Nhà thơ Mai Văn Hoan - Ảnh: truongquochochue.com
Ở nước ta, trong các tuyển tập thơ sau cách mạng đều có mặt những bài thơ tình. Những bài thơ ấy ngoài sự kết hợp nhuần nhuyễn nội dung và hình thức, hiện thực và lãng mạn, tình cảm và lý trí… còn có sự kết hợp hài hòa cái chung và cái riêng. Khảo sát mối quan hệ riêng chung bộ phận thơ tình 1945-1975 có thể rút ra được nhiều điều bổ ích. Qua việc khảo sát này, phần nào giúp chúng ta hiểu thêm nguyên nhân thành công của những bài thơ tình được đông đảo bạn đọc ưa thích, góp phần giúp chúng ta xác nhận thêm sự phát triển của nền thơ sau cách mạng và giúp chúng ta khẳng định vị trí, những đóng góp quan trọng của bộ phận thơ tình đối với sự nghiệp cách mạng mà lâu nay chưa được chú ý nghiên cứu, đánh giá đúng mức. Dân tộc ta là một dân tộc anh hùng, nhưng cũng là một dân tộc “vừa nhân hậu lại đa tình đa mang” (Lâm Thị Mỹ Dạ). Trải qua bao nhiêu thế kỷ, mặc cho sự cấm đoán của giai cấp thống trị phong kiến tiếng nói trái tim vẫn cất lên trong hàng nghìn bài ca dao với đủ mọi cung bậc: vui buồn, sung sướng, đau khổ, nhớ thương, hờn giận… “Đôi ta xa nhau thiên hạ cũng đều buồn Bốn phương trời chuyển động, tám ngọn nguồn rung rinh” Đến giữa thế kỷ XVIII sang đầu thế kỷ XIX, khi ý thức về cá nhân đã được nâng lên, trong văn học viết đề tài tình yêu mới được khởi sắc như những đóa hoa xuân. Nguyễn Du, Phạm Thái là hai thi sĩ rất có công mạnh dạn thể hiện đề tài này. Tiếp theo những nguồn mạch trong mát ấy, từ sau cách mạng 1945 bộ phận thơ tình trong nền văn học chân chính của chúng ta càng ngày càng trở nên phong phú, đa dạng, góp phần không nhỏ vào việc thể hiện tâm hồn con người Việt Nam vào những năm tháng đầy những biến cố lịch sử. Cái “tôi” của thơ tình sau cách mạng càng ngày càng vươn tới để hòa vào trong cái “ta” chung của mọi người, của giai cấp, của dân tộc, của thời đại. Ở những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chúng ta rất khó tìm thấy những bài thơ tình. Các nhà thơ lãng mạn có tên tuổi đi kháng chiến đang rất lúng túng, “Cái phần công dân trong con người họ còn đứng tách riêng ra, tụt lại sau, nhìn ngắm, tìm tòi” (Chế Lan Viên). Cái riêng còn bị “gạt phăng”, còn bị xem là đối lập, cản trở cái chung. Những người cầm bút chưa phân biệt thật rạch ròi những tình cảm chính đáng với những “tính riêng” cá nhân ích kỷ. Năm 1948 Nguyễn Đình Thi có bài “Không nói”. Bài thơ kết thúc trong khung cảnh: “Mưa rơi ướt mái đầu Mỗi đứa một khăn gói … Nào đồng chí - bắt tay! Em Bóng nhỏ Đường lầy…” Chia tay, anh vẫn gọi người yêu là “đồng chí”. Tiếng “em” anh vẫn cố giấu kín trong lòng và chỉ khẽ gọi với theo khi bóng dáng người yêu dần khuất. Phải mấy năm sau, Vũ Cao mới không ngần ngại đặt “em” ngang với “đồng chí”: “Nhớ nhau, anh gọi: em - đồng chí” (Núi đôi). Để được một câu thơ ta đọc cứ ngỡ rất bình thường như thế, những người cầm bút phải tự vượt lên mình qua bao tìm tòi, băn khoăn, trăn trở. Hoàn cảnh khốc liệt của cuộc kháng chiến trong thời kỳ đầu dễ khiến người ta nén lòng mình lại. Cái riêng lúc này muốn hòa được vào cái chung, đòi hỏi cần phải có thời gian, đòi hỏi nhận thức phải được nâng lên, để có thể so sánh mà không còn sợ ai bắt bẻ: “Anh yêu em như yêu đất nước”… (“Nhớ” - Nguyễn Đình Thi). Sau khi hòa bình lập lại, bước vào giai