Rio de Janeiro - một khung trời hai sắc nắng

10:33 18/02/2011
NGUYỄN VĂN DŨNGBrasil, tuy chỉ xếp thứ năm thế giới về diện tích, thứ sáu thế giới về dân số, nhưng lại sở hữu khu rừng Amazon rộng nhất thế giới, con sông Amazon dài nhất thế giới, vũ điệu Samba nồng nàn nhất thế giới, nhiều bãi biển đẹp nhất thế giới, thứ bóng đá mê li nhất thế giới...

Thành phố Rio de Janeiro - Ảnh: internet

Đặc biệt, tuy gồ ghề thế nhưng chưa bao giờ đem quân đi xâm lược ai. Tóm lại, Brasil là một đất nước tuyệt vời. Còn Rio de Janeiro là thành phố tuyệt vời nhất trong những thành phố tuyệt vời nhất của cái đất nước tuyệt vời ấy.

Rio de Janeiro, nằm về phía Đông Nam Brasil, diện tích 1.260 km2, dân số 10 triệu người, từng là thủ đô của Brasil suốt hai thế kỷ dưới thời thuộc địa của Bồ Đào Nha. Tháng giêng năm 1501, một đoàn thám hiểm Bồ Đào Nha lần đầu đặt chân lên vùng đất này; tưởng vịnh Guanabara là cửa của một con sông lớn, thuyền trưởng Gaspar de Lemos liền ghi vào bản đồ tên vùng đất mới: Rio de Janeiro, có nghĩa là “Dòng sông tháng Giêng”. Rio de Janeiro còn có biệt danh Cidade Maravilhosa - thành phố diệu kỳ.

Bức tượng Chúa cứu thế Christ Redempteur


Cũng như tượng Nữ thần Tự do của New York hay tháp Eiffel của Paris, mọi tours du lịch ở đây đều ưu tiên hướng về biểu tượng cao quí nhất của Rio de Janeiro, đó là bức tượng Chúa cứu thế (Christ Redempteur) trên đỉnh ngọn núi Corcovado, cao 710m. Được khởi công năm 1927, tượng cao 38m, rộng 30m, bệ tượng 9,5m. Người ta nói, đây là một trong những công trình điêu khắc nghệ thuật vĩ đại nhất của nhân loại. Năm 2007, công trình được bầu chọn là một trong bảy kỳ quan thế giới. Điều thú vị là dù bất cứ đâu ở Rio de Janeiro, chỉ cần ngước mắt lên là có thể nhìn thấy lồng lộng giữa trời xanh mây trắng bức tượng Chúa cứu thế, dáng thanh thoát, đôi tay giang rộng như chào đón, như chở che. Bức tượng vì thế toát lên vẻ cao quí, và cảm thức ân sủng, yên bình.

Vượt lên hố sâu ngăn cách về chủng tộc, văn hóa, giàu nghèo, dân Brasil gắn bó thành một khối, ấy là nhờ họ có cùng niềm đam mê biển, ca hát, nhảy múa, và bóng đá. 95% dân Brasil là tín đồ Thiên Chúa giáo, nhưng với Túc Cầu giáo, tỉ lệ ấy e cao hơn. Ở Rio, trên các bãi cỏ, góc phố, bờ biển, nếu thấy có đám đông tụ tập thì y như là người ta đang chơi bóng. Kể ra dân mình cũng cuồng nhiệt lắm với bóng đá nhưng là thứ cuồng nhiệt của người xem, còn ở đây, là thứ cuồng nhiệt của người chơi. Người ta nói, dân Brasil dành trọn ngày chúa nhật cho nghi lễ hai tôn giáo hàng đầu của họ: đi nhà thờ và chơi bóng. Có dịp đến thăm Sân vận động Maracana, bạn tất sẽ nhận ra ngay điều đó.

