mơ của rơm rạ, đỏ ối của rượu vang và mơ màng như sương vàng khiến tôi liên tưởng đến những trang giấy.


  • NGUYỄN ANH TUẤN

  • PHẠM GIAI QUỲNH

    1.
    Mi dạt vào bờ biển khi mặt trời lặn, bốn bề loang một màu đỏ lợt, giống máu mà không phải máu, rồi lẫn dần vào dòng nước tăm tối thăm thẳm.