đoạn đấu tranh thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội, thơ tình đã rút ngắn được tình trạng chệch choạc về sự hòa hợp riêng chung ở giai đoạn trước. Vào những năm 1956-1957 chúng ta đã thấy xuất hiện nhiều bài thơ tình. Đáng chú ý nhất có lẽ là bài “Đêm sao sáng” của Nguyễn Bính. Nét quí ở bài thơ này là sự hòa hợp riêng chung nhuần nhuyễn đến mức khó lòng phân biệt nó với những bài thơ tình thuần khiết viết về nỗi nhớ tình yêu, mà người đọc vẫn nhận ra bài thơ gắn rất chặt với công cuộc đấu tranh thống nhất: “Sao đặc trời sao sáng suốt đêm Sao đêm chung sáng chẳng chia miền Trời còn có bữa sao quên mọc Anh chẳng đêm nào chẳng nhớ em.” Từ 1957 đến 1965 Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế hanh… lần lượt công bố những “chùm nhỏ thơ yêu”. Ngày trước Huy Cận ngắm người yêu ngủ và ru, lời ru nghe buồn não nuột “Hồn anh đã chín mấy mùa thương đau”. Giờ đây, nhà thơ lại vẫn ngắm người yêu ngủ và ru, lời ru không còn “ngậm ngùi” nữa mà ấm áp hơi thở của một người đang yêu, cảm thấy tình yêu của mình gắn với tình yêu của mọi người: “Hai ta đôi hát giữa nghìn đôi” (Bài thơ anh viết). Ngày trước, Chế Lan Viên chán nản đến mức muốn nhặt hết “hoa thơm muôn cánh rã” để “về đây, đem chắn nẻo xuân sang”. Giờ đây, anh dí dỏm tuyên bố: “Mặc kệ lời Phật dạy Miếng tình ta cứ ăn” (Đi trong hương chùa Hương) Ngày trước, Xuân Diệu yêu “vội vàng” bởi hoảng hốt trước thời gian trôi đi quá nhanh và tuổi già đến quá sớm. Giờ đây, nhà thơ vẫn yêu say đắm, nồng nàn nhưng không còn “vội vàng” nữa: “Anh xin làm sóng biếc Hôn mãi cát vàng em Hôn thật khẽ thật êm Hôn êm đềm mãi mãi” (Biển) Đó là chưa kể “Chiêm bao”, “Rét nàng bân”, “Bài thơ tình Hàng Châu” của Tế Hanh; chưa kể những bài thơ “vượt tuyến” làm xôn xao cả nước của Giang Nam, Thanh Hải, của đồng bào Hơ-rê… như “Nhớ nhiều, ơ nhớ lắm”, “Quê hương”… Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thơ tình nói riêng và thơ nói chung lại tiến thêm một bước mới. Lúc này hơn lúc nào hết trách nhiệm công dân và say mê cá nhân để hòa chung làm một. Cái riêng và cái chung kết hợp một cách máu thịt. Người cầm bút có thể nói hết cái “tôi” riêng. Viết về buổi tiễn đưa, nhà thơ không cần phải dấu những giọt nước mắt, viết về nỗi nhớ tình yêu nhà thơ khai thác hết mọi khía cạnh. Người viết không còn né tránh khi nói đến đau thương mất mát. Ở “Quê hương” dù sao Giang Nam vẫn còn dè dặt, đến “Bài thơ về hạnh phúc” Dương Hương Ly đã không e ngại khi viết “anh mất em như mất nửa cuộc đời”, “như bỗng tắt vầng mặt trời hạnh phúc”. Phải chăng, vì đã có một thời người ta khóc lóc quá nhiều trong các buổi tiễn đưa “những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt”, nên thơ ca sau cách mạng, khi cần diễn tả những xúc động trong các buổi tiễn đưa, người viết thường dấu đi những giọt nước mắt? Lần đầu tiên trong thơ ca cách mạng có nước mắt của người vợ tiễn đưa chồng: “Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia không dấu nỗi tình yêu cô rực cháy, không che được nước mắt cô đã chảy Những giọt long lanh, nóng bỏng sáng ngời” (Cuộc chia ly màu đỏ) Ngay từ “chia ly” trước đây người ta cũng tránh dùng, Nguyễn Mỹ đã mạnh dạn dùng và dùng rất đúng chỗ nên đã có sức lay động sâu xa. Sự xuất hiện hàng loạt cây bút