Sân vận động Maracana


Được xây dựng dịp đăng cai World Cup 1950, Maracana là sân vận động lớn nhất thế giới, với sức chứa đến 205.000 người - sắp tới còn là nơi diễn ra trận chung kết của World Cup 2012. Tôi may mắn được một lần đến thăm Bernabeu ở thủ đô Madrid, đó cũng là một trong những sân vận động lừng danh thế giới, nhưng chỉ lớn thôi, Maracana còn thêm cả thiêng liêng. Nếu Mecca là thánh địa của Hồi giáo, Vatican là thánh địa của Thiên Chúa giáo, thì Maracana, không nghi ngờ gì nữa, chính là thánh địa của Túc Cầu giáo. Dù đã tìm hiểu qua sách báo, tôi vẫn sững sờ trước vẻ hoành tráng và thiêng liêng của vương cung thánh đường Maracana. Các cậu bé Brasil đều có cùng ước mơ được trở thành cầu thủ bóng đá, thành ngôi sao của Maracana, và được ghi bàn thắng vào lưới đối thủ trong trận chung kết của một kỳ World Cup. Tại thánh đường này, Pelé, Ronaldo, Romario, Bebeto, Zagalo... đã viên thành giấc mơ của mình, trong tương lai không biết còn bao nhiêu cậu bé khác được may mắn tiếp bước cha anh. Nhưng trước hết, tại World Cup 2012, liệu Maracana có đầm đìa nước mắt như hồi World Cup 1950, khi Brasil đã để tuột mất chiếc cúp vàng vào tay Uruguay trong một khoảnh khắc không thể bất ngờ hơn.

Núi Sugar Loaf


Sau khi đưa du khách qua nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác của Rio de Janeiro, tour “One day in Rio” kết thúc cuộc hành trình với một danh thắng độc đáo: Sugar Loaf. Sợ các bãi biển thần tiên của Rio de Janeiro đơn điệu quá chăng nên thượng đế đã điểm tô thêm ngay bên bờ vịnh Guanabara ngọn núi đá hoa cương hình búp măng như vừa chui lên từ mặt biển xanh. Bởi vì ngọn núi này xa xa trông như cục đường nên dân gian còn gọi là Núi Cục đường. Du khách lên xuống núi bằng cáp treo. Chúng tôi may mắn được đến đây vào một buổi chiều. Từ trên đỉnh Sugar Loaf, du khách có thể nhìn bao quát thành phố Rio de Janeiro đẹp như tranh. Mặt trời, sau một ngày lăn lộn với cái cõi thế nhọc nhằn, từ từ khép dần đôi cánh, rồi trút xuống trần gian thứ ánh vàng lộng lẫy; biển mênh mông nạm ngọc, đẹp đến bồi hồi. Được may mắn ngắm hoàng hôn nhiều nơi trên thế giới, nhưng tôi chưa thấy đâu hoàng hôn đẹp như ở đây. Nhờ núi chăng? Một nửa Rio de Janeiro được bao bọc bởi núi non trùng điệp. Buổi chiều, trước khi tắt hẳn, mặt trời còn kịp nhuộm tím nửa bên này, trong khi nửa bên kia biển sáng láng, lung linh. Có phải thế không mà hoàng hôn ở Rio de Janeiro mênh mông và sâu thẳm, lộng lẫy và buồn tênh. Nó đẹp và ấn tượng đến nỗi sau này có dịp ngắm hoàng hôn nhiều nơi khác, thì lòng vẫn cứ nao nao nhớ về buổi hoàng hôn ở Rio de Janeiro.

Có một nơi, mỗi lần đến Rio de Janeiro du khách vừa tò mò, vừa ngần ngại, lại vừa ham. Đó là các “khu ổ chuột”. Người Brasil gọi là favela. Tôi thích gọi là khu người nghèo. Rio de Janeiro có đến 1.000 favela - khu ít nhất vài ba ngàn cư dân, khu nhiều nhất đến sáu vạn. Mặc dù nhân viên lễ tân nhất quyết can ngăn, cuối cùng tôi vẫn tìm được tour tham quan khu người nghèo - Tour Favela Rocinha. Té ra người nghèo ở đâu cũng vậy: Nhà cửa tuềnh toàng, tối tăm, chắp vá, đông con, và những bà mẹ còm cõi, tội nghiệp. Có điều, bên Mỹ chỉ những người giàu mới ở trên núi, còn ở đây, trong lúc người giàu sống vương giả trong các ngôi biệt thự sang trọng ven bờ biển thì người nghèo kéo nhau lên các triền núi, như phô hết cái nghèo của mình cho bàn dân thiên hạ coi chơi. Có lẽ căn cơ mọi chuyện là ở đấy. Đã nghèo, thà chui rúc nơi xó xỉnh đâu đó không ai biết, cũng chẳng cần biết ai; trên đầu chỉ một khoảng trời xanh để ước mơ, một thượng đế để cầu nguyện. Đằng này, có muốn giấu cái nghèo vẫn không sao giấu được. Đã thế, ngày ngày cứ phải nhìn xuống đám nhân loại giàu sang kia: đền đài, biệt thự, xe hơi, du thuyền, dạ hội, tiệc tùng thâu đêm suốt sáng. Nghĩ cũng ức chứ. Và thế là bắt đầu cuộc tuần hoàn của tội ác: băng nhóm, ma túy, cờ bạc, trộm cướp, bắt cóc, tống tiền, chém giết... (Tháng 8 năm 2008, ông Vũ Thanh Nam - tham tán đại sứ quán Việt Nam tại Brazil bị bắt cóc bởi một trong những băng nhóm này). Sự đời, cái khó ló cái hung, nhưng đôi khi ló cả yên hùng. Các favela còn là nơi cung cấp cho đất nước Brasil những nhà chính trị lỗi lạc, những nhà kinh tế tài danh, những cầu thủ bóng đá kiệt xuất, những vũ công Samba thượng thừa... Thế mà vẫn không sao ngăn nổi miệng lưỡi người đời: “Rio de Janeiro là thành phố diệu kỳ nhất thế giới nhưng cũng là thành phố mất an ninh nhất thế giới”.

Khu ổ chuột Favela Rocinha


Nét văn hoá đáng nể của Rio de Janeiro là vẫn giữ lại gần như nguyên vẹn những con đường xưa trong khu phố cổ. Đó là những con đường xe ngựa thuở nào, bề ngang không tới ba mét, lát đá dăm, lặng lẽ ẩn mình dưới những vòm cây. Đi du lịch, tôi thích nhất được tha thẩn trên những con đường này, nghe thiên thu gọi về, nghe sỏi đá dành nhau kể chuyện. Gặp một thanh niên ăn bận thật sang, tôi nhờ chụp hình, anh ta từ chối, rồi lầm lũi đi như vội vã cho kịp một cuộc họp nào đó. Sao lại thế nhỉ. Có gì quan trọng hơn tình bạn đâu. Hóa ra đó là một nét tính cách của người Brasil: thân thiện và hờ hững. Ngay giữa đại lộ sáu len, xe chạy rầm rầm, một thanh niên mình trần trùng trục, đứng trên cái thùng gỗ, biểu diễn tài ném bắt bốn quả táo, tự nhiên như trong rạp xiếc. Nhiều người gọi thế là nghịch, người Huế gọi thế là ngẵng. Nghịch dẫn đến phá, ngẵng dẫn đến lạ và tài hoa. Lại thêm một nét đặc trưng nữa của người Brasil, tài hoa và thích tài hoa. Trên vương quốc của Túc Cầu giáo, người ta chỉ chuộng lối chơi bóng đẹp, lạ, và tài hoa. Làm bàn không cứ sút trái bóng vào lưới, mà quí nhất ở chỗ sút cho trái bóng vào lưới như thế nào - không đẹp coi như vứt đi.

Một anh bạn Brasil hỏi tôi nghĩ gì về thành phố của anh. Tôi nói, Rio de Janeiro đẹp, hiện đại, hấp dẫn, và có nhiều bãi biển tuyệt vời. Anh vui lắm. Tôi nói thêm, chỉ tiếc cái dáng đi. Anh trố mắt nhìn. Tôi phải giải thích nhiều lần anh mới hiểu, rằng người Brasil chưa coi trọng cái dáng đi. Không nhất thiết phải điệu nghệ như dân Parisiens, nhưng ít ra cũng phải chững chạc, phải sang... Nhìn vẻ mặt của anh, tôi không nói nữa. Mà thôi, thì các bạn cứ lo làm giàu đi đã, rồi sang tất sẽ đến sau.