trẻ: Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ… đã mang đến cho thơ tình chặng đường này một sinh khí mới. Nam nữ thanh niên trân trọng chép vào sổ tay và đọc đến thuộc lòng “Hương thầm”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Khoảng trời yêu dấu”, “Hương cau”… Xuân Quỳnh là một trong những cây bút trẻ viết khá nhiều thơ tình được bạn đọc ưa thích. Thơ Xuân Quỳnh vừa dào dạt sôi nổi vừa sâu lắng thiết tha: “Những ngày không gặp nhau Sóng bạc đầu thương nhớ Những ngày không gặp nhau Lòng thuyền đau rạn vỡ.” (Thuyền và sóng) Phải thật hiểu giá trị của tình yêu chân chính, Xuân Quỳnh mới viết được những câu thơ táo bạo như thế. Người đọc không chỉ cảm nhận ở những câu thơ này cái mãnh liệt của tình yêu, hơn thế nữa đó là cái mãnh liệt của tình yêu con người đối với cuộc sống. Những câu thơ này không chỉ làm phong phú thêm cuộc sống tinh thần mà còn có tác dụng nuôi dưỡng những tình cảm trong sáng. Riêng chung ở đây phải được nhìn dưới góc độ như thế. Nếu chỉ hiểu một cách đơn thuần, máy móc sẽ dễ dẫn đến những hành vi, những phán quyết thô bạo đối với những bài thơ vô tội này. Sự hòa hợp riêng chung là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng của tác phẩm văn học. Nhìn lại những bài thơ tình thành công chúng ta nhận thấy rất rõ điều này. Vươn lên để đạt được sự hài hòa cao độ giữa cái chung và cái riêng phải chăng là một trong những hướng phấn đấu của thơ ca cách mạng hiện nay? Công bằng mà nói mặc dù đạt được một số thành tựu thơ tình của chúng ta so với nền thơ chung của thế giới đang còn có khoảng cách. Thơ tình của chúng ta còn thiếu cái chân thành đằm thắm, cái dịu dàng tài hoa của thơ tình Puskin; cái phức tạp, tinh tế nhiều tầng nhiều lớp của thơ tình Tagor; cái thông minh sắc sảo của thơ tình Gam-da-tốp. Một trong những nguyên nhân làm cho thơ tình chúng ta còn bị hạn chế là do quan niệm về cái chung và cái riêng của chúng ta tuy đã được nâng cao dần, tuy đã được mở rộng dần, nhưng vẫn còn gò bó. Nói chung, thơ tình chúng ta còn để trống nhiều địa hạt, nhiều cung bậc tình cảm. Dù sống trong cuộc sống mới, không phải lúc nào tình yêu cũng diễn ra một cách bằng phẳng, êm ả, nhẹ nhàng, tròn trịa. Thế nhưng, thơ tình chúng ta nhìn chung vẫn còn tròn trịa, êm ả, nhẹ nhàng. Tình yêu trong xã hội mới không phải không còn những cơn sóng gió, không phải không còn những sự phản hội, những tính toán ích kỷ, nhỏ nhen… Thơ tình chúng ta còn né tránh, không dám, hoặc không muốn đụng chạm đến những chuyện rắc rối trong tình yêu. Nhiều bài lắp ráp một cách gượng gạo cái chung và cái riêng đến trở thành công thức đơn điệu khuôn mẫu, sao chép. Quá trình hòa hợp riêng chung trong những bài thơ tình không chỉ chịu sự chi phối của biến cố lịch sử, tình hình chính trị, kinh tế; cơ cấu giai cấp… mà còn chịu sự chi phối của nhận thức chủ quan, của tình cảm riêng tư. Thực tế sáng tác đã chứng minh rằng công của những phụ nữ từng làm trái tim các thi nhân rung động để viết nên những bài thơ tình rất lớn. Đọc tiểu sử của Puskin, Lécmôntốp, Aragông… chúng ta thấy rất rõ điều đó. Song khi tìm hiểu tác giả chúng ta lại rất ít đề cập đến những chuyện tình có thực ấy. Đã đến lúc chúng ta không chỉ phủ nhận việc đề cao quá mức, việc tuyệt đối hóa, xem thơ tình là đề tài duy nhất của thơ ca mà chúng ta còn cần phải uốn nắn kịp thời những định kiến hẹp hòi, sai lệch đối với nó. Thơ tình quyết không chỉ là của riêng của bất cứ xã hội nào, giai cấp nào, thời đại nào mà là của chung nhân loại. Xã hội xã hội chủ nghĩa cũng nên và cần thiết có thơ tình của mình. Chúng ta cần quan tâm hơn nữa đời sống tình cảm của nam nữ thanh niên hiện nay! Sao chúng ta chưa làm tuyển tập chính thức về thơ tình? Sao các nhà thơ chúng ta chưa có một tập thơ nào viết riêng về đề tài tình yêu? Lẽ nào bây giờ vẫn chưa đến lúc? Giữa những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, Ximônốp vẫn cho xuất bản tập thơ tình “Bên em và xa em”. Nhân dân Xô-viết nhận ra rằng: một tình yêu với nhiều sóng gió nội tâm, những dằn vặt những nhớ mong hy vọng lại rất cần cho họ trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, trên sách báo Trung ương cũng như địa phương biên tập đã có chú ý gia thêm “một chút thơ tình” song thơ tình chúng ta rõ ràng chưa đáp ứng được nhu cầu công chúng. Tình yêu luôn mới ở mỗi con người, mỗi lứa tuổi, mỗi thời đại, lẽ nào vì người xưa làm nhiều bài thơ tình tuyệt vời rồi thế hệ chúng ta không nên làm thơ tình nữa như một số người quan niệm? Hãy để thơ tình nảy nở một cách tự nhiên, đừng nên quá khắt khe với nó. Chống sự xâm nhập của văn hoá nô dịch, đồi trụy bằng những biện pháp chính quyền không thôi chưa đủ. Cần phải có món ăn tinh thần, thỏa mãn với những đòi hỏi chính đáng của công chúng. Vun trồng được một vườn thơ tình xã hội chủ nghĩa có nhiều “hương sắc” sẽ góp phần làm cho đời sống tâm hồn chúng ta càng thêm phong phú. Sẽ góp phần làm cho cuộc đời chúng ta thêm ý vị, sẽ góp phần gạt bỏ dần thói dung tục, thô lỗ, ích kỷ… trong tình yêu của một số thanh niên hiện nay. Trong “Người thoáng hiện” Tagor kể chuyện một tu sĩ khổ hạnh cố hành xác mình để mong sớm được lên thiên đường. Anh ta hành xác đến nỗi thần thánh đều kinh ngạc. Không ngờ, những năm cuối của cuộc hành xác bỗng một cô hái củi đến và tìm cách hầu hạ anh ta. Khi cuộc hành xác hoàn thành, vị chúa tể của những người bất tử báo cho anh ta biết rằng đã đến ngày chuẩn bị lên thiên đường. Người tu sĩ trả lời: đã lâu tôi không còn muốn lên thiên đường nữa. Qua câu chuyện này, thi sĩ Ấn Độ muốn khẳng định sức mạnh của tình yêu. Với con người, tình yêu là thiên đường nơi trần thế. “Không có gì của con người mà xa lạ với tôi”! Tình yêu là cái vô cùng thân thiết gần gũi của con người lẽ nào lại vắng bóng trong thi ca? Sự có mặt của gần 20 bài thơ tình trong tổng số 186 bài thơ được chọn ở tuyển thơ Việt Nam 1945-1975 của NXB Tác phẩm mới; phần nào chứng minh điều đó. Tagor viết “Tôi đi tìm con nai vàng. Các bạn cứ cười đi, nhưng tôi không vì thế mà kém đeo đuổi nó… Tôi chạy qua đồi, qua thung, tôi lang bạt trong những xứ lạ, tìm con nai vàng” (Người làm vườn tình ái). Con nai vàng - là đề tài tình yêu mà Tagor đeo đuổi. Thơ ca cách mạng chúng ta chẳng dại gì để sổng mất con nai vàng ấy! Vinh 1982, Huế 1984 M.V.H (7/6-84) |
LÊ GIA NINHNgày 10 tháng 10 năm 1955, Hà Nội, thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa bừng lên niềm vui, ngập trong cờ, hoa và nắng thu. Những chàng trai ngày “ra đi đầu không ngoảnh lại”, trải qua cuộc trường chinh ba ngàn ngày trở về trong niềm vui hân hoan và những dòng “nước mắt dành khi gặp mặt” (Nam Hà).