Không như ở Mỹ, hố ngăn cách giàu nghèo là tấm kính trong suốt, ở đây là một đại dương. Ở Brasil, nghèo khổ đồng nghĩa với xấu xa, tội lỗi. Ngay cả với một số người nghèo, vừa khi thoát khỏi cảnh nghèo, trở nên giàu có, họ liền vạch một đường phân định rạch ròi giữa hiện tại và quá khứ, giữa giàu và nghèo, như muốn nói với mọi người ta đây không thuộc về thế giới nghèo khổ. Khách sạn tôi ở nằm ngay trung tâm thành phố. Vì là lần đầu nên tôi quá ngỡ ngàng trước cái bảng điện tử cầu thang máy, nó chỉ có bộ khung, còn nút lên xuống và các tầng lầu thì hoàn toàn tống hổng. Đang chưng hửng không biết phải làm gì, thì cửa thang máy mở, một khuôn mặt đen điu, kham nhẫn hiện ra, và một nụ cười không thể thân thiện hơn. Anh ta mời tôi vào, quay người lắc, bấm, thang máy chuyển động. Và khi thang máy dừng, cửa mở, anh ta cúi người, lại nụ cười không thể thân thiện hơn. Đến lúc lên, qui trình vẫn thế, chỉ ngược lại. Suốt một tuần lên xuống, vào ra, tôi dần dần quen với cảnh ấy, con người ấy. Rõ ràng, có một con người, từ một nơi nào đó, dán con mắt vào cái màn hình nào đó; khi biết có người cần dùng thang máy, anh ta tức thì biến thành cái nút tự động phục vụ khách. Khách sạn có mười tầng, mỗi tầng bao nhiêu phòng, với bao nhiêu khách lên xuống; không biết điều gì khiến anh ta phải chấp nhận làm cái việc khổ sai ấy từ năm nầy sang năm khác. Tôi không có dịp gặp ông chủ khách sạn giàu có, nhưng ngày nào cũng tiếp xúc với nhân viên lễ tân và người đàn ông tội nghiệp. Họ cách nhau đến mấy lần đại dương. Trong con mắt anh chàng lễ tân, tên phục dịch đen điu kia chẳng có ki lô gram nào. Tuy nghiệt ngã thế, nhưng may quá, lại cũng nhờ đại dương, âm nhạc, nhảy múa, bóng đá mà hố ngăn cách ấy không biến thành thảm họa.

Bãi biển Copacabana


Chỉ một tuần ở Rio de Janeiro, nhưng tôi dành những ba ngày để long nhong trên các bãi biển, đặc biệt với Copacabana và Ipanema, là hai bãi biển đẹp nhất thế giới. Copacabana dài gần 5km, lúc nào cũng đông người. Riêng vào dịp chuyển giao năm cũ sang năm mới, có đến hai triệu người tụ tập ở đây để xem bắn pháo hoa, và tất nhiên để ca hát và nhảy múa. Người ta nói đức Giáo hoàng John Paul II và nhiều danh nhân tài tử khác cũng từng dạo bước trên bãi biển trứ danh này - vậy mà cát đã không giữ lại gì!

Mà cát biển ở đây thật lạ: cực mịn, vàng hươm, xen một ít hạt đen tuyền lấp lánh dưới ánh mặt trời. Bãi biển dài rộng thế nhưng xem ra hơi chật so với lượng người nhởn nhơ tắm sóng, những người miên man phơi nắng với bộ xiêm y không thể nhỏ hơn, đám trẻ con ngất ngây với cánh diều, và những sân bóng... Đó là những sân bóng kỳ lạ: không đường biên, không lưới, không trọng tài, không áo số, không cổ động viên... không bất cứ thứ gì không phục vụ cho đá bóng, nghĩa là chỉ có trái bóng, đôi chân trần và trái tim cuồng nhiệt. Bản chất của bóng đá là nghệ thuật đá bóng. Ngày nay bóng đá phải mang vác quá nhiều thứ phù phiếm khiến nó dần đánh mất nét đẹp ban đầu. Brasil là quê hương của thứ bóng đá đẹp và hào hoa, phải chăng vì nó được ươm mầm từ những sân vận động trên cát này.

Rất dễ phân biệt cư dân Rio và du khách nước ngoài, không phải bằng màu da hay ăn mặc mà bằng cốt cách và phong cách. Với du khách phương xa, biển là nơi để tắm, để phơi nắng, nghỉ ngơi, thư giãn. Với cư dân Rio, biển là máu thịt, là hơi thở, là tâm hồn - họ đến đây không chỉ để vui chơi mà còn để thở, để sống, để yêu.

Một đám cô gái hồn nhiên cười nói, nghịch cát, nghịch người. Mỗi cô chỉ mặc độc chiếc bikini bé tí, còn bên trên thì hoàn toàn chẳng có gì ráo. Chỉ mấy ngày ngắn ngủi nên tôi chưa có dịp chiêm ngưỡng đám ngư nữ với bộ trikini ba mảnh nổi tiếng - một mảnh là chiếc mũ che nắng, một mảnh là kính dâm, mảnh còn lại là đôi dép đi trên cát. Nhưng rồi nghĩ bụng, nội với bikini một mảnh mà đã toát mồ hôi, huống chi thêm trikini nữa e con tim tuổi tác không chịu nổi... Thấy một cô gái vừa rời khỏi nhóm đang ngơ ngác như tìm ai, tôi tiến lại gần nhờ chụp giùm tấm ảnh; cô vui vẻ ô kê, rồi hồn nhiên tạo dáng, bấm máy. Khi trả lại máy, cô nheo mắt cười rất tươi như tôi là chàng trai chỉ mới mười chín đôi mươi. Té ra với phụ nữ, đã là đàn ông thì không bao giờ già.

Để chiêm ngưỡng các giai nhân của Rio, không đâu lý tưởng bằng trên các bãi biển. Chỉ ở đây bạn mới gặp được họ đông đủ, hồn nhiên và trong veo. Xem lễ hội Carnival trên tivi và xem các cổ động viên trên sân bóng, tôi cứ tưởng con gái Brasil đẹp, quyến rũ, nhưng mà lẳng lơ. Té ra không phải. Họ là những người phụ nữ chuẩn mực và tuyệt vời. Họ có ý thức rất rõ thiên mệnh của người phụ nữ. Họ có khả năng chinh phục người khác, nhưng không để ai dễ dàng chinh phục mình. Đã đành cái đẹp nào cũng ngầm chứa rủi ro, nhưng xem ra chẳng cô nào thèm quan tâm, cứ đẹp cái đã. Và thế là họ đẹp - một chút dào dạt của sông Amazon, một chút hoang dại của rừng đại ngàn, một chút cuộn trào của sóng biển, một chút nồng nàn của vũ điệu Samba, một chút ngào ngọt của nước dừa, một chút dịu hiền của ma xơ, một chút nồng nàn của cốc rượu, một chút đắm say của nụ hôn... Tôi cố diễn tả sao cho bạn có thể hình dung thế nào là một cô gái Brasil, nhưng rồi bỗng nhận ra, dù có dài dòng thêm nữa thì cũng không biểu cảm bằng Antonio Carlos Jobim, chỉ một câu ngắn thôi, trong ca khúc The girl from Ipanema nổi tiếng một thời - Cao và rám nắng, trẻ trung và yêu kiều, cô gái Ipanema dạo bước. Và khi cô ấy đi qua, mỗi người đàn ông đều phải thốt lên: A!

Sự đồng hoá và bản địa hóa là hai yếu tố tạo nên bản sắc Brasil. Cũng thế, nghệ thuật đặc trưng của Brasil hình thành từ sự pha trộn của châu Âu, châu Phi và thổ dân Da đỏ, mà biểu hiện đỉnh cao là Samba. Samba là quốc vũ, và Carnival Rio de Janeiro là lễ hội lớn nhất hành tinh. Ngày tôi đến, Carnival đã qua gần hai tháng, đành thưởng thức Samba trong nhà hát vậy. Tour “Rio by Night” tuy mắc mỏ một tí nhưng cực kỳ chuyên nghiệp. Trước chương trình, du khách được một vòng dạo quanh Rio, được thưởng thức bữa tiệc buffet toàn món đặc trưng Brasil. Như là một ngày hội liên hiệp quốc: Tây, Tàu, Nga, Nhật... đủ thành phần, chủng tộc, quốc gia. Thấy tôi, nhiều vị niềm nở hỏi: Japanese? No. Việt Nam. Bực nhất là dưới mắt họ, đã Á đông thì không Japan cũng China, Korea, Singapore, hoặc ThaiLan. Thế còn Việt Nam? Một dân tộc từng đánh thắng Tàu, thắng Tây, thắng Mỹ, chả lẽ quí vị đui điếc cả à? Hóa ra với họ, đánh giặc bảo vệ đất nước chưa đủ, mà còn phải biết cách xây dựng đất nước cho đàng hoàng to đẹp thì mới gọi là giỏi. Cứ đợi đó, rồi quí vị sẽ biết tay!