THANH TÙNGChống tham nhũng, đục khoét dân lành không chỉ là công việc của nhà chức trách mà còn ở tất cả mọi người dù ở chế độ xã hội nào. Các thi sĩ không chỉ làm thơ ca ngợi cuộc sống tình yêu, đất nước con người mà còn dùng ngọn bút thông qua nước thi phẩm của mình để lên án, vạch mặt bọn quan tham này.
NGÔ ĐỨC TIẾNTrong lịch sử các nhà khoa bảng ở Việt , ít có gia đình nào cả ba ông cháu, cha con đều đỗ Trạng nguyên. Đó là gia đình Trạng nguyên Hồ Tông Thốc ở Kẻ Cuồi, Tam Công, Thọ Thành, Yên Thành, Nghệ An.
PHẠM XUÂN NGUYÊN1. Trước hết ta phải bàn với nhau về chữ hay, tức thế nào là một tác phẩm hay. Bởi cái hay không bất biến trong không gian và thời gian, nó vận động và biến đổi tùy theo hoàn cảnh, với những tiêu chí cụ thể khác nhau.
TRẦN HUYỀN SÂMRuồng bỏ - Disgrace (1) là một cuốn tiểu thuyết mang phong cách giản dị. Nhưng đó là sự giản dị của một bậc thầy về thể loại roman. Giới lý luận văn học và các chính trị gia phương Tây (2) đã đặt ra những câu hỏi có tính hoài nghi. Điều gì ở cuốn sách có độ trang khiêm tốn này đã mang lại giải Nobel cho Coetzee: Vấn đề kỹ thuật tiểu thuyết, nỗi điếm nhục về nhân cách con người, hay là bi kịch lịch sử hậu Apartheid?
NGUYỄN THÀNHLịch sử phê bình văn học Việt Nam thế kỷ XX đánh dấu bởi nhiều khuynh hướng phê bình hiện đại: phê bình ấn tượng, phê bình phân tâm học, phê bình xã hội học, phê bình mác xít, phê bình thi pháp học...
TRẦN LỘC HÙNG“NỒI HƠI NGUYÊN TỬ” NGĂN NGỪA THẾ CHIẾN THỨ BAChuyện kể rằng sau cuộc thử nghiệm thành công của trái bom nguyên tử đầu tiên vào năm 1949, cha đẻ của nó - Igor Vaxilevich Kurchatov - đã khóc nức nở.
HÀ VĂN THỊNHSố 7 là một con số huyền thoại. Nếu như tính xuất xứ xa nhất, công đầu về việc “tìm ra” số 7, thuộc về người Ai Cập, cách nay ít nhất 5.000 năm. Khi hiểu được rõ ràng việc con sông Nil chia làm 7 nhánh trước lúc đổ ra Địa Trung Hải, người Ai Cập vận “lý” để tin là nó nhất định phải hàm chứa nghĩa bí ẩn nào đó phản ánh cái “tư tưởng” triết lý của Đấng Tạo hóa.
TRẦN VIẾT THIỆNNăm 1987, người ta từ ngạc nhiên, ngỡ ngàng đến sững sờ trước sự trình làng của một cây bút đã vào độ tứ tuần. Tuổi bốn mươi lại là thời kỳ son sắt nhất của cây bút này, nói theo quan niệm của ông: “Đời viết văn cũng giống như đời người đàn bà”.
NGUYỄN TRỌNG TẠO - NGUYỄN ĐỨC TÙNG(Trích)...