Quảng trường Sambadrome


Dù ở quảng trường Sambadrome hay trên sân khấu nhà hát, Samba luôn là biểu tượng của tươi vui, trẻ, đẹp, và sex. Hàng trăm vũ công thay nhau phô diễn các thể loại Samba. Họ, con gái ngon lành như Angelina, con trai đẹp như Vọi; với bộ xiêm y khi thì đơn giản đến rợn người, khi thì cực kỳ công phu và lộng lẫy. Thế rồi, ánh sáng bắt đầu phép thuật của mình, âm thanh bắt đầu hút hồn thiên hạ - đặc biệt tiếng trống vừa hoang dại vừa giục giã; và, trên sàn nhảy sắc màu chuyển động. Trước mắt ta là một cảnh giới cuồng nhiệt, đắm say, lạ lùng, mê hoặc. Tâm thức ta tràn ngập niềm hoang lạc, run rẩy. Dù đã qua rồi tuổi thanh xuân, tôi vẫn không sao giữ cho tay chân đừng ngọ ngoạy.

Hôm đi thăm nhà thờ Sao Sebastiao, tôi tranh thủ nhờ cô hướng dẫn viên chỉ cho mấy bước căn bản của vũ điệu Samba, nay nhìn các vũ công Samba trên sàn diễn, tôi vẫn không thể nhận ra một chút gì Samba trong đôi chân của họ. Thế đấy, nghệ thuật khi đã đạt đến đỉnh cao, bước ban đầu biến thành đôi cánh. Hình như ba yếu quyết của vũ điệu Samba là đôi chân, cái hông, và đôi mắt - đôi chân run rẩy hoang lạc, cái hông uốn éo gợi tình, còn ánh mắt thì long lanh mời gọi.

Đã có thời không chịu nổi ách áp bức của bọn thống trị, những người nô lệ cùng khổ vùng lên đấu tranh. Bị cấm ngặt không được sử dụng vũ khí, đám nô lệ khổ luyện tay chân thành vũ khí. Bị cấm cả việc khổ luyện tay chân thành vũ khí, thì họ che mắt kẻ thù bằng cách ngụy trang các thế võ chiến đấu của họ dưới hình thức múa điệu Samba. Biểu diễn thể loại này là đám vũ công nam, cao lớn, rắn rỏi. Vẫn bước chân ma thuật, trong lúc đôi tay biến hóa, ảo diệu. Là một chuyên gia Karate, tôi sửng sốt nhận ra đó là những thủ pháp chỏ, đấm, chém, móc, bắt, khóa... cực kỳ điêu luyện và hiểm ác. Nhưng đỉnh cao của vũ điệu này là khi các vũ công xoay người quất chân ra sau. Trời ơi, đó chính là đòn ushiro-mawashi-geri của Karate, hay là đòn đá nghịch lưng, võ cổ truyền gọi là đòn giò lái. Trong hàng vạn võ sinh của tôi hiện nay, xem ra chưa ai đạt đến thượng thừa công phu đòn ushiro-mawashi-geri như mấy chàng nghệ sĩ này. Không phải xoay đá một lần mà hai lần, ba lần, bốn lần, năm lần, sáu lần... càng xoay càng nhanh như điện chớp. Tôi cảm thấy mình đọng lại, trơ ra, chết cứng... cho đến khi các vũ công đột ngột dừng lại, tôi vỡ òa hạnh phúc. Té ra tôi đã nín thở.

Ngày cuối cùng của chuyến đi, Rio de Janeiro đổ mưa. Mưa đột ngột, mưa dữ dằn, mưa đen trời túi đất, mưa dai dẳng, mưa lê thê, đã mưa là lạnh, nghĩa là mưa y chang mưa Huế - Đi xa nhớ nhà, mưa càng làm mình thêm nhớ Huế.

Rồi cũng đến lúc chia tay. Ôi Rio de Janeiro: lộng lẫy và lầm lẫn, hiện đại và thô sơ, giàu sang và nghèo khổ, lịch lãm và tuỳnh toàng, đam mê và hờ hững, chặt chẽ và buông tuồng, siêng năng và lêu lổng, dễ thương và dễ ghét, muốn nhớ và muốn quên... Ít có thành phố nào trên thế giới để lại trong lòng khách lãng du cảm xúc trái ngược nhau đến thế.

Trên đường ra phi trường, tôi cứ ngân nga hoài khúc hát Cô gái Ipanema: “Cao và rám nắng, trẻ trung và yêu kiều, cô gái Ipanema dạo bước. Và khi cô ấy đi qua, mỗi người đàn ông đều phải thốt lên: A!... Cao và rám nắng, trẻ trung và yêu kiều, cô gái Ipanema dạo bước. Và khi cô ấy đi qua, anh mỉm cười, nhưng cô gái không nhìn thấy, cô mãi nhìn biển xa...”.  Anh tài xế quay nhìn tôi, cười. Rõ ràng anh ta biết tôi đang vuốt ve những kỷ niệm đẹp về cái thành phố Rio de Janeiro diệu kỳ của anh. Thế thì xin cám ơn và tạm biệt.

N.V.D 
(263/01-11)






Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • LỖ TẤN

    Nói đến đọc sách, tựa hồ đó là một việc rất rõ ràng, chỉ cầm đem sách ra đọc là được rồi. Nhưng không hề đơn giản như vậy. 

  • THUẬN AN

    (Đọc cuốn ký sự đường xa “18 tuổi và chuyến phượt solo đầu đời trên đất Mỹ” của Phạm Nguyễn Linh Đan, Nxb. Hội Nhà văn 2018).

  • (Để tưởng niệm thi sĩ Mary Oliver, vừa mất ngày 17 tháng 1, 2019, tại Florida, 83 tuổi)  

    ĐỨC TÙNG

  • CHU HUY SƠN

    Khó có thể kể hết những nhà thơ Việt Nam và thế giới bắt gặp cảm hứng từ cuộc đời cao đẹp và vô cùng trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để sáng tác nên những tác phẩm về Người. Song, tôi cho rằng, bài thơ “Hồ Chí Minh - tên Người là cả một niềm thơ” của nhà thơ Cuba là một trong những sáng tác hay nhất viết về Bác.

  • Sinh năm 1947 tại Rio de Janeiro, Brazil, 40 tuổi mới viết và xuất bản cuốn sách đầu tiên, Paulo Coelho được xem là nhà văn (còn sống) được đọc nhiều nhất thế giới: tuy số lượng tác phẩm đến nay chỉ trên 20 cuốn, nhưng đã phát hành đến 86 triệu bản tại 150 quốc gia, trong đó có nhiều cuốn luôn ở trong danh sách best- seller (số liệu tính đến tháng 6/ 2015). Ngày 22/12/2016, trong danh sách 200 tác giả có ảnh hưởng lớn nhất thế giới do công ty Richtopia đề xướng, Paulo Coelho được kể tên ở vị trí thứ 2.

  • WILLIAM D. ADAMS    

    LGT: William D. Adams hiện là học giả cao cấp tại quỹ hỗ trợ nhân văn và khoa học nghệ thuật lừng danh Andrew W. Mellon của Hoa Kỳ. Từ 2014 - 2017, ông được Tổng thống Obama (lúc đương nhiệm) bổ nhiệm giữ chức vụ chủ tịch Tổ chức Quốc gia về Nhân văn (NEH) - cơ quan độc lập của chính phủ tài trợ các dự án văn hóa, nghệ thuật, và giáo dục.