TRẦN NGỌC CƯChúng ta thường nghĩ rằng ở trong mỗi tâm hồn Việt Nam đều có một thi sĩ, hay nói thế khác, người Việt Nam sinh ra và lớn lên trong bầu khí văn hoá ra-ngõ-gặp-thi-nhân. Đầu đời là những câu ca dao mẹ hát ru con, cuối đời là câu kinh tiếng kệ, những lời nguyện cầu, đều là thơ cả.
PHẠM TUẤN ANHSau 1975, văn xuôi đóng vai trò chủ đạo trong vận động đổi mới của văn học Việt Nam. Vai trò cách tân của văn xuôi đã được khẳng định đồng thời với vị thế mới của cái hài. Cái hài, với tiếng cười hài hước (humor) phồn thực đã góp phần quan trọng trong quá trình giải thể ý thức “quần thể chính trị”, để văn học thoát khỏi cục diện nhất thể của cái cao cả, sáp tới cuộc sống muôn màu với những giá trị thẩm mĩ đa dạng.
TUẤN ANH“Ở đâu bản năng nghèo nàn, nhân cách cũng nghèo nàn” (Jean Lacroix)
NGUYỄN THẾNhững năm gần đây, vấn đề nghiên cứu về Truyện Kiều đã được các học giả Việt trong và ngoài nước quan tâm. Nhiều cuộc trao đổi, thảo luận về Truyện Kiều được đưa ra trong các cuộc hội thảo chuyên ngành về ngôn ngữ, văn học và trên diễn đàn báo chí, Internet...
NGUYỄN VĂN HẠNHI. Có những quan niệm khác nhau về bản chất, chức năng của văn chương, và có những cách thức khác nhau trong sáng tạo và khám phá văn chương, tuỳ theo hoàn cảnh, mục đích, trình độ, khuynh hướng nhận thức và hoạt động của con người trong lĩnh vực này.
NGUYỄN KHẮC PHÊ(Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam 1957-2007)
TÔN ÁI NHÂNThật ra, những điều mà nhà văn, Đại tá Tôn Ái Nhân nêu ra dưới đây không hoàn toàn mới so với “búa rìu dư luận” từng giáng xuống đầu các nhà văn đương đại. Và, bản thân chúng tôi cũng không hoàn toàn đồng tình với tất thảy những sự kiện (kể cả những vấn đề nhạy cảm) mà ông đã “diễn đạt” trong 14 trang bản thảo gửi tới Tòa soạn. Chính vì vậy, chúng tôi đã xin phép được cắt đi gần nửa dung lượng, để “THẤT TRẢM SỚ” NHÀ VĂN đến với bạn đọc một cách nhẹ nhàng hơn. Nhân đây cũng muốn gửi tới tác giả lời xin lỗi chân thành, nếu như lưỡi kéo của Sông Hương hơi “ngọt”.
NUNO JÚDICENhà thơ, nhà phê bình văn học Nuno Júdice (sinh 1949) là người gốc xứ Bồ Đào Nha. Ông có mối quan tâm đặc biệt đối với văn học hiên đại của Bồ Đào Nha và văn học thời Trung cổ của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Là tác giả của khoảng 15 tuyển tập thơ và đã từng được trao tặng nhiều giải thưởng trong nước, ông cũng đồng thời là dịch giả và giảng viên đại học. Từ năm 1996, ông sáng lập và điều hành tạp chí thơ “Tabacaria” ở Lisbonne.
NGUYỄN VĂN DÂNNgười ta cho rằng tiểu thuyết có mầm mống từ thời cổ đại, với cuốn tiểu thuyết Satyricon của nhà văn La Mã Petronius Arbiter (thế kỷ I sau CN), và cuốn tiểu thuyết Biến dạng hay Con lừa vàng cũng của một nhà văn La Mã tên là Apuleius (thế kỷ II sau CN).
HẢI TRUNGSông chảy vào lòng nên Huế rất sâuBản hùng ca của dãy Trường Sơn đã phổ những nốt dịu dàng vào lòng Huế, Hương Giang trở thành một báu vật muôn đời mà tạo hóa đã kịp ban phát cho con người vùng đất này. Chính dòng Hương đã cưu mang vóc dáng và hình hài xứ Huế. Con sông này là lý do để tồn tại một đô thị từ Thuận Hóa đến Phú Xuân và sau này là Kinh đô Huế, hình thành phát triển đã qua 700 năm lịch sử.