  • PABLO NERUDA    

    LGT: Pablo Neruda, nhà thơ Mỹ Latinh nổi tiếng thế giới, sinh năm 1904 tại Parral, Chile. Năm 1920 ông đến Santiago để học tập và công bố bài thơ đầu tiên “La canción de la fiesta” (1921), rồi được biết đến rộng rãi qua tập thơ “Crepusculario” (1923).

  • PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO  

    Tôi xin được dùng tên một bài thơ viết tại Paris của mình làm tựa đề cho bài viết này. Đó là những cảm xúc thăng hoa, những phút giây hạnh phúc và cũng là những kỷ niệm khó quên cùng bạn thơ của 24 quốc gia tham dự cuộc thi Slam thơ Quốc tế 2018 tại Paris tháng 5/2018 vừa qua.

  • PHẠM HỮU THU  

    Nhân loại kính nể không chỉ vì đất nước Nhật Bản bình tĩnh ứng phó thiên tai mà còn gây thiện cảm qua hành vi ứng xử của họ. 

  • NGUYỄN THANH VIỆT  

    Nguyễn Thanh Việt là nhà văn gốc Việt đoạt giải văn chương Pulitzer, tác giả của “The Sympathizer,” “The Refugees,” và “Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory of War.” Ông hiện là giáo sư Anh văn tại Đại học Nam California (Mỹ).

  • (T. Segers đặt câu hỏi, Hans Robert Jauss trả lời, Timothy Bahti dịch [sang tiếng Anh], Tạp chí New Literary History, Vol. 11, No. 1, Johns Hopkins University Press, 1979).

  • HENRY SLESAR

    Nhà văn nổi tiếng Henry Slesar (1927 - 2002) viết tiểu thuyết, kịch bản, trinh thám, khoa học viễn tưởng đặc sắc về thủ pháp hài hước, kết cục trái chiều. 

  • PHẠM ĐĂNG  

    Thế giới vừa vĩnh biệt một thiên tài: Stephen William Hawking.
    Ngày sinh của Hawking (8 tháng 1 năm 1942) đúng 300 năm sau ngày mất của Galileo Galilei (8 tháng 1 năm 1642). Ông qua đời (14/3/2018) vào ngày số Pi, cũng là ngày sinh của Albert Einstein (14 tháng 3 năm 1879).

  • Robert Arthur, Jr. sinh năm 1909, tại Philippines, nơi cha của ông, sĩ quan quân lực Hoa Kỳ, đóng quân. Tuổi thơ của ông cũng theo chân cha nay đây mai đó, có điều là ông không nối nghiệp cha (dù đã được nhận vào trường West Point), mà chọn học ngành văn chương.

  • HENRY JAMES   

    Henry James: Nhà văn Mỹ (1843 NewYork - 1916 Luân Đôn), viết tiểu thuyết, truyện ngắn, phê bình văn học; đặc biệt yêu văn học, nghệ thuật Pháp. Tác phẩm: 112 truyện ngắn (1864 - 1910), Toàn tập (1990 - 2009). Chủ đề: Ý thức, tâm lý; mơ mộng, tình cảm; vẻ đẹp, chân lý nghệ thuật.

  • NGUYỄN ĐỨC TÙNG

    Trước khi biết lòng tử tế là gì
    Bạn phải mất đi nhiều thứ

  • NGUYỄN DƯ

    Đọc Thơ Đường bất ngờ thấy bài Lương Châu từ của Vương Hàn (687 - 726):
    Bồ đào mĩ tửu dạ quang bôi
    Dục ẩm tì bà mã thượng thôi.
    Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,
    Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi.

  • PHẠM TRƯỜNG THI  

    Tôi và nhà văn Hà Phạm Phú nhận lời mời của Hội Nhà văn Việt Nam đi dự Hội thảo văn học quốc tế Trung Quốc và các nước lưu vực sông Mê Kông gồm: Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam được tổ chức từ ngày 21 đến 25 tháng 5 năm 2017 tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, khu tự trị dân tộc Choang Trung Quốc.

  • W.S. PEIRIS

    W.S.Peiris sinh 1932; đạt giải nhì truyện ngắn tiếng Anh trong cuộc thi Văn học quốc gia Tích Lan năm 2008. Hiện ông sống tại Kiribathgoda, Sri Lanka.